Khoa học khí hậu: Truy tìm sự thật hay biện hộ cho sự đồng thuận?
Khoa học, trái ngược với ngụy khoa học - chủ nghĩa cự tuyệt khoa học hoặc thuyết âm mưu, cần một thái độ sẵn sàng khảo cứu kỹ lưỡng các dữ liệu và cởi mở với các giả thuyết, cũng như xem xét chúng và bằng chứng đi kèm với thái độ hoài nghi. Vì bằng chứng thực nghiệm có thể bị thao túng hoặc thậm chí được sử dụng để che dấu một hệ tư tưởng hoặc suy nghĩ viển vông nhằm ủng hộ một giả thuyết cụ thể, cho nên việc khẳng định rằng có tồn tại một “sự đồng thuận” khách quan và bất biến là sai lầm, và thậm chí là không trung thực.
Mặc dù có một số “bằng chứng” được nhiều người chấp nhận, như xu hướng nóng lên toàn cầu, nhưng bản chất của xu hướng này cũng như nguyên nhân dẫn đến biến đổi hoặc nóng lên vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi. Nếu chịu khó để ý kỹ hơn, cách đây không lâu, các nhà khoa học đã từng nhất trí rằng trong dài hạn, nhiệt độ khu vực Bắc Mỹ có xu hướng giảm (xem hình dưới).
Rõ ràng, việc cho rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu là do con người gây ra không hẳn là đã nhận được sự đồng thuận hoàn toàn từ giới khoa học. Trong một thế giới đã quen với “văn hóa tẩy chay”, không có gì đáng ngạc nhiên khi có thể tạo ra một quan điểm thống trị bằng cách trừng phạt, cô lập hoặc loại trừ những quan điểm bất đồng.
Về phần mình, phương pháp khoa học thường bao gồm các bước theo trình tự sau: quan sát, đặt giả quyết, tiên đoán, kiểm nghiệm, phân tích, và hiệu chỉnh. Thế nhưng, bất kỳ lý thuyết nào cũng không thể dựa vào xác minh thực nghiệm để đến được với “sự thật” vì kiểm nghiệm trong tương lai có thể làm sụp đổ lý thuyết đó. Mặc dù khả năng dự báo trở nên hấp dẫn hơn khi chúng ta cung cấp các dữ liệu đáng tin cậy, nhưng khoa học cũng như bất kỳ lý thuyết thực nghiệm nào cũng không thể khám phá ra sự thật, theo đúng nghĩa.
Thực chất, mục đích của khoa học là tìm kiếm thất bại, chứ không phải là sự thật. Như vậy, “các nhà khoa học” có thể làm sai lệch thông tin, bao gồm việc “lấp liếm” số liệu, thu thập và phân tích dữ liệu cẩu thả, mắc phải những sai sót, lừa bịp (ví dụ, làm giả hoặc dàn dựng dữ liệu) hoặc đưa thêm “những ý đồ tốt” do thành kiến trong nhận thức hoặc thiên kiến xác nhận (confirmation bias).
Do đó, tất cả các lý thuyết đều mang tính tạm thời và phải được xem xét lại nếu có bằng chứng tốt hơn hoặc có bằng chứng chống lại nó. Một người hoài nghi là người sẵn sàng bác bỏ những ý tưởng mà họ tin là thiếu bằng chứng và chấp nhận những ý tưởng mới dựa trên các bằng chứng đáng tin cậy và các kết quả có thể tái tạo được.
Thay vì ca tụng kiến thức khoa học truyền thống được dùng để ủng hộ cho một sự đồng thuận, chúng ta nên hoan nghênh sự bất chắc, trung thực và cởi mở làm cơ sở cho khoa học. Thực chất, thái độ khiêm tốn và tự phê đối với công việc của mình cũng quan trọng như những lời phê bình của cộng đồng và tổ chức.
Thật không may là, lòng tin vào “sự thật” liên quan đến hiện tượng nóng lên toàn cầu (và theo đó là biến đổi khí hậu) đã buộc những người nghi ngờ phải im lặng, thậm chí bị truy tố vì phạm tội. Trong khi đó, những khẳng định rằng có “đồng thuận khoa học” tồn tại liên quan đến bản chất và nguyên nhân của những thay đổi thường dẫn những khoản tài trợ và chấp nhận các đề xuất nghiên cứu theo hướng thúc đẩy quan niệm đang giữ thế thượng phong.
Để đạt được mục tiêu đó, năm 2017, 19 cơ quan liên bang đã nhận hơn 13 tỷ đôla tài trợ cho vấn đề biến đổi khí hậu. Tổng chi tiêu cho các nghiên cứu khí hậu từ năm 1989 đến 2009 đã là hơn 32 tỷ đô la, đó là chưa kể đến 79 tỷ đô la chi cho nghiên cứu công nghệ biến đổi khí hậu, viện trợ nước ngoài và giảm thuế cho “năng lượng xanh”. Theo nghĩa đó, nếu phát hiện được rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu hay biến đổi khí hậu không phải là vấn đề mang tính sinh tồn, thì nhiều chức tước và bổng lộc khổng lồ sẽ biến mất
Hóa ra các ảnh hưởng đến khí hậu rất đa dạng và phức tạp, khó khăn hơn hẳn những giả định thông thường. Ví dụ, mặt trời không cung cấp nhiệt độ cố định, Trái đất cũng không quay quanh nó theo một quỹ đạo không đổi, do đó ánh sáng từ mặt trời và chuyển động của Trái đất xung quanh nó góp phần làm thay đổi quá trình cung cấp nhiệt của mặt trời.
Ngoài ra, tác động lên khí hậu của các dòng hải lưu và các hiện tượng khí hậu thường xuyên (ví dụ như El Niño1 và La Niña2) rất phức tạp, gây khó khăn cho việc xác định liệu nhiệt độ bề mặt biển trung bình toàn cầu đang tăng hay giảm. Quả thực là như vậy, đối lưu ở sâu dưới đại dương và xuất hiện ở một số nơi trên thế giới được cho là kết quả của liên kết bề mặt và vùng sâu dưới đại dương, do đó chúng ảnh hưởng đến luân chuyển nhiệt muối và khí hậu toàn cầu.
Trong khi quá trình đối lưu sâu bị gián đoạn theo mùa và liên kết tương đối chặt chẽ, việc quan sát và định lượng sự chuyển dịch của vùng nước sâu, làm cho việc lấy mẫu trở nên khó khăn. Thay đổi độ mặn bề mặt theo năm tháng ảnh hưởng đến tốc độ đối lưu đại dương và tốc độ vận chuyển nhiệt theo hướng cực (luân chuyển nhiệt muối). Nhưng sự thiếu chính xác trong đo đạc những biến đổi như thế trên bình diện toàn cầu không đủ chính xác tạo khó khăn cho việc đưa ra dự đoán đáng tin cậy và mô hình hóa khí hậu dài hạn.
Vì khi nhiệt độ bề mặt biển ấm (SSTs) mới có thể gây ra bão, nhiệt độ bề mặt biển nhiệt đới Đại Tây Dương tăng trên mức bình thường được khẳng định là bằng chứng của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nhưng 1 năm sau khi cơn bão Katrina đổ bộ, mùa bão Đại Tây Dương lại khá yếu, chỉ với 3 cơn bão nhiệt đới chứ không phải là 9 như cùng thời điểm đó cách đấy một năm, khi mà ít nhất một cơn siêu bão nhiệt đới (hurricane)đáng nhẽ đã phải xảy ra.
Các vùng nhiệt đới lớn ở Đại Tây Dương thường lạnh hơn nhiệt độ trung bình một chút, dẫn đến trận bão hạn hán kéo dài 12 năm, dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, và kết thúc vào năm 2017. Từ năm 2003 đến năm 2005, nhiệt độ trung bình trên bề mặt đại dương giảm đáng kể, sự thay đổi này đã đảo ngược 20% quá trình nóng lên mà được cho là đã xảy ra trong 48 năm trước đó.
Điều thú vị là bão hạn hán xảy ra cùng lúc với hạn hán trên đất liền. Trong khi các khu vực ven biển ít mưa đi kèm các cơn bão nhiệt đới và bão cấp 8 để bổ sung nước ngầm, các khu vực đất liền gần đó cũng phải hứng chịu những đợt hạn hán.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động khí hậu thường nhấn mạnh rằng cả hai hiện tượng trên đều do nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên. Nhưng hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ khiến một số khu vực khô hơn và bất lợi hơn cho việc sản xuất lương thực, trong khi các khu vực khác sẽ ẩm ướt hơn và thuận lợi hơn cho nông nghiệp. Trong tất cả các sự kiện nêu trên, chúng ta chưa biết chắc chắn tác động ròng.
Mặc dù sự phức tạp của khí hậu làm chúng ta khó đưa ra các mô hình chính xác và ổn định cho toàn bộ hệ thống nhưng vẫn có các cơ chế phản hồi góp phần ổn định giúp hệ thống khí hậu không vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Các yếu tố này trong hệ thống khí hậu bảo đảm rằng nhiệt độ toàn cầu không biến động quá mức.
Ví dụ, mây và hơi nước có vai trò quyết định trong việc xác định nhiệt độ trung bình toàn cầu. Nhưng vẫn không có ý kiến cụ thể về phản ứng của mây đối với xu hướng nóng lên là do hàm lượng carbon dioxide trong khí quyển tăng chậm. Và cũng không có hiểu biết rõ ràng nào về phản ứng của hệ thống mưa đối với hiện tượng nóng lên.
Mưa là kết quả khi bầu khí quyển bão hòa hơi nước bốc hơi từ bề mặt Trái Đất, và hơi nước gây ra ít nhất 90% hiệu ứng nhà kính trên Trái đất. Do đó, gia tăng tần suất bão có thể là điều tất nhiên và phần nào có hiệu quả của hệ thống khí hậu giúp loại bỏ cả hơi nước trong khí quyển lẫn lượng nhiệt dư thừa ra khỏi đại dương.
Các luận cứ khoa học về biến đổi khí hậu dường như là trung tâm của các chính sách “hành động chống biến đổi khí hậu” sắp tới đang được quảng cáo như một phần của “Cuộc tái lập vĩ đại”, kế hoạch dự báo cần có một thay đổi lớn trong nền kinh tế toàn cầu. Những hạn chế về quyền tự do của con người và tài sản tư nhân do các chính phủ áp đặt để đối phó với đại dịch Covid-19 có thể chỉ là “món khai vị” cho việc tăng cường kiểm soát về chính trị nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Về bối cảnh, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đã ban hành báo cáo thứ sáu kể từ năm 1990, tuyên bố rằng “Mã đỏ cho nhân loại” dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm cả sự gia tăng “không thể đảo ngược” của mực nước biển. Báo cáo khẳng định rằng việc giảm phát thải carbon dioxide và các khí nhà kính khác (GHG) là cấp thiết để cải thiện chất lượng không khí và làm chậm tốc độ gia tăng của nhiệt độ trung bình toàn cầu.
Mặc dù có thể tìm thấy bằng chứng chắc chắn rằng mực nước biển đang dâng lên, nhưng các diễn giải khác của cùng một nguồn dữ liệu cho thấy ảnh hưởng có thể ở mức tối thiểu (tức là 3 inch (1inch = 2.54 cm) trong hơn 100 năm) có khả năng là chúng ta có đủ thời gian để điều chỉnh. Như đã thấy trong báo cáo của IPCC, các cuộc thảo luận về các vấn đề môi trường có xu hướng sử dụng giọng điệu báo động chứ không phải là cách tiếp cận thông tin thuần túy. Thật vậy, các báo cáo trung lập có xu hướng được coi là tích cực quá mức.
Khi khoa học và chính trị hòa quyện vào nhau, kết quả có xu hướng trở thành chính trị ở dạng thuần túy nhất và hạn chế nhất của nó. Nói cho cùng, người ta có thể nghĩ rằng các tác nhân chính trị dù sao có thể trông đợi vào “khoa học” để tạo vỏ bọc cho các can thiệp rộng hay các tuyên bố về việc sử dụng những nguồn lực mà trước đây được coi là không thể chấp nhận được.
Chú thích:
(1) El Nino là từ được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, kéo dài 8 - 12 tháng, hoặc lâu hơn, thường xuất hiện 3 - 4 năm 1 lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn.
(2) La Nina là hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực nói trên lạnh đi dị thường, xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn El Nino. Hiện tượng La Nina có thể xuất hiện ngay khi hiện tượng El Nino suy yếu, nhưng có khi không phải như vậy.
Nguồn: Christopher Lingle, Climate Science: Seeking Truth or Defending Consensus?, AIER, 1/9/2021.