Lẽ Thường (Common Sense) - Chương III (Phần 2)
Mọi biện pháp kín đáo tìm kiếm hòa bình đã không mang lại hiệu quả nào cả. Những lời cầu nguyện của chúng ta đã bị bác bỏ trong khinh miệt; và chỉ thuyết phục chúng ta thấy rõ rằng không có gì tâng bốc lòng kiêu căng hay củng cố sự ngoan cố của những ông Vua cho bằng sự thỉnh cầu liên tục của thần dân—và không có điều gì khác hơn hai điều này khiến cho những ông Vua tại châu Âu trở thành quân chủ độc đoán: Hãy xem Đan-mạch và Thụy-điển là hai thí dụ. Do đó, vì chẳng còn biện pháp gì khác hơn là đánh nhau, cho nên, xin Ơn Trên phù hộ, chúng ta nên đi đến sự phân cách sau cùng, và đừng để cho thế hệ kế tiếp trở nên những kẻ sát nhân, nhân danh cái danh xưng đã bị vi phạm và vô nghĩa là cha-con.
Còn cho rằng người Anh sẽ chẳng bao giờ tìm cách thống trị nước Mỹ nữa là nói chuyện hão huyền và vô ích, như ta đã từng nghĩ khi đạo luật stamp-act bị hủy bỏ, nhưng một hay hai năm qua đi không lừa được chúng ta, cũng như ta có thể giả định là những nước mà đã từng bị đánh bại trong một cuộc xung đột, sẽ chẳng bao giờ nhắc lại cuộc xung đột đó.
Còn đối với những vấn đề của chính quyền, nước Anh không có đủ sức mạnh để đối xử công chính với lục địa này: Công việc sẽ chẳng bao lâu trở nên nặng nề, rắc rối, nước Anh khó lòng mà quản trị được với một mức độ thuận tiện khả dĩ chấp nhận được qua một sức mạnh ở quá xa và chẳng biết gì về những người Mỹ cả. Nếu họ không chinh phục được ta, thì họ sẽ không thể cai trị chúng ta. Nếu cứ mỗi lần nước Mỹ có chuyện gì hay kiến nghị gì, thì lại phải luôn luôn đi ba hay bốn ngàn dặm [sang Anh], rồi đợi bốn hay năm tháng mới có câu trả lời, và câu trả lời lại cần có năm hay sáu văn thư giải thích nữa, cả tiến trình này trong vài năm sẽ cho thấy nó là một tiến trình ấu trĩ và dại dột—Có lúc điều này thích hợp, nhưng cũng có lúc thích hợp hơn để chấm dứt tình trạng đó.
Những hòn đảo nhỏ không có khả năng để tự bảo vệ, là những mục tiêu chính đáng để cho những vương quốc bảo hộ; nhưng có điều rất phi lý khi cho rằng một lục địa có thể bị một đảo quốc cai trị vĩnh viễn. Trong thiên nhiên chưa có thí dụ nào cho thấy có một vệ tinh mà lại to hơn hành tinh chính của nó, như Anh và Mỹ, khi so với nhau, đảo ngược lại trật tự của thiên nhiên, ta thấy hiển nhiên là hai nước thuộc về hai hệ thống khác nhau: nước Anh là ở Âu châu, còn Mỹ nằm trong lục địa của chính mình.
Tôi ủng hộ cho thuyết phân cách và độc lập không phải vì bị xui khiến bởi những động lực như danh vọng, đảng phái, hay bất mãn; tôi được thuyết phục theo chủ thuyết này một cách rõ ràng, tích cực, và cẩn thận vì rằng đó chính là vì quyền lợi thực sự của lục địa này, rằng những đề nghị nào khác chủ trương phân cách và tuyên bố độc lập, chỉ là những biện pháp vá víu, không thể mang lại hạnh phúc lâu dài,—nghĩa là để lưỡi kiếm lại cho con cháu của ta, và chùn bước ở cái thời điểm mà, chỉ cần cố gắng một chút nữa thôi, đi xa thêm một chút thôi, cũng đủ để hoàn lại cho lục địa này sự vinh quang của trái đất.
Vì nước Anh chưa thể hiện một khuynh hướng nào thiên về thỏa hiệp, ta có thể tin chắc rằng không có điều khoản nào được nước Anh đề nghị lại đáng để cho ta chấp nhận, hay tương đương với tài sản và xương máu đã được ta đổ ra.
Cái mục đích, mà ta đang đấu tranh để giành lấy, nên có phần cân xứng tương ứng với những phí tổn phải chi ra. Việc trục xuất North hay dẹp bỏ những hội kín đáng khinh bỉ, không phải là việc đáng cho ta phải tiêu phí hàng triệu đồng. Một sự gián đoạn thương mại tạm thời là một điều bất tiện, có lẽ cũng đủ để cân bằng với sự hủy bỏ tất cả những đạo luật đã bị ta thán, nếu những sự hủy bỏ này đã được thi hành. Nhưng nếu cả lục địa cùng cầm lấy vũ khí, nếu mọi người đều là lính chiến, thì đó sẽ là cuộc chiến không đáng chỉ để chống lại một viên quan đáng khinh nào đó. Các bạn độc giả ơi, chúng ta chịu hao tốn cỡ này chỉ để bãi bỏ những đạo luật thôi ư? Vì chỉ cần ước lượng ta cũng thấy đó là một sự rồ dại để phải trả bằng cái giá của Bunker Hill để hủy bỏ đạo luật, thay vì cho đất nước [độc lập]. Như tôi vẫn hằng quan niệm rằng sự độc lập của lục địa này, là một sự kiện mà chẳng chóng thì chày, cũng phải xảy ra, cho nên từ khi lục địa phát triển một cách nhanh chóng cho đến khi trưởng thành như bây giờ, thì sự kiện này chẳng còn xa nữa. Vì thế khi thái độ thù địch xảy ra, thì chẳng đáng bõ công cho ta nữa để mà tranh luận về một vấn đề mà thời gian đã giải quyết rồi; trừ phi ta muốn chứng tỏ sự nghiêm chỉnh của mình; còn nếu không, thì hành vi đó cũng phí phạm giống như khi ta đem cả tài sản đất đai và nhà cửa ra kiện cáo trước tòa chỉ để cấm không cho người thuê, mà giao kèo thuê mướn với ta đã hết hạn, không được vào khu đất của ta nữa. Không có ai thiết tha với sự hòa hợp, hòa giải hơn tôi, trước khi biến cố định mệnh và chết chóc ngày 19 tháng Tư năm 1775 xảy ra. Nhưng khi tin tức về trận chiến được loan truyền, tôi sẽ không bao giờ còn chấp nhận cái thái độ của nhà vua Anh quốc khi biểu lộ sự cứng rắn nhưng làm ra vẻ buồn rầu của vị Pharaoh Ai cập; tôi khinh thường kẻ khốn nạn đó, kẻ mang cái danh vị hão là cha của muôn dân mà có thể không rung động mảy may khi nghe tiếng rên xiết của con dân đang bị giết hại, và có thể ngủ yên khi máu của người dân đã thấm ướt linh hồn của mình.
Nhưng cứ cho rằng những vấn đề này đã xảy ra rồi, chuyện gì sẽ xảy ra sau đó? Tôi xin trả lời, đó là sự suy tàn của lục địa Mỹ châu. Vì nhiều lý do sau đây.
THỨ NHẤT. Cái quyền cai trị vẫn còn nằm trong tay nhà vua, và cái quyền này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ tiến trình lập pháp tại lục địa này. Và vì như nhà đã từng cho thấy ông ta là kẻ thù thâm căn cố đế của tự do, và đã để lộ ra sự khao khát quyền lực độc đoán, thì liệu ông có phải là người sẽ nói với các thuộc địa là “CÁC NGƯƠI SẼ KHÔNG ĐƯỢC BAN HÀNH LUẬT GÌ NGOẠI TRỪ NHỮNG GÌ TA MUỐN” không? Và còn có cư dân nào của lục địa Mỹ châu mà lại có thể quá dốt nát đến nỗi không biết được rằng, căn cứ trên cái hiến pháp hiện hành, thì lục địa này không được tự làm ra luật mà chỉ tuân theo luật pháp do nhà vua ban hành; và còn có kẻ nào quá khờ khạo đến nỗi không thấy được rằng (căn cứ trên những sự kiện đã xảy ra) y sẽ không phải chịu sự cai quản của luật pháp do lục địa này ban hành, nhưng chính là những luật lệ phù hợp với ý định của nhà vua. Chúng ta có thể bị nô lệ hóa một cách toàn diện vì không có luật pháp tại Mỹ, cũng như vì những luật lệ được tạo ra để cai trị chúng ta từ nước Anh. Sau khi những vấn đề này đã xảy ra rồi (như ta vẫn thường nói) liệu có ai còn chút nghi ngờ nào không về toàn bộ quyền lực của nhà vua sẽ được áp đặt để giữ cho lục địa này càng trở nên thấp kém và hèn mọn chừng nào thì càng tốt chừng ấy? Thay vì tiến về phía trước thì chúng ta lại phải đi ngược lại [dòng tiến hóa], hay cứ phải tranh cãi liên miên [với triều đình] hay dâng lên những kiến nghị lố bịch.—Chẳng phải chúng ta đã lớn mạnh hơn ý muốn của nhà vua, và chẳng phải là nhà vua, từ nay trở đi, muốn chúng ta trở nên yếu kém hơn hay sao? Vấn đề rút lại dẫn đến điểm sau đây. Có phải cái quyền lực ganh ghét với hậu duệ của ta là quyền lực chính đáng để cai trị ta không? Những ai trả lời KHÔNG cho câu hỏi này là những người ĐỘC LẬP, vì sự độc lập không có nghĩa nào khác hơn là, từ nay hoặc chúng ta sẽ tự làm lấy luật pháp cho chính mình, hoặc nhà vua, kẻ thù lớn nhất của lục địa từ trước tới giờ, bảo ta rằng “Không có luật lệ gì cả ngoại trừ những gì ta thích.”
Nhưng có người sẽ nói rằng nhà vua có quyền phủ quyết tại Anh; dân Anh không thể làm luật mà không có sự đồng ý của nhà vua. Xét về phương diện chính đáng và theo trật tự tự nhiên, thì có một điều rất lố bịch, là một thanh niên 21 hay 22 tuổi (chuyện này vẫn thường xảy ra) lại bảo cho vài triệu người lớn tuổi hơn và khôn hơn mình là ta cấm những quyết định này hay quyết định kia của các ngươi trở thành luật. Về điểm này, tôi không chấp nhận cách trả lời như vậy, dù tôi sẽ chẳng bao giờ ngưng công việc vạch trần sự ngớ ngẩn vừa nêu, và chỉ trả lời rằng Anh quốc là đất nơi nhà vua ở, còn Mỹ thì không phải như vậy và là một trường hợp hoàn toàn khác. Quyền phủ quyết của nhà vua tại Đây thì nguy hiểm và chí tử hơn ở Anh gấp mười lần, vì tại đó, nhà vua sẽ ít khi nào từ chối một đạo luật khiến cho Anh quốc trở nên có khả năng phòng vệ càng mạnh càng tốt, còn ở Mỹ thì nhà vua chẳng khi nào chịu để một đạo luật như vậy được thông qua.
Mỹ châu chỉ là vật phụ trong hệ thống chính trị của Anh quốc, nước Anh chỉ lưu ý đến điều tốt cho nước Mỹ chỉ trong phạm vi mục đích của họ mà thôi. Do đó vì quyền lợi, nước Anh sẽ buộc phải kềm hãm sự phát triển của chúng ta nếu những sự phát triển này không giúp cho sự gia tăng lợi thế của nước Anh, hay ít ra là những sự phát triển của ta không làm cản trở sự phát triển những lợi thế của Anh quốc. Đang là một nước đẹp đẽ thế này, ta sắp phải rơi vào tay một chính quyền cũ kỹ, xin hãy nghĩ xem chuyện gì đã xảy ra! Người ta không thay đổi từ thù sang bạn chỉ vì cái tên thay đổi: Và để chứng minh rằng hòa hợp, hòa giải là một lý thuyết nguy hiểm, tôi quả quyết rằng: Đó chính là chính sách của nhà vua vào lúc này nhằm bãi bỏ những đạo luật hầu cho có thể tái lập sự cai trị của mình đối với các tỉnh. Làm như thế, nhà vua có thể qua những thủ đoạn quỷ quyệt, đạt được mục đích của mình trong dài hạn, mà trong ngắn hạn không thể đạt được qua bạo lực và sức mạnh. Hòa hợp, hòa giải và sự suy vong có quan hệ mật thiết với nhau.
THỨ HAI. Ngay cả trong trường hợp có được những điều khoản tốt đẹp nhất mà ta có thể mong là sẽ đạt được, thì cũng chẳng khác gì hơn là một sự mưu chước mang lại cái lợi tạm thời, hay một loại chính quyền bảo hộ; một loại chính quyền mà không thể tồn tại được khi những thuộc địa đã trưởng thành, lúc đó thì bộ mặt chung và tình trạng chung, trong giai đoạn chuyển tiếp tạm thời sẽ bị xáo trộn và không có gì chắc chắn hết. Những người di dân có tài sản sẽ không lựa một nước mà chính quyền được treo trên đầu sợi chỉ và lúc nào cũng sắp bị đổ sụp vì tranh chấp và bất ổn để định cư; và những người dân hiện đang cư ngụ sẽ vì tình trạng này mà thôi làm việc và [cuối cùng là] bỏ lục địa này mà đi.
Nhưng lập luận có tính thuyết phục trong tất cả những lập luận, là, chỉ có sự độc lập, nghĩa là tạo ra một mô hình chính quyền của chúng ta trên lục địa này, mới có thể giữ được nền hòa bình tại Mỹ châu và tránh cho nó không rơi vào những cuộc nội chiến. Tôi rất sợ sự hòa hợp, hòa giải với Anh quốc trong lúc này, vì với một xác suất rất cao, sự hòa hợp sẽ dẫn tới một cuộc nổi dậy của những người dân Mỹ [mà không chấp nhận hòa hợp] tại một vùng nào đó, và những hậu quả của nó còn có nguy cơ chí tử hơn là sự hiểm độc và ác tâm của Anh quốc.
Hàng ngàn người đã bị hủy diệt vì sự dã man của Anh quốc; (hàng ngàn người khác có lẽ cũng sẽ chịu số phận tương tự). Họ có những tình cảm khác hơn chúng ta là những người không có gì để mà đau khổ. Tất cả những gì họ sở hữu bây giờ là sự tự do, những gì họ có để mà hưởng dụng trong quá khứ bị hy sinh cho sự phục vụ Anh quốc, và bây giờ không còn gì để mất, họ coi khinh sự khuất phục. Thêm vào đó, tâm tình chung của tất cả những thuộc địa đối với chính quyền Anh quốc, cũng giống tâm tình của một người trẻ tuổi sắp trưởng thành, chẳng còn mấy quan tâm đến mẫu quốc nữa. Và một chính quyền mà không thể bảo tồn được sự an bình và trật tự, thì chính quyền đó không xứng đáng được gọi là chính quyền, và trong trường hợp đó chúng ta trả tiền (thuế) mà chẳng được gì hết mà chỉ biết cầu xin xem Anh quốc có thể làm gì với các uy quyền chỉ có trên giấy, nếu có sự bất ổn dân sự xảy ra ngay sau khi hòa hợp, hòa giải! Tôi có nghe một số người, mà có nhiều người trong số này tôi tin là nói mà không suy nghĩ, đã nói rằng họ rất e sợ sự độc lập, vì độc lập sẽ dẫn đến nội chiến. Trong rất nhiều trường hợp, những suy nghĩ ban đầu của chúng ta là thực sự đúng đắn, và đó là trường hợp này; vì để nối kết lại mối quan hệ [với Anh quốc] thì còn đáng ngán ngẩm hơn giành độc lập gấp mười lần. Tôi đứng về phía những người đã chịu đau khổ, và tôi phản đối rằng nếu như tôi bị đuổi khỏi nhà cửa, ruộng vườn, tài sản tôi bị tàn phá, và hoàn cảnh sinh sống của tôi bị hủy diệt, thì là một người có lý trí, tôi chẳng bao giờ có thể thưởng thức được cái lý thuyết hòa giải, hay tự buộc mình vào trong cái lý thuyết đó.
Những thuộc địa đã thể hiện một tinh thần tôn trọng trật tự và tuân phục chính quyền lục địa cao độ, khiến cho mọi người có hiểu biết đều cảm thấy dễ dàng và vui vẻ. Chẳng có ai có thể viện cớ này, cớ nọ—những cớ rất ngớ ngẩn và trẻ con—để biện minh cho sự e ngại của họ về chính quyền lục địa, thí dụ như một thuộc địa sẽ tìm cách vượt trội hơn thuộc địa khác.
Khi không có sự phân biệt nào hết, thì cũng không có sự ưu việt [nào được ghi nhận]; không có chỗ cho sự cám dỗ [hơn thua], nếu có sự bình đẳng hoàn toàn. Tất cả những nền cộng hòa tại Âu châu (và ta có thể nói là) luôn luôn có được hòa bình. Hà-lan và Thụy-sĩ không có chiến tranh, quốc ngoại hay quốc nội: Có một thực tế là những chính quyền quân chủ chẳng bao giờ ngồi yên được; chính cái ngai vàng là sự cám dỗ khiến cho những tên vô lại nổi lên ở trong nước, và mức độ kiêu căng và tự phụ mà luôn luôn hiện hữu trong vương quyền, sẽ ngày càng căng phồng lên và va chạm với những thế lực nước ngoài, như nhiều thí dụ đã minh chứng. Còn một chính quyền cộng hòa, được tạo ra bởi những nguyên tắc thuận theo tự nhiên, sẽ tìm cách thương thảo sự sai lầm.
Nếu thực sự có một nguyên do nào khiến cho người ta e sợ sự độc lập, đó là vì chưa có một kế hoạch nào được thiết lập. Người ta không thấy có lối thoát—vì thế, để mở đầu cho sự thảo luận này, tôi xin đưa ra những gợi ý sau đây, và cũng xin xác nhận với tất cả sự khiêm tốn của mình là tôi không có ý cho rằng những gợi ý này là hay ho nhưng có thể là bước khởi đầu cho một điều gì đó tốt đẹp hơn. Nếu ta có thể thu thập được những ý tưởng rời rạc của nhiều người, thì những ý tường này có thể sẽ tạo thành những chất liệu cho những người khôn ngoan và có khả năng cải biến thành những tư tưởng hữu dụng.
Hàng năm sẽ tổ chức những hội nghị, do một chủ tịch điều hành. Con số đại biểu thì lựa ra gần bằng nhau. Công việc của nghị hội chỉ thuần túy về những vấn đề đối nội, và chịu thẩm quyền của Quốc hội Lục địa.
Mỗi một thuộc địa sẽ được chia thành sáu, tám, hoặc mười đơn vị sao cho thích hợp. Mỗi đơn vị sẽ gửi một số đại biểu tương ứng lên Quốc hội, sao cho mỗi thuộc địa đều có ít nhất là 30 đại biểu. Tổng số đại biểu trong Quốc hội sẽ có tối thiểu là 390 người. Mỗi kỳ họp Quốc hội Lục địa, đại biểu sẽ chọn một chủ tịch theo phương thức sau: trước hết, các đại biểu chọn một trong tổng số 13 thuộc địa, theo phương cách bốc thăm, và bỏ ra ngoài. Sau đó toàn Quốc hội bầu ra một chủ tịch (bằng lá phiếu) từ trong thuộc địa được chọn ra lúc đầu. Kỳ họp Quốc hội kế tiếp, một thuộc địa lại được chọn ra từ 12 thuộc địa còn lại của kỳ họp trước, và cứ thế tiếp tục để cho toàn thể 13 thuộc địa đều có cơ hội có vị chủ tịch (tổng thống) luân phiên được bầu ra. Và một đạo luật được thông qua chỉ khi hội đủ đa số thỏa đáng là quá ba phần năm số đại biểu Quốc hội—Kẻ nào mà muốn tạo ra bất ổn trong một cơ cấu chính quyền được thiết lập quân bình như vậy, thì kẻ đó xứng đáng bị đày xuống địa ngục với quỷ sứ Lucifer.
Nhưng có một điểm tế nhị đặc biệt là dựa trên cơ sở [quyền lực] nào hay theo cách thức nào để thiết lập quốc hội đầu tiên, nhưng vì cái cơ sở thích hợp nhất và hợp với lý luận nhất mà ai cũng thấy là quyền lực đó phải xuất phát từ một bộ phận trung gian giữa kẻ bị trị và người cai trị, nghĩa là giữa Quốc hội và người dân. Cho nên, hãy triệu tập một Đại hội Lập Hiến Lục Địa, theo phương thức và nhằm mục đích sau đây.
Một ủy ban gồm có 26 thành viên của Quốc hội, nghĩa là mỗi thuộc địa có hai người (13 thuộc địa). Hai thành viên từ mỗi viện của quốc hội, hay từ đại hội toàn tỉnh, và năm đại biểu thuộc quần chúng nói chung được bầu ra từ đại hội toàn tỉnh bởi những cử tri hội đủ tiêu chuẩn đến từ mọi vùng của tỉnh đó, hoặc là để tiện lợi hơn, đại biểu có thể được bầu ra từ hai hay ba vùng có đông dân số nhất. Đại hội, khi được triệu tập theo phương thức này, sẽ được kết hợp bởi hai nguyên tắc lớn là Kiến thức và Quyền lực. Những thành viên của Quốc hội, hay nghị hội, là những người đã có kinh nghiệm về những vấn đề quốc gia, sẽ là những nhà cố vấn đưa ra những lời khuyên hữu ích, và toàn thể đại hội, vì được ủy quyền của toàn dân sẽ có thực sự có tư cách và uy quyền hợp pháp [để quyết định những vấn đề trong đại hội].
Khi những đại biểu họp lại trong Hội nghị, nhiệm vụ của họ là soạn thảo một cái gọi là Hiến Chương Lục Địa Mỹ, hay là Hiến chương của Liên Hiệp các Thuộc Địa; (để đối lại với cái gọi là Đại Hiến Chương của Anh quốc). [Các đại biểu này sẽ] ấn định con số và cách thức lựa chọn đại biểu cho Quốc hội của Lục địa, đại biểu của quốc hội các thuộc địa, nhiệm kỳ của từng cơ quan và phân định nhiệm vụ và thẩm quyền của từng cơ quan: (Luôn luôn nên nhớ rằng sức mạnh của chúng ta nằm ở lục địa chứ không nằm ở từng địa phương). Bảo đảm tự do và tài sản cho tất cả mọi người, và trên hết là quyền tự do tôn giáo tuân theo tiếng gọi của lương tâm; và những vấn đề cần thiết khác. Ngay sau khi hoàn thảnh những nhiệm vụ này, thì Hội nghị (lập hiến) này được giải tán, và những cơ quan, nhân sự được lựa chọn theo các điều khoản của Hiến Chương, sẽ là những nhà lập pháp hay thống đốc của lục địa này trong lúc đó: Xin Thượng Đế giữ gìn sự bình an và hạnh phúc cho những người này. Amen.
Nếu có những ai sau này được ủy thác nhiệm vụ này hay cho mục đích tương tự, tôi xin gửi tới họ câu nói sau đây của Dragonetti, một bình luận gia uyên bác về chính trị: “Cái tri thức của một chính trị gia chỉ cốt ở có một điều là xác định được điểm [cân bằng] chính xác của hạnh phúc và tự do. Những người đó, những người đã khám phá ra cái mô thức chính quyền mà trong đó bao gồm tổng số lớn nhất của những hạnh phúc cá nhân, những người đó xứng đáng được hậu thế biết ơn.”
Nhưng, có người sẽ hỏi, ai sẽ là Vua của nước Mỹ? Tôi xin trả lời. Bạn ơi, nhà vua này ngự trị ở bên trên và không gây ra những sự tác hại như Hoàng gia hung ác của Anh quốc. Nhưng để không mất đi phần trang trọng của thế tục, hãy long trọng chọn một ngày dành riêng ra để công bố Hiến Chương; hãy để Hiến Chương này thay chỗ của luật thánh, lời của Thượng Đế; hãy đặt lên trên đó một vương miện để cho thế giới biết rằng, trong giới hạn của cái chế độ quân chủ mà ta chấp thuận được, thì tại Mỹ LUẬT LÀ VUA. Vì nếu trong những chính quyền tuyệt đối, Nhà Vua là luật, thì ở những nước tự do Luật phải là Vua, và không có ai trên hết nữa. Nhưng để tránh những sự lạm dụng có thể xảy ra, khi nghi lễ công bố Hiến Chương đã chấm dứt, thì cái vương miện này nên được đập tan và rải ra cho quần chúng, tức là những người nắm thực quyền.
Có được một chính quyền do chính mình lập nên là một cái quyền tự nhiên của chúng ta: Và khi ta suy ngẫm một cách nghiêm chỉnh về những sinh hoạt của con người, ta sẽ phải tin rằng sự hình thành một hiến pháp do chính ta soạn thảo sau những thảo luận và cân nhắc đắn đo và điềm tĩnh, khi ta nắm quyền hành, thì đó sẽ là điều khôn ngoan hơn và an toàn hơn gấp ngàn vạn lần nếu ta để mặc công việc trọng đại đó cho vận số và tới đâu thì tới. Nếu ta chểnh mảng trong công việc này, thì một gã Massanello nào đó, [vì] nắm được sự bất ổn của quần chúng và tụ họp được những kẻ liều mạng và bất mãn để giành lấy quyền lực chính trị, có thể quét sạch mọi tự do trên lục địa này như một cơn hồng thủy. Giả như mà chính quyền Mỹ bị buộc phải trở lại tay của Anh quốc, thì tình trạng còn đang lung lay này sẽ là một điều cám dỗ đối với những kẻ phiêu lưu tuyệt vọng để ra tay thử thời vận [giành lấy chính quyền]; lúc đó Anh quốc làm được gì? Trước khi nước Anh sẽ nhận được tin báo này, thì sự việc mang tính chất chí tử này có lẽ đã xảy ra xong rồi, và chúng ta sẽ chịu đau khổ như những người dân Anh bất hạnh phải chịu đựng sự đàn áp của những kẻ Chiến Thắng. Những ai mà chống lại sự độc lập bây giờ, các người không biết là mình đang làm gì; các bạn đang mở tung cánh cửa cho sự độc tài chuyên chế chiếm ngự vĩnh viễn, vì tạo ra khoảng trống chính trị. Có hàng ngàn và hàng chục ngàn người đã từng nghĩ rằng đó là một điều vinh quang khi trục xuất được khỏi lục địa này cái quyền lực man rợ và quỷ quái đó, cái quyền lực đã xúi giục những người thổ dân Da Đỏ và dân Da Đen tiêu diệt chúng ta; sự độc hại này chất chứa một tội lỗi kép; đó là đối xử tàn bạo với chúng ta bằng thủ đoạn gian ngoan.
Nói đến chuyện hữu nghị với những kẻ mà lý trí không cho phép ta tin tưởng, và ta phải ghê tởm vì tình cảm của đã bị thương tổn bởi hàng ngàn vết thương do họ gây ra, là điên rồ và dại dột. Mỗi ngày qua đi làm hao mòn thêm chút tình nghĩa nhỏ nhoi còn sót lại giữa ta và họ, và có thể có lý do nào để hy vọng là khi mối quan hệ đã hết thì tình cảm sẽ gia tăng không? Hay là ta và họ sẽ tìm được sự thỏa thuận tốt hơn khi ta và họ có nhiều vấn đề để tranh cãi với nhau không?
Hỡi các anh, những người từng nói với chúng tôi về hòa hợp và hòa giải, liệu các anh có phục hồi lại được cho chúng tôi một thời đã qua? Liệu các anh có hoàn lại được cho gái làng chơi sự ngây thơ ban đầu của họ? [Nếu các anh không làm được việc này, thì] các anh cũng sẽ không thể hòa giải được những xung đột giữa Anh và Mỹ. Mối quan hệ cuối cùng đã bị cắt đứt, người dân Anh đang đưa ra những văn kiện chính thức chống lại chúng ta. Đó là những xúc phạm mà thiên nhiên cũng không thể tha thứ được, nếu thiên nhiên mà dung thứ được những xúc phạm này thì thiên nhiên sẽ không còn là thiên nhiên nữa. Tương tự như thế, liệu một người có thể tha thứ cho kẻ đã cuỗm mất người yêu của mình không, cũng như lục địa này có thể tha thứ cho những kẻ sát nhân Anh quốc hay không? Thượng Đế đã gieo trồng trong chúng ta những tình cảm không thể dập tắt được cho những mục đích tốt và khôn ngoan. Những tình cảm này là thần bảo hộ cho hình ảnh của Ngài trong tâm trí chúng ta, khiến cho ta khác với một bầy đàn súc vật. Giao ước xã hội sẽ tan rã, và sự công chính sẽ bị nhổ bật gốc khỏi trái đất này, hay chỉ còn lại một sự hiện hữu sơ sài giữa những con người với nhau nếu ta đã chai cứng không còn biết rung động vì tình cảm nữa. Kẻ cướp và những kẻ sát nhân, thường vẫn có thể thoát khỏi bị trừng phạt, nhưng những sự tổn thương gây ra cho tâm tình chúng ta, khiến cho ta phải đòi hỏi công lý.
Hỡi những người yêu mến nhân loại! Những người dám chống đối, không những chỉ sự độc tài, mà còn chống luôn những kẻ độc tài, hãy đứng dậy! Mọi nơi trên cái quả đất cũ kỹ này đã bị sự đàn áp dày xéo. Tự do đã bị săn đuổi trên toàn quả địa cầu. Á châu và Phi châu đã trục xuất tự do—Âu châu đã coi tự do là kẻ lạ, và Anh quốc đã cảnh cáo tự do nên cút xéo khỏi nước Anh. Ôi, hãy đón nhận những người đang lánh nạn, và cùng lúc chuẩn bị một chốn nương thân cho nhân loại.
(Hết)
Nguồn: Học viện Công dân: Lẽ Thường (Common Sense) – Thomas Paine.