[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương IX: Đảo ngược sự phát triển (Phần 1)

[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương IX: Đảo ngược sự phát triển (Phần 1)

GIA VỊ VÀ DIỆT CHỦNG

QUẦN ĐẢO MOLUCCA thuộc Indonesia ngày nay bao gồm ba nhóm quần đảo. Vào đầu thế kỷ 17, các đảo Molucca ở phía bắc là lãnh thổ của ba vương quốc độc lập Tidore, Ternate và Bacan. Các đảo Molucca ở giữa thuộc đảo quốc Ambon. Ở phía nam là các đảo Banda, một quần đảo nhỏ lúc bấy giờ vẫn còn chưa thống nhất về chính trị. Mặc dù có vẻ xa lạ với chúng ta ngày nay, cách đây hơn ba thế kỷ, quần đảo Molucca đóng một vai trò chủ chốt trong bản đồ thương mại thế giới bởi chúng là nơi duy nhất sản xuất các loại gia vị quý giá như đinh hương (clove), nhục đậu khấu (mace) và trái chùy (nutmeg). Trong số đó, nhục đậu khấu và trái chùy chỉ có thể mọc ở các đảo Banda. Cư dân của các đảo này trồng và xuất khẩu các loại gia vị hiếm có này để đổi lấy thức ăn và hàng công nghiệp với đảo Java, với trung tâm buôn bán Melaka thuộc bán đảo Malaysia, và với Ấn Độ, Trung Quốc và vương quốc Ảrập.

Lần đầu tiên cư dân của quần đảo thiết lập quan hệ với người châu Âu là vào thế kỷ 16, khi những thủy thủ Bồ Đào Nha ghé qua đảo để mua gia vị. Trước đó, các loại gia vị này được vận chuyển đến châu Âu qua ngả Trung Đông, bằng các con đường thương mại do đế chế Ottoman kiểm soát. Người châu Âu đã tìm kiếm một con đường vòng qua châu Phi hay băng qua biển Đại Tây Dương để trực tiếp tiếp cận với Quần đảo Gia Vị và ngành buôn gia vị. Năm 1488 nhà hàng hải Bồ Đào Nha Bartolomeu Dias đã đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, và đến năm 1498 thì Vasco da Gama đến được Ấn Độ theo cùng một lộ trình đường biển. Lần đầu tiên người châu Âu có được một tuyến đường độc lập riêng của họ để đến Quần đảo Gia Vị.

Bản đồ 14: Đông Nam Á, Quần đảo Gia Vị, Ambon và Banda năm 1600 (p. 330)

Người Bồ Đào Nha ngay lập tức tiến hành kế hoạch kiểm soát ngành thương mại gia vị. Họ chiếm đóng Melaka vào năm 1511. Nằm tại vị trí chiến lược ở phía tây bán đảo Malaysia, Melaka là địa điểm tập hợp của các thương gia trên khắp khu vực Đông Nam Á đến chào bán gia vị của họ cho các thương gia khác đến từ Ấn Độ, Trung Quốc và Ảrập trước khi chúng được vận chuyển sang phương Tây. Nhà du hành người Bồ Đào Nha Tomé Pires đã viết về điều này vào năm 1515: “Việc buôn bán và thương mại giữa các quốc gia cách nhau cả nghìn hải lý phải được tiến hành ở Melaka… Chúa tể xứ Melaka là người nắm yết hầu thành phố Venice”.

Nắm được Melaka trong tay, người Bồ Đào Nha đã tiến hành các kế hoạch để độc chiếm ngành buôn gia vị đầy giá trị. Họ đã thất bại.

Những đối thủ cạnh tranh của họ không phải là các quốc gia hạng xoàng. Từ thế kỷ 14 đến 16, nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á phát triển mạnh dựa vào việc buôn bán gia vị. Các thành bang như Aceh, Banten, Melaka, Makassar, Pegu và Brunei lớn mạnh nhanh chóng nhờ vào việc trồng và xuất khẩu các loại gia vị cùng với các sản phẩm khác như gỗ.

Các thành bang này có chế độ chính phủ chuyên chế tương tự như các quốc gia châu Âu cùng thời. Sự phát triển các thể chế chính trị của họ cũng được thúc đẩy bởi các quá trình tương tự, bao gồm cả thay đổi công nghệ trong chiến tranh và ngoại thương. Các thể chế nhà nước trở nên trung ương tập quyền hơn, với một vị vua đứng đầu nắm toàn bộ quyền lực. Cũng giống như các hoàng đế độc đoán ở châu Âu, các vị vua ở Đông Nam Á phụ thuộc nhiều vào nguồn lợi tức từ thương mại, họ vừa tham gia vào các hoạt động thương mại, vừa trao độc quyền mua bán cho các tầng lớp quyền thế địa phương và nước ngoài. Cũng giống như trong chế độ chuyên chế ở châu Âu, chính sách này mang lại một sự tăng trưởng kinh tế nhất định nhưng không phải là một hình thức thể chế kinh tế lý tưởng để mang lại sự giàu mạnh về kinh tế, vì nó tạo ra những rào cản gia nhập ngành rất lớn và quyền sở hữu tài sản bấp bênh. Nhưng quá trình thương mại hóa vẫn đang diễn ra trong khu vực ngay cả khi người Bồ Đào Nha đang cố gắng nắm quyền kiểm soát khu vực biển Ấn Độ Dương.

Sự hiện diện của người châu Âu trong khu vực ngày càng gia tăng và cùng với sự xuất hiện của người Hà Lan thì ảnh hưởng của họ ngày một lớn hơn. Người Hà Lan nhanh chóng nhận ra rằng việc giữ độc quyền cung cấp gia vị quý giá từ quần đảo Molucca sẽ mang lại cho họ nhiều lợi nhuận hơn là cố cạnh tranh với những thương nhân địa phương hay châu Âu khác. Vào năm 1600 họ thuyết phục quốc vương đảo Ambon ký một hiệp ước cho phép họ độc quyền buôn bán đinh hương ở Ambon. Khi Công ty Đông Ấn Hà Lan được thành lập năm 1602, những nỗ lực của người Hà Lan để nắm giữ toàn bộ ngành thương mại gia vị và loại bỏ các đối thủ cạnh tranh bằng mọi giá, kể cả dùng thủ đoạn, đã đem lại kết quả tốt cho Hà Lan nhưng kết quả xấu cho khu vực Đông Nam Á. Công ty Đông Ấn Hà Lan là công ty cổ phần thứ hai được thành lập ở châu Âu, sau Công ty Đông Ấn Anh Quốc - một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển công ty hiện đại mà sau đó sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển công nghiệp châu Âu. Nó cũng là công ty thứ hai có quân đội riêng và có quyền xâm chiếm và thuộc địa hóa các lãnh thổ khác. Giờ đây bằng sức mạnh quân sự của Công ty Đông Ấn Hà Lan, người Hà Lan tiến hành loại bỏ tất cả những ai có khả năng can thiệp vào ngành buôn gia vị để cưỡng chế hiệp ước của họ với quốc vương đảo Ambon. Họ chiếm giữ một pháo đài chủ chốt của người Bồ Đào Nha vào năm 1605 và dùng vũ lực trục xuất tất cả các thương nhân khác. Sau đó họ mở rộng phạm vi về phía các đảo Molucca ở phía bắc, buộc các quốc vương đảo Tidore, Ternate và Bacan phải đồng ý không cho phép trồng hay buôn bán đinh hương trên lãnh thổ của họ. Thậm chí họ còn ép Ternate phải đồng ý cho phép người Hà Lan được đến và tiêu hủy tất cả các cây đinh hương tìm thấy trên đảo.

Đảo Ambon được cai trị theo cách thức giống như phần lớn châu Âu và châu Mỹ vào thời đó. Người dân đảo phải triều cống cho quốc vương của họ và bị buộc lao động cưỡng bức. Ngươi Hà Lan đã tiếp quản và tăng cường những phương thức cai trị này để bòn rút được nhiều sức lao động hơn và thu được nhiều đinh hương hơn. Trước khi có sự xuất hiện của người Hà Lan, các hộ gia đình gồm nhiều thế hệ trong một nhà phải cống nộp đinh hương cho tầng lớp thống trị đảo Ambon. Người Hà Lan giờ đây quy định rằng mỗi hộ gia đình buộc phải canh tác và trồng một số lượng cây đinh hương nhất định. Các hộ gia đình còn có nghĩa vụ phải lao dịch cho người Hà Lan.

Người Hà Lan còn nắm giữ các đảo Banda, dự định nắm độc quyền buôn bán trái chùy và nhục đậu khấu. Nhưng các hòn đảo Banda được tổ chức hoàn toàn khác với đảo Ambon. Chúng bao gồm những thành bang nhỏ, tự chủ, và không có một cấu trúc chính trị hay xã hội phân tầng nào. Những quốc gia nhỏ này, trên thực tế không khác gì những thị trấn nhỏ, được điều hành thông qua các cuộc họp làng với sự tham gia của các công dân. Không hề có một thể chế quyền lực tập trung nào để người Hà Lan có thể dùng vũ lực buộc họ phải ký một hiệp ước độc quyền và không có hệ thống cống nạp nào hiện diện để họ có thể tiếp thu và nắm giữ toàn bộ nguồn cung cấp nhục đậu khấu và trái chùy. Thoạt tiên điều này có nghĩa là người Hà Lan phải cạnh tranh với thương gia Anh, Bồ Đào Nha, Ấn Độ và Trung Quốc, và không thể mua được gia vị nếu không trả giá cao. Khi những dự định ban đầu của người Hà Lan nhằm thiết lập độc quyền trái chùy và đậu khấu bị thất bại, thống đốc đảo Batavia người Hà Lan, Jan Pieterszoon Coen, nghĩ ra một kế hoạch khác. Coen thành lập Batavia trên đảo Java và biến nó thành thủ đô mới của Công ty Đông Ấn Hà Lan vào năm 1618. Năm 1621, ông ta chỉ huy một hạm đội, dong thuyền sang quần đảo Banda và tàn sát gần như toàn bộ dân cư trên các đảo, có lẽ khoảng 15 nghìn người. Tất cả vua chúa, giai cấp cai trị đều bị hành quyết cùng với hầu hết dân chúng, và chỉ một ít người được phép sống sót đủ để duy trì bí quyết trồng trái chùy và nhục đậu khấu. Sau khi cuộc thảm sát kết thúc, Coen tiến hành thiết lập một cơ cấu chính trị và kinh tế cần thiết cho kế hoạch của ông ta: một xã hội đồn điền. Các hòn đảo được chia thành 68 lô, giao cho 68 người Hà Lan, chủ yếu là cựu nhân viên và nhân viên đương nhiệm của Công ty Đông Ấn Hà Lan. Những chủ đồn điền mới này được những cư dân đảo Banda sống sót dạy cách sản xuất gia vị và có thể mua nô lệ từ Công ty Đông Ấn để làm việc và sản xuất gia vị trên những hòn đảo giờ đây gần như vắng bóng người. Và số gia vị này phải được bán lại cho công ty theo giá cố định.

Các thể chế mang tính chiếm đoạt do người Hà Lan tạo ra ở Quần đảo Gia Vị đem lại cho họ những kết quả mong đợi cho dù cái giá phải trả ở quần đảo Banda là 15 nghìn mạng người vô tội và việc thành lập một tập hợp những thể chế kinh tế và chính trị ngăn cản sự phát triển của quần đảo. Vào cuối thế kỷ 17, người Hà Lan đã làm giảm khoảng 60% nguồn cung gia vị trên thị trường thế giới và làm tăng gấp đôi giá bán nhục đậu khấu.

Người Hà Lan áp dụng chiến lược mà họ đã triển khai một cách mỹ mãn ở quần đảo Molucca trên toàn khu vực, để lại những ảnh hưởng sâu rộng đối với các thể chế kinh tế và chính trị cho khu vực Đông Nam Á. Sự phát triển và mở rộng thương mại của một số quốc gia trong khu vực vốn bắt đầu từ thế kỷ 14 và đã diễn ra trong một thời gian dài bắt đầu đi thụt lùi. Ngay cả các chính thể không trực tiếp bị Công ty Đông Ấn Hà Lan thuộc địa hóa và đàn áp cũng chuyển sang hướng nội và từ bỏ thương mại. Sự thay đổi kinh tế và chính trị non trẻ ở Đông Nam Á đã bị chặn đứng ngay từ những bước đi chập chững.

Để tránh mối hiểm họa từ Công ty Đông Ấn Hà Lan, nhiều quốc gia đã từ bỏ việc trồng các loại cây xuất khẩu và chấm dứt các hoạt động thương mại. Tự cấp tự túc thì an toàn hơn là phải đối mặt với người Hà Lan. Vào năm 1620 chính phủ Banten trên đảo Java đã chặt tất cả hồ tiêu với hy vọng điều này sẽ khiến người Hà Lan để họ được yên. Khi một thương nhân Hà Lan đến thăm đảo Maguindanao ở phía nam Philippines vào năm 1686, ông ta được cho biết rằng: “Giống như ở Malaku, ở đây cũng trồng được nhục đậu khấu và đinh hương. Nhưng giờ thì không còn các loại cây này nữa bởi vì vị quốc vương cũ Raja đã ra lệnh phá bỏ tất cả chúng trước khi ông qua đời. Ông sợ rằng Công ty Hà Lan sẽ đến và gây chiến với đảo vì những cây gia vị này”. Những gì mà một thương gia khác nghe được về quốc vương đảo Maguindanao vào năm 1699 cũng không có gì khác: “Nhà vua đã cấm việc tiếp tục trồng hồ tiêu để ngài không bị vướng vào chiến tranh với Công ty [Hà Lan] hoặc với những quốc gia khác”. Phi đô thị hóa xảy ra và thậm chí là dân số đã bị suy giảm vì chính sách này. Vào năm 1635 người Miến Điện chuyển thủ đô từ Pegu nằm cạnh bờ biển đến Ava, một thành phố nằm sâu trong đất liền, ngược dòng sông Irrawaddy.

Chúng ta không biết lộ trình phát triển kinh tế và chính trị của các quốc gia Đông Nam Á sẽ ra sao nếu không có sự xâm lăng của người Hà Lan. Các quốc gia này có thể đã phát triển các thể chế chuyên chế của riêng họ, hoặc họ có thể đã tiếp tục duy trì thể chế chính trị của mình như hồi đầu thế kỷ 16, hoặc họ có thể đã tiếp tục chính sách thương mại bằng cách dần dần phát triển những thể chế dung hợp ngày một cao.

Nhưng ở quần đảo Molucca, chủ nghĩa thực dân Hà Lan đã làm thay đổi cơ bản sự phát triển kinh tế và chính trị của các hòn đảo. Người dân ở khu vực Đông Nam Á ngưng hoạt động ngoại thương, trở nên hướng nội và ngày một chuyên chế hơn. Trong hai thế kỷ tiếp theo, các quốc gia này không đủ điều kiện để tận dụng những đổi mới của thời đại Cách mạng công nghiệp. Và cuối cùng thì sự thoái lui không tham gia ngoại thương cũng không cứu được họ thoát khỏi người châu Âu; vào cuối thế kỷ 18, gần như toàn bộ khu vực này đã trở thành một phần của các đế chế châu Âu.

Ở CHƯƠNG 7 CHÚNG TA ĐÃ THẤY sự bành trường của châu Âu ở khu vực Đại Tây Dương đã thúc đẩy sự phát triển các thể chế dung hợp ở Anh. Nhưng như trường hợp quần đảo Molucca dưới sự cai trị của người Hà Lan cho thấy, sự bành trướng này dẫn đến sự kém phát triển tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới vì sự áp đặt, hoặc đẩy mạnh, các thể chế chiếm đoạt đang hiện hữu. Việc này đã trực tiếp hay gián tiếp phá hủy hoạt động công nghiệp và thương mại non trẻ trên toàn cầu và duy trì các thể chế ngăn trở công nghiệp hóa. Kết quả là, trong khi công nghiệp hóa đang lan truyền trên một số khu vực thế giới, những khu vực thuộc địa của các đế chế châu Âu lại không hề có cơ hội hưởng thụ những lợi ích từ những công nghệ mới này.

Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)

Dịch giả:
Trần Thị Kim Chi
Hiệu đính:
Vũ Thành Tự Anh