[FA. Hayek Cuộc đời và sự nghiệp] Chương 30: Chính phủ và luân lý

[FA. Hayek Cuộc đời và sự nghiệp] Chương 30: Chính phủ và luân lý

Mặc dù bị Hayek chế giễu nhưng nhà lý thuyết pháp lý Hans Kelsen lại chính là người từng khẳng định một điểm mấu chốt: pháp luật về cơ bản mang tính luân lý. Đó là việc cộng đồng nên hành xử theo cách thể hiện tính đạo đức. Trong tác phẩm Lý thuyết thuần túy về pháp luật (The Pure Theory of Law) (1934), Kelsen viết, “thông qua ‘chuẩn mực’ [pháp lý] chúng ta muốn nói rằng điều gì đó phải là hay phải xảy ra như thế, đặc biệt liên quan đến việc một người phải xử sự theo một cách cụ thể nào đấy.”1 Pháp luật thuộc về tương lai. Vì thế, nó tất yếu thể hiện tính luân lý, quy định một lối sống nhất định.

Pháp luật là một cơ cấu cưỡng bức của xã hội, nơi diễn ra đời sống chung, đặc biệt là hoạt động kinh tế. Theo quan niệm của Hayek, pháp luật chủ yếu là một trật tự trừu tượng – có thể nói là một khuôn khổ siêu hình – xác định nên xã hội. Hơn thế, chỉ thông qua việc thiết lập những điều kiện trong đó diễn ra hoạt động của con người, chứ không phải xác định kết quả đặc thù của hoạt động của con người cũng như quản lý những hành động cụ thể, thì quá trình tiến hoá xã hội và phát triển vật chất từng bước mới có thể diễn ra.

Trong tác phẩm Luật, luật pháp và tự do (Law, Legislation and Liberty), Hayek nhận xét, “nếu muốn những hành động riêng rẽ của các cá nhân dẫn đến một trật tự chung thì điều cần thiết là: xét những khía cạnh mà thành công trong hoạt động cá nhân của người này phụ thuộc vào hoạt động tương ứng nào đó của những người khác, chí ít phải tồn tại một cơ hội tốt để cho sự tương ứng ấy sẽ diễn ra… [Những gì] mà các nguyên tắc có thể đạt được ở khía cạnh này là tạo điều kiện dễ dàng hơn để cho mọi người hợp nhất lại và hình thành nên sự tương ứng đó.”2

Mục đích của các nguyên tắc nhiều khi chỉ vì tính thiết thực. Chúng cho phép sự tương tác của con người có hiệu quả hơn. Chúng đem đến một khuôn khổ xã hội duy lý. Nguyên tắc khác nhau thì có kết quả khác nhau. “Vấn đề của chúng ta là những loại quy tắc ứng xử nào sẽ tạo ra một trật tự xã hội và loại trật tự nào mà những quy tắc cụ thể sẽ tạo ra.”3

Đối với Hayek, “pháp luật” không hàm chứa nhiều hoạt động của chính phủ. Trong suy nghĩ của ông có sự khác nhau giữa pháp luật khung xác định nên xã hội và các biện pháp hàng ngày nhiều hơn thế nhằm thực hiện những chức năng phúc lợi công cộng. Quan tâm cốt yếu của ông liên quan đến những biện pháp này là chính phủ nên có quy mô nhỏ thay vì lớn, thực thi ở cấp địa phương hay cấp bang (thay vì cấp quốc gia), hoạt động dịch vụ của chính phủ nên được tổ chức có tính chất cạnh tranh, và các dịch vụ phúc lợi công cộng được tư nhân cung cấp càng nhiều càng tốt.

Khái niệm trật tự tự phát là một trong những đóng góp vĩ đại nhất của Hayek. Mặc dù cả cụm từ lẫn ý tưởng đều không phải do ông sáng tạo ra, nhưng có lẽ hơn ai hết chính ông là người đã truyền sức sống cho ý tưởng theo đó tiến bộ vật chất có thể diễn ra và tổ chức xã hội có thể phát triển, cho dù không có một chủ thể chỉ huy nào quyết định các chi tiết của một trật tự xã hội cụ thể. Trong tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do (The Constitution of Liberty), thông qua sự mô tả về pha lê trong phần “Trật tự không có chỉ huy” (Order without Commands), Hayek có lẽ đã đưa ra hình tượng tương tự tốt nhất về ý tưởng “trật tự tự phát” khi ông viết, mặc dù “những người quen thuộc hơn với cái cách mà con người sắp xếp các vật thể thường nhận thấy khó nắm bắt được quá trình hình thành các trật tự tự phát, thì cố nhiên vẫn còn nhiều trường hợp mà ở đó chúng ta phải dựa vào những điều chỉnh tự phát các yếu tố cá thể để tạo ra [ngay cả] một trật tự vật lý. Chúng ta không bao giờ có thể sản xuất được pha lê nếu phải đặt từng phân tử hay nguyên tử cá thể vào vị trí thích hợp trong tương quan với số khác. Chúng ta phải dựa vào thực tế là trong những điều kiện nhất định chúng sẽ tự sắp xếp theo một cấu trúc có những đặc tính nhất định. Tương tự, chúng ta có thể tạo ra những điều kiện cho quá trình hình thành một trật tự trong xã hội. Nhiệm vụ của nhà làm luật là tạo ra những điều kiện mà ở đó sự sắp xếp có thể diễn ra và luôn tự đổi mới.”4

Trong tác phẩm Luật, luật pháp và tự do, ông phát triển thêm ý tưởng về sự hình thành tự phát của trật tự loài người. Ở tập thứ nhất mang tính quyết định, ông lập luận, khi “Montesquieu5 và những người dựng lên bản Hiến pháp Mỹ chắp nối khái niệm hiến pháp hạn quyền (limiting constitution) từng phát triển ở Anh, họ đã đặt ra một mô hình mà chủ nghĩa hợp hiến tự do (liberal constitutionalism) tuân theo kể từ đấy.”6 Nếu muốn tự do là đặc trưng của xã hội thì vấn đề cốt lõi là cần định nghĩa cũng như giới hạn vai trò của chính phủ – cá nhân cần biết những gì mình có thể làm và không thể làm. Điều này còn bao hàm cả các quy định về tài sản. Việc chính phủ không nên kiểm soát phần lớn quá trình ra quyết định kinh tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cho dù chính phủ đóng vai trò to lớn nhất trong việc tạo ra cái trật tự xã hội lớn hơn, nơi diễn ra các hoạt động kinh tế. Xuất phát từ lý do tự do cũng như năng suất kinh tế mà vai trò của chính phủ cần được phân định và hạn chế.7

Hayek chưa bao giờ là một nhà bảo thủ, kể cả khi về già. Ông luôn ủng hộ sự thay đổi, về cơ bản diễn ra trong từng xã hội và giữa các xã hội với nhau. Ông chống lại cánh tả, nhưng điều này không hàm ý ông nhất thiết phải đứng về phía cánh hữu. Việc ông quyết định nhằm sự công kích cuối cùng vào cánh hữu, vào các nhà bảo thủ trong tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do (The Constitution of Liberty) – mà khi viết ông dự định đây sẽ là tuyệt tác của mình – là có ý nghĩa. Có thể thấy nguồn gốc thuyết kiến dựng (constructivist) của Hayek khi ông nhắc đến việc chính sự thách thức của “triết học duy lý”8 (rationalist philosophy) đã dẫn ông đến với những quan điểm của mình. Ông là một nhà phản chủ nghĩa xã hội cấp tiến (radical anti-socialist). Suốt sự nghiệp của mình, ông nói rằng ông luôn giữ lại nhiều giá trị của các nhà xã hội chủ nghĩa, và nếu các quan niệm xã hội chủ nghĩa về diễn tiến thế giới là đúng thì người ta nên áp dụng nhiều thông lệ xã hội chủ nghĩa. Chỗ mà ông chủ yếu khác biệt với các nhà xã hội chủ nghĩa không phải là về giá trị, mà là quan điểm của ông về thực tế. Nếu các nhà xã hội chủ nghĩa có thể thuyết phục được ông rằng cách hiểu về thực tế của họ là chính xác, thì hẳn ông sẽ lại trở thành một nhà xã hội chủ nghĩa.

Ông đặt tên cho những mô hình và kết quả xã hội khác nhau xuất hiện từ quá trình phát triển theo ý đồ và phát triển có tính tiến hoá lần lượt là các “tổ chức” (organisations) và các “trật tự” (orders). Các “tổ chức” được hoạch định còn các “trật tự” thì phát triển tự phát. Theo ông, vì xã hội bắt đầu tiến bộ hơn về công nghệ, nên nó gặp nhiều – chứ không phải ít – khó khăn hơn, khi bắt tay vào kế hoạch hoá tập trung. Sự phân công lao động và, quan trọng hơn, sự phân hữu tri thức là mạnh mẽ hơn, qua đó làm giảm năng lực của một trí tuệ trong việc quản lý toàn bộ xã hội. Trong một bài báo năm 1940 về bài toán xã hội chủ nghĩa, đề cập đến tác phẩm sáng tạo “Kinh tế học và tri thức” năm 1937 của mình, ông viết rằng “ưu điểm chính của cạnh tranh thực sự là ở chỗ thông qua cạnh tranh mà tri thức phân tán trong nhiều người được sử dụng, và nếu sử dụng trong nền kinh tế chỉ huy tập trung, thì tri thức ấy sẽ nhập vào một kế hoạch duy nhất. Việc giả định toàn bộ tri thức ấy sẽ tự động nằm trong tay giới chức kế hoạch hoá đối với tôi dường như là đã hiểu sai vấn đề.”9 Cuối sự nghiệp của mình, ông lập luận, “toàn bộ bài toán kinh tế là bài toán về khai thác tri thức bị phân tán rộng rãi mà không ai sở hữu dưới hình thái toàn vẹn”; “cơ chế kinh tế là quá trình thích ứng với tri thức bị phân tán rộng rãi”; và “xã hội của chúng ta được xây dựng trên thực tế là chúng ta phục vụ những người mà mình không biết.”10 Ưu thế của thị trường cạnh tranh với đặc trưng là tự do trao đổi, tư hữu, giá cả, lợi nhuận, và hợp đồng, thể hiện nhiều ở chỗ nó thích ứng với tri thức cá nhân không hoàn chỉnh và hoàn hảo. Cạnh tranh là một quá trình khám phá.

Hayek nhấn mạnh khái niệm “Xã hội vĩ đại” hay “Xã hội mở.” Qua những tên gọi này, ông muốn nói tới xã hội mà ở đó những hành động tự phát và được phối hợp mà không do cưỡng bức sẽ – thông qua pháp luật, tập quán, và luân lý phù hợp – dẫn đến quá trình phát triển liên tục hướng tới nền sản xuất vật chất vĩ đại hơn. Ông nhận xét, sự phân công lao động là một bước phát triển lịch sử của Xã hội vĩ đại hay Xã hội mở. Dù thế, trong tác phẩm Luật, luật pháp và tự do – và đóng góp chủ yếu của ông là nằm ở đây – ông viết rằng chắc chắn người ta đã không nhấn mạnh đến “sự phân tán của tri thức, dựa trên thực tế là mỗi thành viên xã hội chỉ có thể có được một phần nhỏ tri thức mà tất cả mọi người sở hữu, và vì thế mỗi người đều thiếu hiểu biết về những dữ kiện mà sự vận hành của xã hội dựa vào.”11 Cho đến lúc này, một trật tự mà sự tồn tại của nó phụ thuộc vào những người có tri thức toàn diện đóng vai trò chỉ huy vẫn chưa có tính thực tiễn. Trật tự là một thuật ngữ mô tả đồng thời là một lý tưởng đạo đức.

Điểm cốt lõi trong tiên đề của ông, theo đó các xã hội không thể, cũng như không nên, giả thiết về sự tồn tại của trí thông minh toàn năng trong bất kỳ một hay một số người nhất định, là ở chỗ điều này sẽ khiến cho cách tiếp cận có tính hoạch định xã hội – nỗ lực quản lý toàn bộ chi tiết của đời sống kinh tế – sẽ bị phá sản đi nhiều, qua đó dọn đường cho việc tái khái niệm hoá xã hội tối ưu theo mô hình của Hayek. Không phải chủ nghĩa xã hội là không thể đạt được về mặt luân lý mà chủ yếu là nó không khả thi về mặt trí tuệ. Theo Hayek, “Chỉ trong loại hình tổ chức đơn giản nhất mới có thể hình dung được rằng toàn bộ chi tiết các hoạt động là do một trí tuệ duy nhất kiểm soát”; “cuộc đấu tranh giữa những người chủ trương xã hội tự do và những người chủ trương hệ thống xã hội chủ nghĩa không phải là sự xung đột về đạo đức mà là về trí tuệ.”12

Ông ủng hộ vai trò nổi bật của tập quán và truyền thống, trái với Mill, người từng lập luận trong tác phẩm Bàn về tự do là “các phương tiện bạo hành của xã hội không bị giới hạn trong phạm vi những hành động mà nó có thể thực hiện thông qua bàn tay các quan chức chính trị của nó. Xã hội có thể và thực sự thực thi sứ mệnh của bản thân nó; và khi nó ban hành những mệnh lệnh sai thay vì đúng, hay ban hành bất kỳ mệnh lệnh nào về những việc mà nó không nên nhúng tay vào, thì nó đã thực hành một chế độ xã hội bạo hành đáng sợ hơn so với nhiều kiểu đàn áp chính trị, bởi lẽ, cho dù không thường xuyên duy trì bằng những hình phạt cực đoan, thì lối thoát mà nó chừa ra vẫn ít hơn. Do vậy, sự bảo vệ trước chuyên quyền của quan tòa là vẫn chưa đủ, mà còn cần sự bảo vệ trước hành vi bạo hành xuất phát từ quan điểm và tình cảm đang thịnh hành.”13 Trái lại Hayek tin tưởng, “thực tế theo đó hành vi trong phạm vi riêng tư không phải là đối tượng thích đáng cho hành động cưỡng bức của nhà nước không nhất thiết hàm ý trong xã hội tự do những hành vi như vậy cũng cần được loại trừ khỏi áp lực của công luận hay sự phản đối. Mill hướng sự công kích nặng nề nhất của mình vào sự ‘cưỡng bức luân lý’ như thế. Có lẽ ông đã cường điệu luận điểm về tự do ở đây.”14

Trong bài nghiên cứu về cuộc ly hôn của Hayek, Stephen Kresge kéo sự chú ý đến việc Hayek nhấn mạnh vai trò của tập tục và luân lý. Kresge trích dẫn đoạn sau từ tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do: “trên thực tế, tự do chưa bao giờ hiện hữu nếu không có những niềm tin sâu sắc vào luân lý, và sự cưỡng bức chỉ có thể giảm thiểu ở nơi mà các cá nhân có thể được trông đợi – như một quy luật – tự nguyện tuân theo những nguyên tắc nhất định. Sự tuân thủ những nguyên tắc phi cưỡng bức là một thuận lợi bởi lẽ điều thường đáng mong muốn là nguyên tắc chỉ cần được tuân thủ trong phần lớn trường hợp và cá nhân cần có khả năng vi phạm nguyên tắc khi mà dường như đối với anh ta, việc hứng chịu sự căm ghét mà điều đó mang lại là đáng giá. Trong lĩnh vực luân lý, chính tính chất linh hoạt của những nguyên tắc tự nguyện này đã khiến cho quá trình tiến hoá từng bước và phát triển tự phát trở nên khả thi, cho phép có kinh nghiệm để dẫn đến những cải biến và hoàn thiện.”15

Hayek cũng lập luận, “các nguyên tắc và quy ước luân lý vốn có ít sức mạnh ràng buộc hơn so với pháp luật lại đóng vai trò quan trọng và thậm chí không thể thiếu… và có lẽ góp phần vào sự vận hành của xã hội không kém những nguyên tắc chặt chẽ của pháp luật.” Ngoài những vai trò khác, tập tục và luân lý còn “đảm bảo một mức độ đồng đều tối thiểu nhất định về hành vi.”16

Tập tục và luân lý, cùng với pháp luật, là những trụ cột của xã hội. Sự khác biệt giữa luân lý và pháp luật chính phủ là ở chỗ, pháp luật chịu sự thi hành cưỡng bức, còn luân lý chỉ là những niềm tin phổ biến mà một cá nhân có thể vi phạm, dù có nguy cơ đánh mất sự giao hữu với những người khác. Chủ nghĩa tự do cá nhân không phải là tình trạng vô chính phủ về pháp luật cũng như về luân lý.

Richard Cockett nhận xét, “cha đẻ của Hội Mont Pelerin gồm phần lớn những nhà kinh tế học tự do lỗi lạc nhất, nhiều người trong số họ về sau đã có ảnh hưởng đáng kể đến đất nước của mình, đặc biệt ở Đức, Mỹ, Pháp, và Anh.”17 Các thành viên Mont Pelerin xuất chúng có ảnh hưởng đến chính sách kinh tế của nước Đức thời hậu chiến gồm những người theo trường phái kinh tế học Freiburg, họ đã tạo cơ sở lý thuyết cho bước chuyển rất thành công của Tây Đức sang nền kinh tế thị trường. Trong số thành viên Mont Pelerin buổi đầu gắn bó với trường phái kinh tế học Freiburg có Walter Eucken và Wilhelm Ropke. Thành viên Mont Pelerin quan trọng nhất khác của Tây Đức là Ludwig Erhard, bộ trưởng kinh tế Tây Đức từ năm 1949 đến 1963 và sau đó là thủ tướng liên bang cho đến năm 1966. Các cố vấn của ông gồm có Ropke và Eucken, và ông là quan chức chính phủ chủ chốt sau chiến tranh đã có công đưa Tây Đức quá độ sang nền kinh tế thị trường.

Peter Klein, người biên tập Hayek toàn tập, nhận xét về thành tích của Erhard trên cơ sở đặc điểm thịnh hành thời đó, “bầu không khí trí tuệ bấy giờ bị cuốn hút bởi phản ứng của giới kinh tế học trước quyết định của bộ trưởng Ludwig Erhard nhằm thả lỏng giá cả và tiền lương trên đất nước Tây Đức non trẻ… Hayek còn nhớ câu chuyện của chính Erhard, ‘Ông hân hoan kể với tôi về cái nghị định nổi tiếng, thả lỏng toàn bộ giá cả kèm theo việc đưa vào lưu hành đồng mark Đức mới, sẽ được công bố như thế nào vào ngày Chủ nhật ấy. Viên tư lệnh tối cao của quân đội Mỹ gọi điện cho ông và nói qua điện thoại, “Thưa giáo sư Erhard, các cố vấn của tôi nói với tôi rằng ngài đang phạm một sai lầm to lớn,” Erhard khi đó trả lời, “Đấy cũng là điều mà các cố vấn của tôi nói với tôi.”’”18

Lord Dahrendorf viết, Erhard là “một người từng có được khoảnh khắc của mình trong lịch sử và ông đã nắm lấy nó. Với tư cách người đứng đầu Cục Kinh tế trong chính quyền tiền thân của nước Cộng hoà Liên bang Đức, ông là tác giả của quyết định kết hợp cuộc cải cách tiền tệ năm 1948 với việc bãi bỏ phân phối hạn mức, và những quy định hạn chế về sản xuất, phân phối và chuyển dịch tư bản. Nhiều người cho rằng ‘kỳ tích kinh tế’ Đức phần nhiều nhờ vào những quyết định này.”19 Khi được phỏng vấn về những “dẫn chứng” cho các quốc gia có khả năng “tái lập thể chế pháp trị” sau khi đã “ve vãn chủ nghĩa xã hội hay nhà nước phúc lợi,” Hayek trả lời “ồ, rất rõ ràng là nước Đức sau Thế chiến II, dù trong trường hợp này đó là thành tựu gần như chỉ của một người… Ludwig Erhard.”20 Ông cũng nói, Erhard “hẳn không bao giờ có thể đạt được những gì mà ông đã làm nếu phải chịu những ràng buộc quan liêu hay dân chủ. Một khoảnh khắc may mắn khi một con người thích hợp ở vào địa vị thích hợp được tự do làm những gì mà anh ta coi là đúng, cho dù anh ta có thể chưa bao giờ từng thuyết phục được bất kỳ ai khác rằng điều đó là đúng.”21

Walter Eucken là thủ lĩnh lý thuyết của trường phái Freiburg. Trong thế giới nói tiếng Đức, ông thường được xem là nhà kinh tế học người Đức hàng đầu thế giới ở thế kỷ 20. Có lẽ bởi trong thế giới nói tiếng Đức, kinh tế học vẫn được dạy với danh nghĩa một phần thuộc khoa luật của các trường đại học, nên ở đây có sự nhấn mạnh hơn đến mối quan hệ giữa kinh tế học và luật học, điều này thể hiện trong các công trình của Hayek. Tương tự như Hayek, Eucken cũng nêu bật sự khác biệt giữa trật tự kinh tế – khuôn khổ mà ở đó các quyết định kinh tế được đưa ra – và quá trình kinh tế, vốn là bản thân các hoạt động kinh tế. Năm 1983, Hayek nhận xét rằng Eucken “có lẽ là nhà tư tưởng quan trọng nhất trong lĩnh vực triết học xã hội mà nước Đức từng sản sinh ra suốt một trăm năm qua.” Ông lưu ý “vai trò” của Eucken “vào đúng thời điểm khởi đầu của một trào lưu quốc tế nhằm giúp mọi người hiểu được những điều kiện tiên quyết của tự do. Bởi có một vấn đề thực sự là nhiều người vẫn ảo tưởng rằng tự do có thể được áp đặt từ trên xuống, thay vì thông qua việc tạo lập những điều kiện tiên quyết mà với chúng con người được trao cho khả năng quyết định số phận của chính mình.”22

Trong bài diễn văn ra mắt tại Freiburg năm 1962, Hayek phát biểu là các cử tọa biết “nhiều hơn tôi về những thành tựu của Eucken ở Đức. Vì thế tôi không cần phải giải thích thêm ý nghĩa nếu hôm nay tôi phát biểu ở đây rằng tôi sẽ coi một trong những nhiệm vụ chính của mình là tiếp tục và duy trì truyền thống mà Eucken cùng bạn bè ông đã tạo nên tại Đại học Freiburg và ở Đức. Đấy là truyền thống về tính nhất quán khoa học vĩ đại nhất và đồng thời là niềm tin chính trực vào những chủ đề lớn lao của đời sống công chúng.” Hayek cũng nhận xét ở đây là ông có “sự đồng thuận gần gũi nhất về các vấn đề khoa học cũng như chính trị với Walter Eucken, con người không thể nào quên.”23 Lần khác ông nói, Eucken là “một người bạn giá trị đối với tôi. Cuối thập niên 1930, trước khi chiến tranh nổ ra, khi tôi lần đầu tiên tậu được một chiếc ô tô và vẫn đi từ London về Áo bằng ô tô, tôi thường dừng chân ở Freiburg chỉ để thăm Eucken và giữ mối giao hảo với ông.”24

Hayek nhận xét về Wilhelm Ropke trong quãng thời gian vui vẻ hơn so với những bất đồng cay đắng của họ tại Hội Mont Pelerin là nếu “sự tồn tại của một trào lưu tự do mới [ở Đức] được biết đến vượt xa ra ngoài phạm vi hạn hẹp của giới chuyên gia, thì công lao chủ yếu thuộc về Ropke.”25 Trọng tâm của Ropke là kinh tế học ứng dụng, trái với lý thuyết thuần túy, và tác phẩm Nền kinh tế nhân đạo: Khuôn khổ xã hội của thị trường tự do (A Humane Economy: The Social Framework of the Free Market, 1958) là một công trình đặc biệt nổi tiếng. Không lâu ngay sau khi chiến tranh kết thúc, Henry Hazzlitt đã xếp Ropke cùng với Mises và Hayek là “một trong ba thủ lĩnh có ảnh hưởng nhất của trào lưu tự do mới thoát ra khỏi sự chi phối của nhà nước và hướng tới sự phục hồi tự do cá nhân.”26 Erhard nói, “Những đóng góp của tôi nhằm đạt tới một xã hội tự do thật khó mà đủ để diễn tả lòng biết ơn đối với ông [Ropke], người đã có ảnh hưởng rất lớn đến lập trường và cách xử thế của tôi.”27 Mặc dù rốt cục Hayek và Ropke đã nảy ra bất đồng trong Hội Mont Pelerin, Hayek vẫn nói về quá trình phát triển thời kỳ đầu của hội là ông “từng nhận được sự hỗ trợ rất lớn trong công tác tổ chức, nhất là từ Ropke.”28

Việc Hayek xem xét về “nền kinh tế thị trường xã hội” của Tây Đức đã làm sáng tỏ quan niệm của ông về trật tự xã hội tối ưu, hay chí ít là thỏa đáng. Hayek thuật lại câu chuyện về Erhard, “chúng tôi chỉ còn lại hai người trong chốc lát, và ông quay sang tôi rồi lên tiếng, ‘Tôi hy vọng ngài sẽ không hiểu sai khi tôi nói về nền kinh tế thị trường xã hội (Sozialen Marktwirtschaft). Qua đó tôi muốn nói rằng nền kinh tế thị trường xã hội theo đúng nghĩa là có tính xã hội, chứ không phải cần làm cho nó có tính xã hội.”29 Trong tác phẩm Luật, luật pháp và tự do (Law, Legislation and Liberty), Hayek bình luận về thuật ngữ “nền kinh tế thị trường xã hội”: “Tôi lấy làm tiếc về cách dùng này dù rằng nhờ nó mà một số bạn bè của tôi ở Đức (và gần đây hơn, ở Anh) rõ ràng là đã thành công trong việc khiến cho hình thức trật tự xã hội mà tôi đang kêu gọi bắt đầu có thể chấp nhận được ở những tầng lớp rộng lớn hơn.”30

Năm 1976, Hayek trả lời bức thư ca ngợi các chính sách ở Tây Đức mà đối thủ cũ của ông tại LSE là Nicholas Kaldor đã gửi cho tạp chí Times ở London: “Đối với Lord Kaldor, việc một đất nước suốt hai mươi bảy năm ròng chưa hề biến đến quốc hữu hoá, kiểm soát giá cả, kiểm soát tỷ giá và đảng ‘dân chủ xã hội’ cầm quyền của nó từng công khai cam kết vì một nền kinh tế thị trường mà lại được mô tả là ‘tiến bộ xa bất kể so với Pháp, Anh hay Italia về các “chính sách xã hội chủ nghĩa,”’ đã chỉ ra sự hiểu biết kém cỏi về các chính sách mà chính ông ta vẫn đang khuyến khích, một điều hơi đáng ngạc nhiên.”31 Cùng năm đó, ông viết trong lời tựa tác phẩm Con đường tới nô lệ, “Ngày nay Thuỵ Điển có cơ cấu thể hiện ít tính chất xã hội chủ nghĩa hơn rất nhiều so với Anh”32 vì mặc dù là một nhà nước phúc lợi lớn hơn Anh, nhưng Thuỵ Điển lại sở hữu ít ngành quốc hữu hoá hơn.

Những năm tháng mà Hayek ngợi ca Tây Đức, tỷ trọng tổng sản phẩm quốc nội của chính phủ nằm trong khoảng từ 40 đến 50%. Hayek tin tưởng việc chính phủ làm gì và làm như thế nào có ý nghĩa quan trọng hơn so với tỷ lệ tổng sản phẩm quốc nội mà nó đánh thuế và chi tiêu.”33

Ở Pháp, Jacques Rueff, thành viên Hội Mont Pelerin, là cố vấn chính phủ nổi bật của Tướng Charles de Gaulle về chính sách thị trường tự do. Reinhard Kamitz, một thành viên khác của hội, cũng đóng vai trò tương tự ở Áo sau chiến tranh. Luigi Einaudi, cựu tổng thống Italia, nguyên là thành viên sáng lập của Hội Mont Pelerin.

Chú thích:

(1) Hans Kelsen, The Pure Theory of Law (Berkely: University of California Press, 1970), 4.

(2) LLL I, 99.

(3) Sđd, 44.

(4) CL, 160-161.

(5) [1] Baron de La Brode et de Montesquieu (1689-1755): Triết gia chính trị lớn người Pháp, tác giả The Spirit of Laws (1748). (N.D.)

(6) LLL I, 1.

(7) LLL I, 13.

(8) Sđd, 9.

(9) CW X, 134.

(10) UCLA, 274-275, 148, 81.

(11) LLL I, 14.

(12) Sđd, 49; “Moral Imperative of the Market,” 147.

(13) Mill, On Liberty, 68.

(14) CL, 146.

(15) Sđd, 62-63; HH, 24.

(16) CL, 146-147.

(17) Cockett, 110.

(18) CW IV, 13-14.

(19) New Palgrave, tập II, 188.

(20) UCLA, 341.

(21) CW IV, 193-194.

(22) Sđd, 189, 191.

(23) Studies, 253, 252.

(24) CW IV, 190.

(25) Studies, 200.

(26) Henry Hazlitt, trên bìa sau tác phẩm của Wilhelm Ropke, A Humane Economy (Indianapolis: Liberty Fund, 1971).

(27) Sđd.

(28) CW IV, 192.

(29) Encounter, 55.

(30) LLL II, 180.

(31) London Times (31/12/1976).

(32) RS, viii.

(33) Quan điểm của Hayek về quy mô có thể chấp nhận được của chính phủ thường được các tác giả lưu ý đến, và phê phán: David Glasner, Commentary (10/1992), 50; Anthony de Jasay, Critical Review (Xuân 1989), 296; Geoffrey Vicker, “Control for Freedom,” Future (8/1979), 347; Hans-Hermann Hoppe, Contending with Hayek, 127, 130.

Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich Hayek - Cuộc đời và sự nghiệp, Phần V, Chương 30, Nhà xuất bản Tri Thức 2007

 

Dịch giả:
Lê Anh Hùng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh