[FA. Hayek Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 1: Gia đình (Phần 2)
Tâm điểm của gia đình von Hayek thời gian Hayek lớn lên là những bộ sưu tập thực vật học của cha ông. Bất cứ ở đâu mà gia đình ông từng sống, nhà cửa họ đều đầy ắp những cây khô, bản in và hình ảnh các loài thực vật. Ngoài ngôi nhà của mình, gia đình ông, nhất là Felicitas và bọn trẻ, còn đến thăm biệt thự của phụ thân Felicitas và vợ kế của ông cùng con cái họ. Gia đình Hayek ngày nay còn nhớ không khí rộng mở và thân mật trong cái gia đình đầu tiên của bố họ. Chính ông cũng nhớ những lần sum họp tại nhà ông ngoại hồi đó là đông đảo và đủ mọi lứa tuổi.
So với ông bà ngoại Hayek thì hoàn cảnh ông bà nội khiêm tốn hơn. Tuy nhiên, nhà von Hayek lại được ban tước quý tộc trước nhà Juraschek một thế hệ, và “tự hào về dòng dõi trâm anh và tổ tiên của mình.” Để so sánh thì nhà von Juraschek “rõ ràng thuộc tầng lớp tư sản thượng lưu và giàu có hơn nhiều.” Hayek nhớ rằng nhà ông bà ngoại “lộng lẫy, thậm chí đồ sộ, không nghi ngờ gì là một trong những căn hộ đẹp nhất ở Vienna.”11 Họ có một số gia nhân.
“von” nằm ở vị trí thứ tư và là thấp nhất, cũng như phổ biến nhất, của hai tầng lớp quý tộc thuộc đế chế Áo. Tầng lớp trên gồm những gia đình hoàng gia cai trị các xứ thuộc thế giới Giécmanh qua hàng thế kỷ, và tầng lớp thấp hơn là những người – chẳng hạn gia tộc von Hayek và von Juraschek – mà các bậc tiền bối của họ được phong tước trong thế kỷ trước hay tương tự thế. Từ tiếng Anh tương đương của “von” là “ngài” [sir].
Hậu tố “ek” của tên gia đình mang nguồn gốc Séc đặc trưng. Hayek phát hiện tổ tiên mình có một người mang họ “Hagek” ở Praha, cộng sự của nhà thiên văn trứ danh Tycho Brahe. Hayek thích thú ghi lại rằng trên một số tấm bản đồ mặt trăng cũ có một cái hố mang tên “Hagetsius,” theo tên tổ tiên khả dĩ của ông. Ông nhận thấy những gia đình mang họ “Hayek” hay “Hagek” có thể phát hiện ra ở vùng Bohemia (chủ yếu thuộc Cộng hoà Séc ngày nay) từ những năm 1500, và có lẽ – dù gia tộc ông đã nói tiếng Đức từ đời thuở mà ông không nhớ nổi là khi nào – “Hayek” có nguồn gốc từ “Hajek” trong tiếng Séc, nghĩa là “cánh rừng nhỏ.”
Giống như người vợ thứ hai của mình, ông cũng có gốc gác từ vùng Salzburg. Trong bài thuyết trình ra mắt tại Đại học Salzburg, ông mào đầu bằng câu “suốt cuộc đời mình, đầu mỗi bài thuyết trình tôi luôn tự giới thiệu bản thân như một người ngoại quốc. Nhưng lần này tôi có thể cho phép mình bắt đầu với lời khẳng định tôi là một người bản địa. Cách đây 370 năm, khi vị tiền bối chung của cả tôi và vợ tôi với tư cách thư ký đăng bạ của vị Công tước Giám mục đã nhận được một bức thư trang trọng” để tiến hành một dự án xây dựng.12 Một số bậc tiền bối của Hayek xuất thân từ vùng Salzburg là quan chức chính phủ hay những nhà làm muối. Gia tộc này sau đó chuyển đến Vienna.
Josef Hayek, quản trị viên của một nhà quý tộc, được phong tước năm 1789 nhờ việc phát triển các nhà máy dệt đầu tiên ở Áo, mà nhờ đó ông trở nên giàu có. Con ông là Heinrich, cố nội của Friedrich, công chức dân sự ở Vienna và, qua lời người chắt của mình, “đã sống trường thọ, tự tại và thoải mái như một quý ông.” Con trai Heinrich, Gustav, đầu tiên được gia sư riêng dạy dỗ và sau dự một lớp học thượng lưu dành cho giới quý tộc. Hayek nhớ rằng Gustav trở thành một “sỹ quan hải quân, và có vẻ thực sự mang dáng dấp của một công tử hải quân.”13 Vào cuối đời, trước những năm 1860, Heinrich mất hết gia sản và Gustav được yêu cầu trở thành một hiệu trưởng. Gustav là cha của August.
Hayek kể lại giai thoại ông đã phát hiện ra Wittgenstein như thế nào tại một nhà ga đường sắt năm 1918 khi cả hai đều là sỹ quan quân đội Áo, câu chuyện soi sáng một phần tuổi thơ của ông. “Có lẽ Wittgenstein là một trong số những chàng trai trẻ tuổi tuấn tú và tao nhã mà tôi gặp quãng năm 1910,” Hayek hồi tưởng, “khi ông bà [ngoại] của tôi cho thuê một căn nhà Thuỵ Sỹ trên khu đất liền kề với khuôn viên nhà Wittgenstein ở ngoại ô Neuwalldegg vào mùa xuân và mùa hè. Từ những ngôi biệt thự đồ sộ của mình, bọn họ thường đến tìm mấy người dì còn rất trẻ của tôi (em gái của mẹ) để dẫn đi chơi tennis.”14 Ông không có quan hệ gần gũi lắm với Wittgenstein.
Hayek trải qua nhiều thời khắc hạnh phúc với khoa thực vật học cùng bố mình. Đây là sở thích được ông duy trì đều đặn nhất thời trai trẻ. Bố ông, August, đã tích lũy được một kho thực vật khoảng 75.000 đến 100.000 phiến và từng ngang dọc một vùng rộng lớn ở trung tâm Châu Âu, Scandinavia, Pháp, Tuynidi, Hi Lạp và Ai Cập cho những cuộc khám phá thực vật học. Còn Friedrich thì sở hữu những bộ sưu tập các mẫu tự nhiên với nhiều chủng loại, bao gồm côn trùng và khoáng chất, cũng như cả thực vật. August biên tập tờ “Flora Exotica,” cung cấp và trao đổi những mẫu thực vật ép khô hiếm hoi, và được Friedrich giúp đỡ với những công việc thiết thực.15
Hayek còn có một số sở thích khác khi ở độ tuổi thanh niên như nhiếp ảnh, đạp xe, trượt tuyết, thuyền buồm, leo núi và sân khấu. Không phải “kỹ thuật leo núi cuốn hút” ông mà “một phần là do việc bạn cần phải có sự chỉ dẫn.” Ông leo núi mà không cần người hướng dẫn, và thích thú với “địa hình khó, nhưng không quá khó – kết hợp giữa băng và đá.” Ông bị kích thích bởi việc phải tìm ra con đường riêng của mình khi chỉ có một đường duy nhất qua núi. Điều này “không nhất thiết phải khó về mặt kỹ thuật. Nhưng bạn biết rằng mình sẽ bị mắc kẹt trừ khi bạn đã tìm được cho mình một lối có thể đi qua.”16 Leo núi là một truyền thống gia đình – ông ngoại Hayek là von Juraschek từng leo núi với Eugene von Böhm-Bawerk trong những năm 1880 khi họ là đồng sự của nhau ở Innsbruck. Friedrich chủ yếu leo núi với các em trai và thi thoảng với cha mình.
Hayek nhận xét về tuổi trẻ của mình trước khi bước vào giảng đường đại học là ông có những thiên hướng “mang tính thực hành rất rõ rệt.” Ông muốn trở thành người “có năng lực.”17 Một người từng phỏng vấn ông đã viết và dẫn lời khi ông nói rằng quan tâm đầu tiên mà ông “theo đuổi một cách có hệ thống là sân khấu, và [ông] thậm chí còn thử viết một số vở bi kịch ‘về các chủ đề hơi hướng bạo lực và ít nhiều gợi tình – chẳng hạn như Andromache, Rosamunde, v.v.’”18 Hayek thường xuyên dự các vở diễn và đọc nhiều bản dịch các vở kịch Tây Ban Nha và Pháp từ thế kỷ 17 và 18 cùng những tác phẩm kinh điển của Hi Lạp. Ông đọc loại văn chương trong sáng của Đức, đặc biệt các công trình của Goethe, người mà ông coi là có ảnh hưởng lớn nhất về văn chương đến tư tưởng ban đầu của mình. Ông là một cậu bé cao, lòng khòng, và một độc giả ngốn sách.
Hayek được nuôi dưỡng trong môi trường thiếu sự dẫn dắt về tôn giáo, dù bố mẹ đều theo Công giáo La Mã. Bố mẹ ông chưa bao giờ đưa ông tới nhà thờ. Nhà trường cũng có hình thức giáo dục tôn giáo nào đó, nhưng chỉ ở mức tối thiểu. Mỗi khi có cuộc du ngoạn gia đình vốn diễn ra “khá đều đặn”19 vào các ngày chủ nhật, ông cùng mấy người em thường bỏ buổi tập trung gần như bắt buộc ở trường. Điều này hay dẫn đến xung đột thường xuyên với lãnh đạo nhà trường. Đôi khi ông cùng cha mình dạo qua cánh rừng vào những ngày chủ nhật.
Tuy nhiên, khi còn là một đứa trẻ, Hayek nhớ tới “nỗi đau đớn [của đứa trẻ] với cái cảm giác đã phạm lỗi lầm giữa sự thú tội và sẻ chia.”20 Hayek kể rằng khi ông khoảng mười ba mười bốn tuổi, ông đã yêu cầu tất cả các linh mục mà mình biết giải thích “từ Chúa mà họ vẫn nói có nghĩa là gì. Không ai có thể trả lời được. [cười] Với tôi, chủ đề ấy đã được chốt lại.”21 “Ở tuổi mười lăm, tôi đã tự thuyết phục bản thân là không ai có thể đưa ra được một sự giải thích thỏa đáng về từ ‘Chúa’ và vì thế việc xác định niềm tin vào Chúa cũng vô nghĩa như chính việc phủ nhận nó.”22 Chỉ vài người trong số những người bạn của gia đình ông là có tín ngưỡng.
Gia đình ông ngày nay hồi tưởng những mẩu chuyện về ông như một học sinh hơi nổi loạn. Điều này tương phản với hai người em ông, dù cũng là những sinh viên xuất sắc, nhưng không sớm có tư chất đặc biệt. Ông ít khi quan tâm đến bất kỳ môn nào khác ngoài sinh học. Một lần, ở độ tuổi mười bốn, sau khi thi trượt các môn tiếng Latin, tiếng Hi Lạp và toán học, ông phải đúp lại một lớp. Ông thay đổi trường Gymnasium không chỉ một mà tới hai lần, do gặp phải vấn đề với giáo viên. Ông thường “dốc sức trong vài tuần trước kỳ thi cuối năm toàn bộ nội dung giảng dạy cả năm của vài môn học” mà ông chưa hề “làm một bài tập nào.”23
Khi còn là học sinh, ông trêu ngươi hầu hết giáo viên của mình bằng sự kết hợp giữa tính thông minh và thái độ bàng quan. Dù không học tốt ở trường ông vẫn được bạn đồng khoá đánh giá là rất thông minh. Khi rời trường Gymnasium lần đầu tiên – mà ông cho là do yếu kém môn vẽ – ông sang trường khác với những cậu bé nghèo hơn (nhà trường phân biệt theo giới tính). Phần lớn thời gian, ông đứng ở vị trí gần đội sổ trong hầu hết các môn học bắt buộc. Ông không quan tâm đến những gì mà các bạn đồng lớp đang học và giáo viên đang giảng dạy, cũng như không hề cảm thấy mình phải quan tâm.
Ở nhà thì mọi chuyện lại hoàn toàn khác. Lúc này, Hayek là một học giả nhỏ bé giúp cha mình nghiên cứu thực vật học và tham dự những cuộc họp mặt của Hội Động thực vật Vienna (Vienna Zoologic and Botanical Society) với ông. Ở tuổi mười bốn hay mười lăm, ngày càng không thoả mãn tri thức về phương diện phân loài của thực vật học, ông ao ước có nhiều kiến thức lý thuyết hơn. “Khi cha tôi phát hiện ra điều đó, ông đặt vào tay tôi một tập chuyên luận lớn thời bấy giờ về lý thuyết tiến hoá. Điều này quả hơi quá sớm. Tôi còn chưa sẵn sàng để nắm bắt một lập luận lý thuyết rành mạch nào. Nếu ông đưa cho tôi một năm sau đó, có lẽ tôi đã gắn bó với sinh học. Đây là những thứ đã khiến tôi quan tâm sâu sắc.”24 Ông vẫn giữ được mối quan tâm về tiến hoá suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình.
Có lẽ suốt những thập niên đầu tiên sau khi công trình của Darwin ra đời, ý tưởng tiến hoá hiện lên lồ lộ hơn nhiều so với sau khi kết thúc Thế chiến II. Ý tưởng về sự sống sót của cá thể thích nghi và sự phát triển tiến hoá không lường trước và phi định hướng là tâm điểm trong tư tưởng Hayek.
Bố mẹ ông “hết sức hoà hợp với nhau, và cuộc sống hôn nhân của họ (không chỉ đối với tôi) dường như là niềm hạnh phúc trọn vẹn.”25 Cuộc sống gia đình của ông “có lẽ là lý tưởng – ngày ba bữa quây quần, kể đủ thứ chuyện trên trời dưới biển, luôn được bố mẹ thả cho tha thẩn, suy nghĩ, thậm chí còn được phép mắc những lỗi nhỏ.”26
Friedrich hồi tưởng, August là “một người có giáo dục xuất chúng” về lĩnh vực văn học Đức. Gia đình Hayek ngày nay còn nhớ ông đưa ra những nhận xét tích cực về cha mình. Hayek kể sáng nào cha ông cũng tắm nước lạnh buốt để rèn luyện thân thể và trí óc. Khi còn trẻ và sau Thế chiến I, Hayek cùng các thành viên khác của gia đình có nhiều buổi tối nghe August đọc những vở kịch Đức vĩ đại và bản tiếng Đức của các vở Shakespeare. August có trí nhớ tuyệt vời và có thể trích dẫn những thứ đại loại như bài thơ “Die Glocke” của Friedrich Schiller từ đầu đến cuối. Friedrich hẳn sẽ có một sự nghiệp học thuật mà cha ông đã không có được. August đã có ảnh hưởng đến người con trai cả của mình hơn bất kỳ ai khác.
Chú thích:
(1) Eugene von Böhm-Bawerk (1851-1914): Nhà kinh tế học người Áo, người góp phần quan trọng vào sự phát triển của trường phái kinh tế học Áo. Tác phẩm chính của ông là bộ sách ba tập Capital and Interest, gồm các cuốn History and Critique of Interest Theories (1884), Positive Theory of Capital (1889), và Further Essays on Capital and Interest (1921). (N.D.)
(2) Gymnasium: Trường trung học, chuẩn bị cho học sinh vào đại học. (N.D.)