Những điều kiện kinh tế cho chế độ liên bang giữa các nước (Phần cuối)

Những điều kiện kinh tế cho chế độ liên bang giữa các nước (Phần cuối)

5

Vì luận điểm cho đến lúc này là, về bản chất, chế độ kinh tế tự do là điều kiện cần cho thành công của bất cứ chế độ liên bang nào, nên trong phần kết luận có thể bổ sung thêm rằng mệnh đề đảo của nó cũng đúng không kém: bãi bỏ chủ quyền quốc gia và tạo dựng một trật tự luật pháp quốc tế hiệu quả là sự bổ sung cần thiết và là đích cuối cùng hợp logic của cương lĩnh tự do. Trong cuộc thảo luận diễn ra gần đây về chủ nghĩa tự do quốc tế, người ta đã rút ra kết luận đúng đắn rằng một trong những nhược điểm chính của chủ nghĩa tự do thế kỷ XIX là những người ủng hộ nó không thật sự hiểu rằng sự hài hòa lợi ích giữa cư dân của những nước khác nhau chỉ có thể diễn ra trong khuôn khổ an ninh quốc tế1. Các kết luận mà giáo sư Robbins rút ra từ những suy nghĩ của mình về các vấn đề này và được tóm tắt trong tuyên bố: “Không liên minh, cũng không hợp nhất hoàn toàn; không Staatenbund, không Einheitsstaat mà là Bundesstaat”2 [không liên kết giữa các nước, không nhà nước thống nhất, mà là nhà nước liên bang - ND], về cơ bản là trùng hợp với những ý tưởng chính trị mà Clarence Streit đã thảo luận rất kỹ.

Chủ nghĩa tự do thế kỷ XIX đã không có được thành công trọn vẹn phần nhiều là do nó đã không tiến triển theo hướng này; và nguyên nhân chủ yếu là, vì hoàn cảnh lịch sử, chủ nghĩa tự do đã liên kết, ban đầu là với chủ nghĩa dân tộc rồi sau đó là với chủ nghĩa xã hội, cả hai lực lượng này đều không tương thích với nguyên tắc chính của nó3. Đầu tiên, chủ nghĩa tự do liên minh với chủ nghĩa dân tộc là do sự trùng hợp ngẫu nhiên của lịch sử: trong thế kỷ XIX, chủ nghĩa dân tộc ở Ireland, ở Hy Lạp, ở Bỉ và ở Ba Lan, rồi sau đó là ở Ý và Áo-Hung đã chiến đấu chống lại hình thức áp bức mà chủ nghĩa tự do phản đối. Sau đó, nó liên minh với chủ nghĩa xã hội vì có sự đồng thuận về một số mục đích cuối cùng, nhưng điều này đã tạm thời che khuất sự đối nghịch hoàn toàn giữa những phương pháp mà hai phong trào sử dụng cho mục tiêu của họ. Nhưng bây giờ, khi chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã kết hợp với nhau - không chỉ bằng tên gọi - thành tổ chức đầy sức mạnh, đe dọa những chế độ dân chủ tự do, và khi mà ngay cả trong các nước dân chủ, những người xã hội chủ nghĩa ngày càng trở thành dân tộc chủ nghĩa hơn, còn những người dân tộc chủ nghĩa thì trở thành xã hội chủ nghĩa hơn, thì hi vọng rằng chủ nghĩa tự do chân chính, trung thành với lí tưởng về tự do và chủ nghĩa quốc tế, thoát khỏi những sai lầm tạm thời để có thể bước ra khỏi phe dân tộc chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, và hồi sinh trở lại, liệu có phải là hy vọng quá viển vông hay không? Ý tưởng về chế độ liên bang giữa các nước như là sự phát triển nhất quán của quan điểm tự do cần phải có khả năng cung cấp một point d'appui [điểm tựa - ND] mới cho tất cả những người tự do, những người đã tuyệt vọng và trong giai đoạn lang thang vô mục đích đã từ bỏ niềm tin của mình.

Chủ nghĩa tự do mà chúng ta nói tới dĩ nhiên không phải là vấn đề đảng phái; đấy là quan điểm mà trước Thế chiến I đã cung cấp nền tảng chung cho gần như tất cả công dân trong các chế độ dân chủ phương Tây và là nền tảng của chính quyền dân chủ. Nếu một đảng có tinh thần tự do hơn một chút so với những đảng khác, thì về cơ bản, tất cả các đảng đó cũng đều đã lạc đường, một số sang hướng này, còn một số thì theo hướng khác. Nhưng thực hiện lí tưởng của trật tự dân chủ quốc tế đòi hỏi đưa lí tưởng trở lại hình thức đúng đắn của nó. Cai quản thông qua thỏa thuận chỉ có thể khả thi với điều kiện là chúng ta không đòi chính phủ phải hành động trong những lĩnh vực mà chúng ta không thể đạt được thỏa thuận thực sự. Nếu, trên phạm vi quốc tế, cai quản một cách dân chủ chỉ khả thi khi nhiệm vụ của chính phủ quốc tế được giới hạn bởi cương lĩnh thực chất là tự do, thì nó chỉ khẳng định kinh nghiệm của các chính phủ quốc gia độc lập, theo đó, ngày càng rõ ràng rằng chế độ dân chủ chỉ hoạt động hữu hiệu nếu chúng ta không làm cho nó quá tải và nếu phái đa số không lạm dụng quyền lực của mình nhằm can thiệp vào quyền tự do cá nhân. Tuy nhiên, nếu cái giá mà chúng ta phải trả cho chính phủ dân chủ quốc tế là hạn chế quyền lực và phạm vi hoạt động của chính phủ, thì đấy chắc chắn không phải là cái giá quá cao và tất cả những người thực sự tin vào chế độ dân chủ cần phải sẵn sàng chấp nhận. Nguyên tắc dân chủ là “đếm đầu thay vì chặt đầu”, nói cho cùng, là phương pháp thay đổi một cách hòa bình duy nhất từng được đưa ra, đã được mang ra thử nghiệm nhưng lại cho thấy là không hiệu nghiệm. Dù người ta có thể nghĩ như thế nào về những mục tiêu này khác của chính phủ, thì chắc chắn là ngăn chặn chiến tranh hay xung đột giữa người dân với nhau phải là mục tiêu ưu tiên, và để đạt được điều đó mà phải giới hạn hoạt động của chính phủ vào việc thực hiện nhiệm vụ này và một vài nhiệm vụ khác thì những lí tưởng khác sẽ buộc phải nhường chỗ.

Tôi không cảm thấy hối tiếc vì đã chỉ ra những trở ngại trên con đường dẫn tới mục tiêu mà tôi hết sức tin tưởng. Tôi tin rằng những khó khăn này là có thật và rằng, nếu ngay từ đầu, chúng ta không thừa nhận chúng thì một ngày nào đó chúng có thể biến thành tảng đá mà tất cả những hi vọng về tổ chức quốc tế sẽ bị nó đập tan. Càng nhận ra khó khăn sớm hơn thì càng có hi vọng vượt qua sớm hơn. Theo tôi, nếu những ý tưởng chung, tuy được nhiều người chia sẻ, nhưng lại chỉ có thể được thực hiện bằng các phương tiện mà hiện chỉ có ít người ủng hộ, thì cả thái độ không thiên vị của giới hàn lâm lẫn những toan tính thiệt hơn đều không nên ngăn chặn ai đó nói ra đâu là các phương tiện mà anh ta cho là phù hợp để đạt mục tiêu đề ra - thậm chí ngay cả khi những phương tiện này bất chợt được một đảng chính trị nào đó ưa chuộng.

(Hết)

Chú thích

(1) L. C. Robbins, Economic Planning and International Order (1937), trang 240.

(2) Tác phẩm đã dẫn, trang 245.

(3) Có thể thấy xu hướng này qua John Stuart Mill. Tất nhiên, mọi người đều đã biết sự dịch chuyển dần dần của ông ta về phía chủ nghĩa xã hội, nhưng ông ta cũng chấp nhận nhiều luận điểm của các học thuyết có hơi hướng dân tộc chủ nghĩa, tức là những luận điểm không tương thích với cương lĩnh nói chung là tự do của ông. Trong tác phẩm Considerations on Representative Government (trang 298), ông tuyên bố: “Nói chung, điều kiện cần cho các thiết chế tự do là ranh giới của chính phủ phải trùng hợp với ranh giới của các dân tộc”. Bác lại quan điểm này, Lord Acton khẳng định “sự liên kết của các dân tộc khác nhau trong một Nhà nước là điều kiện cần cho cuộc sống văn minh, cũng giống như sự liên kết của người dân trong xã hội vậy” và “sự đa dạng như thế trong cùng một Nhà nước là rào cản vững chắc nhằm chống lại Chính phủ, không để Chính phủ vượt ra ngoài lĩnh vực chính trị chung cho tất cả mọi người, không để Chính phủ can thiệp vào lĩnh vực xã hội vốn dĩ không nằm dưới quyền kiểm soát của luật pháp và được điều tiết bởi các luật lệ tự phát” (History of Freedom and Other Essays [1909], trang 290).

Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 12, NXB Tri thức, 2016