Kinh tế chính trị học về bất bình đẳng và tái phân phối ở Singapore (phần 2)

Kinh tế chính trị học về bất bình đẳng và tái phân phối ở Singapore (phần 2)

Bất bình đẳng không phải là vấn đề, nâng cao mức sống mới quan trọng

Hầu hết những người chỉ trích hệ thống thị trường để chứng minh những quan điểm của mình thường hay trộn lẫn bất bình đẳng với nghèo đói. Bất bình đẳng về thu nhập chỉ mang nghĩa đơn giản là có khoảng cách giữa những người kiếm được nhiều nhất và những người kiếm được ít nhất. Tuy nhiên, khoảng cách thu nhập như thế, ngay cả khi nó đang rộng ra, không nói lên được điều gì về mức thu nhập thực tế của những người kiếm được ít tiền nhất. Nói cách khác, chênh lệch về thu nhập không nhất định có nghĩa là những người có thu nhập thấp nhất là những người nghèo. Chỉ vì Jeff Bezos sở hữu mười căn nhà gỗ và có nhiều tiền mặt trong tay không đồng nghĩa với việc tôi “nghèo”, theo nghĩa tuyệt đối. Xã hội với phân bố thu nhập rất không đồng đều vẫn có thể là xã hội có mức độ thịnh vượng cực kỳ cao. Thực tế thường cho thấy rằng xã hội thịnh vượng là xã hội không bình đẳng, và việc theo đuổi bình đẳng có thể làm cho mọi người trở nên nghèo như nhau.

Việc trộn vào nhau như thế (bất bình đẳng với nghèo đói) khiến các nhà quan sát phần lớn chỉ tập trung vào các số liệu thống kê về bất bình đẳng, và lấy đó làm bằng chứng cho thấy mọi người đang phải chịu đựng bất bình đẳng như thế nào. Thông thường, hệ số GINI - hệ số đo lường độ phân tán thống kê và phân phối xác suất về thu nhập trong các xã hội, được sử dụng để mô tả mức độ nghiêm trọng của bất bình đẳng, hệ số này giúp Chính phủ thực hiện các biện pháp phân bổ lại.

Vấn đề then chốt với đại lượng thống kê này và những đại lượng thống kê tương tự khác là chúng chỉ thu thập các dữ liệu tĩnh chứ không thu thập những biến động trong dân chúng, bao gồm cả "người nghèo" và "người giàu" qua nhiều năm so sánh. Điều này có nghĩa là các bài tường thuật liên quan đến bất bình đẳng, trích dẫn các số liệu thống kê như GINI, thường bỏ qua câu hỏi về dịch chuyển thu nhập. Thật khó để so sánh tĩnh giữa các nhóm ngũ phân vị1 dựa trên tỷ trọng trên tổng thu nhập của mỗi nhóm, vì đại lượng này không cho chúng ta biết gì về việc các hộ gia đình cụ thể có đang giàu lên theo thời gian hay không.

Thường xảy ra trường hợp là mặc dù có hệ số GINI cao - hàm ý hiện tượng bất bình đẳng nghiêm trọng, vẫn tồn tại sự dịch chuyển thu nhập, nhưng thật đáng tiếc là nó lại bị ẩn khuất mất. Nhà kinh tế chính trị học theo phái tự do cổ điển Steve Horwitz (2015), đã đưa ra lập luận này về Hoa Kỳ, cho thấy rằng bất chấp những số liệu thống kê chính thức về bất bình đẳng, ở Hoa Kỳ đã có sự dịch chuyển thu nhập đáng kể. Lập luận này của Horwitz chỉ ra tại sao mối âu lo chung về sự thu hẹp lại của tầng lớp trung lưu Mỹ lại chỉ là tạo tác thống kê của con người mà thôi. Nhà kinh tế trưởng Hal Varian của Google cũng lập luận tương tự rằng khó có thể tin rằng năng suất kinh tế lại sụt giảm khi lĩnh vực công nghệ tràn đầy sức mạnh của Mỹ đã tạo ra những thay đổi mang tính cách mạng tích cực trong cách sống của người bình thường.2 Nhờ Big Tech, chúng ta mất ít thời gian hơn để kiếm taxi (Uber), tiện ích chỉ đường (Google Maps), thông tin (công cụ tìm kiếm), những người cùng chí hướng (mạng xã hội) và hàng tiêu dùng (Amazon). Các báo cáo thông thường cho thấy tầng lớp trung lưu ngày càng thu hẹp bất chấp việc tầng lớp này được trang bị những công cụ công nghệ mới trên, tuy vậy nghiên cứu cho thấy nhiều hộ gia đình nghèo hơn đang tiến lên trên thang thu nhập, và đó là nguyên nhân khiến tầng lớp trung lưu bị suy giảm (American Enterprise Institute, 2018; Moore, 2019).

Điều này khiến chúng ta phải xem xét khả năng thực tế là ngay cả khi các số liệu thống kê tại một thời điểm như GINI cho thấy khoảng cách thu nhập đáng kể giữa người giàu và người nghèo, mức sống vật chất của các hộ gia đình cụ thể, dù nghèo hay giàu, sẽ được cải thiện theo thời gian. Nói cách khác, người ta không nghèo mãi, đặc biệt là khi các cơ hội kinh tế được tạo ra trong nền kinh tế thị trường lành mạnh. Điều này được xác nhận rõ ở cấp độ toàn cầu, cấp độ thường được cho là đầy rẫy những bất bình đẳng.

Nghiên cứu của Christoph Lakner thuộc Ngân hàng Thế giới và Branko Milanovic thuộc Trung tâm Nghiên cứu Thu nhập Luxembourg cho chúng ta thấy bất bình đẳng khi được đo lường trên phạm vi toàn cầu chứ không phải cấp quốc gia, đã giảm trên diện rộng.3 Hiện tượng này, theo các tác giả, chủ yếu là do có sự tăng mạnh thu nhập ở các khu vực chậm phát triển trước đây, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ. Kết quả này đã được xác minh độc lập bởi một nghiên cứu khác của Paolo Mauro và Tomas Hellebrandt (2015). Họ cho thấy hiện tượng bất bình đẳng toàn cầu đã giảm như thế nào trong 14 năm - được thúc đẩy chủ yếu bởi tăng trưởng kinh tế ở các nước mới nổi như Ấn Độ và Trung Quốc- kể từ thời điểm đầu thiên niên kỷ mới vào năm 2000 và dự kiến ​​sẽ tiếp tục giảm cho đến năm 2035. Trích dẫn bằng chứng như vậy, nhà kinh tế có ảnh hưởng Tyler Cowen đã cảnh báo quan điểm của những người theo chủ nghĩa quân bình nhằm thúc đẩy các chính sách phân phối lại thu nhập trong các quốc gia, bởi vì chúng đe dọa ngăn cản tiến bộ kinh tế với tác động trước hết là đã đưa rất nhiều người thoát nghèo.4

Một quan điểm rộng hơn về lịch sử sẽ cho thấy tầm quan trọng của việc cần phải tập trung vào tăng trưởng kinh tế chứ không phải bình đẳng. Điều này bắt đầu bằng việc nhận thức được ra rằng nghèo đói đã và đang là điều kiện tự nhiên của xã hội loài người. Chỉ từ thế kỷ XIX trở đi, loài người mới đạt được tăng trưởng kinh tế thực sự, và kể từ đó, sự tăng trưởng này ngày càng lớn lao. Nhà nghiên cứu lịch sử và kinh tế Deirdre McCloskey (2011) đã chỉ ra rằng tài sản toàn cầu tăng lên khoảng 30 lần. Khi chúng tôi nhận ra quy mô của “sự đại thịnh vượng” này và cách nó đã đưa hàng tỷ người thoát khỏi nghèo đói, chúng tôi kết luận rằng khoảng cách giữa nhóm giàu và nhóm nghèo không còn nhiều ý nghĩa như trước kia nữa.5

Tập trung quá nhiều vào bất bình đẳng sẽ làm cho thấy cây mà không thấy rừng.

Liệu người dân Singapore ngày nay có cuộc sống tốt hơn?

Nếu các tác giả ở đây thực sự khẳng định rằng bất bình đẳng không phải là điều đáng quan ngại miễn là có sự dịch chuyển thu nhập giúp người dân thoát khỏi đói nghèo, thì câu hỏi hợp lý tiếp theo sẽ là: ở Singapore có hiện tượng dịch chuyển thu nhập hay không? Đây là một câu hỏi đáng đặt ra, vì Chính phủ Singapore bị chỉ trích do tiếp tục duy trì “huyễn tưởng” rằng “bất bình đẳng thực sự không phải là vấn đề miễn là không có tình trạng cực nghèo và thu nhập vẫn tăng trên diện rộng” (Low & Vadaketh, 2014, tr . 23).

Có rất ít bằng chứng chứng minh theo chiều hướng tích cực. Với lịch sử ngắn ngủi của Singapore, dữ liệu thực nghiệm ghi lại hiện tượng dịch chuyển thu nhập còn hạn chế, nhưng với những bằng chứng hiện có, có thể thấy rằng người nghèo ở Singapore không nghèo mãi. Cho đến hiện tại, nghiên cứu toàn diện nhất về vấn đề này được tiến hành bởi Bộ Tài chính Singapore, nhằm tính toán dịch chuyển thu nhập giữa các thế hệ thông qua mối tương quan giữa các thước đo thu nhập của người cha và thu nhập của con trai họ (Yip, 2015). Tác giả nhận thấy rằng ở Singapore có dịch chuyển thu nhập giữa các thế hệ ở mức độ tương đối, “cao hơn so với các nghiên cứu tương tự ở Mỹ” (Yip, 2015).

Mặc dù không có bằng chứng đáng tin cậy theo dõi tình trạng kinh tế xã hội của cùng một hộ gia đình theo thời gian, nhưng bằng chứng hiện có cho thấy các gia đình nghèo hơn ở Singapore hưởng mức tăng thu nhập cao, thường cao hơn các hộ gia đình giàu có hơn. Như đã đề cập, điều chúng ta nên quan tâm không phải là khoảng cách giàu nghèo, mà xem người nghèo có đang trải qua quá trình phát triển kinh tế hay không. Phân tích dữ liệu cho chúng ta biết rằng các hộ gia đình có thu nhập thấp nhất đã có sự gia tăng thu nhập liên tục trong những năm qua. Ngoài ra, tăng trưởng thu nhập của hộ gia đình trung bình ở nhóm 50% hộ gia đình nghèo nhất tăng nhanh hơn so với ở nhóm 50% hộ gia đình giàu nhất (Bảng 1).

Bảng 1: Phân tích phần trăm thay đổi của thu nhập hộ gia đình của các tầng lớp khác nhau

 

Thu nhập hộ gia đình trung bình năm 2009

Thu nhập hộ gia đình trung bình năm 2019

Phần trăm thay đổi trong giai đoạn

Nhóm 10% hộ gia đình giàu nhất ở Singapore

$ 22.909

$ 31.289

36,58%

Nhóm 50% hộ gia đình giàu nhất ở Singapore

$ 12.629  

$ 18.838

49,16%

Nhóm 10% hộ gia đình nghèo nhất ở Singapore

 

$1.361

$ 2.045

50,26%

 

Nhóm 50% hộ gia đình nghèo nhất ở Singapore

 

$ 3.760

$ 5.935

57,85%

 

Nguồn: Cục Thống kê Singapore

Các tác giả hiện tại cũng cung cấp thêm một số bằng chứng ủng hộ quan điểm tích cực này. Để làm như vậy, chúng tôi đưa vào khái niệm kinh tế chính trị “ngụy biện niết bàn”, một lỗi quá phổ biến khi so sánh một tình huống không hoàn hảo với một trạng thái lý tưởng không tưởng; nhiều nhà kinh tế học thường mắc lỗi khi chỉ ra một hiện tượng thất bại của thị trường rồi sau đó kêu gọi sự can thiệp của chính phủ, không nhận ra rằng những điểm không hoàn hảo mà họ cáo buộc do thị trường gây ra cũng xảy ra trong quá trình chính trị (Pennington, 2011, ch. 3). Các nhà kinh tế chính trị học tránh sai lầm về nguỵ biện niết bàn bằng cách tiến hành các so sánh về thể chế dựa trên một nền tảng tương đồng.

Bàn thêm về vấn đề này, chúng tôi thực hiện một số so sánh ngắn gọn về mức sống của Singapore với các quốc gia láng giềng khác trong khu vực. Xã hội Singapore không phải hoàn hảo, nhưng những kết quả so sánh này cho thấy rằng người dân Singapore có thu nhập thấp vẫn được hưởng cuộc sống tương đối tốt hơn nhiều so với các nước láng giềng.

Bằng chứng đầu tiên về điều này có được từ việc so sánh sự gia tăng thu nhập hộ gia đình của nhóm các gia đình nghèo nhất ở các quốc gia châu Á. Các tác giả hiện tại đã đối chiếu số liệu thống kê thu nhập từ các quốc gia châu Á khác nhau để theo dõi sự gia tăng thu nhập của hộ gia đình trung bình theo thời gian từ năm 2010 đến năm 2018 - tập trung vào các nhóm 20% hộ nghèo nhất. Từ bảng 2, chúng tôi lưu ý một số điểm. Thứ nhất, thu nhập của hộ gia đình trung bình thuộc nhóm 20% hộ nghèo nhất ở Singapore vào năm 2010 (1716,75 USD) cao hơn nhiều so với các nước khác, chỉ đứng sau Nhật Bản (2704,91 USD). Tuy nhiên, trong hơn 8 năm, thu nhập của hộ gia đình trung bình của nhóm các hộ gia đình nghèo nhất ở Singapore tăng 26,75%, như vậy trong năm 2018, những người Singapore nghèo nhất lại khá giả hơn hẳn so với hầu hết người dân châu Á khác.

Bảng 2: So sánh sự thay đổi của thu nhập hộ gia đình đối với 20% thu nhập hộ gia đình nghèo nhất ở các nước Châu Á

 

Thu nhập của hộ gia đình trung bình thuộc nhóm 20% hộ nghèo nhất trong năm 2010 ( USD)

Thu nhập của hộ gia đình trung bình thuộc nhóm 20% hộ nghèo nhất năm 2018 (USD)

Tỷ lệ phần trăm thay đổi trong 8 năm

Singapore

1716,75

2175,95

26,75

Trung Quốc

664,90 *

937,35

40,98

Malaysia *

465,52 *

685,85 *

47,33

Brunei

1227,80

1385,16 *

12,82

Việt Nam

18,93

40,18

112,26

Hàn Quốc

1049,40 *

1109,44

5,72

Campuchia

6,95

27,31 *

292,95

Thái Lan

80,73

62,91 *

28,33

Nhật Bản

2704,91

1919,53 *

-29,04

Philippines

1194,27 *

2445,75

104,79

 

Nguồn: Thống kê thu nhập hộ gia đình chính thức từ các quốc gia khác nhau6

Đây là một so sánh đáng lưu ý vì nó nêu bật sự cần thiết phải tránh sai lầm về “nguỵ biện niết bàn". Ngay cả khi chỉ ra sự cần thiết phải cải thiện hơn nữa hệ thống an sinh xã hội của Singapore, thì vẫn khó có thể phủ nhận rằng những người nghèo nhất ở Singapore vẫn khá giả hơn hẳn so với người dân ở các nước láng giềng.

Ngoài bằng chứng về thu nhập hộ gia đình, các tác giả cũng tìm cách thu thập các chỉ số khác phản ánh mức sống trên toàn khu vực châu Á. Tại Singapore, có 24,85% trong nhóm 20% hộ gia đình có thu nhập thấp nhất (theo mức thu nhập) sở hữu ít nhất một chiếc ô tô. Ngược lại ở Campuchia, vào năm 2017, chỉ 5% số hộ gia đình trên toàn quốc sở hữu ô tô. Hãy xem xét điều này với thực tế rằng 100 hộ gia đình ở Trung Quốc chỉ có 29,7 ô tô mà thôi. Singapore cũng giành vị trí dẫn đầu trong Chỉ số An ninh Lương thực Toàn cầu năm 2018 và 2019 - chỉ số đo lường khả năng chi trả, mức độ sẵn có và chất lượng dinh dưỡng của thực phẩm trong nước. Điều này có nghĩa là Singapore không chỉ là một trong những quốc gia có chế độ dinh dưỡng tốt nhất ở châu Á mà còn tốt nhất trên thế giới.

Thay vào đó, những người đang tìm kiếm sự so sánh tổng thể hơn về mức sống giữa các quốc gia có thể chú ý hơn đến Chỉ số Dịch chuyển Xã hội Toàn cầu, chỉ số này không xem xét các mức thu nhập hoặc thành quả xã hội cụ thể, mà xem xét các chính sách, hành động và thể chế của một quốc gia, và liệu chúng có thúc đẩy sự dịch chuyển xã hội cho tất cả mọi người hay không (Bảng 3). Mười trụ cột trong chỉ số này bao gồm các lĩnh vực như chất lượng chăm sóc sức khỏe, cơ hội giáo dục và cả sự hiện diện của các thể chế dung hợp trong xã hội. So sánh thành tích của các quốc gia châu Á được chọn cho thấy Singapore có chỉ số cao, chỉ đứng sau Nhật Bản trong khu vực này.

Phải kể đến là Singapore đã vượt xa các quốc gia châu Á khác như Malaysia, Indonesia, và thậm chí cả một quốc gia có tốc độ phát triển nhanh là Trung Quốc. Nếu cho rằng chỉ số này là thước đo chính xác về tính dịch chuyển xã hội trong một quốc gia, người Singapore được cho là có mức độ dịch chuyển xã hội cao hơn so với những người dân khác ở châu Á.

Còn về mức sống nói chung của Singapore thì sao? Có rất nhiều chỉ số về mức sống được sử dụng để so sánh các quốc gia trong cùng khu vực. Tuy nhiên, một số vẫn bị chỉ trích là quá hạn hẹp, hoặc chỉ tập trung vào các yếu tố vật chất, hoặc quá bao quát và do đó không có ý nghĩa so sánh. Các tác giả tin rằng sự giàu có về kinh tế vẫn là nền tảng quan trọng của mức sống chung, vì của cải vật chất, thay vì làm băng hoại đạo đức của chúng ta, thì nó giải phóng con người để trải nghiệm các giá trị phi vật chất khác. Do đó, một chỉ số có ý nghĩa nên bao gồm sự giàu có về kinh tế như một yếu tố chính và bao gồm các yếu tố phụ như các khía cạnh thiết yếu và phi vật chất khác.

Bảng 3: So sánh hiệu quả hoạt động của các quốc gia châu Á dựa trên Chỉ số Dịch chuyển Xã hội Toàn cầu

Quốc gia

Điểm thô về Chỉ số dịch chuyển xã hội toàn cầu năm 2020 (hoặc năm có dữ liệu mới nhất)

Xếp hạng trên toàn cầu

Nhật Bản

76,1

15

Singapore

74,6

20

Hàn Quốc

71,4

25

Malaysia

63,0

43

Trung Quốc

61,5

45

Việt Nam

57,8

50

Thái Lan

55,4

54

Philippines

51,7

61

Indonesia

49,3

67

Lào

43,8

72

Nguồn: Báo cáo Dịch chuyển Xã hội Toàn cầu 2020, Diễn đàn Kinh tế Thế giới

Với cách nhìn này, các tác giả đã xác định Chỉ số Thịnh vượng của Viện Legatum là chỉ số có ý nghĩa để so sánh (Bảng 4). Chỉ số cho thấy rằng của cải vật chất là một phần không thể thiếu của một cuộc sống tốt đẹp, nhưng cũng đồng thời xem xét các yếu tố khác. Điều quan trọng là nó phản ánh niềm tin của các tác giả rằng các thể chế mở và dung hợp là cơ sở cho xã hội tiến bộ. Theo Viện Legatum, “một quốc gia thịnh vượng là khi nó có các thể chế hiệu quả, một nền kinh tế mở và người dân có sức khỏe, được giáo dục và được an toàn”.7

Đáng chú ý là, năm 2019, chỉ có Singapore là 1 trong 3 quốc gia châu Á góp mặt trong 20 vị trí hàng đầu mà thôi. Khi nói đến thành tựu y tế, thì Singapore đứng đầu toàn cầu. Cũng cần chỉ ra rằng các thành tựu y tế hàng đầu của Singapore vượt trội so với các quốc gia Tây Âu có mức độ bao phủ toàn diện hơn về các điều khoản chăm sóc sức khỏe của nhà nước, chẳng hạn như các nhà nước phúc lợi của Úc, Vương quốc Anh và Canada. Singapore không chỉ đạt được kết quả chăm sóc sức khỏe xuất sắc, mà còn có hệ thống chăm sóc sức khỏe với chi phí thấp, do đó, nó được xếp hạng cao không kém trên Chỉ số Hiệu quả Chăm sóc Sức khỏe Bloomberg và được coi là tấm gương “xuất sắc với giá cả phải chăng” (Haseltine, 2013).

Bảng 4: 20 quốc gia hàng đầu được xếp hạng trên Chỉ số thịnh vượng của Viện Legatum

Quốc gia

Xếp hạng toàn cầu về Chỉ số thịnh vượng của Legatum

Xếp hạng toàn cầu về Chỉ số phụ về sức khoẻ trong Chỉ số thịnh vượng của Legatum

Đan Mạch

1

8

Na Uy

2

5

Thụy Sĩ

3

3

Thụy Điển

4

15

Phần Lan

5

26

Hà Lan

6

9

New Zealand

7

22

Đức

8

12

Luxembourg

9

19

Iceland

10

7

Vương quốc Anh

11

23

Ireland

12

20

Áo

13

10

Canada

14

25

Hồng Kông

15

6

Singapore

16

1

Úc

17

18

Hoa Kỳ

18

59

Nhật Bản

19

2

Malta

20

14

Nguồn: Chỉ số Thịnh vượng Legatum 2019

(còn nữa)

Chú thích:

(1) một nhóm ngũ phân vị là một trong năm giá trị chia một phạm vi dữ liệu thành năm phần bằng nhau, mỗi phần là ⅕ (20%) của phạm vi. Chúng thường được sử dụng cho các tập dữ liệu lớn và được các nhà chính trị, nhà kinh tế viện dẫn để thảo luận về các khái niệm công bằng kinh tế và xã hội.

(2) Aeppel, T. (2015, July 16). Silicon Valley Doesn’t Believe U.S. Productivity Is Down. The Wall Street Journal. Nguồn từ: https://www.wsj.com/articles/silicon-valley-doesntbelieve-u-s-productivity-is-down-1437100700.

(3) Lakner, C. & Milanovic, B. (01/07/2016), Global Income Distribution. Trích từ: https://openknowledge.worldbank.org/handle/10986/29118.

(4) Cowen, T. (19/07/2014), Income Inequality Is Not Rising Globally. It’s Falling. The New York Times. Trích từ https://www.nytimes.com/2014/07/20/upshot/income- inequality-is-not-rising-globally-its-falling-.html.

(5) McCloskey, D. (12/08/2014), Equality lacks relevance if the poor are growing richer. Financial Times. Trích từ: https://www.ft.com/content/4c62ddaa-e698-11e3-9a20- 00144feabdc0.

(6) các thú thích về nguồn dữ liệu của bảng, vui lòng xem bản gốc - ND

(7) Viện nghiên cứu Legatum (14/11/2019), About: Legatum Prosperity Index 2019. Trích từ: https://www.prosperity.com/about/summary.

Nguồn: Bryan Cheang & Donovan Choy, Liberalism Unveiled Forging A New Third Way In Singapore, Chương 6, World Scientific, 2020

 

 

 

Dịch giả:
Nguyễn Nga
Hiệu đính:
Phạm Nguyên Trường