Thị trường tự do và thị trường phi tự do cùng với các giá trị đạo đức
Những con người ủng hộ sự can thiệp của chính phủ và chống toàn cầu hóa đang đưa ra nhiều luận điểm để phê phán tính hiệu quả và vấn đề đạo đức của chủ nghĩa tư bản và quá trình toàn cầu hóa. Họ cho rằng một nền kinh tế tự do và quá trình toàn cầu hóa chính là nguyên nhân của thất nghiệp, đói nghèo, bất bình đẳng, tội phạm…Vì lẽ đó, họ kêu gọi áp dụng mô hình có sự can thiệp nhiều hơn của nhà nước vào nền kinh tế nhằm mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tôi cho rằng những luận điểm của đa số họ, những người thật thà, xuất phát từ sự nhầm lẫn trong việc chỉ ra đâu là nguyên nhân của vấn đề mà họ đang đối mặt.Tất cả đều giống như việc những công nhân Anh, trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp đã đập phá máy móc vì nghĩ rằng máy móc đã cướp đi công ăn việc làm của họ. Tình huống này thường cộng hưởng với các luận điểm của các chính trị gia theo đường lối dân túy, hay những người có tư tưởng dân tộc cực đoan… Trên thực tế, thị trường tự do và toàn cầu hóa không phải là nguyên nhân của vấn đề mà nguyên nhân ở đây là việc các nguyên tắc của thị trường không được coi trọng và thực thi bởi chính các tổ chức mà nạn nhân tin tưởng.
Những người được coi là kẻ thù của tự do như Karl Marx cũng phải thừa nhận năng lực tạo dựng vật chất của chủ nghĩa tư bản. Theo đó, nó tạo ra những giá trị phục vụ tận tụy những mong muốn vật chất vô biên của loài người. Thêm vào đó, thị trường tự do thường là môi trường sinh sôi của các thể chế dân chủ. Cái thể chế mà các tương tác ý tưởng giữa con người với con người được thông suốt, tiếng nói và lợi ích của người dân được coi trọng bởi tất cả thành phần cấu thành nên xã hội.
Lịch sử và hiện tại cho chúng ta những là tiêu chuẩn chân lý về những gì mà thị trường tự do có thể mang lại. Thị trường tự do đã và đang thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ và tạo ra sự thịnh vượng ở những quốc gia đã nhiệt thành theo đuổi nó và nó cũng thúc đẩy mạnh mẽ hòa bình hữu nghị giữa các quốc gia trên thế giới. Cách đây hơn 40 năm, Singapore chỉ là một cái làng nhỏ và hẻo lánh. Do nhờ những chính sách tạo dựng một thị trường tự do, nay Singapore là một trong những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới và nước này cũng đóng vai trò cốt yếu trong việc duy trì sự hòa bình và phát triển của các nước ASEAN từ khi thành lập cho tới nay. Một bằng chứng khác, Nhật Bản, một nước nghèo tài nguyên và chịu hậu quả nặng nề của cuộc từ cuộc chiến tranh thế giới II. Thị trường tự do đã mang lại cho nước này sự thần kỳ. Hiện nay, nước Nhật có tổng sản phẩm quốc nội GDP đứng thứ ba thế giới, sau Mỹ số 1 và Trung Quốc thứ 2, và có GDP bình quân đầu người đứng thứ 8 trên thế giới. Trong mắt nhiều người Nhật Bản thật sự văn minh và hiện đại, một đất nước mà thu nhập của người chủ với người làm thuê không có nhiều sự khác biệt. Đặc biệt, trong khi với nhiều quốc gia, các băng đảng xã hội đen là những tổ chức phá hoại xã hội thì ở Nhật Bản, sau trận động đất và sóng thần năm 2011 nhiều người đã thấy một băng đảng xã hội đen của Nhật Bản lập quầy cứu trợ cho những người còn sống sót. Nhật Bản cũng là nước viện trợ ODA nhiều nhất trên thế giới, góp phần vào cải cách kinh tế ở các nước đang phát triển và giúp cho người dân các nước này cải thiện chất lượng cuộc sống.
Trên phương diện toàn cầu, và theo nhiều khía cạnh, thị trường tự do thúc đẩy hòa bình và tình hữu nghị giữa các quốc gia và các dân tộc qua việc gắn lợi ích của họ với nhau. Thị trường tự do là động lực hình thành các đồng thuận kinh tế, từ đó tạo ra tiền đề cho các đồng thuận văn hóa và đồng thuận chính trị. Chính vì cái logic đó, trong lịch sử, chúng ta hiếm khi nào thấy xung đột xảy ra mà các bên tham gia là tập hợp của các quốc gia dân chủ với nhau, mà chỉ có xung đột giữa các tập hợp còn lại. Sự phát triển của thị trường tự do tạo điều kiện thuận lợi cho các giá trị nhân văn – đạo đức được lan tỏa; các bạn trẻ Việt Nam có thể hát và nhảy theo nhạc Mỹ, xem phim Mỹ, học lối tư duy kiểu Mỹ và các thanh niên Mỹ có thể học tập sự trì chí và tinh thần vượt qua khó khăn của người Nhật Bản. Có lẽ không thể không nói tới sự cảm thông và chia sẻ của nhân dân thế giới dành cho Nhật Bản sau thảm họa trận động đất và sóng thần năm 2011 bất chấp những xung đột trong lịch sử… Những điều này sẽ làm cho thế giới trở nên gần gũi hơn, và một xã hội trọng nhân sẽ được bảo vệ và phát triển.
Ở các quốc gia mà các hoạt động kinh tế do nhà nước hay thực chất là một nhóm người kiểm soát. Nhà nước nắm giữ toàn bộ tư liệu sản xuất, thành lập những kế hoạch lớn cho cả nước, và toàn dân chỉ việc làm theo. Mô hình hình này đã làm gia tăng sự ỳ trệ của nền kinh tế, kéo theo đó chính là một loạt các tác động tiêu cực khác về chính trị, xã hội. Các giá trị đạo đức đã bị đặt và kiểm soát bên ngoài những quy luật tất yếu, hệ thống các chuỗi giá trị thông suốt trở nên bị cứng nhắc và chứa đựng rất nhiều những hạn chế. Cuộc cách mạng đi ngược lại sự tiến hóa của xã hội loài người ở Đông Âu và Trung Quốc đã sụp đổ. Sau cơn ác mộng, phần lớn các quốc gia này đã tỉnh giấc và đang theo đuổi nền kinh tế thị trường góp phần làm cho thế giới trở nên an ninh và hạnh phúc hơn.
Hiện nay, ở một số quốc gia mà các nhà lãnh đạo vẫn còn lưu luyến và thậm chí sùng bái một hệ thống thị trường phi tự do như ở một số nơi như Venezuela, Châu Phi, Bắc Triều Tiên. Chúng ta có thể thấy hậu quả của mô hình bắt nguồn từ những tư tưởng lạc hậu là rất rõ ràng. Đấy là mức sống thấp ở đại bộ phận dân chúng, sự phổ biến bệnh dịch và tội phạm, tràn lan tham nhũng ở các quan chức nhà nước… Ở các nước này, người dân thường bị đối xử như trẻ con, phải nghe những lời uốn dạy nặng tính giáo điều dưới hình thức của các khẩu hiệu hay những ước mơ không thực tế… Nền giáo dục và khoa học của các nước này mang nặng tính tuyên truyền thay vì hướng tới các nhiệm vụ đích thực của nó.
Trên con đường đi tới một nền kinh tế thị trường, được những người trí thức cổ vũ, có lẽ sẽ có nhiều khúc quanh, ngay cả khi đa số điều biết đi theo đường thẳng sẽ nhanh hơn. Đưa ra quyết định lựa chọn thay đổi thay vì bám giữ lấy cái cũ là rất khó khăn bởi những ảnh hưởng văn hóa có tính di truyền. Tuy nhiên, với sức mạnh và tính logic trong bản thân kinh tế thị trường sẽ là chìa khóa để loài người xây dựng được một xã hội phồn vinh và hạnh phúc. Trong xã hội đó sự thù hận được đối xử bằng tình yêu, sự thành kiến bằng lòng khoan dung, sự kiêu căng bằng lòng nhân từ, bạo lực bằng lẽ phải.
Nguồn: Nguyễn Ngọc Công, Thị trường tự do và thị trường phi tự do cùng với các giá trị đạo đức, Thị trường & Tự do, 18/3/2015