Chế độ nhân tài trị và Chủ nghĩa tinh hoa ở Singapore: Điều gì khiến cả hai bên đều sai khi tranh luận về chế độ nhân tài trị? (Phần 1/3)

Chế độ nhân tài trị và Chủ nghĩa tinh hoa ở Singapore: Điều gì khiến cả hai bên đều sai khi tranh luận về chế độ nhân tài trị? (Phần 1/3)

Chương này sẽ trình bày quan điểm của chủ nghĩa tự do cổ điển về chế độ nhân tài trị, một trụ cột chính trong hệ thống quản trị nhà nước của Singapore, vốn dĩ hứng chịu nhiều chỉ trích trong những năm gần đây, đặc biệt khi nó bị coi là cội rễ của bất bình đẳng kinh tế - xã hội và thái độ biệt đãi giới tinh hoa. Chúng tôi cho rằng cả quan điểm của những người ủng hộ chế độ nhân tài trị và quan điểm của những người cánh tả cấp tiến đều có những thiếu sót. Trong khi những chỉ trích chế độ nhân tài trị của Đảng Hành động Nhân dân (PAP) đưa ra được lý lẽ thực chứng đúng đắn, nhưng tiếc là chúng lại đưa ra những kết luận chuẩn tắc sai lầm.

Cũng trong chương này, chúng tôi muốn nhấn mạnh chế độ nhân tài1 về cơ bản là không tương thích với nền kinh tế thị trường, một nền kinh tế cho phép mọi người có một mức độ tự do kinh tế nhất định. Thứ hai, ngay cả khi chế độ nhân tài trị là một chế độ đáng ao ước từ góc độ chuẩn tắc, thì các chính phủ vẫn không thể áp dụng thông qua nó khi phải đối mặt với vô vàn các vấn đề liên quan đến tri thức luận và hậu cần. Cuối cùng, chúng tôi xin kết luận bằng luận điểm rằng những hiểu biết sâu sắc của triết học tự do cổ điển sẽ mang lại nền tảng vững chắc cho một chế độ nhân tài trị được cải tiến hơn và đa nguyên hơn nhằm phục vụ tốt hơn cho phúc lợi của xã hội.

Chế độ nhân tài trị ở Singapore

Diễn ngôn của Đảng Hành động Nhân dân về chế độ nhân tài trị

Khi nói về chế độ nhân tài trị trong nền chính trị Singapore, người ta thường nghĩ đến một thảo luận cụ thể gắn với một bối cảnh độc nhất vô nhị. Kể từ khi đất nước giành độc lập năm 1965 nền chính trị của Singapore nằm trong tay một đảng duy nhất và hầu như không có sự cạnh tranh nào trên nghị trường. Ngay từ những ngày đầu thành lập, chính phủ của Đảng Hành động Nhân dân đã tuyên bố chế độ nhân tài là trọng tâm của triết lý chính trị và ủng hộ nó như ủng hộ một hình thức quản trị nhà nước lý tưởng. Khác với đa số nền dân chủ tự do, luôn xảy ra những mâu thuẫn giữa các đảng phái, diễn ngôn ý thức hệ giữa các phe phái chính trị ở Singapore đều tương đối đồng nhất. Nhờ việc kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông, Đảng Hành động Nhân dân đã ngăn chặn, không để dân chúng thấy những diễn ngôn mâu thuẫn nhau (George, 2012).2 Nhất quán với cách tiếp cận đó, các kênh truyền thông trong thời đại Internet cũng phải chấp hành những quy định cấp phép rất hà khắc.3

Diễn ngôn chính trị dòng chính ở Singapore không diễn ra theo phổ chính trị tả - hữu truyền thống, mà thay vào đó, phổ chính trị thường được thể hiện theo sự phân đôi giữa bên ủng hộ PAP với bên chống PAP, thường tranh luận về tính chân thực của “chủ nghĩa thực dụng” và “chế độ nhân tài trị” - hai triết lý quản trị đặc thù của PAP. Thật vậy, nhà lập quốc Singapore, ông Lý Quang Diệu, vẫn thường nhấn mạnh tầm quan trọng của một chính quyền không theo ý thức hệ nào, một triết lý có sức ảnh hưởng rất lớn đối với các thế hệ lãnh đạo chính trị hiện nay (Lee H. L., 2018).

PAP luôn đề cao đạo lý làm việc chăm chỉ. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em trong các trường công lập đã được dạy về phẩm chất đạo đức của sự chăm chỉ, và Singapore sẽ có phần thưởng cho bất kỳ ai, miễn là được đó cam kết sẽ luôn nỗ lực, kiên trì. Người ta nói cơ hội bình đẳng và không phân biệt đối xử là nền tảng của xã hội Singapore, tạo điều kiện để người nào cũng sẽ gặt hái được thành công. Lời cam kết được đúc kết thành Tuyên thệ Quốc gia cho học sinh từ các cấp tiểu học đến trung học cơ sở đọc đi đọc lại hàng ngày nhằm nhắc nhở mỗi người dân Singapore hãy luôn nhớ đến các giá trị đa văn hóa của quốc gia mình: “Chúng tôi, những công dân của Singapore, tự cam kết là một dân tộc thống nhất, không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo...”.

Tinh thần đó đóng vai trò quan trọng trong nền văn hóa Singapore, thể hiện qua phong thái hùng biện mà các nhà lãnh đạo chính trị vận dụng trong các buổi nói chuyện trước công chúng. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Lý Quang Diệu, cùng với đảng chính trị của mình, đã có một niềm tin mãnh liệt về một hệ thống chính trị được điều hành bởi chế độ nhân tài trị. Năm 1971, chỉ sáu năm sau khi độc lập, Lý Quang Diệu đã đưa ra một nhận xét vô cùng nổi tiếng lúc bấy giờ:

“Gánh nặng trong công tác hoạch định và triển khai hiện nay được đặt lên vai của khoảng 300 nhân vật chủ chốt. Họ bao gồm những thành viên chủ chốt của PAP, các nghị sĩ và cả những cán bộ dân vận, những người vận động sự ủng hộ từ quần chúng và biện hộ cho sự cần thiết của các chính sách kể cả khi chúng có tạm thời gây ra những bất cập hoặc đi ngược lại với những lợi ích mang tính cục bộ. Những anh kiệt trong cơ quan chính phủ, lực lượng cảnh sát, lực lượng vũ trang, chủ tịch hội đồng quản trị cùng các giám đốc, đã nghiên cứu rất chi tiết các chính sách do chính phủ đặt ra và xem xét việc áp dụng chúng vào thực tiễn. Những người này đều xuất thân từ những gia đình nghèo hoặc thuộc tầng lớp trung lưu. Họ đến từ các trường dạy bằng những ngôn ngữ khác nhau. Singapore là chế độ nhân tài trị. Và những người này đã vươn lên tốp đầu bằng chính phẩm chất, sự chăm chỉ và thành tích cao của mình. Cùng nhau họ tạo thành nhóm cốt lõi, gắn kết chặt chẽ và khó có thể tách rời. Nếu tất cả 300 người này cùng gặp nạn trong một vụ rơi máy bay, Singapore sẽ tan rã ”(Cục Quản lý hồ sơ và Văn khố Quốc gia Singapore, 1971).

Ông thường xuyên viện dẫn Singapore như một quốc gia không phân biệt đối xử, luôn khen thưởng mọi người vì sự chăm chỉ và tài năng của họ, và cho rằng đó là một trong những lý do quan trọng tạo nên sự phát triển kinh tế thành công của đất nước này. Ngay cả khi đánh giá về những bất ổn của xu hướng toàn cầu hóa và nền kinh tế dựa vào tri thức đang ngày càng phát triển trong ba thập kỷ sau đó, Lý Quang Diệu vẫn tiếp tục tuân theo các giáo lý của xã hội nhân tài trị:

“Chúng ta đã thành công trong ba thập kỷ qua nhưng không có gì đảm bảo chúng ta sẽ tiếp tục làm được như vậy trong tương lai. Tuy nhiên, nếu tiếp tục tuân thủ những nguyên tắc cơ bản giúp chúng ta thành công, có khả năng cao là chúng ta sẽ không thất bại. Những nguyên tắc đã giúp chúng ta đi lên: đó là gắn kết xã hội thông qua chia sẻ những lợi ích của tiến bộ, bình đẳng cơ hội cho tất cả mọi người, và chế độ nhân tài trị; theo đó, những người tốt nhất, cả nam lẫn nữ, sẽ được giao phó trọng trách công việc, đặc biệt là những vị trí lãnh đạo trong chính phủ” (Lý Quang Diệu, 2000, trang 691).

Lời cam kết “nếu làm việc chăm chỉ, bất kỳ ai cũng có thể thành công” là động lực rất rõ ràng để người Singapore kiên trì và phấn đấu. Của cải vật chất, cuộc sống thoải mái, hay địa vị cao trong xã hội là tất cả những dấu hiệu dễ nhận thấy cho sự thành công trong chế độ nhân tài trị, khuyến khích người dân Singapore trở nên tham vọng nhiều hơn về vị trí của họ trong cuộc sống. Quan trọng hơn, nó cho người Singapore thấy rằng thành công của họ không bị kìm hãm bởi các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của cá nhân, chẳng hạn như chủng tộc và địa vị kinh tế-xã hội, mà bởi tính vượt trội của cá nhân. Nguyên tắc trên được khẳng định trong đoạn Lý Quang Diệu ca ngợi văn hóa kinh doanh dựa vào tài năng và vai trò của khởi tạo kinh doanh:

“... chúng ta phải áp dụng…. chú trọng tinh thần độc lập và tự lực tự cường của cá nhân… dành sự tôn trọng đối với những người dám khởi nghiệp… chấp nhận thất bại trong nỗ lực kinh doanh và đổi mới sáng tạo… bao dung đối với sự khác biệt lớn về thu nhập. Trong hơn 30 năm qua, chúng ta ở Singapore đã hướng tới một xã hội quân bình. Nếu chúng ta muốn có nhiều nhà khởi tạo kinh doanh thành công, người Singapore cần phải biết chấp nhận mức chênh lệch lớn hơn nữa về thu nhập giữa những người thành công và không thành công”(Lee, 2002).

Tương tự, Thủ tướng thứ hai Goh Chok Tong đã kêu gọi người dân Singapore “khuyến khích doanh nghiệp và khen thưởng cho sự thành công của họ, không ghen tị và đánh thuế họ” (Goh, 1988, trang 5).

Trong những năm qua, các chính trị gia luôn đề cao các giá trị nhân tài và coi nó là nền tảng cho thành công và phát triển của Singapore. Nhà lãnh đạo sáng lập PAP S. Rajaratnam đã nói về điều này một cách không úp mở: “Tôi tin vào hệ thống cấp bậc hành chính dựa trên phẩm chất đơn giản bởi vì tôi không thể nghĩ ra bất kỳ cách nào khác tốt hơn để vận hành xã hội hiện đại - hay kể cả một xã hội bộ lạc nguyên thủy” (Chan & Haq, 1987, tr 539). Nhà cựu ngoại giao hàng đầu, Kishore Mahbubani, đã ngẫm nghĩ về sự thành công trong cuộc sống của ông chính là nhờ vào hệ thống nhân tài trị của Singapore:

“Trong cuộc đời mình, tôi đã từng sống trong giấc mơ về chế độ nhân tài trị... Nhờ vào sự may mắn lạ thường, Singapore đã có được dàn lãnh đạo sáng suốt kể từ sau khi giành độc lập, năm 1965. Những nhà lãnh đạo này đã quyết định rằng, nguồn nhân lực chính là nguồn lực duy nhất của Singapore và tuyệt đối không được lãng phí. Bất kỳ tài năng nào ở bất kỳ đâu trong xã hội đều có cơ hội được phát triển và thành công. Do đó, nhờ vào sự hỗ trợ về tài chính và các học bổng, cộng thêm việc thông qua một hệ thống thăng tiến dựa trên thành tích, tôi đã thoát khỏi nanh vuốt của nghèo đói” (Mahbubani, 2005, trang 5).

Lý Hiển Long - vị Thủ tướng thứ ba và cũng là người đương nhiệm đã nhắc lại rất nhiều lần về tính quyết định của sự chăm chỉ đối với thành công: “Tôi tự hỏi nếu chúng ta không đánh giá sự thành công dựa vào phẩm chất, thì chúng ta sẽ nhìn vào cái gì?” (Choo, 2012). Ngay trước cuộc Tổng tuyển cử năm 2015, ông vẫn tiếp tục vững tin vào những lý tưởng của chế độ nhân tài trị:

“Một trong những thành tựu đáng chú ý nhất của chúng ta trong 50 năm qua là sự hòa hợp về chủng tộc và tôn giáo. Nó bắt nguồn từ niềm tin mạnh mẽ vào lý tưởng về một xã hội đa chủng tộc, mọi người đều bình đẳng, không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo ... chúng ta đã giữ vững niềm tin rằng trên cả chủng tộc, ngôn ngữ và tôn giáo thì, trước hết, tất cả chúng ta đều là những công dân Singapore, và vì thế hãy cùng nhau xây dựng xã hội công bằng và công lý, dựa trên chế độ nhân tài trị, trong đó xét về năng lực, chứ không phải xuất thân hay màu da của bạn quyết định bạn làm tốt đến mức nào, bạn đóng góp được gì và bạn nhận được phần thưởng nào ”(Văn phòng Thủ tướng Singapore, 2015).

Bất cứ nơi nào trên thế giới khi nhìn vào ra-đa chính trị của Singapore sau khi giành được độc lập, người ta thường nói đến chế độ nhân tài trị trong diễn ngôn chính trị của Singapore. Những lời lẽ về một xã hội dựa trên phẩm chất đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện hàng ngày và đang tiếp tục tạo thành sợi dây kết nối xã hội của Singapore.

Chính sách Nhân tài trị

Ở cấp độ cao hơn, chính sách của PAP đã tạo ra sự bình đẳng về cơ hội và khẳng định mạnh mẽ giá trị của tinh thần tự lực. Điều này nhắc nhở người Singapore rằng họ đã gây dựng sự thành công bằng chính năng lực của bản thân - nhà nước chỉ đóng vai trò như mạng lưới an sinh cuối cùng mà thôi. Như Neo & Chen (2007) đã nói,

“Triết lý quản trị của Singapore - nhấn mạnh mối liên hệ giữa công việc và phần thưởng, khuyến khích tinh thần tự lực đồng thời áp dụng tính duy lý và logic để giải quyết các vấn đề - và kèm theo đó là việc nhấn mạnh vào các nguyên lý kinh tế trong hoạch định chính sách, được phản ánh trong các đặc điểm chính của chính sách công: không có hiện tượng đẩy sang cho thế hệ sau; không trợ cấp cho tiêu dùng, và bất cứ lúc nào có thể, cũng sử dụng cơ chế thị trường và giá để phân bổ nguồn lực”(trang 171).

Tầm quan trọng của nền tảng nhân tài trị đối với xã hội Singapore có thể thấy được rõ nhất trong lĩnh vực giáo dục và bộ phận chóp bu của tầng lớp chính trị. Các cấp học thấp được trợ cấp để chắc chắn rằng mọi trẻ em Singapore đều được tiếp cận giáo dục phổ cập. Luật Giáo dục Bắt buộc quy định mọi công dân phải tham gia giáo dục, cho thấy đặc tính của chế độ nhân tài trị, đó là mọi công dân Singapore đều được bảo đảm sự khởi đầu trong cuộc đua của cuộc sống bất kể tình trạng kinh tế xã hội như thế nào (Bộ Giáo dục, 2019).

Các chính trị gia và người của công chúng đảm nhiệm chức vụ cấp cao trong bộ máy chính trị hoặc các vị trí chủ chốt trong các công ty liên kết với chính phủ (Government-linked company - GLC) thường cho người khác thấy một nền tảng học vấn mẫu mực, từng học tại các trường đại học hàng đầu với những học bổng danh giá của chính phủ, họ có thể làm việc ở bất cứ vị trí nào mà họ muốn. Việc Singapore có nhiều vị lãnh đạo chủ chốt có thành tích xuất sắc như vậy không phải là ngẫu nhiên. PAP từ lâu đã theo đuổi chính sách tuyển chọn những người sáng giá và tài năng nhất vào khu vực công để đào tạo một tầng lớp kỹ trị ưu tú, có khả năng vận hành bộ máy nhà nước. Tiêu chí lựa chọn của chính phủ là xét theo thành tích học tập và kiến ​​thức chuyên môn, vấn đề này sẽ được chúng tôi trình bày rõ hơn ở phần sau. Hệ tư tưởng nhân tài trị của PAP được cho là song song với một cơ chế phân bổ thị trường để huy động những nhân tố “ưu tú nhất” vào bộ máy hành chính nhà nước (Sai ​​& Huang, 1999).

Nhất quán với câu chuyện về chế độ nhân tài trị, các nhà lãnh đạo ban đầu của PAP đã tìm cách bảo đảm một xã hội không phân biệt, nơi “không chủng tộc nào có lợi thế hơn chủng tộc nào” (The Straits Times, 2011, trang 219) ở đất nước Singapore đa chủng tộc. Có thể thấy qua một loạt các chính sách của PAP nhằm tạo ra một sân chơi công bằng nhất cho tất cả các chủng tộc và gắn kết các chủng tộc lại với nhau, tầm nhìn táo bạo này về bình đẳng cơ hội không phân biệt chủng tộc đã và sẽ được theo đuổi một cách quyết liệt. Hạn ngạch chủng tộc đối với hệ thống nhà ở công cộng, nơi có hơn 80% cư dân Singapore sinh sống, được thực hiện vào năm 1989 để ngăn chặn việc hình thành các khu vực tập trung chủng tộc. Chính sách như vậy đã góp phần nhằm ngăn sự cát cứ của các nhóm chủng tộc theo khu vực, tạo điều kiện cho mọi trẻ em dù ở tầng lớp xã hội nào, tình trạng kinh tế ra sao cũng đều được lớn lên trong một môi trường văn hóa xã hội giống như phần còn lại. Tiếng Anh, thay vì tiếng Trung, tiếng Mã Lai hoặc tiếng Tamil, được quy ước như một ngôn ngữ trung lập và là ngôn ngữ giao tiếp chính ở nơi làm việc, công sở. Hệ thống bầu cử kế thừa từ nước Anh đã được thay đổi để phản ánh câu chuyện về chế độ nhân tài trị; mô hình Nhóm Đại diện Cử tri theo Cơ cấu (Group Representation Constituency - GRC) đã được áp dụng, yêu cầu các đảng đưa ra một nhóm ứng viên (trái ngược với mô hình bầu cử theo từng ứng viên đơn lẻ như trưyền thống), bao gồm ít nhất một ứng viên là người thiểu số, thường là người Mã Lai hoặc Ấn Độ. Như Điều 39A của Hiến pháp Singapore đã nêu rõ, mục đích của GRC là đảm bảo rằng mỗi cộng đồng thiểu số đều phải có ít nhất một đại diện trong Nghị viện. Gần đây nhất, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017, chiếc ghế đã được dành cho những ứng cử viên người Mã Lai với lý do rằng ngoài người Mã Lai ra thì tất cả các chủng tộc đều đã từng đảm nhiệm chức vụ tổng thống kể từ năm 1970.

Có lẽ chính sách phúc lợi xã hội của PAP thể hiện rõ nhất triết lý nhân tài trị của nó về sự tự lực và trách nhiệm cá nhân. Nơi nào có phúc lợi xã hội, nơi đó được thiết kế để khuyến khích mọi người tránh phụ thuộc vào phúc lợi và bị mất đi động lực làm việc chăm chỉ của cá nhân. Thật vậy, không dễ dàng gì để đáp ứng đủ điều kiện nhận phúc lợi ở Singapore. Lập trường của chính phủ là gia đình và cộng đồng nên là nơi cung cấp phúc lợi đầu tiên trước khi tìm đến chính phủ như một biện pháp cuối cùng (Fund, 2015). Nói cách khác, nhà nước không nên đóng vai trò là người bảo đảm tiền bạc, của cải, mà chỉ đơn thuần là canh gác nguồn lực cuối cùng. Ngay cả những nhóm người dễ bị tổn thương nhất của xã hội, chẳng hạn như người tàn tật hoặc người già, phải chứng minh rằng họ không có người thân để có thể dựa dẫm về tài chính trước khi họ đủ điều kiện để nhận phúc lợi cộng đồng.

Một hình thức phúc lợi phổ biến khác đó là các nhóm cộng đồng tự lực do chính phủ hỗ trợ. Các nhóm tự lực này cổ vũ cách tiếp cận phúc lợi “Many Helping Hands” (tạm dịch: Nhiều bàn tay giúp đỡ) của chính phủ Singapore, nơi phúc lợi không chỉ được cung cấp bởi nhà nước mà còn nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức tư nhân và thường dân (Moore, 2000). Các cộng đồng này tồn tại đến tận ngày nay và được thiết lập theo chủng tộc. Mục tiêu của họ là giải quyết các vấn đề về giảm nghèo thông qua các chương trình học văn hóa và giáo dục phổ thông đa dạng cho người nghèo để họ có cơ hội cải thiện kinh tế. Chương trình này bắt đầu từ cộng đồng người Mã Lai vào năm 1981. Nó được coi là rất thành công đến mức, vào cuối thập kỷ, chính phủ nhân rộng mô hình này ra để thành lập các tổ chức tự lực tương tự cho các nhóm “tụt lùi” của người Hoa, Ấn Độ và cả Âu-Á nữa. Để mọi người được mở mang tầm mắt, Lý Quang Diệu là người đã phá vỡ sự miễn cưỡng của các nhà lãnh đạo PAP trong khoảng thời gian đầu về việc tổ chức các nhóm phúc lợi theo chủng tộc vì điều này đi ngược lại với lý tưởng nhân tài trị mà các nhà lãnh đạo PAP đang theo đuổi. Người tiên phong của PAP và là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đầu tiên của Singapore S. Rajaratnam, coi đây là hành động “đi ngược lại” “[các] lý tưởng của chính sách không phân biệt màu da” của chủ nghĩa đa văn hóa (Lee, 2000, p. 211).

Tương tự như vậy, một cách tiếp cận khác nhằm khơi dậy tính tự lực cũng có thể thấy trong các chương trình “Workfare”(Hỗ trợ việc làm), theo đó phúc lợi của chính phủ dành cho người lao động phụ thuộc vào khả năng nâng cao năng suất của họ (Teo, 2018). Các chương trình hỗ trợ việc làm này khuyến khích những người lao động có thu nhập thấp nâng cao kỹ năng hoặc tái hòa nhập vào lực lượng lao động, trái ngược với các hình thức phát tiền giản đơn, những cách thức không khuyến khích họ làm việc hiệu quả. Chính sách thay thế của Singapore cho mô hình mức lương tối thiểu - Mô hình tiền lương lũy ​​tiến - tạo cho người lao động có mức thu nhập thấp những cơ hội để đạt được kỹ năng mới bằng cách hỗ trợ chi phí đào tạo cho họ. Bài học về sự tự cung tự cấp và tư duy chống quyền hưởng lại một lần nữa được phản ánh trong chính sách này.

Triết lý tự lực và trách nhiệm được nhân rộng rãi trong cách tiếp cận của chính phủ Singapore đối với việc tiết kiệm hưu trí, chăm sóc sức khỏe và nhà ở. Ví dụ: chính sách ưu tiên của nhà nước trong việc đảm bảo mỗi cá nhân có đủ tài chính cho các chi phí thiết yếu được thực hiện thông qua Quỹ dự phòng trung ương (CPF), nơi mỗi người có một tài khoản tiết kiệm bắt buộc, và một phần tiền lương hàng tháng của người đó được khấu trừ và gửi vào. Các khoản tiền này có thể được rút dần khi đến tuổi nghỉ hưu cho các chi phí chăm sóc sức khỏe hoặc mua một căn hộ chung cư. Triết lý quan trọng làm nền tảng cho CPF là thúc đẩy tính tự lập cho người Singapore, nơi mà bạn nên “tự giúp mình trước khi nhờ người khác giúp đỡ”.

Hệ thống tiết kiệm CPF là chìa khóa mở cửa cho sự thành công của hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Singapore. Nghiên cứu của William Haseltine (2013) chỉ ra cách thức Singapore quản lý chi tiêu cho việc chăm sóc sức khỏe với chi phí thấp hơn theo cấp số nhân so với các nước có nền kinh tế đứng hàng đầu trên thế giới trong khi vẫn đạt được kết quả sức khỏe tương đương hoặc cao hơn với tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh thấp và tuổi thọ trung bình cao. Vì khoản tiết kiệm CPF chỉ có thể sử dụng cho các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, người dân Singapore buộc phải tự bỏ tiền túi cho các khoản chi phí y tế nhỏ. Điều này giúp kiểm soát tốt các chi phí chăm sóc sức khỏe của chính phủ đồng thời truyền cho người dân Singapore ý thức phải biết chịu trách nhiệm về các khoản tiết kiệm và chi phí chăm sóc sức khỏe của bản thân.

Tóm lại, khái niệm về chế độ nhân tài trị vượt xa những lời diễn ngôn chính trị khi mới thoạt nhìn. PAP không hứa suông về những ý niệm cao đẹp của chế độ nhân tài trị, mà nó được đưa vào các chính sách quan trọng một cách nghiêm túc, nhất quán khẳng định cho những phát ngôn chính thức. Tuy nhiên, chính sách của PAP không phải là không gặp những sự chỉ trích, điều đó sẽ được chúng tôi sẽ trình bày trong phần tiếp theo.

(còn nữa)

Chú thích:

(1) Ở chương này, chúng tôi hiểu rằng chế độ nhân tài trị đơn giản là một hệ thống quyết định vị trí lãnh đạo bằng thành tích, chứ không phải là tài sản, chủng tộc, tuổi tác, giới tính hay các yếu tố kinh tế-xã hội khác. Tuy nhiên, những gì tạo nên "thành tích" có thể sẽ mang tính chủ quan cao và phụ thuộc vào những hoàn cảnh xuất thân mà họ không kiểm soát được. Chúng tôi sẽ bàn luận chi tiết hơn về vấn đề này trong phần thứ ba. Tuy nhiên, với mục đích của phần thảo luận tiếp theo sau đây, chế độ nhân tài trị có thể được hiểu một cách rộng rãi là các giá trị của sự chăm chỉ tạo nên những câu chuyện giàu phất lên, cùng với sự tự quyết và sự tin tưởng vào nỗ lực của bản thân mỗi người để tự mình vươn lên.

(2) Ở một mức độ đáng kể, điều này cũng có thể được lý giải bởi sự kiểm soát của chính phủ đối với hệ thống giáo dục.

3) Xem "Đạo luật Phát thanh" và gần đây nhất là "Luật Chống tin giả trực tuyến".

Nguồn: Bryan Cheang & Donovan Choy, Liberalism Unveiled Forging A New Third Way In Singapore, Chương 3, World Scientific, 2020

 

 

Dịch giả:
Hoàng Thị Mai
Hiệu đính:
Phạm Nguyên Trường