Các điều luật về mức lương tối thiểu
Chúng ta đã xem xét một số tác động tiêu cực của việc chính phủ tự ý tăng giá một số mặt hàng được ưu tiên. Việc chính phủ tìm cách tăng lương thông qua các điều luật về mức lương tối thiểu cũng có tác động tương tự. Điều này chắc không làm cho chúng ta ngạc nhiên, bởi lương cũng là một loại giá. Chính việc chúng ta gọi giá của dịch vụ lao động bằng một cái tên hoàn toàn khác đã dẫn đến nhiều nhầm lẫn trong tư duy về kinh tế của chúng ta. Điều này đã khiến nhiều người trong chúng ta không nhận ra rằng cả hai trường hợp này đều bị chi phối bởi các nguyên tắc giống nhau.
Tư duy của chúng ta về vấn đề tiền lương thường bị ảnh hưởng bởi quá nhiều xúc cảm và các thành kiến chính trị, đến mức trong phần lớn các cuộc thảo luận về chủ đề này, những nguyên tắc cơ bản và đơn giản nhất thường xuyên bị bỏ qua. Ngay cả những người luôn phản đối tư tưởng cho rằng việc tăng giá hàng hóa cao hơn mức giá tự nhiên trên thị trường sẽ khiến chúng ta giàu có hơn, hay những người luôn sẵn sàng chỉ ra rằng các điều luật về mức giá tối thiểu sẽ làm hại chính những ngành sản xuất mà các điều luật này muốn hỗ trợ, cũng sẽ ủng hộ các điều luật về mức lương tối thiểu và thẳng thừng phê phán những người phản đối chúng.
Song ta cần phải chỉ ra một cách rõ ràng rằng điều luật về mức lương tối thiểu nhìn nhận theo cách tích cực nhất cũng chỉ là một vũ khí còn nhiều hạn chế nhằm chống lại mức lương quá thấp, và nó sẽ chỉ có lợi nhiều hơn hại khi các mục tiêu của nó không quá lớn. Khi các mục tiêu của nó càng mang tính tham vọng, khi nó được áp dụng cho càng nhiều người lao động, khi nó càng cố gắng nâng cao hơn mức lương của họ, việc nó gây hại nhiều hơn lợi sẽ càng trở nên chắc chắn.
Khi một điều luật quy định mức lương tối thiểu cho một tuần làm việc 40 giờ là 106 đô la, điều đầu tiên sẽ xảy ra là tất cả những lao động bị coi là không đáng giá 106 đô la một tuần sẽ không được thuê. Chúng ta không thể khiến một lao động trở nên xứng đáng với một mức lương nào đó bằng cách dùng luật để cấm những ai muốn tuyển dụng người đó trả cho anh ta một mức lương thấp hơn. Khi làm vậy, ta sẽ khiến người này không còn cơ hội nhận được mức lương mà khả năng và hoàn cảnh của người đó cho phép anh ta nhận được, đồng thời ta sẽ khiến xã hội mất đi những dịch vụ mà người đó có thể cung cấp. Nói tóm lại, chúng ta sẽ thay thế một mức lương thấp bằng một người thất nghiệp. Điều này chỉ có hại mà không có lợi.
Một ngoại lệ sẽ xảy ra trong trường hợp một số lao động đang phải nhận mức lương thấp hơn so với giá trị thị trường của các dịch vụ mà họ cung cấp. Điều này thường chỉ xảy ra trong một số trường hợp hãn hữu tại những địa điểm đặc biệt, nơi thị trường lao động không có sự tự do cạnh tranh; song hầu hết các trường hợp này có thể được giải quyết thông qua việc thành lập các công đoàn, một phương thức cũng không kém hiệu quả so với việc đưa ra mức lương tối thiểu, song lại linh hoạt hơn và giảm thiểu được các rủi ro cho nền kinh tế.
Nhiều người cho rằng nếu lương cho lao động trong một ngành sản xuất nào đó được nâng lên cao hơn theo quy định của pháp luật, ngành sản xuất đó có thể nâng giá sản phẩm của mình và kết cục là gánh nặng của việc nâng lương sẽ được chuyển sang người tiêu dùng. Điều này trên thực tế không dễ xảy ra như vậy, và việc xử lý các hậu quả của việc tăng lương cao hơn mức tự nhiên trên thị trường thường phức tạp hơn nhiều. Việc bán sản phẩm với mức giá cao hơn không phải lúc nào cũng khả thi; nó có thể khiến người tiêu dùng quay sang sử dụng những sản phẩm nhập khẩu hoặc những mặt hàng thay thế khác. Ngay cả khi người tiêu dùng tiếp tục mua sản phẩm này, mức giá cao hơn sẽ làm giảm lượng mua của họ. Vì vậy, cho dù một số lao động trong ngành có thể được hưởng lợi từ việc tăng lương, nhiều người khác trong ngành sẽ bị mất việc. Một mặt khác, nếu giá sản phẩm không được tăng lên, các nhà sản xuất có hiệu suất thấp sẽ buộc phải ngừng sản xuất. Kết quả cuối cùng, cho dù bằng một cách khác, vẫn là việc giảm sản xuất và lượng lao động được tuyển dụng.
Khi ta chỉ ra những hậu quả này, một số người sẽ nói: “Được thôi! Nếu ngành sản xuất này không thể tồn tại được ngoại trừ bằng việc trả một mức lương chết đói cho các lao động trong ngành, có lẽ sẽ tốt hơn nếu ta để điều luật về mức lương tối thiểu khiến cho nó đóng cửa luôn”. Song lời tuyên bố dũng cảm ấy chưa xem xét hết được thực tế. Trước hết, nó quên mất rằng nếu điều này xảy ra, người tiêu dùng sẽ không được sử dụng sản phẩm đó nữa. Thứ hai, nó quên mất rằng nó sẽ đẩy toàn bộ lao động trong ngành đó vào cảnh thất nghiệp. Cuối cùng, nó quên mất rằng mặc dù mức lương trong ngành sản xuất đó có vẻ thấp, nó vẫn là mức lương cao nhất mà hiện giờ các lao động đó có thể tìm được, nếu không tự bản thân họ đã bỏ việc để đi làm chỗ khác có lương cao hơn. Vì vậy, nếu ngành sản xuất này phải đóng cửa vì điều luật về mức lương tối thiểu, những lao động trước đây làm việc trong ngành này sẽ bị bắt buộc phải tìm việc trong những ngành sản xuất mà từ đầu họ đã biết là không tốt bằng. Việc họ phải cạnh tranh với nhau để giành được việc làm sẽ khiến mức lương trong những ngành này giảm thấp hơn nữa. Kết luận cuối cùng của chúng ta vẫn không có gì thay đổi: các điều luật về mức lương tối thiểu sẽ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Bên cạnh đó, các chương trình trợ cấp được đưa ra nhằm xử lý tình trạng thất nghiệp do các điều luật gây ra cũng làm nảy sinh một vấn đề nữa mà chúng ta cần xem xét. Với việc quy định mức lương tối thiểu là 2,65 đô la một giờ, chúng ta không cho phép bất kỳ ai làm việc với mức lương thấp hơn 106 đô la cho một tuần lao động 40 giờ. Giả sử chúng ta quyết định trợ cấp 70 đô la một tuần cho những người bị thất nghiệp, điều này có nghĩa là chúng ta không cho phép một người được tuyển dụng và lao động một cách hữu ích với mức lương 90 đô la một tuần để cho phép anh ta ăn không ngồi rồi và hưởng trợ cấp thất nghiệp 70 đô la một tuần.
Chúng ta khiến xã hội mất đi những dịch vụ mà người này có thể cung cấp. Chúng ta lấy mất đi của người này sự độc lập và lòng tự trọng mà anh ta có được khi có thể tự nuôi sống bản thân mình, cho dù ở một mức độ kham khổ, và khi anh ta có thể cung cấp cho xã hội những dịch vụ hữu ích thông qua lao động của mình. Đồng thời, chúng ta cũng làm giảm đi những gì mà người đó có thể nhận được với sức lực và sự cố gắng của anh ta.
Những hậu quả này sẽ xảy ra chừng nào mức trợ cấp thất nghiệp hàng tuần vẫn thấp hơn 106 đô la. Song càng tăng cao mức trợ cấp, ta sẽ càng làm tình hình trở nên tồi tệ hơn trên những khía cạnh khác. Nếu chúng ta trả mức trợ cấp thất nghiệp 106 đô la, chúng ta sẽ khiến người lao động nhận được khi ngồi không trong hiện tại cùng một số tiền mà họ nhận được trước đây khi làm việc. Hơn nữa, cho dù khoản trợ cấp có là bao nhiêu, chúng ta cũng sẽ khiến mọi người làm việc chỉ vì khoản chênh lệch giữa mức lương họ đang nhận được với khoản tiền trợ cấp. Nếu mức trợ cấp là 106 đô la một tuần, những người có mức lương 2,75 đô la một giờ, hay 110 đô la một tuần, sẽ thấy rằng mình làm việc cả tuần chỉ vì 4 đô la, bởi họ có thể được hưởng phần còn lại mà không phải làm gì.
Nhiều người cho rằng chúng ta có thể tránh được các hậu quả này nếu ta cung cấp “trợ cấp dưới dạng việc làm”, nghĩa là cho họ làm việc để hưởng mức lương trợ cấp, thay vì cung cấp trợ cấp bằng tiền. Song ngay cả khi làm như vậy, ta vẫn không thể tránh được hậu quả; ta chỉ thay đổi bản chất của chúng mà thôi. Làm việc để hưởng mức lương trợ cấp có nghĩa là chúng ta trả cho những người này cao hơn mức thị trường lao động trả họ. Vì vậy, chỉ một phần trong mức lương trợ cấp có thể được xem là sự đền bù hợp lý cho lao động của họ; phần còn lại vẫn là một loại trợ cấp thất nghiệp trá hình.
Chúng ta cũng cần nhận thấy rằng các dự án tạo việc làm nhằm cung cấp lương trợ cấp của chính phủ đều không có hiệu quả. Tính hữu dụng của nó cũng là một vấn đề đáng đặt câu hỏi.
Chính phủ sẽ phải tạo ra các dự án lao động nhằm tuyển những người có tay nghề thấp nhất. Chính phủ sẽ không dám dạy cho họ những nghề như mộc hay xây dựng vì sợ rằng họ sẽ cạnh tranh với những lao động có tay nghề trên thị trường và gây ra sự phản kháng từ các công đoàn. Tôi không muốn gợi ý điều này, song tôi nghĩ rằng có lẽ nếu ngay từ đầu chính phủ trợ cấp cho lương của các lao động có thu nhập thấp tại chính nơi họ đang làm việc (thay vì tạo các công việc khác cho họ làm để nhận lương trợ cấp) thì sẽ đỡ gây tổn hại cho nền kinh tế hơn. Song việc này cũng không phải là không có những vấn đề riêng về mặt chính trị của nó.
Chúng ta không cần thảo luận thêm nữa, bởi nó sẽ dẫn đến những vấn đề không liên quan trực tiếp đến những gì chúng ta đang xem xét. Song khi muốn xem xét việc đưa ra các điều luật về mức lương tối thiểu hoặc tăng các mức lương tối thiểu đã đưa ra, chúng ta cần phải nhớ đến các vấn đề và hậu quả của việc cung cấp trợ cấp.
Trước khi kết thúc đề tài này, tôi muốn xem xét một lý luận đôi khi được đưa ra để ủng hộ cho việc quy định mức lương tối thiểu thông qua luật. Lý luận này chỉ ra rằng trong những ngành sản xuất mà tại đó một công ty lớn độc quyền, công ty này sẽ không sợ cạnh tranh và vì thế có thể trả cho lao động của mình mức lương thấp hơn mức trên thị trường. Đây là một tình huống rất khó xảy ra. Một công ty “độc quyền” như vậy khi được thành lập thường phải trả mức lương cao để có thể thu hút được lao động từ những ngành sản xuất khác. Sau đó, nếu nó không tăng lương với tốc độ như ở các ngành khác hoặc trả mức lương thấp hơn mức thị trường, điều này chứng tỏ bản thân ngành sản xuất hoặc công ty đó đang có khó khăn hoặc đang bị thu nhỏ. Nếu ngành sản xuất hoặc công ty đó vẫn hoạt động tốt hoặc đang mở rộng, nó sẽ phải tiếp tục đưa ra mức lương cao để có thể thu hút đủ lao động cho nhu cầu đang tăng của mình.
Qua kinh nghiệm thực tế, chúng ta biết rằng chính những công ty lớn, những công ty thường bị coi là độc quyền trong một lĩnh vực nào đó, lại là các công ty có mức lương cao và điều kiện làm việc tốt nhất. Các công ty nhỏ có mức lợi nhuận thấp và phải đối chọi với sự cạnh tranh khốc liệt thường là những công ty trả lương thấp nhất. Nhưng tất cả các chủ doanh nghiệp đều phải trả ít nhất là mức lương đủ để giữ lao động của mình hoặc để thu hút họ đến làm cho mình.
Tất cả những điều này không nhằm chứng minh rằng không có cách nào để tăng lương. Tôi chỉ muốn chỉ ra rằng phương thức dường như dễ dàng nhất – thông qua quyết định của chính phủ - là phương thức sai và tồi nhất.
Đây có lẽ là thời điểm tốt để chỉ ra rằng, so với những người không chấp nhận các đề xuất của họ, các nhà cải cách kinh tế không phải là người có luận điểm hay hơn mà là người luôn trông đợi những kết quả chóng vánh hơn. Vấn đề không phải là liệu chúng ta có muốn làm cho mọi người đều giàu có hết khả năng của họ hay không. Đối với những người tử tế thì mục tiêu này có thể coi là điều đương nhiên. Vấn đề quan trọng ở đây là làm thế nào để đạt được điều đó. Và trong khi tìm cách trả lời câu hỏi này, chúng ta không bao giờ được phép quên một số sự thật hiển nhiên sau: chúng ta không thể ban phát một lượng của cải nhiều hơn những gì chúng ta có thể tạo ra; xét về lâu dài, chúng ta không thể trả lương cho lao động nhiều hơn những gì họ tạo ra.
Vì vậy, cách tốt nhất để tăng lương là tăng năng suất biên của lao động. Ta có thể đạt được điều này bằng nhiều phương pháp: bằng cách tăng tích lũy vốn sản xuất – ví dụ như tăng lượng máy móc để hỗ trợ người lao động; bằng các phát minh và cải tiến mới; bằng sự quản lý có hiệu quả của đội ngũ quản lý; bằng sự chăm chỉ và năng suất của người lao động; bằng việc giáo dục và đào tạo nghề tốt hơn. Một người lao động càng tạo ra nhiều thì toàn xã hội càng có nhiều của cải. Một người lao động càng tạo ra nhiều thì các dịch vụ của anh ta càng có giá trị đối với người tiêu dùng; anh ta vì thế càng trở nên có giá trị đối với chủ doanh nghiệp và toàn xã hội. Và một người lao động càng có giá trị đối với chủ của mình thì càng được trả lương cao. Các mức lương thật phải xuất phát từ sản xuất chứ không phải từ các quyết định của chính phủ.
Vì vậy, các chính sách của chính phủ không nên áp đặt những yêu cầu nặng nề đối với các doanh nghiệp mà nên khuyến khích lợi nhuận, khuyến khích các nhà sản xuất mở rộng hoạt động của mình, khuyến khích họ đầu tư vào các trang thiết bị mới và tốt hơn để tăng năng suất của người lao động. Tóm lại, chính phủ nên khuyến khích việc tích lũy vốn sản xuất, thay vì ngăn cản quá trình này và tăng lượng việc làm cũng như mức lương.
Nguồn: Henry Hazlitt, Kinh tế học trong một bài học (Economics in One Lesson), Chương 19