[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương IX: Những nguyên nhân chính dẫn đến việc duy trì nền cộng hoà dân chủ ở Hoa Kỳ (Phần 4)
VỀ NHỮNG NGUYÊN NHÂN CHÍNH KHIẾN CHO TÔN GIÁO Ở MĨ ĐƯỢC MẠNH MẼ
Người Mĩ tìm cách tách Nhà thờ khỏi Nhà nước. − Luật pháp, công luận, nỗ lực của chính các linh mục đều cùng nhau tạo ra kết quả đó. − Cần thấy đó là nguyên nhân của sức mạnh tôn giáo tác động được tới tâm hồn con người ở Hoa Kì. − Vì sao vậy. − Ngày nay, đâu là trạng thái tự nhiên của con người đối với vấn đề tôn giáo. − Đâu là nguyên nhân đặc biệt và ngẫu nhiên chống lại việc con người quy thuận được với trạng thái đó tại một số quốc gia.
Các nhà triết học thế kỉ thứ XVIII đã giải thích một cách quá ư đơn giản về sự suy yếu dần dần của các niềm tin tôn giáo. Họ cho rằng, lòng nhiệt thành tôn giáo sẽ phải tắt ngấm chừng nào Tự do và Trí tuệ gia tăng. Thật khó chịu khi thấy mọi sự kiện đều chẳng phù hợp tẹo nào với lí thuyết ấy.
Từng chứng kiến có những cư dân châu Âu ở họ lòng vô tín ngưỡng ngang bằng với ngu độn và dốt nát, trong khi ở Mĩ ta lại được thấy một trong những quốc gia vào hàng tự do nhất và sáng láng nhất thế giới song lại nhiệt thành thực hiện mọi bổn phận bề ngoài của tôn giáo.
Khi tôi đặt chân đến Hoa Kì, điều đập mạnh vào mắt tôi chính là phương diện tôn giáo ở nơi đây. Tôi càng kéo dài thời gian lưu lại ở bên đó, tôi lại nhận ra những hệ quả to lớn về chính trị sinh ra từ những sự kiện mới mẻ đó.
Tôi từng chứng kiến ở trong chúng ta hai dòng chảy hầu như luôn luôn đối nghịch giữa tinh thần tôn giáo và tinh thần tự do. Ở đây (tại Mĩ) tôi thấy hai tinh thần đó gắn bó chặt chẽ với nhau: cả hai tinh thần đó cùng ngự trị trên cùng một mảnh đất.
Mỗi ngày tôi lại cảm thấy lớn mạnh thêm trong lòng cái ước vọng hiểu rõ nguyên nhân của hiện tượng này.
Để tìm hiểu được điều đó, tôi đã hỏi han các tín đồ của tất cả các Giáo hội; tôi chủ yếu đi tìm cộng đồng linh mục là nơi lưu giữ những niềm tin khác nhau và đều có lợi ích trong việc kéo dài các niềm tin ấy. Tôn giáo mà tôi theo khiến tôi đặc biệt gần gụi với lớp thầy tu Ki Tô giáo, và tôi sớm gắn bó thân tình với nhiều thành viên tăng đoàn này. Với người nào thì tôi cũng bộc lộ sự ngạc nhiên và những điều nghi hoặc của mình: tôi thấy là giữa các con người ấy họ chỉ khác nhau về chi tiết; tất cả các vị đó điều gán nguyên nhân chủ yếu của sự phân chia hoàn toàn giữa Nhà thờ và Nhà nước chính là cái quyền năng thanh bình của tôn giáo trên đất nước họ. Tôi chẳng e ngại gì mà không dám khẳng định rằng, trong thời gian tôi lưu lại ở nước Mĩ, tôi không hề gặp một con người nào, dù đó là một vị linh mục hay là một người không theo đạo, lại không đồng tình với nhau trên một điểm ấy.
Điều này dẫn tôi đến chỗ xem xét kĩ lưỡng hơn điều mà tới khi đó tôi chưa làm được về vị trí của các linh mục Mĩ trong xã hội chính trị. Tôi ngạc nhiên nhận ra rằng họ không nhận bất kì chức danh công vụ nào. Tôi không thấy một người nào làm việc trong chính quyền, và tôi còn thấy là họ không dự các hội nghị nhân dân nữa.
Luật pháp tại rất nhiều bang cấm cửa họ làm chính trị; trong các bang còn lại thì dư luận cấm họ làm việc đó.
Cuối cùng khi tôi tìm hiểu chính trạng thái tinh thần của lớp tăng lữ, tôi nhận ra là phần lớn các vị dường như đều tự nguyện tách ra khỏi quyền lực và họ có một thứ kiêu hãnh mang tính nghề nghiệp khi được đứng cách li với quyền lực như vậy.
Tôi nghe họ đánh giá là vong đạo bất kì tham vọng và lòng tin giả dối nào, cho dù chúng mang màu sắc chính trị gì hoặc được che đậy kĩ càng ra sao. Song càng lắng nghe họ, tôi nhận thấy là con người không thể bị kết tội trước mắt Chúa chỉ vì họ có những quan điểm đó song lại chân tình, và cũng chẳng còn là tội lỗi nữa việc ai đó lạc đường trong công việc chính quyền, thì cũng hệt như ta lầm lẫn khi xây căn nhà cho mình ở hoặc khi ta đi những đường cày không ngay hàng thẳng lối.
Tôi thấy các vị đó thận trọng tách mình khỏi mọi đảng phái và lẩn trốn liên hệ với họ bằng tất cả sự nhiệt thành của lợi ích cá nhân.
Những sự kiện đó cuối cùng khiến tôi thấy được là những điều tai mình được nghe đều đúng. Thế là tôi muốn lội ngược từ sự kiện lên nguyên nhân: tôi đặt cho mình câu hỏi, tại sao càng làm giảm sức mạnh bề ngoài của một tôn giáo thì lại làm tăng thêm được sức mạnh thực sự của nó, và tôi tin tưởng không phải là không thể tự trả lời nổi câu hỏi đó.
Không khi nào một khoảng cách ngắn ngủi sáu chục năm lại chứa đựng được toàn bộ sức tưởng tượng của con người; những niềm vui không trọn vẹn của cuộc đời này sẽ chẳng khi nào thoả mãn được con tim nhân loại. Duy nhất giữa mọi sinh vật, con người bộc lộ một sự ghê tởm tự nhiên đối với cuộc sinh tồn và một khát khao vô biên được sinh tồn: con người khinh bỉ cuộc sống và e sợ cái hư vô. Những bản năng khác nhau ấy không ngừng đẩy tâm hồn con người tới chỗ tưởng ngắm một thế giới khác, và chính tôn giáo dẫn dắt con người đi tìm chốn đó. Vậy là, tôn giáo không chỉ là một hình thức đặc biệt của hi vọng, đối với trái tim người, nó cũng tự nhiên như bản thân hi vọng vậy. Khi con người xa lánh các niềm tin tôn giáo, đó là vì có những thiên lệch của trí tuệ và vì một thứ bạo hành đạo đức tác động tới bản chất riêng của con người; một bờ dốc không thể tránh được dẫn dắt con người đi tới đó. Sự vô tín ngưỡng là điều đột xuất; chỉ có niềm tin mới là trạng thái bất biến của nhân loại.
Khi ta chỉ xem xét tôn giáo dưới một góc nhìn thuần tuý người, ta có thể nói là mọi tôn giáo đều khơi nguồn từ chính con người để lấy đi cái yếu tố sức mạnh không thể thiếu của tôn giáo, bởi vì yếu tố đó là một trong những nguyên lí cấu thành nhân loại.
Tôi biết là có những thời gian khi đó tôn giáo bổ sung được cho cái ảnh hưởng mang tính bản chất người đó bằng một lực nhân tạo của luật pháp và bằng sự trụ đỡ của các quyền lực vật chất điều hành xã hội. Ta từng thấy có những tôn giáo gắn bó chặt chẽ với các chính quyền trần thế, đồng thời cũng thống trị tâm hồn con người bằng khủng bố và bằng đức tin. Nhưng khi một tôn giáo thực hiện một liên minh như thế, tôi xin nói thẳng mà chẳng sợ gì, nó hành động như một con người vẫn làm: nó hi sinh tương lai cho hiện tại, và nó thu được một sức mạnh không bao giờ là của nó, nó chỉ phơi bày cái quyền lực chính thống ra mà thôi.
Khi một tôn giáo chỉ tìm cách tạo quyền uy trên ham muốn bất tử là cái đang dày vò dằn vặt trái tim mọi con người, khi ấy nó có thể mở rộng thành phổ quát. Nhưng khi nó nhập lại với một chính quyền, nó phải chấp nhận những châm ngôn chỉ có thể áp dụng được cho một vài quốc gia. Vì vậy mà, khi liên mình với một quyền lực chính trị, tôn giáo gia tăng được sức mạnh của mình đối với một số người, song lại mất đi cái hi vọng ngự trị lên tất cả.
Chừng nào một tôn giáo chỉ dựa trên tình cảm là cái xoa dịu an ủi mọi nỗi khốn cùng, nó có thể kéo về với nó trái tim loài người. Hoà vào với những điều cay đắng của cuộc đời này, đôi khi tôn giáo bị buộc phải bảo vệ những đồng minh vì lợi ích hơn là đồng minh vì tình yêu. Và nó phải xua đuổi như xua kẻ thù những con người vẫn còn yêu nó trong khi vẫn đấu tranh chống lại những kẻ liên minh với nó. Tôn giáo không thể nào chia sẻ sức mạnh vật chất của những kẻ cầm quyền mà lại không phải nhận một phần những hận thù do các chính quyền kia đẻ ra.
Những thế lực chính trị loại vững chãi hơn cả cũng chỉ bảo đảm cho sự trường tồn của chúng nhờ ý kiến của một thế hệ, nhờ lợi ích của một thế kỉ, lắm khi nhờ cuộc đời một con người. Một bộ luật có thể cải đổi cái trạng thái xã hội có vẻ như vững chãi nhất, cứng rắn nhất, và cùng với việc đó thì mọi sự cũng đổi thay theo.
Các thế lực của xã hội hết thảy đều ít nhiều có tính chất thoáng qua, cũng như những tháng năm chúng ta sống trên cõi đời này vậy. Chúng tiếp nối nhau thật nhanh, hệt như những lo âu trong cuộc sống vậy. Và ta chưa từng thấy một chính quyền nào lại được dựng trên cơ sở bất biến của trái tim người, cũng chẳng thấy nó có cơ sở trên một lợi ích bất tử.
Chừng nào sức mạnh của một tôn giáo nằm ở các tình cảm, các bản năng, các đam mê như ta từng thấy diễn ra trong các giai đoạn lịch sử, nó đương đầu được với sức mạnh của thời gian, hoặc ít ra cũng khó mà làm cho nó bị tiêu diệt bởi một tôn giáo khác. Nhưng khi một tôn giáo định đặt cơ sở trên những lợi ích của cuộc đời này, nó dường như cũng mong manh như mọi thế mạnh khác trên trái đất này. Đứng một mình, tôn giáo còn hi vọng bất tử; liên minh với những quyền lực phù du, tôn giáo cũng sẽ đi theo vận mệnh chúng, và thường bị rơi theo những đam mê thoáng qua vẫn trụ đỡ chúng.
Khi liên minh với các thế lực chính trị khác nhau, tôn giáo chỉ có thể tạo ra một liên kết tốn kém. Tôn giáo chẳng cần đến chúng mà vẫn sống, nhưng khi đi phục vụ chúng thì tôn giáo lại có thể chết.
Mối hiểm nguy tôi vừa chỉ ra tồn tại trong mọi thời đại, nhưng không phải là khi nào thì nó cũng lộ rõ.
Có những thế kỉ khi các chính quyền tỏ ra như là bất tử, và có những thế kỉ khác ta có thể nói rằng sự tồn tại của xã hội còn mong manh hơn là của một đời người.
Có những cách thức tổ chức làm cho các công dân như sống trong một dạng mê ngủ, còn có những cách thức khác lại khiến mọi người náo hoạt.
Khi các chính quyền tỏ ra hết sức mạnh và luật pháp tỏ ra hết sức ổn định, con người chẳng nhận ra mối nguy cơ do tôn giáo liên minh với các quyền lực mang lại.
Khi các chính quyền tỏ ra hết sức yếu và luật pháp tỏ ra hết sức lung lay, ai ai cũng sẽ nhìn thấy các nguy cơ, nhưng thường khi chẳng còn đâu là thời gian để trốn tránh chúng nữa. Vì thế mà cần học cách nhận ra nguy cơ từ xa.
Chừng nào mà một dân tộc đạt tới một trạng thái xã hội dân chủ nhất định, và khi ta thấy các xã hội ngả theo hướng cộng hoà, thì việc hợp nhất tôn giáo với quyền uy lại càng nguy hại. Bởi vì đó đã tới lúc quyền lực chuyển từ tay này qua tay kia, lúc các lí thuyết chính trị kế tiếp nhau, khi con người, luật pháp, và bản thân các hiến pháp có thể biến mất hoặc được thay đổi hàng ngày, và mọi việc như thế không chỉ xảy ra một lần, mà xảy ra liên miên. Sự náo động và tính bất ổn định nằm ngay trong bản chất các nền cộng hoà dân chủ, cũng y như tính bất biến và giấc ngủ là quy luật của các nền quân chủ chuyên chế.
Nếu như người Mĩ cứ bốn năm một lần lại thay người đứng đầu nhà nước, và cứ hai năm một lần lại chọn người lập pháp và hàng năm đều thay đổi người phụ trách công việc hành chính; nếu như người Mĩ trao thế giới chính trị cho những kẻ đổi mới tiến hành các thử nghiệm, (nếu khi làm như vậy mà người Mĩ) không đặt tôn giáo sang đâu đó một bên, thì tôn giáo sẽ đứng ở vị trí nào trong những thăng trầm của các ý kiến con người? Tôn giáo sẽ ra sao khi nó thì bất tử trong khi xung quanh nó mọi thứ đều huỷ diệt?
Các linh mục Mĩ đã nhận ra chân lí đó trước mọi người, và họ điều chỉnh cho hành vi mình phù hợp với tình trạng đó. Họ đã thấy là phải khước từ việc gây ảnh hưởng tôn giáo nếu họ định “mua” được một thế lực chính trị, và họ đã chọn con đường để mất sự ủng hộ của quyền lực hơn là chia sẻ những thăng trầm của quyền lực đó.
Ở Mĩ, tôn giáo có lẽ kém thế lực so với cái thế nó từng có vào những lúc nào đó ở một số quốc gia nào đó, nhưng ảnh hưởng của tôn giáo ở Mĩ lại bền. Tôn giáo đã được dồn về với khả năng thực của nó mà chẳng ai có thể tước đi nổi. Nó chỉ hoạt động trong một phạm vi duy nhất, nhưng hoạt động phủ kín phạm vi ấy và dễ dàng chế ngự được tình hình.
Tôi được nghe ở châu Âu khắp nơi cất lên những tiếng nói kêu ca sự thiếu niềm tin tôn giáo ở Hoa Kì, và người ta tự hỏi làm cách gì trả lại cho tôn giáo một đôi ba điều còn sót lại của quyền lực xưa nó từng có.
Tôi nghĩ là trước hết cần tìm hiểu xem giờ đây trạng thái tự nhiên của con người trong lĩnh vực tôn giáo cần phải như thế nào. Biết được những gì ta hi vọng có được và những gì ta phải biết e ngại, khi đó ta sẽ nhìn được rõ ràng cái mục tiêu cần nỗ lực vươn đến.
Có hai nguy cơ lớn đe doạ sự tồn tại của các tôn giáo: tình trạng chia rẽ tôn giáo và sự dửng dưng.
Trong những thế kỉ nhiệt thành, thường khi xảy ra việc con người từ bỏ tôn giáo của họ, nhưng đó là họ chỉ tuột khỏi cái ách này để quàng cái ách khác vào mà thôi. Niềm tin thay đối tượng nhưng niềm tin chẳng chết được. Tôn giáo cũ khi đó kích thích trong mọi trái tim hoặc là những tình yêu nồng nàn hoặc là những hằn thù bất cộng đới thiên. Những người này từ bỏ tôn giáo trong giận dữ, những người khác lại bám vào tôn giáo với lòng nhiệt thành mới: các niềm tin đổi khác đi, nhưng chẳng khi nào có sự bất tín ngưỡng cả.
Nhưng tình hình sẽ chẳng như thế khi một niềm tin tôn giáo bị âm thầm bào mòn bởi những học thuyết tôi gọi là (những lí luận) tiêu cực, bởi vì khi chúng khẳng định một tôn giáo là sai thì chúng chẳng xác lập nổi chân lí của bất kì tôn giáo nào khác.
Thế là, trong đầu óc con người diễn ra vô vàn đảo lộn thần kì, nhưng con người dường như vẫn đem các đam mê của mình góp vào đấy, và có thể nói họ làm như vậy mà chẳng nghi ngại gì. Ta thấy có những con người như là lãng quên đi để sổng mất mục tiêu của những hi vọng vô cùng ấp ủ của mình. Bị lôi cuốn theo một dòng chảy vô cảm mà con người không đủ dũng cảm chống lại và vẫn chịu để trôi theo với nhiều tiếc nuối, họ từ bỏ cái niềm tin yêu dấu để đuổi theo nỗi hoài nghi dẫn họ đến tuyệt vọng.
Trong những thời kì mà chúng ta vừa mới mô tả, con người rũ bỏ niềm tin vì lạnh lùng hơn là vì hằn thù. Con người không quẳng niềm tin đi, niềm tin từ bỏ con người. Khi ngừng tin rằng tôn giáo là chân lí, kẻ vô tín ngưỡng tiếp tục coi tôn giáo là có ích. Khi xem xét các niềm tin tôn giáo dưới một góc độ nhân bản, kẻ vô tín ngưỡng thừa nhận quyền năng của niềm tin tôn giáo đối với tập tục, ảnh hưởng của chúng đến luật pháp. Anh ta hiểu vì sao niềm tin tôn giáo có thể khiến cho con người sống trong yên bình và nhẹ nhàng chuẩn bị cho họ khi phải chết. Người vô tín ngưỡng tiếc nuối cái niềm tin đã bị đánh mất, và thiếu mất một tài sản anh ta biết rõ giá trị, anh ta ngần ngại tước đi mất cái đó ở những người vẫn còn gìn giữ được nó.
Về phía mình, người nào vẫn tiếp tục có niềm tin thì chẳng ngần ngại phô nó ra trước mắt thiên hạ. Với những ai không chia sẻ những niềm hi vọng với mình, anh ta thấy đó là những kẻ khốn khổ đáng thương chứ không là những kẻ thù. Anh ta biết mình có thể chinh phục được lòng ngưỡng mộ của họ mà chẳng cần theo gương họ. Anh ta chẳng chiến tranh với bất kì ai. Và do không coi xã hội mình đang sống như một trường đấu nơi tôn giáo phải không ngừng đánh nhau với cả ngàn kẻ thù hùng hổ, anh ta yêu những người đương thời với mình và đồng thời kết án những yếu đuối của họ và đau lòng trước những lầm lẫn của họ.
Những người nào không còn niềm tin tôn giáo thì che giấu tính vô tín ngưỡng của mình đi, và những ai còn niềm tin tôn giáo thì phơi bày niềm tin của mình ra, và thế là có được cái công luận ủng hộ tôn giáo. Người ta yêu tôn giáo, người ta trụ đỡ nó, người ta vinh danh nó, và cần phải đi sâu vào tâm hồn con người để thấy những vết thương mà tôn giáo từng nhận được.
Khối lượng đông đảo con người, mà tình cảm tôn giáo không khi nào từ bỏ họ, chẳng nhìn thấy gì và chẳng biết ai tách họ ra khỏi những tín ngưỡng đã xác lập. Bản năng về một đời sống khác (sau khi chết) dễ dàng dẫn họ đến chân bàn thờ và mở tấm lòng mình cho những tín điều và những an ủi của niềm tin.
Tại sao khung cảnh này lại không đem áp dụng được cho chúng ta?
Tôi nhìn thấy trong chúng ta có những con người đã ngừng tin vào Ki Tô giáo và chẳng gắn bó vào bất kì tôn giáo nào nữa.
Tôi nhìn thấy những người khác dừng lại trước nỗi hoài nghi và giả vờ như không còn tin tưởng gì nữa hết.
Xa hơn nữa, tôi thấy những người Ki Tô giáo vẫn còn tin và không dám nói ra.
Giữa những người bạn âm ấm và những kẻ thù nóng bỏng đó, cuối cùng tôi tìm thấy một nhóm nhỏ những tín đồ vì niềm tin của mình mà sẵn sàng đương đầu với mọi trở ngại và coi khinh mọi hiểm nguy. Những người này đã bạo hành chống lại sự yếu mềm của con người để đứng lên bên trên dư luận chung. Bị lôi cuốn bởi chính những nỗ lực đó, họ không còn biết chính xác tới đâu thì phải ngừng. Do nhìn thấy ở tổ quốc mình cái cách sử dụng độc lập đầu tiên là công kích vào tôn giáo, họ nghi ngại những người đương thời của mình và hoảng hốt tách xa khỏi nền tự do mà những kẻ đương thời này đang đeo đuổi. Sự vô tín ngưỡng với họ có vẻ như một điều mới mẻ, nên họ đem mọi thứ gì mới mẻ vào một bọc hằn thù. Và thế là họ gây chiến tranh với thời đại mình và đất nước mình, và trong mỗi ý kiến người khác đưa ra rao giảng thì họ đều thấy ở đó có một kẻ thù tất yếu của niềm tin.
Điều đó không nên chút nào khi vào thời đại chúng ta mà những thứ như thế lại có thể là trạng thái tự nhiên của tôn giáo.
Vậy là thường bắt gặp trong chúng ta một nguyên nhân ngẫu nhiên và đặc biệt ngăn cản đầu óc con người đi theo triền dốc của mình và đẩy nó tới quá những giới hạn mà tự nhiên nó phải dừng lại.
Tôi hoàn toàn tin rằng chốn dừng chân đặc biệt và ngẫu nhiên đó là cho kết nối chặt chẽ giữa chính trị và tôn giáo.
Những người không có tín ngưỡng ở châu Âu xua đuổi những người Ki Tô giáo như những kẻ thù tôn giáo: họ căm ghét niềm tin như căm ghét quan điểm một đảng phái, còn ghét hơn là một tín ngưỡng lạc lối. Và họ xua đuổi người linh mục không chỉ vì người đó là đại diện của Chúa Trời, mà coi đó là người bạn của quyền lực.
Ở châu Âu, đạo Ki Tô cho phép con người liên minh chặt chẽ với các thế lực trần thế. Bây giờ, khi các thế lực đó bị đổ, đạo Ki Tô như thể bị vùi dưới những mảnh vụn của các quyền lực ấy. Đó là một cơ thể sống được người ta định bụng lôi ra khỏi nơi chết chóc: cứ cắt đứt những mối dây liên hệ đang kéo nó lại, và nó sẽ đứng lên.
Tôi không rõ ta cần phải làm gì để trả lại cho đạo Ki Tô châu Âu cái năng lượng thời trai trẻ của nó. Chỉ Chúa Trời là có khả năng ấy. Nhưng ít ra cũng còn phải tuỳ thuộc vào con người, để cho niềm tin sử dụng mọi sức mạnh nó vẫn còn giữ lại được.
Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)