[Rothbard Tinh hoa] Quyền lực và thị trường: Phần cuối trong đại luận của Rothbard (Phần 3)
Như Rothbard từ đầu đã lên kế hoạch, phần cuối của cuốn sách Man, Economy and State (Con người, Nền kinh tế và Nhà nước) sẽ trình bày sự phân loại và phân tích toàn diện về các loại can thiệp của chính phủ. Thật không may, phần cuối này xuất hiện trong phiên bản gốc với tình trạng bị cắt xén nghiêm trọng. Phiên bản đầy đủ của nó chỉ được xuất bản vào năm 1972, với tiêu đề Power and Market (Quyền lực và Thị trường).1 Phiên bản hoàn chỉnh của Con người, Nền kinh tế và Nhà nước với Quyền lực và Thị trường, như Rothbard dự định ban đầu, cuối cùng đã được xuất bản vào năm 2004.
Trong Quyền lực và Thị trường, ông chia sự can thiệp thành hai loại: kiểu quan hệ ba bên, trong đó "người can thiệp buộc hai nhóm người thực hiện trao đổi hoặc cấm họ làm như vậy",2 và kiểu quan hệ hai bên, là sự trao đổi ép buộc giữa người can thiệp và người chịu sự can thiệp (thuế là ví dụ). Ông đã phân loại một cách hết sức cẩn thận, chi tiết các loại can thiệp có thể có trong mỗi loại, và trong mọi trường hợp cho thấy những tác động có hại của hành động can thiệp.
Trong một ví dụ minh hoạ của Rothbard, hãy xem xét vấn đề sau:
Tất cả các khoản chi tiêu của chính phủ cho các nguồn lực là một dạng chi tiêu tiêu dùng, theo nghĩa là số tiền được chi cho các mục khác nhau do các quan chức chính phủ ra quyết định… Đúng là các quan chức không trực tiếp tiêu thụ sản phẩm, nhưng mong muốn của họ đã làm thay đổi cấu trúc sản xuất để tạo ra những hàng hóa đó, và do đó họ có thể được gọi là “người tiêu dùng”… tất cả những điều về “đầu tư” của chính phủ chỉ là ngụy biện.3
Đây là một điểm đơn giản, thậm chí là hiển nhiên mà Rothbard đã khiến chúng ta chú ý, nhưng điều này lại không như vậy với các tác giả trước.
Quyền lực và Thị trường không bao gồm hệ thống luân lý của Rothbard; nó là một tác phẩm của pha-xô học và do đó nó độc lập khỏi các xét đoán giá trị.
Tuy nhiên, Rothbard khẳng định rằng nhà pha-xô học có thể đưa ra những kết luận phù hợp với luân lý. Nếu một hệ thống luân lý lý tưởng được đề xuất không thể thành hiện thực, nó phải bị bác bỏ theo cách duy lý. Việc chấp nhận hệ thống này không cần bám vào một quan điểm luân lý cụ thể nào ngoài yêu cầu của lý tính.
Nếu một mục tiêu luân lý có thể được chứng minh là tự mâu thuẫn và không thể hoàn thành về mặt khái niệm, thì mục tiêu đó rõ ràng là một mục tiêu vô lý và tất cả mọi người nên bỏ qua nó… cũng vô lý không kém nếu tìm biện pháp để đạt được mục tiêu lý tưởng đó… đây là một chân lý pha-xô xuất phát từ quy luật, đó là phương tiện chỉ có thể dùng để đạt được mục đích nếu như nó có thể dẫn tới kết quả.4
Một trong những mục tiêu bất khả thi đó là bình đẳng về thu nhập.
Thu nhập không bao giờ có thể bình đẳng. Tất nhiên, thu nhập phải là thu nhập thực chứ không phải tính bằng giá trị danh nghĩa; nếu không sẽ không có bình đẳng thực sự… Vì mỗi cá nhân ắt phải ở trong những không gian khác nhau, nên thu nhập thực của mỗi cá nhân phải khác nhau tùy từng người. Không có cách nào để kết hợp các loại hàng hóa khác nhau để đo lường một “mức” thu nhập nào đó, vì vậy thật vô nghĩa khi cố gắng đạt đến một mức “ngang nhau”.5
Bình đẳng về cơ hội cũng chẳng khá hơn.
Điều này cũng vô nghĩa như ý tưởng trước. Làm thế nào để một người New York và một người Ấn Độ có cơ hội bằng nhau trong việc đi thuyền quanh Manhattan hoặc bơi trên sông Hằng? Sự đa dạng không thể tránh khỏi về vị trí của con người loại bỏ hữu hiệu mọi khả năng bình đẳng “cơ hội”6.
Cuốn sách cũng phê phán mạnh mẽ các chuẩn mực công lý về thuế khóa. Cách công kích của Rothbard khác với hầu hết các nhà kinh tế học thị trường tự do, những người nhấn mạnh đến những điều tệ hại của thuế lũy tiến. Rothbard cũng chẳng yêu mến gì nguyên tắc lũy tiến, nhưng ông thấy một số lập luận chống lại nó là thiếu sót:
Đó là một sự phê phán dưới góc độ chính trị-luân lý — khi cho rằng “người nghèo cướp của người giàu”. Hàm ý của phê phán đó là người nghèo trả thuế 1% thu nhập, thì đang “cướp” của người giàu, những người trả thuế tới 80% thu nhập. Không cần phải xét đến khía cạnh đạo lý của chuyện cướp bóc, chúng ta vẫn có thể nói rằng phê phán này là không hợp lý. Cả người giàu lẫn nghèo đều bị cướp - bởi Nhà nước… Tuy có thể biện hộ người nghèo nhận được một khoản trợ cấp ròng từ tiền thuế phân bổ lại… nhưng thực tế cho thấy áp thuế lũy tiến không có nghĩa là phần đông "người nghèo" sẽ được trợ cấp.7
Đối với Rothbard, mức độ đánh thuế là vấn đề mấu chốt: “Thực ra, mức độ đánh thuế quan trọng hơn nhiều so với mức độ lũy tiến của nó trong việc xác định khoảng cách mà một xã hội đã đi lệch khỏi thị trường tự do.” 8 Một người giàu có phải trả thuế theo biểu thuế luỹ tiến rất dốc có lẽ vẫn được hưởng lợi nhiều hơn so với khi phải trả thuế theo hệ thống tỷ lệ đồng nhất nhưng với mức thuế suất cao hơn.
Rothbard cũng đã có một đoạn phân tích ngắn gọn, đi trước thời đại, bác bỏ một cách xuất xắc những lập luận chống thị trường, cho rằng thị trường dựa trên “may mắn”. Lập luận chống thị trường này đã chứng tỏ rất có ảnh hưởng trong các nghiên cứu sau này của John Rawls và nhiều môn đệ của ông.
Chẳng có gì để biện minh cho phát biểu rằng người giàu may mắn hơn người nghèo. Rất có thể nhiều hoặc hầu hết những người giàu đã không may mắn và đang nhận được ít hơn sản phẩm giá trị cận biên được chiết khấu (discounted marginal value product-DMVP) thực sự của họ, trong khi hầu hết người nghèo đã may mắn và đang nhận được nhiều hơn. Không ai có thể nói sự phân bổ của may rủi là gì; do đó, không thể biện minh cho chính sách “tái phân phối”.9
Luận điểm của Rothbard không phụ thuộc vào việc chấp nhận quan điểm của ông rằng mọi người xứng đáng nhận được giá trị của những gì họ sản xuất. Thay vào đó, vấn đề là trước tiên người ta phải xác định một nguyên tắc phân phối trước khi người ta có thể biết liệu ai đó có phải là “may mắn” hay không.
Những người ủng hộ thị trường tự do tranh luận rằng tổ chức từ thiện tư nhân sẽ cung ứng đủ cho người nghèo và người tàn tật, nhưng họ vấp phải các phản đối. Không phải là từ thiện đang suy giảm sao? Câu trả lời của Rothbard vẫn nằm trong giới hạn của pha-xô học, vì nó không liên quan đến các phán quyết luân lý. Ông lưu ý rằng người đưa ra ý kiến phản đối này cũng không thể giữ được sự nhất quán nếu ủng hộ viện trợ của chính phủ.
Những người ủng hộ vai trò của nhà nước… thường lập luận rằng tổ chức từ thiện đang làm mất đi giá trị và hạ thấp nhân phẩm người nhận, và do đó người nhận cần được đả thông tư tưởng rằng tiền đúng là của họ và được chính phủ trao cho như là của họ. Nhưng như Isabel Paterson đã chỉ ra, cảm giác bị hạ thấp này bắt nguồn từ thực tế là người nhận từ thiện không tự lực được trên thị trường… Tuy nhiên, việc ban cho họ thẩm quyền đạo đức và tính hợp pháp để lấy đi của người khác sẽ làm gia tăng cảm giác bị hạ thấp nhân phẩm của họ thay vì chấm dứt nó, vì khi đó, hơn bao giờ hết, người thụ hưởng bị đẩy ra xa hơn khỏi quá trình sản xuất… Nói một cách đơn giản, bất cứ ai coi tổ chức từ thiện tư nhân hạ thấp nhân phẩm thì cũng phải kết luận một cách duy lý rằng tổ chức từ thiện của Nhà nước còn hạ thấp nhân phẩm hơn thế nữa.10
Chú thích:
(1) Power and Market: Government and the Economy (Kansas City: Sheed Andrews and McMeel, 1970).
(2) Man, Economy, and State with Power and Market, p. 1075.
(3) Như trên, p. 1153.
(4) Như trên., pp. 1297–98.
(5) Như trên, p. 1310.
(6) Như trên
(7) Như trên, pp. 1193–94.
(8) Như trên, p. 1194.
(9) Như trên, p. 1333. Triết gia Susan Hurley sau này đã phát triển quan điểm tương tự trong Justice, Luck, and Knowledge (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 2003). Xem nhận xét tại The Mises Review 9, no. 2 (Summer, 2003).
(10) Như trên, pp. 1320–21
Nguồn: David Gordon, The Essential Rothbard, Mises Institute