[Chủ nghĩa tự do truyền thống] - Chính sách đối ngoại của chủ nghĩa tự do (Phần 1)
Đây là phần trích đăng từ chương "Liberal Foreign Policy" trong cuốn sách "Chủ nghĩa tự do truyền thống", tác phẩm kinh điển, có tính chất đặt nền móng cho chủ nghĩa tự do cá nhân của Ludwig von Mises, xuất bản lần đầu năm 1929. Nhan đề bài viết do TTTD Academy đặt.
- Thị trường Tự do Academy
1. Giới hạn của nhà nước
Đối với người theo chủ nghĩa tự do, chính sách đối nội và đối ngoại không hề mâu thuẫn với nhau, và trong mắt anh ta câu hỏi thường được đặt ra và được thảo luận đến nát giấy là cần phải ưu tiên cho chính sách đối ngoại hay ngược lại, là một câu hỏi vớ vẩn. Vì chủ nghĩa tự do, ngay từ khởi thủy, là khái niệm chính trị bao trùm lên toàn thế giới, và những tư tưởng mà nó tìm cách thực hiện trong một khu vực hạn chế cũng có giá trị đối với phạm vi chính trị thế giới. Nếu người theo chủ nghĩa tự do có phân biệt chính sách đối nội và đối ngoại thì chỉ là muốn cho thuận tiện với mục đích phân loại, nhằm chia các vấn đề chính trị thành những nhóm chủ yếu, chứ không phải vì tin rằng hai lĩnh vực này phải áp dụng những nguyên tắc khác nhau.
Mục tiêu của chính sách đối nội cũng như đối ngoại của chủ nghĩa tự do là: hòa bình. Mục đích mà nó nhắm đến là sự hợp tác hòa bình giữa các quốc gia cũng như trong nội bộ từng quốc gia. Xuất phát điểm của tư tưởng tự do là sự công nhận giá trị và tầm quan trọng của sự hợp tác giữa người với người, và toàn bộ chính sách cũng như cương lĩnh của chủ nghĩa tự do là nhằm giữ vững và mở rộng hơn nữa sự hợp tác giữa người với người trong cộng đồng nhân loại. Lí tưởng tối thượng của chủ nghĩa tự do là sự hợp tác hoàn hảo của toàn thể loài người được thực hiện một cách hòa bình và diễn ra một cách suôn sẻ. Tư tưởng của chủ nghĩa tự do bao giờ cũng bao trùm lên toàn cầu chứ không phải chỉ từng phần. Nó không dừng lại ở những nhóm người nhất định, cũng không dừng lại trước phạm vi một làng, một tỉnh, một nước hay một châu lục. Tư duy của nó mang tầm thế giới và toàn cầu: bao trùm lên tất cả mọi người và toàn bộ thế giới. Theo ý nghĩa này thì chủ nghĩa tự do chính là chủ nghĩa nhân đạo, còn người theo chủ nghĩa tự do là công dân của toàn thế giới hay là người theo chủ nghĩa thế giới.
Hiện nay, khi những tư tưởng bài chủ nghĩa tự do đang giữ thế thượng phong trên toàn thế giới, quần chúng có thái độ nghi ngờ đối với chủ nghĩa thế giới. Ở Đức, những người yêu nước cuồng tín không thể tha thứ cho các thi sĩ vĩ đại, đặc biệt là Goethe, vì tư tưởng và tình cảm của họ không giới hạn trong biên giới quốc gia mà có xu hướng bao trùm lên toàn thế giới. Nhiều người cho rằng quyền lợi quốc gia và quyền lợi của nhân loại là không thể dung hòa, và người nào hướng khát vọng và nỗ lực của mình cho sự thịnh vượng của toàn thể nhân loại cũng là người không đếm xỉa đến quyền lợi quốc gia của mình. Không có gì sai lầm hơn thế. Một người Đức hoạt động có lợi ích cho toàn nhân loại cũng chẳng làm thiệt hại cho quyền lợi của đồng bào mình – tức là những người có chung tiếng nói và sống chung với anh ta trên một mảnh đất, những người cùng sắc tộc và cộng đồng tâm linh – hơn là một người hành động vì quyền lợi của toàn thể dân tộc Đức làm thiệt hại đến quyền lợi của thành phố quê hương người đó. Vì người nào quan tâm đến sự thịnh vượng của toàn thế giới bao nhiêu thì cũng quan tâm đến sự thịnh vượng của cộng đồng người đó đang sống bấy nhiêu. Những người dân tộc chủ nghĩa có thái độ sô vanh, tức là những kẻ cho rằng quyền lợi giữa các dân tộc là không thể dung hòa và tìm cách áp dụng chính sách nhằm bảo vệ quyền thống trị của dân tộc này đối với dân tộc khác – thậm chí bằng vũ lực, nếu cần – lại thường xuyên nhấn mạnh sự cần thiết và lợi ích của việc đoàn kết nội bộ quốc gia. Họ càng đòi phải tiến hành chiến tranh chống lại các dân tộc khác thì họ lại càng kêu gọi hòa bình và hòa hợp giữa những người sống trên cùng đất nước của họ.
Người theo chủ nghĩa tự do không bao giờ chống lại tinh thần đoàn kết quốc gia. Ngược lại: nhu cầu hòa bình trong lòng dân tộc chính là kết quả của tư tưởng tự do và chỉ trở thành nhu cầu nổi bật sau khi các tư tưởng tự do từ thế kỉ XIX đã được nhiều người chấp nhận. Trước khi triết lí tự do – với sự tán dương hòa bình vô điều kiện của nó – chiếm được tâm trí của con người, không chỉ có chiến tranh giữa các dân tộc với nhau. Các dân tộc thường xuyên bị xâu xé bởi những cuộc xung đột nội bộ và những cuộc đấu tranh đẫm máu. Trong thế kỉ XVIII, người Anh đánh nhau với người Anh ở Culloden; thậm chí ngay cuối thế kỉ XVIII, tại Đức, khi nhà nước Phổ đánh nhau với nhà nước Áo, thì một số bang thuộc Đức đã tham chiến cho cả hai phe. Trong khi đó, nhà nước Phổ chẳng thấy có gì xấu khi đứng về phía nước Ý để đánh nước Áo thuộc Đức, và vào năm 1870 chỉ vì các sự kiện diễn ra rất nhanh nên nước Áo mới không kịp đứng về phía Pháp trong cuộc chiến tranh chống lại nước Phổ và các đồng minh của nước này. Nhiều chiến thắng mà quân đội Phổ lấy làm tự hào lại là chiến thắng trong những cuộc chiến tranh nhằm chống lại những bang thuộc Đức khác. Chính chủ nghĩa tự do đã dạy các dân tộc giữ gìn hòa bình trong mỗi nước, và đấy cũng là điều nó muốn các dân tộc phải giữ trong quan hệ với nhau.
Chính do sự phân công lao động quốc tế mà chủ nghĩa tự do mới rút ra luận cứ chống chiến tranh đầy sức thuyết phục và không thể bác bỏ. Quá trình phân công lao động đã vượt khỏi biên giới quốc gia từ rất lâu rồi. Hiện nay không có quốc gia văn minh nào có thể đáp ứng được các nhu cầu nếu chỉ dựa vào nền sản xuất của chính mình. Tất cả các nước đều phải nhập khẩu và thanh toán bằng cách xuất khẩu hàng hóa do mình sản xuất. Bất cứ điều gì có thể cản trở hoặc làm gián đoạn việc trao đổi hàng hóa trên thị trường quốc tế đều sẽ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho nền văn minh nhân loại và đe dọa sự thịnh vượng, mà thực chất là đe dọa chính sự tồn vong của hàng triệu triệu người trên trái đất. Trong thời đại, khi mà tất cả các quốc gia đều phụ thuộc vào hàng hóa do nước ngoài sản xuất thì không ai muốn gây chiến nữa. Bởi vì bất kì sự ngưng trệ nào trong việc nhập khẩu hàng hóa như thế cũng có thể gây ra tác động quyết định đối với sự thành bại của cuộc chiến phát động bởi quốc gia đã tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế, nên chính sách muốn tính đến khả năng chiến tranh phải cố gắng biến nền kinh tế quốc gia trở thành tự cấp tự túc, nghĩa là ngay trong thời bình cũng phải đặt mục tiêu là đặt dấu chấm hết cho quá trình phân công lao động tại biên giới quốc gia của mình. Nếu nước Đức muốn rút khỏi quá trình phân công lao động quốc tế và tìm cách đáp ứng các nhu cầu của mình thông qua nền sản xuất trong nước thì tổng sản phẩm quốc nội của nước Đức sẽ giảm, mức sống và văn hóa của nhân dân Đức cũng sẽ xuống cấp.
2. Quyền tự quyết
Như đã nói ở trên, một quốc gia có thể hưởng hòa bình chỉ khi có một bản hiến pháp dân chủ bảo đảm việc thay đổi chính phủ theo nguyện vọng của người dân diễn ra suôn sẻ. Để đảm bảo hòa bình thế giới thì cũng chỉ cần áp dụng nguyên tắc này một cách nhất quán là đủ.
Những người theo trường phái tự do thời kì đầu cho rằng nhân dân, về bản chất, là những người yêu chuộng hòa bình, chỉ có vua chúa là thích chiến tranh vì họ muốn tìm kiếm quyền lực và tài sản bằng cách chinh phục. Vì vậy mà họ tin rằng chỉ cần thay chính quyền của những ông hoàng của các triều đại bằng chính phủ thuộc vào người dân là chúng ta sẽ có một nền hòa bình bền vững. Nếu một nước cộng hòa dân chủ thấy rằng những đường biên giới quốc gia của mình được hình thành trong suốt quá trình lịch sử trước thời đại tự do không đáp ứng được nguyện vọng chính trị của nhân dân thì những đường biên giới này sẽ phải được phép thay đổi một cách hòa bình cho phù hợp với kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý thể hiện được ý chí của toàn dân. Việc dịch chuyển biên giới quốc gia phải trở thành khả thi nếu dân chúng sống tại một khu vực nào đó thể hiện ý chí một cách rõ ràng rằng họ muốn sáp nhập vào một quốc gia khác với quốc gia hiện nay. Trong hai thế kỉ XVII và XVIII, các Sa hoàng Nga đã sáp nhập vào đế chế của mình những khu vực rộng lớn, song người dân trong các khu vực đó chưa bao giờ có ước muốn trở thành một phần của nhà nước Nga. Ngay cả khi đế chế Nga thông qua một bản hiến pháp thực sự dân chủ thì ước nguyện của dân chúng trong các khu vực này vẫn không được đáp ứng, đơn giản là vì họ không muốn có bất cứ ràng buộc của một liên minh chính trị nào với người Nga. Yêu cầu dân chủ của họ là: tách khỏi đế chế Nga, thành lập các nước Ba Lan, Phần Lan, Latvia, Lithuania… độc lập. Thực tế là những đòi hỏi này và những đòi hỏi tương tự của các dân tộc khác (cụ thể là người Ý, người Đức ở Schleswig-Holstein, người Slav trong đế chế Hapsburg) chỉ có thể được đáp ứng khi người dân đứng lên cầm vũ khí là nguyên nhân quan trọng nhất của tất cả các cuộc chiến tranh diễn ra ở châu Âu từ sau hội nghị Vienna.
Như vậy, quyền tự quyết định trở thành thành viên của một nhà nước nào đó có nghĩa là: bất cứ khi nào dân chúng ở một khu vực nào đó, dù là một làng, một huyện hay một số huyện nằm cạnh nhau, thể hiện rõ bằng một cuộc trưng cầu dân ý được tiến hành một cách tự do rằng họ không muốn tiếp tục nằm trong liên minh với quốc gia hiện nay nữa, và muốn thành lập một quốc gia độc lập hay liên kết với một quốc gia khác, thì ước muốn của họ phải được tôn trọng và thực hiện. Đấy là biện pháp khả thi và hữu hiệu nhất trong việc ngăn chặn những cuộc chiến tranh, cả nội chiến lẫn chiến tranh giữa các quốc gia.
Gọi quyền tự quyết này là “quyền tự quyết của các dân tộc” là không hiểu vấn đề. Đây không phải là quyền tự quyết của một dân tộc trong những đường biên giới đã được xác định mà là quyền quyết định của dân chúng trong một khu vực lãnh thổ đối với câu hỏi họ muốn nằm trong thành phần của đất nước nào. Việc không hiểu sự khác biệt này thậm chí còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn, đấy là khi “quyền tự quyết của các dân tộc” được dùng để chỉ việc một quốc gia dân tộc có quyền tách và nhập những khu vực có dân cư thuộc sắc tộc mình sinh sống thuộc một quốc gia khác trái với nguyện vọng của người dân ở đấy. Bọn phát xít ở Ý, trên cơ sở nhận thức như thế về quyền dân tộc tự quyết, đã tìm cách biện hộ cho yêu sách của họ trong việc tách một số bang của nước Thụy Sĩ và hợp nhất những bang này vào nước Ý, mặc dù dân chúng các bang này không có nguyện vọng đó. Một số người ủng hộ chủ nghĩa Đại Đức cũng có quan điểm tương tự đối với những khu vực người Đức ở Thụy Sĩ và Hà Lan.
Quyền tự quyết mà chúng ta đang nói đến ở đây không phải là quyền tự quyết của các quốc gia mà là quyền tự quyết của dân cư của mỗi khu vực đủ lớn để thành lập một đơn vị hành chính độc lập. Giá như có thể bảo đảm được quyền tự quyết cho từng cá nhân thì cũng nên làm. Vì điều này là bất khả thi bởi những khó khăn về mặt kĩ thuật, nên ta cần chấp nhận việc mỗi khu vực phải được quản lí như một đơn vị hành chính riêng biệt, và quyền tự quyết bị hạn chế bởi ý chí của đa số dân cư thuộc các khu vực đủ lớn để được coi là các đơn vị lãnh thổ trong bộ máy hành chính của đất nước.
Trong thế kỉ XIX và thế kỉ XX, bất cứ nơi nào mà quyền tự quyết được thực hiện, và bất cứ nơi nào mà nó được phép thực hiện thì ở đó đều dẫn tới hoặc sẽ dẫn tới việc hình thành nhà nước một dân tộc (nghĩa là người dân nói cùng một thứ tiếng) và giải thể những nhà nước đa sắc tộc – nhưng đấy phải là kết quả của sự lựa chọn tự do của tất cả những người được quyền tham gia vào cuộc trưng cầu dân ý. Việc hình thành những nhà nước bao gồm toàn bộ các thành viên của một dân tộc là kết quả của việc thực thi quyền tự quyết chứ không phải là mục đích của nó. Nếu một số người thuộc cùng một dân tộc cho rằng họ muốn độc lập về mặt chính trị chứ không muốn là một phần của nhà nước bao gồm toàn thể các thành viên của những người nói cùng một thứ tiếng, thì dĩ nhiên là có thể làm cho họ thay đổi quan điểm chính trị bằng cách thuyết phục họ tuân theo nguyên tắc dân tộc, theo đó tất cả những người nói cùng một ngôn ngữ phải thành lập một nhà nước độc lập. Nhưng nếu ta tìm cách quyết định số phận chính trị của họ trái với ước muốn của họ bằng cách viện dẫn đến cái quyền dường như cao hơn của dân tộc thì nghĩa là ta đã vi phạm quyền tự quyết chẳng khác gì sử dụng những biện pháp đàn áp khác. Việc các nước Đức, Pháp, và Ý chia nhau nước Thụy Sĩ, ngay cả nếu được thực hiện theo ranh giới các khu vực ngôn ngữ, là sự vi phạm trắng trợn quyền tự quyết, chẳng khác gì việc chia cắt nước Ba Lan vậy.
Nguồn bản gốc: Liberalism - The Classical Tradition. Edited by Bettina Bien Greaves, Liberty Fund, Inc. 2005
Nguồn bản dịch: Mises, Ludwig von (2013[1927]). Chủ nghĩa tự do truyền thống. Phạm Nguyên Trường dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Liberalism (1927) Liberalismus (bản tiếng Đức)