[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương IX: Những nguyên nhân chính dẫn đến việc duy trì nền cộng hoà dân chủ ở Hoa Kỳ (Phần 7)
LUẬT PHÁP VÀ TẬP TỤC LIỆU CÓ ĐỦ ĐỂ DUY TRÌ CÁC THIẾT CHẾ DÂN CHỦ Ở NƠI KHÁC NGOÀI NƯỚC MĨ?
Người Mĩ gốc Anh một khi được mang trở lại châu Âu liệu có bị bắt buộc phải cải đổi luật pháp của mình? − Cần phân biệt giữa các thiết chế dân chủ và các thiết chế của người Mĩ. − Ta có thể nghĩ ra những luật lệ dân chủ hơn nhiều, hoặc ít ra là khác biệt với những luật lệ đã tạo ra nền dân trị của nước Mĩ. − Tấm gương nước Mĩ chỉ chứng tỏ một điều là chúng ta đừng nên thất vọng trong việc điều chỉnh nền dân trị bằng phương tiện luật pháp.
Tôi đã nói là thành công của các thiết chế dân chủ ở Hoa Kì là do bản thân luật pháp và do tập tục hơn là vì điều kiện tự nhiên của đất nước.
Nhưng suy diễn tiếp rằng, chính những nguyên nhân đó đem khuân đi chỗ khác liệu tự chúng có nguyên vẹn sức mạnh không, và nếu như đất nước không thể thay thế được luật pháp và tập tục, thì liệu tập tục và luật pháp đến lượt chúng có thể thay thế được đất nước không?
Tới đây, ta dễ dàng thấy rằng chúng ta hoàn toàn không có các yếu tố để so sánh: ta bắt gặp ở Tân thế giới những con người khác với người Mĩ gốc Anh, và do chỗ những con người ấy cùng chịu ảnh hưởng của những nguyên nhân vật chất như người Mĩ gốc Anh, nên tôi có thể so sánh họ với nhau được.
Thế nhưng bên ngoài nước Mĩ chẳng có dân tộc nào thiếu hẳn những thuận lợi tự nhiên như người Mĩ gốc Anh mà lại chọn luật pháp và tập tục của những con người này.
Vậy là chúng ta chẳng có đối tượng để so sánh về mặt này; và ta chỉ có thể “liều” đưa ra vài ba ý kiến mà thôi.
Trước hết tôi nghĩ rằng ta cần phân biệt cẩn thận những thiết chế ở Hoa Kì với các thiết chế dân chủ nói chung.
Khi tôi nghĩ đến trạng thái của châu Âu, với các quốc gia vĩ đại, các thành phố đông đúc dân cư, với các đạo quân đồ sộ, với nền chính trị đầy phức tạp, tôi không dám nghĩ là nếu đem khuân chính những người Mĩ gốc Anh với nguyên si các tư tưởng, tôn giáo, tập tục về đất nước này, và họ có thể sống ở đây mà chẳng cần phải cải đổi đáng kể luật pháp của họ.
Nhưng ta có thể giả định về một quốc gia dân chủ được tổ chức theo cùng cách thức như người Mĩ.
Phải chăng là không thể nào có được một chính quyền dựa cơ sở trên ý nguyện thực thụ của phe đa số, nhưng ở đó phe đa số lại bạo hành với những bản năng bình đẳng tự nhiên của chính họ để có được cái trật tự và cái ổn định của Nhà nước, và đem giao mọi chức năng hành pháp vào tay một dòng họ hoặc một con người? Liệu ta có thể quan niệm là có được một xã hội dân chủ nơi các thế lực của đất nước lại tập trung hoá hơn là ở Hoa Kì, nơi người dân sẽ chỉ có quyền hành kém trực tiếp và kém sức mạnh tuyệt đối đến các công việc chung, nơi mặc dù vậy mỗi công dân vẫn có một số quyền và họ sẽ tham gia trong phạm vi của mình vào tiến trình công việc của chính quyền?
Những gì tôi tận mắt thấy ở người Mĩ gốc Anh buộc tôi phải tin rằng những thiết chế dân chủ mang bản chất đó, một khi được du nhập thận trọng vào trong xã hội, để chúng sẽ từ từ hoà lẫn vào với thói quen của con người và dần dần hoà tan trong đó với chính các ý tưởng của nhân dân, (những thiết chế đó) có thể tồn tại được ở nơi khác với nước Mĩ.
Nếu như luật pháp nước Mĩ là luật pháp duy nhất mang tính dân chủ con người cần phải hình dung được, hoặc đó là những luật pháp thuộc loại hoàn thiện nhất ta có thể bắt gặp, thì tôi nghĩ từ đó ta có thể kết luận rằng thành công của luật pháp Hoa Kì không hẳn chứng tỏ sẽ là thành công của luật pháp dân chủ nói chung tại một đất nước kém được thiên nhiên ưu ái hơn.
Nhưng nếu như tôi thấy rằng luật pháp nước Mĩ bất cập ở rất nhiều điểm, và tôi có thể dễ dàng nghĩ ra những luật lệ khác, thì thiên nhiên của đất nước chẳng chứng tỏ điều gì rằng các thiết chế dân chủ lại không thể thành tựu tại một quốc gia nơi đó những điều kiện vật chất có thể kém thuận lợi song luật pháp lại có thể tốt đẹp hơn.
Nếu như ở nước Mĩ con người không giống với con người nơi khác; nếu trạng thái xã hội của người Mĩ tạo ra ở họ những thói quen và những ý kiến trái ngược với cùng những thứ đó sinh ra ở châu Âu bởi cùng trạng thái xã hội ấy, thì những gì diễn ra trong các nền dân trị Mĩ chẳng cho ta bài học gì hết về những gì cần phải diễn ra trong các nền dân trị khác.
Nếu những thiên hướng của người Mĩ cùng giống như của mọi quốc gia dân chủ khác, thì việc những nhà lập pháp của họ cầu viện tới những điều kiện thiên nhiên của đất nước và tới sự ưu đãi của hoàn cảnh để kiềm chế các thiên hướng dân chủ của người Mĩ trong những phạm vi đúng đắn, thì hẳn là sự thịnh vượng của Hoa Kì phải có những nguyên nhân thuần tuý vật chất, và chúng sẽ chẳng có lợi gì cho những quốc gia định làm theo họ song lại chẳng có những thuận lợi thiên nhiên như họ.
Nhưng trong những giả định đó chẳng có cái nào được các sự kiện thực xác nhận hết.
Tôi gặp ở Mĩ những đam mê tương tự như đam mê ta từng bắt gặp ở châu Âu: những đam mê ở nơi này thì do bản chất trái tim con người, còn ở nơi khác thì do trạng thái dân chủ của xã hội.
Vì thế mà tôi bắt gặp ở Hoa Kì sự âu lo của trái tim, là điều tự nhiên cho con người một khi, với mọi điều kiện gần như ngang nhau, mỗi con người đều thấy ở đó những cơ may như nhau để được nâng cao con người mình lên. Tôi cũng bắt gặp bên Mĩ cái tình cảm thèm khát mang tính chất dân chủ được biểu lộ bằng cả ngàn cung cách khác nhau. Tôi có nhận xét là ở Mĩ, trong điều hành công việc, con người thường bộc lộ một sự pha trộn cả kiêu ngạo lẫn dốt nát, và tôi từng kết luận là ở nước Mĩ cũng như ở nước ta, con người bao giờ cũng có những điều bất hoàn thiện như nhau và đều ở trong cảnh khốn cùng như nhau.
Nhưng khi tôi có dịp xem xét kĩ lưỡng trạng thái xã hội, tôi dễ dàng khám phá thấy điều này, là người Mĩ đã có những nỗ lực lớn và thích hợp để chống lại những yếu đuối đó của trái tim con người và để sửa chữa những khuyết tật tự nhiên đó của nền dân trị.
Tôi cảm thấy các bộ luật khác nhau của người Mĩ cho cấp thị trấn như là những thanh chắn giữ cho tham vọng đầy âu lo của người công dân được ghìm giữ trong một phạm vi chật hẹp, và khiến cho cũng các đam mê dân chủ đủ sức làm lật nhào Nhà nước lại trở thành có lợi cho làng xã. Tôi cảm thấy những nhà lập pháp Mĩ đã khéo đem tư tưởng về các quyền đối lập một cách có kết quả với tình cảm về sự thèm khát; đem những vận động liên tục trong đời sống chính trị đối lập với sự bất động của đạo đức tôn giáo; đem trải nghiệm của nhân dân đối lập với sự dốt nát về lí thuyết của họ, và đem thói quen công việc của họ đối lập với sự điên cuồng của các thèm muốn.
Vậy là người Mĩ chẳng cần cầu viện đến những điều kiện tự nhiên của đất nước để đấu tranh chống lại những nguy cơ nảy sinh từ hiến pháp và luật lệ chính trị của họ. Đối với những tật xấu mà họ cũng có như mọi dân tộc khác, họ có những phương thuốc mà cho tới nay chỉ riêng họ tìm thấy mà thôi; và cho dù họ là những người đầu tiên thử đem dùng thuốc, họ vẫn cứ thành công.
Tập tục và luật pháp của người Mĩ không phải là duy nhất thích hợp với các quốc gia dân chủ; nhưng người Mĩ đã chỉ ra cho mọi người thấy là ta không bao giờ nên hết hi vọng trong việc điều chỉnh nền dân trị bằng luật pháp và bằng tập tục.
Nếu có những quốc gia khác, khi vay mượn của nước Mĩ cái ý tưởng chung và phong phú này mà lại không muốn bắt chước người dân Mĩ cách áp dụng đặc biệt mà họ đã tiến hành, lại có ý định làm cho luật pháp đó thích hợp với trạng thái xã hội mà Chúa Trời đã áp đặt cho con người thời nay, và cũng lại định tìm cách thoát ra khỏi mối đe doạ là nền chuyên chế hoặc sự hỗn loạn, liệu khi đó chúng ta có những lí do gì để tin là họ sẽ thất bại?
Tổ chức nền và xác lập ra nền dân trị nơi người Ki Tô giáo là một vấn đề chính trị to tát thời nay. Người Mĩ hẳn là chẳng giải quyết được vấn đề này, nhưng họ đưa ra được những chỉ dẫn ích lợi cho những ai muốn giải quyết vấn đề đó.