Quyền "có nhà ở với mức giá hợp lý" đã tạo ra bong bóng và làm sụp đổ nền kinh tế thế giới
Nhà kinh tế và sử học Thụy Điển Johan Norberg chỉ ra phương thức mà những chính sách nhà ở giá rẻ tạo ra một bong bóng bất động sản khổng lồ và hệ quả là sự sụp đổ của hệ thống tài chính toàn cầu. Norberg là một hội viên cấp cao của Viện Cato, tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có When Mankind Created the World [Khi loài người tạo ra thế giới] và In defense of Global Capitalism [Bào chữa cho Chủ Nghĩa Tư Bản Toàn Cầu], và là nhà sản xuất của những bộ phim tài liệu như Globalization is Good [Toàn cầu hóa là tốt - ND] cho Kênh 4 của Anh và Overdose: The Next Financial Crisis [Quá liều: Cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo]. Bài viết này được trích từ chương 2 cuốn sách Financial Fiasco: How America’s Infatuation with Home Ownership and Easy Money Created the Economic Crisis [Sự thất bại của ngành tài chính: sự say mê của nước Mỹ với quyền sở hữu nhà ở và những đồng tiền dễ dãi đã tạo nên cuộc khủng hoảng kinh tế như thế nào] (Washington, DC: Viện Cato, 2009). Cuốn sách miêu tả sâu sắc và cụ thể một loạt những can thiệp tai hại của nhà nước vào các thị trường – bao gồm chính sách tiền tệ dễ dãi của Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ, “chương trình cấp vốn sáng tạo” được chính phủ cỗ vũ cho những khoản vay mua nhà, chứng khoán hóa các khoản thế chấp của các doanh nghiệp được nhà nước bảo trợ (Fannie Mae và Freddie Mac), và những quy định của ngành ngân hàng khuyến khích mua lại những chứng khoán có rủi ro cao – hệ quả là sự sụp đổ của ngành tài chính toàn cầu.
"Hãy tới đây mà chiêm ngưỡng vinh quang Trên miền đất gọi tên ảo mộng" (Trích lời bài hát của Earth, Wind, and Fire, biểu diễn tại tiệc giáng sinh năm 2006 của Hiệp hội Quốc gia Tài trợ Bất động sản) (Federal National Mortgage Association) (Fannie Mae) |
Khi Fannie Mae và Freddie Mac sụp đổ vào năm 2008, chính quyền Bush nhanh chóng truyền đi câu chuyện chính quyền đã nhìn thấy những vấn đề từ lâu và đã cố gắng can thiệp nhưng những người thuộc đảng Dân Chủ trong Quốc Hội đã chặn đứng những nỗ lực này. Các chức trách Nhà Trắng thậm chí còn đưa một bài viết có tựa đề “Doanh nghiệp nhà nước bảo trợ - Chúng tôi đã cảnh báo rồi” (GSEs – We told you so). Bài viết tường thuật một bản báo cáo năm 2003 của Armando Falcon Jr. tại Văn phòng giám sát doanh nghiệp nhà ở Liên Bang (gọi tắt là OFHEO), một cơ quan có trách nhiệm giám sát Fannie and Freddie. Falcon cảnh báo rằng 2 doanh nghiệp được nhà nước bảo trợ này có tham gia vào những hoạt động cho vay và quản lý rủi ro thiếu trách nhiệm có thể dẫn tới vỡ nợ. Theo lời Falcon, điều này có thể gây ra một hiệu ứng domino, dẫn tới sự thiếu hụt thanh khoản trong thị trường.
Tuy nhiên có một chi tiết mà chính quyền Bush không đề cập trong biên bản ghi nhớ này: Cùng ngày Falcon công bố báo cáo của mình, ông nhận được một cuộc gọi từ phòng nhân sự của Nhà Trắng thông báo rằng ông đã bị sa thải.1
Tổng thống Bush muốn tạo ra một “xã hội quyền sở hữu” nơi mà mọi công dân đều có thể quyết định cuộc sống và tài sản của mình thông qua quyền sở hữu, thứ được cho là sẽ thúc đẩy sự độc lập và tính trách nhiệm. Nhưng điều đó lại không mang nghĩa những thị trường tự do dựa trên quyền sở hữu tư nhân – mà là bao gồm cả việc sẵn sàng sử dụng đòn bẩy của chính phủ để ưu tiên quyền sở hữu so với các mối quan hệ mang tính hợp đồng khác trong thị trường. Một trong những mục tiêu chính của Bush là tăng tỉ lệ sở hữu nhà, và hai trong số những người bạn thân nhất của ông được mời để cùng theo đuổi dự án này là Fannie và Freddie.
Một ngày nắng đẹp tháng 6 năm 2002, Tổng thống Bush thăm nhà viên cảnh sát Darrin West tại Park Place South, một khu vực nghèo gần Atlanta, Georgia. Cảnh sát West vừa đủ khả năng để mua nhà nhờ khoản vay từ chính phủ để đóng tiền trả trước. Tổng thống đã dựa ngay vào viên cảnh sát này để giải thích việc những người da đen và Latin không sở hữu nhà cửa ở một mức độ như người da trắng, và nói với anh ta về bản kế hoạch đã được đề xuất để giải quyết vấn đề này. Vào năm 2010, sẽ có thêm khoảng 5,5 triệu người thuộc các nhóm thiểu số được sở hữu nhà, và con số này sẽ đạt được nhờ Fannie, Freddie, những khoản vay liên bang, cùng trợ cấp chính phủ. Theo lời của Bush:
“Điều đó có nghĩa là chúng ta sử dụng những cơ bắp mạnh mẽ của chính quyền liên bang kết hợp với chính quyền bang và địa phương để khuyến khích bạn sở hữu quyền nhà riêng của chính bạn” 2.
Thực sự, các đảng viên Đảng Cộng Hòa ủng hộ hầu như tất cả những quyết định của hai quan chức thuộc Đảng Dân Chủ Henry Cisneros và Andrew Cuomo – và sau đó cấp số nhân chúng lên. Bush thiết lập những khoản trợ cấp liên bang mới cho những người mua lần đầu, những người mà ông ta muốn được bảo trợ bởi bảo hiểm liên bang cho dù họ không đóng một đồng tiền trả trước nào. Năm 2004 là khoảng thời gian đặt ra những mục tiêu mới cho những doanh nghiệp được nhà nước tài trợ. Cisneros đã yêu cầu 42% các khoản cho vay thế chấp bất động sản của Fannie và Freddie chuyển tới những người có thu nhập thấp, và Cuomo sau đó đã nâng con số này lên 50%. Chính quyền Bush gia tăng những con số này một lần nữa, lên 56% năm 2008. Một thay đổi thậm chí đáng kể hơn là tỉ lệ của những khoản cho người thu nhập thấp vay tăng từ 20% lên tới 28%.
“Không ai muốn chặn bong bóng lại” trích lời Lawrence Lindsey, cố vấn kinh tế cấp cao của Bush. “Việc đó sẽ mâu thuẫn với chính những chính sách của tổng thống.”3 Ở một mức độ nào đó, chính sách nhà ở đã trở thành lực đẩy của chính nó. Càng nhiều người có được các khoản vay thế chấp một cách dễ dãi, càng nhiều người tham gia vào thị trường nhà ở và giá cả càng tăng cao. Đổi lại, điều này khiến việc mua nhà khó khăn hơn cho những người chưa mạo hiểm tham gia thị trường để mua nhà, và thế là những chính sách can thiệp mới được tạo ra nhằm làm cho việc vay thế chấp mua nhà trở nên dễ dàng hơn nữa, và đẩy giá nhà thậm chí cao hơn. Và mặc dù những khoản vay thế chấp khổng lồ này nhìn có vẻ vô hại, chính bởi sự tăng giá liên tục và mọi người dễ dàng có được những khoản vay dựa trên ngôi nhà cũ của mình.
Thái độ của chính quyền với Fannie và Freddie không hề thay đổi cho tới tận sau một scandal gây sửng sốt. Tháng 6 năm 2003, chỉ một vài tháng sau khi những nhân viên chính phủ xác nhận những sổ sách của Freddie Mac là “chính xác và đáng tin cậy”, rò rỉ thông tin cho thấy công ty này đã cất giấu 6,9 tỷ đô la Mỹ lợi nhuận trong 3 năm để dành khi khó khăn. Việc giám định tài khoản của những công ty do nhà nước tài trợ đã chỉ ra rằng Fannie Mae đã gian lận sổ sách bằng việc khai khống lợi nhuận để đảm bảo cho các lãnh đạo cao cấp nhận được trọn vẹn lương thưởng. Một loạt các vi phạm cũng bị phanh phui và hàng loạt các lãnh đạo cao cấp bị cho thôi việc.
Mọi người bị sốc khi biết rằng những doanh nghiệp được nhà nước bảo trợ, vẫn thường được coi là một dạng của hoạt động từ thiện – như tổng thống Bush thường nói rằng họ kinh doanh xuất pháp từ trái tim – dường như đã học được những mưu mẹo sổ sách từ Enron, công ty năng lượng sụp đổ từ năm 2001. Chỉ ít ngày trước vụ scandal tại Freddie Mac, đơn vị giám sát, tức Văn phòng giám sát doanh nghiệp nhà ở Liên Bang (OFHEO), đã khẳng định trước quốc hội như sau:
Những hệ thống và chương trình quản lý rủi ro của Freddie Mac là hiệu quả. Hệ thống quản lý này truyền tải một thông điệp về sự thanh liêm và các giá trị đạo đức. Triết lý quản lý và phong cách điều hành có ảnh hưởng sâu rộng trên toàn công ty. Cơ cấu tổ chức và phân bổ trách nhiệm tạo điều kiện cho việc giải trình và giám sát.4
Giờ đây OFHEO phải tường trình về vụ sai phạm quy mô lớn tại những doanh nghiệp được nhà nước bảo trợ, và chính OFHEO phạt những doanh nghiệp này hơn nửa tỷ đô la. Những trò gian lận kế toán làm tăng thêm nghi ngờ với Fannie và Freddie dưới chính quyền Bush. Alan Greenspan chỉ trích mạnh mẽ hai công ty vì đưa cả nền kinh tế tới hiểm họa, còn tổng thống Bush phục chức cho Armando Falcon Jr., người đã chỉ trích Fannie và Freddie để rồi bị sa thải, trở thành giám sát viên. Chính quyền thắt chặt sự giám sát đối với hai doanh nghiệp này và muốn quy trình tiếp quản tài sản chế chấp (do không trả được nợ đúng hạn – ND) giống như của ngân hàng trong tình huống khủng hoảng xảy ra mà chính phủ liên bang không gánh hết các khoản nợ. Điều này chẳng khác nào một thảm họa đối với mô hình kinh doanh của những công ty này, thứ vẫn được xây dựng dựa trên duy nhất “sự chênh lệch lớn và béo bở” (theo lời Greenspan5) giữa lãi suất huy động thấp nhờ sự bảo lãnh của chính phủ và lãi suất thị trường mà những công ty này kiếm được trên các khoản cho vay.
Nhưng chính quyền vẫn không có được tiếng nói cuối cùng. Tại cuộc họp của các nhà đầu tư năm 1999, Franklin Raines, CEO của Fannie Mae, đã tuyên bố “chúng tôi quản lý các rủi ro chính trị không kém gì các rủi ro tín dụng và lãi suất”.6 Đây là một tuyên bố nghiêm túc chứ không phải nói suông. Khi Fannie mất dần kiểm soát đối với các khoản cho vay có thế chấp, công ty này dành nhiều thời gian và nhiều tiền bạc hơn để giám sát các đe dọa chính trị đối với vị thế tài chính của mình. Qua nhiều năm, công ty sử dụng khoản lợi nhuận để xây dựng một tổ chức vận động hành lang với các quan chức địa phương và một mạng lưới các chính trị gia mà ít tổ chức nào có thể bì kịp. Trong thập kỷ trước, Fannie dành tới 170 triệu đô la tiền vận động và quyên góp cho các ứng cử viên chính trị. Fannie và Freddie thường nhận người thân của các chính trị gia làm việc tại các văn phòng địa phương của mình, và những chính trị gia thân thiết cũng có thể tìm được những công việc lương cao tại những công ty được chính phủ bảo trợ trong những khoảng thời gian họ không được trúng cử. Để đổi lấy sự ủng hộ chính trị, Fannie và Freddie để các thành viên Quốc Hội tuyên bố những dự án nhà ở lớn cho người thu nhập thấp – thực tế, những quyết định chính trị không bao giờ phải đi qua một quá trình đưa ra quyết định chính trị nào. Ngược lại, các thành viên Quốc Hội, những người muốn hạn chế những đặc quyền của Fannie và Freddie, bị ngập chìm trong những cuộc gọi và những bức thư cảnh cáo giận dữ, và những người cử tri thì nhận được những tin nhắn tự động như: “Nghị sĩ của anh đang cố làm cho khoản vay có thế chấp nhà ở trở nên đắt đỏ hơn. Hãy hỏi tại sao ông ta lại chống lại giấc mơ Mỹ về quyền sở hữu một ngôi nhà”.7
Chiến thuật của Fannie và Freddie đã vô cùng thành công, và những người chỉ trích hai công ty trên đều bị đánh bại hết lần này tới lần khác. Năm 1999, Bộ trưởng tài chính của Tổng thống Clinton, Lawrence Summers, lo ngại về Fannie và Freddie, nhưng kiến nghị sửa đổi của ông bị phớt lờ. Hai công ty này thậm chí còn chế nhạo những quy định của Sàn chứng khoán New York, trong đó có quy định một tập đoàn không công bố các bản báo cáo thường niên sẽ bị hủy niêm yết. Khi Fannie vi phạm điều này, NYSE đưa ra một ngoại lệ áp dụng trong trường hợp “việc hủy bỏ niêm yết làm tổn hại đáng kể tới lợi ích quốc gia”. Ủy ban chứng khoán và giao dich phê duyệt sự miễn trừ này, và Fannie Mae vẫn được niêm yết.8
Một trong những người từng hứng chịu cơn thịnh nộ của Fannie và Freddie là đảng viên Đảng Cộng Hòa Richard Baker, người thu thập thông tin vào năm 2003 về khoản tiền mà hai công ty này trả cho các giám đốc cấp cao. Fannie và Freddie đe dọa sẽ kiện Baker nếu ông công bố những thông tin này, buộc ông phải yên lặng trong một năm. Baker, giờ đã rời bỏ Quốc Hội, nói với tờ Washington Post rằng ông chưa từng chứng kiến một trường hợp như thế: “Sự kiêu căng chính trị mà họ có được trong thời kỳ hưng thịnh là chưa từng có trước đây, chưa từng có một thực thể tư nhân nào có được sức mạnh chính trị mạnh đến như vậy”.9
Khi chính quyền Bush quay lưng với Fannie và Freddie, hai công ty tập trung toàn bộ cỗ máy vận động hành lang của mình nhằm tấn công những kiến nghị cải cách. Họ huy động ngành tài chính bất động sản và nhà ở cùng những nhóm hoạt động thường xuyên được hai công ty quyên góp tiền, tạo ra một chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên TV và báo đài. “Nhưng điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ không thể mua nổi căn nhà mới” lời một người phụ nữ chán nản trên một những chiến dịch trên TV kết luận về hậu quả của những kiến nghị cải cách. Fannie và Freddie lại chiến thắng. Các đảng viên đảng Dân Chủ phản kháng mạnh mẽ, thành công trong việc loại bỏ đệ trình về điều khoản tiếp quản tài sản chế chấp (receivership provisions) khỏi đệ trình luật về nhà ở (House bill), làm cho đệ trình luật này bị thất thế và chính quyền không còn muốn ủng hộ nó. Ở Thượng Viện, Robert Bennett, một nghị sĩ đảng Cộng Hòa, cố gắng làm suy yếu những quy định liên quan đến công khai chứng khoán và các yêu cầu về vốn.
Quỹ ủng hộ lớn thứ 2 của Thượng nghị sĩ Bennett chính là Fannie Mae. Con trai Bennett cũng làm việc cho Fannie tại Utah.
Ai cũng có thể nhìn ra
Đối với Fannie Mae và Freddie Mac, việc chiến thắng chính quyền Bush phải trả một cái giá đắt như chiến thắng của vị tướng Hy Lạp Pyrrhus đối với người La Mã ở Asculum. Hai công ty từng có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả hai đảng chính trị, nhưng giờ thì chính quyền đã quay lưng lại với họ, Fannie và Freddie phải phụ thuộc hơn vào những đảng viên Dân Chủ, những người còn kỳ vọng nhiều hơn vào sự mở rộng của hoạt động phổ biến nhất của hai công ty này: những khoản vay cho người có thu nhập thấp và những dân tộc thiểu số. Cơ hội sống sót duy nhất của Fannie và Freddie là bám víu lấy sự ủng hộ của đảng Dân Chủ bằng việc buông lơi tất cả những hạn chế về kiểm tra tín dụng và cho vay. Hai công ty này cũng đã bị mất nhiều thời gian vì vụ scandal kế toán, dẫn đến việc các công ty các giành được nhiều thị phần. Và tới thời điểm này, hầu hết những người có thu nhập thấp mà có khả năng mua nhà thế chấp theo giá thị trường thì đã có nhà từ lâu. Các công ty được chính phủ bảo trợ vì vậy đã phải lấn sâu hơn vào lãnh địa có mức rủi ro cao hơn nhằm giành lại những gì đã mất.
Daniel Mudd, CEO của Fannie Mae, đã rõ ràng về chiến lược trong tương lai của công ty. Ông nói với nhân viên “phải mạnh bạo đương đầu rủi ro, không thì cuốn gói khỏi công ty.” Một nhân viên cũ giải thích với New York Times rằng mọi người biết rằng họ đã mua nhà thế chấp một cách không bền vững, “nhưng nhiệm vụ của chúng tôi là phải giữ quan hệ và phục vụ những người vay có thu nhập thấp. Đó là những gì chúng tôi làm”.10 Giữa năm 2004, Giám đốc rủi ro (CRO) David Andrukonis của Freddie Mac nói với CEO Richard Syron rằng kiểm tra tín dụng đã trở nên quá dễ dãi và đưa hai công ty và cả đất nước đối đầu với những nguy cơ tài chính rất lớn. Nhưng Syron không nghe những lời can ngăn, biện hộ rằng Freddie Mac giờ không thể nói không với một ai được nữa.11
Mặc dù chính quyền Bush đã chỉ trích Fannie và Freddie vì những liều lĩnh không tính toán, nó vô hình đã đẩy hai công ty lún sâu hơn vào bùn lầy bằng việc yêu cầu tăng nhanh số lượng nhà ở thế chấp cho người có thu nhập thấp thông qua một nghị định ban hành vào tháng 10 năm 2004. Như đã nói ở trên, tỷ lệ của những khoản thế chấp như vậy cứ tăng từng năm, từ 50% năm 2000 lên 56% năm 2008. Tỷ lệ những khoản vay cho người có thu nhập rất thấp tăng từ 20% lên 28%.
Bầu không khí thua cuộc đã hiển hiện tại Fannie Mae và Freddie vào thời điểm đó. Giám đốc cấp cao của cả hai công ty đều từ bỏ việc phục vụ những ông chủ của mình: yêu cầu lợi nhuận bền vững của các cổ đông yêu không thể dung hòa với những chỉ thị nhảy vọt từ các chính trị gia. Một nhân viên miêu tả những cuộc thảo luận trong văn phòng dường như chỉ tập trung vào việc sẽ mất bao lâu để mọi việc bị đưa phanh phui:
Không cần phải quá tinh tường để nhận thấy chất lượng của những khoản vay. Ai cũng có thể nhìn ra. Nhưng không ai từ bên ngoài chất vấn chúng tôi về chúng.12
Trong thực tế, có những lý do chính trị khiến mọi người không muốn nhìn nhận xem điều gì đang xảy ra. Những chính sách này có dụng ý tốt, những mục tiêu của nó nằm ngoài phạm vi bị chỉ trích. Cuối tháng 7 năm 2008, Paul Krugman, một nhà kinh tế học cánh tả sau đó giành được giải thưởng Nobel, chỉ trích những người công kích Fannie và Freddie, chỉ ra rằng bộ đôi này không liên quan gì tới những khoản cho vay rủi ro và không hề có một khoản cho vay dưới chuẩn.13 Có lẽ Krugman đã nhầm lẫn mọi thứ với nhau: đúng là Fannie và Freddie không cho những người dưới chuẩn vay, bởi vì hai công ty này không hề cho vay; họ mua những khoản vay, và tỉ lệ ngày một tăng của những khoản vay đó là vay dưới chuẩn. Fannie và Freddie cũng cố gắng che đậy những khoản cho vay rủi ro cao bằng việc áp dụng những định nghĩa hẹp cho từ “vay dưới chuẩn”, hẹp hơn rất nhiều những công ty khác trên thị trường. Tháng 7 năm 2007, Giám đốc Rủi Ro của Countrywide tự hào nói với những nhà phân tích trong một hội nghị rằng tổ chức của ông đang bán những khoản cho vay thế chấp với chất lượng kém xa so với những giới hạn rộng rãi nhất có thể về vay dưới chuẩn cho Fannie Mae nhưng vẫn được Fannie cho là “đạt chuẩn”.14
Thông điệp của Fannie và Freddie vào năm 2004 là họ sẽ mua gần như bất cứ thứ gì biết di chuyển. Đây là nguyên nhân chính khiến các ngân hàng và các tổ chức bơm ra những khoản cho vay thế chấp mới dưới chuẩn và thuộc loại Alt-A. “Thị trường biết rằng chúng tôi cần những khoản vay đó,” một người phát ngôn của Freddie Mac giải thích.15 “Alt-A” là một dạng cho vay có mức rủi ro lớn hơn mức “chuẩn” nhưng ít rủi ro hơn mức “dưới chuẩn”. Những khoản vay được gán cho danh hiệu này vì những khoản vay loại này thường không có giấy tờ gì về thu nhập của người đi vay, chúng còn có tên là “những khoản vay nước bọt”. Trong thực tế, những khoản vay này có rủi ro cao như vay dưới chuẩn và chúng nên được gộp cùng với vay dưới chuẩn vào một tên gọi ít tối nghĩa hơn là “những khoản vay rác”. Năm 2003, vay rác ước tính chiếm tới 8% vay thế chấp tại Mỹ, nhưng tăng lên 18% vào năm 2004 và 22% vào quý 3 năm 2006. Khoảng 40% những khoản vay thế chấp mà Fannie và Freddie mua từ 2005-2007 là vay dưới chuẩn hoặc vay Alt-A.16
Những mục tiêu to lớn buộc Fannie và Freddie phải thay đổi chiến thuật. Thay vì chỉ mua lại các khoản vay thế chấp và góp chúng thành những chứng khoán, hai công ty giờ đi mua ngày một nhiều những chứng khoán như vậy từ các công ty khác. Thực tế, Fannie và Freddie nhanh chóng trở thành những khách hàng lớn nhất của những “đợt phát hành” an toàn nhất (được gọi là tranche) - thực chất là một nhóm những chứng khoán được xếp hạng tín dụng cao nhất trong số các khoản vay rác kể trên. Rất nhiều các nhà bình luận cho rằng đây là yếu tố quyết định cho sự phát triển ồ ạt không kiểm soát của những khoản vay thế chấp dưới chuẩn khắp thế giới. Lý do là lợi tức từ những đợt phát hành kiểu này ít khi cao hơn lãi suất ngân hàng trả cho khoản tiền gửi, có nghĩa là các nhà đầu tư thực ra không hề xếp hàng để mua. Nhưng đối với Fannie và Freddie, hai công ty được vay với lãi suất thấp nhờ sự hậu thuẫn của nhà nước, đây vẫn là những thương vụ hấp dẫn. Và một khi hai công ty trở thành nguồn cung cấp vốn cho những cuộc phát hành, việc tìm nhà đầu tư sẵn sàng mua lại những chứng khoán với rủi ro cao hơn trở nên dễ dàng hơn, sản sinh ra những khoản thu cao hơn, đôi lúc lên tới 20 lần. Điều này cổ vũ những công ty như New Century và Ameriquest tạo ra những chứng khoán dành riêng để bán cho Fannie và Freddie: không phải ngẫu nhiên mà tổng những khoản vay thế chấp mà các chứng khoán trên dựa vào chỉ dưới 417,000 đô la Mỹ, và đây cũng là mức trần cho những khoản vay nằm trong danh mục đầu tư của Fannie và Freddie.17
Sự hiện diện chung của Fannie và Freddie ở thị trường nhà ở là vô cùng lớn. Cuối năm 2007, tổng các khoản nợ và chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp mà hai công ty đứng ra đảm bảo và phát hành bằng với nợ công của Mỹ. Với mỗi 100 đô la được đảm bảo hoặc được cho vay thông qua chứng khoán, hai công ty chỉ có 1,2 đô vốn sở hữu.18 Tháng 8 năm 2008, Fannie và Freddie sở hữu một số lượng các khoản vay rác và chứng khoán được đảm bảo bằng vay rác tương đương 1 nghìn tỷ đô la – hơn một phần năm tổng danh mục đầu tư thế chấp của cả hai.19 Theo lời của Nassim Nicholas Taleb, tác giả cuốn sách The Black Swan (Thiên nga đen – ND), bàn về việc con người đánh giá thấp những rủi ro xác suất thấp thì hai công ty này “ngồi trên một thùng thuốc nổ”. Đội ngũ các nhà phân tích của họ, tuy nhiên, vẫn cho rằng các rủi ro là rất thấp. Hai công ty có mô hình phức tạp nhằm quản lý rủi ro. Rủi ro duy nhất, thực tế, chính là sự tụt dốc của giá nhà.20
Khi CEO cũ của Freddie Mac, Richard Syon, nhìn lại những gì đã xảy ra, ông đổ lỗi những khoản thế chấp xấu là hậu quả của việc các chính trị gia thúc ép sự tăng trưởng nhà ở cho những người thậm chí không có khả năng để chi trả. Đó là cái giá mà các doanh nghiệp được nhà nước bảo trợ phải trả cho việc giành được nhiều đặc quyền. Nhưng 15 năm trước, chính dưới thời Syron làm việc tại Boston Fed, ông đã bắt đầu những tính toán có hệ thống nhằm nới lỏng các yêu cầu đối của ngân hàng với đánh giá tín dụng. Tại Freddie Mac, Syron đã dẫn dắt một cuộc bành trướng lớn của thị trường vay dưới chuẩn. Khi tờ New York Times hỏi ông liệu có điều gì mà ông có thể làm khác không, Syron trả lời: “Nếu tôi có khả năng dự đoán tốt hơn, có lẽ tôi đã có thể cải thiện tình hình một chút. Nhưng thành thật mà nói, nếu tôi có khả năng dự đoán hoàn hảo, tôi đã không nhận công việc này ngay từ đầu”.21
Nguồn: Tom G. Palmer, After the Welfare State, Jameson Books, Inc., 2016
Chú thích:
(1) Jo Becker, Sherly Gay Stolberg, và Stephen Labaton, ”White House Phiosophy Stoked Mortgage Bonfire“ [Triết lý của Nhà Trắng đã châm ngòi cho ngọn ngửa thế chấp]; New York Times, 21 tháng 12 năm 2008.
(2) G. W. Bush, ”President Calls for Expanding Opportunities to Home Ownership: Remarks by the president on homeownership,” [Tổng thống kêu gọi mở rộng quyền sở hữu nhà: Lời phát biểu của Tổng thống về quyền sở hữu nhà]; 17 tháng 6 năm 2002, http://georgewbushwhitehouse.archives.gov/news/releases/2002/06/20020617-2.html
(3) Jo Becker, Sherly Gay Stolberg, và Stephen Labaton, ”White House Phiosophy Stoked Mortgage Bonfire“ [Triết lý của Nhà Trắng đã châm ngòi cho ngọn ngửa thế chấp], New York Times, 21 tháng 12 năm 2008.
(4) Office of Federal Housing Enterprise Oversight, ”Report to Congress,” [Văn Phòng Giám Sát Doanh Nghiệp Nhà Ở Liên Bang, “Báo cáo gửi Quốc Hội,”], Washington, DC, tháng 6 năm 2003, trang. 38. Văn Phòng sử dụng ngôn ngữ tương tự về Fannie Mae ở trang 36.
(5) Binyamin Appelbaum, Carol D. Leonnig, và David S. Hilzenrath, “How Washington Failed to Rein in Fannie, Freddie,” [Washington thất bại trong việc kiểm soát Fannie, Freddie như thế nào], Washington Post, 14 tháng 9 năm 2008.
(6) Peter J. Wallison và Charles Calomiris, “The Last Trillion-Dollar Commitment: The Destruction of Fannie Mae and Freddie Mac,” [Lời cam kết ngàn tỉ cuối cùng: Sự sụp đổ của Fannie Mae và Freddie Mac], American Enterprise Financial Services Outlook; tháng 9 năm 2008.
(7) Lisa Lerer, “Fannie, Freddie Spent $200M to Buy Influence,” [Fannie, Freddie bỏ ra 200 triệu đô để mua ảnh hưởng]; Politico.com, 16 tháng 7 năm 2008.
(8) Charles Duhigg, “Pressured to Take More Risk, Fannie Reached a Tiping Point,” [Bị ép phải mạo hiểm, Fannie lao tới đỉnh điểm]; New York Times, 5 tháng 10 năm 2008.
(9) Binyamin Appelbaum, Carol D. Leonnig, và David S. Hilzenrath, “How Washington Failed to Rein in Fannie, Freddie,” [-Washington thất bại trong việc kiểm soát Fannie, Freddie như thế nào]; Washington Post, 14 tháng 9 năm 2008.
(10) Như trên
(11) Charles Duhigg, “Pressured to Take More Risk, Fannie Reached a Tiping Point,” [Bị ép phải mạo hiểm, Fannie lao tới đỉnh điểm]; New York Times, 5 tháng 10 năm 2008.
(12) Charles Duhigg, “At Freddie Mac, Chief Discarded Warning Signs,” [Tại Freddie Mac, giám đốc điều hành đã bất chấp các dấu hiệu cảnh báo]; New York Times, 5 tháng 8 năm 2008.
(13) Binyamin Appelbaum, Carol D. Leonnig, và David S. Hilzenrath, “How Washington Failed to Rein in Fannie, Freddie,” [Washington thất bại trong việc kiểm soát Fannie, Freddie như thế nào]; Washington Post, 14 tháng 9 năm 2008.
(14) Paul Krugman, “Fannie, Freddie and You,” [Fannie, Freddie và chính các bạn]; New York Times, 14 tháng 7 năm 2008.
(15) Seeking Alpha, “Countrywide Financial Q2 2007 Earnings Call Transcript, July 24, 2007” [Báo cáo tài chính qua điện thoại quý II năm 2007 trên cả nước, 24 tháng 7 năm 2007], http://seekingalpha.com/article/42171-countrywide-financial-q2-2007-earnings-call-transcript.
(16) Carol Leonnig, “How HUD Mortgage Policy Fed the Crisis” [Làm thế nào chính sách thế chấp của bộ Phát triển nhà ở và đô thị tiếp tay cho khủng Hoảng], Washington Post, 10 tháng 6 năm 2008.
(17) Peter J. Wallison và Charles Calomiris, “The Last Trillion-Dollar Commitment: The Destruction of Fannie Mae and Freddie Mac” [ Lời cam kết ngàn tỉ cuối cùng: Triển vọng cho ngành dịch vụ tài chính Mỹ], tháng 9 năm 2008.
Jody Shenn, “Fannie, Freddie Subprime Spree” [Fannie, Freddie nuôi nấng vay dưới chuẩn], Bloomberg.com, 22 tháng 9 năm 2008 www.bloomberg.com/apps/news?pid=20601109&sid=a.6kKtOoO72k&refer=home.
(18) James Lockhart, “Reforming the Regulation of the Government Sponsored Enterprises” [Đổi mới quy định đối với doanh nghiệp được chính phủ bảo trợ], Statement before the US Senate Banking, Housing, and Urban Af airs Committee, 7 tháng 2 năm 2008
(19) Peter J. Wallison và Charles Calomiris, “The Last Trillion-Dollar Commitment: The Destruction of Fannie Mae and Freddie Mac,” [ Lời cam kết ngàn tỉ cuối cùng: Triển vọng cho ngành dịch vụ tài chính Mỹ], tháng 9 năm 2008.
(20) Nassim Nicholas Taleb, The Black Swan: The Impact of the Highly Improbable [Thiên Nga Đen: Tác động của sự không thể], (London: Penguin Books, 2008), trang. 225–26.
(21) Charles Duhigg, “Pressured to Take More Risk, Fannie Reached a Tiping Point,” [Bị ép phải mạo hiểm, Fannie lao tới đỉnh điểm], New York Times, 5 tháng 10 năm 2008.