[[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp] chương 5: Làm việc dưới quyền của Mises tại Phòng Công nghiệp Áo

[[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp] chương 5: Làm việc dưới quyền của Mises tại Phòng Công nghiệp Áo

Tags: Tiểu sử

(Xem bài liên quan: Cuộc đời Hayek - Giai đoạn học Đại học ở Vienna)

Ludwig von Mises, người được ban biên tập tạp chí Liberty bình chọn là “Nhà tự do chủ nghĩa của thế kỷ”, sinh năm 1881 tại Lemberg, thuộc Đế chế Áo-Hung bấy giờ. Sau khi tốt nghiệp phổ thông hệ Gymnasium, Mises vào học tại Đại học Vienna, nơi ông nghiên cứu lịch sử, và sau tốt nghiệp ông tham gia seminar của Böhm-Bawerk. Công trình lớn đầu tiên của ông là Lý thuyết tiền tệ và tín dụng (The Theory of Money and Credit) (1912). Là người phản đối lạm phát mạnh mẽ, Mises cũng đề xuất lý thuyết chu kỳ kinh doanh về sau được Hayek phát triển sâu hơn: Một trong những hậu quả tai hại của việc tăng cung tiền tệ là nó làm méo mó cơ cấu sản xuất kinh tế.

Sau thời gian phục vụ trong Thế chiến I, Mises trở thành giám đốc Phòng Công nghiệp Áo. Cuối năm 1921, với vai trò trên ông đã trao cho Hayek cương vị đầu tiên là nhân viên tư vấn pháp lý cho một văn phòng chính phủ thực thi các điều khoản của hiệp ước kết thúc chiến tranh – giải quyết nợ tư nhân trước chiến tranh giữa các nước tham chiến. Hayek biết tiếng Pháp, tiếng Ý và tiếng Anh. Hayek giải thích việc được bổ nhiệm giữ chức vụ này là “nhờ biết ba ngoại ngữ, cùng với luật và kinh tế, đã khiến tôi thỏa mãn yêu cầu cho của một vị trí có thu nhập khá cao.”

Hayek thích thú thuật lại chuyện năm 1921 ông đến với Mises như thế nào khi mang theo bức thư giới thiệu của Wieser, người đã “miêu tả tôi như một nhà kinh tế học triển vọng. Mises nhìn tôi và nói, ‘Nhà kinh tế học triển vọng ư? Tôi chưa bao giờ trông thấy cậu trong giờ thuyết trình của tôi.’ [cười]”

“Điều này gần như hoàn toàn đúng. Tôi từng dự một buổi thuyết trình của ông và nhận thấy người đàn ông mang ác cảm lộ rõ với quan điểm Fabian1 của tôi lúc bấy giờ không phải là loại người mà mình muốn tiếp xúc. Nhưng tất nhiên sự thể đã thay đổi.” Hayek hồi tưởng, “Chúng tôi sau đó trở thành thành bạn bè rất thân thiết, và năm năm đầu làm việc ở Áo, ông là sếp chính thức của tôi; sau đó ông giúp tôi thành lập Viện Nghiên cứu [Chu kỳ Kinh doanh] Kinh tế và trở thành phó chủ tịch còn tôi là giám đốc.”

Trong vai trò thủ trưởng, Mises là “một người tuyệt đối lý tưởng, chu đáo và luôn sẵn sàng bàn luận về kinh tế học ngoại trừ công việc mà chính ông đang thực hiện ở thời điểm đó… Sau vài ba tháng, ông tiến cử tôi vào một công việc khó khăn và trách nhiệm với kết quả đạt được rất phi thường, đó là việc phải đàm phán bình đẳng với các vị chủ tịch ngân hàng và bộ trưởng tài chính, những người cảm thấy gai mắt khi làm việc với một thanh niên trẻ tuổi đến vậy. Tuy nhiên, khi Mises tin là tôi có thể làm được việc này, ông hoàn toàn không đếm xỉa gì tới lề thói hay cấp bậc.”

Mises đóng vai trò then chốt trong quá trình phát triển chuyên môn của Hayek. Mises giới thiệu Hayek với giáo sư Jenks ở Đại học New York. Nếu không có sự hỗ trợ của Mises (kể cả việc đưa cho ông khoản lương tạm ứng), Hayek đã không thể sang Mỹ hay vẫn tiếp tục theo đuổi một lĩnh vực chuyên môn gần gũi với kinh tế học hàn lâm. Tuy nhiên, sự khích lệ về trí tuệ của Mises thậm chí còn quan trọng hơn cả những giúp đỡ thiết thực đó. Mối tương giao giữa Hayek với Mises cùng việc Hayek tham gia “seminar cá nhân” của Mises có ý nghĩa quyết định đối với quá trình phát triển trí tuệ của Hayek.

Trong thời gian hoàn thành văn bằng luật của mình, Hayek đã hình thành một nhóm thảo luận – Greistkreis (“nhóm trí thức” hay “tinh thần,” và có lẽ tốt hơn là dịch theo nghĩa thông tục, “những người anh em đồng tâm”) – với những sinh viên đồng môn như Herbert von Furth, người sau này là thành viên ban lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Federal Reserve Bureau). Phần lớn thành viên Greistkreis là người Do Thái. Nhóm tụ họp mỗi tháng một lần để thảo luận. 

Các thành viên Greistkreis – một số vào thời điểm ấy hay về sau là thành viên seminar của Mises – gồm có Max Mintz, người sau trở thành sử gia ở Mỹ; Erik Vogelin, triết gia chính trị giảng dạy tại Đại học Vienna và sau ở Mỹ; Alfred Schutz, nhà xã hội học và triết học; Walter Frohlich, sử gia và luật sư sau trở thành giáo sư tại Đại học Marquette; và Felix Kaufmann, nhà triết học và nhà lý thuyết pháp lý sau giảng dạy tại Trường Nghiên cứu Xã hội mới ở New York (New School for Social Study). Các thành viên khác gồm Gottfried Haberler2, sau trở thành nhà kinh tế học và giáo sư tại Đại học Vienna và Harvard; Oskar Morgenstern3, nhà kinh tế học và nhà tiên phong về lý thuyết trò chơi giảng dạy tại Đại học Princeton; Fritz Machlup4, nhà kinh tế học và giáo sư tại Princeton; và Friedrich Engel-Janosi, nhà sử học. Cả Haberler và Machlup về sau đều là chủ tịch Hiệp hội Kinh tế học Hoa Kỳ (American Economic Association). Ngoài ra, tham gia vào những thời điểm khác nhau còn có các sử gia nghệ thuật Otto Benesch và Johannes Wilde, nhà âm nhạc học và luật sư Emanuel Winternitz, và nhà phân tâm học Robert Waelder.

Khi so sánh Greistkreis với seminar của Mises, sử gia kinh tế người Áo Earlene Craver viết, mặc dù “có sự trùng lặp thành viên giữa seminar của Mises với cái nhóm nhỏ do Hayek cùng Furth khởi xướng, thì nhóm của Hayek lại là nhóm thỏa mãn yêu cầu của những ai muốn có tâm điểm văn hoá rộng hơn.” Furth duy trì chương trình làm việc gồm hàng loạt chủ đề rộng rãi được thảo luận trong vòng một thập niên. Những buổi gặp gỡ được dành cho văn chương, nhân vật văn học, lịch sử nghệ thuật và âm nhạc, lịch sử nói chung và triết học chính trị. Theo nhà kinh tế học Stephan Boehm, người từng nghiên cứu lịch sử trí tuệ Vienna giữa hai cuộc đại chiến, thì mục đích của Greistkreis là “thành lập một nhóm thảo luận, trên hết, hiến thân cho lý tưởng tự do trí tuệ, cái tự do mà họ [Hayek và Furth] thấy thường xuyên bị vi phạm trong seminar của Othmar Spann, nơi họ từng tham gia. Tương phản rõ nét với seminar của Mises, ở đây lại nhấn mạnh việc trình bày các bài viết một cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng, với nguyên tắc là diễn giả không nên, như một quy định, thuyết trình đề tài thuộc lĩnh vực cụ thể của mình.”

Sử gia Engel-Janosy có nhắc tới Greistkreis trong tự truyện. Ông viết, nhóm này ra đời từ sự bất bình của Hayek và Furth với Spann, nhà kinh tế học tại Đại học Vienna. Hayek và trước hết là Furth tìm cách thu hút những thanh niên trẻ tuổi thuộc mọi lĩnh vực, không chỉ kinh tế học.

Hayek mô tả Greistkreis là một “nhóm thảo luận độc lập của những người trẻ tuổi hơn. Mises không liên quan gì đến nhóm.” Nhóm tổ chức gặp gỡ tại nhà riêng. “Nó cứ xoay vòng từ nhà này tới nhà khác – sau bữa chiều. Tôi nhớ chúng tôi thường xuyên được phục vụ một ít sandwich và trà. Theo tôi thì sỹ số thông thường dưới mười hai người – mười, mười một, hay trong khoảng đó, ngồi thành vòng hay đôi khi quanh bàn.” Nhóm gồm toàn nam, theo như “truyền thống xã hội hiện hành lúc bấy giờ.” Kaufman đồng thời cũng tham gia nhóm thực chứng lôgic Vienna, nhờ vậy các thành viên “được thông tin về những gì đang diễn ra ở đấy.” Cái tên Greistkreis được Martha Steffy Browne, nhà kinh tế học trẻ tuổi ở Vienna, nghĩ ra với phong thái hơi mang tính kỳ thị bởi sự loại trừ phụ nữ của nó.

Hayek nhận văn bằng hai tại Đại học Vienna đầu năm 1923, một thời gian ngắn trước khi ông sang Mỹ vào tháng 5. Đây là văn bằng về khoa học chính trị, văn bằng mới của nhà trường. Ông đã viết một luận văn cho Wieser về sự truy nguyên (imputation), truy tìm nguồn gốc giá trị trong hàng hoá kinh tế.

Trước khi từ Mỹ trở về tháng 5 năm 1924, Hayek chưa chịu nhiều ảnh hưởng trí tuệ của Mises như thời gian sau khi tham gia seminar của ông. Từ tháng 10 năm 1921, khi bắt tay vào làm việc cho Mises, đến tháng 3 năm 1923, khi sang Mỹ, Hayek vẫn là sinh viên của nhà trường, nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của Wieser. 

Hayek nhận xét về Mises là ông đã trở thành “người hướng đạo chính” trong quá trình phát triển các ý tưởng của Hayek, và trong các mối quan tâm của mình, Hayek “được ông chỉ dẫn rất nhiều: Cả mối quan tâm về tiền tệ và các dao động ngành (industrial fluctuations) cũng như sự quan tâm về chủ nghĩa xã hội đều bắt nguồn rất trực tiếp từ ảnh hưởng của ông [Mises].” Một lĩnh vực khác mà Mises, tiếp theo Wieser, có ảnh hưởng đến Hayek là phương pháp luận triết học của ông, nhấn mạnh nguồn gốc bên trong của tri thức cuối cùng. Wieser trình bày rõ ràng nhất quan điểm mà Hayek đã vận dụng nhiều, đặc biệt ở giai đoạn đầu sự nghiệp, khi ông viết, “chúng ta có thể quan sát hiện tượng tự nhiên chỉ từ bên ngoài nhưng lại quan sát chính chúng ta từ bên trong. Nhà lý thuyết kinh tế không bao giờ cần phải than phiền về tình trạng thiếu những công cụ mà các môn khoa học tự nhiên chính xác sử dụng. Nhóm các ngành khoa học thực tiễn, mà lý thuyết kinh tế là một trong số đó, còn có thể đạt được nhiều thành tựu hơn. Lý thuyết kinh tế không bao giờ phải cố sức xác lập quy luật qua một chuỗi suy luận dài. Trong những trường hợp này chúng ta, mỗi một chúng ta, đều nghe thấy quy luật phát ra từ giọng nói không thể sai lầm bên trong.” Mises viết, “những hiểu biết mà chúng ta có được về hoạt động của mình và của người khác bị chi phối bởi sự quen thuộc của chúng ta với phạm trù hành động, loại phạm trù mà chúng ta hình thành từ quá trình tự thẩm (self-examination) và nội quan (introspection) cũng như nhờ sự hiểu biết về phép ứng xử của người khác. Nghi ngờ về tri thức nội tại đó không kém bất khả thi hơn chính sự ngờ vực thực tế là chúng ta đang sống.”

Mises còn ảnh hưởng đến Hayek trên một số lĩnh vực khác, trong đó có những lĩnh vực sau đây:

PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN

Cuốn sách của tôi (Chủ nghĩa xã hội, [Socialism]) là một tìm tòi khoa học, không phải là một cuộc luận chiến chính trị. Tôi phân tích các vấn đề cơ bản và bỏ qua, càng nhiều càng tốt, tất cả những cuộc tranh đấu kinh tế và chính trị của thời đại.

THÁI ĐỘ VÀ CƯƠNG LĨNH

Quả thực phần lớn nhân loại không có khả năng theo kịp những dòng tư tưởng khó, và không một trường lớp nào có thể giúp cho những người không thể nắm bắt được những định đề giản đơn nhất lại hiểu được những định đề phức tạp. Tuy nhiên, chỉ vì quần chúng nhân dân không thể suy nghĩ được cho bản thân mình, nên họ đi theo sự lãnh đạo của những người mà chúng ta gọi là có giáo dục. Một khi thuyết phục được họ thì cuộc chơi đã được định đoạt.

Các nhà xã hội chủ nghĩa đầu tiên là những trí thức; chính họ chứ không phải quần chúng nhân dân mới là xương sống của chủ nghĩa xã hội.

TRIẾT HỌC

Liệu nhân loại văn minh sẽ mãi mãi lụi tàn hay liệu tai hoạ [sự xuất hiện của chủ nghĩa xã hội – N.D.] sẽ được đẩy lùi hay không là câu hỏi làm bận tâm nhiều thế hệ đã được tiên định là phải ra tay hành động trong những thập niên sắp tới, vì chính ý tưởng đằng sau hành động của họ sẽ quyết định câu trả lời.

Chỉ ý tưởng mới có thể chiến thắng ý tưởng và chỉ ý tưởng chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tự do mới có thể chiến thắng chủ nghĩa xã hội. Chỉ qua trận chiến ý tưởng người ta mới có thể đi đến quyết định. Nếu chúng ta chiến thắng được cái ý tưởng chủ nghĩa xã hội, nếu nhân loại có thể được dẫn dắt đi đến thừa nhận sự cần thiết của tư hữu đối với phương tiện sản xuất, khi đó chủ nghĩa xã hội mới phải rời khỏi vũ đài.

Trong tác phẩm vĩ đại của mình, Hành động của con người (Human Action) (1949), sau khi liệt kê những tiên đề kinh tế mà ông cho là sai lầm, Mises viết rằng “chỉ có một cách qua đó con người có thể phản bác lại chúng: không bao giờ dừng chân trên con đường tìm kiếm chân lý.”

Công trình của Mises có ảnh hưởng lớn nhất đến Hayek là Chủ nghĩa xã hội (Socialism), ra đời năm 1922. Khi được hỏi về những cuốn sách ảnh hưởng đến mình nhất, Hayek trả lời: đó “không nghi ngờ gì là cả cuốn Các nguyên lý của Menger và cuốn Chủ nghĩa xã hội của Mises.” Năm 1978, trong lời đề tựa cho ấn bản mới của tác phẩm này, ông viết:

Khi "Chủ nghĩa xã hội" ra mắt lần đầu tiên, ảnh hưởng của nó thật sâu sắc. Nó làm thay đổi dần dần và cơ bản thế giới quan của những nhà duy tâm chủ nghĩa trẻ tuổi quay lại giảng đường đại học sau Thế chiến I. Tôi biết, vì tôi là một trong số họ.

Chúng tôi từng cảm nhận nền văn minh mà mình lớn lên trong đó đã sụp đổ. Chúng tôi quyết tâm xây dựng một thế giới tốt hơn, và chính sự khát khao tái thiết xã hội này đã dẫn nhiều người trong số chúng tôi đi đến nghiên cứu kinh tế học. Chủ nghĩa xã hội từng hứa hẹn đáp ứng nguyện vọng của chúng tôi về một thế giới lý trí hơn, công bằng hơn. Và rồi cuốn sách xuất hiện. Hy vọng của chúng tôi bị vùi dập. Tác phẩm "Chủ nghĩa xã hội" mách bảo chúng tôi rằng chúng tôi đã tìm kiếm sự khởi sắc từ một hướng sai lầm…

Tôi hết sức bất ngờ khi cuốn sách lần đầu tiên được xuất bản. Vì theo tôi biết, ông ta [Mises] khó có nhiều thời gian rảnh rỗi dành cho những đeo đuổi học thuật.

Khi gặp Mises, quan điểm của Hayek không thay đổi ngay tức thời từ khuynh hướng chủ nghĩa xã hội Fabian sang thị trường tự do. Quá trình này xảy ra trong nhiều năm, và cho tới cuối thập kỷ 20, các quan điểm của Hayek vẫn nghiêng nhiều hơn về phía có sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế so với các quan điểm mà ông phát triển và kiên định sau này. 

Vấn đề mức độ ảnh hưởng của Mises đến tư duy của Hayek về phương pháp nghiên cứu kinh tế vẫn là một chủ đề gây tranh cãi. Hayek nói, Mises được biết tới trước hết như một người chống lại lạm phát khi ông lần đầu gặp Mises. Như đã nêu ở phần trước, Hayek nhấn mạnh ông đến với Mises với tư cách một “nhà kinh tế học bài bản, được đào tạo trong một nhánh song song của trường phái kinh tế học Áo mà từ đấy ông dần dần, nhưng không bao giờ hoàn toàn, chinh phục được tôi.” Thời gian khoảng mười sáu tháng làm việc cho Mises trước khi sang New York, Hayek chủ yếu vẫn nằm dưới sự chỉ giáo của Wieser, người sẽ đánh giá luận văn mà ông đang viết. Ngoài ra, Hayek còn nói ông đã phát triển quan điểm của mình về lý thuyết chu kỳ kinh doanh khi đang ở New York nghiên cứu chính sách tiền tệ và các dao động ngành. Sau này ông hồi tưởng, “Trong thời gian nghiên cứu công trình có tính mô tả về chính sách tiền tệ của Mỹ,” ông đã được “dẫn dắt đi đến phát triển lý thuyết về các dao động bắt nguồn từ tiền tệ của mình.” 

So với Mises thì Hayek phát triển lý thuyết chu kỳ kinh doanh, hay thương mại, xa hơn. Về sự tiến triển của lý thuyết này ở Áo, Hayek viết là khi “từ Mỹ trở về năm 1924, tôi viết một bài về chính sách tiền tệ của Mỹ với nhận định chính sách tăng trưởng tín dụng dẫn đến sự phát triển thái quá các ngành sản xuất hàng hoá tư bản (capital goods) và cuối cùng dẫn tới khủng hoảng. Tôi giả thiết mình chỉ lặp lại những gì mà Mises đang giảng dạy, nhưng Haberler nói, ‘ồ, điều này cần phải giải thích.’ Vì thế lần đầu tiên tôi đưa vào cuối bài phần chú thích rất dài, phác hoạ cái nội dung rốt cục trở thành luận giải của mình về các dao động ngành.” Trong lời giới thiệu lần tái bản các bài viết kinh tế buổi đầu của mình, Hayek đã bổ sung “một tình tiết có lẽ là đáng ghi lại trong quá trình hình thành cách lý giải của mình. Ở phần sơ thảo bài viết, tôi đã sử dụng cái lý thuyết mà tôi cho là của Ludwig von Mises. Nhưng sau khi đọc xong phần này, một thành viên trong nhóm đã thuyết phục tôi là không có lời giải thích đầy đủ nào về cái lý thuyết mà tôi sử dụng được tìm thấy trong các công trình đã công bố của Mises.” Phần chú thích tham khảo ở cuối bài viết của Hayek bắt đầu bằng câu: “Với lãi suất thấp không phù hợp, các khu vực riêng lẻ của nền kinh tế có sản phẩm nằm càng xa giai đoạn tiêu dùng càng có lợi thế lớn,” đồng thời nêu lên hệ quả của lãi suất thấp nhân tạo là “sự phát triển bất tương xứng của hàng hoá thứ bậc cao” – về mặt thời gian là những hàng hoá tư bản công đoạn trước (temporally early capital).

Thành viên seminar của Mises là những cá nhân đã tốt nghiệp đại học. Hayek hồi tưởng, thời gian trước khi từ Mỹ trở về “rõ ràng tôi bị coi là chưa hoàn toàn đủ chín chắn” để tham gia nhóm. Seminar cá nhân ấy khác hẳn với trường đại học. Hayek tham gia từ năm 1924, sau khi từ Mỹ trở về, đến năm 1931, khi ông sang London. Đây là những cuộc thảo luận giữa các cá nhân có trình độ cao về lý thuyết kinh tế và các khía cạnh khác của khoa học xã hội. Chúng là những cuộc thảo luận quan trọng nhất về kinh tế học và lý thuyết xã hội diễn ra ở Vienna thời bấy giờ.

Mises là một người thấp đậm, tính khí đôi khi thất thường. Hồi tưởng lại các cuộc gặp gỡ, Mises nói là ông tập trung “nỗ lực giảng dạy chính” vào “seminar cá nhân của mình. Bắt đầu vào năm 1920, từ tháng 10 đến tháng 6, một số thanh niên trẻ tuổi tập hợp quanh tôi hai tuần một lần. Văn phòng của tôi ở Phòng Thương mại đủ rộng cho hai mươi đến hai lăm người. Chúng tôi thường gặp nhau vào 7 giờ tối. Trong các cuộc gặp, chúng tôi bàn luận thoải mái về mọi chủ đề quan trọng của kinh tế học, triết học xã hội, xã hội học, logic, nhận thức luận của các khoa học về hành động của con người… Tất cả mọi người trong nhóm đều tham gia tự nguyện, chỉ nhờ sự dẫn dắt của khát vọng tri thức. Họ đến với danh nghĩa học trò, nhưng qua năm tháng đã trở thành những người bạn của tôi.”

Gottfried Haberler là nhân viên của Mises và bạn thân của Hayek. Ông kể, Mises ngồi cạnh bàn mình và các thành viên khác của nhóm ngồi xung quanh ông. Các cuộc gặp thường được mở đầu bằng một bài viết của chính Mises hay một thành viên khác về vấn đề chính sách kinh tế nào đó. Xã hội học, đặc biệt của Max Weber cùng những vấn đề liên quan, là những đề tài được ưa chuộng. Các cuộc bàn luận luôn sôi nổi và kéo dài tới 10h tối, khi cả nhóm đi đến tiệm ăn Italia kề đấy. Tại đây, cuộc thảo luận lại tiếp tục với những điểm lý thuyết tinh vi hơn và sau đó thường thấp giọng hơn. Đến khoảng 11 giờ 30, những thành viên chưa kiệt sức lại tới quán cà phê Kunstler, đối diện trường đại học, địa điểm gặp gỡ ưa thích của các nhà kinh tế học Vienna thời đó. Mises luôn nằm trong số những người còn sung mãn nhất đi tới quán cà phê Kunstler và là người cuối cùng rời về nhà, không bao giờ trước 1 giờ khuya. Ngày hôm sau, tinh khôi như một đoá cúc, ông lại có mặt tại văn phòng mình vào 9h sáng.”

Theo Fritz Machlup, “các thành viên lựa chọn chủ đề, dù phạm vi các chủ đề của năm đã xác định trước. Chẳng hạn, một năm dành cho thảo luận về phương pháp luận, năm khác cho các vấn đề về chính sách kinh tế và tiền tệ. Trong các cuộc gặp, Mises xoay vòng một hộp kẹo chocolate khổng lồ, trước sự háo hức của tất cả các thành viên.” Machlup còn nhớ cuộc thảo luận không nhất thiết cứ kết thúc sau tuần cà phê; “xuất hiện sau 1 giờ khuya, một số người vẫn muốn được tản bộ và theo đuổi sâu hơn những vấn đề vẫn chưa giải quyết xong suốt một đêm dài.”

Engel-Janosi nhấn mạnh, trong seminar của Mises, ngoài các nhà kinh tế học xuất chúng sau này – Hayek, Haberler, Machlup, và Morgenstern, cũng như chính Mises – còn có một số triết gia nổi bật khác – Kaufmann, Schutz, và Voegelin. Engel-Janosi mô tả chủ đề của seminar là “hiểu biết về sự hiểu biết” và bổ sung, đối với ông seminar là một “trường học dành cho sự lập luận chính xác.” Engel-Janosi còn nhớ, “Mises tự hào về seminar của mình” và nhận xét là Mises không tỏ ra độc đoán, không áp đặt một đường lối chính trị nào, và “hoàn toàn không có gì để phản đối quan điểm trái ngược.” Engel-Janosi cũng nói, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cá nhân của Mises là “không thỏa hiệp,” và Mises có quan điểm chính trị và kinh tế không được ưa chuộng ở Vienna.

Hayek giải thích, các buổi hội thảo “không phải là những cuộc gặp mặt mang tính truyền đạt, mà là các buổi thảo luận do một người bạn lớn tuổi làm chủ toạ, đó là người có quan điểm không hề được tất cả mọi người chia sẻ. Các cuộc thảo luận thường xuyên bàn về vấn đề phương pháp nghiên cứu của khoa học xã hội, nhưng hiếm khi bàn tới những vấn đề cụ thể của lý thuyết kinh tế (trừ những vấn đề thuộc lý thuyết chủ quan về giá trị). Tuy thế, những vấn đề về chính sách kinh tế thường được tranh luận, và luôn xuất phát từ góc độ sự ảnh hưởng của các ngành triết học xã hội khác nhau đến nó.” Hayek nói, chủ đề của seminar có cả kinh tế học, tuy nhiên các cuộc thảo luận lại chuyển sang những vấn đề chung của triết học, nhận thức luận và phương pháp luận, và mối quan hệ giữa lý thuyết và thực tiễn.

Seminar cá nhân của Mises là một trong ba seminar lớn mà Hayek từng tham gia, hai cái khác là seminar chung của ông với Lionel Robbins ở Trường Kinh tế London và seminar của chính ông ở Uỷ ban Tư tưởng Xã hội tại Đại học Chicago. Hayek nhận xét về Mises, “trái với danh tiếng của mình, ông là người hết sức khoan dung. Seminar của ông thường có sự góp mặt của bất cứ ai quan tâm đến tri thức.” 

Ý tưởng về Viện Nghiên cứu Chu kỳ Kinh doanh Áo đã xuất hiện trong đầu Hayek khi ông còn ở Mỹ. Paul Silverman, sinh viên nghiên cứu lịch sử kinh tế Áo giữa hai cuộc đại chiến, viết rằng thời gian ở Mỹ đã “đóng góp nhiều vào việc mở rộng kiến thức của ông về các vấn đề và kỹ thuật nghiên cứu kinh tế thực nghiệm.” Khi trở về Vienna, Hayek báo cáo kinh nghiệm của mình cho Mises và thúc giục ông ta xem xét việc thành lập một cơ quan hiện đại về nghiên cứu kinh tế ở Áo. Phản ứng của Mises là tỏ ra hoài nghi, vì một cơ quan nghiên cứu như thế dường như mang âm hưởng của thứ chủ nghĩa thực nghiệm phản lý thuyết ngây thơ cũng như sự bắt chước mù quáng kỹ thuật của khoa học tự nhiên trong nghiên cứu kinh tế, điều mà ông phản đối mạnh mẽ.” Tuy nhiên, Silverman viết tiếp, năm 1926 Mises đã trải qua “một số tháng ở Mỹ trong một tua thuyết trình do Quỹ Rockefeller tài trợ, và có thể tự mình làm quen với các kỹ thuật nghiên cứu mới được phát triển ở đây. Ông đi tới kết luận là một viện nghiên cứu áp dụng ít nhất một số kỹ thuật ấy cũng có thể phục vụ cho một mục đích hữu ích nào đó trong đời sống kinh tế Áo, và vì thế khi quay về ông bắt đầu xúc tiến việc thành lập viện.” Viện nghiên cứu mới, mà Hayek là giám đốc đầu tiên, bắt đầu hoạt động vào ngày 1 tháng 1 năm 1927. Viện thu thập dữ liệu và xuất bản số liệu thống kê trong bản tin ra hàng tháng, đồng thời đến lúc ấn hành hàng loạt cuốn sách. 

Ban đầu Hayek có hai thư ký giúp việc. Dần dà ông tuyển thêm nhân sự; và sau một vài năm, Morgenstern tham gia cùng ông với tư cách nhà chuyên môn thứ hai. Hayek hồi tưởng, Mises “không can thiệp” vào công tác quản lý của Hayek. Hayek cũng nhớ là ông “hoàn toàn độc lập. Tuy thế, Mises lại là nguồn hỗ trợ lớn. Ông biết cách gây dựng tiền bạc, tài trợ nghiên cứu như thế nào v.v. Nhưng với công việc thực sự thì ông không có thời gian.” Khi Hayek từ Mỹ trở về, Mises bắt tay vào việc tạo dựng cho ông một vị trí ở Phòng Công nghiệp. Khi điều này tỏ ra không khả thi, họ nảy ra kế hoạch thành lập viện.

Hayek kết hôn với người vợ thứ nhất, née Helen Berta Maria von Fritsch (cũng được biết đến với tên “Hella”), ngày 4 tháng 8 năm 1926. Bà là thư ký trong văn phòng dân sự mà ông làm việc. Ông nghĩ bà giống với mối tình đầu của mình. Hayek và người vợ đầu có hai con – Christine Maria Felicitas, sinh năm 1929, và Laurence Joseph Heinrich, sinh năm 1934. Qua giữa những năm 1930, Hayek đã dự liệu rằng gia đình lâu dài của mình sẽ là ở Áo.

Viện được thành lập khi Hayek vừa mới xây dựng gia đình, nên sự kiện này đặc biệt có lợi đối với ông. Một đoạn ghi chép hồi ký của Margit von Mises, vợ sau của Ludwig, làm sáng tỏ hơn về Viện và về mối quan hệ giữa Hayek với Mises. Bà kể lại, “khi thành lập Viện Nghiên cứu Kinh doanh Áo, Lu không chỉ nghĩ rằng điều này là cấp thiết đối với nước Áo, mà theo thư ký của Lu, ‘ông còn giúp Hayek tìm được một sự khởi đầu thích hợp trong đời.’” Margit von Mises còn thuật lại, “Giáo sư Hayek kể với tôi là khi ông tham gia seminar của Lu, thỉnh thoảng Lu mời ông về nhà mình dùng bữa trưa hay bữa chiều, cái bàn dài luôn được bày biện sạch sẽ, Lu ngồi một bên và đối diện với ông là bà von Mises [mẹ của Mises]. Giáo sư Hayek nói, ‘Bà không bao giờ hé nửa lời. Dù không bao giờ tham gia vào cuộc trò chuyện, nhưng ai cũng có cảm giác là bà ở đó.’”

Năm 1924, khi từ New York trở về Vienna, Hayek bắt tay vào công việc nghiên cứu mà ông từng tiến hành ở Mỹ trong một chuyên luận lớn về lý thuyết tiền tệ mà ông hy vọng là với nó ông sẽ đáp ứng đủ điều kiện cho một vị trí ở trường đại học. Ông quan tâm đến hầu hết các vấn đề lý thuyết, nhưng những gì “chủ yếu được đánh giá cao” lại là “kiến thức của ông về những thực tế cụ thể cùng sự quen biết với kỹ thuật thống kê mà ông tiếp thu được ở Mỹ – điều vẫn còn nhiều lạ lẫm ở Châu Âu lục địa.” Cuối những năm 1920, ông nhận được lời mời bổ sung một tập còn thiếu trong loạt sách của Max Weber về nền tảng của kinh tế học xã hội – cuốn sách về tiền tệ. Hayek bắt đầu “tin rằng một cuốn sách giáo khoa vừa ý về lý thuyết và chính sách tiền tệ đòi hỏi phải có phần giới thiệu dài, mô tả quá trình phát triển lịch sử của những chủ đề này.” Hai hay ba năm cuối của Hayek ở Vienna, ông dành thời gian rỗi rãi của mình ngoài thời giờ ở Viện và công tác giảng dạy sau đó cho việc “nghiên cứu rộng về các trước tác tiền tệ. Bốn chương đầu tiên của nó, từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, vừa hoàn tất thì cũng là lúc lá thư mời trình bày một số bài thuyết trình tại Đại học London tới nơi.”

Cha ông qua đời năm 1928 ở tuổi 57 vì bệnh thận, hậu quả từ lần nhiễm độc máu mà ông đã trải qua một số năm trước đấy trong một chuyến thám hiểm thực vật học. Hayek hồi tưởng, trong những năm cuối đời của cha mình, cha mẹ ông có “một căn hộ tuyệt vời” là “trung tâm vũ hội của giới học thuật thượng lưu.” Một bài tưởng nhớ August đã viết, “nếu chúng ta nhìn vào sự nghiệp khoa học của [August] Hayek, chúng ta chỉ có thể thán phục năng lực làm việc của ông cũng như tài năng đa dạng và tốc độ mà với nó ông xuất bản hết công trình này đến công trình khác. Nếu có dấu hiệu nào đó của sự hời hợt, khi không phải mọi thứ đều được thực hiện cẩn thận và chính xác, thì điều này có lẽ là kết cục tự nhiên từ phong cách làm việc hối hả của ông.”

Hayek trở thành Privatdozent (giảng viên ngoài biên chế) kinh tế tại Đại học Vienna từ năm 1929 đến 1931, những năm cuối cùng của ông ở Vienna. Ông tìm kiếm một sự nghiệp hàn lâm, và đầu tiên là qua việc phục vụ như một giảng viên không lương để cuối cùng có thể đạt được một vị trí chính thức. Những gì ông nhận được từ học phí của sinh viên chỉ đủ trang trải tiền taxi. Ông, Haberler và Morgenstern đứng đầu một seminar chung nổi tiếng về lý thuyết sản xuất.

Một trong số đề tài mà Hayek nghiên cứu vào những năm cuối cùng ở Vienna là vấn đề kiểm soát và điều tiết giá nhà cho thuê (rent control), điều này giúp ông nhận ra hậu quả tiêu cực từ sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế, và ông từng công bố một số bài viết về lĩnh vực này. Ông tích cực tham gia Hội Khoa học Kinh tế Quốc gia Áo (Austrian National Economic Association) nhằm tạo diễn đàn cho phép các nhà kinh tế học từ Đại học Vienna và nhóm của Mises có thể gặp gỡ. Các nhà kinh tế học lớn tuổi ở Vienna có những mối thù oán xuất phát từ chủ nghĩa bài Do Thái nhằm vào Mises. Hayek là thư ký Hội Khoa học Kinh tế và Mises là phó chủ tịch. Lionel Robbins, người trở thành bạn thân của Hayek tại Trường Kinh tế London, thuật lại lịch sử sau đó của Hội Khoa học Kinh tế Áo. Tiếp sau Anschluss (sự thống nhất Áo-Đức), “Hans Mayer,” người kế tục vị trí của Wieser ở trường đại học, “đã tống cổ các thành viên người Do Thái ra khỏi Nationalokonomische Gesellschaft (Hội Khoa học Kinh tế Quốc gia) danh tiếng thay vì đóng cửa nó như ông ta có thể thực hiện trong danh dự. Điều này về sau khiến ông ta khôn nguôi xấu hổ.”

Hayek sống trong buổi nhập nhoạng của nước Áo văn minh. Giai đoạn trưởng thành thời trai trẻ của ông được định hình bởi cái kỷ nguyên khác thường giữa hai cuộc đại chiến. Trong bài tưởng nhớ Mises, người qua đời năm 1973 ở tuổi 92, Hayek nhận xét về “chủ nghĩa bi quan của ông, điều thường đưa ông đến với những dự báo tuy không sớm xảy ra vào thời điểm mà ông chờ đợi nhưng thường thì cuối cùng cũng được khẳng định.” Machlup còn nhớ ngay từ năm 1927, Mises “đã tiên đoán về sự cáo chung đang tới của nền tự do ở Áo. Ông hoàn toàn tin chắc tất cả chúng tôi sẽ phải di cư.”

Người ta vẫn còn chưa ngã ngũ về đỉnh cao trí tuệ vĩ đại nhất mà Vienna từng đạt tới trong các thập niên trước và sau Thế chiến I. Sử gia trí tuệ người Áo William Johnston viết, Vienna là một minh chứng “dạy rằng thời gian xoá nhoà đi nhiều hơn những gì mà nó giữ lại.” Về cuối đời, Hayek nhắc đến cái sinh khí trí tuệ mà ông biết khi còn là một thanh niên trai trẻ ở Vienna, “Tất cả điều đó nay đã chết.” Ông kể về chuyến thăm Vienna năm 1932 khi “một nhóm khá đông đồng nghiệp ngồi cùng nhau, và Mises đột nhiên hỏi liệu chúng tôi có biết là đang ngồi với nhau lần cuối cùng hay không. Nhận xét này đầu tiên chỉ khơi dậy thái độ kinh ngạc và sau đấy tiếng cười ồ ra khi Mises giải thích sau 12 tháng nữa Hitler sẽ lên nắm quyền.”

Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich Hayek- Cuộc đời và sự nghiệp, Phần I, Chương 5, Nhà xuất bản Tri Thức 2007

Chú thích:

(1) Fabian: Hiệp hội xã hội chủ nghĩa, một trào lưu trí tuệ ở Anh chủ trương cải cách xã hội từng bước (phản đối thay đổi có tính cách mạng, triệt để) trong khuôn khổ pháp luật nhằm dẫn tới chủ nghĩa xã hội dân chủ; được thành lập ngày 4/1/1884 tại London, bắt nguồn từ một tổ chức có tên The Felloswship of the New Life (ra đời năm 1883 và giải tán đầu những năm 1890). (N.D.) 

(2) Gotfried Haberler (1990-1995): Nhà kinh tế học người Mỹ gốc Áo. Một số tác phẩm chính: Theory of International Trade (1936), Prosperity and Depression (1937), Money in the International Economy (1965), The World Economy and the Great Depression (1976). (N.D.)

(3) Oskar Morgenstern (1902-1977), tác phẩm chính: Theory of Games and Economic Behavior (1944, viết cùng John von Neumann và On the Accuracy of Economic Observations. (N.D.)

(4) Fritz Muchlup (1902-1983): Nhà kinh tế học người Mỹ gốc Áo. Ông là một trong những nhà kinh tế học đầu tiên xem xét tri thức như một nguồn lực kinh tế. Sau khi giành học vị tiến sỹ tại Đại học Vienna, ông sang Mỹ năm 1933 và nhập quốc tịch Mỹ năm 1940. Tác phẩm chủ yếu là The Production and Distribution of Knowledge in the United States (1962), được ghi nhận là đã phổ biến khái niệm xã hội thông tin (information society). (N.D.) 

Dịch giả:
Lê Anh Hùng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh