Giới thiệu trường phái "Kinh tế thể chế mới"
Chúng như là một thách thức đối với giới kinh tế lúc bấy giờ, vốn dĩ chỉ tập trung mô phỏng các quan hệ kinh tế - xã hội qua lăng kính giá cả và khối lượng cung-cầu hàng hoá.
Trong cuộc sống hàng ngày các hành động của chúng ta luôn bị chi phối bởi các quy tắc ứng xử. Trong gia đình, đó là ‘gia phong’, là ‘nếp nhà’, là ‘tôn ti trật tự’. Trong làng xóm, đó là các ‘tập tục’, ‘hương ước’, ‘quy ước’. Trong lớp học, đó là ‘truyền thống tôn sư trọng đạo’. Trong một số loại nghề nghiệp như nhà giáo, bác sĩ, luật sư, tư vấn, môi giới v.v., đó là các ‘quy tắc đạo đức nghề nghiệp’. Trong các tổ chức, đó là các ‘quy tắc nội bộ’. Trong xã hội, đó là ‘luật’, ‘lệ’, và ‘chuẩn mực’. Trong các trao đổi kinh tế, đó là các ‘cơ chế hướng định’ (governance mechanisms). Tất cả những quy tắc ứng xử đó được gọi chung là các thể chế.
Tại sao các thể chế lại tồn tại? Chúng có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống kinh tế và xã hội của chúng ta? Các thể chế phát triển, biến đổi như thế nào? Khi nào hoặc trong những điều kiện nào thì một thể chế biến mất? Đây là những câu hỏi đã được các nhà tư tưởng xã hội hàng đầu như Auguste Comte, Karl Marx, Durkheim, Marx Weber, v.v. đặt ra từ thế kỷ 19. Chúng như là một thách thức đối với giới kinh tế lúc bấy giờ, vốn dĩ chỉ tập trung mô phỏng các quan hệ kinh tế - xã hội qua lăng kính giá cả và khối lượng cung-cầu hàng hoá. Sau thế chiến I, những bộ óc kinh tế hàng đầu của Mỹ bắt đầu nhập cuộc để trả lời các câu hỏi này, như T. Veblen, W.H. Hamilton, J. Commons, J.M. Clark, W. Mitchell, và C. Ayres. Tuy nhiên, những nỗ lực khám phá của họ đã bị rơi vào bế tắc, do họ không tìm được cách thức gắn kết các thể chế với các hành vi cá nhân một cách nhất quán. Kể từ thập niên 1930s, nhánh kinh tế thể chế cũ (hay kinh tế thể chế của các nhà kinh tế Mỹ) dần bị quên lãng.
Việc tìm kiếm những câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi trên chỉ quay trở lại kể từ thập niên 1960s khi kinh tế học vi mô đã phát triển tới một trình độ nhất định, và khi tư tưởng tự do cổ điển, dẫn dắt bởi cá thể luận và chủ quan luận, bắt đầu tìm lại được chỗ đứng của mình. Chắt lọc những phát kiến về phân hữu tri thức (division of knowledge) và trật tự tự phát (spontaneous order) của Hayek, về lý tính giới hạn (bounded rationality) của H. Simon, về chi phí giao dịch (transaction cost) của Coase, về các mẫu tâm trí giao hòa (shared mental models) của D. North, về hành vi cơ hội (opportunistic behavior) của O. Williamson, và các phương pháp tiếp cận như lý thuyết trò chơi, phương pháp so sánh thể chế, phương pháp thí nghiệm v.v., một trường phái kinh tế học mới xuất hiện từ khoảng thập niên 1990s trở lại đây với cái tên Kinh tế thể chế mới (New Institutional Economics - NIEs).
NIE đã thực sự thành công trong việc đưa được các yếu tố thể chế vào kinh tế học, chứng minh một cách thuyết phục rằng “thể chế” thực sự là một yếu tố quan trọng (“institution does matter”) đời sống kinh tế-xã hội cũng như sự phát triển của nền kinh tế. NIE đã trở thành một khung lý thuyết để tiếp cận các vấn đề luật pháp từ kinh tế học, để giải thích vai trò của các yếu tố truyền thống và văn hóa trong sự phát triển kinh tế, để giải thích sự đa dạng của các định chế/mô thức tổ chức kinh tế, để ‘thiết kế’ các cơ chế thị trường, để xác lập vị trí của nhà nước và của thị trường trong nền kinh tế v.v. Nhìn vào số lượng những tác gia có đóng góp vào NIE được giải thưởng Nobel về kinh tế học, ta có thể mường tượng được sức mạnh của trường phái kinh tế này to lớn như thế nào trong nền tư tưởng kinh tế đương đại!
Nguồn: Đinh Tuấn Minh, Giới thiệu trường phái "Kinh tế thể chế mới", Thị trường & Tự do, 18/3/2015