![[Tự do kinh tế và chính thể đại diện] Chương 1: Tự do kinh tế và chính thể đại diện (Phần 2)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k25004.1_(1).png)
[Tự do kinh tế và chính thể đại diện] Chương 1: Tự do kinh tế và chính thể đại diện (Phần 2)
II. Sự đe dọa của chính phủ không giới hạn
Phải mất một thời gian tôi mới nhận ra rằng căn nguyên phá hủy nền kinh tế thị trường không chỉ đến từ những nỗ lực có chủ đích của những kẻ theo chủ nghĩa tập thể vốn định thay thế nền kinh tế thị trường bằng hệ thống kinh tế kế hoạch hóa, cũng không chỉ đến từ những hậu quả của chính sách mới về tiền tệ, mà còn là các thiết chế chính trị phổ biến ở châu Âu đang hỗ trợ cho sự dịch chuyển theo hướng này. Sự dịch chuyển ấy chỉ có thể bị ngăn chặn bằng cách thay đổi các thiết chế chính trị đó. Mất một thời gian để tôi tán thành với Joseph Schumpeter, người cách đây 30 năm đã chỉ ra rằng1 giữa dân chủ và chủ nghĩa tư bản có một sự xung đột không thể hòa giải, ngoại trừ một ý: đó không phải là dân chủ theo nghĩa nguyên gốc của nó mà là các mô hình cụ thể của một tổ chức vận hành theo nguyên lí dân chủ, thứ ngày nay người ta xem là mô hình khả dĩ duy nhất của dân chủ; chính tổ chức dân chủ này khiến cho chính phủ không ngừng mở rộng sự kiểm soát đối với đời sống kinh tế ngay cá khi đa số người dân mong muốn duy trì nền kinh tế thị trường.
Nguyên tắc đa số và nhóm lợi ích
Lí do là, ngày nay người ta coi quyền lực không bị giới hạn của phái đa số trong nền dân chủ là điều gì đó đương nhiên; một chính phủ với quyền lực không giới hạn là thứ buộc phải có để duy trì sự ủng hộ của đa số, và để phục vụ các nhóm lợi ích (như các nhóm thương nhân đặc thù, nhóm cư dân ở những khu vực đặc thù, v.v.). Điều này thể hiện rõ ràng nhất khi chúng ta xem xét tình huống trong một cộng đồng, nơi đa số người dân ủng hộ trật tự thị trường và chống lại sự chỉ đạo của chính phủ, dù vậy thông thường hầu hết người dân trong cộng đồng này lại mong muốn có một ngoại lệ có lợi cho họ. Trong điều kiện như vậy, một đảng chính trị mong muốn nắm giữ và duy trì quyền lực sẽ có rất ít lựa chọn, ngoài việc đem quyền lực của mình đi mua sự ủng hộ của các nhóm lợi ích riêng rẽ. Họ làm như vậy không phải bởi phái đa số là những người theo chủ nghĩa can thiệp, mà bởi đảng cầm quyền sẽ không duy trì được sự ủng hộ của đa số nếu nó không hứa hẹn những lợi thế đặc biệt để mua lấy sự ủng hộ của các nhóm riêng rẽ này. Trong thực tế, điều này có nghĩa là ngay cả một chính khách hoàn toàn tận tâm với lợi ích chung của tất cả các công dân cũng sẽ chịu sự chi phối của việc liên tục cần phải đáp ứng đòi hỏi của các nhóm lợi ích, bởi chỉ có như vậy anh ta mới duy trì được sự ủng hộ của đa số cần thiết nhằm theo đuổi những điều thực sự quan trọng mà anh ta mong muốn đạt được.
Do đó, gốc rễ của hành vi xấu xa này chính là quyền lực không giới hạn của cơ quan lập pháp trong các nền dân chủ hiện đại, ở đó phái đa số liên tục bị buộc phải sử dụng thứ quyền lực này theo cách mà hầu hết các thành viên của nó có thể không mong muốn. Bởi vậy, cái mà chúng ta gọi là ý chí của đa số thực sự chỉ là tạo tác của các thiết chế hiện hành, và cụ thể là của quyền lực tuyệt đối của cơ quan lập pháp tối cao. Thông qua cơ chế tương tác, mặc cả chính trị, quyền lực tuyệt đối này sẽ bị lèo lái theo hướng thực hiện những điều mà hầu hết các thành viên của nó không thực sự muốn, đơn giản là vì không có các giới hạn chính thức đối với quyền lực của nó.
Đâu đâu người ta cũng tin rằng quyền lực tuyệt đối của cơ quan lập pháp đại diện là một thuộc tính thiết yếu của nền dân chủ bởi ý chí của hội đồng đại diện chỉ có thể bị giới hạn bằng một ý chí khác ở tầng cao hơn. Thuyết thực chứng pháp lí là lí thuyết có ảnh hưởng nhất hiện nay trong lĩnh vực luật học, nó mô tả cụ thể tính tối cao của cơ quan lập pháp như là sự thiết yếu hiển nhiên. Tuy nhiên, đây không phải là quan điểm của những nhà lí thuyết cổ điển về chính phủ đại diện. John Locke trình bày quan điểm này rất rõ ràng rằng trong một quốc gia tự do, ngay cả quyền lực của nhánh lập pháp cũng nên bị giới hạn trong một khung khổ rõ ràng, cụ thể là đảm nhiệm chức năng thông qua các đạo luật theo nghĩa hẹp, đó là các quy tắc hành xử công bằng phổ quát áp dụng bình đẳng cho mọi công dân. Mọi hành động cưỡng chế được coi là hợp pháp chỉ khi nó mang nghĩa áp dụng các đạo luật phố quát theo nghĩa hẹp này; và đó chính là nguyên tắc nền tảng của chủ nghĩa tự do. Đối với Locke, và cả các lí thuyết gia của phái Whig cũng như các lí thuyết gia về phân tách quyền lực, nguồn gốc hình thành các đạo luật không phải là yếu tố quyết định tạo ra đặc điểm của chúng như là các quy tắc phổ quát về hành xử công bằng áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi người, làm cơ sở để biện minh cho sự áp dụng cưỡng chế của chúng.
Luật pháp (law) là gì?
Trong thế kỉ vừa qua, quan điểm của chủ nghĩa tự do truyền thống về sự cần thiết phải giới hạn mọi quyền lực - bằng cách đòi hỏi cơ quan lập pháp phải tự gò mình tuân thủ các quy tắc phổ quát - đã dần dần bị thay thế và gần như không thể nhận thấy được bởi một tư tưởng hoàn toàn khác, nhưng không hẳn là không tương thích, theo đó sự chấp thuận của phái đa số là sự ràng buộc đầy đủ và duy nhất đối với hoạt động lập pháp. Người ta không chỉ lãng quên quan điểm truyền thống này, thậm chí còn không muốn hiểu đúng nó nữa. Người ta nghĩ rằng bất kì giới hạn đáng kể nào đối với quyền lực lập pháp đều là không cần thiết một khi quyền lực này nằm trong tay phái đa số, bởi sự chấp thuận của phái đa số được xem như là đã vượt qua một bài sát hạch về sự công bằng. Trong thực tế, ý kiến đa số thường thể hiện kết quả của sự thương lượng chứ không phải sự đồng thuận thực sự dựa trên các nguyên tắc. Ngay cả khái niệm về tính độc đoán - mà người ta cho là chính phủ dân chủ có nhiệm vụ phải ngăn chặn - cũng đã thay đổi nội dung. Đối lập với nó không còn là các quy tắc phổ quát áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi người, mà là sự chấp thuận mệnh lệnh của đa số - cứ như thể là một đa số sẽ không khi nào đối xử độc đoán với một nhóm thiểu số.
Chú thích:
(1) Chủ nghĩa tư bản, Chủ nghĩa xã hội và Dân chủ, Allen and Unwin
Nguồn: Friedrich Hayek (2015). Tự do kinh tế và chính thể đại diện. Đinh Tuấn Minh và Nguyễn Vi Yên dịch.