Chủ nghĩa cá nhân và tự do: Hai trụ cột buộc phải có của những cộng đồng chân chính

Chủ nghĩa cá nhân và tự do: Hai trụ cột buộc phải có của những cộng đồng chân chính

Chủ nghĩa cá nhân là quan niệm cho rằng mỗi người đều có những quan niệm riêng về mặt đạo đức và một số quyền nhất định, đấy là những thứ có nguồn gốc thánh thần hay cố hữu trong bản chất của con người. Mỗi người sống, nhận thức, trải nghiệm, tư duy và hành động trong và thông qua cơ thể của mình và vì vậy mà xuất phát từ những điểm duy nhất trong không gian và thời gian. Chỉ cá nhân mới là người có khả năng hành động hợp lí một cách sáng tạo và mới mẻ. Các cá nhân có thể có ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng tư duy lại đòi hỏi phải có người tư duy duy nhất, đặc thù. Cá nhân nhận trách nhiệm tư duy cho chính mình, hành động dựa trên tư tưởng của chính mình và đạt được hạnh phúc của chính mình.

Tự do là điều kiện tự nhiên của cá nhân. Ngay từ khi chào đời, mỗi cá nhân đã có khả năng suy nghĩ những ý nghĩ của chính mình và kiểm soát năng lực của mình trong những cố gắng nhằm hành động phù hợp với những ý nghĩ đó. Người ta có thể khởi sự những hành động có mục đích của mình khi không gặp phải những cản trở mang tính mệnh lệnh – đấy là khi không có những ép buộc do những cá nhân khác, những nhóm người hay chính phủ gây ra. Tự do không phải là khả năng nhận cái mà chúng ta mong muốn. Những cản trở không mang tính mệnh lệnh như thiếu khả năng, thiếu kiến thức và nguồn lực có thể làm cho người ta không đạt được ước mơ. Tự do nghĩa là không có những trở ngại mang tính ép buộc, nhưng đấy không có nghĩa là không có tất cả những trở ngại. Như vậy là, tự do là điều kiện cần, nhưng chưa phải là điều kiện đủ, để được hạnh phúc.

Có thể coi hạnh phúc cá nhân là trải nghiệm tình cảm tích cực, có ý thức, đi kèm với hoặc xuất phát từ việc sử dụng tiềm năng của con người, trong đó có tài năng, khả năng và đức hạnh. Cảm nhận về việc mình thuộc về cộng đồng do mình tự do lựa chọn là thành phần quan trọng của hạnh phúc.

Chủ nghĩa cá nhân phủ nhận quan niệm cho rằng cộng đồng hay xã hội có thể tồn tại bên ngoài những cá nhân tạo ra nó. Cộng đồng hay xã hội là tập hợp của những cá nhân – đấy không phải là một vật cụ thể hay một cơ thể sống tách biệt khỏi những thành viên của nó. Sử dụng thuật ngữ trừu tượng như cộng đồng hay xã hội là để nhắm tới những con người nhất định, tức là những người chia sẻ những tính chất đặc biệt và quan hệ với nhau theo những cách đặc biệt nào đó. Không có những thứ như ý chí chung, lí trí chung hay thịnh vượng chung; chỉ có ý chí, lí trí và sự thịnh vượng của từng cá nhân trong một nhóm mà thôi. Cộng đồng hay xã hội chỉ đơn giản là tập hợp của những con người để hoạt động một cách có phối hợp. Hành động có phối hợp của nhóm là chức năng của những cố gắng mang tính tự chủ của mỗi cá nhân trong nhóm đó.

Mặc dù về mặt siêu hình học thì cá nhân là tối thượng (cộng đồng là phụ và phái sinh), nhưng cộng đồng cũng rất quan trọng vì người ta cần cộng đồng để đạt tới tiềm năng hạnh phúc của mình. Những ràng buộc xã hội là những ràng buộc mang tính công cụ nhằm thỏa mãn những khát vọng phi xã hội của từng cá nhân, là những giao kèo thiết yếu cho sự thịnh vượng. Trật tự chính trị tự do, là trật tự tôn trọng những quyền tự nhiên, trong đó có quyền tự do cá nhân, tạo điều kiện tốt nhất cho sự hình thành những cộng đồng tự nguyện, thông qua những cộng đồng này mà người dân lựa chọn cách sống phù hợp với những giá trị chung do chính họ lựa chọn.

Cộng đồng chân chính là cộng đồng do người ta tự do lựa chọn

Nhấn mạnh vai trò tối thượng cho cá nhân không có nghĩa là giảm giá trị của hợp tác xã hội. Con người không chỉ là những cá nhân tách biệt với nhau mà còn là sinh vật mang tính xã hội nữa. Hành động có phối hợp thúc đẩy cơ hội phát triển và mang lại lợi ích, nếu không thì từng cá nhân riêng lẻ không thể nào đạt được. Lí tính của con người tạo điều kiện cho anh ta hợp tác và giao thiệp với những người khác. Trong xã hội tự do, người ta tự nguyện tham gia vào tất cả những công việc hợp tác xã hội. Trên thực tế, chủ nghĩa cá nhân cung cấp cho người ta nền tảng lí thuyết tốt nhất cho cộng đồng chân chính, tức là cộng đồng xứng đáng với đời sống của con người. Quan hệ tự nguyện, cùng có lợi giữa những cá nhân tự chủ là nền tảng cho việc hành thành những cộng đồng thực sự. Tính độc đáo và giá trị của mỗi người được khẳng định khi mỗi cá nhân cấu thành cộng đồng tự do lựa chọn tư cách thành viên trong cộng đồng đó.

Chủ nghĩa cá nhân và sự tự chủ giải phóng người ta khỏi sự phụ thuộc lẫn nhau. Trong cuốn bestseller có nhan đề Bảy thói quen của người có hiệu quả cao (Seven Habits of Highly Effective People), ông Stephen Covey nhận xét rằng sự tương thuộc là lựa chọn mà chỉ có những người tự chủ mới làm được mà thôi. Một người có thái độ tích cực, tôn trọng nguyên tắc, hành động vì những giá trị, tức là người tổ chức và thực hiện những ưu tiên trong cuộc đời của anh ta bằng tấm lòng chính trực là người có khả năng xây dựng những mối quan hệ sâu sắc, lâu bền và có hiệu quả với những người khác. Tính tự chủ thật sự tạo điều kiện cho người ta hành động chứ không chỉ phản ứng. Tính tự chủ đòi hỏi người ta phải liên kết một số nguyên tắc (đức tính) nhất định như trung thực, dũng cảm, công bằng, lương thiện và ngay chính vào trong bản chất của mình. Những người tương thuộc lẫn nhau kết hợp cố gắng của riêng họ với cố gắng của những người khác nhằm đạt được thành công và hạnh phúc lớn hơn. Họ là những người tự tin và có năng lực, là những người nhận thức được rằng làm việc cùng nhau thì có thể làm được nhiều hơn là làm một mình. Những người tương thuộc lẫn nhau tìm cách chia sẻ với nhau, học hỏi nhau, hiểu và yêu mến nhau và vì vậy mà có quyền tiếp cận với nguồn lực và tiềm năng của những người khác.

Cộng đồng chân chính tôn trọng các cá nhân tự do

Thuật ngữ cá nhân phải bao gồm tự do, công lí, đức hạnh, nhân cách và hạnh phúc; nhưng việc theo đuổi hạnh phúc cá nhân đương nhiên là và hầu như bao giờ cũng diễn ra trong cộng đồng. Người ta, như những cá nhân, có những nhu cầu mà không hợp tác với người khác thì không thể nào thỏa mãn được – thỏa mãn tất cả những đòi hỏi của con người trong tình trạng cách li là việc làm bất khả thi. Cộng đồng chân chính tôn trọng những con người tự do. Cộng đồng thật sự xuất hiện khi người ta được tự do thành lập những hiệp hội tự nguyện nhằm theo đuổi quyền lợi cá nhân và quyền lợi có tính hỗ tương với nhau. Tôn trọng con người hàm chứa sẵn trong lòng nó sự tôn trọng quyền hình thành hiệp hội mà họ lựa chọn cho mục đích đó.

Cá nhân không bắt đầu trong điều kiện cách li – tồn tại nghĩa là cùng tồn tại. Sinh, về bản chất, là trong gia đình, với cha mẹ, anh em, ông bà, chú bác và anh em họ. Đền lượt mình, các thành viên trong gia đình lại có rất nhiều mối quan hệ với những thành viên khác trong những cộng đồng và hiệp hội tự nguyện khác nhau. Trong xã hội tự do, các cá nhân thường đồng thời là thành viên của nhiều cộng đồng khác nhau. Ở những mức độ khác nhau, mỗi người đánh đồng mình với những cộng đồng như gia đình, tôn giáo, địa phương, địa vị, nghề nghiệp, nơi làm việc, dân tộc, sắc tộc, văn hóa, chính trị và những cộng đồng khác nữa. Đấy thường là những cộng đồng có tính khu vực, nhưng không phải dứt khoát như thế, và có số người rất giới hạn, đấy là những người mà cá nhân có thể quen, có quan hệ và chia sẻ quyền lợi chung. Sự tiến bộ về mặt công nghệ ngày càng gia tăng trong lĩnh vực thông tin liên lạc và giao thông làm cho người dân có thêm điều kiện lựa chọn những cộng đồng đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu và kì vọng của họ.

Chính phủ tối thiểu tạo điều kiện cho các cộng đồng chân chính nở hoa kết trái

Liên kết vào trong những cộng đồng và hiệp hội tự nguyện tạo điều kiện cho các công dân giữ được sự độc lập đối với nhà nước. Cuộc sống trong những cộng đồng do người ta tự do lựa chọn tốt hơn là cuộc sống của một cá nhân rời rạc trong một quốc gia-dân tộc to lớn. Những người nghi ngờ quyền lực của nhà nước ủng hộ việc thành lập thật nhiều nhóm tự nguyện nằm trung gian giữa nhà nước và cá nhân – những định chế trung gian này giúp các cá nhân thực hiện những mục tiêu của mình một cách tự do hơn và đầy đủ hơn. Nguyên tắc phân cấp là nhà nước nên giới hạn hoạt động của mình vào những lĩnh vực mà cá nhân và những hiệp hội tư nhân không thể thực hiện một cách hiệu quả. Các cá nhân và tổ chức khu vực gần gũi nhất với hiện thực xảy ra hàng ngày thường là có những quyết định sáng suốt nhất, cơ quan cấp trên chỉ nên quyết định khi có những vấn đề vượt quá khả năng của cấp dưới mà thôi. Phân cấp tạo điều kiện cho những người tự do phát triển trong những cộng đồng đúng nghĩa mà không cần có sự can thiệp của nhà nước.

Mục tiêu của nhà nước không phải là giúp người ta về mặt vật chất hoặc tinh thần để họ có thể theo đuổi quan niệm của họ về hạnh phúc – đấy là công việc của các cá nhân, cộng đồng và những hiệp hội tự nguyện khác. Vai trò thật sự của nhà nước chỉ là bảo vệ người dân trong khi họ theo đuổi hạnh phúc riêng của mình. Điều đó đơn giản có nghĩa là ngăn chặn sự can thiệp của những người khác.

Vì nhà nước có thái độ thù địch đối với sự hình thành và hoạt động của các cộng đồng tự nguyện, nhà nước tối thiểu – tức là nhà nước hoạt động trong những giới hạn của chủ nghĩa cá nhân tự do – làm cho việc hình thành những cộng đồng như thế được dễ dàng hơn. Những mối quan hệ cá nhân sâu sắc và có lợi trên cơ sở hợp tác tự nguyện và giúp đỡ lẫn nhau sẽ sinh sôi nảy nở trong những hệ thống tối thiểu, dựa trên quyền của con người. Tự do cá nhân là điều kiện cần cho sự hình thành và sức sống của những cộng đồng chân chính.

Edward Younkins là giáo sư kế toán và quản trị kinh doanh tại Wheeling Jesuit University, Wheeling, West Virginia.

Nguồn: Individualism and Freedom: Vital Pillars of True Communities, Fee.org, 1.1.1998. Link: https://fee.org/articles/individualism-and-freedom-vital-pillars-of-true-communities/

 

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường