[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 7: Xã hội dân sự (Phần 2)
Những chiều kích của xã hội dân sự
Khó mà mô tả được hết các hình thức của xã hội dân sự trong cái thế giới phức tạp này. Hơn 100 năm trước, Alexis de Tocqueville viết trong Chế độ dân chủ ở Mỹ (Democracy in America) rằng: “người Mỹ ở mọi lứa tuổi, mọi điều kiện và hoàn cảnh, mọi trình độ tinh thần, trí tuệ đều luôn luôn kết hội lại với nhau … để tổ chức lễ tết, lập hội, để mở trường học theo lối tự học (séminaire)22, lập hội để xây dựng quán nhậu, để dựng nhà thờ, để quảng bá sách, để cử các nhà truyền giáo đến những vùng xa xôi tận đẩu tận đâu. Cũng theo cách lập hội đó mà người Mỹ xây bệnh viện, mở nhà tù, dựng trường học”23. Xin cầm lên bất kỳ tờ báo ra hàng ngày nào và hãy xem những hình thức tổ chức được mô tả trên đó – các doanh nghiệp, các hiệp hội thương mại, hiệp hội các dân tộc và tôn giáo, các nhóm đồng hương, các nhóm ca nhạc, viện bảo tàng, tổ chức từ thiện, trường học..v.v... Hôm tôi bắt đầu viết chương này, tôi đã cầm lên tờ Washington Post. Ngoài tất cả những nhóm bình thường, tức là những nhóm tạo ra nền tảng của những bản tin hàng ngày, tôi còn tìm thấy ba bài báo có thể dùng làm ví dụ về sự đa dạng của xã hội dân sự.
Trên trang nhất là câu chuyện về ba gia đình, cả hai vợ chồng đều đi làm, sống ở ngoại ô thành phố; ba gia đình này thành lập câu lạc bộ bữa ăn tối, trong đó mỗi gia đình, mỗi tuần nấu một bữa ăn tối, trên đường đi làm về hai gia đình kia sẽ ghé vào lấy và mang về nhà. Thế là những gia đình mà cả hai người đều đi làm có được nhiều bữa ăn do gia đình tự nấu hơn là nếu họ tự làm lấy. Đây có lẽ không nhiều tính cộng đồng bằng cảnh ba gia đình cùng ngồi ăn với nhau, nhưng những người tham gia nói rằng họ thực sự cảm thấy như một đại gia đình: “Chúng tôi đứng trong bếp nhà nhau và nói về con cái của mình”. Một câu chuyện khác nói về một gia đình Tin lành Baptist mộ đạo “tìm cách che chắn cho con họ [sáu đứa] khỏi những cám dỗ và thử thách của thế gian bằng cách tạo ra một cộng đồng mà dân cư phần lớn là những người có cùng giá trị và đức tin tương tự”. Bà mẹ này tự dạy con ở nhà, bà tìm cách mua cho con sách vở, băng video, đồ chơi và đưa con đi gặp những trẻ em khác trong nhà thờ và trong hệ thống trường học trên mạng, khuyến khích người con trai lớn chơi piano. Về mặt nào đó, dường như gia đình này đang rút ra khỏi xã hội dân sự, nhưng tôi tin rằng chúng ta phải coi câu chuyện này là ví dụ về sự đa dạng mà xã hội dân sự tạo ra, nó tạo điều kiện cho ngay cả những người muốn sống khác với cách sống mà hầu hết mọi người trong xã hội rộng lớn hơn mong muốn. Cuối cùng, là câu chuyện kể về một nhóm trẻ em chơi chung với nhau, nhóm này đã giúp gắn bó năm gia đình trong suốt mười năm trời. Trẻ con chơi với nhau, còn các bà mẹ thì thay nhau trông chừng chúng và nhờ đó mà họ đã giúp cho nhau “có được một vài khoảng khắc được rảnh rang thật là quý giá”. Tác giả kết luận, “[Con gái tôi] không thể nhớ được giai đoạn khi mà nó chưa biết những bạn bè trong nhóm, còn tôi thì khó nhớ giai đoạn khi tôi chưa biết những người bạn của mình. Tình bạn có thể là như thế. Bán anh em xa mua láng giềng gần mà”.
Từ thiện và giúp đỡ lẫn nhau
Các tổ chức từ thiện là khía cạnh quan trọng của xã hội dân sự. Đoạn trích bên trên từ tác phẩm của Tocqueville chính là nói về những tổ chức đó. Tất cả mọi người đều có một mong muốn tự nhiên là giúp những người kém may mắn hơn mình và họ cùng nhau lập hội để làm việc đó, từ những nồi cháo giúp người nghèo trong khu vực và hội chợ từ thiện do nhà thờ tổ chức, đến những tổ chức phức tạp trong phạm vi quốc gia và quốc tế như United Way, Đội quân cứu chuộc (Salvation Army), Hội bác sĩ không biên giới (Doctors without Borders) và Hội cứu trẻ em (Save the Children). Hàng năm người Mỹ chi khoảng 150 tỷ USD cho công tác từ thiện.
Những người phê phán chủ nghĩa tự do cá nhân thường nói: “Các vị muốn xóa sổ những chương trình có ý nghĩa sống còn của chính phủ mà không đưa ra được cái gì thay thế hết”. Nhưng không có những chương trình mang tính cưỡng chế của chính phủ là hoàn toàn không có nghĩa là không có gì. Đấy là một nền kinh tế đang phát triển, các sáng kiến cá nhân và sức sáng tạo của hàng triệu người và hàng nghìn hiệp hội được thiết lập nhằm giúp người ta vươn tới những mục đích chung. Phân tích xã hội kiểu gì mà lại coi xã hội phức tạp như xã hội Mỹ là “không có gì” ngoài những thứ chính phủ làm?
Trong xã hội tự do, từ thiện có vai trò quan trọng. Nhưng nó không phải là câu trả lời cho câu hỏi: Xã hội tự do sẽ giúp người nghèo như thế nào? Câu trả lời trước hết là: Bằng cách gia tăng nhanh chóng của cải và làm cho mọi người đều giàu có lên, nền kinh tế tự do làm giảm và thậm chí xóa sổ hẳn nạn nghèo đói. Theo tiêu chuẩn của lịch sử, ngay cả những người nghèo ở Mỹ và châu Âu cũng là những người rất giàu có. Cung điện Versailles tuyệt vời đến như thế nhưng cũng không có hệ thống cấp và thoát nước; người ta phải trồng cam trong vườn để ngăn bớt mùi hôi thối. Gorman Beauchamp ở trường Đại học Michigan (University of Michigan), năm 1995, viết trên tạp chí American Scholar về sự phong phú mà thị trường tự do và nền công nghệ hiện đại tạo ra như sau:
[Bộ phim] nói về cuộc đời Võ Tắc Thiên, tương tự như Catherine Đại đế24. . . bắt đầu bằng cảnh một kị sĩ đang phóng rất nhanh nhằm chuyển một cái bọc rõ ràng chứa đồ quý giá cho một kị sĩ, anh này vội vã lao đến trạm tiếp theo để đưa cái bọc đó cho một kĩ sĩ khác và các kị sĩ phải chạy qua khắp miền Bắc Trung Quốc để tới Bắc Kinh và cuối cùng là đến Tử Cấm Thành. Trong ruột cái bọc, được người ta bỏ ra bao nhiêu công sức để mang về từ những đỉnh núi xa xôi, là mấy cục băng. Băng để làm lạnh nước cho nữ hoàng uống.
Tôi còn nhớ, cảnh này tạo cho tôi ấn tượng mạnh nhất là tôi nhận ra rằng mình có thể lấy bao nhiêu đá từ tủ lạnh cũng được và lấy bất cứ lúc nào mình thích. Chỉ cần mở tủ lạnh là được. Về mặt này, cũng như về nhiều mặt khác, đời sống vật chất của tôi - một người còn trẻ, chưa có địa vị xã hội gì, sống bằng học bổng khiêm tốn - rõ ràng là hơn hẳn đời sống của một vị hoàng đế đầy quyền lực của Trung Quốc. . . .
Mùa đông, tôi được ở trong phòng ấm áp hơn (lò sưởi trung tâm), còn mùa hè thì mát hơn (máy lạnh); tôi nhận được nhiều thông tin hơn và thông tin nhanh hơn và đáng tin cậy hơn; tôi có thể đi đến bất kỳ nơi nào một cách nhanh chóng hơn và thoải mái hơn; tôi (có nhiều khả năng) đau ốm ít hơn và đau ốm trong thời gian ngắn hơn và được chăm sóc y tế tốt hơn; tôi nhìn xa hơn (kính hai tròng), răng tôi tốt hơn (fluoride) còn người nha sĩ thì sử dụng Novocain trong khi chữa trị cho tôi; và nều hoàng đế có thể có một con chim vàng để hát cho ngài nghe, ví dụ như hoàng đế Byzantine - thì tôi có Rosa Ponselle, Ezio Pinza, Billie Holiday hay Edith Piaf [các độc giả trẻ có thể thêm vào danh sách này Rolling Stones, Grateful Dead hay Alanis Morrisette] hay bất kỳ ca sĩ nào trong số hàng trăm những băng nhạc đang nằm trong tủ của tôi và tôi chỉ cần bật vài cái công tắc là có thể nghe rồi.
Không được quên rằng thị trường tự do đã tiêu diệt được nạn nghèo đói và lao động nặng nhọc, từng là những hiện tượng phổ quát trong lịch sử loài người. Nhưng theo những tiêu chuẩn hiện nay thì hàng triệu người Mỹ quả thật đang sống trong cảnh đói nghèo, không chỉ hủy hoại người ta về mặt vật chất mà còn hủy hoại người ta về mặt tinh thần, làm cho người ta cảm thấy tuyệt vọng. Vì vậy, câu trả lời thứ hai cho câu hỏi nêu trên là chính phủ phải chấm dứt việc giam hãm người ta trong cảnh nghèo khó và cản trở, không để họ thoát ra khỏi tình cảnh đó. Thuế khóa và luật lệ thu hẹp chỗ làm việc, đặc biệt là đối với những người có tay nghề thấp nhất, còn hệ thống phúc lợi xã hội thì tạo điều kiện cho những bà mẹ đơn thân nuôi con và làm cho họ lâm vào hoàn cảnh phụ thuộc lâu dài. Câu trả lời thứ ba là giúp đỡ lẫn nhau: Người ta liên kết với nhau không phải để giúp đỡ những người kém may mắn hơn mà để tự giúp mình trong những lúc khó khăn. Tôi sẽ nói về tăng trưởng kinh tế, phúc lợi và từ thiện trong những chương sau, ở đây tôi muốn tập trung vào hiện tượng giúp đỡ lẫn nhau.
Giúp đỡ lẫn nhau là hiện tượng đã tồn tại từ lâu – mà không chỉ ở phương Tây. Những hội nghề nghiệp - trước khi biến thành những cơ sở độc quyền cứng nhắc – mà những người quan tâm tới lịch sử thời Trung cổ đều biết, là những hiệp hội tương trợ của những người làm cùng một nghề. Ở châu Phi có truyền thống gọi là susu, mỗi người bỏ vào lọ một số tiền và lần lượt, những người tham gia hội sẽ lấy khi đã gom đủ một số vốn nào đó (có lẽ tương tương như chơi hụi ở ta –ND). Như nhà kinh tế học người Ghana, George Ayittey, viết: “Nếu hệ thống susu “sơ khai” được lập ra ở Mỹ thì nó đã được gọi là quỹ tín dụng rồi”. Còn những người Mỹ gốc Triều Tiên thì gọi là keh, đấy là những người mỗi tháng gặp nhau một lần, cùng ăn trưa, nói chuyện, góp ý cho nhau và bỏ tiền vào lọ, lần lượt, mỗi tháng một người được nhận số tiền đó.
Trên tap chí Past and Present, số ra tháng 2 năm 1992, nhà sử học Judith M. Bennett kể về hội gọi là “ales”, từng tồn tại ở nước Anh thời Trung cổ và đầu thời hiện đại; đấy là nơi người ta tụ tập, ăn uống, nhảy múa, chơi đùa và mua hàng với giá cao hơn giá thị trường, coi đấy là biện pháp giúp đỡ hàng xóm khi gặp khó khăn: có những hội như nhà thờ-ales, để quyên tiền cho các giáo xứ; cô dâu-ales, để giúp cặp vợ chồng mới cưới; và tương trợ-ales, để giúp đỡ những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Bennett gọi ales là ví dụ về cách mà những con người bình thường “quan tâm đến việc tìm không chỉ ‘biện pháp giúp đỡ tốt hơn’ mà còn quan tâm đến nhau”, “đây là thiết chế xã hội, nhờ nó mà bạn bè, hàng xóm có thể giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn hay khủng hoảng”. Ales là bằng chứng khẳng định tình đoàn kết giữa những người lao động. Tổ chức này thường đòi hỏi người gặp khó khăn phải hết sức cố gắng; đóng góp của hàng xóm, bạn bè phụ thuộc vào đánh giá của mọi người về nỗ lực của người đó. Khác với từ thiện, ales là quan hệ giữa những người bình đẳng với nhau: “Bằng cách kết hợp giữa bố thí với ăn uống và mua bán, từ thiện-ales làm giảm sự chia rẽ về mặt xã hội có thể xảy ra giữa đói nghèo và từ thiện”. Nó còn tạo ra cảm giác có đi có lại giữa “những người có thể nghĩ rằng, trong đời mình, họ vừa có thể đóng góp vừa có thể hưởng lợi từ ales”.
Ví dụ gần gũi hơn về tương trợ - mà cho đến thời gian gần đây hầu như không được những nhà sử học chuyên nghiên cứu về đói nghèo, công việc từ thiện và phúc lợi chú ý – là vai trò của các hội huynh đệ và hội ái hữu. David Green thuộc Viện các Vấn đề Kinh tế London (London's Institute of Economic Affairs) mô tả cách mà người lao động thủ công Anh xây dựng các “hội ái hữu”, đó là những hội tương trợ và tự quản. Những người tham gia phải đóng góp và hứa giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn. Bởi vì đấy là những hiệp hội tương trợ, cho nên những khoản tiền mà người nào đó được nhận – tiền mua thuốc, tiền viện phí, chi phí mai táng và tiền trợ cấp vì mất người cấp dưỡng – “không phải là vấn đề hào phóng, mà là quyền được hưởng do các thành viên thường xuyên đóng góp vào quỹ chung và có nghĩa vụ làm như thế với những người khác khi họ gặp khó khăn”. Một số hội chỉ là những câu lạc bộ của mấy người hàng xóm, nhưng có những hội phát triển thành các liên đoàn có chi nhánh trên khắp cả nước với hàng trăm nghìn hội viên và những khoản đầu tư khá lớn. Đến năm 1801, ở Anh, ước tính có tới 7.200 hội với 648.000 thành viên là nam giới trưởng thành, trong khi dân số lúc đó chỉ là 9 triệu người. Đến năm 1911 đã có 9 triệu người tham gia các hiệp bảo hiểm tự nguyện, hơn hai phần ba trong số đó là các hội ái hữu. Có những hội như Liên đoàn những người kì quặc ở Manchester, Hội những người trồng rừng, Hội ái hữu của những người lao động bảo thủ.
Các hội ái hữu có vai trò kinh tế quan trọng - cùng giúp nhau bảo hiểm trong trường hợp ốm đau, già yếu và chết. Nhưng còn có những mục đích khác, ví dụ, quan hệ bạn bè, giải trí và mở rộng những mối quan hệ của mỗi người. Quan trọng hơn, các thành viên của hội cảm thấy gắn bó với nhau vì lý tưởng chung. Mục đích chính là khuyến khích những tính cách tốt. Người ta đã nhận thức được rằng xây dựng những thói quen tốt không phải là công việc dễ dàng; nhiều người trong chúng ta cũng thấy rằng nếu được người khác ủng hộ thì chúng ta sẽ dễ dàng thực hiện những dự định tốt đẹp của mình hơn. Nhiều người tìm được sự ủng hộ như thế trong các nhà thờ và giáo đường Do Thái; hội Những người nghiện rượu ẩn danh (Alcoholics Anonymous – chống uống rượu, ND) giúp người ta có những hành vi đúng đắn trong một lĩnh vực cụ thể: không say rượu. Ngoài ra, hội ái hữu còn giúp cho người lao động kinh nghiệm trong việc quản lý tổ chức; xã hội Anh với những rào cản rất lớn giữa các giai cấp, thì đây là cơ hội hiếm hoi.
Nhà sử học David Beito đã tiến hành một công trình nghiên cứu tiên phong tương tự về các hội huynh đệ ở Mỹ như hội Masons (Thợ xây), hội Elks, hội Odd Fellows và Knights of Pythias. Beito viết: “Trước khi nhà nước phúc lợi ra đời, chỉ có nhà thờ mới cạnh tranh được với các hội huynh đệ trong việc cung cấp phúc lợi xã hội. Trong những năm 1920, khoảng 18 triệu người Mỹ tham gia các hội huynh đệ, tức là gần 30% người trưởng thành tham gia những hội này”. Năm 1910, một bài báo trên tờ Everybody's Magazine giải thích: “Những người giàu đóng bảo hiểm trong những công ty lớn nhằm tạo ra tài sản, còn người nghèo thì đóng bảo hiểm trong các hội huynh đệ để có bánh mì và thịt. Đây là bảo hiểm để khỏi bị rơi vào cảnh thiếu thốn, không phải đến ở nhà tế bần, không phải đi ăn xin”. Xin lưu ý thái độ ác cảm đối với từ thiện: người ta tham gia hội huynh đệ là để giúp nhau phòng khi gặp chuyện rủi ro và không cảm thấy nhục nhã vì phải nhận của bố thí của những người khác.
Ban đầu, bảo hiểm của các hội huynh đệ quan tâm chủ yếu đến việc trả tiền trong trường hợp có người chết. Vào những năm đầu thế kỷ XX, nhiều hội còn cung cấp bảo hiểm ốm đau, bảo hiểm tai nạn. Một khía cạnh thú vị của bảo hiểm huynh đệ là cách họ khắc phục những vấn đề rủi ro đạo đức, tức là rủi ro khi người lạm dụng hệ thống bảo hiểm này. Khi giao dịch với các cơ quan chính phủ hoặc với công ty bảo hiểm nằm ở xa, người ta có thể tìm cách giả vờ là bị đau ốm để đòi được nhiều tiền hơn khi bệnh không nặng hoặc thậm chí là chẳng có bệnh tật gì. Nhưng tình cảm gắn bó với những thành viên khác của hội huynh đệ và mong muốn được mọi người trong hội tôn trọng làm người ta phải kiềm chế ý định lừa đảo. Beito cho rằng đó là lý do vì sao các hội huynh đệ “tiếp tục giữ thế thượng phong trên thị trường bảo hiểm ốm đau trong một thời gian dài, sau khi họ đã đánh mất tính cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm nhân thọ” – nơi mà giả vờ đau ốm tạo ra nhiều vấn đề hơn. Đến năm 1910, bảo hiểm y tế của các hội huynh đệ thường đưa thêm điều khoản “do bác sĩ của hội” chữa, ông bác sĩ này ký với hội về việc khám chữa bệnh cho tất cả các thành viên của hội với một mức giá cố định.
Người nhập cư thành lập khá nhiều hội huynh đệ, như các National Slovak Society, the Croatian Fraternal Union, the Polish Falcons of America, and the United Societies of the U.S.A. for Russian Slovaks. Người Do Thái thành lập các hội như Arbeiter Ring (Workmen's Circle), the American-Hebrew Alliance, the National Council of Jewish Women, the Hebrew Immigrants Aid Society .v.v... Đến năm 1918, những hội người Mỹ gốc Czech lớn nhất đã có hơn 150.000 hội viên. Năm 1918, các bang Springfield, Illinois, với tổng dân số gốc Ý là 3.000 mà đã có hơn một chục hội do người Ý lập ra.
Trong công trình nghiên cứu nổi tiếng, nhan đề Thế lưỡng nan của Mỹ (An American Dilemma), xuất bản năm 1944, nhà kinh tế học Thụy Điển, Gunnar Myrdal, khẳng định rằng người Mỹ gốc Phi thuộc tất cả các giai tầng thậm chí còn tham gia những hội huynh đệ như Prince Hall Masons, the True Reformers, the Grand United Order of Galilean Fishermen và những hội tương tự như Elks, the Odd Fellows, and the Knights of Pythias, nhiều hơn cả người da trắng. Ông cho rằng ở thành phố Chicago, 275.000 người da đen đã lập ra hơn 4.000 hội. Năm 1910, nhà xã hội học Howard W. Odum ước tính rằng ở miền Nam, “tổng số thành viên của các hội của người da đen, có đóng tiền và không đóng tiền, gần bằng tổng số các tín đồ tôn giáo”. Các hội huynh đệ, ông nói, là “thành phần quan trọng” của “đời sống cộng đồng và thường là trung tâm của đời sống cộng đồng” của người da đen.
Tương tự các hội ở Anh, các hội huynh đệ ở Mỹ nhấn mạnh quy tắc đạo đức và nghĩa vụ của mỗi thành viên đối với các thành viên khác. Trong tác phẩm The Social Order of a Frontier Community (tạm dịch Hội của cộng đồng vùng biên thùy), nhà sử học Don H. Doyle, viết rằng tại thị trấn Jacksonville, bang Illinois, đã có “hàng chục... hội huynh đệ, hội cải cách xã hội, câu lạc bộ văn học và hội chữa cháy” và rằng các hội này buộc người ta “chấp hành kỉ luật đạo đức, có ảnh hưởng đến hành vi của cá nhân nói chung và cụ thể là không uống rượu, tức là những vấn đề liên quan chặt chẽ với vấn đề quan trọng nhất: được nhận tín dụng.
Tình huynh đệ và đoàn kết làm cho các thành viên không dám đòi hỏi quyền lợi mà không có lý do chính đáng, ngoài ra, các hội cũng có những quy tắc và thủ tục nhằm đảm bảo sự gắn bó với hội. Quy tắc của Liên đoàn thợ mỏ miền Tây (Western Miners' Federation) theo trường phái xã hội chủ nghĩa là không trả trợ cấp cho các thành viên bị “bệnh hay tai nạn là do uống rượu, không thận trọng hoặc có hành vi vô đạo đức”. Hội gọi là Sojourna Lodge of the House of Ruth, tổ chức tự nguyện lớn nhất của phụ nữ da đen trong những năm đầu của thế kỷ XX, yêu cầu các thành viên, khi đòi trợ cấp bệnh tật, phải trình giấy chứng nhận y tế có công chứng, hội này còn có một ủy ban về ốm đau, vừa để hỗ trợ vừa điều tra những hội viên bị bệnh.
Hội huynh đệ còn giúp người ta đối phó với những vấn đề của những xã hội ngày càng năng động hơn. Một số hội có nhiều chi nhánh ở Anh cung cấp cho các thành viên của họ nơi tạm trú khi họ đi tìm việc làm ở những thị trấn khác. Doyle nhận thấy rằng: “Đối với những hội viên đang di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác, giấy giới thiệu của những hội như Fellows Odd hay Masons không chỉ là giấy giới thiệu để được nhận làm hội viên của hội khác. Nó còn là chứng chỉ có thể mang theo về địa vị và uy tín mà người này đã xây dựng được trong hội cũ và tạo điều kiện cho anh ta tiếp xúc với mạng lưới những mối quan hệ làm ăn và quan hệ xã hội ở nơi ở mới”.
Những người phê phán thường khẳng định rằng giải pháp của chủ nghĩa tự do cá nhân đối với các vấn đề xã hội là không tưởng. “Xỏa bỏ hệ thống an sinh của chính phủ và đơn giản là hy vọng rằng các nhà thờ, các tổ chức từ thiện và các nhóm tương thân tương ái sẽ lấp đầy khoảng trống ư?” Có hai khía cạnh. Vâng, các nhóm này sẽ đứng ra gánh vác, họ luôn luôn làm như thế. Nhưng quan trọng hơn, sự hiện diện của hệ thống an sinh của chính phủ và thuế suất cao nhằm hỗ trợ cho hệ thống này đã vắt kiệt những nỗ lực đó. Có rất nhiều hình thức giúp đỡ lẫn nhau, từ tổ chức cho trẻ em vui chơi và cùng nhau nấu ăn buổi tối, tới hiệp hội thương mại và đội tuần tra ban đêm trong khu vực. Những hội này đã giảm mạnh không phải vì phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động hay TV đã lấy hết thời gian rảnh rổi của chúng ta mà vì sự phình ra của chính phủ.
(Còn nữa)
Chú thích:
(1) Ở đây có lẽ có sự nhầm lẫn: séminaire là trường dòng.
(2) Tocqueville, Nền dân trị Mỹ, Phạm Toàn dịch, Tập II, NXB Tri Thức, Hà Nội, 2008, trang 172
(3) Còn gọi là Ekaterina II (của nước Nga).
Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.