[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương IX: Những nguyên nhân chính dẫn đến việc duy trì nền cộng hoà dân chủ ở Hoa Kỳ (Phần 8)

[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương IX: Những nguyên nhân chính dẫn đến việc duy trì nền cộng hoà dân chủ ở Hoa Kỳ (Phần 8)

TẦM QUAN TRỌNG CỦA NHỮNG ĐIỀU TRÊN ĐỐI VỚI CHÂU ÂU

Chúng ta dễ dàng nhận thấy vì sao tôi tiến hành những nghiên cứu bên trên. Vấn đề mà tôi nêu ra không chỉ liên quan đến Hoa Kì, mà là toàn thế giới. Không chỉ liên quan đến một dân tộc, mà đến tất cả mọi con người.

Nếu có những quốc gia có trạng thái xã hội dân chủ mà lại chỉ có thể tự do được khi họ sống trong những vùng hoang vu, thì ta cần tuyệt vọng trước thân phận tương lai của giống người. Vì con người đang bước nhanh tới nền dân trị, mà hoang mạc thì đang đông chật người lên.

Nếu đúng là luật pháp và tập tục không đủ để duy trì những thiết chế dân chủ, liệu còn có chốn dung thân nào khác nữa cho các dân tộc ngoài sự chuyên chế của một kẻ độc tài?

Tôi biết là ngày nay có không ít con người lương thiện không sợ hãi gì viễn cảnh đó nữa, và đã mệt mỏi vì Tự do nên hẳn là họ muốn nghỉ ngơi xa lánh hẳn khỏi những phong ba bão táp của sự chuyên quyền.

Nhưng các vị này hiểu biết không kĩ càng về cái bến bờ họ đang tiến bước tới. Lòng đầy ắp kỉ niệm, họ phán xét cái chính quyền chuyên chế theo hình ảnh xưa kia của nó, chứ không theo tình trạng nó có thể có trong thời hiện tại.

Nếu chính quyền chuyên chế lại được thiết lập ở các quốc gia dân chủ châu Âu, thì không hồ nghi gì hết, chính quyền đó sẽ mang một hình thức mới, mang những nét mà cha ông chúng ta chưa từng biết.

Có một thời ở châu Âu luật pháp cùng với sự đồng tình của người dân đã trao cho các ông vua một quyền hạn gần như vô giới hạn. Nhưng các vị đó lại không bao giờ đem dùng được quyền lực ấy.

Tôi không muốn nói đến những đặc quyền riêng cho giới quý tộc, về uy quyền của các toà án hoạt động độc lập, về quyền nghiệp đoàn, về các đặc quyền ở địa phương, tất cả những thứ đó một mặt làm giảm nhẹ được những đòn của phía quyền lực, cũng làm được công việc duy trì ở mọi người một tinh thần đối kháng.

Độc lập với các thiết chế chính trị đó mà lắm khi chúng đi ngược lại với tự do của con người riêng rẽ, song lại vẫn duy trì được tình yêu tự do trong tâm hồn con người, và xét dưới góc độ đó, ta có thể dễ dàng thấy là chúng có ích, và ý kiến quan điểm cùng tập tục dựng lên được xung quanh quyền lực nhà vua những thanh chắn ít người nhìn thấy nhưng không phải là kém phần sức mạnh.

Tôn giáo, tình yêu đối với thần dân, lòng tốt của vị quân vương, danh dự, tinh thần gia tộc, những thiên kiến của địa phương, tục lệ và công luận, đều làm hạn chế quyền lực các ông vua và vây lấy quyền uy của các vị vào trong một vòng tròn vô hình.

Khi đó, thể chế của các quốc gia thì mang tính chuyên chế, nhưng tập tục của họ thì lại tự do. Các quân vương có quyền nhưng lại không có khả năng cùng ước vọng muốn làm gì thì làm.

Từ những thanh chắn đó xưa kia làm kìm được chân bạo quyền, bây giờ còn sót lại gì cho chúng ta?

Tôn giáo, do đã mất đi quyền lực đối với tinh thần con người, cái cột mốc ai cũng nhìn thấy rất rõ làm phân cách thiện và ác thế là bị lật nhào; trong thế giới đạo đức thì mọi thứ dường như đều đáng ngờ và vô định; các quân vương và các quốc gia cùng bước đi chất chường vạ vật, và chẳng ai dám nói đâu là những giới hạn tự nhiên của chuyên chế và đâu là những cột mốc của cấm đoán.

Những cuộc cách mạng dài dằng dặc đã phá đi hẳn lòng tôn trọng đối với các vị đứng đầu Nhà nước. Mất đi sức nặng của uy tín công cộng, các quân vương từ nay có quyền say sưa quyền lực mà chẳng biết sợ là gì nữa.

Khi các vị quân vương nhìn thấy tấm lòng dân, thì họ trở nên khoan hoà, vì họ cảm thấy mình mạnh; khi đó họ khoan thư đối với bầy tôi, vì lòng yêu con dân là sự ủng hộ đối với ngai vàng. Thế là giữa vị quân vương và nhân dân hình thành nên một sự đổi trao tình cảm, xã hội hoà dịu tương tự như cảnh gia đình. Thần dân vẫn làu bàu chống đối vua và vẫn tìm cách làm cho quân vương khó chịu, còn quân vương thì đánh bầy tôi bằng roi nhẹ, như cha trừng phạt con.

Nhưng một khi uy tín vương quyền bị tan rã giữa sục sôi cách mạng; khi các ông vua nối tiếp nhau trên ngai vàng lần lượt phơi bày trước con mắt nhân dân sự yếu kém của quyền và sự cứng rắn của việc thì khi đó chẳng còn ai nhìn thấy ở quân vương một vua cha của đất nước, mà chỉ nhìn thấy đó là một ông chủ. Nếu ông chủ đó yếu kém, thì người ta khinh. Nếu ông chủ mạnh, thì người ta sợ. Bản thân ông chủ đó thì đầy cáu giận và e sợ. ông ta tự thấy mình như kẻ xa lạ trên đất nước mình, và ông ta cư xử với thần dân như với những kẻ thất trận.

Khi có bao nhiêu tỉnh và thành phố thì có bấy nhiêu quốc gia khác nhau giữa lòng một tổ quốc chung, thì mỗi thực thể đó lại có một tinh thần riêng chống đối lại tinh thần nô lệ chung. Nhưng ngày nay, với tất cả các phe phái trong cùng một đế quốc, sau khi đã mất hết mọi quyền tự do, mọi cách sống, mọi định kiến, thậm chí mất cả kí ức và tên gọi, các “quốc gia” ấy lại bắt đầu quen được với việc chịu nô lệ theo luật pháp chung, thì không còn dễ đè nén tất cả bọn họ như là đè nén từng cá nhân riêng lẻ nữa.

Trong thời gian tầng lớp quý tộc hưởng thụ quyền lực của họ, và còn lâu sau khi họ mất đi quyền lực đó, danh dự quý tộc vẫn còn là một sức mạnh lạ kì cho các chống đối cá nhân.

Khi đó ta thấy có những con người mặc dù bất lực, song vẫn còn giữ được một ý tưởng cao cả về giá trị cá nhân, và họ dám có gan chống đối riêng rẽ với mọi nỗ lực của quyền lực công cộng.

Nhưng ngày nay khi tất cả các tầng lớp đều đã nhoà vào với nhau, khi cá nhân càng ngày càng biến mất trong đám đông và dễ dàng bị mất hút trong sự tăm tối chung; ngày nay khi danh dự của vương quyền gần như đã hết thời thịnh trị mà lại chưa được thay thế bởi đạo đức, thì chẳng còn gì để hỗ trợ con người ngoài bản thân họ, thì giờ đây nào ai dám nói chắc, những đòi hỏi của quyền lực và những khoan thư của thói xấu tới đâu thì dừng lại?

Chừng nào còn tồn tại tinh thần gia đình, thì con người đấu tranh chống bạo quyền không bao giờ đơn độc hết, anh ta còn thấy quanh mình những người bảo hộ, những người bạn truyền kiếp, những người thân thuộc. Và cái trụ đỡ đó cho dù có mất đi, anh ta vẫn còn cảm thấy mình được trụ đỡ bởi tổ tiên và được con cháu khích lệ. Nhưng khi các di sản tổ tiên bị chia năm xẻ bảy, và khi chỉ trong vòng vài ba năm mà các dòng giống đã hoà trộn lẫn được vào nhau, thì lấy đâu ra chỗ cho tinh thần gia đình?

Còn lại sức mạnh phong tục nào nữa ở một quốc gia đã hoàn toàn thay đổi diện mạo và cứ thế đổi thay không ngừng, khi các hành động bạo quyền chỉ là tiếp nối những hành động tương tự trước đó, khi mọi tội ác đều đi theo một khuôn mẫu đã có, khi chẳng có gì là tương đối cổ xưa nữa để có định ra tay phá phách thì cũng biết ngần ngại, khi chẳng có gì là mới mẻ nữa để mà thử sức thực thi?

Tập tục mà đã biết bao lần bị uốn nắn đổi thay thì còn có gì nữa để mà đối kháng?

Ngay cả công luận nữa, khi mà không có nổi hai chục con người được tập hợp nhau vì những chuyện tào lao; khi không thể gặp nổi dù một người, dù một gia đình, dù một tổ chức, dù một tầng lớp, dù một tập hợp tự do đủ sức đại diện và làm cho ý kiến dư luận đó phải cựa quậy?

Khi mỗi công dân đều bất lực ngang nhau, nghèo ngang nhau, cô lập ngang nhau, và mỗi kẻ đó chỉ có thể đem cái yếu hèn cá nhân ra chống đối lại sức mạnh có tổ chức của chính quyền?

Để nghĩ ra một cái gì đó tương tự như cái sẽ xảy ra trong chúng ta, xin chớ đi tìm hỗ trợ từ các biên niên sử. Có lẽ cần hỏi han những tượng đài cổ đại và quay về với những thế kỉ kinh hãi của nền bạo hành thời cổ, vào lúc tập tục bị hủ hoá, kí ức bị xoá tan, thói quen bị tiêu diệt, dư luận chao đảo, khi tự do bị xua đuổi khỏi luật pháp và chẳng biết tìm chỗ ẩn náu ở đâu, khi chẳng còn có gì bảo đảm cho các công dân nữa, và các công dân không bảo đảm nổi cho chính mình nữa, khi đó ta thấy những con người đem bản chất người ra đùa bỡn, và các quân vương thì làm nản lòng khoan dung của trời đất hơn là làm nản lòng kiên nhẫn của đám thần dân.

Tôi thấy những ai còn hi vọng tìm lại nền quân chủ của Henry IV hoặc của Louis XIV là những người khá mù quáng. Về phần mình, khi xem xét tình trạng hiện thời của vô số quốc gia châu Âu và xu thế các quốc gia khác đang hướng tới, tôi tin rằng rồi đây ở những quốc gia đó sẽ chẳng còn chỗ đứng cho Tự do dân chủ hoặc cho bạo quyền kiểu các vua César.

Điều này chẳng đáng để ta nghĩ đến sao? Thật vậy, nếu như mọi con người phải đi tới cái điểm họ phải tới hoặc là trong tư cách con người tự do hoặc là con người nô lệ, tất cả đều bình quyền hoặc là tất cả đều vô quyền; nếu những người cai quản xã hội bị buộc phải nâng cao dần dần đám đông lên ngang bằng họ hoặc là họ bỏ rơi mọi công dân ở dưới mức nhân loại, liệu như thế đã đủ chưa để thuyết phục biết bao hoài nghi, để làm yên lòng biết bao lương tri, và để chuẩn bị cho từng con người dễ dàng thực hiện những hiến dâng to tát?

Khi đó, liệu ta có nên coi sự phát triển dần từng bước của các thiết chế dân chủ không như là cái gì tốt nhất mà như là phương tiện duy nhất mang tính tự do còn sót lại cho ta. Và mặc cho không ưa gì chính quyền dân trị, liệu ta có nên cứ chấp nhận hình thức chính quyền đó như là phương thuốc áp dụng tốt hơn cả và lương thiện hơn cả khả dĩ đem đối chọi lại được những tật xấu hiện thời của xã hội?

Làm cho nhân dân tham gia chính quyền là điều khó khăn; còn khó khăn hơn nữa là cung cấp cho nhân dân kinh nghiệm và mang lại cho họ những tình cảm họ còn thiếu để có thể cầm quyền tốt đẹp.

Ý nguyện của nền dân trị thường thay đổi luôn; các tác nhân của nền dân trị thì thô kệch; luật lệ của nó thì không hoàn thiện; tôi đồng ý như vậy. Nhưng nếu đúng là rồi đây sẽ chẳng thể nào tồn tại một thứ chính quyền trung gian giữa quyền lực dân chủ và ách chuyên chế của một người, thì liệu ta có nên hướng tới cái (dân chủ) này hơn là tự nguyện cúi đầu theo cái (chuyên chế) kia? Và nếu cuối cùng ta phải đạt tới một sự bình đẳng hoàn toàn, liệu có nên để cho nền Tự do cào bằng mọi thứ, hay là để cho một kẻ bạo quyền làm hộ?

Những ai sau khi đọc sách này mà phán rằng khi ngồi viết nó ra tôi những muốn kiến nghị đem luật pháp và tập tục của người Mĩ gốc Anh ra cho các quốc gia có trạng thái xã hội dân chủ bắt chước, những vị đó thật lầm to. Các vị độc giả đó chỉ thấy cái hình thức bề ngoài, mà bỏ rơi cái tinh chất tư duy của tôi. Mục đích của tôi là thông qua tấm gương nước Mĩ mà giúp mọi người thấy rằng luật pháp và nhất là tập tục có thể cho phép một quốc gia dân chủ được tồn tại tự do. Và cũng còn rất xa tôi mới tin rằng chúng ta nên theo tấm gương của Nền dân trị Mĩ, và bắt chước những phương tiện nước Mĩ đã dùng để đạt tới mục đích họ cố đeo đuổi. Vì tôi chẳng hề nhắm mắt không nhìn thấy ảnh hưởng của thiên nhiên xứ sở này cùng những sự kiện có trước (trong lịch sử) đã tác động vào những cơ cấu chính trị của nước này. Và tôi cũng coi là một đại hoạ cho loài người một khi nền Tự do ở mọi nơi lại cùng tạo ra những nét như nhau.

Nhưng tôi nghĩ rằng nếu chúng ta không thể du nhập dần dần để cuối cùng tạo ra trong chúng ta những thiết chế dân chủ, nếu chúng ta khước từ đem lại cho mọi công dân những tư tưởng và tình cảm trước hết là chuẩn bị cho họ sống trong tự do, và sau đó thì cho phép sử dụng quyền tự do đó, thì sẽ chẳng có nền độc lập cho bất kì ai, chẳng có độc lập cho anh tư sản cũng như cho anh quý tộc, chẳng có độc lập cho anh nghèo cũng như cho anh giàu, mà chỉ đem lại một nền bạo quyền cho tất cả mọi người; và tôi nhìn thấy trước rằng nếu chúng ta không thành công trong việc kịp thời xây dựng cho ta một quyền uy thanh bình của đại đa số, thì sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ đi đến cái quyền không có giới hạn của chỉ một kẻ cầm quyền.

Dịch giả:
Phạm Toàn