Tri ân Bob Chitester: Người rao giảng kinh tế thị trường và chủ nghĩa tự do ra thế giới
Bob Chitester vừa qua đời sau 7 năm chống chọi bệnh ung thư, hưởng thọ 83 tuổi. Tờ The Wall Street Journal nhận định, Chitester chính là “người đã biến Milton Friedman thành ngôi sao”.
Và họ đã đúng. Bất luận thế nào thì chủ nhân Nobel kinh tế 1976 Milton Friedman vẫn là một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20. Nhưng nếu thiếu Chitester, tên tuổi và tư tưởng của ông đã không đến được với nhiều người như vậy.
Friedman từng nói: “Tôi luôn tin văn bản có sức mạnh hơn lời nói … Vai trò của tôi là thuyết phục các nhà kinh tế chứ không phải đại chúng. Trên khía cạnh này, Friedman cũng giống như hầu hết nhà khoa học – ngoại trừ Albert Einstein và Stephen Hawking, những nhà vật lý thiên tài kiêm bậc thầy truyền thông tiếp thị.
Trong tự truyện của mình, Friedman viết, ông đã không ngay lập tức xao động khi Bob Chitester – Tổng giám đốc (CEO) đài truyền hình WQLN ở Pennsylvania – gọi cho ông vào một ngày tháng 1/1977 để đề nghị cộng tác trong dự án sản xuất series phim phổ biến tư tưởng tự do kinh tế và chính trị của Friedman. Chitester đã gặp may vì Rose, vợ của Friedman, ủng hộ kế hoạch. “Tôi vẫn luôn lạc quan với ý tưởng tiếp cận công chúng", bà nói. Sau bốn lần gặp gỡ tại căn hộ của nhà Friedman, Chitester đã thuyết phục được nhà kinh tế hiện diện trên series phim để mang lý thuyết kinh tế trường phái thị trường tự do (free-market) đến với từng gia đình trên khắp thế giới.
Tháng 7/1977, Friedman viết cho Bob Chitester: “Cần đảm bảo tài chính bởi tôi đang sắp dành phần lớn thời gian và năng lượng của một năm tới 18 tháng cho một series truyền hình – được thiết kế để truyền đạt các tư tưởng kinh tế, chính trị, xã hội của mình.” Nhưng khi thực hiện, khoảng thời gian 1 năm cho tới 18 tháng ban đầu đã kéo dài thành 3 tới 4 năm.
Chương trình được phát sóng với tên gọi Free to Choose (Tự do lựa chọn). Friedman và Rose tuyên bố dự án là “chuyến phiêu lưu kỳ thú nhất của cuộc đời chúng tôi”. Thực tế là trong cuốn tự truyệnTwo Lucky People (Hai người may mắn), họ đã giành hẳn một chương để nói về nó. Vợ chồng Friedman tin rằng Chitester đã không chỉ đề xuất một series truyền hình, mà đó còn là cả một chiến dịch marketing hoàn hảo để giảng giải những lợi ích mà chủ nghĩa tư bản và tự do chính trị mang lại cho thế giới.
Chitester đã chào hàng như sau cho chương trình của Friedman:
• Một series bài giảng
• Bài giảng bằng audio và băng cassetts
• Một series truyền hình
• Một khóa học cấp tín chỉ ở bậc đại học
• Một nguồn tư liệu tham khảo cho bậc phổ thông
• Một cuốn sách được xuất bản, là phiên bản mở rộng của “Chủ nghĩa tư bản và tự do” do Friedman viết.
Free to Choose đã cực kỳ thành công. Chỉ riêng tại Mỹ, sau khi được phát trên PBS, chương trình đã ghi nhận hơn 15 triệu người xem ban đầu và còn được chuyển thể thành một cuốn bestseller thuộc thể loại phi hư cấu đứng hàng top thế giới trong thập niên 1980. Xuyên suốt series, Friedman đã giảng 15 bài về những chủ đề như “Is Capitalism Humane?” (Chủ nghĩa tư bản có nhân văn) và “What is Wrong with the Welfare State?” (Sai lầm của Nhà nước phúc lợi). Ngoài ra còn 9 phiên thảo luận về “The Power of the Market” (Sức mạnh của thị trường) và “How to Cure Inflation” (Làm thế nào để khống chế lạm phát), … với sự góp mặt của những nhà tư tưởng tự do như Thomas Sowell.
Trong số các dự án mà Bob Chitester tâm đắc có izzit.org – đưa những tư tưởng trong Free to Choose vào nội dung truyền thông (media) cho khán giả học đường, và Idea Channel – quay và phát video về những cuộc đối thoại giữa các học giả hàng đầu, vài người trong số đó còn đoạt giải Nobel.
Đại học Northwood, nơi từng trao tặng bằng tiến sĩ danh dự (Honoris Causa) ngành luật cho Chitester (năm 2020), nhận định: “Sẽ không quá khi nói rằng Free to Choose và nhiều tác phẩm khác của vợ chồng Milton Friedman đã góp phần lớn vào sự tan rã của khối kinh tế XHCN kiểu cũ tại Trung và Đông Âu.
Bức tường Berlin sụp đổ và sự kiện tái thống nhất nước Đức là hoa trái đầu tiên của những tư tưởng trong Free to Choose đang bắt rễ trên toàn cầu… Không mấy người dám nói thành tựu của đời họ đã làm thay đổi thế giới, và Bob Chitester có thể làm như vậy, nhưng ông ấy đã quá khiêm tốn. Và đó là lý do chúng ta ở đây.
Sinh năm 1937, Bob Chitester tốt nghiệp cao học tại Đại học Michigan, sau đó trở thành giáo sư trong biên chế (tenured professor) ngành truyền thông ở Đại học Edinboro State Teacher’s College, Pennsylvania, trước khi xin nghỉ để thành lập đài truyền hình đại chúng đầu tiên tại khu vực Tây Pennsylvania: WQLN.
Rainer Zitelmann (phải) cùng Bob Chitester (trái) tại căn nhà nghỉ hè Capitaf của gia đình Friedman. Ảnh do tác giả cung cấp.
Tôi từng gặp Chitester trong ba ngày tại căn nhà nghỉ mùa hè cũ của gia đình Friedman: Capitaf, tọa lạc trên núi Vermont. Lúc ấy, ông đang chống chọi với căn bệnh ung thư và biết bản thân khó lòng qua khỏi. Tuy nhiên, Chitester vẫn tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết. Trong ba ngày, chúng tôi đã cùng thảo luận về việc làm sao truyền tải hiệu quả thông điệp của triết thuyết tư bản trong thế giới hiện đại. Ông đã đọc cuốn The Power of Capitalism (Sức mạnh của Chủ nghĩa tư bản) của tôi và gợi ý nên chuyển thể nó thành một series truyền hình nữa.
Ngay lập tức, tôi bị Chitester thu hút. Tôi rất hiếm gặp người nào có khả năng truyền đạt thông tin một cách rõ ràng với nhiệt huyết từ trong sâu thẳm của một con người như vậy. Bob đã dành những tháng cuối đời để chiến đấu với bệnh tật, một cuộc chiến mà ông biết không thể thắng. Tháng 10/2020, ông viết cho tôi: “Tôi biết mình không thể sống tới lúc đón Giáng Sinh.” Bob mất ngày 8/5/2021, để lại vợ, 4 người con, 8 cháu và 4 chắt, cùng những đồng nghiệp đầy tài năng tại Free to Choose Network – họ đang tiếp tục đấu tranh để truyền bá tư tưởng của chủ nghĩa tư bản và tự do.
Sinh thời, Bob Chitester rất thích thơ và thường trích dẫn một số câu trong phần trình bày của mình. Trong số những bài thơ ông thích nhất có The Road Not Taken (Lối đi không chọn) của Robert Frost – mà theo ông đã tả đúng nhất về Milton Friedman. Nhưng đó cũng chính là Chitester, người giống như Friedman, không bao giờ chịu tuân phục và thích bơi ngược dòng:
“Tại một nơi nào đó, thời này sang thời khác,
Từ gốc cây tỏa ra hai ngả đường,
Và tôi, tôi chọn lối ít kẻ đi,
Bởi chính điều ấy sẽ làm nên mọi sự khác biệt”.
Cùng tri ân Bob Chitester tại trang Free To Choose Network:
https://www.freetochoosenetwork.org/
© Thị Trường Tự do Academy 2021
-------------------------------
*Rainer Zitelmann là một nhà sử học, xã hội học và doanh nhân. Ông là tác giả của 23 đầu sách được dịch ra 12 thứ tiếng. Cuốn "Quái kiệt làm điều khác biệt" của ông là một bestseller quốc tế, đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam.