[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương IV: Những khác biệt nhỏ và những thời điểm quyết định - Sức nặng của lịch sử (Phần 3)
LỘ TRÌNH NGẪU NHIÊN CỦA LỊCH SỬ
Kết quả của những biến cố xảy ra vào những thời điểm quyết định được định hình bởi sức nặng của lịch sử, khi các thể chế kinh tế và chính trị hiện hữu định hình cán cân quyền lực và cho ta thấy những gì khả thi về mặt chính trị. Tuy nhiên, kết quả không do lịch sử quyết định từ trước mà có tính ngẫu nhiên. Lộ trình phát triển thể chế chính xác trong những thời kỳ này phụ thuộc vào việc thế lực nào trong các thế lực đối lập sẽ thành công, nhóm nào sẽ có thể tạo thành những liên minh hữu hiệu, và nhà lãnh đạo nào sẽ có thể dàn xếp các biến cố theo cách có lợi cho mình.
Vai trò của tính ngẫu nhiên có thể được minh họa qua nguồn gốc của các thể chế chính trị dung hợp ở Anh. Chẳng những không có gì định trước chiến thắng của những nhóm đấu tranh nhằm hạn chế quyền lực của nhà vua và đòi hỏi các thể chế đa nguyên hơn trong cuộc Cách mạng Vinh quang năm 1688, mà toàn bộ lộ trình dẫn đến cuộc cách mạng chính trị này cũng chỉ là ân huệ của những biến cố ngẫu nhiên. Thắng lợi của các nhóm chiến thắng có một mối quan hệ không gì lay chuyển với thời điểm quyết định phát sinh do sự gia tăng thương mại Đại Tây Dương giúp làm giàu cho giới thương nhân và giúp họ có gan chống lại nhà vua. Nhưng một thế kỷ trước đó, chẳng ai biết chắc rằng nước Anh sẽ có khả năng chế ngự biển cả, thuộc địa hóa nhiều vùng đất ở Caribê và Bắc Mỹ, hay thâu tóm những hoạt động thương mại béo bở với châu Mỹ và phương Đông, cả Nữ hoàng Elizabeth I và vương triều Tudor trước bà đều không xây dựng được một lực lượng hải quân hùng mạnh thống nhất. Hải quân Anh dựa vào các hải thuyền tư nhân và tàu buôn độc lập, và yếu thế hơn nhiều so với đội tàu Tây Ban Nha. Tuy nhiên, lợi nhuận từ hoạt động thương mại Đại Tây Dương đã thu hút các hải thuyền tư nhân, thách thức sức mạnh độc quyền của Tây Ban Nha trên đại dương. Năm 1588, Tây Ban Nha quyết định đặt dấu chấm hết cho những thách thức đối với thế lực độc quyền của họ, cũng như chấm dứt sự can thiệp của Anh vào Hà Lan, lúc bấy giờ thuộc Tây Ban Nha nhưng đang đấu tranh giành độc lập.
Vua Tây Ban Nha Philip II phái đoàn tàu Armada hùng mạnh dưới sự lãnh đạo của công tước Medina Sidonia đi thực hiện sứ mệnh này. Có vẻ như nhiều người ngay từ đầu đã kết luận rằng Tây Ban Nha dứt khoát sẽ đánh bại Anh, củng cố thế lực độc quyền trên Đại Tây Dương, và có thể hạ bệ Nữ hoàng Elizabeth I, và cuối cùng sẽ giành quyền kiểm soát quần đảo Anh. Thế nhưng sự việc đã diễn ra hoàn toàn khác. Thời tiết xấu và sai lầm chiến lược của Sidonia, người nhận trách nhiệm vào giây phút cuối cùng sau khi một vị chỉ huy nhiều kinh nghiệm hơn qua đời, đã làm cho đoàn tàu Armada Tây Ban Nha mất đi lợi thế. Dựa vào tất cả những yếu tố tình cờ này, quân Anh phá tan phần lớn đoàn tàu của một đối thủ hùng mạnh hơn họ. Đại Tây Dương giờ đây mở ra cho người Anh trong một thế trận cân bằng hơn. Nếu không có chiến thắng bất ngờ này của nước Anh, những biến cố tạo ra thời điểm chuyển đổi quan trọng và sản sinh ra các thể chế chính trị đa nguyên của nước Anh sau năm 1688 chắc chẳng bao giờ xảy ra được. Bản đồ 9 trình bày dấu vết đắm tàu của Tây Ban Nha khi đoàn tàu Armada bị săn đuổi quanh quần đảo Anh.
Bản đồ 9: Đội tàu Armada Tây Ban Nha, đắm tàu và những địa điểm chính tạo ra bước ngoặt (p.153)
Lẽ dĩ nhiên, vào năm 1588, không ai có thể đoán trước các hệ quả của chiến thắng đầy may mắn của Anh. Có lẽ vào thời điểm đó, không ai hiểu rằng điều này sẽ tạo ra một thời điểm quyết định dẫn đến một cuộc cách mạng chính trị lớn lao sau đó một thế kỷ.
Không ai có thể tiên lượng rằng một thời điểm quyết định bất kỳ sẽ dẫn đến một cuộc cách mạng chính trị thành công hay dẫn đến sự thay đổi tốt hơn. Lịch sử đầy rẫy ví dụ về các phong trào và các cuộc cách mạng triệt để mà chỉ thay thế một chính thể độc đoán này bằng một chính thể độc đoán khác, trong một diễn biến mà nhà xã hội học Đức Robert Mitchels gọi là quy luật sắt của thể chế chính trị đầu sỏ, một hình thức đặc biệt độc hại của vòng xoáy đi xuống. Sự cáo chung của thời kỳ thực dân hóa vào những thập niên sau Thế chiến thứ hai đã tạo ra những thời điểm quyết định cho nhiều nước thuộc địa trước đây. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp ở vùng hạ Sahara thuộc châu Phi và nhiều nước châu Á, các chính phủ sau độc lập chỉ đơn thuần xé ra một trang trong quyển sách của Robert Michels rồi lặp lại và thậm chí còn tăng cường sự lạm dụng quyền lực của những kẻ tiền nhiệm, thường là ra sức thu hẹp sự phân phối quyền lực, xóa bỏ các giới hạn quyền lực, và làm xói mòn các động cơ khuyến khích của thể chế kinh tế đối với đầu tư và tiến bộ kinh tế vốn đã còi cọc từ trước. Chỉ trong một số ít trường hợp, những xã hội như Botswana, thì các thời điểm quyết định mới được sử dụng để phát động một quá trình thay đổi chính trị và kinh tế lát đường cho tăng trưởng kinh tế.
Các thời điểm quyết định cũng có thể dẫn đến sự thay đổi lớn hướng tới các thể chế chiếm đoạt hơn chứ không phải là rời xa những thể chế đó. Các thể chế dung hợp, cho dù có một vòng lặp phản hồi riêng của nó, vòng xoáy đi lên, cũng có thể bị đảo chiều và trở nên dần dần có tính chiếm đoạt hơn do những thử thách xảy ra vào những thời điểm quyết định - và một lần nữa, điều này có xảy ra hay không cũng là chuyện ngẫu nhiên. Cộng hòa Venetian (Venice, Bắc Ý), như ta sẽ thấy trong chương 6, đã tiến hành những nỗ lực to lớn hướng tới các thể chế chính trị và kinh tế dung hợp từ thời Trung cổ. Nhưng trong khi các thể chế này dần dần mạnh lên ở Anh sau cuộc Cách mạng Vinh quang năm 1688, thì ở Venice, cuối cùng chúng tự chuyển hóa thành các thể chế chiếm đoạt dưới sự kiểm soát của giới quyền thế hẹp, độc quyền hóa cả các cơ hội kinh tế lẫn quyền lực chính trị.
TÌM HIỂU VỊ THẾ CÁC NƯỚC
Sự vươn lên của một nền kinh tế thị trường dựa vào các thể chế dung hợp và tăng trưởng kinh tế bền vững ở nước Anh thế kỷ 18 đã làm cả thế giới dậy sóng, chí ít bởi vì điều đó cho phép nước Anh thuộc địa hóa phần lớn thế giới. Nhưng nếu như ảnh hưởng của sự tăng trưởng kinh tế của nước Anh chắc chắn đã vươn ra toàn cầu, thì các thể chế kinh tế và chính trị tạo ra sự tăng trưởng đó lại không tự động lan theo. Sự lan truyền của cuộc Cách mạng công nghiệp đã có những ảnh hưởng khác nhau đối với thế giới cũng hệt như nạn dịch hạch đã có những ảnh hưởng khác nhau đối với Đông và Tây Âu, và cũng tương tự như vậy, sự mở rộng hoạt động thương mại Đại Tây Dương đã có những ảnh hưởng khác nhau ở Anh và Tây Ban Nha. Chính các thể chế hiện hữu ở các vùng khác nhau trên thế giới sẽ quyết định tác động, và các thể chế này quả thật khác nhau - những khác biệt nhỏ đã được nhân rộng lên theo thời gian qua các thời điểm quyết định. Những khác biệt thể chế này và ý nghĩa của chúng có xu hướng tồn tại dai dẳng đến ngày nay do các vòng xoáy đi lên và đi xuống, cho dù không hoàn hảo, và là yếu tố then chốt để ta tìm hiểu tình trạng cách biệt giàu nghèo trên thế giới đã nổi lên như thế nào và bản chất vị thế các nước xung quanh ta.
Một vài nơi trên thế giới đã phát triển những thể chế rất giống như của nước Anh, mặc dù qua một lộ trình rất khác. Điều này đặc biệt đúng với một vài vùng “thuộc địa định cư” như Úc, Canada và Hoa Kỳ, cho dù các thể chế của họ chỉ mới đang hình thành khi cuộc Cách mạng công nghiệp diễn ra. Như ta đã thấy trong chương 1, một quá trình bắt đầu bằng sự ra đời của thuộc địa Jamestown năm 1607 và đạt đỉnh cao trong cuộc chiến tranh giành độc lập và việc ban hành Hiến pháp Hoa Kỳ có những đặc điểm chung giống như cuộc đấu tranh lâu dài của Quốc hội Anh chống lại triều đình, vì nó cũng dẫn đến một nhà nước tập quyền với các thể chế chính trị đa nguyên. Sau đó cuộc Cách mạng công nghiệp mới lan nhanh sang những nước này.
Tây Âu, trải qua nhiều quá trình lịch sử tương tự, cũng có những thể chế giống như Anh vào thời điểm Cách mạng công nghiệp. Có những khác biệt nhỏ nhưng có hệ quả đáng kể giữa Anh và phần còn lại của Tây Âu; đó là lý do khiến cuộc Cách mạng công nghiệp xảy ra ở Anh chứ không phải ở Pháp. Cuộc cách mạng này đã tạo ra một tình huống hoàn toàn mới mẻ và một tập hợp những thử thách rất khác với các chế độ ở châu Âu; điều này đến lượt nó, đã sản sinh ra một tập hợp những xung đột mới, đạt đỉnh cao trong cuộc Cách mạng Pháp. Cách mạng Pháp là một thời điểm quyết định khác, dẫn đường cho các thể chế Tây Âu hội tụ với các thể chế của Anh, trong khi Đông Âu tiếp tục phân hóa xa hơn.
Phần còn lại của thế giới đi theo những quỹ đạo thể chế khác nhau. Thời kỳ thực dân châu Âu dọn đường cho sự phân hóa thể chế ở châu Mỹ; ở đây, trái với các thể chế dung hợp phát triển ở Hoa Kỳ và Canada, các thể chế chiếm đoạt nổi lên ở châu Mỹ La-tinh giải thích cho diễn biến cách biệt giàu nghèo mà ta thấy ở châu Mỹ. Các thể chế chính trị và kinh tế chiếm đoạt của thực dân Tây Ban Nha ở châu Mỹ La-tinh tồn tại trong một thời gian dài đã nhấn chìm vùng đất này trong đói nghèo. Tuy nhiên, Argentina và Chile khá giả hơn hầu hết các nước khác trong khu vực. Họ có ít dân bản xứ và ít khoáng sản hơn, và đã “bị bỏ qua” khi người Tây Ban Nha tập trung vào những vùng đất của các nền văn minh Aztec, Maya và Inca. Chẳng phải ngẫu nhiên mà vùng nghèo nhất của Argentina là tây bắc, vùng duy nhất của đất nước hòa nhập vào nền kinh tế thuộc địa Tây Ban Nha. Đói nghèo dai dẳng, di sản của các thể chế chiếm đoạt, cũng tương tự như những gì hình thành từ hệ thống cai trị mita của thành phố Potosí ở Bolivia và Peru.
Khả năng tranh thủ cơ hội hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp của các thể chế ở châu Phi là thấp nhất thế giới. Ít nhất trong một nghìn năm qua, ngoài những vùng đất nhỏ và trong những khoảng thời gian hạn chế, châu Phi vẫn tụt hậu so với phần còn lại của thế giới trên phương diện công nghệ, phát triển chính trị và sự thịnh vượng. Đó là nơi mà các nhà nước tập quyền ra đời rất muộn và rất khó nhọc. Ở những nơi đã có nhà nước tập quyền thì cũng hết sức chuyên chế như Kongo và thường cũng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi rồi sụp đổ. Châu Phi cùng chia sẻ quỹ đạo thiếu tập quyền chính trị này với những nước như Afghanistan, Haiti và Nepal, vốn cũng không thể áp đặt trật tự trên lãnh thổ nước họ và không thể tạo ra ít nhiều ổn định để đạt được đôi chút tiến bộ kinh tế. Cho dù tọa lạc ở những vùng rất khác nhau trên thế giới, Afghanistan, Haiti và Nepal có nhiều điểm chung về mặt thể chế với hầu hết các nước vùng hạ Sahara thuộc châu Phi và vì thế cũng là những nước nghèo nhất thế giới ngày nay.
Câu chuyện các thể chế châu Phi diễn biến như thế nào để trở thành hình thức chiếm đoạt như ngày nay, một lần nữa cũng minh họa cho quá trình phân hóa thể chế được đánh dấu bằng các thời điểm quyết định, nhưng lần này là với những kết quả hết sức tai hại, nhất là trong quá trình bành trướng hoạt động buôn bán nô lệ Đại Tây Dương. Đã có những cơ hội kinh tế mới cho Vương quốc Kongo khi các nhà buôn châu Âu đến nơi này. Hoạt động thương mại đường dài giúp biến đổi châu Âu cũng đã làm biến đổi Vương quốc Kongo, nhưng một lần nữa, những khác biệt thể chế ban đầu đóng vai trò quan trọng. Chủ nghĩa chuyên chế của Kongo chuyển hóa từ sự thống trị xã hội hoàn toàn, với các thể chế kinh tế chiếm đoạt thâu tóm hoàn toàn sản lượng nông nghiệp của người dân, sang nô dịch hóa quần chúng nhân dân và bán họ cho người Bồ Đào Nha để đổi lấy súng ống và hàng hóa xa xỉ cho giới quyền thế Kongo.
Sự khác biệt ban đầu giữa Anh và Kongo có nghĩa là trong khi các cơ hội giao thương đường dài tạo ra một thời điểm quyết định hướng tới các thể chế chính trị đa nguyên ở Anh, thì ở Kongo, chính những cơ hội đó lại làm triệt tiêu hy vọng đánh bại chủ nghĩa chuyên chế. Ở phần lớn châu Phi, lợi nhuận đáng kể từ sự nô dịch hóa chẳng những dẫn đến sự tăng cường nô dịch hóa hơn nữa và quyền sở hữu lại càng bấp bênh hơn cho dân chúng, mà còn dẫn đến chiến tranh khốc liệt và tàn phá nhiều thể chế hiện có. Chỉ trong vài thế kỷ, mọi quá trình tập quyền hóa nhà nước đều bị đảo ngược hoàn toàn, và nhiều nhà nước châu Phi sụp đổ tan tành. Cho dù một vài nhà nước mới, đôi khi cũng khá hùng mạnh, được hình thành để khai thác hoạt động mua bán nô lệ, các nhà nước này sống bằng chiến tranh và cướp bóc. Thời điểm quyết định khám phá ra châu Mỹ có thể giúp nước Anh phát triển các thể chế dung hợp nhưng lại làm cho các thể chế ở châu Phi thậm chí còn trở nên mang tính chiếm đoạt hơn.
Cho dù việc mua bán nô lệ nhìn chung đã chấm dứt từ sau năm 1807, chủ nghĩa thực dân châu Âu chẳng những đã đẩy lùi quá trình hiện đại hóa kinh tế mới phôi thai ở nhiều vùng thuộc Nam và Tây Phi mà còn cắt đứt khả năng cải cách thể chế bản xứ. Điều này có nghĩa là ngay cả bên ngoài những vùng như Congo, Madagascar, Namibia và Tanzania, những nơi mà cướp bóc, tàn phá và thậm chí giết chóc trên quy mô lớn đã trở thành luật, cũng ít có cơ hội để châu Phi thay đổi lộ trình thể chế của họ.
Thậm chí còn tệ hơn, cơ cấu cai trị thuộc địa đã để lại cho châu Phi vào thập niên 1960 một di sản thể chế còn độc hại và phức tạp hơn so với lúc mới bắt đầu thời kỳ thuộc địa. Sự phát triển thể chế chính trị và kinh tế ở nhiều thuộc địa châu Phi có nghĩa là thay vì tạo ra một thời điểm quyết định để cải thiện thể chế, nền độc lập đã mở đường cho các nhà lãnh đạo vô liêm sỉ tiếp quản và tăng cường sự chiếm đoạt mà thực dân châu Âu từng cai trị. Các động cơ chính trị mà cơ cấu này tạo ra đã dẫn đến một kiểu chính trị chỉ tái tạo phương thức quyền sở hữu không đảm bảo và không hiệu quả trong những nhà nước có xu hướng chuyên chế mãnh liệt nhưng thiếu thẩm quyền tập trung đối với lãnh thổ của họ.
Cuộc Cách mạng công nghiệp vẫn không lan đến châu Phi vì châu lục này đã trải qua một vòng xoáy đi xuống lâu dài của sự tồn tại dai dẳng và sự tái tạo các thể chế chính trị và kinh tế chiếm đoạt. Botswana là một ngoại lệ. Như ta sẽ thấy, vào thế kỷ 19, vua Khama, ông của vị thủ tướng Botswana đầu tiên thời kỳ sau độc lập, Seretse Khama, đã phát động thay đổi thể chế nhằm hiện đại hóa các thể chế chính trị và kinh tế của bộ lạc. Quả là hy hữu, những thay đổi này không bị hủy hoại trong thời kỳ thuộc địa, một phần do những thách thức khôn ngoan của Khama và các lãnh tụ khác đối với chính quyền thuộc địa. Sự tương tác của những thay đổi này với thời điểm quyết định giành độc lập từ sự cai trị thuộc địa đã đặt nền móng cho thành công kinh tế và chính trị của Botswana. Đây là một ví dụ khác về những khác biệt lịch sử nhỏ bé nhưng ý nghĩa.
Người ta có xu hướng xem các biến cố lịch sử như những hệ quả không thể tránh khỏi của những thế lực ăn sâu bám rễ. Trong khi ta hết sức chú trọng vào cách thức lịch sử thể chế kinh tế và chính trị tạo ra những vòng xoáy đi lên và đi xuống, thì sự ngẫu nhiên, như ta đã nhấn mạnh trong bối cảnh phát triển thể chế của Anh, luôn luôn có thể là một yếu tố. Seretse Khama, du học ở Anh vào thập niên 1940, đã đem lòng yêu Ruth Williams, một phụ nữ da trắng. Như một hệ quả, chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi đã thuyết phục chính phủ Anh cấm ông không được tham gia nhà nước thuộc địa, khi đó được gọi là Bechuanaland (chính phủ nước này thuộc về Cao ủy Nam Phi), và ông từ bỏ ngôi vua. Khi quay về nước để lãnh đạo cuộc đấu tranh chống thực dân, ông thực hiện công việc này với ý định sẽ không củng cố các thể chế truyền thống mà sẽ điều chỉnh chúng theo thế giới hiện đại. Khama là một con người phi thường, không màng danh lợi cá nhân và hết lòng xây dựng đất nước. Hầu hết các nước châu Phi khác đều không được may mắn như thế. Cả hai yếu tố đều quan trọng, sự phát triển thể chế lịch sử ở Botswana và các yếu tố ngẫu nhiên giúp xây dựng thể chế thay vì bị lật đổ hay bị biến dạng như ở những nơi khác ở châu Phi.
VÀO THẾ KỶ 19, cũng không khác lắm so với ở châu Phi hay Đông Âu, chủ nghĩa chuyên chế cũng cản trở con đường công nghiệp hóa ở phần lớn châu Á. Ở Trung Quốc, nhà nước chuyên chế cao độ, các thành phố độc lập, các thương nhân và nhà công nghiệp đều không tồn tại hoặc yếu thế hơn nhiều về mặt chính trị. Trung Quốc đã từng là một cường quốc hải quân và đã có nhiều hoạt động thương mại đường dài trước châu Âu nhiều thế kỷ. Nhưng đất nước đã bế quan tỏa cảng vào một thời điểm sai lầm, khi triều đại nhà Minh quyết định rằng thương mại đường dài và sự phá hủy sáng tạo mà hoạt động này mang lại sẽ đe dọa sự thống trị của họ vào cuối thế kỷ 14 và đầu thế kỷ 15.
Ở Ấn Độ, sự phân hóa thể chế đã vận hành một cách khác biệt và dẫn đến sự phát triển một hệ thống đẳng cấp cha truyền con nối cứng nhắc đặc thù, làm hạn chế sự vận hành của thị trường và sự phân bổ lao động giữa các ngành nghề còn nghiêm trọng hơn so với trật tự phong kiến ở châu Âu thời Trung cổ. Hệ thống đó cũng chống đỡ cho một hình thức cứng rắn của chủ nghĩa chuyên chế dưới sự cai trị của các hoàng đế triều đại Hồi giáo Mông cổ Mughal. Hầu hết các nước châu Âu cũng có các hệ thống tương tự vào thời Trung cổ. Những tên họ Anglo-Saxon hiện đại như Baker, Cooper và Smith là hậu duệ trực hệ của kiểu nghề nghiệp cha truyền con nối này. Những người nhà Baker thì làm bánh, dòng họ Cooper đóng thùng, còn gia tộc Smith làm thợ rèn kim loại. Nhưng những kiểu nghề nghiệp này không bao giờ cứng nhắc như sự phân biệt đẳng cấp ở Ấn Độ và dần dần trở thành vô nghĩa trong việc dự đoán nghề nghiệp của một người. Cho dù các thương nhân Ấn Độ buôn bán trên khắp Ấn Độ Dương và ngành dệt đã phát triển, hệ thống đẳng cấp và chủ nghĩa chuyên chế Mughal là những trở ngại nghiêm trọng đối với sự phát triển các thể chế kinh tế dung hợp ở Ấn Độ. Cho đến thế kỷ 19, tình hình thậm chí còn kém hy vọng đạt được công nghiệp hóa hơn khi Ấn Độ trở thành thuộc địa, bị Anh chiếm đoạt và khai thác. Trung Quốc chưa bao giờ chính thức là thuộc địa của một cường quốc phương Tây nào, nhưng sau khi người Anh đánh bại Trung Quốc trong cuộc Chiến tranh Nha phiến từ năm 1839 đến 1842, rồi một lần nữa từ năm 1856 đến 1860, Trung Quốc đã ký kết một loạt hiệp ước ô nhục cho phép hàng xuất khẩu của châu Âu thâm nhập thị trường. Khi Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác không thể tranh thủ các cơ hội thương mại và công nghiệp, thì châu Á, ngoại trừ Nhật Bản, đã tụt lại đằng sau trong khi Tây Âu tiến lên phía trước.
QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN THỂ CHẾ của Nhật Bản vào thế kỷ 19 một lần nữa cũng minh họa cho sự tương tác giữa những thời điểm quyết định và những khác biệt nhỏ hình thành từ sự phân hóa thể chế. Cũng như Trung Quốc, Nhật Bản cũng được cai trị bằng chủ nghĩa chuyên chế. Dòng tộc Tougawa tiếp quản đất nước vào năm 1600 và cai trị đất nước theo chế độ phong kiến cũng cấm đoán thương mại quốc tế. Nhật Bản cũng đứng trước một thời điểm quyết định hình thành từ sự can thiệp của phương Tây khi bốn tàu chiến Hoa Kỳ dưới sự chỉ huy của Matthew C. Perry tiến vào vịnh Edo và tháng 7/1853, yêu cầu đất nước phải nhượng bộ thương mại tương tự như nước Anh đã ép được Trung Quốc sau cuộc Chiến tranh Nha phiến. Nhưng thời điểm quyết định này kết thúc rất khác ở Nhật Bản. Cho dù kế cận bên nhau và thường xuyên tương tác, cho đến thế kỷ 19, Trung Quốc và Nhật Bản đã trở nên rất phân hóa về mặt thể chế.
Tuy sự cai trị của Tokugawa ở Nhật Bản có tính chất chuyên chế và chiếm đoạt, họ chỉ kiểm soát một cách hời hợt, đồng thời nhạy cảm trước sự thách thức của những lãnh chúa phong kiến chủ yếu khác. Cho dù có những cuộc nổi loạn của nông dân và xung đột dân sự, chủ nghĩa chuyên chế ở Trung Quốc mạnh hơn, và sự chống đối kém tổ chức và kém tự trị hơn. Ở Trung Quốc, các nhà lãnh đạo các lãnh địa khác không có thế lực tương đương để có thể thách thức sự cai trị chuyên chế của nhà vua và đi tìm một đường lối thể chế khác. Sự khác biệt thể chế này, vốn chỉ là nhỏ bé so với sự khác biệt làm ngăn cách giữa Trung Quốc và Nhật Bản so với Tây Âu, nhưng đã có những hệ quả quyết định trong thời điểm quyết định hình thành từ sự xuất hiện như vũ bão của người Anh và người Mỹ. Trung Quốc tiếp tục đường lối chuyên chế sau cuộc Chiến tranh Nha phiến, trong khi sự đe dọa của Hoa Kỳ đã thắt chặt sự chống đối chế độ Tokugawa ở Nhật Bản và dẫn đến cuộc cách mạng Minh Trị Duy Tân, như chúng ta sẽ thấy trong chương 10. Cuộc cách mạng chính trị này giúp phát triển các thể chế chính trị dung hợp hơn, và các thể chế kinh tế còn trở nên dung hợp hơn nữa, đặt nền móng cho sự tăng trưởng nhanh chóng sau này của Nhật Bản, trong khi Trung Quốc suy yếu dần trong chủ nghĩa chuyên chế.
Cách thức phản ứng của Nhật Bản trước mối đe dọa từ các tàu chiến của Mỹ, thông qua việc khởi động một quá trình chuyển đổi thể chế cơ bản, sẽ giúp chúng ta tìm hiểu một khía cạnh khác của vị thế các nước xung quanh ta: sự chuyển đổi từ đình trệ sang tăng trưởng nhanh chóng. Nam Triều Tiên, Đài Loan, và cuối cùng là Trung Quốc đã đạt được tỷ lệ tăng trưởng nhanh chóng từ sau Thế chiến thứ hai thông qua một lộ trình tương tự như Nhật Bản đã đi qua. Trong các trường hợp này, tăng trưởng được dẫn đầu bằng sự thay đổi có tính lịch sử về thể chế kinh tế của đất nước - cho dù không nhất thiết có sự thay đổi về thể chế chính trị, như được minh họa qua trường hợp của Trung Quốc.
Logic về cách thức các thời kỳ tăng trưởng nhanh chóng đi đến kết thúc đột ngột rồi đảo ngược như thế nào cũng có liên quan với nhau. Giống hệt như việc các bước đi quyết định nhằm hướng tới các thể chế kinh tế dung hợp có thể châm ngòi cho tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, sự chuyển hướng đột ngột của các thể chế dung hợp cũng có thể dẫn đến đình trệ kinh tế. Nhưng thông thường, sự sụp đổ tăng trưởng nhanh chóng, như ở Argentina và Liên Xô, là hệ quả của việc tăng trưởng trong các thể chế chiếm đoạt đi đến hồi kết. Như chúng ta đã thấy, điều này có thể xảy ra do xâu xé nội bộ để tranh giành lợi lộc từ sự chiếm đoạt, dẫn đến sụp đổ chế độ, hay do tình trạng thiếu đổi mới và không có sự phá hủy sáng tạo trong các thể chế chiếm đoạt dẫn đến một ngưỡng giới hạn đối với tăng trưởng bền vững. Cách thức đất nước Xô viết đạt đến ngưỡng giới hạn này sẽ được thảo luận chi tiết hơn trong chương sau.
NẾU CÁC THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ và kinh tế của châu Mỹ La-tinh trong 500 năm qua được định hình bởi thực dân Tây Ban Nha, thì các thể chế của Trung Đông được định hình bởi thực dân Ottoman. Năm 1453, người Ottoman dưới sự lãnh đạo của nhà vua Hồi giáo (Sultan) Mehmet II đã thôn tính Constantinople, biến nơi này thành kinh đô của họ. Suốt thời gian còn lại của thế kỷ đó, người Ottoman chinh phục những vùng đất rộng lớn ở Balkans và hầu hết phần còn lại của Thổ Nhĩ Kỳ. Vào nửa đầu thế kỷ 16, ách cai trị của đế chế Ottoman bành trướng khắp Trung Đông và Bắc Phi. Đến năm 1566, khi vị vua Hồi giáo Sultan Süleymen I, được gọi là Hoàng đế Cao cả qua đời, đế chế của ông trải rộng từ Tunisia ở phía Tây, xuyên qua Ai Cập đến tận Mecca ở bán đảo Ảrập, và đến nơi mà giờ đây là đất nước Iraq hiện đại. Nhà nước Ottoman là nhà nước chuyên chế, trong đó nhà vua Hồi giáo gần như không có trách nhiệm giải trình và không chia sẻ quyền lực với bất kỳ ai. Các thể chế kinh tế của người Ottoman có tính chiếm đoạt cao độ.
Không có sở hữu tư nhân đối với đất đai; toàn bộ đất đai thuộc sở hữu nhà nước. Thuế đất và sản lượng nông nghiệp cùng với chiến lợi phẩm từ chiến tranh là nguồn thu ngân sách chính. Tuy nhiên, nhà nước Ottoman không thống trị Trung Đông theo cùng một cách thức như họ có thể thống trị khu trung tâm ở Anatolia hay thậm chí với mức độ như nhà nước Tây Ban Nha đã thống trị xã hội châu Mỹ La-tinh. Nhà nước Ottoman liên tục bị người Ảrập du cư và các bộ lạc hùng mạnh khác ở bán đảo Ảrập gây khó khăn. Chẳng những họ không có khả năng áp đặt một trật tự ổn định trên phần lớn lãnh thổ Trung Đông mà còn không có năng lực tổ chức thu thuế. Vì thế họ “bán khoán” việc thu thuế cho các cá nhân, nghĩa là bán đứt quyền thu thuế cho những người khác, cho phép những người này được thu thuế bằng bất kỳ cách nào khả dĩ. Những người nhận khoán thuế này (tax farmers) trở nên tự trị và có quyền lực. Thuế suất trên các lãnh thổ Trung Đông rất cao, từ một nửa đến 2/3 sản lượng nông dân sản xuất ra. Phần lớn nguồn thu này được những người nhận khoán thuế giữ lại. Vì nhà nước Ottoman không thể thiết lập một trật tự ổn định ở đây, nên các quyền sở hữu tài sản không được đảm bảo, và tình trạng vô luật pháp cũng như cướp bóc tràn lan khi các băng nhóm vũ trang tranh giành quyền kiểm soát địa phương. Ví dụ như ở Palestine, tình hình thảm khốc đến mức ngay từ cuối thế kỷ 16, nông dân đã phải lìa bỏ phần lớn đất đai màu mỡ và di dời lên các vùng núi cao, giúp họ trốn tránh các băng đảng.
Các thể chế kinh tế chiếm đoạt ở các vùng đô thị của Đế chế Ottoman cũng không kém phần ngột ngạt. Hoạt động thương mại phải chịu sự kiểm soát của nhà nước, và nghề nghiệp được điều tiết chặt chẽ bởi các phường hội và các thế lực độc quyền. Hậu quả là vào thời điểm Cách mạng công nghiệp, các thể chế kinh tế của Trung Đông vẫn có tính chiếm đoạt, và kinh tế thì đình trệ.
Cho đến thập niên 1840, người Ottoman cố gắng cải cách thể chế - chẳng hạn như thông qua việc chấm dứt bán khoán quyền thu thuế và đưa các băng nhóm tự trị địa phương vào vòng kiểm soát. Nhưng chủ nghĩa chuyên chế tồn tại dai dẳng cho đến tận Thế chiến thứ nhất, và các nỗ lực cải cách bị phá hoại bởi nỗi lo sợ thông thường về sự phá hủy sáng tạo và nỗi lo sợ mất mát về kinh tế và chính trị của các nhóm quyền thế. Trong khi các nhà cải cách Ottoman nói đến việc thực hiện quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai nhằm gia tăng năng suất nông nghiệp, song vì mong muốn giữ được sự kiểm soát về chính trị và thuế khóa nên hiện trạng vẫn được giữ nguyên. Thời kỳ thuộc địa Ottoman được tiếp nối bằng thời kỳ thuộc địa châu Âu sau năm 1918. Khi sự kiểm soát của châu Âu chấm dứt, động thái ở nơi đây cũng giống hệt như những gì chúng ta đã thấy ở vùng hạ Sahara thuộc châu Phi, với các thể chế thuộc địa chiếm đoạt được tiếp quản bởi giới quyền thế độc lập. Trong một vài trường hợp, như nền quân chủ ở Jordan chẳng hạn, giới quyền thế là sản phẩm trực tiếp của cường quốc thực dân, nhưng như chúng ta sẽ thấy, điều này lại xảy ra thường xuyên ở châu Phi. Những nước Trung Đông không có dầu mỏ ngày nay có mức thu nhập tương tự như các nước nghèo ở châu Mỹ La-tinh. Họ không khốn khổ vì các áp lực bần cùng hóa như buôn bán nô lệ, và họ được hưởng lợi từ dòng chảy công nghệ từ châu Âu trong một thời gian dài. Vào thời Trung cổ, bản thân Trung Đông cũng là một vùng tương đối tiên tiến về mặt kinh tế trên thế giới. Vì thế ngày nay nơi này không nghèo như châu Phi, nhưng đa số dân chúng vẫn sống trong đói nghèo.
o0o
TA ĐÃ THẤY RẰNG không phải các lý thuyết dựa vào địa lý, văn hóa hay sự vô minh giúp giải thích vị thế các quốc gia xung quanh ta. Những lý thuyết đó không giúp giải thích một cách thỏa đáng cho mô thức về sự cách biệt giàu nghèo rõ rệt trên thế giới: đó là quá trình phân hóa kinh tế bắt đầu với cuộc Cách mạng công nghiệp ở Anh vào thế kỷ 18 và 19 rồi lan sang Tây Âu cũng như các thuộc địa định cư của người châu Âu; sự phân hóa dai dẳng giữa các vùng khác nhau ở châu Mỹ; tình trạng đói nghèo của châu Phi hay Trung Đông; sự phân hóa giữa Đông và Tây Âu; và sự chuyển hóa từ đình trệ sang tăng trưởng và đôi khi là sự kết thúc đột ngột của một quá trình tăng trưởng nhanh chóng. Lý thuyết thể chế của chúng tôi có thể giải thích được những mô thức này một cách thỏa đáng.
Trong các chương còn lại, chúng ta sẽ thảo luận chi tiết hơn cách thức vận hành của lý thuyết thể chế, được minh họa bằng một loạt các hiện tượng mà lý thuyết này có thể giải thích. Các hiện tượng này trải dài từ nguồn gốc của cuộc Cách mạng thời kỳ Đồ đá mới cho đến sự sụp đổ của một số nền văn minh, mà nguyên nhân là do những giới hạn nội tại đối với sự tăng trưởng trong các thể chế chiếm đoạt, hoặc do những bước tiến hạn chế hướng tới tính dung hợp đã bị đảo ngược.
Chúng ta sẽ thấy cách thức và lý do các biện pháp hướng tới các thể chế chính trị dung hợp đã được tiến hành như thế nào trong cuộc Cách mạng Vinh quang ở Anh. Chúng ta sẽ xem xét cụ thể hơn những vấn đề sau đây:
• Các thể chế dung hợp đã xuất hiện như thế nào từ sự tương tác của thời điểm quyết định do hoạt động thương mại Đại Tây Dương tạo ra và bản chất của các thể chế của nước Anh trước đó.
• Các thể chế này tồn tại dai dẳng như thế nào và được củng cố ra sao để đặt nền móng cho cuộc Cách mạng công nghiệp, một phần nhờ vào vòng xoáy đi lên và một phần nhờ vào những yếu tố ngẫu nhiên may mắn.
• Nhiều chế độ cai trị bằng các thể chế chuyên chế và chiếm đoạt đã kiên trì chống lại sự lan truyền các công nghệ mới hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp ra sao.
• Chính bản thân người châu Âu đã dập tắt khả năng tăng trưởng kinh tế như thế nào ở nhiều nơi trên thế giới mà họ đến chinh phục.
• Vòng xoáy đi xuống và quy luật sắt của thể chế chính trị đầu sỏ đã tạo ra một khuynh hướng mãnh liệt để các thể chế chiếm đoạt tồn tại dai dẳng, và vì thế, những nơi mà cuộc Cách mạng công nghiệp không lan đến được ngay từ đầu vẫn còn tương đối nghèo.
• Tại sao cuộc Cách mạng công nghiệp và các công nghệ mới khác không lan truyền và không thể lan truyền đến những nơi trên thế giới mà cho đến tận ngày nay mức độ tập quyền tối thiểu của nhà nước vẫn chưa đạt được.
Thảo luận của chúng tôi cũng sẽ cho thấy những nơi đã xoay sở để thay đổi thể chế theo chiều hướng dung hợp hơn, như Pháp hay Nhật Bản, hay những nơi đã ngăn chặn sự thành lập các thể chế chiếm đoạt, như Hoa Kỳ và Úc, sẽ dễ lĩnh hội sự lan truyền của cuộc Cách mạng công nghiệp hơn và sẽ tiến lên phía trước. Như trường hợp nước Anh, không phải lúc nào đây cũng là một quá trình xuôi chèo mát mái, và trên hành trình này, nhiều thách thức đối với các thể chế dung hợp đã được khắc phục, đôi khi do diễn biến động học của vòng xoáy đi lên, đôi khi nhờ vào lộ trình ngẫu nhiên của lịch sử.
Cuối cùng, chúng ta cũng sẽ thảo luận sự thất bại của các quốc gia ngày nay chịu ảnh hưởng nặng nề của lịch sử thể chế nước họ như thế nào, sự tư vấn chính sách thấm nhuần các giả thuyết sai lạc và có tiềm năng gây lạc hướng ra sao, và các quốc gia vẫn còn có thể chớp lấy các thời điểm quyết định và phá vỡ khuôn khổ như thế nào nhằm cải cách thể chế và bước vào một lộ trình thịnh vượng hơn.
Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)