Chủ nghĩa tiêu dùng: Đừng đổ lỗi cho thị trường vì nó mang lại cho con người những gì họ muốn
Mọi người đều biết rằng Đức Giáo hoàng lên án cái mà ngài gọi là “chủ nghĩa tiêu dùng”. Trong một bài phát biểu vào năm 2015, ngài nói: "Chủ nghĩa tiêu dùng ngày nay xác định điều gì là quan trọng. Tiêu dùng các mối quan hệ, tiêu dùng tình bạn, tiêu dùng tôn giáo, tiêu dùng và tiêu dùng... bất chấp phí tổn hoặc hậu quả. Đó là một sự tiêu dùng không thúc đẩy gắn kết, một sự tiêu dùng có rất ít điểm chung với các mối quan hệ giữa người với người. Các quan hệ xã hội chẳng qua chỉ là “phương tiện” để thỏa mãn “nhu cầu của tôi”. Giờ đây người hàng xóm với khuôn mặt thân thuộc, với câu chuyện và tính cách của anh ta, đã không còn quan trọng nữa”. Ông cho rằng người ta đang tiêu dùng quá nhiều của cải vật chất và bỏ qua những gì thực sự quan trọng trong cuộc sống. Tại sao lại tiêu tiền vào những thứ rườm rà vô bổ như thú cảnh và mỹ phẩm?
Tất nhiên Mises đã không thể biết Giáo hoàng Francis, nhưng trước đó rất lâu ông đã phản bác lại những người có ý kiến phàn nàn chống lại chủ nghĩa tư bản theo kiểu thị trường tự do. Ông đã chỉ ra rằng chủ nghĩa tư bản là một hệ thống sản xuất hàng loạt cho đại chúng. Hệ thống đó cung cấp cho mọi người những gì họ muốn, miễn là việc sản xuất những thứ đó có thể mang lại lợi nhuận. Nếu bạn không thích những gì mọi người muốn, đừng đổ lỗi cho chủ nghĩa tư bản. Như thể đã đọc trước được những nhận xét của Giáo hoàng, trong cuốn Não trạng bài tư bản, Mises viết: “Mặc dù vậy vẫn có nhiều người, đặc biệt là giới trí thức, ghét chủ nghĩa tư bản một cách hăng say. Theo họ, phương thức tổ chức kinh tế khủng khiếp này của xã hội chẳng mang lại gì ngoài sự tai ương và khốn khổ. Trước khi “Cách mạng công nghiệp” diễn ra thì con người từng sống những ngày tốt đẹp, thịnh vượng và hạnh phúc. Còn bây giờ, dưới chủ nghĩa tư bản, hầu hết mọi người trở nên đói khát và bị bóc lột tàn nhẫn bởi những kẻ cá nhân chủ nghĩa thô bạo. Đối với những kẻ vô lại này thì trên đời chẳng có gì đáng giá ngoài lợi ích tiền bạc của chúng. Chúng không sản xuất những thứ tốt và thực sự hữu ích, mà chỉ tạo ra những thứ mang lại lợi nhuận cao nhất. Chúng đầu độc cơ thể bằng đồ uống có cồn và thuốc lá, đầu độc tâm hồn và trí óc bằng báo lá cải, sách khiêu dâm hay những bộ phim hoạt hình ngớ ngẩn”.
Mises cho rằng chủ nghĩa tư bản là một hệ thống sản xuất hàng loạt cho đại chúng. Hệ thống đó mang lại cho mọi người những gì họ muốn, miễn là làm như vậy sẽ có lãi. “Đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa tư bản hiện đại là sản xuất hàng loạt những hàng hóa được quần chúng nhân dân tiêu dùng… Trên thị trường của một xã hội tư bản, một người bình thường là người tiêu dùng tự chủ mà hành động mua hay không mua của anh ta cuối cùng sẽ quyết định những hàng hóa gì nên được sản xuất với số lượng và chất lượng như thế nào”.
Chính ở điểm này, sự đối lập giữa Mises và Giáo hoàng Francis càng sâu sắc. Tôi không biết Giáo hoàng đã đọc những tác phẩm của Mises hay chưa, nhưng ông ấy hẳn rất quen với lập luận mà Mises đưa ra. Phản hồi của ông là ngay cả khi chủ nghĩa tư bản mang lại cho con người những gì họ muốn, thì nó vẫn có khiếm khuyết. Những gì Mises coi là một phẩm chất của chủ nghĩa tư bản thì trên thực tế lại không phải vậy. Đức Giáo hoàng nói, "Kết quả là một nền văn hóa loại bỏ mọi thứ không còn 'hữu ích' hoặc 'thỏa mãn' thị hiếu của người tiêu dùng. Chúng ta đã biến xã hội của mình thành một nơi trưng bày đa văn hóa khổng lồ những thứ chỉ gắn với thị hiếu của những “người tiêu dùng” nhất định.
Nói tóm lại, nếu cái mà con người muốn là sai trái thì việc cung cấp cho họ những thứ họ muốn là sai lầm. Để trả lời Đức Giáo hoàng, chúng ta cần giải quyết hai điểm. Đầu tiên, ngay cả khi con người lựa chọn sai, liệu họ có hành động vượt quá quyền hạn của mình không? Việc ép buộc họ vào một lối sống giản tiện hơn và ít vật chất hơn sẽ là can thiệp vào quyền tự do của họ trong việc tiêu tiền theo ý muốn.
Tất nhiên, Giáo hoàng có thể, và chắc chắn sẽ trả lời vấn đề này bằng cách phủ nhận rằng mọi người có quyền sở hữu mạnh mẽ. Đúng hơn là việc chi tiêu mà họ được phép phải được định hướng bởi “lợi ích chung”.
Tuy nhiên, ở điểm này Giáo hoàng cần phải đối mặt với một vấn đề khác mà Mises đã lưu ý. Sau khi trích dẫn một số nhà thần học có cùng quan điểm về chủ nghĩa tư bản giống như của Giáo hoàng Francis, Mises chỉ ra: “Họ không nhận ra tính chất đầu cơ vốn có trong mọi nỗ lực nhằm cung cấp sự thỏa mãn cho các mong muốn trong tương lai, hay nói cách khác là trong mọi hành động của con người. Họ ngây thơ cho rằng không thể tồn tại bất kỳ nghi ngờ nào về việc áp dụng các biện pháp phân phối hàng hóa tốt nhất cho người tiêu dùng. Những người ủng hộ nền kinh tế kế hoạch chưa bao giờ quan niệm rằng nhiệm vụ của nền kinh tế là cung cấp những nhu cầu trong tương lai mà chúng có thể khác với những nhu cầu hiện tại, và sử dụng các yếu tố sản xuất sẵn có khác nhau theo cách hợp lý nhất để thỏa mãn những mong muốn không chắc chắn trong tương lai này.” (Human Action, Scholars Edition, p.672). Tóm lại, Giáo hoàng sẽ phải giải quyết vấn đề dự toán xã hội chủ nghĩa.
Lập luận vừa được đưa ra có nghĩa là, ngay cả khi những điều Giáo hoàng chỉ trích chủ nghĩa tiêu dùng là đúng thì ông ấy cũng đã không đưa ra được một hệ thống thay thế khả thi. Người ta cũng có thể phê phán lập luận của Đức Giáo hoàng một cách trực tiếp hơn. Thực tế thì việc mọi người chi một số tiền lớn cho tiêu dùng có phải là điều xấu không? Lew Rockwell đã lập luận rằng không phải vậy. “Đúng là thật dễ để nhìn vào tất cả những điều này và hét lên: chủ nghĩa tiêu dùng thật kinh khủng!… Có thể bạn nghĩ rằng chất lượng cuộc sống không phải là việc gì to tát. Liệu việc mọi người có khả năng tiếp cận các cửa hàng thực phẩm khổng lồ, các hiệu dược phẩm tạp hoá, các cửa hàng chuyên biệt hay công nghệ có đáng lưu tâm hay không?... Hãy xét đến tuổi thọ trung bình trong thời đại của chủ nghĩa tiêu dùng. Vào những năm 1900, tuổi thọ trung bình của phụ nữ là 48 và nam giới là 46. Còn ngày nay thì sao? Phụ nữ sống đến 80 tuổi và nam giới là 77. Nhờ chế độ ăn uống tốt hơn, công việc ít nguy hiểm hơn, hạ tầng vệ sinh và an toàn vệ sinh được cải thiện, khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe tốt hơn và toàn bộ các yếu tố góp phần tạo nên cái mà chúng ta gọi là tiêu chuẩn sống. Chỉ kể từ năm 1950, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm 77%. Kết quả là dân số đang tăng lên theo cấp số nhân.
Thật dễ để nhìn vào những con số này và cho rằng chúng ta cũng có thể đạt được điều tương tự với một kế hoạch tập trung cho sức khỏe, đồng thời tránh được chủ nghĩa tiêu dùng ghê tởm đi kèm với nó. Nhưng một kế hoạch tập trung như vậy đã được thử nghiệm ở các nước xã hội chủ nghĩa, và các thống kê về tỷ lệ tử vong cho thấy những kết quả hoàn toàn ngược lại. Trong khi những ndgười xô-viết chê bai sự nghèo đói dai dẳng của chúng ta khi chủ nghĩa tiêu dùng tràn lan, thì tình trạng nghèo đói của chúng ta đang giảm dần và tuổi thọ đang tăng lên, một phần lớn chính là nhờ thứ chủ nghĩa tiêu dùng mà chúng ta đang bị miệt thị”.
* David Gordon là Thành viên cao cấp tại Viện Mises và là biên tập viên của Tạp chí Mises Review
Nguồn: David Gordon, Consumerism: Don't Blame the Market for Delivering What People Want, Mises Institute, 28/8/2018