[Tinh thần dân chủ] Chương 10: Châu Á là ngoại lệ? (Phần 7)

[Tinh thần dân chủ] Chương 10: Châu Á là ngoại lệ? (Phần 7)

CHUYỂN HÓA ĐỘC TÀI

Nhưng dài là bao lâu? Và làm sao các nhà cầm quyền cộng sản thoát ra khỏi giai đoạn độc tài? Có bốn kịch bản khả dĩ sau đây.

Chính quyền độc tài có thể kéo dài suốt nhiều thập kỉ, với quá trình chuyển hóa dần dần từ chế độ độc tài hiện tại đến chế độ “pháp quyền tư vấn” (consultative rule of law), tức là độc lập về tư pháp, đa nguyên trong lĩnh vực dân sự và những biện pháp giao tiếp giữa người dân và chính quyền nhưng không có các cuộc bầu cử có tính cạnh tranh hay, đáng sợ hơn, từ bỏ vai trò bá quyền của Đảng Cộng sản.1 Nói cách khác, hệ thống của Trung Quốc sẽ dần dần hội tụ với mô hình Singapore, trở thành không còn là nước cộng sản nữa và cũng không đàn áp một cách trắng trợ nữa. Nhưng ngoài sự khác biệt đập ngay vào mắt là quy mô giữa hai nước, tham nhũng ở Trung Quốc hiện đã thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực đến mức thật khó tưởng tượng làm sao có thể ngăn chặn trừ khi người dân có quyền, một cách dân chủ, buộc những người lãnh đạo phải có trách nhiệm giải trình. Và nếu Trung Quốc không thực sự hướng về phía nhà nước “pháp quyền tư vấn” với bộ máy tư pháp thực sự độc lập và không gian lớn hơn nữa cho các phương tiện truyền thông độc lập và cho các tổ chức dân sự và bất đồng chính kiến, thì phong trào quần chúng – ở quy mô mà các nhà cầm quyền Singapore thậm chí không hề nghĩ tới – chắc chắn sẽ xuất hiện nhằm đòi hỏi chế độ dân chủ đầy đủ, như đã từng xảy ra trong lịch sử Trung Quốc trong thế kỉ vừa qua.2 Đấy chính là lý do vì sao các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc sợ những cuộc cải cách do Mikhail Gorbachev thực hiện ở Liên Xô. Các nhà dân chủ của chính Trung Quốc cũng đồng ý như thế. Cách đây chưa lâu, một nhà khoa bảng hàng đầu đã nói với tôi: “Tiến trình cải cách của Trung Quốc tích tụ rủi ro. Trung Quốc như con tàu đang tăng tốc mà không có phanh. Nó sẽ tiếp tục chạy, vượt qua mô hình Singapore”.

Kịch bản thứ hai là một quá trình chuyển hóa dần dần thành chế độ dân chủ mà động lực là phát triển kinh tế – như đã từng xảy ra ở Đài Loan và (nhanh hơn) ở Hàn Quốc. Theo ước tính của nhà kinh tế học tại Viện Hoover, cũng là cựu chủ tịch Hội đồng tình báo quốc gia, Henry S. Rowen, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh, thậm chí nếu có chậm lại một chút, ví dụ, 7% một năm. Tốc độ tăng trưởng đó sẽ làm tăng thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc từ 6.000 USD hiện nay (tính bằng sức mua tương đương) lên 10.000 USD (theo giá USD năm 2006) vào năm 2015 – ngang với Mexico và Malaysia hiện nay và cao hơn một chút so với thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc vào thời điểm nước này chuyển sang dân chủ vào năm 1987. Năm 2015, Rowen dựa đoán chí ít Trung Quốc cũng sẽ trở thành nước “tự do phần nào” (theo xếp hạng của Freedom House về các quyền chính trị và quyền tự do dân sự). Giả sử một tốc độ tăng trưởng giảm xuống còn 5% một năm trong mười năm sau, Rowen dự đoán rằng đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng lên đến 14.000 USD (theo giá USD năm 2006), ngang với Argentina và Ba Lan ngày hôm nay. Vào thời điểm đó, Rowen dự đoán, Trung Quốc sẽ tiến hành quá trình chuyển hóa dân chủ, mà động lực là các lực lượng nội bộ, như đã thảo luận trong chương 4: trình độ giáo dục và thông tin gia tăng, sự phức tạp của xã hội và chủ nghĩa đa nguyên ngày càng tăng lên, ép nhà nước phải bảo đảm nhiều quyền tự do chính trị và cạnh tranh hơn thì mới duy trì tính hợp pháp.3

Bằng chứng của điều tra dư luận ủng hộ cho phân tích của Rowen. Trong giai đoạn từ năm 1993 đến năm 2002, mức độ ủng hộ các giá trị dân chủ ở Trung Quốc đại lục đã tăng lên đáng kể, mặc dù vẫn thấp hơn hẳn so với Hong Kong và Đài Loan. Ví dụ, số người Trung Quốc đồng ý với tuyên bố: “Người lãnh đạo chính phủ cũng giống như người đứng đầu gia đình, chúng ta phải làm theo tất cả các quyết định của ông ta” đã giảm từ 73 xuống còn 53%; những người sẵn sàng để cho “các nhà lãnh đạo liêm khiết về mặt đạo đức... quyết định tất cả mọi thứ” giảm từ 70 xuống còn 47%; những người nói rằng quan tòa nên chấp nhận những hướng dẫn của ngành hành pháp trong quá trình xét xử những vụ án quan trọng giảm từ 64 xuống còn 45% – tất cả diễn ra chỉ trong một thập kỉ. Năm 2002, tỉ lệ người bác bỏ các giá trị độc tài không khác nhiều so với Đài Loan hồi giữa những năm 1980, ngay trước khi nước này tiến hành công cuộc chuyển hóa sang dân chủ.4 Hơn nữa, đặc điểm của cá nhân liên quan
mật thiết với sự ủng hộ các giá trị dân chủ ở Trung Quốc là trình độ học vấn. Khi người Trung Quốc được học hành tốt hơn, họ sẽ tiếp tục là những người ủng hộ các giá trị dân chủ mạnh mẽ hơn.5

Hai khả năng cuối cùng cho quá trình chuyển hóa sang chế độ dân chủ ở Trung Quốc giả định rằng hệ thống này sẽ không tồn tại được lâu và cũng không tự chuyển hóa một cách từ từ như là kết quả của sự thành công của chính Trung Quốc. Nó sẽ sụp đổ, để trở thành một hình thức mới của chủ nghĩa độc tài hay chế độ dân chủ. Những quan điểm rất khác nhau này thể hiện sự thối rữa đã tích tụ trong nền tảng của sự thần kì về kinh tế của Trung Quốc, một nhà nước đảng trị mà nhà nghiên cứu chính trị học Minxin Pei khẳng định rằng sẽ không có khả năng giải quyết và cải tổ, bởi vì đảng và nhà nước chính là cốt lõi của vấn đề. Pei, một học giả thường trú tại Carnegie Endowment ở Washington, tương tự như Dali Yang, sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc và hiện là một trong những học giả hàng đầu về Trung Quốc ở Hoa Kỳ, khẳng định rằng chế độ độc tài ở Trung Quốc không còn là “phát triển” nữa. Không những thế, đấy là “nhà nước cướp bóc đã được phân quyền”, trong đó, “lợi ích cá nhân của các nhân viên của nó” – kiếm tiền khi vụ bùng nổ còn tiếp tục và làm giàu một cách nhanh chóng nhất có thể, bằng bất cứ phương tiện nào – đang từ từ phá hủy sự ổn định chính trị. Kết quả là tăng trưởng kinh tế không bền vững, “đạt được do bất bình đẳng gia tăng, hạn chế đầu tư cho nhân lực, phá hủy môi trường, và tham nhũng tràn lan.”6 Nhiều thành phố và thị trấn đã và đang chứng kiến tội phạm có tổ chức kiểm soát lĩnh vực kinh doanh với sự thông đồng và bảo vệ của chính quyền đến mức những khu vực này đã trở thành “nhà nước mafia khu vực.”7 Những người cầm quyền ở địa phương cướp bóc nông dân nghèo, thu các khoản thuế và lệ phí bất hợp pháp và bán lại đất của nông dân cho các doanh nghiệp có lợi nhuận cao.8 Một báo cáo của chính phủ năm 2006 “khẳng định rằng, hơn 60% các vụ mua lại đất gần đây để xây dựng là bất hợp pháp.”9 Tháng 9 năm 2006, “công ty kiểm toán hàng đầu của nước này cảnh báo rằng nạn cướp bóc và lạm dụng tài sản của chính phủ đã phá hoại nhiều tài sản và là mối đe dọa lớn nhất đối với các quốc gia.”10 Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã ra đòn với một số quan chức cao cấp, nhưng đây là những vụ thanh trừng có chọn lọc – nhằm vô hiệu hóa các đối thủ – và không thể giải quyết được quy mô của cuộc khủng hoảng. Pei và các nhà phê bình khác dự đoán rằng hệ thống này chỉ có thể tự điều chỉnh một cách hời hợt, không hơn; sớm muộn gì nó cũng thua “sự năng động mang tính tự hủy, có mặt trong hầu hết các chế độ chuyên quyền: trách nhiệm giải trình chính trị chấp, thiếu trách nhiệm trước dân, thông đồng và tham nhũng.”11

Nhìn theo cách này, Trung Quốc đang bị mắc kẹt trên đường chuyển hóa và thiếu phương tiện mang tính thiết chế hoặc thiếu ý chí để hoàn thành quá trình chuyển hóa. Chẳng bao lâu nữa, những căn bệnh này sẽ cản trở, không cho kinh tế phát triển, làm gia tăng thái độ bất mãn của dân chúng, và tiếp tục bào mòn tính hợp pháp và năng lực của nhà nước. Pei không nghĩ rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ sụp đổ trong tương lai gần. Không những thế, hệ thống có thể tiếp tục “mắc kẹt trong tình trạng trì trệ về kinh tế và chính trị kéo dài” trước khi nó sụp đổ hẳn, về mặt chính trị cũng chẳng khác gì người ta đồng loạt rút tiền ra khỏi một ngân hàng nào đó, đấy là nói nếu trước đó hệ thống không tiến hành cải cách một cách căn bản.12 Hiện nay, Trung Quốc đang chứng kiến một trong những dấu hiệu đáng chú ý nhất của một chế độ đã mất niềm tin vào chính nó. Năm 2006, một nhà trí thức có nhiều mối quan hệ ở Trung Quốc nói với tôi rằng ngày càng có nhiều quan chức cộng sản Trung Quốc gửi tài sản của mình ra nước ngoài. “Chúng tôi bi quan [về tương lai của chế độ]”, ông nói. “Nhưng họ còn bi quan hơn”.

Pei tin rằng chế độ sụp đổ có khả năng dẫn đến một hình thức độc tài mới (hay sự thất bại nhà nước) cũng như có thể dẫn tới chế độ dân chủ. Tuy nhiên, có một quan điểm tràn đầy hi vọng về cái đích mà “nạn tham nhũng, quản trị tồi, bất công, bất ổn, và đàn áp” sẽ dẫn tới: đấy là chế độ dân chủ.13 Trong tác phẩm có tính khiêu khích của mình, nhan đề Tương lai dân chủ của Trung Quốc (China’s Democratic Future), Bruce Gilley, một nhà chính trị học Canada, người đã dành gần một thập kỉ để tường trình về Trung Quốc, đã trình bày điều mà tôi nghĩ là kịch bản chuyển hóa hợp lí nhất đối với Trung Quốc.

Thành công hay thất bại thì tất cả các chế độ độc tài cũng đều bị nguyền rủa. Nếu ngoại suy của Rowen về tương lai phát triển của nền kinh tế Trung Quốc là chính xác thì năm 2025 hoặc một ngày nào đó tương tự như thế trong tương lai còn khá xa, đa phần người Trung Quốc sẽ bước vào tầng lớp trung lưu. Sau khi đã có cuộc sống tốt hơn về vật chất thì họ sẽ muốn nhiều hơn: công lí, nhân phẩm, trách nhiệm giải trình, có quyền cất lên tiếng nói của mình. Ngay cả trong cái tương lai đã được hình thành bằng những nỗ lực cải cách từ từ và quản trị tốt hơn, tầng lớp trung lưu mới này chắc chắn sẽ thể hiện sự bất bình trước nạn tham nhũng ở địa phương, những biểu hiện của sự thiên vị và áp bức, và chính phủ trung ương sẽ không thể giải quyết được những vấn đề này nếu thiếu cơ chế dân chủ, tức là cơ chế cung cấp cho cử tri ở tất cả các cấp chính quyền khả năng thay thế những nhà lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ. Đây là phiên bản lạc quan. Trong kịch bản bi quan hơn: Nếu thu nhập quốc gia của Trung Quốc đạt mức như Rowen dự đoán mà bất bình đẳng và hiện tượng nghèo đói không giảm “thái độ cực đoan của người nghèo” sẽ đạt quy mô mang tính bùng nổ và thay đổi chính trị sẽ diễn ra theo cách khác, bạo lực hơn.14 Trong cả hai kịch bản, Gilley khẳng định, nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ phải đối mặt với xã hội dân sự rộng lớn hơn, tháo vát hơn và liên kết với nhau tốt hơn xã hội dân sự đã hiện diện trong cuộc nổi dậy dân chủ vào năm 1989. Đây là hậu quả không thể tránh khỏi của thế hệ của cải cách thị trường và bành trướng diễn ra nhanh đến chóng mặt trong thập kỉ vừa qua.15 Với sự bùng nổ của sách, báo, TV và máy tính, “Trung Quốc hiện đã tràn ngập thông tin, đã từng bị coi là có tính phản loạn như hồi những năm đầu 1990.”16 Số lượng các NGO đăng ký chính thức với chính quyền đã tăng từ 4.500 vào năm 1988 lên hơn 300.000 vào năm 2006, và người ta cho rằng thực tế lớn hơn mười lần con số đó.17

Muốn đáp ứng kì vọng của xã hội tự tin hơn, có hiểu biết hơn, liên kết chặt chẽ hơn và đòi hỏi theo tinh thần dân chủ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc chí ít cũng sẽ phải cho phép nhiều quyền tự do hơn để dân chúng tổ chức, thảo luận, và hội họp, và những cuộc bầu cử có cạnh tranh nhằm thay thế các nhà lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ ở cấp chính quyền cao hơn là làng xã. Giới ăn trên ngồi trốc cầm quyền ở Trung Quốc biết cải cách sẽ dẫn đến đâu – dẫn tới chế độ dân chủ và rất có thể là đảng Cộng sản sẽ mất quyền lực – và đây là lý do vì sao họ đã và đang chống lại nó. Nhưng kháng cự mãi có thể dẫn đến cơn chấn động vì những vụ phản đối như năm 1989, nhưng lần này là từ xã hội dân sự rộng lớn hơn, liên kết hơn, có thể lật nhào chế độ ngay lập tức và quan trọng nhất là, trước khi các nhà lãnh đạo đảng có thể đảm bảo được tính mạng và tài sản của họ. Vì vậy, đến một lúc nào đó (như người ta đã làm ở Hàn Quốc và Đài Loan) khi tầng lớp cầm quyền quyết định rằng tốt hơn là chấp nhận nguy cơ mất quyền chứ đừng để xảy ra nguy cơ mất tất cả. Vì nếu tình hình xấu đi, họ cũng có thể có các cố vấn, những người nhắc nhở họ về những bài học của lịch sử chưa xa: “Những chế độ chờ đợi quá lâu đã từng chứng kiến những nhà cầm quyền bị lôi ra khỏi văn phòng và bị cho một phát đạn vào sọ.”18

Tuy nhiên, hiện chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ giới lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc sẵn sàng tiến hành những cuộc cải cách dân chủ một cách từ từ. Như Pei đã chỉ ra, những cuộc cải cách khiêm tốn được tung ra hồi cuối những năm 1980 đã bị ngưng lại. Những cuộc bầu cử có tính cạnh tranh cho những hội đồng làng xã ngày càng bị những ông trùm của đảng ở địa phương và bọn tội phạm hình sự thao túng. Đại hội Nhân dân Toàn quốc (quốc hội Trung Quốc) không trở thành cơ quan lập pháp và có quyền giám sát thật sự; không có dự luật nào do các đại biểu đề xuất trở thành luật, và những cuộc họp hàng năm của cơ quan này vẫn chỉ là, như tờ New York Times nhận xét trong bài xã luận gần đây, ‘Một chương trình được dàn dựng nhằm đóng dấu lên những quyết định đã có sẵn từ trước.”19 Số vụ kiện hành chính giảm hẳn, người khởi kiện phát hiện ra là trong năm vụ thì họ chỉ có cơ hội thành công trong một vụ mà thôi. Ngày càng nhiều luật sư bị giam giữ và bị chính quyền lăng mạ. Các tòa án vẫn chưa có đủ nhân viên và bị chính trị hóa quá cao.20 Việc cắt xén theo lối bảo thủ công cuộc cải cách chính trị dường như sẽ không được người ta uốn nắn lại, vì như Gilley giải thích, các nhà lãnh đạo cộng sản “bị giam hãm trong chính những việc họ đã làm. Họ có thể từ chối cải cách và đối mặt với những vụ phản đối hay tiến hành cải cách và mất việc.”21

Sự tức giận và phản đối của dân chúng có thể xuất phát không chỉ từ sự nôn nóng muốn có dân chủ do quá trình phát triển tạo ra, như ở Hàn Quốc trong những năm 1980, mà còn từ sự phá sản của chế độ độc tài. Tương tự như những triều đại Trung Quốc trước đây, chế độ cộng sản có thể đã mất “thiên mệnh” khi những căn bệnh do quản trị tồi gây ra đạt đến khối lượng tới hạn. Tội phạm, tham nhũng, ô dù, gian lận trong lĩnh vực ngân hàng, hành động bạo ngược của chính quyền địa phương, thiếu trách nhiệm của chính quyền quốc gia, và một loạt những căn bệnh khác đang đe dọa chế độ, như Gilley và Pei đã khẳng định. Bất bình đẳng về kinh tế gia tăng đột ngột, đến mức “ngang với những nước bất bình đẳng nhất ở Mỹ Latin hay châu Phi” và có thể trở thành một cú hích chứa đầy nọc độc.22 Khoảng cách về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư và giữa thành thị với nông thôn đang gia tăng nhanh chóng. Nông thôn phát triển chậm và tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt, thanh niên phải chuyển vào các thành phố và tạo thành một đám đông dân nhập cư không gốc rễ, sẵn sàng bị lôi kéo vào các cuộc phản đối. “Lúc nào cũng có hơn 120 triệu lao động di cư từ nông thôn tìm việc làm, lang thang trên đường trong các thành phố của Trung Quốc.”23 Thiếu đầu tư vào lĩnh vực y tế và giáo dục trong một thời gian dài – làm cho đất nước dễ bị những dịch bệnh như AIDS và cúm gia cầm tấn công hay lâm vào khủng hoảng vì bệnh SARS năm 2003 – đã tước đoạt của những người nghèo ngay quyền tiếp cận hạn chế đối với việc chăm sóc sức khỏe mà họ được hưởng trong chủ nghĩa cộng sản (trên thực tế). Các loại bệnh mãn tính đang bùng nổ, năm 2006 HIV được báo cáo là đã tăng 30%, bệnh viêm gan ảnh hưởng tới 10% dân số.24 Một phần ba đất đai của Trung Quốc đã bị xói mòn nghiêm trọng, ba phần tư số hồ và một nửa chiều dài của các dòng sông đã bị ô nhiễm; một phần ba của ba mươi ba ngàn đập thủy điện của Trung Quốc (trong đó có một trăm đập lớn) “bị cho là ‘khiếm khuyết’”. Kết quả, nạn sa mạc hóa lan rộng (tới sát Bắc Kinh), ô nhiễm hủy hoại môi trường và những trận lũ lụt có sức tàn phá rất mạnh.25 Lại còn tình trạng đường xá và an toàn lao động: năm 2002 hơn một trăm ngàn người chết vì tai giao thông, một trăm ngàn người bị bệnh vì thuốc diệt chuột rò rỉ ra môi trường sống của con người, số người chết trong quá trình khai thác mỏ gấp mười ba lần so với Ấn Độ.26 Trong thập kỉ tới, bất cứ vấn đề nào trong những vấn đề này, chưa nói tác động phức tạp giữ chúng với nhau, đều có thể bùng nổ thành khủng hoảng – hay thành cái mà Gilley gọi là “khủng hoảng di căn”, đấy là khi sự rối loạn chức năng lây lan qua ranh giới ban đầu của nó, ảnh hưởng tới các chức năng khác và cả nước.”27

Giới ăn trên ngồi trốc cầm quyền ở Trung Quốc – những nhà quản lý ngày càng có trình độ hơn có thể tiếp tục đối phó, đến một lúc nào đó. Nhưng vấn đề đặt ra là liệu họ có thể giải quyết được những căn bệnh đang gậm nhấm dần nền tảng của sự ổn định. Nếu họ không làm được như thế, trong lúc thành tích về kinh tế và chính trị suy giảm, bất kì một cuộc khủng hoảng nào – thị trường chứng khoán sụp đổ, thảm họa môi trường, không quản lý tốt dịch bệnh – có thể làm chế độ tan rã. Vì những lí do thuần túy thực dụng, các chủ doanh nghiệp, thậm chí ngay cả những người từng trung thành với chế độ, những người không có cam kết đặc biệt nào với dân chủ có thể là những người đầu tiên bỏ chạy. Cũng có thể nói như thế về tầng lớp trung lưu đang lớn dần, đấy là những người chứng kiến chính phủ đang lãng phí những khoản thuế khóa lấy từ những đồng tiền mà phải khó khăn lắm họ mới kiếm được. Hiện nay, doanh nhân ở một số vùng đang âm thầm cung cấp tiền cho các nhà hoạt động và các trí thức dân chủ.

Tôn giáo, trụ cột đang lớn lên của xã hội dân sự cũng là mối nguy tiềm tàng không kém đối với chính quyền Cộng sản. Pháp Luân Công là biểu hiện chống cộng công khai, một phong trào mới xuất hiện trong thời gian gần đây, dựa vào Phật giáo và các giáo lí và thực hành truyền thống khác của Trung Quốc. Chính phủ ước tính có khoảng 70 triệu tín đồ Pháp Luận Công ở Trung Quốc khi họ tung ra chiến dịch đàn áp tàn bạo vào năm 1999.28 Mặc dù vẫn còn bị cấm, nhưng Pháp Luân Công vẫn giữ được lực lượng ngầm khá mạnh, sau đó tìm cách phân phối các ấn phẩm của mình – trong đó có “chín bài phê phán” (Cửu bình) đảng Cộng Sản – một cách bí mật và trên khắp lãnh thổ Trung Quốc. Kitô giáo cũng phát triển rất nhanh. Bên cạnh khoảng 35 triệu tín đồ của giáo hội được nhà nước cho phép, còn có rất nhiều người tiến hành các nghi lễ trong nhà thờ không đăng kí hoặc nhà thờ “tại gia”, số lượng của các Kitô hữu có thể lên đến hơn 100 triệu, nhiều hơn số đảng viên chính thức: Hiện đảng này có 70 triệu đảng viên.29 Điều mà chế độ phải lo là đảng đã đánh mất phần lớn niềm tin, trong khi Kitô giáo và những tôn giáo có tổ chức khác đang chiếm lĩnh khoảng trống vừa hình thành. Thật vậy, không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà lãnh đạo và trí thức đứng sau phong trào Thiên An Môn năm 1989 đã trở thành những tín đồ Thiên Chúa giáo sùng đạo, trong khi một số người khác gia nhập Pháp Luân Công. Rất ít hệ thống đức tin có sức động viên và đoàn kết mọi người vì sự nghiệp chung như tôn giáo.

Ngoài ra, còn có hệ thống niềm tin của chính dân chủ nữa, niềm tin này có thể tương thích với, và thậm chí còn kích thích bởi tôn giáo.30 “Nhiều người cho rằng Trung Quốc có những nhà lãnh đạo có tư tưởng tự do hơn là Liên Xô” khi nước này tiến hành công cuộc chuyển hóa.31 Các tư tưởng tự do và dân chủ và tác phẩm kinh điển được lưu hành ở Trung Quốc – không chỉ ở các trường đại học, mà còn trong trường học và các viện nghiên cứu của chính phủ và thậm chí cả trong đảng Cộng sản.32 Những lời lên án của những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân về nhà nước tự cao tự đại (trong đó có nhà kinh tế học người Áo, Friedrich Hayek) cũng rất phổ biến, và nhiều tác phẩm viết về dân chủ cũng đang được âm thầm dịch sang tiếng Trung Quốc. Nhưng, các nhà tư tưởng theo đường lối dân chủ của Trung Quốc còn quay lại với tác phẩm kinh điển của Nho giáo và Đạo giáo trong chính nền văn hóa của họ và giải thích lại những tác phẩm này theo tinh thần của những đòi hỏi của dân chủ đương thời. Cùng với các nghệ sĩ và các nhà văn, các học giả này đang tìm cách để biến “kiến thức thành văn hóa”, như một người trong số họ đã nói với tôi. Các nhà hoạt động dân chủ bí mật của Trung Quốc cũng là những người sáng tạo, họ in và lưu hành những cuốn sách cấm và những tờ tạp chí theo đường lối cải cách và tìm cách vượt qua những người theo dõi trên Internet, bằng cách sử dụng những từ đã mã hóa để lừa công an mạng. Thế giới ảo của e-mail, blog, điện thoại di động và tin nhắn tạo điều kiện cho người ta kết nối với nhau và giữ liên lạc từ khoảng cách rất xa thông qua một loạt những hoạt động khác nhau. Vì tất cả những lý do này, mạng lưới của xã hội dân sự trên toàn quốc, thiết yếu cho phong trào dân chủ mang tính quần chúng đang từ từ được định hình và có thể làm rung chuyển cả hệ thống khi xảy ra cuộc khủng hoảng tiếp theo.

Trong một loạt kịch bản mà Druce Gilley và các nhà quan sát khác hình dung về Trung Quốc, sự xuất hiện của phong trào dân sự quần chúng sẽ làm cho ban lãnh đạo cấp cao chia rẽ. Các nhà cải cách và những người thực dụng trong đảng sẽ tìm cách đàm phán với những người ôn hòa trong phe đối lập dân chủ. Như ở Tây Ban Nha, Mỹ Latin, Ba Lan và những nơi khác, các hiệp ước được kí kết sẽ cung cấp sự nhượng bộ “đủ sức giữ uy tín và quyền lợi” cho giới ăn trên ngồi trốc bảo thủ, cũng như giới quân sự, những người có thể ra khỏi tổ chức đảng ngay trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng bằng cách không lặp lại sai lầm của năm 1989.33

Lúc đó câu hỏi sẽ là liệu có tổ chức nào trong xã hội có thể đưa ra phương án thay thế về chính trị để người dân lựa chọn hay không. Hiện nay chưa có, nhưng ở Nga trong năm 1990 cũng không có. Và tôi đoán là những sự kiện xảy ra ở Nga cũng sẽ xảy ra ở Trung Quốc: một liên minh rộng rãi các lực lượng đối lập sẽ tạm thời liên kết nhau nhằm lật đổ chế độ cộng sản, trước khi mỗi nhóm sẽ đi theo con đường riêng của mình. Hoàn toàn không thể nói chắc được là Trung Quốc sẽ trở thành nước dân chủ có sức sống và hoạt động hiệu quả vào năm 2025, nhưng đến lúc đó đảng Cộng sản (nếu vẫn còn giữ được quyền lực) sẽ cai trị Trung Quốc trong bảy mươi sáu năm – lâu hơn thời gian cầm quyền đảng của Cộng sản Nga và đảng Cách mạng Thể chế Mexico (hai đảng này đều cầm quyền 70 năm). Vì vậy, tôi có thể đánh liều mà dự đoán như sau: năm 2025, Ấn Độ sẽ về cơ bản vẫn có hệ thống chính trị như ngày hôm nay, nhưng Trung Quốc thì không.

Chú thích:

(1) Wei Pan, “Toward a Consultative Rule of Law Regime in China”, Journal of Contemporary China 12 (January 2003): 3-43. Đọc thêm Suisheng Zhao, ed., Debating Political Reform in China; Rule of Law vs. Democratization (Armonk, N.Y.: ME Sharpe, 2006), pp. 3-40.

(2) Larry Diamond, “The Rule of Law as Transition to Democracy in China”, Journal of Contemporary China 12 (May 2003): 319-31. Đọc thêm Zhao, Debating Political Reform, pp. 79-90.

(3) Henry S. Rowen, “When Will the Chinese People Be Free?” Journal of Democracy 18 (July 2007). Đọc thêm dự đoán ban đầu của ông trong “The Short March: China’s Road to Democracy”, National Interest 45 (Fall 1996): 61-70.

(4) Gilley, China’s Democratic Future, p. 69; Larry Diamond, Developing Democracy: Toward Consolidation (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1999), table 5.7, p. 189.

(5) Yun-han Chu, “Political Value Change in Hong Kong, Taiwan, and China, 1993-2002”, báo cáo trình bày tại tại Hội thảo về dân chủ hóa ở Trung Quốc, Center on Democracy, Development, and the Rule of Law, Stanford University, October 20-21, 2006.

(6) Pei, Chinas’s Trapped Transition, p. 209.

(7) Ibid., pp. 161-65. Cũng như ở Mĩ và châu Âu, lĩnh vực ưa thích của mafia bao gồm bất động sản, vận tải và xây dựng.

(8) Ibid., pp. 189, 191-96. Báo cáo của đảng nói rằng năm 2005 có tới 87 ngàn vụ xung đột đông người, tăng 6% so với năm trước. Saich, “China in 2006”, p. 35.

(9) Một số thành phố lên tới 90%. Saich, “China in 2006”, p. 38.

(10) Ibid., p. 39.

(11) Pei, China’s Trapped Transition, p. 208.

(12) Ibid., pp. 210-12.

(13) Gilley, China’s Democratic Future, p. 33.

(14) An Chen, “China’s Changing of the Guard: The New Inequality”, Journal of Democracy 14 (January 2003): 51-59.

(15) Gilley, China’s Democratic Future, pp. 62-94.

(16) Ibid., p. 73.

(17) Ying Ma, “China’s Stubbon Anti-Democcacy”, p. 6.

(18) Gilley, China’s Democratic Future, p. 99.

(19) “China’s Sort of Congress”, editorial, New York Times, March 15, 2007.

(20) Pei, China’s Trapped Transition, pp. 55-80.

(21) Gilley, China’s Democratic Future, p. 101.

(22) Ibid., p. 38. Hệ số Gini về bất bình đẳng thu nhập hiện được đánh giá nằm trong khoảng từ 0,45 đến 0,50 (trên trục với 0 là bình đẳng nhất còn 1 là hoàn toàn bất bình đẳng). Saich, “China in 2006”, p. 40. Nhưng Gilley trích dẫn một số nguồn cho thấy hệ số này có thể là 0,60, làm cho nước này trở thành một trong những nước bất bình đẳng nhất thế giới. Saich trích các nguồn chính thức nói rằng khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn trong năm 2005 là 3.22 trên 1.

(23) Ying Ma, “China’s Stubborn Anti-Democracy”, p. 5 of online version.

(24) Hany Harding, “Think Again: China”, Foreign Policy 159 (March-April 2007).

(25) Pei, China’s Trapped Transition, pp. 175-76. Số liệu về các con đập lấy từ Gilley, China’s Democratic Future, p. 130. Năm 1975 ông báo cáo rằng con đập đôi ở tỉnh Henan vỡ cướp đi mạng sống của khoảng 300 ngàn người. Với mức độ kiểm soát của nhà nước đối với Internet và các phương tiện thông tin như hiện nay, không có thảm họa nào ở quy mô đó có thể được tường trình. Về quan điểm tương tự, cho rằng những cuộc khủng hoảng về quản trị sâu sắc như thế có thể làm tê liệt và lật đổ chế độ của đảng Cộng sản trong ha thập kỉ tới, xin đọc: Shaoguang Wang, “China’s Changing of the Guard: The Problem of State Weakness”, Joutnal of Democracy 14 (January 2003); 36-42, and Guogang Wu, “Why the Regime is Decaying and Headed for Crisis”, báo cáo được trình bày tại Conferenre on Democratization in Greater China, Center on Democracy, Development, and the Rule of Law, Stanford University, October 20-21, 2006. Cả Wang và Wu đều là những người hoài nghi về việc khủng hoảng do sự thối nát của nhà nước gây ra sẽ dẫn tới chế độ dân chủ.

(26) Pei, China’s Trapped Transition, p. 170. Đọc thêm Chen, “China’s Changing of the Guard: The New Inequality”.

(27) Gilley, China’s Democratic Future, p. 103

(28) Seth Faison, “In Belling, a Roar of Silent Protestors”, New York Times, April 27, 1999, http://partners.nytimes.com.library/world/asia/042799china-protest.html.

(29) Richard Spencer, “Christianity is China’s New Social Revolution”, Telegraph, july 30, 2005,

http://www.telegraph.co.uk/news/main.jhtml?xml=/news/2005/07/30/wchina 30.xml.

Xin đọc thêm Simon Elegant, “The War for China’s Soul”; Time, August 20, 2006, http://www.time.com/time/maga zine/article/0, 9171,1229123,00.html.

(30) Trên thực tế, một trong những nhà khoa bảng thế tục hàng đầu của Trung Quốc nhận xét với tôi rằng, không có đức tin hay đạo đức tôn giáo “chúng ta chỉ có thể có kiến thức về dân chủ chứ không thể có văn hóa dân chủ”.

(31) Gilley, China’s Democratic Future, p. 70.

(32) Tôi đã choáng khi chứng kiến trực tiếp chuyện này vào năm 2002, khi tôi thuyết trình một bài được trau chuốt kĩ lưỡng về mặt ngôn từ về cách thức mà phát triển kinh tế sẽ tạo ra những đòi hỏi “về trách nhiệm giải trình của các nhà lãnh đạo chính trị trước cử tri đoàn”. Để tránh gây rắc rối cho chủ nhà và các nhà tài trợ, tôi không nhắc đến “từ d.” – dân chủ. Nhưng bài nói của tôi đã tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi giữa các giảng viên và các nhà nghiên cứu tại trường đảng đó, trong đó mấy người khẳng định rằng đảng phái thực hiện dân chủ nội bộ. Đoạn quan trọng nhất trong bài nói của tôi được dẫn lại trong Gilley, China’s Democratic Future, p. 65. Gilley đưa ra bằng chứng về sự tồn tại của “phe tự do” trong đảng, p. 88.

(33) Ibid., pp. 118-37. Quoted from p. 133.

Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường