[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 8: Thị trường (Phần 2)
Chủ nghĩa xã hội
Như Ludwig von Mises đã chỉ ra ngay từ những năm 1920, không có giá cả thị trường làm cho chủ nghĩa xã hội trở thành bất khả thi. Những người xã hội chủ nghĩa thường coi vấn đề sản xuất là câu hỏi mang tính kỹ thuật: Chỉ cần làm mấy phép tính là đã có thể tìm ra cái gì hiệu quả nhất. Đúng là người kỹ sư có thể trả lời câu hỏi cụ thể liên quan đến quá trình sản xuất, ví dụ, biện pháp sử dụng thiếc hiệu quả nhất để làm một cái hộp đựng được 10-ounce nước canh, nghĩa là, cái hộp sẽ có hình dạng như thế nào để có thể chứa 10 ounces nước với diện tích bề mặt nhỏ nhất? Nhưng câu hỏi của kinh tế học - hiệu quả sử dụng tất cả những nguồn lực có liên quan – thì người kỹ sư không thể trả lời được. Nên làm hộp bằng nhôm hay bạch kim? Mọi người đều biết rằng hộp đựng canh bằng bạch kim là vô lý, nhưng chúng ta biết điều đó bởi vì hệ thống giá cả cho chúng ta biết như vậy. Người kỹ sư sẽ nói cho bạn biết rằng dây bạc hay dây bạch kim dẫn điện tốt hơn là dây đồng. Thế tại sao chúng ta lại sử dụng dây đồng? Bởi vì nếu tính tới chi phí thì dây đồng mang lại kết quả tốt nhất. Đấy là vấn đề kinh tế chứ không phải là vấn đề kỹ thuật.
Nếu không có giá cả, làm sao những người lập kế hoạch xã hội chủ nghĩa biết phải sản xuất cái gì? Ông ta có thể tiến hành một cuộc thăm dò và thấy rằng người dân muốn bánh mì, thịt, giày dép, tủ lạnh, TV. Nhưng bao nhiêu cái bánh mì và bao nhiêu đôi giày? Và sử dụng nguồn lực nào để sản xuất từng món hàng cụ thể? “Có đủ nguồn lực”, người ta có thể trả lời như thế. Nhưng, bao nhiêu bánh mì là đủ để khỏi chết đói? Lúc nào thì người dân thích giày mới hơn là được ăn thêm? Nếu sản lượng thép là có hạn thì dùng bao nhiêu thép để chế tạo ô tô, còn bao nhiêu thì để làm lò nướng bánh? Và quan trọng nhất, kết hợp các nguồn lực như thế nào để có thể sản xuất từng món hàng một cách rẻ nhất? Mô hình lý thuyết không thể giải quyết được vấn đề này; không có thông tin do giá mang lại, những người lập kế hoạch “lập kế hoạch” trong tình trạng mù lòa.
Trên thực tế, các nhà quản lý nhà máy ở Liên Xô đã phải tự tạo ra thị trường bất hợp pháp để trao đổi với nhau. Họ không được phép sử dụng giá cả bằng tiền, vì vậy mà hệ thống trao đổi gián tiếp cực kỳ phức tạp, còn gọi là hàng đổi hàng (barter), đã xuất hiện. Các nhà kinh tế học Liên Xô đã xác định được ít nhất là tám mươi phương tiện trao đổi khác nhau, từ rượi vodka, vòng bi, dầu chạy máy đến để lốp máy kéo. Có thể nói người Mỹ đã từng gặp một cái gì đó tương tự với cái thị trường khó coi này trong kỹ năng thương lượng của Radar O'Reilly trong chương trình truyền hình M * A * S * H. Radar cũng đã hoạt động trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung - trong quân đội Mỹ - và đơn vị của ông ta không có tiền mua vật tư, do đó, ông ta gọi điện thoại đến những đơn vị khác: M * A * S * H và tổ chức một cuộc trao đổi công phu, đổi găng tay phẫu thuật lấy khẩu phần ăn đóng hộp, rồi đổi lấy penicilin, dùng penicilin đổi rượu, mỗi đơn vị đem thứ họ được phát quá tiêu chuẩn lấy thứ họ bị phát thiếu. Xin bạn đọc hãy tưởng tượng cả một nền kinh tế hoạt động theo cách đó.
Quyền sở hữu và trao đổi
Một trong những nguyên nhân chính làm cho hạch toán kinh tế trong chế độ xã hội chủ nghĩa trở thành bất khả thi là không có sở hữu tư nhân: Không có người chủ sở hữu, tức là người dùng giá cả để nói họ sẽ sẵn sàng chấp nhận đổi một số tài sản của họ lấy cái gì. Trong Chương 3 chúng ta đã xem xét quyền sở hữu tài sản cá nhân. Ở đây chúng ta sẽ xem xét tầm quan trọng về mặt kinh tế của thiết chế sở hữu tư nhân. Sở hữu là nguồn gốc của sự thịnh vượng do thị trường tự do tạo ra. Khi người dân có quyền sở hữu tài sản được pháp luật bảo hộ - dù là đất đai, nhà cửa, trang thiết bị, hoặc bất cứ thứ gì khác - họ có thể dùng tài sản đó cho những mục đích của mình.
Mọi tài sản đều phải có một người nào đó sở hữu. Quyền sở hữu tư nhân muôn màu muôn vẻ ưu việt hơn sở hữu của nhà nhà nước vì một số lý do sau đây. Chủ sở hữu tư nhân thường chăm sóc tài sản của mình một cách kỹ lưỡng hơn vì họ sẽ được lợi khi giá trị của nó gia tăng và bị thiệt nếu giá trị của nó giảm. Nếu bạn để cho ngôi nhà của bạn xuống cấp, bạn sẽ không thể bán được giá cao như lúc nó còn trong tình trạng tốt – đấy là động cơ mạnh mẽ để người ta giữ gìn nó trong tình trạng tốt. Nói chung, chủ sở hữu thường chăm sóc tài sản kỹ lưỡng hơn là người thuê nhà; nghĩa là, trên thực tế, họ duy trì đồng vốn, chứ không làm mất nó. Đó là lý do vì sao nhiều hợp đồng cho thuê yêu cầu người thuê phải đặt cọc một khoản tiền, để đảm bảo rằng người thuê cũng có trách nhiệm bảo vệ giá trị của tài sản. Căn hộ thuộc sở hữu tư nhân đem cho thuê được giữ gìn cản thận hơn nhà ở công cộng. Lý do: tài sản “công” không có người chủ thật sự, không có ai bị mất vốn đầu tư nếu tài sản công mất giá.
Sở hữu tư nhân tạo điều cho người ta hưởng lợi bằng cách nâng cao chất lượng tài sản của họ, xây dựng các công trình trên đó hoặc làm cho nó có giá trị hơn theo cách nào đó. Tất nhiên là, người ta cũng có thể được lợi bằng cách tự cải thiện mình, thông qua học tập và trau dồi những thói quen tốt, với điều kiện là họ được phép thu lợi nhuận do sự cải thiện đó mang lại. Sự cải thiện các kỹ năng sẽ chẳng có mấy ý nghĩa, nếu có những quy định không cho bạn tham gia ngành nghề mà bạn đã chọn hay thuế khóa cao tước mất phần lớn khoản thu nhập gia tăng của bạn.
Giá trị về mặt kinh tế của tài sản phản ánh thu nhập mà nó sẽ mang lại trong tương lai. Do đó, người chủ tư nhân, tức người có quyền hưởng khoản thu nhập đó, được khuyến khích giữ gìn giá trị của tài sản đó. Khi đất đai trở thành của hiếm và do tư nhân sở hữu, chủ sở hữu sẽ không chỉ tìm cách buộc khoảnh đất đó tạo ra giá trị ngay trong hiện tại, mà còn áp dụng những biện pháp nhằm bảo đảm rằng nó sẽ tiếp tục tạo ra giá trị trong tương lai. Đó là lý do vì sao các công ty gỗ không đốn tất cả cây cối trên mảnh đất của họ mà còn tiếp tục trồng thêm nhiều cây để thay thế cho những cây bị đốn hạ. Họ có thể quan tâm đối tới môi trường, nhưng thu nhập trong tương lai từ mảnh đất đó có thể là động cơ mạnh mẽ hơn. Trong các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, chính phủ kiểm soát tất cả các tài sản, không có người chủ sở hữu thực sự, tức là không có người quan tâm tới giá trị của tài sản trong tương lai, kết quả là nạn ô nhiễm và hủy hoại môi trường diễn ra tệ hại hơn hẳn phương Tây. Năm 1995, Vaclav Klaus, Thủ tướng Cộng hòa Czech, nói như sau: “Thiệt hại tồi tệ nhất về môi trường xảy ra ở những nước không có tài sản tư nhân, thị trường và giá cả”.
Lợi ích khác của sở hữu tư nhân - tuy không rõ ràng như lợi ích kinh tế - là nó tạo điều kiện cho quá trình phân tán quyền lực. Khi một thực thể, ví dụ như chính phủ, nắm được quyền sở hữu tất cả tài sản thì ý chí của chính phủ sẽ trở thành bắt buộc, chẳng có gì có thể bảo vệ được cá nhân nữa. Thiết chế sở hữu tư nhân cung cấp cho nhiều người một nơi mà họ có thể gọi là của riêng mình, tức là nơi mà họ được bảo vệ khỏi sự can thiệp của những người khác và của nhà nước. Khía cạnh của sở hữu tư nhân được thể hiện trong châm ngôn: “Nhà của tôi là pháo đài của tôi”. Sở hữu tư nhân là điều kiện quan trọng sống còn cho quyền bất khả xâm phạm của đời tư và quyền tự do báo chí. Xin hãy thử tưởng tượng “quyền tự do báo chí” ở đất nước, nơi mà chính phủ nắm tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng và giấy.
Phân công lao động
Vì người ta có những khả năng và sở thích khác nhau, các nguồn lực tự nhiên cũng phân bố không đồng đều trên bề mặt trái đất, cho nên nếu chúng ta làm những công việc khác nhau thì chúng ta có thể sản xuất nhiều hơn. Nhờ phân công lao động mà tất cả chúng ta đều tìm cách sản xuất ra những món hàng mà chúng ta làm giỏi nhất, vì vậy mà chúng ta có nhiều hàng hóa hơn để giao dịch với những người khác. Trong tác phẩm Của cải của các quốc gia (The Wealth of Nations), Adam Smith đã mô tả một nhà máy làm đinh ghim, nơi quá trình sản xuất đinh được chia thành “khoảng mười tám công đoạn khác nhau”, mỗi người thực hiện một công đoạn. Bằng cách chuyên môn hóa như thế, mỗi ngày người công nhân có thể sản xuất được 4.800 cái đinh; nhưng nếu không có phân công lao động thì Smith ngờ rằng mỗi ngày một người làm đinh ghim chỉ có thể làm 20 cái. Xin lưu ý rằng chuyên môn hóa mang lại lợi ích ngay cả nếu một người làm tất cả mọi việc đều giỏi hơn những người khác. Các nhà kinh tế học gọi là nguyên tắc lợi thế so sánh. Nếu Thứ Sáu có thể bắt số cá nhiều gấp đôi Crusoe, nhưng trong một ngày anh ta có thể hái được số trái cây nhiều gấp ba Crusoe, thì hai người vẫn sẽ có nhiều thức ăn hơn nếu Crusoe chuyên đi bắt cá và Thứ Sáu chuyên đi hái lượm. Dĩ nhiên là, khi đã chuyên môn hóa, công việc lặp đi lặp lại cũng sẽ giúp mỗi người nâng cao tay nghề.
Người ta tham gia trao đổi vì họ tin rằng sẽ trở thành khá giả hơn. Như Adam Smith viết trong một đoạn mà nhiều người đã biết (bên trên đã trích dẫn rồi, nhưng nó liên quan đến cả phần này):
Chúng ta hy vọng có bữa ăn trưa không phải vì người bán thịt, người nấu bia hay người làm bánh mì có lòng nhân từ mà vì họ tôn trọng quyền lợi của chính mình. Chúng ta không quan tâm tới lòng nhân ái mà quan tâm tới tính ích kỉ của họ, không bao giờ chúng ta nói chuyện với họ về nhu cầu của mình mà chỉ nói về lợi ích của họ1.
Điều đó không có nghĩa là người ta bao giờ cũng ích kỉ và không quan tâm đến những người xung quanh mình. Như đã nói bên trên, sự kiện là người bán thịt phải thuyết phục bạn mua thịt của anh ta buộc anh ta phải chú ý đến sở thích và nhu cầu của bạn. Nhân viên trong các cửa hàng ở phương Tây nhã nhặn hơn hẳn các đồng nghiệp của họ ở Liên Xô.
Ngoài ra, các thiết chế xã hội hoạt động hiệu quả hơn khi người ta hành động vì lợi ích cá nhân của mình. Trên thị trường tự do, khi người ta hành động vì lợi ích của riêng mình thì đồng thời họ cũng làm gia tăng sự thịnh vượng của toàn xã hội. Bởi vì người ta mang những món hàng mà người ta cho là ít giá trị hơn đổi lấy những món hàng mà họ cho là có giá trị cao hơn, mỗi một lần trao đổi như thế lại làm tăng giá trị của cả hai món hàng. Tôi sẽ chỉ đổi cuốn sách của tôi lấy cái đĩa CD của bạn nếu tôi coi cái đĩa CD đó giá trị hơn cuốn sách và nếu bạn cho rằng cuốn sách có giá trị cao hơn cái đĩa CD của bạn. Cả hai chúng ta đều được lợi. Tương tự như thế, nếu tôi bán sức lao động của tôi để lấy tiền lương của công ty Microsoft thì đấy là vì tôi cho rằng tiền có giá trị hơn thời gian, còn các cổ đông của Microsoft thì cho rằng sức lao động của tôi giá trị hơn số tiền mà họ bỏ ra. Thông qua hàng triệu giao dịch mà hàng hóa và dịch vụ được chuyển đến cho những người đánh giá cao nhất những hàng hóa và dịch vụ đó và tất cả mọi người trong xã hội đều được lợi.
Chủ nghĩa tư bản khuyến khích người ta phục vụ những người khác nhằm đạt được mục đích riêng của mình. Hệ thống nào thì những người có tài và có tham vọng cũng đều là những người có nhiều khả năng kiếm được nhiều của cải hơn những người khác. Trong hệ thống lấy nhà nước làm trung tâm, cả chế độ tiền tư bản cổ hủ lẫn đất nước xã hội chủ nghĩa “hiện đại”, muốn thăng tiến thì phải nắm được những đòn bẩy của quyền lực và bắt người khác thực hiện mệnh lệnh do bạn đưa ra. Trên thị trường tự do, bạn phải thuyết phục người khác làm những điều bạn muốn. Bạn làm điều đó như thế nào? Bằng cách cung cấp cho họ những thứ họ muốn. Vì vậy, những người có tài nhất và có tham vọng nhất mới muốn tìm hiểu xem người khác muốn gì và tìm cách cung cấp nó.
Sở hữu tư nhân trong chế độ pháp quyền ngăn chặn những biểu hiện của tính ích kỷ, trong đó có hành động tước đoạt tài sản của người khác. Nó cũng khuyến khích những người muốn làm giàu sản xuất các hàng hóa và dịch vụ mà người khác muốn. Và họ làm đúng như vậy - Henry Ford với ô tô giá rẻ, tiết kiệm năng lượng; Bill Cosby với chương trình truyền hình nổi tiếng của mình; Sam Walton với những cửa hàng hạ giá; Bill Gates với hệ điều hành máy tính; và nhiều người vô danh trong nền kinh tế phức tạp của chúng ta, như Philip Zaffere, người kiếm được 200 triệu USD khi ông bán công ty chuyên sản xuất món thịt bằm Stove Top và món chả cá mang tên Bà Paul, do ông thành lập trước đây. Leona Helmsley có thể không phải là một người dễ thương, nhưng muốn trở thành người giàu có trong ngành kinh doanh khách sạn, bà phải cung cấp cho khách những căn phòng đầy đủ tiện nghi và những nhân viên dễ thương.
Chú thích
(1) Eamonn Butler, Khảo lược Adam Smith, Phạm Nguyên Trường dịch, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, 2010, trang 126.
Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.