[Cuộc cách mạng thị trường xanh] Sự đồng thuận hiện nay
Bảo vệ môi trường là vấn đề nóng hiện nay. Nhưng, các nhà hoạt động môi trường thực sự đòi hỏi những gì? Họ khác nhau ở những điểm nào?
Mặc dù, môi trường đã trở thành vấn đề trong chương trình nghị sự chính trị từ khá lâu rồi, nhưng khó mà nhớ được đã có khi nào vấn đề này được bàn tán và tranh luận sôi nổi như hiện nay. Ở Mỹ, môi trường đã trở thành vấn đề hệ trọng đến mức các chính trị gia như Al Gore và Michael Bloomberg đang dành được sự chú ý trở lại và đã xuất hiện những gương mặt mới như Alexandria Ocasio-Cortez và Tom Steyer. Ngay cả những đảng viên Cộng hòa như Elise Stefanik, Lee Zeldin, Lindsey Graham, và Cory Gardner cũng nổi lên như những người bảo vệ môi trường theo phái bảo thủ. Môi trường không phải là vấn đề quan trọng với riêng nước Mỹ. Tiếng nói của những người bảo vệ môi trường đang được truyền đi trên khắp địa cầu. Mỗi năm, người ta đổ vào đây hàng tỷ đô la, hàng triệu nhà hoạt động bị lôi kéo vào với những cuộc tranh luận bất tận, không lúc nào ngừng.
Mặc dù đã có những cuộc thảo luận và vận động sôi nổi để làm nhiều hơn nữa cho môi trường, nhưng những người dân bình thường trên thế giới khó mà nhìn xuyên qua được màn khói và hiểu được cuộc thảo luận liên miên về những thứ cần phải làm để môi trường toàn cầu trong sạch hơn. Hội nghị thượng đỉnh hành động vì khí hậu toàn cầu (GCAS) năm 2018 tại San Francisco, California, thể hiện chính xác nguồn gốc của thái độ lúng túng này. Đây là hội nghị thượng đỉnh thường niên, là nơi diễn ra cuộc thảo luận quốc tế giữa các nhà lãnh đạo toàn cầu về biến đổi khí hậu. Al Gore, John Kerry, Marc Benioff, Harrison Ford, Andrea Mitchell, cùng với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, thống đốc, thị trưởng, nhà ngoại giao nước ngoài, các nhà báo điều tra từng được trao giải thưởng, các diễn giả và đại biểu tham dự còn đông hơn nữa.
Tôi nhớ lại ngày đầu tiên đến trung tâm hội nghị, những người biểu tình phản đối khai thác dầu mỏ và khí đốt với những khẩu hiệu “hãy để nó dưới lòng đất” chặn hết lối vào, buộc mọi người phải đi vào bằng lối dành cho các nhà báo và hội nghị bị hoãn lại mấy tiếng đồng hồ liền. Tôi nhớ một số người biểu tình khác xông vào tận bên trong hội trường để phá rối bài diễn văn của Michael Bloomberg. Nếu người ta tổ chức GCAS nhằm khuyến khích hành động vì môi trường, thì tại sao những người biểu tình vì môi trường lại có mặt ở đó? Vì người ta hầu như chưa thỏa thuận được với nhau về những việc cần phải làm với biến đổi khí hậu và những thách thức khác trong vấn đề môi trường.
Những người biểu tình ở hội nghị này khác hẳn những đại biểu tham dự. Những người biểu tình và các đại biểu tham dự hội nghị cũng khác những người bảo vệ môi trường theo phái bảo thủ - hầu như không tới tham dự vì bị những người tổ chức hội nghị tìm cách đẩy ra ngoài và vì thế họ tổ chức hội thảo riêng. Những người bảo vệ khí hậu cực tả, những người ủng hộ chính sách khí hậu cấp tiến và những người bảo vệ môi trường trung hữu, đều tham dự hai hội nghị riêng biệt trong tuần đó ở San Francisco cho thấy sự phân chia phe phái của phong trào môi trường toàn cầu và sự đa dạng của nó. Muốn hiểu đầy đủ các đòi hỏi và niềm tin của cộng đồng môi trường toàn cầu, điều quan trọng là chúng ta phải phân tách các phong trào lớn và xem xét từng phong trào một.
Các Nhà hoạt động môi trường cực tả
Phe cực tả của phong trào bảo vệ môi trường có lẽ là những người to mồm nhất. Khác với tất cả các nhóm khác, họ có thể nắm được các phương tiện truyền thông và rất giỏi trong việc tạo dựng hình ảnh trên mạng xã hội, đưa ra các chủ đề, gắn “tag” và tạo “trend” để kết nối với bạn đọc, và khán thính giả trên khắp thế giới. Nhìn chung, mục tiêu của phe này là thu hút sự chú ý của dân chúng tới các vấn đề bằng các cuộc biểu tình, đình công vì khí hậu và các cuộc biểu tình phi bạo động nhưng gây ra nhiều sự kiện phiền hà cũng như thúc giục những hành động tức thời, ngay cả khi phải trả giá về kinh tế hay các chuẩn mực xã hội.
Năm 2019, Greta Thunberg là tiếng nói nổi bật nhất của phong trào này. Năm 2018, Greta, công dân Thụy Điển, lúc đó mới có 16 tuổi, đã tạo dựng hình ảnh bản thân là một nhà hoạt động môi trường quốc tế bằng một cuộc biểu tình đầu tiên với quy mô nhỏ ở bên ngoài nghị viện Thụy Điển1. Cuộc biểu tình này nhanh chóng bùng lên trên khắp các phương tiện truyền thông xã hội, đưa cô trở thành tâm điểm chú ý và cuối cùng giúp cô trở thành một nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu nổi tiếng thế giới. Làn sóng lớn đầu tiên mà cô thực hiện được là cuộc bãi khóa của học sinh, sinh viên trên toàn thế giới vì môi trường. Các cuộc đình công đã được ghi lại bằng cách sử dụng hashtag bắt đầu bằng #FridaysForFuture2. Kể từ cuộc đình công ban đầu với 20.000 người, số người tham gia đã nhanh chóng gia tăng, lên đến hàng triệu người khi Greta tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình trên khắp thế giới.3 Cho đến nay, thứ Sáu nào Greta cũng tổ chức các cuộc đình công nhằm bảo vệ môi trường.
Yêu cầu tổng quát của cô là rất rõ ràng: các chính phủ cần phải hành động vì môi trường và họ phải hành động ngay từ bây giờ. Mặc dù Greta thúc ép chính phủ hành động, thậm chí còn yêu cầu phải đạt được những mục tiêu cụ thể, nhưng cô lại không nói được chính xác chính phủ phải làm gì để có thể giảm phát thải khí nhà kính. Trước đây, tại một trong những cuộc đình công đầu tiên, cô từng tuyên bố rằng muốn Chính phủ Thụy Điển giảm lượng khí thải CO2 với tốc độ 15% mỗi năm.4
Năm ngoái, Greta đăng đàn trong một phiên điều trần trước Ủy ban được chọn của Hạ viện Hoa Kỳ về Khủng hoảng Khí hậu (United States House Select Committee on the Climate Crisis). Bài phát biểu của cô nổi tiếng với lời thúc giục các Thành viên Ủy ban “Hãy lắng nghe các nhà khoa học” và đề nghị họ đọc Báo cáo đặc biệt năm 2018 của IPCC về quá trình nóng lên toàn cầu.5 Báo cáo này chỉ ra hiểm họa mà thế giới phải gánh chịu nếu không hành động vì khí hậu. Ngoài điều đó ra, cô chưa có các đề xuất cụ thể nào cho các chính phủ.
Tuy nhiên, đối với người dân thường, cô lại đưa ra các khuyến nghị bằng cả lời nói và việc làm. Cô kịch liệt phản đối đi lại bằng đường hàng không đến mức không bao giờ đi máy bay nữa, thay vào đó cô quyết định đi bằng tàu hỏa và thậm chí đi thuyền buồm để đến thành phố New York.6 Greta kêu gọi những người khác cũng làm tương tự, bên cạnh việc giảm tiêu thụ thịt, bỏ phiếu dựa trên đề xuất về khí hậu trong các cuộc vận động tranh cử và trở thành nhà hoạt động vì môi trường.
Extinction Rebellion là nhóm có hướng đi giống với Greta. Theo trang web của họ, Extinction Rebellion là một phong trào có tổ chức tin rằng họ có thể ngăn chặn “sự tuyệt chủng hàng loạt” và “sụp đổ xã hội” bằng phong trào bất tuân dân sự phi bạo động. Nhóm này xuất hiện trên các phương tiện truyền thông vào tháng 10 năm 2018, sau khi họ tổ chức một cuộc biểu tình vì khí hậu bên ngoài Cung điện Westminster với quy mô lên đến khoảng 1.500 người, trong khi dự kiến ban đầu chỉ là vài trăm người. Trong những tuần sau cuộc biểu tình đầu tiên, nhóm này đã tăng lên khoảng 6.000 nhà hoạt động và chặn 5 cây cầu chính vào London, một lần nữa gây sóng gió trên các phương tiện truyền thông. 7 Nhóm này tin rằng sự gián đoạn kinh tế và nhận thức cộng đồng là chìa khóa để thay đổi cách thức hoạt động của thế giới và giảm lượng khí thải CO2.
Các yêu cầu của nhóm này được liệt kê ngay trên trang web của họ. Họ muốn Chính phủ Vương quốc Anh công bố sự thật về biến đổi khí hậu và thừa nhận đang có biến đổi khí hậu, giảm lượng khí thải thuần xuống mức bằng 0 vào năm 2025 và thành lập Hội đồng công dân đòi công lý khí hậu và sinh thái.8 Nhóm này tuyên bố rằng họ đang làm việc với một số nghị sĩ để biến các yêu cầu của mình thành dự luật và trình ra Nghị viện Anh, và mỗi yêu cầu sẽ là một phần của dự luật.
Giống như Greta, nhóm này vạch ra những gì họ muốn và rằng hành động đó là khẩn cấp - tuy nhiên, họ không giải trình được những cơ chế chính sách cần thiết để đạt được điều đó. Nói cách khác, họ biết rằng cần phải làm điều gì đó nhưng có vẻ họ không hoàn toàn biết cách đạt được những mục tiêu mà họ muốn thấy hoàn thành. Tóm lại, đây là tất cả những gì mà chủ nghĩa hoạt động vì khí hậu cánh tả có. Greta, Extinction Rebellion và các nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu cực tả khác rất giỏi trong việc đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào các cuộc đối thoại và thúc giục các nhà lập pháp và cá nhân thực hiện các bước quan trọng để hạn chế lượng phát thải ở cả khu vực công và tư. Họ là những chuyên gia tạo “trend” trên mạng xã hội, thu hút những người trẻ tham gia vào hoạt động vì khí hậu và tạo ra các làn sóng trên internet và các phương tiện truyền hình. Tuy nhiên, khi nói về các bước đi thực tế mà chúng ta cần thực hiện để giảm lượng khí thải, họ lại ủng hộ những ý tưởng kiểu ngừng di chuyển bằng máy bay, những thứ sẽ làm gián đoạn đáng kể cuộc sống hàng ngày của chúng ta và đe dọa sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu, hoặc họ hoàn toàn chẳng đả động gì đến chính sách.
Một điểm thú vị khác có thể thấy khi nói về các nhà môi trường cực tả là hầu như những gì mà họ muốn chẳng liên quan gì đến biến đổi khí hậu. Thay vào đó, họ đề xuất 'công lý khí hậu', bản chất là sử dụng các vấn đề bất bình đẳng và chủng tộc như một lý do để hành động vì khí hậu. Nói cách khác, họ muốn sử dụng biến đổi khí hậu như một lý do để đạt được các chương trình xã hội lớn, tái phân phối của cải, xã hội hóa toàn bộ các ngành công nghiệp và nhiều hơn nữa. Chẳng hạn, trên trang web Global Climate Strike, một trong những yêu cầu của họ là chúng ta “ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch và đảm bảo một cuộc cách mạng năng lượng nhanh chóng với sự công bằng, bù đắp và công lý khí hậu là trung tâm.” Tóm lại, hầu như mục tiêu của hành động này không phải là giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu mà là ban hành các chính sách cấp tiến khác sử dụng biến đổi khí hậu như một con ngựa gỗ của thành Troy.9
Các nhà môi trường cấp tiến dòng chính
Những người gần hơn với trung tâm của phổ chính trị trong cuộc thảo luận về môi trường thường là các nhà lập pháp, vận động chính sách và dân thường. Alexandria Ocasio-Cortez, Al Gore, Michael Bloomberg và Elizabeth Warren đều là những người thuộc nhóm này. Mặc dù đa dạng về mặt chính trị, nhưng họ có những điểm tương đồng cơ bản. Điểm tương đồng lớn nhất là họ đều cho rằng môi trường tự nhiên chưa được quan tâm đúng mực và chính phủ có nghĩa vụ phải vào cuộc để khắc phục vấn đề. Những vấn đề này trải dài từ biến đổi khí hậu đến phá rừng, chất lượng nước, ô nhiễm đại dương và hơn thế nữa. Mặc dù thường thất bại, nhưng họ có xu hướng đưa ra các đề xuất chuyên sâu từ góc độ chính sách về cách đối phó với biến đổi khí hậu.
Có lẽ đề xuất nổi bật nhất đến từ phe này là Green New Deal. Green New Deal là một Nghị quyết của Hạ viện Hoa Kỳ (H. Res. 109) đề xuất đại tu lại lưới năng lượng, cơ sở hạ tầng, các cấu trúc kinh tế xoay quanh năng lượng và hiệu quả năng lượng, mở rộng các tòa nhà tiết kiệm năng lượng của khu vực công và tư, nhân rộng các chương trình xã hội và cơ chế hỗ trợ của chính phủ như tăng nhà ở công cộng.10 Kế hoạch này nhanh chóng trở thành chủ đề thảo luận số một của tất cả mọi người, từ các chính trị gia đến các chuyên gia truyền thông của cả hai cánh, các ấn phẩm trực tuyến, người dẫn chương trình phát thanh và hàng triệu người dân trên khắp thế giới.
Green New Deal đã được những người trong phong trào môi trường trung tả chấp nhận như một sự thay đổi mới mẻ về tốc độ giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Hầu hết phe biểu tình cũng ca ngợi đề xuất này như một sự khởi đầu. Với bản chất của cách tiếp cận được đề xuất là chính phủ lớn, từ trên xuống, và nặng tính ủy quyền, không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo khí hậu cấp tiến lại nhiệt tình ủng hộ kế hoạch này.
Các yêu cầu về chính sách của nhóm này rõ ràng hơn. Họ tin tưởng vào việc ban hành các quy định nghiêm ngặt về công nghiệp, áp đặt các mục tiêu năng lượng tái tạo đầy tham vọng, tăng trợ cấp cho năng lượng tái tạo, siết chặt bảo vệ đất đai công cộng khỏi các dự án phát triển năng lượng, phản đối việc khai thác thủy điện và giàn khoan ngoài khơi, và tăng thuế để chi trả cho các biện pháp cải thiện môi trường và cơ sở hạ tầng.
Các đề xuất đến từ phe này có xu hướng chủ đạo hơn là, chẳng hạn như, cấm đi lại bằng máy bay, nhưng vẫn bắt nguồn từ cảm tính và tâm lý 'méo mó có hơn không'. Họ, cùng với những người biểu tình cấp tiến, đồng ý rằng phải làm gì đó để chống lại những thách thức về môi trường - và rằng chính phủ là câu trả lời.
Các nhà môi trường ôn hòa
Các nhà bảo vệ môi trường ôn hòa bao gồm các nhà lập pháp và những người ủng hộ từ cả hai đảng. Được coi là ‘nhóm chính thống’, các nhà môi trường ôn hòa đã giúp định hướng cuộc thảo luận về môi trường trong một khoảng thời gian cùng với những người Cấp tiến dòng chính. Không giống với các nhóm khác, nhóm này bao gồm hầu kết những người từ cả hai cánh. Nhóm này tập hợp nhiều các nhà lập pháp và những người vận động chính sách ở D.C. hơn là các nhà hoạt động sinh viên. Một số giải pháp ôn hòa có thể kể đến bao gồm trợ cấp, tiến thuế và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.
Đây là một nhóm độc nhất ở chỗ họ tin rằng cần phải làm gì đó, nhưng câu trả lời lại là sự kết hợp giữa sự can thiệp của chính phủ và vận động của thị trường. Chẳng hạn, họ coi trợ cấp như một cách để chính phủ can thiệp mà không phải kiểm soát hoàn toàn nền kinh tế. Gần giống với những người theo nhóm cấp tiến dòng chính, những nhà môi trường ôn hòa không ngại chi tiền thuế để kích thích nền kinh tế sạch và họ không phản đối việc ban hành thêm các quy định cho nền kinh tế. Sự khác biệt giữa hai nhóm này là mức độ cần thiết của sự can thiệp và chi tiêu của chính phủ. Và không giống nhóm Cấp tiến dòng chính, các nhà Môi trường ôn hòa xác định sự cần thiết của năng lượng hạt nhân để giảm đáng kể lượng khí thải, tương tự như nhóm chúng ta sẽ xem xét trong tiểu mục tiếp theo.
Các nhà môi trường thân thị trường
Cho đến gần đây, phe thân thị trường và bảo thủ gần như im lặng trong các cuộc thảo luận về môi trường. Từ quá lâu rồi, bất cứ khi nào các lực lượng chính trị trung hữu tham gia vào các cuộc tranh luận này, họ thường chỉ biết nghe theo những diễn ngôn do các nhà môi trường ôn hòa hoặc cấp tiến đề ra - và trong một số trường hợp, như họ vẫn làm từ trước đến nay, có thể thấy qua những người như Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen (xem chương 14) và Thủ tướng Bavaria Markus Söder,11 cả hai đều là thành viên của các đảng chính trị bảo thủ chính thức, nhưng đã thông qua một đạo luật môi trường mang nặng tính chất can thiệp.
Điều này đã thay đổi trong những năm gần đây với sự thành lập của các nhóm mới như Liên minh Bảo tồn Hoa Kỳ (ACC) và Liên minh Bảo tồn Anh (BCA) và hoạt động không ngừng nghỉ của các tổ chức như Trung tâm Nghiên cứu Tài sản và Môi trường (PERC), những tổ chức đã đưa ra một giải pháp thân thị trường thực sự. Sự ra đời của cuốn sách này là kết tinh của sự kết nối và quan tâm ngày càng nhiều tới cuộc tranh luận về môi trường của những tiếng nói thân thị trường mới. Các chương tiếp theo sẽ đề cập đến sự đồng thuận đang nổi lên ở phía này của cuộc tranh luận xung quanh khái niệm về chủ nghĩa môi trường thân thị trường, trong khi chương 16 truy dấu lịch sử của cách mà những người trẻ, đặc biệt là tại ACC và BCA, trên thực tế đang định hình các cuộc thảo luận này.
Vậy, Đồng thuận Môi trường là gì?
Dù những sự khác biệt của mỗi nhóm trong phong trào khí hậu toàn cầu có lớn thế nào đi nữa, sự đồng thuận vẫn là cần phải làm gì đó để chống lại các thách thức về môi trường - đặc biệt là biến đổi khí hậu.
Những khác biệt nảy sinh khi vấn đề chính sách được đưa ra thảo luận. Các nhà hoạt động môi trường cánh tả tin rằng cần phải làm gì đó để hạn chế tác động môi trường ngay lập tức với bất cứ giá nào. Họ không có câu trả lời chính xác về những gì cụ thể phải làm, miễn là phải làm một điều gì đó – nên do các chính phủ thực hiện và tốt nhất là ở cấp độ toàn cầu. Các nhà bảo vệ môi trường cấp tiến dòng chính cũng tin rằng cần phải có hành động nhanh chóng và họ cũng tin rằng chính phủ phải dẫn dắt nỗ lực này. Họ đã đề xuất những gói chi tiêu khổng lồ từ ngân sách nhà nước. Nhưng liệu các chính phủ có thể hiện thực hóa những gì mà các lực lượng này mong đợi? Phần tiếp theo sẽ trả lời cho câu hỏi này.
Nick Lindquist
là Giám đốc Chính sách Quốc gia tại Liên minh Bảo tồn Hoa Kỳ và vừa tốt nghiệp Trường Madden School of Business tại Le Moyne College.
Chú thích:
(1) BBC News (2019). Who Is Greta Thunberg, the #FridaysForFuture Activist? https://www.bbc.com/news/world-europe-49918719
(2) ibid.
(3) Woodward, Aylin (2019). How 16-Year-Old Greta Thunberg - Time’s 2019 Person of the Year - Became the Face of Climate Activism in Just One Year. https://www.businessinsider.com/greta-thunberg-bio-climate-change-activist-2019-9#thunberg-was-nominated-for-the-nobel-peace-prize-in-march-7
(4) ibid.
(5) Epstein, Kayla (2019). Teen Climate Activist Greta Thunberg Demands That Congress ‘Listen to the Scientists’. https://www.washingtonpost.com/climate-environment/2019/09/18/teenclimate-activist-greta-thunberg-demands-that-congress listen-scientists/
(6) Law, Tara (2019). Greta Thunberg Arrives in New York After Sailing Across Atlantic. https://time.com/5663534/greta-thunberg-arrives-sail-atlantic/
(7) Extinction Rebellion (2020). About Us. https://rebellion.earth/the-truth/about-us/
(8) Công lý khí hậu là một thuật ngữ để chỉ một cách tiếp cận trong các giải pháp biến đổi khí hậu coi trọng các vấn đề đảm bảo sự công bằng giữa các nhóm người khác nhau trong xã hội, đặc biệt là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương. Tương tự Công lý sinh thái cũng là thuật ngữ để chỉ cách tiếp cận coi trọng sự công bằng giữa các nhóm người khác nhau trong xã hội trong việc bảo tồn thiên nhiên.
(9) Colvile, Robert (2019). The Problem with the Climate Strike’s Leaders. www.nationalreview.com/2019/09/climate-strike-leaders-anti-science/
(10) Ocasio-Cortez, Alexandria (2019). Text - H.Res.109 - 116th Congress (2019-2020): Recognizing the Duty of the Federal Government to Create a Green New Deal. https://www.congress.gov/bill/116th-congress/house-resolution/109/text.
(11) Gehrke, Laurenz (2019). In Bavaria, Black is the new Green. https://www.politico.eu/article/bavaria-csu-goes-green-markus-soder-climate-conversion/
Nguồn: Nick Lindquist, Green Market revolution (3. The Current Consensus), Austrian Economics Center and the British Conservation Alliance, 2020