[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương IV: Về việc lập đoàn thể chính trị ở Hoa Kỳ
VỀ VIỆC LẬP ĐOÀN THỂ CHÍNH TRỊ Ở HOA KÌ
Người Mĩ gốc Anh hàng ngày sử dụng quyền lập đoàn thể như thế nào. − Ba loại đoàn thể chính trị. − Người Mĩ áp dụng hệ thống đại diện vào các đoàn thể như thế nào. − Những nguy cơ từ đó đối với Nhà nước. − Đại hội nghị công ước năm 1831 liên quan đến thuế biểu. − Tính chất lập pháp của cuộc đại hội nghị công ước đó. − Tại sao sự thực hành hạn chế quyền lập đoàn thể ở Hoa Kì lại không nguy hiểm như ở các nơi khác. − Tại sao người ta coi việc đó như là điều cần phải có. − Tính hữu ích của các đoàn thể đối với các quốc gia dân chủ.
Nước Mĩ là đất nước trên thế giới này ở đó con người được lợi nhiều nhất trong việc lập đoàn thể và là nơi người ta áp dụng phương tiện mạnh mẽ này vào vô số mục tiêu khác nhau.
Hoàn toàn độc lập với những tổ chức thường trực được luật pháp cho phép tạo ra mang tên làng, thành phố và quận, còn có vô số tổ chức khác hoàn toàn được sinh ra và lớn lên nhờ ý nguyện cá nhân con người.
Ngay từ khi ra đời cư dân Hoa Kì đã học được là phải dựa vào chính mình để đấu tranh chống những cái xấu và những chuyện rắc rối trong cuộc sống. Con người ấy đưa mắt nhìn quyền lực xã hội một cách thách thức và e ngại, và vạn bất đắc dĩ mới cậy nhờ quyền lực. Điều này được thấy rõ ngay từ khi bắt đầu đi học, nhà trường là nơi trẻ em, ngay cả trong những trò chơi, cũng phải tuân thủ luật lệ do chúng đặt ra và tự chúng quy định rõ việc phạt những vi phạm. Cũng thấy cái tinh thần đó trong mọi hành động của cuộc sống xã hội. Một sự lộn xộn xuất hiện trên con lộ công cộng, đường đi bị ngáng trở, giao thông ngưng lại. Những người sống gần đó ngay lập tức thành lập tổ chức tình nguyện bàn cách giải quyết. Cuộc hội nghị bộc phát này đẻ ra ngay một quyền lực hành pháp giải quyết luôn sự cố trước khi có ai đó nghĩ tới việc nhờ chính quyền sở tại mà không dựa vào những đương sự tại chỗ. Khi có việc vui chơi, người ta cũng họp nhau lại để làm sao cho ngày vui hoành tráng hơn và long trọng hơn. Cuối cùng người ta cũng họp nhau lại để kháng cự lại những kẻ thù đậm đặc chất trí tuệ: mọi người cùng đấu tranh chống lại những điều quá trớn. Ở Hoa Kì, người ta thoả thuận nhau vì các mục tiêu an ninh công cộng, thương mại và công nghiệp, đạo đức và tôn giáo. Chỉ có cái ý chí của con người một khi bị nhụt thì mới ngăn cản được các cá nhân dùng ý chí tự do tập thể để đạt tới đích.
Rồi đây tôi sẽ có dịp nói tới những tác động của đoàn thể trong cuộc sống dân sự. Bây giờ tôi vẫn cứ nói bó hẹp trong đời sống chính trị đã.
Khi quyền lập đoàn thể được thừa nhận, người công dân có thể dùng nó theo nhiều cách.
Chỉ thành một đoàn thể khi nó bao gồm sự tham gia công khai của một số cá nhân theo một học thuyết này nọ và được họ cam kết bảo đảm bằng cách nào đó thực hiện học thuyết đó. Như vậy quyền lập đoàn thể hầu như lẫn với quyền tự do viết lách; vì đoàn thể có sức mạnh hơn báo chí. Khi một ý kiến được một đoàn thể đại diện, thì hình thức của nó buộc phải thể hiện rành rọt và chân xác hơn. Ý kiến đó có những người ủng hộ và họ bị lôi đi theo chính nghĩa của nó. Những người ủng hộ này tự họ tìm cách tìm hiểu lẫn nhau, và số lượng họ tăng lên thì lòng nhiệt tình của họ cũng tăng. Đoàn thể tụ hội mọi nỗ lực của những đầu óc phân tán lại thành một bó và đẩy đi tới một mục tiêu duy nhất được đoàn thể chỉ ra một cách rõ rệt.
Tầng bậc thứ hai của việc thực thi quyền lập đoàn thể là con người có quyền hội họp. Khi người ta để cho một đoàn thể chính trị dùng những trọng điểm nhất định của đất nước làm thành những tiêu điểm hành động, khi đó hoạt động của đoàn thể trở nên lớn lao hơn và ảnh hưởng của đoàn thể cũng rộng hơn. Ở đó, con người nhìn thấy nhau, các phương tiện hành động được kết hợp lại, các ý kiến được triển khai với sức mạnh và lòng nhiệt tình mà tư tưởng khi được viết thành lời văn không tài nào diễn đạt cho được.
Sau nữa, trong việc thực thi quyền lập đoàn thể thì về mặt chính trị còn có một tầng bậc cuối cùng nữa: những người cùng đi theo một ý kiến có thể hội nhau lại thành đoàn cử tri và cử ra những người được uỷ nhiệm thay mặt mình đi bầu tại một đại hội trung tâm, Đó chính là hệ thống đại diện áp dụng vào cho một đảng.
Vậy thì, trong trường hợp thứ nhất, những con người cùng bày tỏ một ý kiến như nhau tạo nên với nhau một mối dây liên hệ thuần tuý trí tuệ. Trong trường hợp thứ hai, họ tụ lại với nhau thành những nhóm nhỏ chỉ đại diện một bộ phận nhỏ của đảng. Cuối cùng trong trường hợp thứ ba, họ như thể hợp lại thành một quốc gia riêng rẽ trong lòng một quốc gia, một chính quyền bên trong một chính quyền. Những người được uỷ thác, cùng giống như những người đại diện cho phe đa số, tự họ thay mặt cho sức mạnh tập thể của tất cả những người trong phe đó. Những người đại diện này xuất hiện với dáng vẻ một dân tộc cùng với toàn bộ sức mạnh đạo lí có được từ đó. Đúng là họ không có quyền làm luật nhưng họ có quyền công kích cái luật lệ đang tồn tại và phát biểu trước cái luật lệ sẽ phải tồn tại.
Tôi giả định là có một quốc gia hoàn toàn chưa quen với việc sử dụng quyền tự do, hoặc cái quốc gia đang âm ỉ những đam mê chính trị sâu xa. Bên cạnh cái đa số làm ra luật pháp, tôi giả định có một thiểu số chỉ có nhiệm vụ án lí và dừng lại ở quyền phán quyết, và tôi không thể không tin rằng trật tự công cộng đã bị bỏ mặc cho những may rủi nghiêm trọng.
Chứng minh rằng bản thân một bộ luật này tốt hơn một bộ luật khác và chứng minh rằng nó phải thay thế cho bộ luật kia, hai việc đó rõ ràng là cách nhau thật xa. Nhưng ở chỗ nào đầu óc sáng láng của con người vẫn còn nhìn thấy được một khoảng cách xa, thì trí tưởng tượng của đám đông chẳng thấy nổi điều gì hết. Cũng đã có những thời kì mà đất nước bị phân chia ra gần như đều nhau thành hai đảng mà bên nào cũng cho là mình đại diện cho đất nước. Bên cạnh cái chính quyền đang điều hành mọi việc, nếu xây dựng được một chính quyền với mặt uy tín đạo lí thật lớn, liệu ta có nên tin rằng nó chỉ biết nói mãi nói mãi mà không hành động gì chăng?
Liệu phải chăng cái “đoàn thể” kia bao giờ cũng chỉ dừng lại ở những nội dung siêu hình, bởi vì mục đích của các đoàn thể chỉ là hướng dẫn dư luận chứ không phải là áp đặt dư luận, chỉ tư vấn luật pháp chứ không làm ra luật pháp?
Tôi càng hình dung tính độc lập của báo chí trong những tác động chính yếu của nó, thì tôi càng thấy rõ rằng ở các quốc gia hiện đại tính độc lập của báo chí là thành tố chính yếu, và như vậy nó là thành phần tạo thành tự do. Vậy là một quốc gia muốn tự do thì có cái quyền bằng mọi giá đòi hỏi phải tôn trọng tính độc lập của báo chí. Nhưng không thể hoàn toàn lẫn lộn một thứ tự do vô giới hạn trong việc lập đoàn thể chính trị với sự tự do viết lách, cái tự do lập hội vô giới hạn ít cần thiết hơn và lại nguy hiểm hơn quyền tự do viết lách kia. Một quốc gia có thể đặt những cột mốc định giới hạn ở đó mà vẫn không ngừng tự làm chủ được mình. Đôi khi quốc gia đó phải làm như vậy để tiếp tục được là một quốc gia.
Ở nước Mĩ, quyền tự do lập đoàn thể vì mục đích chính trị là vô giới hạn.
Một thí dụ cụ thể sẽ cho ta hiểu rõ kĩ hơn là những gì tôi có thể nói thêm cho đến độ bạn đọc không chịu đựng được nữa thì thôi.
Chúng ta hãy nhớ lại chuyện thuế biểu hoặc là chuyện về vấn đề tự do thương mại đã từng làm cho đầu óc người Mĩ bị lung lay ra sao. Thuế biểu không chỉ là vấn đề gây dư luận hoặc công kích vào dư luận mà nó đụng chạm đến những lợi ích vật chất vô cùng mạnh mẽ. Miền Bắc thì cho nó là nguyên nhân một phần sự thịnh vượng của mình, còn miền Nam thì cho là vì nó mà sinh ra hầu như đủ thứ khốn khổ. Có thể nói là trong thời gian dài chuyện thuế biểu đã làm đẻ ra những đam mê chính trị duy nhất là rung động cả Liên bang.
Năm 1831 khi cuộc cãi cọ đến hồi kịch liệt nhất, một công dân không tiếng tăm gì ở bang Massachusetts nghĩ ra việc qua báo chí đề nghị tất cả những ai chống lại vấn đề thuế biểu hãy cử các đại biểu đến Philadelphia đặng cùng nhau bàn bạc tìm ra các biện pháp trả lại tự do cho thương mại. Chỉ vài ngày thôi mà đề nghị này đi được khắp nơi từ bang Maine cho tới bang New Orleans nhờ khi đó đã có nhà máy in. Những người chống lại chuyện thuế biểu nhiệt liệt ủng hộ đề nghị này. Họ họp nhau khắp nơi và bầu ra các đại biểu của mình. Đại bộ phận những đại biểu này lại là những con người rất có tiếng tăm, và có những vị đại biểu nhờ chuyện thuế biểu mà cũng trở thành nổi tiếng. Bang Nam Carolina trước đó từng dùng súng đạn vì chuyện thuế biểu đã cử ra sáu mươi ba vị đại diện. Ngày 1 tháng Mười năm 1831, theo tục lệ Mĩ, đại hội nghị lấy tên là Quốc ước được hình thành ở Philadelphia, thành phần hơn hai trăm người. Họ thảo luận công khai và ngay từ hôm đầu tiên đã mang tính cách hoàn toàn lập pháp. Họ thảo luận phạm vi quyền hạn của Quốc hội, những lí thuyết về tự do thương mại và cuối cùng là những biện pháp khác nhau cho vấn đề thuế biểu. Sau mười ngày, đại hội nghị giải tán sau khi đã soạn ra lời kêu gọi nhân dân Mĩ. Trong lời kêu gọi này có nói: 1./ Quốc hội không có quyền định ra thuế biểu và thuế biểu hiện lưu hành là không hợp hiến; 2./không có tự do thương mại thì không phục vụ lợi ích của bất cứ quốc gia nào cả, đặc biệt là lợi ích của người Mĩ.
Phải thừa nhận là tự do vô giới hạn trong việc lập đoàn thể vì lí do chính trị cho tới nay chưa hề tạo ra ở Hoa Kì những tác động tai hại nào như người ta nghĩ là sẽ xảy ra như ở nơi khác. Quyền lập đoàn thể ở đó nhập từ người Anh, và đã tồn tại trong mọi thời kì ở nước Mĩ. Việc sử dụng quyền này bây giờ đã thành thói quen và tập tục.
Ngày nay, quyền tự do lập đoàn thể trở thành một bảo đảm cần thiết chống lại nạn cường quyền của phe đa số. Ở Hoa Kì, khi một đảng nào trở thành đảng thống trị, toàn bộ sức mạnh chính trị rơi vào tay đảng đó. Các bạn bè của đảng này chiếm toàn bộ các vị trí việc làm và nắm được toàn bộ các sức mạnh có tổ chức. Những con người nổi tiếng nhất của đảng đối lập không sao vượt qua được tấm chắn ngăn họ vươn tới quyền lực, khiến họ phải lập nghiệp bên ngoài; vì thế mà cần phải làm cho phe thiểu số đem toàn bộ sức mạnh tinh thần của mình chống lại cái sức mạnh vật chất đè nén mình. Đó là đem một hiểm nguy chống đối lại một hiểm nguy đáng gờm hơn.
Theo tôi, sự toàn quyền của phe đa số là một hiểm hoạ lớn cho các nước cộng hoà Mĩ, và việc đem dùng một phương tiện nguy hiểm để hạn chế nó hình như vẫn còn là một điều tốt lành.
Ở đây tôi sẽ nói một ý tưởng gợi lại toàn bộ những gì tôi đã nói đâu đó về các quyền tự do công cộng: để ngăn ngừa sự chuyên quyền của các đảng phái cũng như tính võ đoán của vị quân vương, không có đất nước nào mà các đoàn thể lại cần thiết hơn các quốc gia có trạng thái xã hội dân chủ. Tại các quốc gia quý tộc trị, các tổ chức thứ yếu tạo thành những đoàn thể tự nhiên ngăn ngừa những lạm dụng quyền lực. Tại những nước nào không hề có những đoàn thể đó, nếu các cá nhân không có quyền tạo ra một cách nhân tạo và tạm thời cái gì đó như những đoàn thể kia, tôi thấy ở đó chẳng còn một con đê nào để chặn mọi hình thái của dòng nước quét bạo quyền, và khi ấy một dân tộc lớn cũng có thể bị áp chế bởi một nhóm gây bạo loạn hoặc bởi một người mà không thể bị trừng phạt.
Việc tổ chức đại hội nghị quốc ước (gọi là “đại” vì còn có nhiều loại khác nữa) lắm khi có thể coi là một biện pháp tất yếu, mà ngay như cả ở Hoa Kì thì bao giờ cũng là một sự kiện trọng đại, và những bè bạn của nước này luôn luôn hình dung với nỗi e ngại.
Điều này được thể hiện rõ ở quốc ước năm 1831 khi toàn bộ các nỗ lực của những con người nổi tiếng trong đại hội là tìm cách làm cho ngôn ngữ được ôn hoà đi và thu hẹp đối tượng thảo luận lại. Rất có thể quốc ước năm 1831 có tạo được ảnh hưởng lớn đối với tinh thần những kẻ bất bình và chuẩn bị cho họ công khai nổi dậy vào năm 1832 chống lại các đạo luật thương mại của Liên bang.
Ta không thể che giấu được điều này, ấy là trong tất cả các quyền tự do, xét về mặt chính trị, thì quyền tự do vô hạn đối với việc lập đoàn thể là quyền tự do cuối cùng một dân tộc có thể ủng hộ. Nếu quyền tự do đó không làm cho quốc gia kia rơi vào hỗn loạn vô chính phủ, thì có thể nói là nó luôn luôn làm cho lúc nào cũng gần như đi tới hỗn loạn. Tuy nhiên, cái quyền tự do đầy hiểm nguy này vẫn đem lại những bảo đảm về một điểm, đó là ở các quốc gia có quyền tự do lập đoàn thể ta không thấy có những hội kín nữa. Ở nước Mĩ, có những kẻ gây bạo loạn, nhưng không có những kẻ mưu đồ bá vương.
Về những cách hiểu khác nhau đối với quyền lập đoàn thể ở châu Âu và ở Hoa Kì và về những cách khác nhau khi dùng quyền tự do đó.
Sau quyền tự do hành động đơn thương độc mã, thứ quyền tự do tự nhiên nhất của con người, thì có quyền được kết hợp những nỗ lực của con người tự do với những nỗ lực của những kẻ giống mình và cùng nhau hành động. Tôi thấy bản chất của quyền tự do lập đoàn thể cũng bất hủ như quyền tự do cá nhân. Nhà lập pháp không thể nào tìm cách thủ tiêu quyền đó mà lại không công kích chính xã hội. Song lại có những quốc gia ở đó quyền tự do tập hợp nhau là có ích và sinh lợi trong thịnh vượng, còn có những quốc gia khác thì lại lạm dụng và làm biến chất quyền tự do ấy, và từ một yếu tố của cuộc sống nó trở thành một nguyên nhân huỷ diệt. Tôi nghĩ là, đem so sánh những con đường khác nhau các đoàn thể đã đi, ở các nước có tự do nội tại và ở các nước tự do được ban phát, hẳn là điều hữu ích cho cả các chính quyền lẫn cho các đảng phái.
Phần lớn người châu Âu vẫn còn coi đoàn thể như một thứ vũ khí chiến tranh làm ra vội vã để đem dùng luôn trên chiến địa.
Con người họp đoàn với nhau để nói, nhưng đầu óc mọi người luôn luôn nghĩ rằng nói xong thì phải làm. Một đoàn thể là một đạo quân. Ở đó người ta nói để điểm mặt nhau và kích hoạt nhau, sau đó người ta tiến thẳng về phía quân thù. Trong con mắt những con người trong đoàn thể, những nguồn lực hợp pháp có thể trở thành những phương tiện, nhưng không bao giờ là phương tiện duy nhất để đi tới thành công.
Đó không phải là cách ở Hoa Kì người ta quan niệm về đoàn thể. Ở Mĩ, các công dân thuộc phe thiểu số họp thành đoàn thể, trước hết là để xem số lượng mình có bao nhiêu, và do đó mà làm yếu đi sự thống trị về tinh thần của phe đa số. Đối tượng thứ hai của những người họp thành đoàn thể với nhau là cùng nhau tìm ra những lập luận thích hợp nhất để gây ấn tượng được tới phe đa số. Vì họ bao giờ cũng nuôi hi vọng thu hút phe đa số về với mình và sau đó nhân danh chính mình mà chiếm lấy quyền lực.
Vì vậy mà những đoàn thể chính trị ở Hoa Kì đều có mục tiêu ôn hoà và biện pháp thì đúng pháp luật. Và khi họ chỉ muốn chiến thắng bằng con đường hợp pháp thì nói chung họ chỉ nói lên sự thật mà thôi.
Sự khác nhau về điểm này giữa người Mĩ và chúng ta là do nhiều nguyên nhân.
Ở châu Âu, có những đảng khác rất xa với phe đa số, đến độ họ không thể hi vọng có khi nào được phe đa số ủng hộ, và các đảng đó lại tự coi mình đủ mạnh để chống được phe đa số. Khi một đảng kiểu đó lập ra một đoàn thể, nó không hề định bụng thuyết phục mọi người, nó chỉ muốn đánh đấm thôi. Ở Mĩ, những con người có vị trí rất xa với phe đa số về quan điểm của họ cũng chẳng có riêng một quyền hành gì: tất cả mọi người đều hi vọng chiếm lấy vị trí đó.
Vì vậy mà việc thực thi quyền lập đoàn thể thành ra nguy hiểm theo tỉ lệ thuận với việc các đảng lớn không thể có khả năng trở thành phe đa số. Tại một quốc gia như Hoa Kì nơi các ý kiến quan điểm khác nhau không nhiều, thì quyền tự do lập đoàn thể có thể coi là vô hạn.
Điều khiến chúng ta chỉ thấy trong quyền tự do lập đoàn thể cái quyền tuyên chiến với chính quyền, ấy là do chúng ta không có kinh nghiệm thực tế về tự do. Cái gì xuất hiện đầu tiên trong đầu của một đảng cũng như của một con người khi có sức mạnh trong tay, ấy là nghĩ đến bạo lực: việc nghĩ đến chuyện thuyết phục người khác chỉ xuất hiện lâu về sau; nó sinh ra từ sự trải nghiệm.
Người Anh chia rẽ với nhau rất lớn song vẫn hiếm khi họ lạm dụng quyền lập đoàn thể, vì họ đã có thời gian sử dụng quyền đó thật lâu rồi.
Trong chúng ta ngoài ra còn có thêm cái thú cực kì đam mê chuyện đánh nhau, một cái thú không còn thứ gì vô tích sự hơn, dù điều đó có làm đảo lộn cái Nhà nước người ta đang sống nhưng vẫn thích được chết trong tư thế tay cầm vũ khí.
Nhưng ở Hoa Kì, trong tất cả các nguyên nhân cùng tác động đến việc làm dịu bạo lực của việc lập đoàn thể chính trị, nguyên nhân mạnh mẽ nhất có lẽ là việc phổ thông đầu phiếu. Ở các nước chấp nhận phổ thông đầu phiếu, phe đa số không bao giờ bị ngờ vực cả, bởi vì chẳng có đảng nào lại có thể tự mình trở thành kẻ đại diện một cách hợp lí cho những người không đi bỏ phiếu. Vậy là các đoàn thể biết rõ và mọi người đều biết rõ là các đoàn thể chẳng hề đại diện cho đa số. Điều này là kết quả của chính sự tồn tại của các đoàn thể. Bởi vì nếu các đoàn thể đó đại diện cho phe đa số, họ sẽ thay đổi luật pháp thay vì đòi hỏi sự cải cách luật pháp.
Sức mạnh tinh thần của cái chính quyền bị các đoàn thể đó công kích lại gia tăng lên nhiều lần, còn phía các đoàn thể thì yếu đi nhiều lần.
Ở châu Âu, hầu như không có đoàn thể nào lại không tuyên ngôn là hoặc tin tưởng là họ đại diện cho ý chí của phe đa số. Sự tuyên ngôn hoặc sự tin tưởng này làm gia tăng sức mạnh của họ một cách kinh hoàng, và phục vụ tuyệt vời cho việc chính thức hoá các hành động của họ. Bởi vì còn có thứ gì có thể được tha thứ dễ dàng hơn cả khi đó là bạo lực để giành chiến thắng cho cái chính nghĩa bị đè nén?
Vì thế mà trong đống hỗn độn vô biên những luật lệ do con người đặt ra, đôi khi lại có chuyện là sự tự do tuyệt đối làm được công việc sửa chữa những lạm dụng quyền tự do, và sự dân chủ tuyệt đối có thể tiên báo những nguy cơ của nền dân trị.
Ở châu Âu, các đoàn thể tự coi mình như một thứ hội đồng lập pháp và hành pháp của quốc gia, cái hội đồng tự nó chẳng thể nào lên tiếng được. Xuất phát từ ý tưởng đó, họ hành động và họ ra lệnh. Còn ở Mĩ, nơi trước con mắt mọi người các đoàn thể chỉ mang hình ảnh một phe thiểu số trong quốc gia, họ lên tiếng và kiến nghị.
Những phương tiện được các đoàn thể ở châu Âu sử dụng phù hợp với mục đích đeo đuổi của họ.
Mục đích chính yếu của các đoàn thể này là hành động chứ không phải là lên tiếng nói, đánh đấm chứ không thuyết phục, một cách tự nhiên họ bị lôi cuốn đến chỗ tự cho mình là một tổ chức chẳng có gì là dân sự hết và họ du nhập vào hàng ngũ những thói quen và những châm ngôn quân sự: vì thế mà ta thấy họ tập trung hoá công việc điều khiển lực lượng đến mức cao nhất có thể, và chuyển cái quyền lực của mọi người trong đoàn thể vào trong tay của một nhóm người.
Những thành viên của những đoàn thể này đáp lại một khẩu lệnh như lính tráng đi ra trận. Họ quảng bá tín điều phục tùng thụ động, hoặc đúng hơn là, khi họ nhập cục lại với nhau, họ đồng loạt hi sinh toàn bộ năng lực phán xét và tự do hành động. Vì thế mà thường thấy bên trong các đoàn thể này một sự chuyên chế ở mức độ không thể chấp nhận nổi, còn hơn cả sự chuyên chế ở bên ngoài xã hội nhân danh cái chính quyền mà các đoàn thể đó công kích.
Điều này làm giảm rất nhiều sức mạnh tinh thần của họ. Họ cũng vì thế mà làm mất đi tính chất thiêng liêng gắn liền với cuộc đấu tranh của những kẻ bị áp bức chống những kẻ đi áp bức. Vì kẻ nào trong những trường hợp nhất định mà bằng lòng phục tùng đồng loại như kẻ nô lệ, chịu khuất phục trước đồng loại cả ý chí lẫn tư tưởng của mình, làm sao mà kẻ đó lại dám tự nhận mình là kẻ tự do?
Người Mĩ cũng đã dựng lên được một chính quyền trong lòng các đoàn thể; nhưng đó là một chính quyền dân sự, nếu tôi có thể diễn đạt như vậy. Độc lập cá nhân của con người có phần trong chính quyền đó. Cũng như trong xã hội, mọi con người cùng tiến bước trong chính quyền đó hướng về cùng một mục tiêu; nhưng không bắt buộc mỗi cá nhân phải đi đứng hệt như nhau. Trong cái chính quyền đó, con người chẳng hề hi sinh ý chí và lí trí của mình để cho một sự nghiệp chung được thắng lợi.
Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)