Giá trị đạo đức của chủ nghĩa tư bản
Chủ nghĩa tư bản đã cho ta một bằng chứng hùng hồn rằng, nhờ theo đuổi mô hình cạnh tranh, với hệ thống thiết chế chính yếu của nó dựa trên tư hữu và những thỏa ước xã hội tự nguyện, nó đã đạt được sự phát triển kinh tế phi thường chưa từng thấy. Ngay cả Karl Marx, trong Tuyên ngôn Cộng sản, đã tuyên bố rằng chủ nghĩa tư bản là một “guồng máy phát triển” vĩ đại. Dẫu vậy, hệ thống thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản vẫn tiếp tục bị đa số người trên toàn thế giới xem là thiên về vật chất, thiếu đạo lý, và vì thế, vô đạo đức. Quan điểm này đặc biệt thịnh hành trong phần lớn của tầng lớp được xem là trí thức.
Lịch sử cho thấy rằng những thể chế khác với chủ nghĩa tư bản đã đè bẹp tự do, lập ra những cơ chế chính trị chuyên chế, cắt giảm cơ hội và biến hiệu năng kinh tế thành trò hề; chính sách kế hoạch hóa tập trung và cào bằng kinh tế đã khiến nhà nước can thiệp vào những chuyện riêng tư cũng như dẫn đến chế độ độc tài tàn ác. Đấy là những điều có lẽ không cần thiết phải nhắc lại. Dù vậy, những kẻ trung thành với chủ nghĩa xã hội, cả thiên hữu lẫn thiên tả, vẫn tin rằng liệu pháp chủ nghĩa xã hội một ngày nào đó sẽ đưa loài người đến đỉnh vinh quang.
Điều đáng nói là, ngày càng có nhiều trí thức tinh hoa của Mỹ, những người được biết đến qua những niềm tin của họ về “nền kinh tế hỗn hợp”, “chủ nghĩa trung dung” hoặc “nền dân chủ về kinh tế”, xuất hiện sau tấm bình phong xã hội chủ nghĩa. Họ công nhận mình là những người theo chủ nghĩa xã hội hay ít ra, thể hiện xu hướng thiên về một cơ chế hỗn hợp thay cho thị trường tự do. Không kể những động cơ đằng sau, luận điểm của họ là chủ nghĩa tư bản từ bản chất đã không công bằng. Nếu không có một nền tảng đạo đức, như lời những kẻ chỉ trích, thì tư hữu và thị trường tự do sẽ không bao giờ được dung thứ.
Trong quá khứ, những người bảo vệ chủ nghĩa tư bản cạnh tranh cũng có lỗi như mọi người khác vì đã nuôi dưỡng quan điểm sai lầm này. Họ đã bỏ quá nhiều thời gian để ca ngợi thành quả tốt đẹp của chủ nghĩa tư bản, thị trường tự do, và những thông tin xã hội hữu ích tạo ra được từ giá cả, lương bổng, lãi suất, lợi nhuận và thua lỗ. Chủ quan về tính hiệu quả của chủ nghĩa tư bản, những người ủng hộ nó đã không đầu tư đủ thời gian và tâm trí đến khía cạnh đạo đức của hệ thống này. Nếu đạo đức của chủ nghĩa tư bản không được chứng tỏ, hoặc bằng cách so sánh nó với những thể chế khác trong thực tế hoặc dựa trên những nguyên lý căn bản, thì khả năng sống còn của nước Mỹ tự do thật sự sẽ còn rất nhỏ.
Vấn đề đạo đức của chủ nghĩa tư bản
Thật ra, điều chính yếu nhất đáng để tranh biện cho nền kinh tế tự do không phải vì hiệu quả kinh tế phi thường của nó trong việc làm gia tăng của cải và phúc lợi kinh tế, mà đúng hơn, là vì chủ nghĩa tư bản nhất quán với những nguyên tắc đạo đức căn bản của cuộc sống. Đây là điều chúng ta cần nắm rõ. Những nguyên tắc này bao gồm: tôn trọng giá trị và cá tính của mỗi cá nhân; không tìm cách điều khiển con người như những vật thể, mà công nhận những quyền và giá trị của họ, và sử dụng phương cách thuyết phục và tự nguyện trao đổi hơn là ép buộc và vũ lực. Tóm lại, chủ nghĩa tư bản cạnh tranh phát triển dựa trên những nguyên tắc không xâm hại đến quyền tự do của con người.
Điều kiện của những trao đổi trong hệ thống thị trường dựa trên tư hữu phải có tính tự nguyện, đảm bảo rằng quyền tự chủ về tinh thần và vật chất của con người được bảo vệ khỏi sự tấn công bằng bạo lực của kẻ khác. Bạo lực không được chấp nhận trong quan hệ giữa người với người trong chế độ tư bản chủ nghĩa. Tự do cá nhân, và do đó, tự do kinh tế và chính trị, không phải là thứ “không can hệ gì đến đạo đức”, mà là một điều kiện cần thiết của đạo đức. Sử dụng bạo lực nhằm chống lại những cá nhân khác là một hành động khước từ yếu tố cơ bản nhất của quyền tự do, sự an toàn và tài sản của con người, và điều này đi ngược với nguyên tắc đạo đức. Đạo lý sống đòi hỏi con người phải được hành động và lựa chọn mà không bị đe dọa và cưỡng ép từ bên ngoài. Friedrich Hayek nhắc nhở chúng ta về những điều kiện căn bản cụ thể cho đạo lý sống: “Chỉ khi nào con người có quyền chọn lựa, và chịu trách nhiệm về sự chọn lựa của mình, thì họ mới có dịp khẳng định những giá trị hiện hữu, nhằm góp phần làm cho những giá trị đó tiếp tục thăng hoa, và trở thành người có phẩm hạnh đạo đức.” Tính đạo đức của quyền lựa chọn ngầm giả định về quyền tự do nhất thiết phải có nhằm thực thi những bổn phận của chúng ta.
Hệ thống thị trường tự do, nơi cho phép sự trao đổi tự nguyện và cùng có lợi, nhất quán với quyền tự do lựa chọn, và vì thế, tạo ra môi trường tốt nhất để hành đạo, theo đó, việc theo đuổi tín ngưỡng cá nhân được tôn trọng. Hayek, khi cảnh báo chúng ta về những hệ quả xấu của hệ thống kế hoạch hoá xã hội chủ nghĩa, đã viết trong cuốn the Road to Serdom [Đường về nô lệ] rằng, chỉ:
“… khi nào chúng ta chịu trách nhiệm cho những quyền lợi của chính mình … thì khi đó quyết định của chúng ta mới có giá trị đạo đức. Quyền tự do chấn chỉnh hành vi của mình trong một môi trường mà những hoàn cảnh vật chất bắt buộc chúng ta phải chọn lựa, và trách nhiệm trong việc điều chỉnh cuộc sống bản thân theo đúng lương tâm của chúng ta, là môi trường duy nhất cho phép ý thức đạo đức được phát triển và cho phép những giá trị đạo đức được tái tạo hằng ngày bởi quyền được tự do quyết định của mỗi cá nhân. Bổn phận phải gánh chịu những hậu quả từ những quyết định của chính bản thân mình là tính chất cốt yếu của bất kỳ hệ thống luân lý hằng được biết đến nào.”
Người ta liên tục khẳng định rằng những yếu tố duy vật chất của chủ nghĩa tư bản là phi luân lý. Tuy nhiên, thật sai lầm khi đổ lỗi cho một hệ thống xã hội là quá quan tâm đến vật chất đơn giản chỉ vì người dân trong xã hội đó được tự do quyết định theo đuổi những mục đích mà mình mong muốn.
Việc đổ lỗi cho chủ nghĩa tư bản là duy vật chất đã đi lạc đề. Đa số đều đồng ý rằng chủ nghĩa tư bản lập kỷ lục trong việc sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả. Điều quan trọng đáng lưu ý nữa là có rất ít người bị nghèo đói dưới thể chế này. Nếu đem so sánh thì chủ nghĩa xã hội đều thất bại trong cả hai việc trên. Tuy thế, người ta vẫn phải thừa nhận rằng sự dồi dào vật chất là một trong những nhân tố tích cực của cuộc sống. Trong đa số các xã hội mà ta từng biết, chỉ có một bộ phận nhỏ là không quan tâm đến phát triển kinh tế và hưởng thụ vật chất mà thôi. So với các nền kinh tế thị trường, những quốc gia xã hội chủ nghĩa, thiên hữu hoặc thiên tả, chú trọng ngang bằng hoặc thậm chí nhiều hơn đến việc phát triển kinh tế, đến sản xuất công nghiệp, và cả sự hi sinh cá nhân nhằm theo đuổi những mục tiêu vật chất.
Thật không may cho những người không muốn theo định hướng vật chất trong những xã hội được kế hoạch hoá, chẳng hạn như những người ước mong có một cuộc đời ẩn dật, thề nguyện khổ hạnh, hoặc theo đuổi một mục đích tâm linh: họ bị kỳ thị. Tự do có vẻ còn quan trọng hơn đối với thiểu số những người không theo đuổi mục tiêu vật chất so với những người theo đuổi nó. Chỉ trong một chính thể phân quyền, đa nguyên, tư hữu thì những quyền bất khả xâm phạm của những người ấy mới được đảm bảo. Bất kể những mục đích của con người là gì, cho dù chúng thiên về phẩm hạnh, vật chất hoặc gì đi nữa, dường như thị trường tự do vẫn là phương cách nhân bản nhất mà loài người đã tìm được để đối phó với những vấn đề kinh tế liên quan đến việc phân bổ nguồn lực khan hiếm một cách hiệu…
Những tác dụng nhân bản của tự do
Một trong những tiến bộ vĩ đại của một hệ thống xã hội đặc trưng bởi sự hợp tác xã hội thông qua việc trao đổi vì lợi ích của nhau là nó tạo ra cơ hội và mở rộng phạm vi cho sự đồng cảm, từ thiện, và tình người. Thật vậy, học giả của chủ nghĩa tự do cá nhân (libertarian) Murray Rothbard nhắc nhở chúng ta rằng “… những cảm nhận về tình bằng hữu và sự san sẻ dường như là những hệ quả của một chế độ dựa trên hợp tác xã hội bằng hợp đồng thay vì là nguyên nhân hình thành chế độ đó.” Mỗi cá nhân có một đặc điểm riêng. Trong nghĩa đó, để ai đó nói rằng cái gì sẽ hoặc không đem đến hạnh phúc cho một người khác là một điều hết sức khó khăn.
Lẽ tự nhiên là khi ta không đồng ý với một hành động của ai đó, ta có xu hướng muốn cứu vớt kẻ ấy ra khỏi vũng lầy. May mắn là chủ nghĩa tư bản có khuynh hướng ủng hộ những ai tôn trọng tính bất khả xâm của quyền tự quyết của người khác bởi vì nó tôn trọng và củng cố quyền sở hữu tư nhân. Sự suy thoái những quy ước hữu ích cho xã hội, cùng với sự phá huỷ nền tảng đạo đức mà con người đã trải nghiệm trong thời gian gần đây phần nào là hậu quả của việc chúng ta chuyển hướng suy nghĩ từ trách nhiệm cá nhân sang trách nhiệm xã hội. Khi người ta được bảo rằng hành vi và tác động [xấu] của họ không phải là do lỗi của chính họ thì hành vi [cá nhân] được bào chữa, xã hội bị kết án, và chính phủ được xem là cơ quan duy nhất có thể giải quyết được vấn nạn này.
Đạo đức nghề nghiệp, được khuyến khích bởi chế độ tư hữu, là biểu trưng cho nguồn gốc quan trọng của trách nhiệm đạo đức; và nó cũng liên tục nhắc nhở chúng ta rằng những hành động của chúng ta luôn có giá của chúng. Những thành tố cốt lõi của một trật tự thị trường tự do định ra một hệ thống thể chế xã hội nhằm khuyến khích sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cá nhân vì mình và vì mọi người. Tương phản với tất cả những chế độ kinh tế khác, chủ nghĩa tư bản cạnh tranh hoạt động dựa trên một hệ thống luật pháp khuyến khích sự tôn trọng lẫn nhau với những người mà ta tiếp xúc.
Cái quá trình, trong đó chúng ta thoả mãn được những đòi hỏi vật chất của mình thông qua hợp tác xã hội, không làm kiệt quệ những mục tiêu riêng mà mỗi cá nhân đang theo đuổi. Việc theo đuổi hạnh phúc riêng tư và sự bình an nội tâm phải được khám phá bởi chính cá nhân ấy. Nói chung, trong chế độ tư hữu và tự do kinh doanh, những mối quan hệ xã hội của loài người ổn định hơn nhiều. Khoảng thời gian giữa những cuộc chiến tranh của Napoléon và Thế chiến I, thời kỳ thịnh vượng của chủ nghĩa tư bản cạnh tranh, đã cho thấy một thế kỷ ít nhiều không có những cuộc chiến tranh tàn bạo. Hơn thế nữa, chủ nghĩa tư bản cạnh tranh là hệ thống xã hội đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã nhắm vào ước vọng làm giàu của mỗi cá nhân bằng cách cung cấp nhiều hàng hoá và dịch vụ cho những cá nhân khác một cách hoà bình.
Sự tiến triển của thị trường tự do đã rất thành công trong việc nâng cao đời sống của tầng lớp lao động và người nghèo. Đáng tiếc là không có giải pháp thay thế cho việc chu cấp cho những đòi hỏi của con người thông qua trao đổi tự nguyện ngoài việc điều khiển vận mệnh của họ bằng bạo lực. Bất cứ nơi nào mà chủ nghĩa xã hội chiếm ưu thế, nó luôn tìm cách hạ thấp điều kiện sống của mọi người dân và làm cho đa số quần chúng bị thống trị bởi một thiểu số đặc quyền. Một đất nước xã hội chủ nghĩa, thiên hữu hoặc thiên tả, chỉ trừ một số ít trường hợp cá biệt, là một thể chế độc tài toàn trị, trong đó những quyền tự do cá nhân và dân sự biến mất và một hình thức nô lệ được hình thành.
Chủ nghĩa tư bản và tôn giáo
Đạo đức và công lý của hệ thống tư bản chủ nghĩa dựa trên mối tương quan mật thiết giữa tư hữu, thỏa thuận tự nguyện, và chủ quyền của một cá nhân đối với vận mệnh của mình. Chúng ta có khuynh hướng coi khái niệm giá trị cá nhân là cái gì đó hiển nhiên, nhưng trên thực tế, sau khi chủ nghĩa tư bản xuất hiện thì sự quan tâm đến quyền lợi cá nhân mới trở thành hiện thực.. Thật ra, thị trường tự do không những không làm mất đi nhân tính của con người, mà còn cho phép anh ta phát triển đầy đủ tính cách cá nhân của mình. Lương tâm con người và vai trò của nó trong việc nhận thức thiện và ác, vốn được xác nhận trong thời kỳ man khai của Thiên chúa giáo, đã thăng hoa dưới thể chế tư bản cạnh tranh.
Thời kỳ “bình minh của lương tâm”, cột mốc lịch sử mà trong đó những cá nhân ban đầu đấu tranh để được tự do về đạo đức và từ đó chịu trách nhiệm cho hành vi của mình, đã xuất hiện trước tiên tại Ai Cập và sau đó được người Do Thái vay mượn và phát triển. Sau đó Chúa Jesus và Thánh Paul đưa ra quan điểm công nhận cá tính riêng biệt của mỗi con người. Điều quan trọng là giải thích này đại diện cho quan điểm cá nhân chủ nghĩa về con người, nó khẳng định rằng linh hồn của mỗi cá nhân là thứ quan trọng nhất. Thiên chúa giáo đã tạo ra một môi trường, trong đó, để được cứu rỗi, các cá nhân được tự do lựa chọn theo ý mình.
Thiên chúa giáo không những khám phá ra rằng linh hồn của mỗi cá nhân đáng được cứu rỗi, mà còn đưa ra khái niệm “pháp trị.” Mối quan tâm về khái niệm pháp luật cũng đã chứng tỏ rằng điều này rất quan trọng trong việc phát triển khái niệm tự do sở hữu và khế ước đất đai trong các nước phương Tây. Phải công nhận rằng những đóng góp này chủ yếu chỉ để bảo vệ tài sản của nhà thờ khỏi quyền lực của Nhà nước thế tục. Nhưng qua thời gian, những nguyên lý của “pháp trị” và quyền tư hữu tài sản đã phát triển mạnh mẽ trong quan hệ giữa người và người. Có một mối liên hệ rõ nét và khăng khít giữa nền đạo đức của Do Thái – Ki Tô giáo và nền kinh tế thị trường tự do. Mối liên hệ này dựa trên quan điểm chính thức về vị trí trung tâm của cá nhân trong việc phân tích những mối quan hệ xã hội.
Hệ thống thị trường mở và tự do gần như là một môi trường hoàn hảo, hay ít ra là một bước tiến đảm bảo cho con người có được tự do ý chí. Nó cho phép người ta có thể thực hành hành vi đạo đức. Một người chỉ có thể học cách sửa đổi hành vi của mình khi người ấy được phép phạm sai lầm và hy vọng sẽ học hỏi từ những sai lầm ấy. Nói cho cùng, người ta sẽ khôn ra sau khi phạm phải sai lầm. Điều đáng tiếc là khi ảnh hưởng của chính phủ đối với cuộc sống người dân càng nhiều, thì cơ hội cho việc rèn luyện năng lực đạo đức một cách tự do càng ít đi.
Bản thân xã hội không thể có hoặc không có đạo đức; chỉ có cá nhân là phần tử có đạo đức. Dựa theo lập luận của Arthur Sheffield, ta thấy rằng trong một hệ thống kinh tế, “. . . nếu những đặc điểm cốt yếu của nó quả thực nuôi dưỡng hay củng cố hành vi cá nhân có đạo đức hoặc vô đạo đức, [thì] . . . hệ thống đó kết cục hoặc là một hệ thống có đạo đức hoặc là một hệ thống vô đạo đức.” Chủ nghĩa tư bản cạnh tranh, dưới chế độ pháp trị, tích cực nuôi dưỡng hành vi có đạo đức và vì thế, kết cục, nó có thể sẽ là một xã hội có đạo đức. Khi những quyền tư hữu, công bằng được bảo vệ, khi những cam kết được đảm bảo thực thi, và khi pháp trị được áp dụng, thì “bản chất tự nguyện trong những giao dịch tư bản chủ nghĩa sẽ thúc đẩy chúng ta tôn trọng người khác.”
Đạo đức và thị hiếu cá nhân
Dĩ nhiên, ta không thể khẳng định rằng nền tư bản cạnh tranh luôn phát sinh những giá trị và tư cách mà mọi người đều đồng ý. Dù thế, việc quan trọng là chúng ta có lòng khoan dung đối với cách hành xử được cho là “không thể chấp nhận được”, không ai ưa thích hoặc khó chịu miễn là nó không phương hại ai. Một cá nhân không nên vi phạm điều mà nhà xã hội học thế kỷ XIX, Herbert Spencer, gọi là “điều luật tự do bình đẳng,” trong đó nói rằng “. . . một người có quyền tự do làm bất cứ điều gì mình muốn, miễn là anh ta không xâm phạm đến quyền tự do tương tự của người khác.” Vì thế, những hành vi có tính hoà bình, bất bạo động của con người không phải là một tội lỗi. Những ai thật sự tin yêu tự do phải phản đối những hành động cưỡng ép, phủ nhận khả năng sống một cuộc đời đạo đức bằng cách ngăn cản quyền tự do lựa chọn mà đạo đức yêu cầu. Vì người ta vốn khác nhau, những mục đích mà họ theo đuổi cũng khác nhau, chúng ta phải chấp nhận những hành động được cho phép trong một xã hội tự do dù chúng gây khó chịu đối với thị hiếu cá nhân của chúng ta.
Lysander Spooner, một người đấu tranh đầy nhiệt huyết cho quyền tự do cá nhân trong thế kỷ XIX, đã thấy được một đặc điểm quan trọng: hành vi xâm phạm và/hoặc dùng bạo lực đối với thân thể hoặc tài sản của một cá nhân khác hẳn với hành vi, “. . . trong khi có thể là vô đạo đức theo quan niệm chung, nhưng lại phải được phép tự do nảy nở, và thậm chí cần được luật pháp bảo vệ.” Không thể có được đạo đức trừ phi con người được tự do lựa chọn những hướng đi khác nhau mà không bị kẻ khác ép buộc. Nhà nhân văn học vĩ đại Albert Schweitzer đã nói rằng văn minh nhân loại chỉ có thể phục hồi khi một số người có thể phát huy một nếp nghĩ mới, độc lập và trái ngược với trào lưu chung của số đông còn lại – một quan điểm sẽ dần chiếm ảnh hưởng đối với nếp nghĩ chung và từ đó đi đến xác định vị trí của nó.
Chỉ có phong trào bắt nguồn từ một quan điểm đạo đức cách tân mới có thể cứu rỗi chúng ta khỏi việc trượt dài đến chủ nghĩa tập thể. Như là một điều kiện cần, quan điểm đạo đức cách tân sẽ trở thành hiện thực chỉ nhờ sự lựa chọn cá nhân. Một lần nữa, chúng ta lại xác định được rằng chỉ có nền kinh tế thị trường tự do với hệ thống tư hữu và tự nguyện trao đổi mới có thể phát huy tối đa tiềm năng để sống một cuộc đời đạo đức.
Những tác động và hệ quả của quá trình cạnh tranh trong chủ nghĩa tư bản nói chung đồng nhất với trật tự đạo đức. Nhưng ngay cả khi chúng không nhất quán, việc phản đối những hạn chế mang tính cưỡng bức đối với những hành vi của con người không vi phạm quy luật tự do, bình đẳng vẫn cực kỳ quan trọng. Phong cách sống đa dạng và quan điểm khác biệt là một trong những luận cứ chính của quyền tự do của con người. Dưới thể chế tư hữu và thị trường tự do đôi khi những hành động gây khó chịu hay thậm chí ghê tởm vẫn được bảo vệ bởi luật pháp của xã hội tự do.
Đạo đức và những lựa chọn khác
Nói tóm lại, cái hệ thống được gọi là “chủ nghĩa tư bản,” một ám chỉ đầy thị phi đối với nhiều người, chắc chắn là đồng nhất với đạo đức và công lý trong hệ thống xã hội của chúng ta hơn bất kỳ những hệ thống nào khác mà ta đã biết. Tính chất vô đạo đức quá rõ ràng của những thể chế xã hội chủ nghĩa độc tài tại Ba Lan, Cu Ba, Đông Đức, Trung Quốc, Liên Xô, Iran, và những thể chế phát xít cánh hữu độc trị ở những quốc gia như Argentina và Chile, nơi mà quyền tự do căn bản nhất của con người bị chà đạp, nơi mà hàng triệu người bị giết hại trên nhân danh trật tự xã hội mới, đã chứng minh cho tính ưu việt của chính thể phân quyền tự do và cởi mở.
Nghèo đói và tàn bạo thật đáng ghê tởm. Trên bất cứ quan điểm nào, thật đau lòng khi nhìn thấy trẻ em bị đói khát. Vậy thì chúng ta hãy đặt câu hỏi rằng nền kinh tế nào cho phép đa số dân chúng đủ ăn, tự do lựa chọn ngành nghề và mức độ độc lập cao về tinh thần cũng như vật chất? Ở quốc gia nào người dân có cơ hội được tự do, tự do thật sự? Những quốc gia xã hội chủ nghĩa có đem đến tự do, năng động, và độc lập như vậy không? Hay là trên thực tế, những quyền lợi ấy được nuôi dưỡng trong một cơ chế xã hội của thị trường tự do, tư hữu, và chính quyền bị giới hạn?
Bên trong những giới hạn về quyền
Những câu hỏi trên đã được giải đáp. Liên Bang Xô Viết nói về “tự do” và “dân chủ”, nhưng dường như họ không gặp phải khó khăn trong vấn đề nhập cư. Cộng sản Đông Đức, bên cạnh đó, đã phải xây một bức tường bê tông khổng lồ và canh giữ nó ngày đêm để chống lại việc dân chúng bỏ xứ ra đi. Ngay cả trong những thể chế “dân chủ xã hội”, việc xây dựng một hệ thống yên ổn và quân bình cũng đang bị thất bại. Trong những năm gần đây, nền kinh tế đang xuống dốc của Pháp, dưới mô hình xã hội mạnh mẽ của Mitterand, đang là trò cười cho cả thế giới. Câu chuyện thần thoại về một xã hội utopia của Thụy Điển đã bộc lộ bản chất thật sự trong cuốn The New Totalitarians [Những Người Toàn Trị Mới] của Roland Huntford.
Frederic Bastiat, nhà kinh tế học và phê bình xã hội nổi tiếng người Pháp trong thế kỷ thứ XIX, đã tìm ra những đặc điểm cần thiết của một thể chế thật sự công lý và đạo đức. Ông đã hỏi một câu hỏi vô cùng quan trọng:
“. . . người dân ở nước nào đạo đức nhất, hoà bình nhất và hạnh phúc nhất? Ta thấy những người dân này sống trên những đất nước có nền luật pháp ít can thiệp nhất vào vấn đề riêng tư; nơi chính quyền có ảnh hưởng ít nhất; nơi mà cá nhân phát huy được hết khả năng của mình, và được tự do bày tỏ chính kiến đối với thế lực lớn nhất; nơi quyền lực quản lý ở mức tối thiểu và đơn giản nhất; nơi có chính sách thuế nhẹ nhất và hầu như là công bằng; . . . nơi những cá nhân và tổ chức tích cực nhất gánh vác trách nhiệm của mình, và vì thế mà đạo đức của . . . con người liên tục tiến triển; nơi thương mại, đoàn thể, và hiệp hội ít bị giới hạn nhất; . . . nơi hầu hết mọi người đều theo đuổi xu hướng tự nhiên của họ; . . . nói tóm lại, những người hạnh phúc nhất, đạo đức nhất và ôn hòa nhất là những người hầu như đều đi theo một nguyên tắc: Mặc dù nhân loại không hoàn hảo, mọi niềm hi vọng đều dựa trên những hành động tự do và tự nguyện của con người bên trong những giới hạn nhất định về quyền; luật pháp hoặc bạo lực không được dùng đến trừ phi để thi hành công lý chung cho mọi người.”
Vì hiểu rằng vấn đề chúng ta đưa ra về nền tảng đạo đức của chủ nghĩa tư bản cần phải tiếp tục tinh lọc, ta hãy tìm hiểu lời dạy của Thánh Augustine. Ngài lập luận rằng sự sung túc về vật chất không nhất thiết sẽ đem lại những lựa chọn tốt hơn, một giá trị đạo đức cao cả hơn, hoặc nhiều hạnh phúc hơn. Đề cập đến trái đất và tình trạng khó khăn của con người, Ngài viết: “Những điều trần gian mong muốn không thể bị coi là xấu xa, vì trong bản chất cõi trần gian đã tốt đẹp hơn những sản phẩm khác của con người. Vì rằng trần gian mong muốn một sự bình an thế tục để tận hưởng những sản phẩm thế tục. Con người có quyền theo đuổi những thứ này, vì chúng là những thứ tốt đẹp, và không còn gì nghi ngờ, chúng là món quà từ Thượng đế. Nhưng còn có những thứ tốt đẹp hơn và chúng ở cõi địa đàng và được bảo vệ bởi sự vinh hiển muôn đời và nền hoà bình vô tận.” Loại giá trị đạo đức ấy nằm giữa mỗi cá nhân và Thượng Đế của anh ta. Việc được cứu rỗi lại là một vấn đề khác.
Sự hưng phấn khi tìm hiểu tự do
Bỏ qua những lập luận của Bastiat, Hayek, Shenfield và những người khác, một câu hỏi lý thú và quan trọng cần được nêu lên. Tại sao một cơ chế xã hội đã tạo ra những điều kiện sống ngày càng cao chưa từng thấy trong lịch sử của những quốc gia ứng dụng những nguyên tắc trên, và đồng thời cũng đã xoá đi tính bất nhân giữa người với người bằng uy lực của nó, lại chiếm một vị thế thấp kém trong suy nghĩ của hàng triệu con người? Hayek đã rất đúng khi ông nhấn mạnh rằng chúng ta một lần nữa phải biến việc nghiên cứu về tự do trở thành một đề tài trí tuệ đầy cảm hứng. Không chỉ vì những lý do kinh tế, triết học hoặc lịch sử mà là vì hàng tỉ người dù biết hay không, ít nhất họ phải hiểu rằng tư tưởng có những hệ lụy của chúng, và đời sống của họ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những gì các triết gia viết ra. “Tự do,” Alexis de Tocqueville nói, “không thể có nếu như không có đạo đức, cũng giống như không thể có đạo đức nếu như không có đức tin.”
Nếu nước Mỹ muốn tồn tại, những nhân tố hiện đại đầy thuyết phục của nó phải được liên kết với những gì mà Russell Kirk gọi là “những vấn đề vĩnh cửu,” và George Nash gọi là “. . . những vấn đề tâm linh và những thể chế nuôi dưỡng chúng.”
Nguồn: Trích chương 16 cuốn Nền tảng đạo đức của kinh tế thị trường, “Mark W. Hendrickson (chủ biên), The Morality of Capitalism, The Freeman”, 9/1985