Lịch sử phân tích kinh tế (Phần 4)

Lịch sử phân tích kinh tế (Phần 4)

3.7 John M. Keynes (1883-1946)

Trước sự phong phú và tính đa dạng của sự nghiệp của Keynes, có lẽ là “nhà kinh tế lớn nhất của thế kỉ XX”, phân tích của chúng tôi chỉ có thể là phiến diện và chỉ tập trung vào Lí thuyết tổng quát về việc làm, tiền lãi và tiền tệ (1936).

Phải tính đến bối cảnh của tác phẩm. Lí thuyết tổng quát được viết trong thời kì thất nghiệp đại chúng, gắn với cơn đại suy thoái. Keynes phản đối lí thuyết chính thống đang ngự trị trong chính sách kinh tế và nghĩ rằng tính dai dẳng của thất nghiệp đòi hỏi những biện pháp mới. Trên bình diện tri thức, kinh tế học vi mô marshallian đã trở thành, ít ra là ở Anh, học thuyết chính thống. Về vấn đề thất nghiệp, các nhà kinh tế bị kẹp giữa hai gọng kìm. Cho dù tình cảm của họ là gì đi nữa, họ buộc phải chấp nhận rằng lí thuyết kinh tế chỉ cho được một chẩn đoán duy nhất, gắn liền thất nghiệp với tính không linh hoạt của lương. Do họ đã trở thành những chuyên gia mà lời khuyên được coi trọng, những đánh giá của họ là một chướng ngại cho việc thực thi những chính sách mới. Do đó cần phải bẻ gãy ổ khoá. Đó là mục tiêu Keynes đeo đuổi khi bắt tay vào soạn tác phẩm sau này trở thành quyển sách chủ lực của ông.

Nhưng trong việc thực hiện ý đồ trên, có thể nghĩ, như Favereau (1985), rằng Keynes do dự giữa hai chiến lược tri thức, giữa một “dự phóng triệt để” và một “dự phóng thực dụng”. Dự phóng thứ nhất xuất phát từ sự không thỏa mãn sâu sắc đối với học thuyết chính thống và những lựa chọn phương pháp luận của học thuyết này. Dự phóng này muốn xây dựng lại lí thuyết trên những cơ sở mới, dành ưu tiên cho những yếu tố được xem là chủ yếu nhưng lại bị học thuyết chính thống coi nhẹ, như tiền tệ, sản xuất, thời gian và tuần tự của những tác vụ kinh tế, sự bất trắc, tài chính và đầu cơ. Khiêm tốn hơn, dự phóng thực dụng không xét lại những cơ sở của học thuyết chính thống và chấp nhận nó như một ngôn ngữ phải dùng đến để phát biểu những mệnh đề lí thuyết. Từ tiên đề này, Keynes xuất phát từ một nhận định – hiện trạng của lí thuyết chính thống không thể dung nạp thất nghiệp tự nguyện – và đề nghị trả lời một câu hỏi – đâu là thay đổi tối thiểu cần đưa vào học thuyết chính thống để không còn tình trạng trên?             

Lúc bấy giờ trước mặt Keynes có hai chiến lược ấy. Đọc lại Collected Writings cho thấy là ông tha thiết với dự phóng triệt để. Nhưng có thể nghĩ là ông cho rằng, do mục tiêu thuyết phục chính trị, đặt ưu tiên cho dự phóng thực dụng là đúng đắn. Thật vậy để những can thiệp nhằm thúc đẩy kinh tế dễ được chấp nhận thì không cần thiết phải làm một cuộc cách mạng khoa học. Chỉ cần gạt ra những mệnh đề lí thuyết gây cản trở. Favererau cho thấy tâm trạng Keynes biến hoá như thế nào trong quá trình viết Lí thuyết tổng quát. Viễn cảnh triệt để bao trùm những bản thảo đầu đã dần dần nhường chỗ chính cho dự phóng thực dụng. Trong phiên bản cuối cùng, dự phóng thực dụng là nổi trội, nhưng không hoàn toàn là độc tôn. Có lẽ sự sống chung của hai cấp độ dự phóng là một trong những lí do khiến cho tác phẩm thành khó đọc và nhập nhằng. Theo dự phóng thực dụng, tác phẩm thuộc về cách tiếp cận marshallian (và như chúng ta sẽ thấy, một cách ngầm ẩn, thuộc về cách tiếp cận walrasian) còn theo dự phóng triệt để thì tác phẩm mở đường cho cách tiếp cận tiền tệ. Chính Keynes đã để cho cách hiểu nước đôi tồn tại. Việc dự phóng thực dụng nổi bật trong Lí thuyết tổng quát không có nghĩa là ông bằng lòng với điều đó, vì trong bài viết1 trên Quarterly Journal of Economics năm 1937 những luận điểm triệt để lại được đặt lên hàng đầu.

Mặt khác, tính chất lai tạp của Lí thuyết tổng quát cho phép những người diễn dịch khác nhau có cách đọc riêng của mình, và tính chất này hiện rõ khi đặt chồng lên nhau một vài chương của tác phẩm này. Trong chương 2, có tựa là “Những định đề của kinh tế học cổ điển”, Keynes xác định chỗ đứng của mình đối với học thuyết chính thống marshallian. Ông tuyên bố chấp nhận định đề đầu của cách tiếp cận marshallian (lương thực tế bằng với năng suất cận biên của lao động là đẳng thức ấn định cầu lao động) nhưng lại gạt bỏ định đề thứ hai (lương thực tế bằng với độ phản lợi ích cận biên của lao động là đẳng thức ấn định cung lao động). Khái niệm mới về thất nghiệp không tự nguyện nổi lên từ việc từ bỏ này. Những nhận định trên hoàn toàn khớp với dự phóng thực dụng. Nhưng cũng trong chương này, Keynes đưa vào một yếu tố phân biệt triệt để, gắn với dự phóng triệt để, tính tiền tệ của những giao dịch hàng hoá. Điều này mở đường cho một phê phán triệt để qui luật Say, được hiểu như cơ sở của cách nhìn chính thống. Chương 3, có tựa “Nguyên lí cầu thực tế” mô tả lí thuyết cầu thực tế, sử dụng một khái niệm marshallian làm công cụ. Cũng có thể đọc chương này ở hai cấp độ. Một mặt chương này chứa đựng một loạt những khái niệm và quan hệ sau này trở thành cái lõi của kinh tế học vĩ mô được gọi là chuẩn. Mặt khác, có thể kiến giải chương này trong một nghĩa triệt để, nhấn mạnh đến tính chất một chiều của quyết định việc làm và sự bất đối xứng giữa vị thế doanh nghiệp và người làm công ăn lương (Cartelier, 1985 b). Cũng còn có thể, như Minsky (1975) và Orléan (1988), cho rằng các chương 12 và 17, có tựa đề theo thứ tự là “Tình trạng dự kiến dài hạn” và “Những thuộc tính cơ bản của lãi suất và tiền tệ” là lí thú nhất. Một lần nữa, cách kiến giải lại càng phi chính thống, nhấn mạnh đến tính thích đáng của những nhận xét của Keynes về sự bất trắc, sự bắt chước, vai trò của tài chính và tính gây mất ổn định của đầu cơ tài chính. Cuối cùng, ta có thể ưa thích chương 18 có tựa là “Trình bày lại lí thuyết tổng quát về việc làm“. Trong chương này, Keynes trình bày bằng lời văn một mô hình cân bằng chung, trong đó với lương danh nghĩa và cung tiền tệ cho trước, mức cân bằng của thu nhập quốc gia được ấn định bởi sự tương tác giữa thị trường sản phẩm (tiêu dùng và đầu tư) và thị trường tiền tệ.  Hicks sẽ dựa trên chương này để khái quát hoá, trong bài điểm sách nổi tiếng (1937), điều sau này trở thành công thức IS-LM. Cách nhìn cuối cùng này biến Keynes thành một nhà phổ biến không có ý thức cho cuộc cách mạng walrasian. Đó là ý kiến của Patinkin: “Thật vậy, đóng góp cơ bản của Lí thuyết tổng quát là một ứng dụng thực tiễn đầu tiên của lí thuyết walrasian về cân bằng chung:thực tiễn”, không phải trong nghĩa thực nghiệm, mà trong nghĩa thu gọn mô hình hình thức của Walras với n phương trình đồng thời và n ẩn số thành một mô hình có thể xử lí được (“manageable”), để từ đó rút ra những hệ quả cho thế giới hiện thực“ (1987, vol III: 27).

Trước sự phức tạp trên, bảng tổng kết chỉ có thể là phải tinh tế. Ít nhất trên hai phương diện, dự phóng của Keynes đã thành công. Về mặt chính sách kinh tế, công tác thuyết phục đạt kết quả rộng rãi. Cái khoá bị bẻ gãy và những thiên kiến về sự can thiệp của chính phủ trong kinh tế thay đổi hoàn toàn. Thành công thứ nhì liên quan đến việc thực hiện chương trình nghiên cứu ẩn ngầm trong Lí thuyết tổng quát. Ở đây cũng thế, thành công là kì diệu vì chỉ trong một thời gian ngắn đã hình thành một trường lí thuyết mới, kinh tế học vĩ mô. Khi so dự phóng này với nội dung tác phẩm của Keynes, thì cả hai thành công trên là một điều bí hiểm. Thật vậy, không thể gán thành công cho tính không bác bỏ được của lập luận. Ngay cả dự phóng thực dụng đã không thực sự hoàn thành. Trước hết vì dự phóng này là ít khiêm tốn hơn điều người ta có thể nghĩ lúc đầu. Tiếp đó thành công của nó đòi hỏi có những tiến bộ ngay của chính lí thuyết tân cổ điển mà lúc bấy giờ chưa được thực hiện.                     

3.8 F. A. Hayek (1899-1992)

Nếu Menger là nhà sáng lập trường phái Áo thì việc phổ biến những tư tưởng của trường phái này là công việc của những môn đồ của ông, đặc biệt là von Wieser và von Böhm-Bavek. Vả lại giữa hai cuộc thế chiến, ý kiến thống trị là không có một trường phái Áo, tách rời với lí thuyết kinh tế được thừa nhận do các nhà kinh tế Áo đã chuyển tải tư tưởng của họ vào lí thuyết này. Thế nhưng ngày nay ý kiến trên không còn được chấp nhận rộng rãi và những nhà kinh tế tân Áo lại có xu hướng nhấn mạnh tính đặc thù của họ trong nội bộ gia đình tân cổ điển hơn. Tác giả có vai trò then chốt trong tiến trình này là Hayek.

Số phận tư tưởng của Hayek thật là kì lạ. Rất nổi tiếng trong những năm 1930 – lúc bấy giờ ông dạy tại đại học London School of Economics  và là địch thủ lí thuyết chính của Keynes – thành công của ông là rất ngắn ngủi. Chiến thắng của những ý tưởng keynesian gạt qua một bên tư tưởng của ông cho đến khi, như một hiện tượng con lắc, tư tưởng của ông lại được coi trọng, điều mà nhờ tuổi thọ ông được làm nhân chứng.

Suy tưởng của ông trải rất rộng, vượt khỏi lĩnh vực của kinh tế học trong nghĩa hẹp. Ông có một vai trò nổi bật trong những cuộc tranh luận về các lí thuyết chu kì kinh tế và cách kiến giải chúng, một đề tài thời sự giữa hai cuộc thế chiến. Trong những tác phẩm về chu kì, mà đỉnh cao là Prices and Production (1935), chu kì được quan niệm như một vấn đề phối hợp liên thời gian. Một cách sơ lược, cân bằng liên thời gian được định nghĩa như sự tương thích giữa cơ cấu của tư bản, được thể hiện qua mức độ “roundaboutness2 của qui trình sản xuất (nghĩa là thời gian, dài hay ngắn, những nguồn lực sản xuất bị giữ ứ đọng trong quá trình sản xuất) và những sở thích liên thời gian cơ bản của các tác nhân. Hayek lập luận như thể nền kinh tế thị trường tự động cân bằng nhưng cho rằng một chính sách tiền tệ lỏng lẻo có thể là yếu tố nhiễu loạn. Bằng cách giảm giả tạo lãi suất, chính sách này phát những tín hiệu giả về sở thích liên thời gian của các tác nhân. Hậu quả là một sự bùng nổ giả tạo, một gia tăng của đầu tư và kéo dài không có cơ sở của quá trình sản xuất. Theo Hayek tiếp đó chỉ có thể là một cơn khủng hoảng kinh tế khi sự không tương thích giữa cơ cấu tư bản và sở thích liên thời gian của các tác nhân nổi rõ ra. Bằng cách nhìn này thừa hưởng từ những nhà kinh tế Áo đi trước ông, Hayek đối lập với Keynes khi trong Treatise on Money, Keynes cho rằng cuộc khủng hoảng là do thiếu đầu tư. Hơn nữa, ngày nay nhìn lại, Hayek hiện ra như người tiên phong của lí thuyết hiện đại về chu kì, được các nhà “cổ điển mới” đề xướng, trong chừng mực là ông cho rằng đã đặt cơ sở lí thuyết này trên lí thuyết walrasian (Butos, 1985).

Tuy nhiên suy nghĩ của ông tiến một bước thứ nhì, được Hutchinson (1981) cho là bước ngoặt đoạn tuyệt, đặc biệt là sau việc ông tham gia vào cuộc tranh luận về khả năng hạch toán kinh tế trong một nền kinh tế tập thể. Như vậy, Hayek buộc phải đào sâu tư duy của ông về tính đặc thù và những nguyên lí vận hành của một nền kinh tế thị trường trong nhiều bài viết quan trọng được tập hợp trong quyển Individualism and Economic Order (1949). Trong những bài viết này, việc phối hợp những quyết định cá thể được nêu bật thành vấn đề kinh tế cơ bản. Hayek nhấn mạnh là sự phối hợp được tiến hành thông qua những thất bại và sai lầm của những quyết định thật sự. Như thế ông xa rời cách nhìn walrasian vốn đặt trọng tâm tới việc hòa giải trước khi có quyết định, và do đó theo một quan điểm cổ điển khi ông nhấn mạnh rằng cạnh tranh là một quá trình khám phá, tập huấn thường xuyên. Dưới mắt ông, một chiều kích quan trọng khác là vai trò của tri thức trong sự vận hành của nền kinh tế. Đó không hẳn là hiểu biết của nhà lí thuyết, của nhà kinh tế – tri thức khoa học – mà là hiểu biết phi lí thuyết của các tác nhân trong nền kinh tế. Những tác nhân này hành động với những thông tin chính xác và hạn chế, thiếu nhận thức tổng quát, nhưng đủ để làm cho hệ thống vận hành. Trực giác này khiến Hayek phát biểu lại khả năng đứng vững của một nền kinh tế phi tập trung như sau: bằng cách nào sự tương tác tự phát của những cá nhân có những thông tin hạn chế có thể dẫn đến một kết quả mà, nếu trong trường hợp tương tác được một cơ quan tập trung cân nhắc đòi hỏi là cơ quan này có khả năng gộp chung những thông tin rải rác ? Vậy thì Hayek cho rằng điểm mạnh chính biện minh cho hệ thống thị trường là do hệ thống này tiết kiệm được việc tập trung thông tin. Nếu phải đạt đến cùng một kết quả bằng một phương thức chỉ huy thì khối lượng thông tin cần tổng gộp và xử lí là quá lớn, và do đó sẽ làm giảm hiệu quả.

Khác biệt giữa Walras và Hayek (và giữa những môn đồ của họ) đáng được nhấn mạnh vì nó cho thấy là có nhiều cách quan niệm lí thuyết tân cổ điển. Quả thật là Hayek đã không phê phán Walras mà ngược lại, như chúng ta đã thấy, ông đã qui chiếu một cách rõ ràng đến Walras. Đó một phần vì ông hiểu dò dẫm như là một quá trình tương đương với quá trình hấp dẫn cổ điển, chứ không phải trong nghĩa kĩ thuật như đã nêu ở trên. Hơn nữa, có thể nghĩ rằng ông đã phê phán một cách gián tiếp qua những người khác, chính xác hơn là trong những bài viết về khả năng của chủ nghĩa xã hội (Hayek, 1949). Thật vậy, với khoảng lùi của thời gian, có thể thấy là những nhà bảo vệ kinh tế tập thể, như Lange, có những lập luận thuần túy walrasian và thừa nhận, dù không nêu ra, giả thiết dò dẫm. Bởi thế những phê phán của Hayek nhằm vào những nhà kinh tế này hoàn toàn có thể chuyển hướng nhắm vào lí thuyết walrasian!                                      

Walras muốn xây dựng kinh tế học theo khuôn mẫu của vật lí cơ học, một quan niệm mà đối với Hayek không gì khác hơn là “chủ nghĩa duy khoa học”. Điều này gắn với chủ nghĩa chủ quan của các nhà tân Áo. Trong lúc lí thuyết kinh tế truyền thống quan tâm nhất đến những đối tượng và giá trị của chúng thì các nhà kinh tế tân Áo nhất mạnh đến quá trình đánh giá của các chủ thể kinh tế. Mặt khác, Hayek quan tâm đến những vấn đề bị Walras bỏ qua, như sự hình thành những thể chế, sự nổi lên của một “trật tự tự phát”, kết quả của những hành động của con người chứ không phải của những ý đồ của con người. Một khác biệt đến như thế trong đánh giá cũng tất nhiên có nhiều hệ quả. Như vậy, như chúng tôi đã nêu, Walras và những nhà walrasian luôn đặt ưu tiên cho tính hoạt động lí thuyết hơn là cho tính thực tế. Ngược lại, Hayek và các nhà tân Áo không thể không chú ý đến những nét chủ yếu của cái được giải thích (explanandum).

Do đó, Hayek và Walras là những mẫu mực vì mỗi người minh hoạ cho những phẩm chất và khiếm khuyết của hai trực giác phương pháp luận trái nhau. Khiếm khuyết của Walras, như chúng tôi đã ghi nhận, là lí thuyết của ông không cho ta thấy tính đặc thù nào của một nền kinh tế thị trường, vì lí thuyết hình thành giá của ông đòi hỏi có sự tập trung. Ngược lại cách tiếp cận walrasian có một đặc tính đáng chú ý: nó mở đường cho một chương trình nghiên cứu thật sự, phong phú và tiến bộ về mặt tri thức. Với Hayek, ta tìm thấy những nét trái ngược. Ông nắm bắt được bản chất sâu sắc của nền kinh tế thị trường và những đòn bẩy làm nền kinh tế này vận hành. Nếu khoa học kinh tế phải đúc kết lại thành một tiểu luận duy nhất và cuối cùng, một loại di chúc tóm tắt những điểm chủ yếu của hiểu biết thì những bài viết của Hayek về thông tin có lẽ đáng được giữ lại hơn là sự nghiệp của Walras. Nhưng tiểu luận này không vạch được một chương trình nghiên cứu. Có thể thấy điều này ở việc là các môn đồ của Hayek trong một chừng mực rất lớn chỉ lặp lại những trực giác của ông. Trong khi lí thuyết walrasian đã tiến triển vô cùng từ thời Walras, thì năm mươi năm sau lí thuyết tân Áo gần như không bước thêm được chút nào!   

Để hoàn tất bức tranh, cần phải đưa thêm khả năng có những cách biệt giữa những diễn ngôn lí thuyết và siêu lí thuyết. Nếu Hayek phê phán Lange đó là vì Lange đề nghị một sách sử dụng siêu lí thuyết xã hội chủ nghĩa của lí thuyết walrasian trong khi Hayek là người bảo vệ tự do kinh doanh. Một phê phán như thế đối với những nhà walrasian của trường phái “cổ điển mới” là ít cần thiết hơn vì các nhà kinh tế này, mặc dù có sự khác biệt lí thuyết trên, đều chấp nhận cùng một siêu lí thuyết với Hayek; đấy là chưa nói đến việc họ dùng Hayek như ngọn cờ trong cuộc tiến công của họ chống Keynes. Tương tự như vậy, sự hội tụ lí thuyết giữa các nhà hậu keynesian và tân Áo về bất trắc, sản xuất và chiều kích thời gian nhường chỗ cho, trong một chừng mực rất lớn, sự khác biệt về mặt siêu lí thuyết, đặc biệt là về đánh giá khác nhau của họ về khả năng điều chỉnh tự phát của những nền kinh tế phi tập trung.  

(Còn nữa)              

Chú thích

(1) xem bài Lí thuyết tổng quát về thất nghiệp (ND)

[2] đánh vòng (ND)↩

Nguồn: “Histoire de l’analyse économiques” của Michel De Vroey trong Encyclopédie économique (Bách khoa kinh tế), nhà xuất bản Economica, Paris, 1990, trang 55-92

Nguồn dịch: Phantichkinhte123:Lịch sử phân tích kinh tế

Dịch giả:
Nguyễn Đôn Phước