![[Tinh thần dân chủ] Chương 10: Châu Á là ngoại lệ? (Phần 6)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k22071_12.6_(1).png)
[Tinh thần dân chủ] Chương 10: Châu Á là ngoại lệ? (Phần 6)
CHỦ NGHĨA TƯ BẢN GIẢ HIỆU
Nếu dân chủ phải giành chiến thắng trên khắp lục địa châu Á và trên thế giới thì nó sẽ phải chiến thắng ở những nơi mà chế độ độc tài thành công nhất. Và trong khi Singapore là nhà nước phi dân chủ thành công nhất về kinh tế, thì Trung Quốc đã và đang tham gia vào cuộc thử nghiệm kéo dài trong việc kết hợp độc tài chính trị lan vào mọi ngõ ngách của đời sống trong một đất nước đông dân nhất thế giới với phát triển kinh tế và tăng trưởng với tốc độ đã từng giúp những người cầm quyền Singapore duy trì được quyền lực lâu dài đến thế.
Năm 1986, theo chỉ đạo của lãnh tụ tối cao của Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình, thủ tướng Triệu Tử Dương đã thành lập đội đặc nhiệm nhằm kiểm tra khả năng cải cách chính trị. Nhiều người trong giới ăn trên ngồi trốc trong đảng Cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc ủng hộ công việc của lực lượng này, họ cho rằng “cải cách kinh tế không thể tiến lên được nếu không kèm theo cải cách chính trị” nhằm giải quyết tình trạng kém hiệu quả của bộ máy nhà nước tập quyền quá mức, hoàn toàn nằm dưới sự chi phối của đảng. Chính Đặng [Tiểu Bình] cũng thận trọng, ông ta chỉ coi cải cách là công cụ mà thôi. Năm 1987, ông đã loại bỏ người đứng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc là Hồ Diệu Bang, sau khi Hồ [Diệu Bang] tỏ ra thích thú với cuộc cải cách theo chủ nghĩa tự do và quá khoan dung với những cuộc biểu tình của sinh viên. Nhưng Triệu [Tử Dương], người kế nhiệm ông Hồ [Diệu Bang] làm tổng bí thư và “người phụ tá đáng tin cậy” Bão Đồng cũng có thiện cảm với sự nghiệp cải cách. Họ thành lập nhóm các “trí thức và quan chức theo chủ nghĩa tự do” để thảo luận về tham vọng tách đảng ra khỏi nhà nước, đưa vào một số biện pháp kiểm soát và đối trọng, thiết lập dần dần chế độ dân chủ (trong đó có cạnh tranh chính trị và tự do ngôn luận) trong nội bộ đảng Cộng sản, và xây dựng dần dần chế độ dân chủ ở cơ sở (bảo vệ hơn nữa các quyền tự do dân sự của quần chúng nhân dân). Triệu [Tử Dương] có suy nghĩ táo bạo; thậm chí ông còn đề nghị tổ chức các cuộc bầu cử có tính cạnh tranh cho các hội đồng nhân dân cấp tỉnh, tương đương với cơ quan lập pháp các bang của Hoa Kỳ, ngoại trừ sự kiện là hầu hết các tỉnh ở Trung Quốc đông dân hơn hầu hết các nước trên thế giới. Mục tiêu của ông không phải là chế độ dân chủ tự do mà là hệ thống cộng sản đã được tự do hoá trong đảng, sẽ cai trị một cách có trách nhiệm và minh bạch hơn.
Một năm sau, đội đặc nhiệm đệ trình báo cáo, thảo luận về “nhu cầu và tính cấp bách của cải cách chính trị.” Mặc dù đội đặc nhiệm chỉ đưa ra những khuyến nghị chung chung, nhưng Đặng [Tiểu Bình] đã cảnh báo: “Chúng ta không thể bỏ chuyên chính. Chúng ta không được chấp nhận ý kiến về dân chủ hóa.” Tháng 10 năm 1987, Ban chấp hành Trung ương chấp thuận những nét đại cương của cuộc cải cách và không khí cho cuộc thảo luận đã được nới lỏng vào năm 1988. Nhưng tháng 4 năm 1989, kế hoạch này bị nổ tung, sinh viên trường Đại học Trung Quốc và các trường khác ở Bắc Kinh đã tụ tập để tưởng niệm Hồ Diệu Bang và phản đối việc nhà nước không tổ chức kỉ niệm một cách xứng đáng ngày mất của ông. Các sinh viên đã lợi dụng bầu không khí chính trị tương đối thoải mái lúc đó để tổ chức những cuộc biểu tình có đông người tham gia hơn trên quảng trường Thiên An Môn, họ lên án tệ tham nhũng và ủng hộ các quyền tự do mà về danh nghĩa được hiến pháp bảo đảm. Cuối cùng, nhiều sinh viên, trí thức cùng với công nhân đã tham gia những cuộc biểu tình “được tổ chức ở một phần ba đến hai phần ba trong tổng số 434 thành phố của Trung quốc.” Lời kêu gọi dân chủ và cuộc động viên hơn một trăm ngàn người biểu tình chỉ riêng ở Bắc Kinh đã làm đảng Cộng sản hoảng hốt. Ngày 20 tháng 5, chính phủ tuyên bố thiết quân luật và ngày 4 tháng 6 họ dọn dẹp quảng trường Thiên An Môn bằng một cuộc tấn công đẫm máu, đồng thời đập tan phong trào ủng hộ dân chủ. Triệu [Tử Dương] và những nhà cải cách theo đường lối tự do khác bị thanh trừng, Bão Đồng bị 7 năm tù. Trải qua “kinh nghiệm cận tử” của đảng Cộng sản Trung Quốc và sau đó là vụ sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu, giới chóp bu cầm quyền ở nước này đã đè bẹp tất cả các triển vọng của các cuộc cải cách trong tương lai có thể nhìn thấy được.
Trung Quốc hiện nay là đất nước cởi mở và đa nguyên hơn hẳn hầu hết giai đoạn trong những năm 1980 và ngay sau biến cố Thiên An Môn. Những chiến dịch mang tính ý hệ điên cuồng đã trở thành dĩ vãng – thực vậy, phần lớn ý hệ cộng sản đã trở thành dĩ vãng. Các nhà tư bản giàu có được mời vào hàng ngũ của đảng, và những người cộng sản được đưa vào chính quyền cấp tỉnh hoặc là người quản lý của công ti quốc doanh đã trở thành những nhà tư sản giàu có. Khủng bố hàng loạt thời Mao [Trạch Đông], kiểm soát chặt chẽ việc di chuyển và quyền lực đã nhường chỗ cho “chiến lược ‘đàn áp có chọn lọc’ tinh vi, chỉ nhắm vào những người thách thức công khai... chính quyền, trong khi cho công chúng nói chung được yên. Trung Quốc là một trong vài nước độc tài cho phép tính dục đồng giới và cross-dressing (nam mặc quần áo dành cho phụ nữ và ngược lại – ND), nhưng bất đồng chính trị thì không.” Nhà nước cộng sản vẫn tàn bạo như cũ, tử hình từ năm tới mười hai ngàn người một năm, nhiều hơn tất cả các nước trên thế giới cộng lại. Các nhà báo, luật sư, các nhà hoạt động trong xã hội dân sự và các nhà trí thức cũng như tất cả những người thách thức hệ thống khác có khả năng bị bắt và bị bỏ tù (hay bị quản thúc tại gia). Nhưng chế độ độc tài của Trung Quốc đang ngày càng có hình thức tinh vi hơn, các tổ chức xâm nhập, các nhà doanh nghiệp, các nhà trí thức và sinh viên hợp tác với chế độ và sử dụng tới 30 ngàn “cảnh sát mạng” được huấn luyện để theo dõi các trang mạng và thư điện tử. Mục tiêu đầy tham vọng của biện pháp này là thanh lọc những trang web có chứa “thông tin độc hại” mà khoảng 140 triệu người sử dụng mạng ở Trung Quốc có thể tiếp cận (trong đó có 34 triệu blogger) và sử dụng “để chống chế độ trong những giai đoạn khủng hoảng ở tầm quốc gia.” Công cụ Internet của Trung Quốc hiện đang ngăn chặn những cụm từ và từ khóa “có tính lật đổ như dân chủ, nhân quyền, Pháp Luân Công (phong trào tôn giáo chống cộng) và ngày 4 tháng 6 (ngày chính phủ đàn áp sinh viên biểu tình ở Thiên An Môn.) Với sức mạnh vô cùng to lớn của thị trường nước này, chế độ đã đe dọa, buộc những công ty nước ngoài như Google, Yahoo và Microsoft phải tự kiểm duyệt. Trong khi giúp đỡ xây dụng mạng Internet của Trung Quốc vào năm 1998, Cisco Systems đã bị “tố cáo là giúp chính quyền nước này lập trình các thiết bị để có thể lọc thông tin và theo dõi trên mạng.” Từ năm 2004, Trung Quốc đã tăng cường kiểm duyệt Internet bằng những biện pháp lọc tin hung hăng hơn, trong khi các nhà hoạt động nước ngoài tiến hành cuộc chiến tranh trên mạng để có thể vượt qua được những biện pháp này.
Có nhiều lý do để tin rằng một số hình thức của chế độ độc tài – có lẽ vẫn mang tên cộng sản, nếu không còn thực chất – có thể vẫn tồn tại trong một thời gian dài ở Trung Quốc. Vì, thứ nhất, một thế hệ cải cách kinh tế và mở cửa thị trường lớn nhất thế giới đã tạo ra được sự bùng nổ mà chưa có dấu hiệu gì chứng tỏ là nó sắp kết thúc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn nằm trong khoảng từ 8 tới 10% (và thậm chí leo lên tới 10% vào năm 2006, theo số liệu chính thức.) Hai mươi lăm năm sau khi Đặng Tiểu Bình giành được quyền lực vào năm 1978, thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc tăng gấp bảy lần, và khoảng 250 triệu người đã thoát khỏi cảnh đói nghèo. Số lượng báo in tăng gấp ba lần và số đầu sách tăng mười một lần. Hiện nay, cứ hai hộ gia đình thì đã có hơn một chiếc TV, thế mà năm 1978 trong một ngàn gia đình thì chỉ ba gia đình có TV mà thôi. Giai đoạn từ năm 1975 đến năm 2004, chỉ số phát triển con người nói chung của Trung Quốc đã tăng được khoảng 50%. Nếu phần lớn người dân không còn cảm thấy gắn bó về mặt ý hệ với nhà nước cộng sản, thì chí ít họ cũng có vẻ hài lòng với những điều mà hệ thống đang làm nhằm cải thiện mức sống của họ. Tuy nhiên, những người được hưởng lợi nhiều nhất lại là những người dễ gây ra rắc rối nhất, đấy là những kẻ ăn trên ngồi trốc trong lĩnh vực kinh doanh ở đô thị, những người có nghề nghiệp và các trường đại học.
Còn có những lý do về mặt chính trị để dự đoán được điều mà nhà chính trị học của đại học Columbia (Columbia University), Andrew Nathan, một chuyên gia về Trung Quốc và cũng là người ủng hộ dân chủ, gọi là sự dẻo dai của chế độ độc tài. Trong nhiều khía cạnh, hệ thống này đã vượt qua quyền lực độc đoán của cá nhân thời Mao [Trạch Đông] hay thậm chí là thời Đặng [Tiểu Bình] và ngày càng trở thành thiết chế hóa hơn. Quy trình và quy tắc kế vị các vị trí lãnh đạo và thời gian nắm quyền có giới hạn bảo đảm sự luân chuyển những người cầm quyền. Ảnh hưởng của quân đội và các cán bộ già nua đã nghỉ hưu cũng giảm đi rất nhiều. Các lãnh đạo được học hành và được đào tạo tốt hơn, trọng dụng hơn trong quá trình tuyển dụng và ít bị chia rẽ hơn. Và có nhiều phương tiện hơn để nhân dân tham gia và phàn nàn về quá trình ra quyết định, từ những cuộc bầu cử mang tính cạnh tranh trong làng xã (được tiến hành lần đầu tiên năm 1987), những hội đồng nhân dân các cấp tới việc công dân có thể nộp đơn kiện về mặt hành chính các cơ quan chính phủ.
Từ đầu những năm 1990, những cải cách quản trị khác cũng đã được áp dụng nhằm đưa công tác quản lý hành chính vào khuôn khổ, giảm sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp, lập ra các cơ quan quản lý tài chính, áp dụng biện pháp cạnh tranh trong việc mua sắm của chính phủ, cải thiện công tác thu thuế – và gần đây nhất – bắt đầu dọn dẹp khu vực ngân hàng đã bị kéo căng ra đến mức nguy hiểm, với gánh nặng của các khoản nợ xấu, và bỏ tù những người phạm tội tham nhũng nhất. Dali Yang, một nhà chính trị học gốc Hoa ở Đại học Chicago (University of Chicago) khẳng định rằng những cuộc cải cách này “đã giúp nâng cao hiệu quả, cải thiện tính minh bạch và công bằng trong quản lý hành chính” và “môi trường kinh doanh.” Nathan, Yang và những người khác cho rằng ban lãnh đạo đương đại của Trung Quốc là những người thông minh, có trình độ, thực dụng, phi dân chủ – và sẽ còn nắm quyền trong một thời gian dài nữa.
Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)