[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương V:

[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương V: "Tôi đã nhìn thấy tương lai, và nó đang chạy tốt" - Tăng trưởng trong các thể chế chiếm đoạt (Phần 1)

TÔI ĐÃ NHÌN THẤY TƯƠNG LAI

NHỮNG KHÁC BIỆT VỀ THỂ CHẾ đóng vai trò quan trọng trong việc giải thích sự tăng trưởng kinh tế qua các thời đại. Nhưng nếu hầu hết các xã hội trong lịch sử đều dựa vào các thể chế chính trị và kinh tế chiếm đoạt, thì phải chăng điều này có nghĩa là tăng trưởng không bao giờ xảy ra? Đương nhiên không phải vậy. Các thể chế chiếm đoạt, theo chính lôgic của chúng, phải tạo ra của cải để có thể chiếm đoạt. Một kẻ thống trị độc quyền hóa quyền lực chính trị và kiểm soát nhà nước tập quyền có thể tạo ra một hệ thống quy tắc, một mức độ luật pháp và trật tự nào đó, và có thể kích thích hoạt động kinh tế.

Nhưng tăng trưởng trong các thể chế chiếm đoạt khác về bản chất so với tăng trưởng do các thể chế dung hợp đem lại. Khác biệt quan trọng nhất nằm ở tính bền vững của tăng trưởng, vốn đòi hỏi phải có thay đổi công nghệ, trong khi tăng trưởng trong các thể chế chiếm đoạt thường dựa vào các công nghệ hiện có. Quỹ đạo kinh tế của Liên Xô cho ta một ví dụ minh họa sống động về cách thức thẩm quyền và động cơ khuyến khích do nhà nước tạo ra có thể đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong các thể chế chiếm đoạt như thế nào và kiểu tăng trưởng này cuối cùng sẽ đi đến kết thúc và sụp đổ ra sao.

THẾ CHIẾN THỨ NHẤT kết thúc, các cường quốc, cả thắng và bại trận, nhóm họp trong tòa lâu đài lớn ở Versailles ngoại ô Paris để quyết định về các thông số của hòa bình. Nổi bật trong số những người tham dự là Woodrow Wilson, tổng thống Hoa Kỳ. Đáng chú ý là sự vắng mặt của Nga. Chế độ Sa hoàng đã bị lật đổ bởi lực lượng Bôn-sê-vích vào tháng 10/1917. Nội chiến diễn ra ác liệt giữa Hồng quân (Bôn-sê-vích) và Bạch vệ. Cả Anh, Pháp và Mỹ đều cử các lực lượng viễn chinh đi chiến đấu chống lại Bôn-sê-vích. Một phái đoàn dưới sự lãnh đạo của nhà ngoại giao trẻ William Bullit và cựu binh tình báo kiêm nhà báo Lincoln Steffens được phái đến Moscow gặp Lenin để cố gắng tìm hiểu ý định của Bôn-sê-vích và tìm cách đạt được thỏa thuận với họ. Steffens nổi tiếng là một nhà báo đả phá những tín ngưỡng lâu đời, phơi bày những vụ bê bối và kiên trì vạch trần những cái xấu trong chủ nghĩa tư bản ở Hoa Kỳ. Ông đến Nga vào thời điểm cách mạng. Sự hiện diện của ông nhằm làm cho phái đoàn trông có vẻ đáng tin và không quá thù địch. Phái đoàn quay về với bản phác thảo những đề nghị từ Lenin về những gì họ sẽ chấp nhận để có nền hòa bình với đất nước Xô viết vừa thành lập. Steffens sững sờ trước những gì ông xem là tiềm năng vĩ đại của chế độ Xô viết.

Ông hồi tưởng lại trong cuốn tự truyện năm 1931: “Nước Nga Xô viết là một chính phủ cách mạng với một kế hoạch cách mạng. Kế hoạch của họ không phải là chấm dứt những cái xấu như giàu và nghèo, hối lộ, đặc quyền, bạo ngược và chiến tranh bằng hành động trực tiếp, mà là tìm kiếm và loại trừ nguyên nhân gốc rễ của cái xấu. Họ đã thiết lập một nhà nước chuyên chính, được ủng hộ bởi một thiểu số được đào tạo để xây dựng và sắp xếp lại một cách khoa học các sức mạnh kinh tế trong một vài thế hệ, mà trước tiên sẽ dẫn đến một nền dân chủ kinh tế rồi mới đến một nền dân chủ chính trị”.

Từ phái đoàn ngoại giao quay về, Steffens đến thăm người bạn cũ, nhà điêu khắc Jo Davidson và thấy ông này đang tạc bức tượng bản thân của nhà tài phiệt Bernard Baruch. Baruch hỏi: “Thế là anh đã đến Nga rồi đấy à?” Steffens đáp: “Tôi đã đến tương lai, và nó đang chạy tốt”. Ông sẽ hoàn thiện câu nói này dưới một hình thức đi vào lịch sử như sau: “Tôi đã nhìn thấy tương lai, và nó đang chạy tốt”.

Từ đó mãi cho đến đầu thập niên 1980, nhiều người phương Tây vẫn nhìn thấy tương lai ở Liên Xô, và họ vẫn tin rằng mô hình này đang chạy tốt. Theo một ý nghĩa nào đó, mô hình Xô viết đã có tác dụng, hay ít nhất đã có tác dụng trong một thời gian. Lenin qua đời năm 1924, và đến năm 1927, Joseph Stalin tăng cường kiểm soát đất nước. Ông thanh trừng các đối thủ và phát động phong trào đẩy nhanh công nghiệp hóa. Ông làm điều này thông qua việc tiếp thêm sức mạnh cho Ủy ban Kế hoạch nhà nước, được gọi là Gosplan, ra đời từ năm 1921. Gosplan soạn thảo Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất cho giai đoạn 1928-1933. Tăng trưởng kinh tế theo kiểu Stalin rất đơn giản: phát triển công nghiệp theo mệnh lệnh nhà nước và thu thập nguồn lực cần thiết cho sự phát triển này bằng cách đánh thuế nông nghiệp với thuế suất rất cao. Liên Xô lúc đó không có một hệ thống thuế hữu hiệu, vì thế, thay vào đó, Stalin đã “hợp tác hóa” nông nghiệp. Quá trình này dẫn đến việc bãi bỏ các quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai và đưa toàn thể dân chúng nông thôn vào các nông trang tập thể khổng lồ dưới sự điều hành của Đảng. Điều này giúp Stalin dễ dàng thâu tóm sản lượng nông nghiệp và sử dụng nó để nuôi những người đang xây dựng và vận hành các công xưởng mới. Hệ quả của chủ trương này đối với người dân nông thôn thật là thảm họa. Các nông trang tập thể hoàn toàn không tạo ra động cơ khuyến khích nông trang viên tích cực làm việc, vì thế sản lượng giảm mạnh. Vì phần lớn những gì sản xuất ra đều bị chiếm đoạt nên dân chúng không có đủ lương thực để ăn. Họ bắt đầu chết dần chết mòn vì đói. Cuối cùng có đến 6 triệu người chết đói, trong khi hàng trăm nghìn người khác bị giết hay bị đày đến Siberia trong thời kỳ hợp tác hóa cưỡng bức.

Cả nền công nghiệp mới hình thành cũng như hợp tác hóa nông nghiệp đều phi hiệu quả kinh tế theo nghĩa là hệ thống đã không sử dụng tốt nhất những nguồn lực hiện có. Thoạt nghe thì điều này có vẻ như là công thức dẫn đến thảm họa và đình trệ kinh tế, nếu không muốn nói là sụp đổ kinh tế hoàn toàn. Thế nhưng Liên Xô vẫn tăng trưởng nhanh chóng. Lý do chẳng có gì khó hiểu. Cho phép dân chúng tự ra quyết định thông qua thị trường là con đường tốt nhất để xã hội sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả. Thay vì thế, khi nhà nước hay một nhóm quyền thế thiểu số kiểm soát toàn bộ nguồn lực, sẽ không tạo ra các động cơ khuyến khích mà cũng không có sự phân bổ kỹ năng và tài năng của dân chúng một cách hiệu quả. Nhưng trong một số trường hợp, năng suất của vốn và lao động trong một lĩnh vực hay một hoạt động nhất định, như công nghiệp nặng ở Liên Xô, có thể cao đến mức ngay cả một quá trình mệnh lệnh từ trên xuống dưới trong các thể chế chiếm đoạt để phân bổ nguồn lực vào lĩnh vực đó vẫn có thể tạo ra tăng trưởng. Như ta đã thấy trong chương 3, thể chế chiếm đoạt ở các hòn đảo Caribê như Barbados, Cuba, Haiti và Jamaica có thể tạo ra những mức thu nhập tương đối cao vì nó phân bổ nguồn lực vào hoạt động sản xuất đường, một hàng hóa mà cả thế giới khao khát. Sản xuất đường dựa vào lực lượng nô lệ chắc chắn không phải là “hiệu quả”, và không có thay đổi công nghệ hay sự phá hủy sáng tạo nào trong các xã hội này, nhưng điều đó không ngăn họ đạt được một mức độ tăng trưởng nhất định trong các thể chế chiếm đoạt. Tình huống ở Liên bang Xô viết cũng tương tự như vậy, trong đó công nghiệp đóng vai trò như đường ở vùng Caribê. Tăng trưởng công nghiệp ở Liên Xô còn được tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa bởi vì công nghệ của họ tương đối lạc hậu so với công nghệ hiện có ở châu Âu và Hoa Kỳ, vì thế lợi ích to lớn có thể được gặt hái thông qua việc tái phân bổ nguồn lực vào lĩnh vực công nghiệp, ngay cả khi tất cả những điều này được thực hiện một cách phi hiệu quả và cưỡng bức.

Trước năm 1928 phần lớn người Nga sống ở nông thôn. Công nghệ mà nông dân sử dụng vẫn còn sơ khai, và có ít động cơ khuyến khích gia tăng năng suất. Trên thực tế, những tàn tích cuối cùng của chủ nghĩa phong kiến Nga chỉ vừa được xóa bỏ ngay trước Thế chiến thứ nhất. Vì thế vẫn còn tiềm năng kinh tế to lớn chưa được khai thác từ việc tái phân bổ lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp. Công nghiệp hóa theo kiểu Stalin là một phương thức thô bạo để khai thác tiềm năng này. Bằng mệnh lệnh, Stalin chuyển những nguồn lực được sử dụng một cách vô cùng yếu kém sang công nghiệp, ở đó nguồn lực có thể được sử dụng với năng suất cao hơn, cho dù chính bản thân công nghiệp cũng được tổ chức rất phi hiệu quả so với mức lẽ ra có thể đạt được. Trên thực tế, từ năm 1928 đến 1960, thu nhập quốc gia tăng trưởng ở mức 6%/năm, có lẽ là sự trào dâng tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong lịch sử cho đến lúc bấy giờ. Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng này không được tạo ra bằng thay đổi công nghệ, mà bằng cách tái phân bổ lao động cùng với tích lũy vốn thông qua sự ra đời của các công xưởng và công cụ mới.

Liên Xô tăng trưởng nhanh đến mức làm cho nhiều thế hệ người phương Tây chứ không chỉ Lincoln Steffens vội vàng tin tưởng. Điều này cũng xảy ra với Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA). Sự tăng trưởng này thậm chí cũng làm cho chính các nhà lãnh đạo Liên Xô tin tưởng, như Nikita Khrushchev, nổi tiếng khoe khoang với bài diễn văn trước giới ngoại giao phương Tây năm 1956 trong đó nói rằng “chúng tôi sẽ chôn vùi phương Tây”. Đến năm 1977, một quyển sách giáo khoa học thuật hàng đầu của một nhà kinh tế học người Anh vẫn lập luận rằng các nền kinh tế kiểu Xô viết ưu việt hơn so với các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa trên phương diện tăng trưởng kinh tế, mang lại toàn dụng lao động, ổn định giá cả và thậm chí tạo ra những con người có động cơ vị tha. Chủ nghĩa tư bản phương Tây già cỗi nghèo nàn chỉ tốt hơn trong việc mang lại sự tự do chính trị. Thật vậy, quyển sách giáo khoa bậc đại học về kinh tế học được sử dụng rộng rãi nhất của tác giả đoạt giải Nobel Paul Samuelson vẫn lặp đi lặp lại dự đoán về sự thống lĩnh kinh tế sắp đến của Liên Xô. Trong ấn bản năm 1961, Samuelson dự đoán rằng thu nhập quốc gia của Liên Xô có khả năng vượt qua Hoa Kỳ vào năm 1984, và gần như chắc chắn vào năm 1997. Ấn bản năm 1980 vẫn giữ nguyên phân tích này, chỉ khác là hai thời điểm đó được lùi lại đến 2002 và 2012.

Mặc dù nền chính trị của Stalin và của các nhà lãnh đạo Xô viết kế tiếp có thể tạo ra tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, họ không thể duy trì nó một cách bền vững lâu dài. Cho đến thập niên 1970, tăng trưởng kinh tế gần như dừng lại. Bài học quan trọng nhất là, các thể chế chiếm đoạt không thể tạo ra sự thay đổi công nghệ bền vững vì hai lý do: thiếu các động cơ khuyến khích kinh tế và gặp phải sự chống đối của giới quyền thế. Thêm vào đó, sau khi mọi nguồn lực từng được sử dụng một cách vô cùng phi hiệu quả trước đây được phân bổ cho công nghiệp, gần như không còn lợi ích kinh tế nào có thể đạt được thêm bằng mệnh lệnh. Khi đó, hệ thống Xô viết va phải rào chắn. Tình trạng thiếu phát minh đổi mới cùng với các động cơ khuyến khích kinh tế yếu kém đã ngăn cản các tiến bộ tiếp theo. Lĩnh vực duy nhất trong đó Liên Xô vẫn có thể xoay sở để duy trì đổi mới là nhờ vào những nỗ lực khổng lồ trong quân sự và công nghệ không gian. Kết quả là họ đã chật vật để đưa được chú chó đầu tiên Leika và con người đầu tiên Yuri Gagarin vào vũ trụ. Họ cũng để lại cho thế giới loại súng AK-47 như một trong các di sản của đất nước.

Gosplan là Ủy ban kế hoạch nhà nước, có toàn bộ quyền lực và chịu trách nhiệm lập kế hoạch tập trung cho đất nước Xô viết. Người ta cho rằng, một trong những lợi ích của một loạt các bản Kế hoạch 5 năm do Gosplan soạn thảo và thực hiện là khung thời gian dài hạn cần thiết để đạt được sự đầu tư và đổi mới hợp lý. Trên thực tế, những gì cuối cùng được thực hiện trong nền công nghiệp Xô viết gần như không liên quan gì đến các bản kế hoạch 5 năm, vốn thường được sửa đổi và soạn thảo lại, hay chỉ đơn thuần là bị bỏ qua. Sự phát triển công nghiệp diễn ra trên cơ sở mệnh lệnh của Stalin và Bộ Chính trị, những người hay thay đổi ý kiến xoành xoạch và thường xuyên sửa lại hoàn toàn các quyết định trước đó của chính mình. Tất cả các bản kế hoạch đều được gọi là “phác thảo” hay “sơ bộ”. Chỉ có một bản kế hoạch từng xuất hiện mà được gọi là kế hoạch “sau cùng” - đó là đối với công nghiệp nhẹ vào năm 1939. Chính Stalin đã nói vào năm 1937 rằng: “Chỉ có những kẻ quan liêu mới cho rằng công việc lập kế hoạch kết thúc với việc tạo ra một bản kế hoạch. Việc tạo ra một bản kế hoạch chỉ mới là bắt đầu. Phương hướng thực sự của kế hoạch chỉ phát triển sau khi tất cả các bộ phận được kết hợp lại với nhau trong bản kế hoạch”. Stalin muốn tối đa hóa sự tùy tiện của ông trong việc ban thưởng cho những người hay nhóm người nào trung thành về mặt chính trị và trừng phạt những kẻ không trung thành. Về phần Gosplan, vai trò chính của ủy ban là cung cấp thông tin cho Stalin để ông có thể giám sát giới thân hữu và kẻ thù tốt hơn. Thật ra, ủy ban cố gắng tránh đưa ra quyết định. Nếu bạn ra quyết định mà hóa ra là sai lầm, thì bạn có thể bị xử bắn. Tốt hơn là nên tránh mọi trách nhiệm.

Cuộc điều tra dân số năm 1937 là một ví dụ về những điều có thể xảy ra nếu bạn thực hiện công việc quá nghiêm túc, thay vì chỉ khéo léo nói xuôi theo những gì Đảng muốn. Kết quả điều tra cho thấy hóa ra dân số chỉ là khoảng 162 triệu người, ít hơn nhiều so với con số 180 triệu như dự đoán của Stalin, và thấp hơn con số 168 triệu mà chính Stalin từng công bố vào năm 1934. Điều tra dân số năm 1937 là cuộc điều tra dân số đầu tiên được thực hiện kể từ năm 1926, và do đó, là cuộc điều tra đầu tiên sau những trận đói và thanh trừng tàn khốc vào đầu thập niên 1930. Số dân phản ánh chính xác điều này. Phản ứng của Stalin là bắt giam những người tổ chức cuộc điều tra dân số này rồi mang họ đi đày ở Siberia hay bắn chết. Ông ra lệnh thực hiện một cuộc điều tra dân số khác vào năm 1939. Lần này những người tổ chức đã làm “đúng”, họ nhận thấy dân số thật ra là 171 triệu người!

Stalin hiểu rằng trong nền kinh tế Xô viết, dân chúng không có động cơ làm việc. Phản ứng tự nhiên là tạo ra động cơ, và đôi khi ông đã làm điều này - chẳng hạn như chỉ đạo cung cấp lương thực cho những vùng có năng suất giảm để kích thích sự cải tiến. Hơn nữa, ngay từ năm 1931, ông đã từ bỏ ý tưởng tạo ra “những con người xã hội chủ nghĩa” làm việc mà không có động cơ khuyến khích bằng tiền. Trong một bài diễn văn nổi tiếng, ông chỉ trích “sự mua bán cào bằng” và từ đó về sau, chẳng những công việc khác nhau được trả lương khác nhau mà cả hệ thống khen thưởng cũng được áp dụng. Tìm hiểu tác dụng của những biện pháp này cũng rất có ích. Thông thường, một doanh nghiệp trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung phải đạt chỉ tiêu sản lượng theo kế hoạch, cho dù những kế hoạch này thường được thương lượng lại và điều chỉnh. Từ thập niên 1930, người lao động được thưởng nếu đạt mức sản lượng được giao. Các mức khen thưởng này có thể khá cao - chẳng hạn như lên đến 37% tiền lương cho ban quản lý hay các kỹ sư cao cấp. Nhưng việc khen thưởng này thật ra không khuyến khích thay đổi công nghệ vì nhiều lý do. Thứ nhất, hoạt động phát minh đổi mới sẽ lấy đi nguồn lực của hoạt động sản xuất hiện tại, có nguy cơ dẫn đến việc không đạt chỉ tiêu sản lượng và vì thế sẽ không được khen thưởng. Thứ hai, chỉ tiêu sản lượng thường dựa vào mức sản lượng trước đó. Điều này tạo ra động cơ to lớn khiến người ta không bao giờ mở rộng sản lượng, vì điều đó có nghĩa là sẽ phải sản xuất nhiều hơn nữa trong tương lai, vì khi ấy chỉ tiêu tương lai sẽ được nâng lên. Thành tích thấp hơn khả năng luôn là cách tốt nhất để đạt chỉ tiêu và được khen thưởng. Việc tiền thưởng được thanh toán hàng tháng cũng làm cho mọi người tập trung vào hiện tại, trong khi hoạt động phát minh đổi mới buộc phải hy sinh hiện tại để có được nhiều hơn trong tương lai.

Thậm chí khi tiền thưởng và các động cơ khuyến khích có tác dụng trong việc thay đổi hành vi, chúng cũng gây ra một số trục trặc khác. Kế hoạch hóa tập trung không thể thay thế những gì mà nhà kinh tế học vĩ đại thế kỷ 18 Adam Smith gọi là “bàn tay vô hình” của thị trường. Khi kế hoạch vạch ra chỉ tiêu sản xuất thép tấm theo số tấn thì người ta sẽ sản xuất những tấm thép quá nặng. Khi kế hoạch vạch ra chỉ tiêu sản xuất thép tấm theo diện tích, ngươi ta sẽ làm những tấm thép quá mỏng. Khi kế hoạch vạch ra chỉ tiêu sản xuất đèn chùm theo trọng lượng, người ta sẽ làm những chiếc đèn chùm nặng đến mức không thể treo lên trần nhà.

Cho đến thập niên 1940, các nhà lãnh đạo Liên Xô đã ý thức rõ ràng về những động cơ ngược này, mặc dù có thể những người hâm mộ họ ở phương Tây chưa nhận ra. Giới lãnh đạo Xô viết hành động như thể điều đó là do vấn đề kỹ thuật, có thể sửa chữa được. Ví dụ, họ bãi bỏ việc khen thưởng dựa vào chỉ tiêu sản lượng, cho phép doanh nghiệp dành riêng một phần lợi nhuận để khen thưởng. Nhưng “động cơ lợi nhuận” cũng không khuyến khích phát minh đổi mới hơn so với động cơ dựa vào chỉ tiêu sản lượng. Hệ thống giá dùng để tính lợi nhuận gần như hoàn toàn không liên quan đến giá trị của phát minh hay công nghệ mới. Không giống với nền kinh tế thị trường, giá cả ở Liên Xô do nhà nước ấn định, và vì thế gần như không liên quan gì đến giá trị. Để tạo ra các động cơ khuyến khích phát minh đổi mới cụ thể hơn, Liên Xô áp dụng hệ thống khen thưởng phát minh vào năm 1946. Ngay từ năm 1918, họ đã áp dụng nguyên tắc là nhà phát minh sẽ được thưởng tiền cho phát minh của họ, nhưng tiền thưởng được ấn định ít ỏi và không liên quan đến giá trị của công nghệ mới. Điều này chỉ thay đổi vào năm 1956, khi luật quy định rằng tiền thưởng sẽ tỷ lệ với năng suất của phát minh. Tuy nhiên, vì năng suất được tính theo lợi ích kinh tế đo lường bằng hệ thống giá cả hiện hữu, nên điều này một lần nữa cũng không mang lại nhiều động cơ khuyến khích phát minh. Còn rất nhiều ví dụ về những động cơ khuyến khích ngược mà các kế hoạch này vạch ra. Chẳng hạn như, vì quỹ khen thưởng phát minh bị giới hạn bởi tổng quỹ lương của một doanh nghiệp, nên điều này ngay lập tức làm hạn chế động cơ khuyến khích sản xuất hay áp dụng bất kỳ phát minh nào có thể giúp tiết kiệm lao động.

Việc chú trọng vào các quy tắc và hệ thống khen thưởng khác nhau có xu hướng làm lu mờ các trục trặc cố hữu khác của hệ thống. Khi thẩm quyền và quyền lực chính trị tùy thuộc vào Đảng Cộng sản Liên Xô thì không thể thay đổi căn bản các động cơ khuyến khích đối với dân chúng, dù có tiền thưởng hay không. Ngay từ đầu, Stalin không chỉ sử dụng “củ cà-rốt” mà cả “cây gậy”, thậm chí là những cây gậy to, để dọn đường. Năng suất trong nền kinh tế cũng tương tự như vậy. Hệ thống luật pháp luôn có các điều khoản áp dụng biện pháp hình sự đối với những người lao động bị coi là trốn tránh công việc. Một đạo luật ban hành vào tháng 6/1940, trong đó chỉ cần 20 phút vắng mặt không phép hay thậm chí chểnh mảng trong công việc đã bị coi là “tình trạng vắng mặt không chính đáng” và bị quy là vi phạm hình sự, bị phạt lao động nặng nhọc trong vòng 6 tháng và cắt 25% lương. Nhiều kiểu trừng phạt tương tự cũng được áp dụng với tần suất đáng kinh ngạc. Từ năm 1940 đến 1955, có 36 triệu người, tương đương khoảng 1/3 dân số trưởng thành, bị phát hiện vi phạm. Trong số đó, 15 triệu người bị tống giam và 250 nghìn người bị xử bắn. Trong một năm bất kỳ, thường có khoảng 1 triệu người trưởng thành phải đi tù vì vi phạm lao động; ấy là còn chưa kể đến 2,5 triệu người bị Stalin đày đi các nhà tù chính trị ở Siberia. Thế nhưng điều đó vẫn không có tác dụng. Cho dù bạn có thể lôi ai đó vào một nhà máy, bạn vẫn không thể buộc họ suy nghĩ hay có những ý tưởng tốt bằng cách đe dọa xử bắn họ. Cưỡng bức kiểu này có thể tạo ra sản lượng đường cao ở Barbados hay Jamaica, nhưng không thể bù đắp cho tình trạng thiếu động cơ khuyến khích trong một nền kinh tế công nghiệp hiện đại.

Việc những động cơ khuyến khích thật sự hữu hiệu không tồn tại trong nền kinh tế kế hoạch tập trung không phải là do sai lầm kỹ thuật trong việc thiết kế hệ thống khen thưởng. Nó là bản chất nội tại của toàn bộ phương pháp nhằm đạt được sự tăng trưởng mang tính chiếm đoạt. Nó được thực hiện bằng mệnh lệnh nhà nước và có thể giải quyết được một số vấn đề kinh tế cơ bản. Nhưng để kích thích tăng trưởng kinh tế bền vững, cần phải có những cá nhân sử dụng tài năng và ý tưởng, và điều này không bao giờ có thể được thực hiện bằng hệ thống kinh tế kiểu Xô viết. Các nhà lãnh đạo Liên Xô cần phải từ bỏ các thể chế kinh tế chiếm đoạt, nhưng hành động đó có thể đe dọa quyền lực chính trị của họ. Thật vậy, khi Mikhael Gorbachev bắt đầu đường lối xa rời các thể chế kinh tế chiếm đoạt sau năm 1987, quyền lực của Đảng và cả Liên bang Xô viết đều tan rã.

LIÊN XÔ CÓ THỂ TẠO RA tăng trưởng nhanh chóng ngay trong các thể chế chiếm đoạt bởi vì những người Bôn-sê-vích xây dựng một nhà nước tập quyền và sử dụng nó để phân bổ nguồn lực cho công nghiệp. Nhưng cũng hệt như các trường hợp tăng trưởng trong các thể chế chiếm đoạt khác, sự tăng trưởng này không dựa vào thay đổi công nghệ và không thể duy trì một cách bền vững. Tăng trưởng đầu tiên sẽ chậm dần rồi sau đó sụp đổ hoàn toàn. Cho dù phù du, kiểu tăng trưởng này minh họa cách thức các thể chế chiếm đoạt có thể kích thích hoạt động kinh tế như thế nào.

Xuyên suốt lịch sử, hầu hết các xã hội được cai trị bằng các thể chế chiếm đoạt, và những người đã xoay sở để áp đặt mức độ trật tự nhất định trên những đất nước này đều có thể tạo ra sự tăng trưởng hạn chế nào đó - ngay cả khi không xã hội nào trong những xã hội chiếm đoạt này có thể đạt được tăng trưởng bền vững. Trên thực tế, những bước ngoặt lớn trong lịch sử có thể được mô tả bằng sự đổi mới về thể chế giúp củng cố các thể chế chiếm đoạt và tăng cường quyền lực của một nhóm người để áp đặt luật lệ và trật tự, đồng thời hưởng lợi từ sự chiếm đoạt. Trong phần còn lại của chương này, trước tiên chúng tôi sẽ thảo luận về bản chất của sự đổi mới thể chế giúp thiết lập một mức độ tập trung hóa nhà nước nhất định và có thể tạo ra tăng trưởng trong các thể chế chiếm đoạt. Sau đó, chúng tôi sẽ chỉ ra cách thức các ý tưởng này giúp ta hiểu về cuộc Cách mạng thời kỳ Đồ đá mới, sự chuyển đổi quan trọng sang hoạt động nông nghiệp làm cơ sở cho nhiều khía cạnh của các nền văn minh hiện nay. Chúng tôi sẽ kết luận, thông qua ví dụ về các thành bang Maya, rằng sự tăng trưởng trong các thể chế chiếm đoạt bị giới hạn không chỉ do thiếu tiến bộ công nghệ mà còn do sự đấu đá nội bộ từ những bè phái kình địch muốn tranh giành quyền kiểm soát nhà nước và chiếm đoạt những gì được tạo ra.

BÊN BỜ SÔNG KASAI

Kasai là một trong những nhánh lớn của sông Congo. Bắt nguồn từ Angola, sông Kasai chảy lên phía bắc và hòa vào mạn đông bắc sông Congo ở Kinshasa, thủ đô nước Cộng hòa Dân chủ Congo hiện đại. Cho dù đất nước Congo còn nghèo so với phần còn lại của thế giới, luôn luôn tồn tại sự khác biệt giàu nghèo giữa các nhóm người khác nhau ở Congo. Sông Kasai là ranh giới giữa hai trong số những nhóm này. Nếu tiến vào Congo dọc theo bờ tây của dòng sông này, bạn sẽ nhanh chóng gặp người Lele; còn nếu đi theo bờ đông bạn sẽ gặp người Bushong (bản đồ 6, chương 2). Thoạt nhìn qua sẽ không thấy có gì khác biệt giữa hai nhóm người này về sự thịnh vượng. Họ chỉ bị ngăn cách bởi một dòng sông, có thể vượt qua bằng thuyền. Hai bộ tộc khác nhau có chung nguồn gốc và cùng ngôn ngữ. Thêm vào đó, nhiều thứ họ xây dựng cũng tương tự như nhau về kiểu dáng thiết kế, như nhà ở, quần áo và đồ thủ công.

Thế nhưng khi nhà nhân loại học Mary Douglas và sử gia Jan Vansina nghiên cứu các nhóm người này vào thập niên 1950, họ khám phá ra một vài điểm khác biệt giật mình giữa hai bộ tộc. Theo lời Douglas: “Người Lele nghèo khổ, trong khi người Bushong thì giàu có… Mọi thứ mà người Lele có hay làm được, thì người Bushong đều có nhiều hơn và làm tốt hơn”. Người ta dễ dàng có được cách giải thích đơn giản cho sự khác biệt này. Có một điểm khác biệt khiến ta nhớ lại sự khác nhau giữa những vùng khác nhau của Peru từng nằm trong hay nằm ngoài hệ thống cai trị mita của thành phố Potosí; đó là, người Lele sản xuất để tự tiêu thụ, trong khi người Bushong sản xuất để trao đổi trên thị trường. Douglas và Vansina cũng nhận xét rằng người Lele sử dụng công nghệ thô sơ hơn. Ví dụ, họ không sử dụng lưới để đánh bắt cá, cho dù điều này giúp cải tiến năng suất đáng kể. Douglas lập luận: “Việc không sử dụng lưới đánh cá nhất quán với khuynh hướng chung của người Lele không đầu tư thời gian và công sức vào những công cụ dài hạn”.

Cũng có những khác biệt quan trọng trong việc tổ chức và công nghệ nông nghiệp. Người Bushong áp dụng một hình thức luân canh phức tạp, trong đó họ trồng năm loại hoa màu liên tiếp trong một chu kỳ luân canh hai năm. Họ trồng củ từ, khoai lang, sắn và đậu, và từ hai hay có khi đến ba vụ ngô trong một năm. Người Lele không có một hệ thống luân canh như vậy và chỉ xoay sở để trồng một vụ ngô hằng năm.

Lại còn có sự khác biệt ấn tượng về luật pháp và trật tự. Người Lele sống rải rác trong các ngôi làng được bố trí như những pháo đài và xung đột xảy ra liên miên. Bất kỳ ai qua lại giữa hai ngôi làng hay liều lĩnh vào rừng tìm kiếm lương thực đều có thể bị tấn công hay bắt cóc. Ở Bushong điều này rất hiếm, nếu không muốn nói là chẳng bao giờ xảy ra.

Điều gì nằm đằng sau sự khác biệt về phương thức sản xuất, công nghệ nông nghiệp và trật tự trị an này? Rõ ràng không phải do yếu tố địa lý khiến cho người Lele phải sử dụng công nghệ săn bắt hay nông nghiệp thô sơ. Chắc chắn cũng không phải do thiếu hiểu biết, vì họ biết những công cụ người Bushong sử dụng. Một cách giải thích khác có thể là văn hóa; phải chăng người Lele có một nền văn hóa không khuyến khích họ đầu tư vào lưới đánh cá, vào những ngôi nhà được xây dựng vững chắc và khang trang hơn? Nhưng điều này xem ra cũng không đúng. Cũng như dân Kongo, người Lele rất thích mua súng ống, và Douglas thậm chí còn nhận xét rằng “họ nôn nóng mua súng… điều này cho thấy nền văn hóa của họ không trói buộc họ vào những công nghệ thô sơ, khi [việc mua súng này] không đòi hỏi sự hợp tác và nỗ lực lâu dài”. Vì thế, không phải thái độ ghét công nghệ do bản chất văn hóa, cũng không phải tình trạng thiếu hiểu biết hay yếu tố địa lý có thể giải thích lý do khiến người Bushong giàu hơn người Lele.

Lý do của những điểm khác biệt giữa hai bộ tộc này nằm ở các thể chế chính trị khác nhau trên mảnh đất của người Bushong và người Lele. Chúng ta đã lưu ý trước đây rằng người Lele sống trong những ngôi làng được bố trí như những pháo đài và không nằm trong một cơ cấu chính trị thống nhất. Ở bờ kia sông Kasai thì khác. Khoảng năm 1620, một cuộc cách mạng chính trị diễn ra dưới sự lãnh đạo của Shyaam, người thành lập Vương quốc Kuba như ta thấy trong bản đồ 6 (chương 2), với Bushong là kinh đô và chính ông lên làm vua. Trước thời kỳ này, gần như không có sự khác biệt gì giữa Bushong và Lele; những điểm khác biệt chỉ nổi lên như một hệ quả của phương thức tái tổ chức xã hội của Shyaam ở bờ đông con sông. Ông xây dựng một nhà nước và các thể chế chính trị hình tháp. Các thể chế chính trị này không chỉ tập trung hơn nhiều so với trước đó mà còn có các cơ cấu vô cùng tinh vi. Shyaam và những người kế nhiệm ông đã xây dựng một bộ máy nhà nước để huy động thuế, một hệ thống luật pháp và lực lượng cảnh sát để thi hành luật pháp. Các nhà lãnh đạo được kiểm soát thông qua các hội đồng, và các hội đồng này phải thảo luận trước khi ra quyết định. Ở đây thậm chí còn có tòa án xét xử, một sự kiện rất độc đáo ở vùng hạ Sahara của châu Phi trước thời thuộc địa châu Âu. Tuy nhiên, nhà nước tập trung mà Shyaam xây dựng là một công cụ chiếm đoạt và có tính chuyên chế cao độ. Người dân không bỏ phiếu bầu ông, và chính sách nhà nước là mệnh lệnh từ trên xuống, chứ không có sự tham gia của đông đảo quần chúng.

Cuộc cách mạng chính trị tạo ra nhà nước tập quyền cũng như luật pháp và trật tự ở đất nước Kuba này, đến lượt mình, đã dẫn đến một cuộc cách mạng kinh tế. Nông nghiệp được tổ chức lại và các công nghệ mới được áp dụng để gia tăng năng suất. Các cây trồng trước đây là hoa màu lương thực được thay thế bằng các giống mới có năng suất cao từ châu Mỹ (cụ thể như ngô, sắn và hạt tiêu). Chu kỳ luân canh tăng vụ được áp dụng vào thời gian này, và giá trị lương thực sản xuất ra trên đầu người tăng gấp đôi. Để áp dụng các giống cây mới này và tái tổ chức chu kỳ nông nghiệp, cần có nhiều lao động hơn. Vì thế, tuổi kết hôn được giảm xuống còn 20 và nam giới được đưa vào lực lượng lao động nông nghiệp ở độ tuổi thấp hơn. Điều này tương phản rõ rệt với người Lele. Nam giới ở đây có xu hướng kết hôn ở tuổi 35 và chỉ khi đó họ mới ra đồng làm việc. Trước đó, họ dành hết thời gian để đánh nhau và cướp bóc.

Mối liên kết giữa cách mạng chính trị và kinh tế thật là đơn giản. Vua Shyaam và thuộc hạ của ông muốn chiếm đoạt thuế và của cải từ người Kuba, những người phải tạo ra sản phẩm thặng dư trên mức tiêu thụ của bản thân. Tuy vua Shyaam và tùy tùng không áp dụng các thể chế dung hợp cho bờ đông sông Kasai, nhưng những thể chế chiếm đoạt với một mức độ tập trung hóa nhà nước cũng như luật pháp và trật tự nhất định tự nó góp phần đem lại sự thịnh vượng kinh tế. Khuyến khích hoạt động kinh tế lẽ dĩ nhiên là mối quan tâm của Shyaam và thuộc hạ, vì nếu không họ sẽ chẳng có gì để mà chiếm đoạt. Cũng hệt như Stalin, Shyaam xây dựng một tập hợp thể chế bằng mệnh lệnh, tạo ra của cải cần thiết để chống đỡ cho hệ thống này. So với tình trạng thiếu vắng hoàn toàn luật pháp và trật tự ngự trị ở bên kia sông Kasai, thì điều này tạo ra sự thịnh vượng kinh tế đáng kể - ngay cả khi phần lớn sự thịnh vượng đó bị Shyaam và giới quyền thế chiếm đoạt. Nhưng sự tăng trưởng đó nhất thiết bị giới hạn. Cũng như ở Liên Xô, không có sự phá hủy sáng tạo ở Vương quốc Kuba và không có đổi mới công nghệ sau sự thay đổi ban đầu này. Tình hình này gần như không thay đổi cho đến lúc vương quốc lần đầu tiên chạm trán thực dân Bỉ vào cuối thế kỷ 19.

THÀNH TỰU CỦA VUA SHYAAM minh họa cho mức độ hạn chế của thành công kinh tế có thể đạt được thông qua các thể chế chiếm đoạt. Muốn tạo ra sự tăng trưởng như vậy cần có một nhà nước tập trung hóa. Để tập trung hóa nhà nước, thường cần phải có cách mạng chính trị. Một khi Shyaam đã xây dựng được nhà nước này, ông có thể sử dụng quyền lực để tái tổ chức nền kinh tế và gia tăng năng suất nông nghiệp, từ đó ông có thể thu thuế.

Nhưng tại sao Bushong chứ không phải Lele tạo ra được một cuộc cách mạng chính trị? Chẳng lẽ người Lele không có vua Shyaam riêng của họ? Những gì Shayaam đạt được là sự đổi mới thể chế không gắn liền với một phương thức tiền định nào về địa lý, văn hóa hay tình trạng thiếu hiểu biết. Người Lele lẽ ra cũng có thể có một cuộc cách mạng như thế và sự chuyển đổi thể chế tương tự, nhưng cuối cùng họ đã không có. Có lẽ đây là những lý do mà ta không hiểu, do hiểu biết có hạn của chúng ta ngày nay về xã hội của họ. Rất có thể điều này là do bản chất tình cờ của lịch sử. Có lẽ chính sự tình cờ đó là nguyên nhân khiến một vài xã hội ở Trung Đông 12 nghìn năm trước đây đã bước vào một quá trình đổi mới thể chế thậm chí còn triệt để hơn dẫn đến các xã hội định cư rồi trồng trọt và thuần hóa muông thú, như ta sẽ thảo luận ở phần tiếp theo.

Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)

Dịch giả:
Trần Thị Kim Chi
Hiệu đính:
Vũ Thành Tự Anh