Lịch sử phân tích kinh tế (Phần 1)
Để có thể hoàn thành công việc được giao cho chương này trong bộ Bách khoa kinh tế, chúng tôi đã theo một cách tiếp cận có chọn lọc và mang tính cá nhân. Trong số lớn những nhà kinh tế, chúng tôi chỉ giữ lại những khuôn mặt nổi bật, Smith, Ricardo và Marx cho các nhà cổ điển; Marshall, Walras, Hayek và Keynes cho các nhà kinh tế hiện đại. Không có một tác gia nào trước Smith được nghiên cứu. Tương tự như thế đối với những tác gia sau đó, như Malthus, Say, J. S. Mill, Cournot, Jevons, Wicksell và Sraffa, cũng như những phát triển hiện đại khác nhau, như lí thuyết trò chơi, kinh trắc học, lí thuyết thể chế.
Hai phần đầu của bài này có tính phương pháp luận. Phần thứ nhất bàn về đối tượng và những thách thức của lí thuyết kinh tế, phần thứ hai đề cập đến tính thống nhất của khoa học này. Phần thứ ba và là phần chính vạch ra tiến hoá của những lí thuyết kinh tế thông qua những đóng góp của các tác giả được lựa chọn. Phần này kết thúc bằng việc xem xét nhanh cuộc tranh luận đương đại về đóng góp của Keynes và việc Lucas và những nhà “cổ điển mới” xét lại đóng góp này. Toàn bài sẽ nhấn mạnh đến những ý đồ lí thuyết của các tác giả hơn là đến nội dung của các lí thuyết và ưu tiên sẽ được dành cho khía cạnh so sánh.
1. Đối tượng và những được thua của lí thuyết kinh tế
1.1 Đối tượng
Cứ chấp nhận rằng mục đích của lí thuyết kinh tế là tìm hiểu cơ chế vận hành “tự phát” của một nền kinh tế thị trường (hay phi tập trung) để rút ra những bài học về tính thích hợp của một sự can thiệp của Nhà nước trong cơ chế này. Một đề tựa như vậy tất nhiên là quá tổng quát và cần phải chia nhỏ ra. Chúng tôi đặt khả năng đứng vững của nền kinh tế phi tập trung hay việc phối hợp những quyết định trong nền kinh tế này ở trung tâm của vấn đề: làm thế nào quan niệm được là một xã hội, trong đó tất cả các quyết định được lấy một cách độc lập với nhau, lại có thể tồn tại mãi? Bằng cách nào khi không có kế hoạch những quyết định độc lập có thể tương hợp với nhau? Việc xác lập những luận điểm này phải thông qua những bước trung gian, đặc biệt là việc thay thế khả năng đứng vững của hệ thống bằng khái niệm cân bằng như một đặc điểm của một sự phối hợp tối ưu. Đến lượt nó khả năng cân bằng được chia thành hai câu hỏi nhỏ, một câu hỏi về khả năng logic của cân bằng và việc đặc trưng trạng thái này, và một câu hỏi về cơ chế xã hội nhờ đó cân bằng được thực hiện, một cách thật sự hoặc chỉ là có xu hướng thực hiện. Nhiều câu hỏi khác đến ghép thêm vào cái lõi trung tâm này. Một số liên quan đến toàn bộ nền kinh tế và nhằm vào tính hiệu quả của nền kinh tế thị trường, những triển vọng phát triển hoặc đình trệ, những biến động mang tính tình thế, vai trò của chế độ làm công ăn lương và cuối cùng là sự phân phối của thu nhập, sự tồn tại và nguyên nhân của những bất bình đẳng, nghèo khó và bóc lột. Một số câu hỏi khác liên quan đến những tác nhân của một hệ thống như thế. Ở đây là việc đề ra những tiêu chí trên đó các tác nhân phải dựa vào, trong những bối cảnh khác nhau, để hành động một cách tối ưu. Cả hai khiá cạnh này không hoàn toàn tách rời nhau vì, từ thời Adam Smith, một trong những trực giác chính của kinh tế chính trị học là việc điều tiết của hệ thống phải được hiểu như là kết quả bất ngờ của những hành vi tối ưu hoá.
1.2 Được thua về mặt chính trị
Lúc đầu khoa học kinh tế hiện ra như một suy tư về tổ chức kinh tế lí tưởng của xã hội, về tính tự điều tiết của kinh tế thị trường và tính thích hợp của những can thiệp của Nhà nước trong nền kinh tế này. Đó là những chủ đề vô cùng chính trị. Mặt khác, theo dòng phát triển của bộ môn, ta có thể nhận thấy biến hoá của phong cách diễn ngôn lí thuyết mà đặc điểm là sự toán học hoá dần dần. Việc kĩ thuật hoá này, đi cùng với với sự thay đổi tên gọi từ “political economy” (kinh tế chính trị học) thành “economics” (kinh tế học) có đặt lại vấn đề về sự được thua chính trị của cuộc bàn luận lí thuyết không? Đó là câu hỏi chúng tôi muốn bàn dưới đây.
Câu trả lời của chúng tôi phụ thuộc vào cách biện minh, rất cá nhân, cho việc viện dẫn đến chủ nghĩa hình thức. Biện minh thông dụng nhất là chủ nghĩa hình thức cho phép thoát ra khỏi tính phức tạp của hiện thực bằng cách chỉ giữ lại những khía cạnh được giả định là chủ yếu. Tuy nhiên không phải là một điều hiển nhiên rằng những đặc tính được lựa chọn là do tính thích đáng của chúng! Do đó chúng tôi chuộng kiểu lí lẽ thứ hai theo đó lời biện minh cho việc viện dẫn đến hình thức hoá xuất phát từ một suy nghĩ về điều có thể gọi là những “tố chất” cần thiết cho một cuộc bàn luận lí thuyết nghiêm túc. Theo quan điểm này, lợi thế của hình thức hoá là cho phép tiến hành một cuộc thảo luận chặt chẽ, có khả năng dẫn đến những kết luận được chứng minh và từ đó đạt đến một sự đồng thuận giữa các nhà kinh tế, mở đường cho những hiểu biết ngày càng được tích lũy. Trong cách nhìn này, không nên tìm cách biện minh cho những giả thiết, như tính duy lí của tối đa hoá hay những năng suất không đổi hay giảm dần, bằng một lí lẽ thực tế nhưng bằng tính thích hợp lí thuyết; trong hiện trạng của lí thuyết, không thể đạt đến những kết quả tốt nếu không có những giả thiết này! Nói cách khác, trong việc lựa chọn những nét của nền kinh tế-hư cấu được xem xét, tiêu chí tính hoạt động lí thuyết phải áp đảo tiêu chí tính thực tế hay “tính chủ yếu” của nét được chọn. Theo quan niệm này, những nhà kinh tế được xem như những tay thích đấu kiếm với các khái niệm. Họ có một truyền thống khái niệm, những công cụ toán học và những qui tắc phát biểu những mệnh đề lí thuyết, mà với thời gian giới trong ngành đã đồng ý với nhau. Lí thuyết hiện ra như một ngôn ngữ và có thể nói được mọi điều với ngôn ngữ này miễn là tôn trọng ngữ pháp của nó.
Người ta có thể nghĩ rằng lí thuyết hoá trở thành một hoạt động thuần túy như một trò chơi. Tuy nhiên hoàn toàn không phải là thế. Thật vậy, giống như các nhà cổ điển, những nhà kinh tế vẫn là những luật sư của một trong những quan niệm về tổ chức của nền kinh tế. Công việc của những tay đấu với các khái niệm này trước hết là việc thuyết phục về mặt tri thức trong nội bộ cộng đồng khoa học. Nhưng kết quả của những công trình của họ, không nhất thiết được hiểu trong chiều kích kĩ thuật của chúng, cũng vượt khỏi phạm vi nghề nghiệp và như thế tham gia vào cuộc tranh luận chính trị trong xã hội. Tóm lại, trong cách nhìn này và dù cho điều này có vẻ là một nghịch lí, kinh tế lí thuyết, cực kì toán học hoá, có thể được xem như một ngành đặc biệt, được tiên đề hoá hơn các ngành khác, của triết học chính trị.
Do đó quan điểm ở đây là nhằm đối lập sự linh hoạt có tính ý thức hệ của các lí thuyết và sự nhập cuộc có tính ý thức hệ của những lí thuyết gia. Cơ sở của quan niệm này là sự phân biệt giữa lí thuyết và siêu lí thuyết. Thuật ngữ cuối này được hiểu trong nghĩa rộng. Chúng tôi dùng nó để chỉ những bình luận về một lí thuyết nhất định, của những người sáng lập ra lí thuyết đó hay của những người khác. Trong những lời bình này cần dành ưu tiên cho hai mặt: so sánh lí thuyết này với những lí thuyết khác và những kết luận chính trị người ta nghĩ có thể rút ra được từ lí thuyết ấy. Phần sau của bài viết sẽ nêu những khoảng cách có thể có giữa hai mức độ của diễn ngôn trong trường hợp của những tác giả mà, theo chúng tôi, có cùng một lí thuyết nhưng lại có những cách kiến giải siêu lí thuyết đối lập nhau, hoặc ngược lại, trường hợp của những tác giả dường như có những lí thuyết khác nhau song lại tuyên bố rằng lí thuyết của họ là tương tự! Hầu hết các nhà kinh tế đều pha trộn một cách xảo trá cả hai loại diễn ngôn. Cố tật này là phổ biến và cách làm này là sòng phẳng do tầm quan trọng của sự được thua trong những cuộc tranh luận. Nhưng nhà sử học về những lí thuyết phải không để bị điều này đánh lừa. Mặt khác, chấp nhận sự phân biệt trên buộc nhìn lại dưới một giác độ mới quan hệ giữa lí thuyết và hệ tư tưởng. Ví dụ, điều này dẫn tới việc từ chối thiết lập một quan hệ tất yếu giữa lí thuyết tân cổ điển và hệ tư tưởng tự do. Quả đúng là nhiều công trình tự cho là có thể suy ra từ lí thuyết này những kết luận chứng minh tính ưu việt của chủ nghĩa tự do. Nhưng theo chúng tôi, điều này chỉ đơn giản cho thấy rằng đa số những lí thuyết gia vận dụng lí thuyết này tự nhận là những luật sư của chủ nghĩa tự do, chứ không có nghĩa rằng kết quả trên là một đặc tính nội tại của lí thuyết tân cổ điển. Để nói một cách khác, với một ví dụ trái nghịch, thì tính mềm dẻo siêu lí thuyết của lí thuyết walrasian hiện ra trong việc có thể dùng lí thuyết này để xây dựng những mô hình chứng minh tính ưu việt của sự can thiệp của Nhà nước cũng như để nêu bật những luận điểm marxist (Roemer, 1980; Bowles, 1985).
2. Tính duy nhất hay tính đa nguyên của lí thuyết kinh tế
Sự phát triển của lí thuyết kinh tế thường được kiến giải một cách tuyến tính. Như vậy những lí thuyết cũ được phân tích theo thước đo của những quan niệm đương đại, trong trường hợp này là theo lí thuyết tân cổ điển, như những cách phát biểu phôi thai của những quan niệm đương đại, hay như những đường vòng lí thuyết. Một cách nhìn ngược lại là cho rằng trong kinh tế học không chỉ có thể có một nhưng nhiều cách tiếp cận không thể qui về một cách duy nhất và, một cách tiên nghiệm, mọi cách tiếp cận đều có giá trị. Theo cách nhìn này người ta sẽ không nói đến lí thuyết kinh tế mà chỉ nói lí thuyết thống trị hay chính thống và những lí thuyết khác, thật ra ít quan trọng bằng nhưng là những lí thuyết cạnh tranh tiềm tàng với lí thuyết thống trị.
Cách tốt nhất để minh hoạ giả thiết tính đa nguyên, giả thiết được chúng tôi ưa chuộng, là liệt kê những lí thuyết kinh tế sẵn có. Tuy nhiên làm việc này là khó vì phải kết hợp một mặt, sự kiện nhận xét được là có những truyền thống khác nhau với, mặt khác là trực giác lí thuyết theo đó có thể nhận diện một cách tiên nghiệm những tiêu chí khả dĩ làm cơ sở cho việc phân biệt các cách tiếp cận. Về điểm thứ nhất, người ta nghĩ ngay đến ba truyền thống: marxist, cổ điển và tân cổ điển. Tuy nhiên, theo những gì vừa trình bày về sự phân biệt lí thuyết/siêu lí thuyết, có những luận chứng nghiêm túc để đưa lí thuyết marxist vào cách tiếp cận cổ điển. Chúng tôi hiểu cách tiếp cận cổ điển như trục tư tưởng đi từ Ricardo đến Sraffa và những tác giả đương đại khác, và đi ngang qua Marx. Ngược lại, theo chúng tôi, sẽ là hữu ích khi chia cách tiếp cận tân cổ điển thành ba thành phần: những lí thuyết marshallian, walrasian và Áo. Cuối cùng, một truyền thống khác, hợp thành từ những trực giác không cổ điển của Marx, một cách kiến giải phi chính thống về Keynes và những quan điểm của Kalecki theo chúng tôi đáng để được xét dưới tên “cách tiếp cận tiền tệ”. Dù chỉ mới được phát triển, việc nên tính đến cách tiếp cận này là do nó chiếm một vị trí sẽ bỏ trống trong tổ hợp những lí thuyết có thể.
Có ít nhất ba loại tiêu chí có thể tham gia vào việc phân biệt những cách tiếp cận lí thuyết: những lựa chọn chính trị gắn với những cách tiếp cận khác nhau, những vấn đề được các cách tiếp cận ưu tiên và cuối cùng là những lựa chọn phương pháp luận cơ bản của các cách tiếp cận. Tuy nhiên những suy nghĩ đã trình bày ở trên khiến chúng tôi không chọn tiêu chí thứ nhất dù trong thực tế tiêu chí này có một vị trí hàng đầu trong việc lựa chọn một cách tiếp cận. Thật vậy, nếu ta thừa nhận có một khác biệt giữa lí thuyết và siêu lí thuyết thì việc chấp nhận một hệ chuẩn (paradigme) – trên cơ sở sự phân biệt này – hiện ra như kết quả của một sự hiểu lầm. Đồng thời, việc vận dụng tiêu chí này kéo theo một hiện tượng tiên đoán sáng tạo càng củng cố thêm hình ảnh chính trị gắn liền với những cách tiếp cận khác nhau.
Nhiều tác giả (ví dụ, Dasgupta, 1985) đã cố gắng xây dựng luận điểm theo đó sự phân biệt các hệ chuẩn dựa trên thứ bậc được những hệ chuẩn này xác lập giữa những vấn đề khác nhau hợp thành đối tượng của lí thuyết kinh tế. Điều này là có giá trị nhất đối với sự đối lập giữa các nhà cổ điển và tân cổ điển. Đối với các nhà cổ điển, vấn đề chính là tăng trưởng và đình đốn. Ngược lại, các nhà tân cổ điển ưu tiên cho việc nghiên cứu quyết định duy lí và tính hiệu quả, những yếu tố khác được kết hợp thêm từ hai điểm này. Như vậy việc tra vấn sự tăng trưởng vẫn còn đó nhưng không quan trọng bằng và là dưới dạng một phân tích những điều kiện của một tăng trưởng cân bằng hơn là dưới dạng một suy nghiệm về sự suy tàn của hệ thống. Để lấy một ví dụ khác, ngược lại với các nhà tân cổ điển, các nhà cổ điển nghiên cứu giá trị không vì chính bản thân giá trị mà như một bước bắt buộc trong quá trình suy tư về sự phân phối và bóc lột.
Nếu loại tiêu chí thứ ba – những lựa chọn phuơng pháp luận cơ bản làm cơ sở cho các cách tiếp cận – có vẻ là mấu chốt thì việc triển khai nó là khó khăn. Có thể hình dung hai cách tiến hành, tùy theo là ta coi trọng việc liệt kê đầy đủ hơn, hay ngược lại coi trọng việc phát hiện những lát cắt chủ yếu. Một minh hoạ của cách thứ nhất được trình bày trong phiếu số 1. Chúng tôi đã phân biệt năm lựa chọn cơ bản, và trong mỗi lựa chọn này có thể tiến hành thêm nhiều lựa chọn cấp hai khác.
Một lựa chọn thứ nhất là giữa điều chúng tôi gọi là một phương pháp luận không đồng nhất và một phương pháp luận đồng nhất. Phương pháp luận thứ nhất dựa trên trực giác cho rằng lí thuyết, một cách sâu sắc, là không đồng nhất và do đó trước hết công việc lí thuyết đầu tiên là đề ra những phân biệt tiên quyết. Cách tiếp cận này dẫn đến việc chia trường hiểu biết toàn diện thành những lớp có thứ bậc, và những nguyên lí lí thuyết khác nhau được áp dụng cho mỗi lớp. Các nhà cổ điển thường triển khai quan điểm này mà chúng tôi gọi là quan điểm “phân biệt”. Họ phân biệt giữa giá trị sử dụng và giá trị trao đổi, sản phẩm được sản xuất và tài nguyên thiên nhiên. Đối với họ, “giá cả là một phạm trù nhiều mặt bị những lớp ấn định khác nhau chi phối” (Lapidus, 1986: 16). Cuối cùng họ chia những tác nhân kinh tế tùy theo thành phần giai cấp. Nhưng ta cũng gặp lại phương pháp luận này trong cách tiếp cận tiền tệ. Trong cách tiếp cận này, tiền tệ bị loại ra khỏi toàn bộ những sản phẩm, thị trường lao động không được xem là một thị trường “thật sự” và những chi tiêu đầu tư (của các doanh nghiệp) được đối lập với những chi tiêu tiêu dùng (của các hộ gia đình). Phương pháp luận đồng nhất, mà lí thuyết walrasian là ví dụ tốt nhất, không thừa nhận quan điểm phân biệt, viện lí do rằng một khoa học phát triển được nhìn nhận ở khả năng bao hàm một trường những hiện tượng đa dạng bằng một logic giải thích duy nhất.
Một tập hợp lựa chọn thứ hai liên quan đến vai trò phân tích được gán cho khái niệm cân bằng. Nhiều thành tố can dự vào khái niệm này mà chúng tôi chỉ nêu qua thôi:
– Đánh giá về thứ bậc trong chương trình nghiên cứu giữa sự tồn tại của cân bằng và quá trình để đạt tới cân bằng.
– Lí thuyết hoá cân bằng. Trực giác cổ điển, được biết dưới thuật ngữ “hấp dẫn”, giả định có những trao đổi ở những “giá giả”, nghĩa là ở những giá ngoài cân bằng, và một biến động của giá thị trường xung quanh giá tự nhiên. Lí thuyết walrasian đề nghị, ít nhất là trong bước đầu, một quá trình “dò dẫm” loại trừ những giao dịch như thế.
– Lựa chọn giữa phương pháp luận cân bằng bộ phận và cân bằng chung.
– Phương thức đưa yếu tố thời gian vào trong phân tích cân bằng.
Một lựa chọn cơ bản thứ ba liên quan đến vị thế của tiền tệ trong phân tích đối lập quan điểm phân đôi và cách nhìn về tiền tệ. Trong quan điểm đầu, kinh tế thị trường được nghiên cứu theo mô hình của một nền kinh tế hiện vật. Theo quan điểm thứ nhì, tiền tệ là một thành tố chủ yếu cần phải đưa ngay vào phân tích.
Được thua thứ tư liên quan đến giá trị. Nếu ở đây quan niệm thông thường là một lựa chọn giữa hai biến thể – lí thuyết giá trị lao động và lí thuyết chủ quan về giá trị – thì còn có một tùy chọn thứ ba khi tính đến cách tiếp cận tiền tệ: đó là khả năng nghiên cứu sự vận hành của nền kinh tế thị trường mà không cần qui chiếu đến một lí thuyết giá trị hay đến giá cân bằng, tài khoản của các tác nhân trở thành chuẩn độc nhất của cân bằng (Cartelier, 1985 a; De Vroey, 1987). Một loạt những hệ quả, mà chúng tôi không thể mô tả ở đây, được suy ra từ cách nhìn này.
Sau rốt một lựa chọn cuối cùng liên quan đến việc đưa dân số, và từ đó cung lao động ăn lương, vào phân tích. Có thể hoàn tất hệ thống bằng hai cách: hoặc xem dân số là nội sinh và lương thực tế là ngoại sinh, hoặc ngược lại. Cách tiếp cận thứ nhất theo quan điểm đầu, những cách tiếp cận khác theo quan điểm sau. Hơn nữa, còn phải có những giả thiết nữa cho các điểm khác, như khả năng sống sót của các tác nhân kinh tế ngoài trao đổi hàng hoá và khả năng lựa chọn giữa chế độ làm công ăn lương và lao động ở cương vị người lao động độc lập.
Như phiếu số 1 cho thấy, những tiêu chí trên cho phép định vị những cách tiếp cận trên. Phiếu cũng cho thấy là trong số ba thành tố của cách tiếp cận tân cổ điển, lí thuyết walrasian là khác xa nhất với lí thuyết cổ điển. Trên hầu hết các tiêu chí, hai cách tiếp cận này có những lựa chọn khác nhau. Điểm chung của hai cách tiếp cận này là chấp nhận sự phân đôi lĩnh vực thực tế và lĩnh vực tiền tệ. Chính vì thế mà đưa thêm vào cách tiếp cận tiền tệ như một đối chọn phương pháp luận là quan trọng. Phiếu cũng còn cho thấy là sự đối lập giữa những cách tiếp cận là không toàn diện. Tùy theo các tiêu chí có thể làm nổi lên những tập hợp con. Theo tiêu chí thứ nhất (đồng nhất/không đồng nhất) có thể đặt riêng ra cách tiếp cận walrasian. Tiêu chí thứ ba (tiền tệ) đối lập cách tiếp cận tiền tệ với những cách tiếp cận khác còn với tiêu chí thứ tư (giá trị) ta có thể có những cách phân loại tinh tế hơn! Cuối cùng ta ghi nhận vai trò bản lề của cách tiếp cận Áo. Nếu cách tiếp cận này là tân cổ điển do việc nhấn mạnh đến chủ thể quyết định thì nó cũng chia sẻ với những cách đặt vấn đề khác những suy nghĩ về những mất cân bằng.
Nhưng có lẽ mối quan tâm đến tính đầy đủ đặc trưng cho bài tập phân loại này làm mờ đi chăng những lớp cắt lí thuyết chủ yếu? Do đó lợi ích một phân loại hẹp hơn chỉ vận dụng có hai tiêu chí: vai trò quyết định của các tác nhân và phương thức nắm bắt những đại lượng kinh tế. Tiêu chí thứ nhất cho phép tách những cách tiếp cận giao cho toàn thể các tác nhân kinh tế một vị thế quyết định như nhau – và do đó phát triển một cách nhìn đồng nhất về xã hội – ra khỏi những cách tiếp cận đặt lớp cắt ở điểm này. Trong nhóm thứ nhất có những cách tiếp cận tân cổ điển và trong nhóm thứ hai có cách tiếp cận cổ điển tiền tệ.
Đương nhiên là những nhận xét trên không giải quyết cuộc tranh luận về tính thống nhất hay tính đa nguyên của lí thuyết kinh tế. Tuy nhiên chúng gán cho giả thiết về tính đa nguyên một mức đáng tin nhất định. Ít nhất đó là điều chúng tôi chờ mong trong chừng mực là phần tiếp của bài này tiếp tục lí luận trên cơ sở giả thiết đa nguyên của lí thuyết kinh tế!
(Còn nữa)
Nguồn: “Histoire de l’analyse économiques” của Michel De Vroey trong Encyclopédie économique (Bách khoa kinh tế), nhà xuất bản Economica, Paris, 1990, trang 55-92
Nguồn dịch: Phantichkinhte123:Lịch sử phân tích kinh tế