Chủ nghĩa duy khoa học và nghiên cứu về xã hội: Các hệ thống tổ chức xã hội "hướng đích" (phần 8)
Trong phần kết của bài luận này chúng ta sẽ xem xét một số quan điểm thực tiễn bắt nguồn từ những quan điểm lý thuyết vừa được thảo luận. Đặc điểm chung đặc trưng nhất của những quan điểm thực tiễn này là: chúng đều là hệ quả trực tiếp của việc không nắm bắt được – do thiếu một lý thuyết xây dựng theo phương pháp compozit về các hiện tượng xã hội – nguyên nhân vì sao các tổng thể cố kết hay các cấu trúc các mối quan hệ vững chắc, những thứ góp phần phục vụ những mục đích quan trọng của con người, được hình thành từ những hành động độc lập của nhiều người nhưng lại không được kiến tạo một cách có chủ đích cho những mục đích đó. Đặc điểm này dẫn đến một cách biện giải “thực dụng”1 về các thể chế xã hội. Theo cách biện giải này, tất cả các cấu trúc xã hội phục vụ cho các mục đích của loài người đều được xem như kết quả của một thiết kế có chủ đích và phủ nhận khả năng tồn tại một sự sắp đặt có trật tự hoặc hướng đích nhưng lại không được tạo dựng một cách có chủ đích.
Quan điểm này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ xuất phát từ việc người ta e ngại các quan niệm nhân hình sẽ được sử dụng – một nỗi e sợ đặc trưng của não trạng duy khoa học. Nỗi e ngại này khiến việc sử dụng khái niệm “mục đích” trong thảo luận về sự phát triển xã hội tự phát gần như bị cấm đoán hoàn toàn, và điều này thường dẫn các nhà thực chứng mắc vào lỗi tương tự như chính cái lỗi mà họ muốn tránh: bởi họ đã biết rằng việc coi mọi thứ có biểu hiện hướng đích rõ ràng là sản phẩm do một tâm trí có khả năng thiết kế tạo ra là một quan niệm sai lầm, nên họ tin rằng hành động của nhiều người không thể đem lại trật tự hoặc phục vụ một mục đích hữu dụng trừ phi đó là kết quả của một thiết kế có chủ đích. Vì thế, họ bị dẫn trở lại một quan điểm mà về cơ bản giống với cái quan điểm ở thế kỷ XVIII vốn khiến người ta nghĩ rằng ngôn ngữ hay gia đình là những thứ được “sáng chế” ra, hay chính quyền là thứ được tạo ra từ một một khế ước xã hội rõ ràng. Và đấy là quan điểm đối nghịch với những lý thuyết về cấu trúc xã hội được xây dựng theo phương pháp compozit.
Vì ngôn ngữ phổ thông đôi khi gây ra nhầm lẫn, nên cần cẩn trọng khi tiến hành bất kỳ thảo luận nào về đặc tính “hướng đích” của các hệ thống tổ chức xã hội (social formations) tự phát. Nguy cơ nhân hình hoá một cách không chính đáng cụm từ mục đích cũng tai hại như nguy cơ phủ nhận cụm từ mục đích đề cập đến điều gì đó thực sự có ý nghĩa trong ngữ cảnh thảo luận ở đây. Xét chặt về nghĩa nguyên thuỷ, cụm từ mục đích thực chất ngầm định một người đang hành động với chủ ý nhắm đến một kết cục. Tuy nhiên, như chúng ta đã đề cập trước đây2, tương tự các khái niệm như “luật pháp” (“law” ) hay “tổ chức” (“organisation”), vì thiếu các thuật ngữ thích hợp, chúng ta buộc phải chấp nhận dùng chúng trong khoa học theo nghĩa phi nhân hình. Cũng tương tự như vậy, chúng ta có thể thấy cụm từ mục đích mang một nghĩa không thể tách rời khỏi cái nghĩa nguyên thuỷ của nó.
Trước tiên, bản chất của vấn đề có thể được bộc lộ rõ nét qua lời nói của một triết gia đương đại lỗi lạc – người, dù ở nơi nào, cũng tuyên bố một cách rất thực chứng rằng “khái niệm mục đích phải được loại trừ hoàn toàn khỏi những xem xét khoa học về các hiện tượng đời sống”, nhưng lại thừa nhận sự tồn tại của “một nguyên lý chung vốn thường xuyên được chứng minh là đúng trong tâm lý học, sinh học và cả ở những lĩnh vực khác: đó là, kết quả của các quá trình bản năng hay vô thức thường xuyên giống hệt kết quả của các tính toán thuần lý.”3 Điều này chỉ ra rõ ràng một khía cạnh của vấn đề. Đó là: một kết quả mà, nếu giả dụ đấy là thứ ai đó muốn có, có thể đạt được thông qua một số lượng giới hạn các phương cách thì có khả năng thành hiện thực bằng một trong những phương cách đó dù rằng [trên thực tế] không có ai chủ định nhắm tới. Nhưng vẫn còn một câu hỏi mở: tại sao kết quả cụ thể được hình thành theo phương cách này lại đáng được coi là ưu việt hơn so với khi theo phương cách khác, và vì thế nó vẫn xứng đáng được coi là “mục đích”.
Nếu chúng ta khảo cứu nhiều lĩnh vực khác nhau, nơi chúng ta liên tục đụng chạm đến các hiện tượng được mô tả là “có mục đích” dù là chúng không được chủ ý định hướng bởi một bộ óc nào đó, thì chúng ta nhanh chóng thấy rõ là cái “đích đến” hay “mục đích” mà các hiện tượng được diễn tả là hướng tới luôn là sự hiện diện của một “tổng thể”, một cấu trúc bền vững các mối quan hệ mà chúng ta phải thừa nhận sự tồn tại của chúng trước khi hiểu bản chất của cơ chế khiến các bộ phận của chúng được gắn kết lại với nhau. Những ví dụ quen thuộc nhất cho các tổng thể như vậy là những cơ thể sinh vật. Ở đây, quan niệm chức năng của bộ phận cơ thể là điều kiện thiết yếu cho sự tồn tại bền vững của tổng thể đã được chứng thực là có giá trị lớn lao. Có thể dễ dàng nhận thấy các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực sinh học sẽ bị cản trở như thế nào nếu định kiến khoa học về việc cấm sử dụng tất cả các khái niệm chỉ mục đích trở nên có hiệu lực, ví dụ, ngăn cản nhà nghiên cứu phát hiện ra một bộ phận cơ thể mới đặt câu hỏi tức thì rằng bộ phận đó phục vụ mục đích nào hay có chức năng nào4.
Mặc dù trong lĩnh vực xã hội, xét trên khía cạnh này, chúng ta bắt gặp những hiện tượng với những vấn đề tương tự, nhưng tất nhiên sẽ nguy hiểm nếu vì lý do đó mà miêu tả chúng là các cơ thể sinh vật. Sự giống nhau ít ỏi như trên không đưa ra câu trả lời nào cho vấn đề chung, và việc vay mượn một thuật ngữ mới có xu hướng khiến những khác biệt có ý nghĩa quan trọng tương đương trở nên mơ hồ. Chúng ta không cần bàn bạc chi tiết thêm về cái thực tế mà giờ đây đã trở nên quen thuộc, rằng đối với chúng ta các tổng thể xã hội, không giống những cơ thể sinh vật, không có sẵn như là các đơn vị tự nhiên, các tổ hợp cố định liên kết với nhau như kinh nghiệm thông thường cho thấy, mà chỉ có thể được nhận ra thông qua một quá trình tái dựng về mặt tư duy; hoặc rằng các bộ phận của tổng thể xã hội, không giống như những bộ phận của cơ thể sinh vật thực sự, có thể tồn tại riêng rẽ khỏi vị trí cụ thể của chúng trong tổng thể, và trong phạm vi rộng, chúng di động và có thể tráo đổi [vị trí cho nhau]. Tuy thế, dù là chúng ta tránh lạm dụng phép tương tự, thì vẫn có một số điểm chung nhất định có thể áp dụng được cho cả hai trường hợp. Tương tự như trong các cơ thể sinh vật, chúng ta thường quan sát thấy trong các hệ thống tổ chức xã hội tự phát có những bộ phận di chuyển như thể chúng có mục đích là bảo tồn sự tồn tại của tổng thể. Không biết bao lần chúng ta thấy rằng nếu như việc duy trì cấu trúc của các tổng thể xuất phát từ chủ đích của ai đó, và nếu như anh ta có kiến thức và sức mạnh để làm như vậy, anh ta sẽ phải thực hiện điều này bằng cách tạo ra chính xác những vận động trên dù trong thực tế chúng diễn ra không cần bất kỳ sự chỉ đạo có ý thức nào như vậy.
Hơn nữa, trong lĩnh vực xã hội, có một mối liên kết đặc biệt giữa những vận động tự phát nhằm bảo tồn một mối quan hệ cấu trúc nào đó giữa các bộ phận [của tổng thể] và những mục đích cá nhân của chúng ta: các tổng thể xã hội nhờ đó được duy trì và trở thành điều kiện để cho chúng ta, với tư cách là những cá nhân, đạt được những mong muốn của mình; chúng thậm chí còn là môi trường để chúng ta nhận ra những nguyện vọng cá nhân của mình và cho chúng ta sức mạnh đạt được những nguyện vọng đó.
Hai thực tế sau đây chẳng có gì bí ẩn hơn nhau: thứ nhất, tiền và hệ thống giá cả cho phép con người đạt được những thứ mà anh ta mong muốn, cho dù chúng không được thiết kế vì mục đích đó, và chúng cũng khó có thể được tạo ra một cách có chủ ý trước khi có sự phát triển của nền văn minh – cái thực ra phát triển được là nhờ vào chúng; và thứ hai, nếu con người không tình cờ có được các công cụ này, con người sẽ không có được những quyền năng mà con người đã và đang sở hữu. Những thực tế mà chúng ta đề cập tới khi nói về các lực hướng đích đang vận hành ở đây giống như những thứ tạo ra các cấu trúc xã hội bền vững mà chúng ta đã thừa nhận là có sẵn và tạo thành điều kiện cho sự tồn tại của chúng ta. Những thể chế phát triển tự phát “có ích” bởi chúng là điều kiện và nền tảng cho những phát triển xa hơn của con người, cho con người những quyền năng mà anh ta vẫn hằng sử dụng. Nếu, theo cách nói của Adam Smith, việc phát biểu rằng con người trong xã hội “liên tục đóng góp vào những mục đích mà mình không có một chút chủ đích trong đó” luôn là điểm châm ngòi gây ra sự bực bội cho những bộ óc kỹ thuật, thì nó lại miêu tả vấn đề trung tâm của nhóm các ngành khoa học xã hội. Một trăm năm sau Adam Smith, Carl Menger – người lao động nhiều hơn bất kỳ cây bút nào để vượt qua Smith trong việc giải thích ý nghĩa câu nói này đã cho rằng, câu hỏi “làm thế nào để các thể chế có thể phục vụ lợi ích xã hội và trở nên đóng vai trò quan trọng nhất cho sự thăng tiến của phúc lợi xã hội mà không cần một ý chí chung nào trong việc tạo ra chúng” vẫn là “vấn đề quan trọng, có lẽ là quan trọng nhất, của nhóm các ngành khoa học xã hội”5.
Việc bản chất và thậm chí sự tồn tại của vấn đề này ít được thừa nhận6 có quan hệ chặt chẽ với một sự nhầm lẫn thông thường về ý nghĩa của câu phát biểu: các thể chế của loài người được tạo ra bởi con người. Dù cho chúng là do con người tạo ra, tức hoàn toàn là kết quả được tạo ra từ những hành động của con người, chúng vẫn có khả năng không phải là sản phẩm được chế tác, không phải là sản phẩm mà những hành động đó dự định tạo ra. Bản thân cụm từ thể chế (institution) cũng gây ra khá nhiều nhầm lẫn xét trên khía cạnh này, vì nó gợi về một cái gì đó được chế ra một cách có chủ ý. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu cụm từ này được giới hạn để chỉ những thứ đã được sắp đặt, chuẩn bị trước, như những luật lệ và các tổ chức cụ thể, những cái được tạo ra cho một mục đích xác định. Còn nếu chúng ta dùng một cụm từ trung lập hơn, như các thành hệ hay hệ thống tổ chức (formations) (theo nghĩa tương tự như nghĩa mà các nhà địa chất sử dụng, tương ứng với từ Gebilde trong tiếng Đức), để chỉ những hiện tượng đó, thì, giống như tiền bạc hay ngôn ngữ, chúng đã không được tạo ra một cách có chủ ý như thế.
Việc tin rằng không một thứ gì nếu không được tạo ra một cách có chủ ý lại có thể có ích hoặc thậm chí cần thiết cho việc đạt được mục đích của con người là một bước chuyển tiếp để dễ dàng đi tới niềm tin rằng: vì tất cả các thể chế đều do con người tạo ra, nên chúng ta chắc chắn phải có đầy đủ sức mạnh để thay đổi lại hình thức của chúng theo bất cứ cách nào mà chúng ta muốn7. Dù thoạt đầu kết luận này nghe có vẻ hoàn toàn bình thường, nhưng thực ra nó hoàn toàn lại là một non sequitur (suy luận không dựa trên tiền đề), xuất phát từ cách sử dụng nước đôi cụm từ thể chế. Nó chỉ hợp lý nếu như tất cả các hệ thống tổ chức “có mục đích” đều là kết quả của các dự định hay kế hoạch. Nhưng các hiện tượng như ngôn ngữ hay thị trường, tiền tệ hay các chuẩn mực đạo đức đều không phải là những sản phẩm nhân tạo thực sự, không phải là sản phẩm của các hành động sáng tạo có chủ ý8. Chúng không những không được một bộ óc nào thiết kế ra, mà còn được gìn giữ, và hoạt động được, dựa trên hành động của những người vốn chẳng có ý định bảo tồn chúng. Và, vì chúng không dựa trên bản thiết kế mà dựa trên những hành động cá nhân không được chúng ta kiểm soát, nên chí ít chúng ta không thể cứ cho là mình có thể sử dụng một tổ chức bất kỳ nào đó, tại đó mọi vận động của các bộ phận cấu thành được kiểm soát một cách có chủ ý, để nâng cấp, hoặc thậm chí chỉ sánh kịp, khả năng hoạt động của chúng. Chừng nào chúng ta còn chịu khó bồi đắp kiến thức về những sức mạnh tự phát, chúng ta còn có thể hy vọng sẽ vận dụng chúng để sửa đổi các hoạt động của chúng thông qua những điều chỉnh thích hợp các thể chế vốn đóng vai trò là các bộ phận của quá trình lớn hơn. Và vì thế vẫn còn đó sự khác biệt giữa việc vận dụng các quá trình tự phát và việc cố gắng thay thế chúng bằng một tổ chức dựa vào sự kiểm soát có ý thức.
Chúng ta tự tâng bốc mình một cách không xứng đáng khi miêu tả nền văn minh của loài người hoàn toàn như là một sản phẩm của lý tính hay như là một sản phẩm do con người chế tác ra, hay khi cho rằng chúng ta nhất thiết phải sử dụng sức mạnh con người của chúng ta để tái tạo hay duy trì một cách có chủ ý những gì chúng ta đã xây dựng nên mà không cần biết mình đang làm gì. Mặc dù nền văn minh của chúng ta là kết quả của sự tích luỹ tri thức cá nhân, nhưng không phải là do một tâm trí cá nhân nào tổng hợp một cách có chủ ý hoặc tường minh toàn bộ khối tri thức này, mà là do sự hiện thân của nó trong những biểu tượng mà chúng ta sử dụng nhưng không hiểu ý nghĩa, trong những thói quen và tập tục, trong các dụng cụ và khái niệm9, giúp cho con người trong xã hội luôn có thể thu lợi từ một khối lượng tri thức mà chẳng được anh ta cũng như ai đó khác sở hữu hoàn toàn. Nhiều sản phẩm vĩ đại mà con người đạt được lại không phải là kết quả của tư duy được định hướng có ý thức, và lại càng không phải là sản phẩm của nỗ lực phối hợp có chủ đích giữa nhiều cá nhân với nhau, mà là của một quá trình tại đó cá nhân có tham gia nhưng lại không bao giờ có thể hiểu rõ phần đóng góp của mình là gì. Những sản phẩm đó đúng là vĩ đại hơn bất kỳ sản phẩm của cá nhân nào bởi chúng là kết quả của sự kết hợp khối tri thức sâu rộng hơn khối lượng tri thức mà một bộ óc cá nhân có thể nắm bắt.
Đáng tiếc là những người đã nhận ra điều này lại thường rút ra kết luận rằng những vấn đề nêu ra hoàn toàn chỉ là những vấn đề có tính chất lịch sử, và vì thế họ tự tước đoạt đi của chính mình phương pháp phản biện hiệu quả những quan điểm đối nghịch. Thực ra, như chúng ta đã thấy10, đa phần nỗ lực của “trường phái lịch sử” thế hệ trước cơ bản là sự phản ứng chống lại kiểu chủ nghĩa duy lý sai lầm mà chúng ta đang thảo luận. Nếu nó đã thất bại, đó là bởi vì nó coi việc giải thích những hiện tượng này hoàn toàn như là một loại công việc liên quan đến sự kiện ngẫu nhiên xảy ra trong thời gian và không gian, và khước từ một cách có hệ thống việc triển khai phân tích logic cái quá trình mà nếu thiếu nó chúng ta không thể có được câu trả lời. Chúng ta không cần quay trở lại vấn đề đã được thảo luận này11. Dù lời giải thích cho cách thức các bộ phận của tổng thể xã hội phụ thuộc lẫn nhau thường ở dưới dạng xem xét căn nguyên, nó rất giống “lịch sử phác đồ” (schematic history), cái mà các nhà lịch sử thực thụ hoàn toàn có lý khi từ chối thừa nhận rằng đó là lịch sử thực sự. Nó sẽ đề cập tới, không phải hoàn cảnh cụ thể của một quá trình đơn lẻ nào đó, mà chỉ tới những bước cốt yếu nhất để tạo ra một kết quả cụ thể, tới một quá trình mà ít nhất trên nguyên tắc có thể được lặp lại ở những địa điểm khác hoặc thời điểm khác. Như mọi giải thích đúng đắn, nó phải được thể hiện bằng những thuật ngữ phổ quát, nó sẽ đề cập tới những điều đôi khi được gọi là “logic các sự kiện”, nó sẽ bỏ qua rất nhiều thứ quan trọng đối với một trường hợp lịch sử đơn lẻ, và nó sẽ quan tâm tới sự phụ thuộc lẫn nhau của các bộ phận trong hiện tượng mà thậm chí không cần phải giống hệt như cái trình tự chúng đã xuất hiện. Tóm lại, đó không phải lịch sử, mà là lý thuyết xã hội theo phương pháp compozit.
Có một khía cạnh thú vị trong vấn đề này nhưng lại ít khi được đánh giá đúng, đó là: chỉ nhờ phương pháp theo cá thể luận hay compozit chúng ta mới có thể làm cho những cụm từ dùng để chỉ các quá trình và hệ thống tổ chức xã hội, vốn đã bị lạm dụng quá nhiều, mang một nghĩa xác định, theo đó chúng luôn là cái gì đó “hơn” cái “đơn thuần chỉ là tổng” các bộ phận của chúng; và chỉ nhờ phương pháp này chúng ta mới có thể hiểu cấu trúc các mối quan hệ giữa các cá nhân xuất hiện như thế nào để các nỗ lực chung của họ có thể thu được kết quả mong muốn mà không một cá nhân đơn lẻ nào có thể lập kế hoạch hay đoán trước được. Trái lại, người theo tập thể luận – người từ chối giải thích các tổng thể theo cách bám một cách có hệ thống vào những tương tác giữa các nỗ lực cá nhân, và người tuyên bố có thể trực tiếp nhận thức thấu đáo các tổng thể xã hội như nó vốn có – không bao giờ có thể xác định chính xác đặc điểm của những tổng thể này hay cách thức chúng hoạt động, và thường bị đẩy đến phải hình dung những tổng thể này theo hình mẫu của một tâm trí cá nhân.
Vẫn còn đó một nghịch lý đáng kể, một nhược điểm cố hữu rất đáng lưu ý trong những lý thuyết theo tập thể luận. Đó là, từ việc khẳng định xã hội, theo một nghĩa nhất định nào đó, lớn hơn nhiều việc tổng gộp một cách đơn thuần tất cả các cá nhân lại, những người trung thành với các lý thuyết theo tập thể luận thường nhảy cóc sang luận đề, rằng để bảo vệ được sự thống nhất của thực thể lớn hơn này, nó phải chịu sự giám sát có chủ ý, tức là cuối cùng vẫn phải chịu sự quản lý của một tâm trí cá nhân. Kết quả là, trong thực tiễn, lý thuyết gia theo tập thể luận thường tán dương lý tính cá nhân và đòi hỏi tất cả những lực lượng trong xã hội phải chịu sự chỉ huy của một trí tuệ cao siêu duy nhất, và ngược lại, lý thuyết gia theo cá thể luận là người nhận ra những giới hạn của sức mạnh lý tính cá nhân và vì vậy ủng hộ cho tự do như một cách thức để những năng lực của quá trình tương tác cá nhân phát triển toàn diện.
Chú thích:
(1) Về khái niệm diễn giải “thực dụng” đối với các thể chế xã hội trong toàn bộ phần này, xem Carl Menger, Untersuchungen über die Methoden der Sozialwissenschaften (1883; L. S. E. tái bản 1933), bk. 2; chap. 2; đây là bản nghiên cứu toàn diện và kỹ lưỡng nhất mà tôi được biết về những vấn đề được thảo luận tại đây.
(2) Tại cuốn sách này, chương 2, chú thích 3.
(3) Xem M. Schlick, Fragen der Ethik (Vienna, 1930), p. 72.
(4) Về việc sử dụng những khái niệm chỉ mục đích trong sinh vật học, đối chiếu với phần thảo luận kỹ lưỡng của J. H. Woodger, Biological Principles (1929), đặc biệt trong phần “Teleology and Causation”, pp. 429-51; ngoài ra cũng đối chiếu với phần thảo luận trước đó trong cùng tác phẩm (p. 291) về “thói quen tư duy khoa học” gây nên vụ “scandal” các nhà sinh vật học không coi trọng yếu tố tổ chức và “trong lúc vội vã trở thành những nhà vật lý, họ quên mất công việc của mình”.
(5) Menger, op. cit., p. 163: “Ở đây, ta gặp phải vấn đề quan trọng, có lẽ là quan trọng nhất, của nhóm các ngành khoa học xã hội, đó là: làm thế nào để các thể chế có thể phục vụ lợi ích xã hội và trở nên đóng vai trò quan trọng nhất cho sự thăng tiến của phúc lợi xã hội mà không cần một ý chí chung nào trong việc tạo ra chúng?” Nếu trong phát biểu này chúng ta thay thế nội dung “những thể chế là điều kiện cần thiết để con người đạt được những chủ đích của mình” bằng cái “phúc lợi xã hội” mơ hồ và ít nhiều nghi vấn, thì chúng ta hầu như không thể nói mạnh rằng cách thức mà những “tổng thể hướng đích” như vậy được tạo ra và bảo tồn chính là vấn đề cụ thể của lý thuyết xã hội, giống như sự tiếp tục tồn tại của những cơ thể sinh vật là vấn đề của sinh vật học.
(6) Ở đây có thể dễ dàng thấy tiến bộ tri thức bị những đam mê chính trị cản trở như thế nào khi chúng ta so sánh cuộc thảo luận về vấn đề [cần phải nghiên cứu] trong lĩnh vực khoa học kinh tế và chính trị với, chẳng hạn, việc nghiên cứu ngôn ngữ. Điều vẫn còn là trọng tâm tranh luận trong khoa học kinh tế và chính trị lại là điều cũ rích chẳng ai còn nghĩ rằng phải bàn luận nữa trong lĩnh vực ngôn ngữ.
(7) Liên quan đến nội dung này, Menger (op.cit., p. 208) hoàn toàn đúng khi nhận xét về “một chủ nghĩa thực dụng đi ngược lại những ước muốn của các đại diện của nó sẽ chắc chắn dẫn tới chủ nghĩa xã hội”. Ngày nay, quan điểm [thực dụng] này thường được thể hiện nhiều nhất trong những bài viết của “các nhà thể chế” Mỹ, trong đó đoạn trích sau (Giáo sư W. H. Hamilton, “Institution,” Encyclopaedia of the Social Sciences, vol. 8, pp. 87-89) là một ví dụ tiêu biểu: “Cái thứ rối rắm được gọi là chủ nghĩa tư bản trước đây chưa bao giờ được tạo ra nhờ quá trình thiết kế hay được cắt tỉa thành một bản kế hoạch cụ thể; nhưng giờ là vậy, những học giả khả kính đương đại đã thuần hóa nó thành một công cụ có thể tự điều chỉnh và hướng đích vì phúc lợi chung.” Từ vị trí này rõ ràng chỉ còn một vài bước nhỏ nữa, người ta sẽ đi tới việc đòi hỏi rằng “trật tự và định hướng phải được áp xuống một xã hội không có kỷ cương”.
(8) Một ví dụ tiêu biểu cho việc coi những thế chế xã hội cứ như thể chúng là những sản phẩm nhân tạo thực thụ, trong một môi trường duy khoa học đặc trưng, được J. Mayer đưa ra trong cuốn Social Science Principles in the Light of Scientific Method (Durham, N.C., 1941), p. 20. Tại đây xã hội được chỉ ra một cách rõ ràng là ‘sự sáng tạo của con người’, giống như xe ô tô hay một nhà máy thép được tạo ra bởi sự khéo léo của nhân loại.
(9) Có lẽ điều minh họa tốt nhất cho cách chúng ta liên tục sử dụng kinh nghiệm hay tri thức có được từ người khác là phương thức mà trong đó, thông qua việc học nói, chúng ta biết được cách thức phân loại các sự vật mà không cần trải qua những trải nghiệm thực tế vốn được phát triển trong nhiều thế hệ liên tiếp trước đó. Một lượng lớn tri thức mà chúng ta chưa bao giờ biết tới một cách có ý thức nằm ẩn trong những gì ta đã nhận thức – khối tri thức luôn phục vụ những hành động của chúng ta, dù khó có thể nói ta đang “sở hữu” nó.
(10) Xem tại cuốn sách này, chương 7.
(11) Xem tại cuốn sách này, các trang 97-106. Xem thêm Menger, op. cit., pp. 165 et seq.
Nguồn: Friedrich A. Hayek, Cuộc cách mạng ngược trong khoa học: Các nghiên cứu về sự lạm dụng lý tính, NXB Tri Thức, 2007