Chủ nghĩa duy khoa học và nghiên cứu về xã hội: Định hướng "có ý thức" và sự phát triển của lý tính (phần 9)
Nhu cầu bao trùm về sự kiểm soát hay định hướng “có ý thức” các quá trình xã hội là một trong những nét đặc trưng tiêu biểu nhất của thế hệ chúng ta. Có lẽ nó diễn tả tinh thần đặc biệt của thời đại rõ ràng hơn bất kỳ một câu nói dập khuôn nào khác. Nói chung bất kỳ thứ gì mà không được định hướng một cách có ý thức đều bị coi như là một sản phẩm có tì vết, một bằng chứng cho tính không hợp lý, và gợi ra nhu cầu phải thay thế nó bằng một cơ cấu được thiết kế có chủ ý. Tuy thế, ít trong số những người sử dụng lưu loát cụm từ có ý thức (conscious) tỏ ra hiểu chính xác ý nghĩa của nó; hầu hết mọi người có vẻ quên là có ý thức và có chủ ý (deliberate) là những cụm từ chỉ có nghĩa khi áp dụng cho cá nhân, và vì thế, việc đòi hỏi một sự kiểm soát có ý thức cũng đồng nghĩa với yêu cầu sự kiểm soát đó phải được thực hiện dưới sự điều khiển của một bộ óc đơn lẻ.
Việc tin rằng những quá trình được chủ ý định hướng chắc chắn tốt hơn các quá trình tự phát là một tín điều vô căn cứ. Sự thực thì, như A. N. Whitehead đã lập luận trong một ngữ cảnh khác: “Nền văn minh thăng tiến được là nhờ có sự mở rộng số lượng các hoạt động có ý nghĩa mà chúng ta có thể thực hiện được nhưng lại chẳng cần phải động não về chúng”1. Nếu đúng là sự tương tác tự phát giữa các lực xã hội có thể giải quyết được một số vấn đề mà không một tâm trí cá nhân nào có thể giải quyết, hoặc thậm chí nhận biết được, và nếu bằng cách [gián tiếp] ấy họ tạo ra một cấu trúc có trật tự làm tăng sức mạnh của các cá nhân nhưng lại chẳng đòi hỏi bất kỳ ai trong số họ phải chủ ý thiết kế cấu trúc đó, thì họ đã tạo ra một thứ còn ưu việt hơn cả hành động có ý thức. Thực ra, xét từ định nghĩa (ex definitione), bất cứ quá trình xã hội nào đáng được gọi là “xã hội”, nhằm phân biệt với hành động của các cá nhân, hầu hết đều không phải là do chủ ý. Cho tới chừng nào những quá trình như vậy còn có khả năng sản sinh ra một trật tự hữu ích vốn chẳng thể có được nhờ sự định hướng có ý thức, thì bất kỳ cố gắng nào bắt chúng đi theo định hướng đều đồng nghĩa với việc chúng ta giam hãm thành quả mà hoạt động xã hội có thể đạt tới vào trong cái khả năng khiếm khuyết của tâm trí cá nhân2.
Để làm sáng tỏ vai trò đầy đủ của nhu cầu kiểm soát có ý thức trên quy mô rộng lớn này, trước tiên chúng ta xem xét nó thông qua biểu lộ tham vọng nhất của nó, ngay cả khi đấy mới chỉ là một ước vọng mơ hồ và ở tình trạng triệu chứng: đó là việc áp dụng đòi hỏi kiểm soát có ý thức lên sự phát triển của chính tâm trí con người. Ý tưởng càn rỡ này là kết quả cực đoan nhất có được từ sự thành công của lý tính trong quá trình chinh phục tự nhiên. Nó trở thành một nét tiêu biểu trong tư tưởng đương đại và xuất hiện trong những hệ thống tư tưởng, mà thoạt nhìn, có vẻ khác biệt hoàn toàn và thậm chí đối lập. Cho dù đó là L. T. Hobhouse đã quá cố, người nhắn nhủ lại cho chúng ta rằng “lý tưởng của một xã hội tập thể tự quyết định quá trình phát triển của mình là mục tiêu cao cả nhất mà hành động con người phải hướng tới và là tiêu chuẩn cuối cùng dùng để phán xét các quy tắc đạo đức”3, hay Tiến sĩ Joseph Needham, người lập luận rằng “kiểm soát có ý thức bao phủ càng rộng lên những công việc của con người thì con người sẽ càng trở nên thực sự người hơn và vì thế siêu phàm hơn”4, cho dù đó là những môn đồ trung thành của Hegel, những người nắm bắt được những nét chính cái quan điểm của thầy mình rằng Lý-tính trở nên có ý thức với chính bản thân nó và làm chủ số phận của nó, hay Tiến sĩ Karl Mannheim, người nghĩ rằng “tư duy của con người đã trở nên thanh thoát và chắc chắn hơn nó đã từng là, bởi giờ đây nó lĩnh hội được khả năng tự quyết định chính mình”5, thì quan điểm cơ bản của họ đều giống hệt nhau. Mặc dù những người nắm giữ các học thuyết này, bất kể bắt nguồn từ quan điểm của Hegel hay quan điểm thực chứng, hình thành những nhóm riêng biệt và tự coi họ hoàn toàn khác biệt và vượt trội hơn hẳn so với nhóm khác, thì họ đều có chung một ý tưởng rằng tâm trí con người, như thực tế đã chỉ ra, tự vươn lên bằng nỗ lực bản thân, và ý tưởng chung này bắt nguồn từ cùng một phương pháp tiếp cận tổng thể: họ tin rằng, bằng cách nghiên cứu Lý-tính con người từ bên ngoài như là một tổng thể, chúng ta có thể nắm bắt được các quy luật vận động của nó một cách trọn vẹn hơn và toàn diện hơn so với cách kiên nhẫn khám phá từ bên trong, cái cách bám theo các quá trình mà tâm trí của các cá nhân tác động lẫn nhau trong thực tế.
Vì thế, tham vọng tăng cường sức mạnh tâm trí con người thông qua sự kiểm soát có ý thức sự phát triển của chính nó được dựa trên cùng một quan điểm lý thuyết khẳng định có thể giải thích đầy đủ sự phát triển này – một sự khẳng định hàm ý có sự sở hữu tâm trí siêu phàm ở người đưa ra nó; và vì thế, cũng không phải ngẫu nhiên những người giữ quan điểm lý thuyết này mong muốn nhìn thấy tâm trí được định hướng phát triển.
Việc hiểu được chính xác nội dung lời tuyên bố về khả năng “giải thích” được sự hiểu biết và những niềm tin đang tồn tại nhằm biện giải cho những khát vọng dựa trên nó rất đáng để chúng ta xem xét. Để tuyên bố này hợp lệ, vẫn là không đủ ngay cả khi chúng ta có một lý thuyết thỏa đáng giải thích được những nguyên lý vận hành các quá trình làm cho tâm trí con người phát triển. Những hiểu biết như thế về các nguyên lý thuần túy (bất kể một lý thuyết về tri thức hay một lý thuyết về các quá trình xã hội liên quan) chỉ hỗ trợ tạo ra các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đó, nhưng sẽ không bao giờ có thể biện giải được cho tuyên bố rằng quá trình phát triển đó nên được định hướng một cách có chủ ý. Lời tuyên bố này ngầm giả định là chúng ta có khả năng đạt tới được một lời giải thích chân thực về việc tại sao chúng ta lại có những quan điểm cụ thể, và các điều kiện cụ thể hình thành tri thức thực của chúng như thế nào. Đó là cái mà “bộ môn xã hội học nhận thức” và rất nhiều biến thể khác của “sự biện giải duy vật về lịch sử” tiến hành khi, ví dụ, họ, “giải thích” triết học Kant như là một sản phẩm của mối quan tâm vật chất của giai cấp tư sản Đức cuối thế kỷ XVIII, hay bất cứ luận đề nào tương tự thế của họ.
Ở đây chúng ta không có điều kiện thảo luận sâu hơn các nguyên do tại sao phương pháp trên thực sự không đem lại kết quả ngay cả đối với những quan niệm giờ đây đã bị coi là sai lầm, và ngay cả đối với những quan niệm mà chúng ta có khả năng giải thích ở một mức độ nhất định nào đó dựa trên khối lượng tri thức hiện tại tốt hơn của chúng ta. Điểm mấu chốt là, hướng đi này, xét trên khía cạnh tri thức hiện tại của chúng ta, ẩn chứa một mâu thuẫn: nếu chúng ta biết tri thức của chúng ta được hình thành trong điều kiện nào hay được xác định như thế nào, thì tri thức đó không còn là tri thức hiện tại của chúng ta. Khẳng định rằng chúng ta có thể giải thích được tri thức của riêng mình cũng là khẳng định chúng ta biết nhiều hơn những gì chúng ta biết, một lời tuyên bố vô nghĩa (nonsense) theo đúng nghĩa của từ ‘vô nghĩa’6. Có thể có lý khi tuyên bố rằng, đối với một tâm trí siêu đẳng hơn hẳn, tri thức hiện tại của chúng ta xuất hiện dưới dạng “có quan hệ” hay dưới dạng bị chi phối theo một cách thức nào đó bởi các hoàn cảnh ấn định. Song kết luận duy nhất chúng ta được phép rút ra từ tuyên bố này có lẽ là một kết luận đối nghịch với kết luận của “lý thuyết tự vận động về sự phát triển tri thức”: dựa trên tri thức hiện tại, chúng ta không ở vị thế để định hướng thành công sự phát triển tri thức. Để đưa ra bất kỳ kết luận nào khác ngoài kết luận này, để rút ra từ luận đề, rằng niềm tin con người được quyết định bởi hoàn cảnh, cái tuyên bố rằng quyền lực nên được trao cho ai đó để quyết định niềm tin này bao hàm việc khẳng định những người được trao quyền lực đó sở hữu một loại tâm trí siêu đẳng. Thực ra thì những người giữ những quan điểm này thường trang bị thêm một lý thuyết đặc biệt nào đó để miễn trừ quan điểm riêng của họ khỏi hệ quan điểm cùng loại và để nâng họ lên như là một tầng lớp được hưởng tối huệ, hay đơn giản là “nhóm trí thức thoát tục” (“free-floating intelligentsia”), những người sở hữu tri thức tuyệt đối.
Vì thế, trong khi trào lưu này, theo một nghĩa nhất định, là biểu trưng cho một loại chủ nghĩa siêu duy lý, một đòi hỏi định hướng mọi thứ bằng một tâm trí siêu đẳng, thì đồng thời nó hình thành nền tảng cho một chủ nghĩa phi lý tính triệt để. Khi sự thật không còn được tìm ra bằng quan sát, lập luận và lý lẽ, mà bằng việc đề xuất những nguyên nhân bí ẩn vốn không được nhà tư tưởng biết tới nhưng lại là yếu tố quyết định những kết luận của anh ta, khi việc một tuyên bố đúng hay sai không còn được quyết định bằng lý lẽ logic và các kiểm chứng thực nghiệm mà lại bằng địa vị xã hội của người đưa ra lời tuyên bố đó, khi trào lưu này, như là một hệ quả tiếp theo, hình thành một giai cấp hay một chủng tộc nhằm đảm bảo hay ngăn cản việc có được sự thật, và cuối cùng khi xuất hiện tuyên bố rằng lẽ phải luôn thuộc về một giai cấp hay một dân tộc nhất định, thì đấy cũng là lúc lý tính chấm dứt sự hiện hữu của mình7. Kết cục này không kém phần tự nhiên như kết quả của một học thuyết mà khởi đầu bằng tuyên bố rằng nó có thể nhận ra bằng trực giác các tổng thể và đấy là cách thức ưu việt hơn so với công việc tái dựng bằng lý tính vốn được lý thuyết xã hội theo phương pháp compozit theo đuổi.
Hơn nữa, nếu quả thực, như được quả quyết theo những cách khác nhau bởi cả những người theo cá thể luận và tập thể luận, rằng các quá trình xã hội có thể đạt được những thứ vượt ra ngoài khả năng mà tâm trí cá nhân có thể dự tính và đạt được, và rằng chính từ những quá trình xã hội đó, tâm trí cá nhân có được sức mạnh của riêng nó, thì nỗ lực áp đặt sự kiểm soát có ý thức lên những quá trình này chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại. Khát vọng cháy bỏng rằng “lý tính” nên định hướng sự phát triển cho chính mình chỉ có thể dẫn đến chẳng gì khác ngoài những hạn chế sự phát triển của chính bản thân nó, nghĩa là nó sẽ tự giam mình vào trong những kết quả mà cái tâm trí cá nhân thực hiện nhiệm vụ định hướng có thể đã nhìn thấy trước. Tuy khát vọng này là kết quả trực tiếp của một nhánh nào đó của chủ nghĩ duy lý, thì dĩ nhiên đây là kết quả của một chủ nghĩa duy lý bị hiểu nhầm hay bị ứng dụng sai bởi lẽ chủ nghĩa này thất bại trong việc nhìn ra ranh giới tại đó lý tính cá nhân là một sản phẩm của các mối quan hệ tương tác giữa các cá nhân. Thực sự thì, bản thân đòi hỏi rằng mọi thứ bao gồm cả sự phát triển của tâm trí con người cần được điều khiển một cách có ý thức là một dấu hiệu của một hiểu biết khiếm khuyết về đặc điểm chung của những lực lượng tạo nên đời sống của tâm trí con người và xã hội loài người. Đó là giai đoạn tột cùng để những lực lượng tự phá hủy này hiện diện trong nền văn minh “có tính khoa học” hiện đại của chúng ta; giai đoạn sau chót nhất của việc lạm dụng lý tính mà sự phát triển và những hậu quả của nó sẽ là chủ đề trung tâm cho những nghiên cứu lịch sử ở phần tiếp theo.
Bởi vì sự phát triển tâm trí con người làm nảy sinh ra qua hình thức tổng quát nhất của mình một câu hỏi chung của tất cả các ngành khoa học xã hội, nên chính tại đây xuất hiện sự phân tách những luồng tư duy nét nhất, và hai nhãn quan khác biệt, không thể hòa hợp với nhau từ nền tảng, tự bộc lộ bản thân mình: một bên, sự khiêm cung từ đáy lòng của cá thể luận cố gắng hiểu càng rõ càng tốt những nguyên tắc mà các nỗ lực cá nhân đã kết hợp lại với nhau trong thực tế để hình thành nền văn minh con người, và từ sự hiểu biết này hi vọng có được sức mạnh để tạo ra điều kiện thuận lợi cho những phát triển xa hơn; còn bên kia, sự ngạo mạn của tập thể luận nhắm tới sự kiểm soát có ý thức tất cả các lực lượng xã hội.
Cách tiếp cận của người theo cá thể luận, với ý thức về những giới hạn mang tính bản thể của tâm trí cá nhân8, cố gắng làm sáng tỏ câu hỏi: bằng cách nào con người, thông qua việc sử dụng nhiều loại hợp lực sinh ra từ quá trình xã hội, có thể gia tăng sức mạnh của mình nhờ sự trợ giúp của tri thức ẩn chứa bên trong các loại hợp lực đó, những thứ mà họ chưa từng có ý niệm; điều này khiến chúng ta hiểu rằng “lý tính” duy nhất mà có thể được coi là vượt trội hơn lý tính cá nhân theo bất kỳ cách hiểu nào không tồn tại bên ngoài quá trình tương tác giữa các cá nhân, cái quá trình mà tại đó, thông qua những phương tiện thông tin đại chúng khách quan, tri thức của các thế hệ kế tiếp nhau và của hàng triệu con người đang tồn tại được kết hợp và điều chỉnh lẫn nhau, và điều này hàm ý quá trình này là hình thức duy nhất khiến cho tổng toàn bộ tri thức con người tồn tại mãi mãi.
Trái lại, phương pháp của người theo tập thể luận, vốn không thỏa mãn với lượng tri thức riêng phần mà tất cả các cá nhân có thể thu nhận được từ bên trong quá trình này, đòi hỏi sự kiểm soát có ý thức dựa trên việc cho rằng nó có thể lĩnh hội quá trình này như là một tổng thể và khai thác toàn bộ tri thức theo một hình thức tích hợp có tính hệ thống. Điều này, vì thế, trực tiếp dẫn tới chủ nghĩa tập thể về chính trị; mặc dù, xét về logic, tập thể luận về phương pháp nghiên cứu khác với chủ nghĩa tập thể về chính trị, nhưng không khó để thấy cái trước dẫn tới cái sau như thế nào, và vì sao nếu không có tập thể luận về phương pháp nghiên cứu, thì chủ nghĩa tập thể về chính trị lại bị tước mất cơ sở tri thức của mình: nếu không có sự ngụy tạo rằng lý tính cá nhân, một khi chủ ý, có thể nắm bắt được tất cả những mục đích và tri thức của “xã hội” hay “nhân loại”, thì cũng không có cơ sở để tin rằng những mục đích này được hoàn thành tốt nhất thông qua sự định hướng có chủ ý từ [một nguồn] trung tâm. Việc kiên định theo đuổi điều này tất yếu phải dẫn tới một hệ thống mà trong đó tất cả các thành viên của xã hội đơn thuần trở thành công cụ của một tâm trí chỉ đạo đơn nhất, và đồng thời tất cả những lực lượng xã hội tự phát vốn là cơ sở cho sự phát triển của tâm trí sẽ bị hủy diệt9.
Thực ra, việc dùng lý luận để thuyết phục lý tính con người hiểu được những giới hạn của chính nó là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, nhưng lại rất có ý nghĩa. Một nhân tố cần thiết cho sự phát triển của lý tính là chúng ta, như là những cá nhân, nên chịu khuất phục trước những thế lực và tuân theo những nguyên lý mà chúng ta không hy vọng có thể hiểu được đầy đủ, huống hồ chúng lại là cơ sở cho sự tiến bộ, và thậm chí, sự bảo tồn cho nền văn minh con người10. Về mặt lịch sử, điều này đạt được thông qua ảnh hưởng của nhiều tín ngưỡng tôn giáo khác nhau và thông qua phong tục truyền thống cùng sự mê tín; những thứ này khiến con người chịu quy phục trước những thế lực không thể giải thích kia không phải vì chúng đánh vào lý tính mà là vào xúc cảm của con người. Giai đoạn nguy hiểm nhất trong sự phát triển của nền văn minh nhân loại rất có thể là giai đoạn mà tại đó con người coi tất cả những niềm tin này là mê tín, và từ chối chấp nhận hay quy phục bất cứ điều gì anh ta không hiểu được bằng lý tính. Vì thế, người theo chủ nghĩa duy lý, người mà lý tính của anh ta không đủ hoàn thiện để chỉ bảo cho anh ta thấy đâu là những giới hạn sức mạnh của lý tính có ý thức, người coi thường tất cả những thể chế và phong tục không được hình thành theo chủ ý, sẽ trở thành kẻ phá hủy nền văn minh được xây dựng dựa trên những thể chế và tập tục đó. Đây quả là một cuộc thi nhảy rào mà mỗi lần con người vượt qua lại là một bước quay trở về tình trạng man rợ.
Ở đây, để tránh đi quá xa, chúng tôi chỉ đề cập ngắn gọn một lĩnh vực khác, lĩnh vực luân lý, nơi cái khuynh hướng tiêu biểu của thời đại chúng ta cũng đang xuất hiện. Trong lĩnh vực này xuất hiện một khuynh hướng chống lại sự hiện diện của bất kỳ những quy tắc chung, hình thức nào mà không chỉ ra được nguyên do tồn tại (rationale) của chúng trước những phản bác kiểu như trên. Nhưng đòi hỏi rằng chỉ nên đánh giá một hành động sau khi xem xét đầy đủ tất cả những hậu quả của nó thay vì dựa trên các quy tắc chung là thứ đòi hỏi bắt nguồn từ sự thất bại trong việc nhận ra rằng sự tuân thủ những quy tắc chung, được diễn tả dưới dạng những tình huống có thể dễ dàng nhận biết, là phương cách duy nhất giúp con người với lượng tri thức hữu hạn có thể có được tự do với mức ràng buộc cơ bản tối thiểu. Việc mọi người cùng chấp nhận những quy tắc hình thức thực ra là lựa chọn duy nhất thay thế cho ý chí chỉ đạo đơn nhất mà con người đã tìm ra. Sự chấp nhận chung đối với một bộ các quy tắc như thế không kém phần có ý nghĩa ngay cả khi chúng không được tạo ra bằng lý tính. Ít nhất, chúng ta cũng nên nghi ngờ việc liệu một tiêu chuẩn đạo đức được xây dựng theo kiểu dựa trên lý tính có cơ hội được chấp nhận hay không. Song cho tới chừng nào chúng ta còn chưa làm được việc đó, thì bất kỳ sự từ chối rộng khắp việc chấp nhận các quy tắc đạo đức hiện tại đơn thuần chỉ bởi vì tính thiết thực của chúng chưa được minh định bằng lý tính (để phân biệt với trường hợp nhà phê bình tin rằng ở một hoàn cảnh cụ thể, anh ta đã khám phá ra một quy tắc đạo đức mới tốt hơn và sẵn sàng bất chấp sự phản đối của công chúng để thử nghiệm nó) đều đồng nghĩa với việc phá hủy một trong những cội rễ của nền văn minh con người11.
Chú thích:
(1) A. N. Whitehead, An Introduction to Mathematics, Home University Library (1911), p. 61.
(2) Không thể phản đối luận điểm này bằng cách cho rằng kiểm soát có ý thức cần được hiểu như là loại kiểm soát không được điều khiển bằng một bộ óc đơn lẻ mà bằng một sự kết hợp hay “phối hợp” các nỗ lực của tất cả mọi người, hay của tất cả những bộ óc giỏi nhất, thay vì bằng sự tương tác ngẫu nhiên giữa họ. Cụm từ sự phối hợp có chủ ý đơn thuần chuyển nhiệm vụ của tâm trí cá nhân sang một giai đoạn khác, nhưng vẫn đẩy trách nhiệm cuối cùng lại cho cái tâm trí làm nhiệm vụ phối hợp. Các uỷ ban và những phương tiện hỗ trợ trao đổi thông tin là những phương tiện tuyệt vời hỗ trợ cá nhân lĩnh hội tri thức ở mức nhiều nhất có thể; nhưng chúng lại không mở rộng được khả năng tiếp thu của tâm trí cá nhân. Phần tri thức được phối hợp một cách có chủ ý theo cách này vẫn bị giới hạn ở nơi mà tâm trí cá nhân có thể tiếp thu và lĩnh hội một cách hiệu quả. Mọi người có kinh nghiệm trong công việc nhóm đều biết là ranh giới mà hỗ trợ của nhóm đạt tới là nơi mà bộ óc tốt nhất trong nhóm đó có thể lĩnh hội; nếu những kết quả của cuộc thảo luận rốt cuộc không biến thành một tổng thể cố kết được một tâm trí cá nhân lĩnh hội, thì chúng sẽ còn khiếm khuyết hơn cả những gì một tâm trí đơn lẻ có thể sản sinh ra mà không cần sự trợ giúp nào cả.
(3) L. T. Hobbhouse, Democracy and Reaction (1904), p. 108.
(4) Joseph Needham, Integrative Levels: A Revaluation of the Idea of Progress, Herbert
Spencer Lecture (Oxford, 1937), p. 47.
(5) Karl Mannheim, Man and Society in an Age of Reconstruction (1940), p. 213.
(6) Xem tại cuốn sách này, các trang 139-46.
(7) Những thí dụ minh họa thú vị cho sự kéo dài của những lý luận vô bổ này có thể tìm thấy trong E. Gruenwald, Das Problem der Soziologie des Wissens (Vienna, 1934), một bản phác thảo của một học giả rất trẻ được xuất bản sau khi tác giả qua đời và vẫn là một khảo cứu toàn diện nhất các tài liệu về đề tài này.
(8) Xem tại cuốn sách này, các trang 143-44.
(9) Có một điều có lẽ không hẳn đã quá rõ ràng, và do vậy vẫn còn hữu ích để nói tới, là sự chế nhạo theo mốt về bất kỳ hoạt động nào, dù trong khoa học hay nghệ thuật, mà được theo đuổi “vì chính nó”, và sự đòi hỏi mọi thứ phải gắn với một “mục đích xã hội có ý thức”, là những hình thức biểu đạt của cùng một khuynh hướng chung của thời đại và đều được dựa trên cùng một ảo tưởng về trí tuệ tuyệt đối như đã được thảo luận trong bài viết.
(10) Các khía cạnh khác của những chủ đề lớn mà chúng ta mới xem xét đôi chút ở đây được thảo luận trong tác phẩm Road to Serfdom (1944), đặc biệt trong chương 6, 14.
(11) Đây là điểm đặc trưng về tinh thần của thời đại, và đặc biệt là của chủ nghĩa thực chứng, khi A. Comte phát biểu (Système de politique positive [hệ thống chính sách thực chứng], vol. 1, p. 356) về “tính ưu việt tất yếu của nền luân lý được minh định so với nền luân lý được mặc khải”, thì nét đặc trưng thực sự nằm trong cái ẩn ý đó là: một hệ thống đạo đức được xây dựng bằng lý tính là giải pháp thay thế duy nhất cho hệ thống được một đấng tối cao nào đấy truyền đạt (reveal).
Nguồn: Friedrich A. Hayek, Cuộc cách mạng ngược trong khoa học: Các nghiên cứu về sự lạm dụng lý tính, NXB Tri Thức, 2007