Phải công phá thành trì "chủ nghĩa tư bản thân hữu"
Có nhiều lý do để tin rằng các tập đoàn kinh tế do Chính phủ thành lập sẽ khó đảm đương nổi nhiệm vụ lịch sử là trở thành xương sống cho công cuộc phát triển kinh tế của VN.
Nhưng điều đáng bàn hơn là từ trong lòng các tập đoàn này đã sản sinh một nguy cơ đe dọa tính khách quan và công bằng trong quá trình ra các quyết sách chiến lược của Chính phủ.
Về vấn đề này, trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào giữa tháng 1-2008, các giáo sư của Đại học Harvard đã đưa ra bức thông điệp: “Tương lai của VN: thành công hay thất bại là sự lựa chọn chứ không phải định mệnh”.
Vậy người dân kỳ vọng Chính phủ sẽ lựa chọn như thế nào? Tuổi Trẻ Cuối Tuần đã có cuộc trò chuyện với tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - phó tổng giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, một trong những thành viên tham gia cuộc đối thoại vừa qua với Thủ tướng.
* Chính phủ VN xem các tập đoàn kinh tế là những đứa “con cưng”, trong khi các chuyên gia kinh tế, trong đó có ông, bày tỏ sự không thiện cảm với mô hình này. Chẳng phải là Singapore đang rất thành công với việc xây dựng các doanh nghiệp nhà nước thành các tập đoàn hùng mạnh đủ sức cạnh tranh quốc tế đó sao?
- Tôi nghĩ có thể những người ủng hộ mô hình tập đoàn nhà nước đã hiểu nhầm kinh nghiệm của các tập đoàn trên thế giới. Khi trồng tre, người ta không gom nhiều cây tre lại thành một khóm mà ban đầu chỉ trồng một vài cây, sau đó theo thời gian chúng tụ hội lại phát triển thành khóm. Cũng giống như việc thành lập các tập đoàn ở ta, nó không xuất phát từ sức mạnh nội tại mà là được hà hơi tiếp sức từ bên ngoài. Vì thế, khó có thể tin rằng các tập đoàn này có thể tự chuyển hóa mình để làm cái gì đó “nên chuyện”.
* Nhưng rõ ràng hiệu quả kinh doanh của các tập đoàn đã được cải thiện nhanh chóng sau khi họ đa dạng hóa hoạt động...
- Tôi thì cho rằng nếu đất nước vẫn còn thiếu điện thì Tập đoàn Điện lực VN (EVN) không được phép phân tán nguồn lực sang kinh doanh viễn thông, bất động sản hay ngân hàng. Cũng tương tự như EVN, các tập đoàn kinh tế nhà nước hiện đang mở rộng hoạt động một cách nhanh chóng và đầy tham vọng sang nhiều lĩnh vực khác như bất động sản, dịch vụ tài chính, ngân hàng, lữ hành và thậm chí cả phân phối điện thoại.
Thử nhìn lại thành tích xuất khẩu, một tiêu chí chủ chốt để đánh giá năng lực cạnh tranh quốc tế, sẽ thấy hiệu quả hoạt động của các tập đoàn này như thế nào. Hầu hết họ đều không tận dụng cơ hội từ việc VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đem lại để thâm nhập quốc tế mà chỉ bám víu vào sự độc quyền và nuông chiều của Nhà nước để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho mình, ngăn cản sự gia nhập ngành của các công ty khác. Họ có thể làm ra những khoản lợi nhuận lớn nhưng chỉ là tạm thời, trong khi những rủi ro to lớn cho chính họ và cho cả nền kinh tế là có thể nhìn thấy được.
* Nhưng liệu những điều ông nói có đủ để kết luận rằng họ thật sự là những “ngòi nổ” của nền kinh tế thay vì là những “cú đấm thép”?
- Yếu tố sở hữu nhà nước chưa đủ để kết luận rằng các doanh nghiệp này sẽ vận hành kém hiệu quả; nhưng hơn 12 năm qua đủ để chứng minh rằng mô hình các tổng công ty - mà sau này là tập đoàn, không thể thành công trong hoạt động xuất khẩu. Điều khác biệt quan trọng nhất giữa mô hình tổng công ty của VN và chaebol của Hàn Quốc là các chaebol được đưa ra một thời hạn để đạt được một tỉ lệ xuất khẩu nhất định chứ không như các tổng công ty của ta được xây dựng để sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu.
Ngoài ra, các chaebol được nhà nước trợ cấp rất nhiều trong thời kỳ đầu, nhưng những khoản trợ cấp này sẽ giảm dần và cắt hẳn trong những năm sau đó, điều này buộc họ phải chiến đấu để sống còn khi không còn được trợ cấp. Còn ở ta, các tập đoàn hoạt động trong một cơ chế kiểm soát lỏng lẻo và không có quyền tự chủ, một điều kiện tiên quyết để tạo nên một tập đoàn kinh tế thực thụ.
* Vào những năm 1990 các chaebol được xem là “quá lớn nên không được phép thất bại”, tức Chính phủ Hàn Quốc sẽ luôn phải “giải cứu chaebol” khi chúng có nguy cơ thất bại. Ông có nghĩ điều này sẽ lặp lại tại VN, tức Chính phủ sẽ luôn trong tình trạng sẵn sàng để “giải cứu” các tập đoàn kinh tế?
- Hẳn nhiên rồi, Chính phủ sẵn sàng bơm tiền vào và rót những hợp đồng béo bở để tạo điều kiện đem lại doanh thu lớn cho họ. Có tập đoàn đang khóc dở mếu dở vì một dự án hoành tráng của họ bị Chính phủ bắt giao một phần hạng mục của dự án cho một tập đoàn “con cưng” khác làm, trong khi anh “con cưng” này không có chuyên môn về lĩnh vực được giao. Rõ ràng, các tiêu chí đánh giá về hiệu quả của dự án đã không còn được quan tâm khi “chủ nghĩa tư bản thân hữu” xuất hiện.
* Ông nhìn nhận “chủ nghĩa tư bản thân hữu” đã phát triển ở VN đến mức độ nào? Liệu nó đã ăn sâu vào thể trạng của nền kinh tế VN hay chưa?
- Chủ nghĩa thân hữu nói chung chỉ mối quan hệ giữa khu vực doanh nghiệp với chính quyền, mà mối quan hệ này “sâu sắc” đến mức chi phối đến các quyết sách của Nhà nước. Các tập đoàn của chúng ta làm việc theo một cơ chế đặc biệt, báo cáo trực tiếp với Thủ tướng, “bỏ qua” các bộ quản lý chuyên ngành. Thử hỏi, Bộ Công thương liệu có thể đề ra chính sách năng lượng gì mà không phải hỏi qua ý kiến của EVN?
Điều nguy hiểm hơn là họ đang liên tục lập ra những công ty cổ phần con, phân tán tài sản nhà nước về những công ty con, trong đó các vị lãnh đạo của tập đoàn nắm giữ một lượng cổ phiếu đáng kể ở những công ty con mới này. Chỉ với thương hiệu của tập đoàn mẹ và một mảnh đất, họ đủ sức làm nên những cuộc bán đấu giá cổ phần cao ngất ngưởng mà người hưởng lợi chính là những người nắm sở hữu cổ phần lớn.
Bên cạnh đó, các tập đoàn liên tục đầu tư chéo vào nhau thông qua các công ty con, tạo nên một hệ thống sở hữu chéo làm lợi ích liên kết ngày càng chặt chẽ. Thử hỏi nếu EVN bị Chính phủ “ăn hiếp”, lập tức các tập đoàn khác có lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp ở EVN chắc chắn sẽ xông vào bênh vực. Họ kết thành một cái bè, quay trở lại chi phối chính sách nhà nước mạnh mẽ hơn.
* Ông nghĩ VN nên “sửa sai” với mô hình tập đoàn và “chủ nghĩa tư bản thân hữu” này như thế nào?
- Cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về mô hình tập đoàn. Tôi nghĩ việc này cần tiến hành sớm để có quyết định đúng đắn đối với số phận của mô hình này. Nhưng trên tất cả, các tập đoàn cần phải được kiểm toán độc lập hằng năm để xác minh tính hiệu quả thực tế của chúng. Ngoài ra, Chính phủ cần phải minh bạch hóa các thông tin liên quan đến họ.
Vừa rồi, Chính phủ không công bố mức giá mà các nhà đầu tư chiến lược đưa ra trên bàn đàm phán với “tập đoàn” Vietcombank cũng là một cách làm không minh bạch. Nếu thông tin được công khai, các nhà đầu tư khác, đặc biệt nhà đầu tư trong nước, sẽ hiểu hơn về giá trị thật của “đại gia” này.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ, 27/01/2008