[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương IV: Những khác biệt nhỏ và những thời điểm quyết định - Sức nặng của lịch sử (Phần 2)
TẠO RA CÁC THỂ CHẾ DUNG HỢP
Nước Anh độc đáo so với các nước khác khi họ đạt được sự đột phá về tăng trưởng kinh tế bền vững vào thế kỷ 17. Những thay đổi kinh tế to lớn được dẫn đường bằng một cuộc cách mạng chính trị mang lại một tập hợp thể chế kinh tế và chính trị khác biệt, mang tính dung hợp hơn nhiều so với xã hội trước đây. Các thể chế này chẳng những có ý nghĩa sâu sắc đối với các động cơ kinh tế và sự thịnh vượng, mà còn tác động đến vấn đề ai là người gặt hái lợi ích của sự phồn vinh. Các thể chế này không dựa vào sự đồng thuận, mà đúng ra, đó là kết quả của sự xung đột mãnh liệt khi các nhóm khác nhau tranh giành quyền lực, tranh đoạt thẩm quyền của những nhóm khác và ra sức cơ cấu các thể chế nghiêng về phía mình. Đỉnh cao của các cuộc chiến tranh thể chế vào thế kỷ 16 và 17 là hai sự kiện bước ngoặt: cuộc nội chiến Anh từ năm 1642 đến 1651, và đặc biệt là cuộc Cách mạng Vinh quang năm 1688.
Cuộc Cách mạng Vinh quang đã hạn chế quyền lực của nhà vua và nhánh hành pháp, cũng như giao cho Quốc hội thẩm quyền quyết định các thể chế kinh tế. Đồng thời, Cách mạng cũng mở rộng hệ thống chính trị cho toàn thể xã hội tham gia, những người có thể phát huy ảnh hưởng đáng kể đối với đường lối điều hành nhà nước. Cuộc Cách mạng Vinh quang là nền móng để tạo ra một xã hội đa nguyên, xây dựng và tăng tốc quá trình tập trung hóa chính trị. Cuộc cách mạng này đã tạo ra hệ thống thể chế chính trị dung hợp đầu tiên trên thế giới.
Như một hệ quả, các thể chế kinh tế cũng bắt đầu trở nên dung hợp hơn. Ở Anh vào đầu thế kỷ 17 không có sự tồn tại của nô lệ mà cũng chẳng có sự hạn chế kinh tế hà khắc của thời phong kiến Trung cổ như chế độ nông nô. Tuy thế vẫn còn nhiều hạn chế đối với những hoạt động kinh tế mà dân chúng được phép tham gia. Nền kinh tế trong nước và quốc tế đều bị bóp nghẹt bởi các thế lực độc quyền. Nhà nước đánh thuế tùy tiện và thao túng hệ thống luật pháp. Hầu hết đất đai bị thâu tóm dưới những hình thức quyền sở hữu cổ xưa khiến người ta không thể mua bán và thật rủi ro khi đầu tư vào đó.
Điều này đã thay đổi từ sau cuộc Cách mạng Vinh quang. Chính phủ ban hành một hệ thống thể chế kinh tế mang lại động cơ khuyến khích đầu tư, thương mại và đổi mới. Chính phủ kiên quyết thực thi các quyền sở hữu tài sản, bao gồm việc cấp bằng phát minh về quyền sở hữu ý tưởng, qua đó mang lại sự kích thích phát minh đổi mới. Chính phủ bảo vệ luật pháp và trật tự. Điều chưa từng thấy trong lịch sử là việc áp dụng luật pháp Anh cho toàn thể mọi công dân. Việc đánh thuế tùy tiện chấm dứt, và các độc quyền bị bãi bỏ gần như hoàn toàn. Nhà nước Anh tích cực đẩy mạnh các hoạt động giao thương và thúc đẩy công nghiệp nội địa, không chỉ thông qua việc phá bỏ các hàng rào cản trợ sự mở rộng hoạt động công nghiệp mà còn trao toàn quyền cho hải quân Anh để bảo vệ quyền lợi thương mại. Thông qua việc hợp lý hóa các quyền sở hữu tài sản, chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường bộ, kênh đào, và về sau là đường sắt, vô cùng thiết yếu để tăng trưởng công nghiệp.
Những yếu tố nền tảng này đã làm thay đổi triệt để các động cơ khuyến khích dân chúng và thúc đẩy các động lực của thịnh vượng, lát đường cho cuộc Cách mạng công nghiệp. Đầu tiên và trên hết, cuộc Cách mạng công nghiệp phụ thuộc vào những tiến bộ công nghệ to lớn giúp khai thác nền tảng tri thức đã tích lũy ở châu Âu trong những thế kỷ qua. Đó là sự cắt đứt triệt để với quá khứ, và điều này sở dĩ trở nên khả thi là nhờ vào nghiên cứu khoa học và tài năng của những cá nhân độc đáo. Toàn bộ sức mạnh của cuộc cách mạng này đều xuất phát từ thị trường; chính thị trường đã tạo ra những cơ hội lợi nhuận để công nghệ có thể được triển khai và áp dụng. Chính bản chất dung hợp của thị trường đã cho phép dân chúng đưa tài năng của mình vào những ngành nghề kinh doanh phù hợp. Điều này cũng dựa vào trình độ học vấn và kỹ năng, vì chính trình độ học vấn tương đối cao, ít nhất theo các tiêu chuẩn lúc bấy giờ, mới có thể tạo ra những nghiệp chủ có tầm nhìn để khai thác công nghệ mới cho hoạt động kinh doanh và tìm kiếm người lao động có kỹ năng để sử dụng.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà cuộc Cách mạng công nghiệp bắt đầu ở Anh một vài thập niên sau cuộc Cách mạng Vinh quang. Những nhà phát minh vĩ đại như James Watt (phát minh ra động cơ hơi nước), Richard Trevithick (người chế tạo đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước đầu tiên), Richard Arkwright (người phát minh ra máy kéo sợi) và Isambard Kingdom Brunel (người phát minh ra tàu thủy chạy bằng hơi nước mang tính cách mạng) đã có thể chớp lấy thời cơ kinh tế được tạo ra bởi các ý tưởng của họ, tin chắc rằng quyền sở hữu tài sản của họ sẽ được tôn trọng, và họ sẽ tiếp cận với thị trường, nơi các phát minh của họ có thể được bán và được sử dụng để mang lại lợi nhuận. Năm 1775, ngay sau khi được gia hạn bằng phát minh về động cơ hơi nước, mà ông gọi là “động cơ lửa”, James Watt viết thư cho cha ông:
Kính thưa Cha,
Sau một loạt những sự chống đối kịch hệt, cuối cùng con đã nhận được Chứng nhận của Quốc hội cấp bằng sở hữu các động cơ lửa mới cho con và những người con chỉ định, trên khắp nước Anh và các đồn điền thuộc địa trong 25 năm tới, mà con hy vọng sẽ rất có lợi cho con, vì hiện nay đã có nhu cầu đáng kể về các động cơ này.
Bức thư này bộc lộ hai điều. Thứ nhất, Watt được thúc đẩy bởi những cơ hội thị trường mà ông đã nhìn thấy trước, thông qua “nhu cầu đáng kể” ở Anh và các đồn điền thuộc địa ở hải ngoại. Thứ hai, bức thư cũng cho thấy ông đã có thể tác động đến Quốc hội để có được điều ông muốn vì Quốc hội đã đáp ứng lại các yêu cầu của các cá nhân và nhà phát minh.
Tiến bộ công nghệ, động lực của doanh nghiệp để mở rộng và đầu tư, và việc sử dụng hiệu quả các kỹ năng và tài năng đều trở nên khả thi thông qua các thể chế kinh tế dung hợp đã được xây dựng ở Anh. Đến lượt mình, các thể chế kinh tế dung hợp này được hình thành trên các thể chế chính trị dung hợp.
Nước Anh xây dựng các thể chế chính trị dung hợp nhờ vào hai yếu tố. Thứ nhất là các thể chế chính trị, bao gồm một nhà nước tập quyền, giúp đất nước thực hiện bước tiến triệt để tiếp theo - mà thật ra là một bước tiến chưa từng thấy - hướng tới các thể chế dung hợp khi cuộc Cách mạng Vinh quang nổ ra. Tuy yếu tố này làm nước Anh trở nên khác biệt so với phần lớn thế giới, nó không làm đất nước trở nên khác biệt đáng kể so với các nước Tây Âu khác như Pháp và Tây Ban Nha. Quan trọng hơn là yếu tố thứ hai. Những biến cố dẫn đến cuộc Cách mạng Vinh quang đã hun đúc nên một liên minh rộng lớn và hùng mạnh, có thể áp đặt giới hạn chắc chắn đối với quyền lực của nền quân chủ và của nhánh hành pháp, những thể chế buộc phải tiếp nhận nhu cầu của liên minh này. Điều này lát đường cho các thể chế chính trị đa nguyên, mà sau đó cho phép các thể chế kinh tế đặt nền tảng cho cuộc Cách mạng công nghiệp đầu tiên phát triển.
NHỮNG KHÁC BIỆT NHỎ NHẶT CÓ Ý NGHĨA
Sự cách biệt giàu nghèo trên thế giới ngày càng gia tăng sau cuộc Cách mạng công nghiệp ở nước Anh vì chỉ có một vài nơi trên thế giới áp dụng các phát minh và công nghệ mới mà những người như Arkwright, Watt và nhiều người sau đó đã tạo ra. Phản ứng của các quốc gia khác nhau trước làn sóng công nghệ này, làn sóng quyết định họ sẽ suy tàn trong nghèo đói hay đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững, chủ yếu được định hình bởi con đường phát triển thể chế khác nhau trong lịch sử của đất nước họ. Cho đến giữa thế kỷ 18, đã có những khác biệt nổi bật về thể chế chính trị và kinh tế trên khắp thế giới. Nhưng những khác biệt này xuất phát từ đâu?
Năm 1688, các thể chế chính trị của Anh tiếp tục lộ trình ngày càng trở nên đa nguyên hơn so với ở Pháp và Tây Ban Nha, nhưng nếu ta đi ngược thời gian trở về 100 năm trước đây, năm 1588, sự khác biệt này dường như không có gì đáng kể. Cả ba nước đều được cai trị bằng chế độ quân chủ chuyên chế: Nữ hoàng Elizabeth I ở Anh, Philip II ở Tây Ban Nha và Henry III ở Pháp. Cả ba nước đều đấu tranh với các hội đồng lập pháp của nhân dân - như Quốc hội Anh, Quốc hội Tây Ban Nha (Cortes) và Quốc hội phong kiến Pháp (Estates-General) - đang đòi hỏi nhiều quyền hơn và đòi kiểm soát nền quân chủ. Các hội đồng lập pháp này có quyền lực và phạm vi ít nhiều khác nhau. Ví dụ, Quốc hội Anh và Quốc hội Tây Ban Nha có quyền đối với hệ thống thuế khóa, trong khi Quốc hội phong kiến Pháp không có. Ở Tây Ban Nha, điều này không quan trọng lắm, vì sau năm 1492, vua Tây Ban Nha đã có thuộc địa châu Mỹ rộng lớn và thu lợi khổng lồ từ vàng bạc khai thác ở đó. Ở Anh thì khác. Nữ hoàng Elizabeth I kém độc lập về tài chính hơn, nên bà phải xin Quốc hội tăng thêm thuế. Đổi lại, Quốc hội yêu cầu Nữ hoàng phải nhượng bộ, cụ thể là hạn chế quyền tạo ra các hoạt động độc quyền của Nữ hoàng. Đó là sự xung đột mà Quốc hội đã dần dần chiến thắng. Ở Tây Ban Nha, Quốc hội Cortes đã thua trong cuộc xung đột tương tự. Hoạt động thương mại không chỉ có tính độc quyền, mà còn bị độc quyền hóa bởi chính nền quân chủ Tây Ban Nha.
Những điểm khác biệt này, thoạt đầu xem ra nhỏ bé, bắt đầu trở nên quan trọng hơn nhiều vào thế kỷ 17. Cho dù châu Mỹ được khám phá vào năm 1492 và Vasco da Gama đã đến Ấn Độ bằng cách đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở cực nam châu Phi vào năm 1498, nhưng mãi đến sau năm 1600 thì sự mở rộng thương mại thế giới mới bắt đầu diễn ra, đặc biệt là ở Đại Tây Dương. Năm 1585, quá trình thuộc địa hóa Bắc Mỹ của người Anh bắt đầu trước tiên ở Roanoke, nơi hiện nay là Bắc Carolina. Năm 1600, Công ty Đông Ấn thuộc Anh ra đời và đến năm 1602 được tiếp bước bằng Công ty Đông Ấn thuộc Hà Lan. Năm 1607, công ty Virginia thành lập khu thuộc địa Jamestown. Cho đến thập niên 1620, vùng Caribê đã trở thành thuộc địa, với Barbados bị chiếm đóng vào năm 1627. Pháp cũng bành trướng thế lực ở Đại Tây Dương, thành lập thành phố Québec năm 1608 như một thủ đô mới của nước Pháp ở nơi hiện giờ là Canada. Sự mở rộng kinh tế này có những hệ quả hết sức khác nhau đối với thể chế của Anh so với Tây Ban Nha và Pháp do những khác biệt nhỏ bé ban đầu.
Nữ hoàng Elizabeth I và những người kế nhiệm bà không thể độc quyền hóa hoạt động thương mại với châu Mỹ. Nhưng các vương triều châu Âu khác thì có thể làm được điều đó. Vì thế, trong khi ở Anh, hoạt động thương mại và thuộc địa hóa Đại Tây Dương bắt đầu tạo ra một tầng lớp thương nhân giàu có đông đúc gần như không có quan hệ với triều đình, thì điều này không xảy ra ở Tây Ban Nha hay Pháp. Các nhà buôn Anh phẫn nộ vì sự kiểm soát của triều đình và đòi hỏi thay đổi thể chế chính trị, giới hạn các đặc quyền của triều đình. Họ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc nội chiến Anh và Cách mạng Vinh quang. Những xung đột tương tự cũng xảy ra ở mọi nơi. Ví dụ, các nhà vua Pháp cũng đứng trước cuộc bạo loạn Fronde từ năm 1648 đến 1652. Điểm khác biệt là: ở Anh, những người chống đối chủ nghĩa chuyên chế có nhiều khả năng thắng thế hơn vì họ tương đối giàu có và đông đảo hơn so với những người chống đối chủ nghĩa chuyên chế ở Tây Ban Nha và Pháp.
Các lộ trình phân hóa của xã hội Anh, Pháp và Tây Ban Nha vào thế kỷ 17 minh họa cho tầm quan trọng của sự tác động qua lại giữa những khác biệt thể chế nhỏ nhặt với các thời điểm quyết định. Vào những thời điểm quyết định, một biến cố lớn hay sự hội tụ của nhiều yếu tố sẽ làm phá vỡ thế cân bằng quyền lực chính trị hay kinh tế của một nước. Điều này có thể ảnh hưởng đến một đất nước riêng lẻ, như cái chết của chủ tịch Mao Trạch Đông vào năm 1976, mà ban đầu đã tạo ra thời điểm quyết định chỉ đối với đất nước Trung Quốc mà thôi. Tuy nhiên, thông thường, những thời điểm quyết định thường ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống các xã hội, theo kiểu như quá trình thuộc địa hóa rồi tiếp đến là phong trào giành độc lập đã ảnh hưởng đến phần lớn quả địa cầu.
Những thời điểm đó quan trọng bởi vì tồn tại những rào cản khổng lồ, vốn là kết quả của sự hòa hợp và hỗ trợ lẫn nhau giữa các thể chế chính trị và kinh tế chiếm đoạt, chống lại những cải thiện có tính tiệm tiến. Sự tồn tại dai dẳng của vòng lặp phản hồi này tạo ra một vòng xoáy đi xuống. Những người hưởng lợi từ nguyên trạng là những người giàu có và được tổ chức tốt, họ có thể đấu tranh hữu hiệu chống lại những thay đổi lớn làm mất đi đặc quyền kinh tế và thế lực chính trị của họ.
Một khi thời điểm quyết định đã đến, những khác biệt nhỏ nhặt có ý nghĩa là những khác biệt thể chế ban đầu có khả năng kích động những phản hồi hết sức khác nhau. Đó là lý do khiến sự khác biệt thể chế tương đối nhỏ nhặt ở Anh, Pháp và Tây Ban Nha đã dẫn đến những lộ trình phát triển khác nhau một cách cơ bản. Các lộ trình phát triển này đã hình thành từ thời điểm quyết định được tạo ra bởi các cơ hội kinh tế dành cho người châu Âu thông qua hoạt động thương mại Đại Tây Dương.
Thậm chí nếu những khác biệt thể chế nhỏ nhặt cũng trở thành hết sức quan trọng vào những thời điểm quyết định, và không phải mọi khác biệt thể chế đều nhỏ, thì lẽ tự nhiên, những khác biệt thể chế lớn hơn sẽ dẫn đến những diễn biến càng phân hóa hơn vào những thời điểm quyết định như vậy. Trong khi sự khác biệt thể chế giữa Anh và Pháp chỉ là nhỏ nhặt vào năm 1588, sự khác biệt giữa Tây Âu và Đông Âu thì to lớn hơn nhiều. Ở Tây Âu, các nhà nước tập quyền hùng mạnh như Anh, Pháp và Tây Ban Nha đã có các thể chế hiến pháp tiềm tàng (Quốc hội Anh, Quốc hội Tây Ban Nha và Quốc hội phong kiến Pháp). Đồng thời, cũng có những điểm tương đồng cơ bản trong các thể chế kinh tế, chẳng hạn như ở các nước này không có chế độ nông nô.
Ở Đông Âu thì khác. Chẳng hạn như Vương quốc Poland-Lithuanis được cai trị bởi một tầng lớp quyền thế gọi là Szlachta có nhiều thế lực đến mức họ đã tiến hành bầu nhà vua. Đây không phải là sự cai trị tuyệt đối như ở Pháp dưới thời Vua Louis XIV - Hoàng đế Mặt trời - mà là chủ nghĩa chuyên chế của giới quyền thế, các thể chế chính trị chiếm đoạt cùng một giuộc. Giới quyền thế Szlachta cai trị một xã hội, chủ yếu là xã hội nông thôn, bao gồm tầng lớp nông nô, những người không được tự do đi lại hay tự do về cơ hội kinh tế. Xa hơn về phía đông, hoàng đế Nga - Peter Đại đế - cũng tăng cường chủ nghĩa chuyên chế với cường độ cao và thậm chí còn có tính chiếm đoạt hơn nhiều so với mức độ mà vua Louis XIV có thể xoay sở đạt được. Bản đồ 8 trình bày một cách thức đơn giản để nhận thức về mức độ phân hóa giữa Đông và Tây Âu vào đầu thế kỷ 19. Bản đồ 8 cho thấy một đất nước có chế độ nông nô hay không vào năm 1800. Những nước màu tối là những nước có chế độ nông nô; những nước màu sáng không có chế độ nông nô. Đông Âu màu tối, Tây Âu màu sáng.
Bản đồ 8: Chế độ nông nô ở châu Âu năm 1800 (p.148)
Tuy nhiên, các thể chế Tây Âu không phải lúc nào cũng khác biệt đến thế so với Đông Âu. Như ta đã thấy trên đây, cả hai vùng bắt đầu phân hóa vào thế kỷ 14 khi nạn dịch hạch bùng phát vào năm 1346. Khi ấy chỉ có những khác biệt nhỏ về thể chế chính trị và kinh tế giữa Đông và Tây Âu. Anh và Hungary thậm chí còn được cai trị bởi các thành viên của cùng một gia đình, nhà Angevins. Những khác biệt thể chế quan trọng hơn đã xuất hiện sau khi nạn dịch hạch tạo thành nền tảng để từ đó sự phân hóa đáng kể hơn giữa Đông và Tây bộc lộ dần trong các thế kỷ 17, 18 và 19.
Nhưng sự khác biệt thể chế nhỏ nhặt khơi mào cho quá trình phân hóa thoạt tiên đã bắt nguồn từ đâu? Tại sao Đông Âu có các thể chế chính trị và kinh tế khác với Tây Âu vào thế kỷ 14? Tại sao cán cân quyền lực giữa nhà vua và Quốc hội Anh khác với ở Pháp và Tây Ban Nha? Như ta sẽ thấy trong chương sau, ngay cả những xã hội ít phức tạp hơn xã hội hiện đại của chúng ta ngày nay cũng tạo ra những thể chế chính trị và kinh tế có tác động mạnh mẽ đối với cuộc sống của các thành viên trong xã hội. Điều này đúng ngay cả đối với những người săn bắn hái lượm, như ta thấy qua những xã hội còn sống sót, chẳng hạn như bộ tộc San ở đất nước Botswana hiện đại, vốn không có hoạt động nông nghiệp hay thậm chí còn không định cư lâu dài.
Hai xã hội khác nhau không thể tạo ra những thể chế như nhau; họ có tập quán khác nhau, hệ thống các quyền sở hữu khác nhau và cách thức khác nhau để chia sẻ một con thú bị giết hay những phẩm vật cướp được từ những bộ tộc khác. Một số xã hội sẽ công nhận thẩm quyền của các bậc trưởng lão, còn những xã hội khác thì không; một số xã hội sẽ đạt được mức độ tập trung hóa chính trị từ rất sớm, nhưng những xã hội khác thì không. Các xã hội không ngừng trải qua xung đột chính trị và kinh tế, được giải quyết theo những cách thức khác nhau do những khác biệt lịch sử cụ thể, vai trò của các cá nhân, hay chỉ là những yếu tố ngẫu nhiên.
Những điểm khác biệt này thoạt đầu chỉ là nhỏ nhặt, nhưng tích lũy dần tạo thành một quá trình phân hóa thể chế. Cũng hệt như hai nhóm dân số riêng biệt của các sinh vật sẽ phân hóa từ từ rời xa nhau trong một quá trình lạc dòng (hay phiêu bạt) di truyền, do sự đột biến gien ngẫu nhiên tích lũy dần dần, thì hai xã hội lẽ ra là tương tự nhau cũng sẽ từ từ phân hóa xa rời nhau về mặt thể chế. Tuy nhiên, cũng như sự phân hóa gien, sự phân hóa thể chế không có một lộ trình định trước và thậm chí không nhất thiết có tính tích lũy; nhưng qua nhiều thế kỷ, nó có thể dẫn đến những khác biệt khá rõ rệt, đôi khi quan trọng. Những khác biệt tạo ra bởi sự phân hóa thể chế có hệ lụy dài lâu, vì chúng tác động đến cách thức xã hội phản ứng trước sự thay đổi tình thế kinh tế hay chính trị vào những thời điểm quyết định.
Những mô thức phân hóa phong phú về phát triển kinh tế trên thế giới phụ thuộc vào tác động qua lại giữa sự phân hóa thể chế và những thời điểm quyết định. Các thể chế chính trị và kinh tế hiện hữu - đôi khi được định hình bởi một quá trình phân hóa thể chế lâu dài và đôi khi là hệ quả của những phản ứng khác nhau trong những thời điểm quyết định trước đây - tạo ra một cái đe để trên đó rèn giũa nên những thay đổi tương lai. Nạn dịch hạch và sự mở rộng thương mại thế giới sau năm 1600 là thời điểm quyết định đối với giới quyền thế châu Âu và sự kiện này tương tác với các thể chế ban đầu khác nhau tạo thành sự phân hóa đáng kể. Vì ở Tây Âu vào năm 1346, người nông dân có nhiều quyền lực và tự trị hơn so với ở Đông Âu, nên nạn dịch hạch dẫn đến sự pha loãng chủ nghĩa phong kiến ở Tây Âu nhưng lại dẫn đến thời kỳ Nông nô thứ hai ở Đông Âu. Vì Đông và Tây Âu đã bắt đầu phân hóa từ thế kỷ 14, nên các cơ hội kinh tế mới của thế kỷ 17, 18 và 19 cũng có những ý nghĩa khác nhau một cách cơ bản đối với hai vùng. Vì năm 1600, quyền lực của triều đình Anh suy yếu hơn so với Pháp và Tây Ban Nha, nên hoạt động thương mại Đại Tây Dương đã mở đường cho sự ra đời của những thể chế mới ở Anh có tính đa nguyên hơn, nhưng đồng thời lại củng cố chế độ quân chủ của Pháp và Tây Ban Nha.
Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)