[Hệ luân lý tự do] Các mối quan hệ liên cá nhân: sở hữu và gây hấn
Đây là bài trích đăng từ "Phần II: Một lý thuyết về tự do" trong cuốn The Ethics of Liberty (Luân lý học tự do) của Murray Rothbard.
- Thị trường Tự do Academy
(Tiếp theo Phần 7: Các mối quan hệ liên cá nhân: trao đổi tự nguyện)
Tới giờ chúng ta đã thảo luận về xã hội tự do, một xã hội của sự hợp tác hòa bình và các mối quan hệ tự nguyện liên cá nhân. Tuy nhiên, vẫn hiện hữu một loại quan hệ liên cá nhân khác đối lập với loại ta đang thảo luận: việc một người sử dụng bạo lực xâm hại những người khác. Thứ bạo lực gây hấn kia hàm nghĩa rằng một người xâm phạm tài sản của người khác mà không có sự đồng thuận của họ. Sự xâm phạm đó có thể là nhằm vào tài sản thân thể (như trường hợp hành hung thân thể), hoặc nhằm vào tài sản hữu hình (như cướp bóc hay xâm lấn). Dù trong trường hợp nào, kẻ gây hấn áp đặt ý chí của hắn ta lên tài sản tự nhiên của người khác – hắn tước đoạt đi sự tự do hành động và sử dụng trọn vẹn quyền tài sản của người khác.
Hãy tạm gác qua một bên trường hợp có tính hệ quả nhưng phức tạp hơn của tài sản hữu hình, và tập trung vào vấn đề quyền sở hữu của một người đối với thân thể của mình. Có hai phương án khả dĩ: hoặc áp dụng một quy tắc cho phép mỗi cá nhân (nghĩa là, có quyền để) sở hữu trọn vẹn thân thể của mình, hoặc quyết định rằng anh ta có thể không có trọn vẹn quyền sở hữu đó. Nếu anh ta có thể, chúng ta có được luật tự nhiên tự do cá nhân cho một xã hội tự do như đã phân tích bên trên. Nhưng nếu anh ta không thể, nếu mỗi cá nhân không được trao quyền sở hữu trọn vẹn và toàn phần cơ thể mình, thì điều này hàm ý gì? Nó hàm ý một trong hai trạng thái: (1) trạng thái “cộng sản” về sở hữu ngang bằng và phổ quát với thân thể người khác, hoặc (2) một nhóm sở hữu một phần [cơ thể] của nhóm khác – một hệ thống mà một nhóm cai trị phần còn lại. Duy chỉ những phương án này là khả dĩ thay cho một chế độ sở hữu toàn phần về thân thể cho tất cả mọi người.1
Hãy xem xét phương án (2); ở đây một người hoặc một nhóm người, G, được trao quyền sở hữu cho không chỉ bản thân họ mà còn cho phần còn lại của xã hội, R. Tuy nhiên, ngoài những vấn đề và khó khăn khác tồn tại trong thứ hệ thống này, ở đó chúng ta không thể có được một luân lí phổ quát và tự nhiên cho nhân loại. Ở đây chỉ có một thứ luân lí sứt mẻ và độc đoán, tương tự như quan điểm cho rằng nhà Hohenzollern được tự nhiên trao quyền để cai trị những người không thuộc nhà Hohenzollern. Quả thực, thứ luân lí mà tuyên bố rằng giai tầng G được trao quyền để cai trị giai tầng R hàm ý rằng giai tầng sau, R, là những sinh vật bậc thấp hơn con người và không có trọn vẹn quyền tham gia vào những quyền sở hữu có được bởi G như những con người hoàn thiện – nhưng tất nhiên nó trái giả thiết ban đầu rằng chúng ta đang dựng ra một thứ luân lí phổ quát cho con người.
Còn phương án (1) thì như thế nào? Đây là quan điểm cho rằng với các cá nhân A, B, C, v.v. không ai được trao quyền sở hữu toàn phần đối với bản thân anh ta. Thay vào đó, phần mà A sở hữu cũng phải được trao cho B, C một cách ngang bằng, và tương tự với những người khác. Ít nhất, quan điểm này vẫn có phẩm chất của một quy luật phổ quát, áp dụng cho tất cả mọi người trong xã hội, nhưng nó cũng hứng chịu vô vàn khó khăn khác.
Thứ nhất, trên thực tế, nếu như xã hội có nhiều hơn là chỉ một nhúm người, phương án này sẽ sụp đổ ngay lập tức và quay về phương án (2), trong đó một vài người cai trị những người còn lại. Vì về mặt kĩ thuật, hoàn toàn bất khả cho tất cả để duy trì sự kiểm soát liên tục lên những người khác, và bằng cách này sử dụng phần ngang bằng của bản thân trong quyền sở hữu một phần mọi người khác. Do vậy, trong thực tiễn, cái quan niệm về quyền sở hữu phổ quát và bình đẳng là bất khả và không tưởng (Utopia); và sự giám sát và vì thế quyền sở hữu đối với những người khác tất yếu trở thành một hoạt động chuyên biệt của giai tầng thống trị. Thế nên, không một xã hội nào mà mọi người không có quyền sở hữu trọn vẹn thân thể mình lại có thể có được giá trị luân lí phổ quát. Chỉ mỗi lí do này thôi cũng làm quyền sở hữu toàn phần thân thể mình áp dụng cho tất cả mọi người trở thành luân lí chính trị khả thi duy nhất cho nhân loại.
Nhưng vì mục đích lí luận, hãy giả định rằng ta có thể duy trì Xã hội không tưởng (Utopia) này. Rồi sao? Trước hết, hoàn toàn ngớ ngẩn khi cho rằng không ai được trao quyền để sở hữu bản thân mình, song lại cho rằng mỗi cá nhân được trao quyền để sở hữu một phần những người khác! Nhưng xa hơn thế, một Xã hội không tưởng như thế có đáng muốn? Có ai có thể mường tượng ra một thế giới mà không có lấy một ai có thể tự do để thực hiện bất cứ hành động mà thiếu đi sự đồng thuận trước đó bởi tất cả mọi người khác trong xã hội? Rõ là không ai có khả năng để làm điều gì cả, và nhân loại sẽ sớm cáo chung. Nhưng nếu như cái thế giới mà không còn hoặc gần như không còn quyền sở hữu riêng thân thể mình lại kết liễu nhân loại, thì bất cứ cách tiếp cận nào theo phương hướng đó cũng đi ngược lại quy luật về cái tối ưu cho con người và cuộc sống của họ trên trái đất. Và như chúng ta đã thấy ở trên, bất cứ luân lí nào mà một nhóm được trao quyền sở hữu trọn vẹn một nhóm khác cũng đều vi phạm quy tắc nền tảng nhất cho mọi thứ luân lí: nó phải được áp dụng cho tất cả mọi người. Không có hệ thống luân lí một phần nào là vượt trội hơn cái thuyết về quyền lực tập trung cho nhà Hohenzollern, cho dù chúng thoạt nghe có vẻ hợp lẽ hơn.
Ngược lại, xã hội tại đó mọi người được hưởng quyền sở hữu tuyệt đối với bản thân mình dựa trên cái thực tế cơ bản về quyền sở hữu tự nhiên của mọi người, và dựa trên thực tế rằng mỗi cá nhân chỉ có thể sống và phồn vinh bằng cách sử dụng quyền tự do tự nhiên để lựa chọn, chấp nhận các giá trị, học cách để có thể đạt được chúng, v.v. Với tư cách là một con người, anh ta phải sử dụng trí tuệ của mình để chấp nhận các mục đích và phương tiện; và nếu ai đó gây hấn nhằm thay đổi tiến trình tự do lựa chọn của anh ta thì hành động này vi phạm bản tính của anh ta; xâm phạm lên cách anh ta hành động. Nói tóm lại, kẻ gây hấn xen vào bằng bạo lực nhằm cản trở tiến trình tự nhiên mà con người chấp nhận các tư tưởng và giá trị, và cản trở các hành động dựa trên các giá trị đó.
Chúng ta không thể giải thích trọn vẹn các quy luật tự nhiên về tài sản và bạo lực mà không mở rộng thảo luận của chúng ta đến tài sản hữu hình. Vì con người không phải là những hồn ma nổi trôi, chúng ta là những sinh vật mà chỉ có thể tồn tại bằng cách giữ lấy và cải tạo các vật thể hữu hình. Hãy quay lại hòn đảo của Crusoe và Friday. Crusoe, vốn sống cô lập ngay từ đầu, đã tận dụng ý chí tự do và quyền sở hữu cơ thể mình để biết được những nhu cầu và giá trị của mình, cũng như làm thế nào để thỏa mãn chúng bằng cách cải tạo tài nguyên tạo hóa ban tặng qua việc hòa công lao động của anh ta vào chúng. Bằng cách đó anh ta sản xuất và tạo ra tài sản. Bây giờ giả sử rằng Friday sống ở một phần khác của hòn đảo. Anh ta phải đối mặt với hai hướng hành động khả dĩ: cũng như Crusoe, anh ta có thể trở thành một nhà sản xuất, dùng công lao động cải tạo đất chưa được sử dụng, và hẳn sẽ trao đổi sản phẩm của mình lấy sản phẩm của những người khác. Tóm lại, anh ta tham gia vào quá trình sản xuất, trao đổi và tạo ra tài sản. Hoặc anh ta cũng có thể quyết định theo một đường hướng khác: thay vì nỗ lực sản xuất và trao đổi, đi sang và chiếm hữu thành quả lao động của Crusoe bằng bạo lực. Nói cách khác, đi gây hấn với người sản xuất.
Nếu Friday lựa chọn đường hướng lao động và sản xuất, một lẽ tự nhiên, anh ta sẽ sở hữu phần đất đai được phát quang và sử dụng, cũng như thành quả và sản phẩm từ nó, như trong trường hợp của Crusoe. Tuy nhiên, như ta đã lưu ý ở trên, giả sử như Crusoe yêu sách nhiều hơn mức tự nhiên của quyền sở hữu, và với tư cách của người đầu tiên đặt chân lên hòn đảo, anh ta đòi sở hữu trọn vẹn cả hòn đảo, mặc dầu trước đó không hề khai thác, sử dụng nó. Từ quan điểm của chúng ta, nếu làm như thế thì anh ta đang áp đặt phi chính đáng và quá giới hạn – tức ranh giới của luật tự nhiên – yêu sách tài sản của mình, và giả như anh ta dùng luận điệu đó để tống cổ Friday bằng vũ lực, anh ta đang chà đạp không chính đáng lên thân thể và tài sản của người thổ cư [homesteader] thứ hai.
Một vài nhà lí luận đã kiên định với quan điểm rằng người đầu tiên phát hiện ra một hòn đảo hay châu lục mới chưa được sử dụng có thể sở hữu chính đáng toàn bộ cả vùng chỉ bằng cách đưa ra tuyên bố như thế - ta có thể gọi là “phức cảm Columbus” (Trong trường hợp này, Columbus, có thể chính đáng khẳng định quyền sử hữu cá nhân của toàn bộ Mỹ Châu nếu quả thực ông ta thực sự đặt chân lên đó, và trên đó không có bất cứ người thổ dân da đỏ nào sinh sống). Tuy nhiên, thực tế tự nhiên là thực sự Columbus chỉ có thể sử dụng, hay “hòa công lao động của ông ta”, với chỉ một phần nhỏ của lục địa, sau đó phần còn lại tiếp tục vô chủ cho đến khi những người thổ cư tiếp theo đặt chân lên và thực hiện quyền sở hữu quyền sở hữu chính đáng của họ lên các phần khác của lục địa2.
Hãy tạm gác lại câu chuyện về Crusoe và Friday và xem xét trường hợp một thợ điêu khắc hoàn thành một tác phẩm bằng cách nhào nặn đất sét và những chất liệu khác (tạm thời hãy bỏ qua vấn đề về quyền sở hữu đất sét hay các công cụ liên quan). Vấn đề bây giờ sẽ trở thành: ai sẽ sở hữu tác phẩm nghệ thuật này khi nó được hình thành từ cách tạo hình của người thợ điêu khắc? Một lần nữa, như trong trường hợp của quyền sở hữu thân thể con người, chỉ có 3 lập trường logic: (1) người thợ điêu khắc, tức “sáng nhân” của tác phẩm nghệ thuật, có quyền sở hữu tác phẩm của anh ta; (2) một hay một nhóm người có quyền với tác phẩm đó, tức chiếm hữu nó bằng vũ lực mà không có sự đồng thuận của người thợ; hoặc (3) giải pháp “cộng sản” – rằng tất cả mọi người trên trái đất đều có một phần như nhau quyền sở hữu tác phẩm điêu khắc.
Nói cho rõ ràng thì sẽ có rất ít người phủ nhận sự bất công ghê gớm khi một nhóm hay cả cộng đồng chiếm hữu quyền sở hữu tác phẩm điêu khắc. Thực chất người thợ điêu khắc “sáng tạo” ra tác phẩm nghệ thuật này – tất nhiên không theo nghĩa anh ta tạo ra vật chất, nhưng theo nghĩa anh ta tạo ra nó bằng cách cải tạo vật chất tạo hóa ban tặng (đất sét) thành một dạng khác theo đúng ý tưởng và năng lực của chính anh ta. Chắc chắn rằng, nếu như tất cả mọi người có quyền sở hữu thân thể riêng, và nếu anh ta phải sử dụng và cải tạo các vật thể tự nhiên để sinh tồn, thì mặc nhiên anh ta có quyền sở hữu cái mà anh ta làm ra như một sự mở rộng, bằng năng lực và nỗ lực riêng, cá tính của mình. Như trong trường hợp của người thợ điêu khắc đã đặt dấu ấn riêng lên nguyên liệu thô, bằng cách “hòa công lao động của mình” với đất sét. Nhưng nếu điều đó áp dụng được với trường hợp người thợ điêu khắc, thì nó cũng phải áp dụng được cho tất cả những nhà sản xuất khác, những người mà đã “hòa mình” hoặc hòa công lao động của mình với những vật thể tự nhiên.
Bất cứ nhóm người nào mà tước đoạt đi tác phẩm của người thợ điêu khắc đều xâm hại và ăn bám – bản thân hưởng lợi nhưng trên cái giá những người bị tước đoạt phải trả. Đa số sẽ đồng thuận rằng những kẻ kia sẽ xâm phạm từ quyền sở hữu tác phẩm của người thợ điêu khắc tới cá tính của anh ta. Dù kẻ tước đoạt là một nhóm hay là một “công xã quốc tế” thì điều này vẫn sẽ luôn đúng – trừ trường hợp sở hữu chung giữa nhiều người. (Trên thực tế sự tước đoạt này phải được thực hiện bởi một nhóm người nhân danh “công xã quốc tế”). Nhưng như ta đã chỉ ra, nếu như người thợ điêu khắc có quyền sở hữu tác phẩm của anh ta hay cải tạo các chất liệu tự nhiên, thì những người thợ khác cũng như thế. Tương tự với người đã tinh tuyển đất sét từ đất và bán cho người thợ điêu khắc, hay người sản xuất những công cụ liên quan mà người thợ đã sử dụng cho đất sét. Những người này cũng là những nhà sản xuất; và vì thế hòa những sáng kiến của mình và các bí quyết kỹ thuật với đất đai tạo hóa ban tặng để cho ra những sản phẩm có giá trị. Họ cũng hòa lao động và sức lực với đất đai. Và vì thế, họ được trao quyền sở hữu những sản phẩm mà họ làm ra3.
Nếu tất cả đều có quyền sở hữu bản thân mình và do đó lao động của riêng mình, và nếu mở rộng ra, anh ta có quyền sở hữu bất cứ thứ gì anh ta tạo ra hay lượm được từ tự nhiên (tức chưa được sở hữu và sử dụng trước đó), thì ai có quyền sở hữu và kiểm soát trái đất? Tóm lại, nếu người đi hái lượm có quyền sở hữu những quả và hạt lượm được, hay người nông dân với lúa mì, ai có quyền sở hữu mảnh đất mà trên đó các hoạt động này diễn ra? Một lần nữa, lí lẽ biện minh cho quyền sở hữu đất đai cũng tương tự như cho bất cứ tài sản nào khác. Vì không có ai thực sự “tạo ra” vật chất: cái anh ta thực sự làm là lấy vật chất được tạo hóa ban tặng và cải tạo nó bằng ý tưởng và lao động của anh ta. Đây cũng chính xác là những gì những người thổ cư tiên phong phát quang và sử dụng những vùng đất mới chưa được dùng trước đó và đặt quyền sở hữu lên chúng. Cũng như người thợ điêu khắc hay người thợ mỏ, người thổ cư cũng cải tạo đất đai được tạo hóa ban tặng bằng lao động và cá tính riêng. Người thổ cư cũng tương tự như những nhà sản xuất khác, vậy nên cũng có quyền sở hữu chính đáng cho tài sản của anh ta. Như trong trường hợp của người thợ điêu khắc, thật khó khăn để nhìn ra đạo lí của nhóm người tước đoạt đi sản phẩm và lao động của người thổ cư. (Và cũng như những trường hợp khác, giải pháp “cộng sản quốc tế” thực chất cũng quy về một giai tầng thống trị). Xa hơn, những người theo thuyết công xã đất đai cho rằng toàn thể dân cư trên thế giới đều sở hữu chung đất đai và chống lại thực tế tự nhiên rằng trước những người thổ cư không ai thực sự sử dụng và kiểm soát, và vì thế, sở hữu vùng đất. Những người thổ cư tiên phong là những người đưa vào quá trình sản xuất và sử dụng những vật thể vô giá trị từ tự nhiên.
Và như thế, chỉ có hai con đường cho con người có được tài sản và của cải: sản xuất hoặc tước đoạt bằng cưỡng bức. Hoặc, như nhà xã hội học người Đức Franz Oppenheimer chỉ ra, chỉ có hai phương tiện để có được tài sản. Cách thức thứ nhất là sản xuất, thường được tiếp nối bởi trao đổi tự nguyện những sản phẩm [sản xuất được], đây là điều mà Oppenheimer đã gọi là phương tiện kinh tế. Cách thức kia là sự chiếm hữu đơn phương sản phẩm của những người khác: sự tước đoạt tài sản của người khác bằng bạo lực. Phương cách trấn lột tài sản này Oppenheimer định nghĩa bằng thuật ngữ phương tiện chính trị.4
Như thế kẻ đi chiếm hữu tài sản của người khác sẽ sống trong sự mâu thuẫn với bản tính con người. Như chúng ta đã thấy con người chỉ có thể sống và phồn vinh bằng sản xuất sản phẩm của chính họ và trao đổi chúng. Mặt khác, kẻ gây hấn không phải là một nhà sản xuất mà là một tay dã thú; hắn sống ký sinh trên trên lao động và sản phẩm của những người khác. Do đó, thay vì sống theo bản tính con người, kẻ gây hấn là một kẻ ăn bám, tự nuôi bản thân bằng cách bóc lột lao động và sức lực của những người khác. Đây rõ ràng là một sự chà đạp hoàn toàn lên bất cứ loại luân lí phổ quát nào, vì con người cố nhiên không thể sống như một ký sinh trùng; cách sống ký sinh phải cần những người khác để nuôi sống nó. Kẻ sống ký sinh không những không thêm vào tổng sản lượng sản phẩm và dịch vụ của xã hội, mà còn hoàn toàn phụ thuộc vào sự sản xuất của “ký chủ”. Song, mức độ ký sinh cưỡng bức càng tăng tự thân nó [ipso facto] đẩy sản lượng của người sản xuất xuống, cho đến khi cuối cùng người sản xuất cáo chung, kẻ ký sinh cũng nhanh chóng nối gót.
Do đó, cách sống ký sinh không thể là một luân lí phổ quát, thực chất, sự nổi lên của cách sống ký sinh công kích và bòn rút quá trình sản xuất mà nhờ đó cả ký chủ và ký sinh sống dựa vào. Bóc lột cưỡng bức hay cách sống ký sinh làm tổn thương quá trình sản xuất của tất cả trong xã hội. Dù suy xét theo cách nào đi chăng nữa, cách sống ăn chực ký sinh và trấn lột chà đạp không chỉ vi phạm bản tính của nạn nhân, người mà thân thể vad tài sản bị xâm hại, mà còn vi phạm cả bản tính của bản thân kẻ gây hấn, kẻ đã từ bỏ phương thức sản xuất tự nhiên – sử dụng trí tuệ của mình để cải tạo tự nhiên và trao đổi sản phẩm với những người sản xuất khác – để đi theo con đường ký sinh cưỡng bức sản phẩm và công sức của những người khác. Theo nghĩa sâu xa nhất, kẻ gây hấn làm tổn thương không chỉ bản thân mà còn là nạn nhân bất hạnh của chính hắn. Điều này hoàn toàn đúng cho xã hội phức tạp hiện đại như nó cũng đúng với Crusoe và Friday trên hòn đảo của họ vậy.
Chú thích:
(1) Giáo sư George Mavrodes của Khoa Triết học, Viện Đại học Michigan đưa ra một phương án khả dĩ nữa, cụ thể là: “không ai sở hữu ai, bất kể anh ta hay ai khác, hoặc sở hữu một phần của bất cứ ai.” Tuy vậy, vì quyền sở hữu ấn định phạm vi kiểm soát, nên phương án của giáo sư Mavrodes hàm nghĩa rằng không ai có thể làm được cái gì cả, và nhân loại sẽ sớm cáo chung.
(2) Một biến thể của "phức cảm Columbus" này cho rằng người đầu tiên phát hiện ra một hòn đảo hoặc lục địa mới có thể xác nhận quyền sở hữu đối với toàn bộ lục địa bằng cách tự mình đi bộ xung quanh nó (hoặc thuê người khác làm như vậy), và do đó đặt ra ranh giới cho toàn bộ khu vực. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, yêu sách của họ sẽ vẫn không gì khác hơn là đối với chính ranh giới, và không liên quan gì đối với bất kỳ vùng đất nào bên trong nó; lý do là vì chỉ có ranh giới là được con người cải tạo và sử dụng.
(3) Cf. John Locke, Two Treatises on Government, các trang 307-8.
(4) Như Franz Oppenheimer chỉ ra trong tác phẩm The State (New York: Free Life Editions, 1975), trang 12 của mình rằng: “Có hai phương tiện cơ bản đối lập nhau mà con người, vốn cần phương tiện để sinh tồn, buộc phải có để thỏa mãn các mục tiêu của mình. Đó là bóc lột và lao động; một bên là sử dụng lao động của mình và một bên là chiếm đoạt bằng vũ lực lao động của những người khác. Tôi cho rằng nên gọi lao động của một người cũng như sự trao đổi tương đương giữa nó và lao động của người khác để thỏa mãn nhu cầu là “phương tiện kinh tế”, trong khi đó sự chiếm đoạt bằng vũ lực nên được gọi là “phương tiện chính trị”.
Nguồn: Murray N. Rothbard, 1998, The Ethics of Liberty, New York University Press