Chủ nghĩa tư bản và tự do: Xóa đói giảm nghèo (Phần 14)

Chủ nghĩa tư bản và tự do: Xóa đói giảm nghèo (Phần 14)

(Tiếp theo Phần 13)

Chương XII: Xoá đói giảm nghèo

Tốc độ tăng trưởng kinh tế phi thường ở các nước phương Tây trong vòng hai thế kỷ qua, cùng với sự phân bố rộng rãi những lợi ích có được từ hệ thống tự do kinh doanh, đã làm giảm đáng kể quy mô đói nghèo theo đúng nghĩa đen ở các quốc gia tư bản phương Tây. Tuy nhiên, nghèo đói lại là một phạm trù tương đối, bởi vậy ngay cả ở những quốc gia này, rõ ràng vẫn còn rất nhiều người sống trong điều kiện mà số còn lại trong chúng ta gọi là sự đói nghèo.

Một nguồn cứu trợ mà người nghèo có thể trông cậy, và cũng là nguồn được hi vọng nhất, đó là từ thiện tư nhân. Đáng lưu ý là thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa tự do kinh doanh (laissez-faire), vào khoảng giữa và cuối thế kỷ XIX ở các nước Anh và Hoa Kỳ, đã chứng kiến một sự sinh sôi khác thường của các tổ chức và cơ sở từ thiện tư nhân. Một trong những chi phí lớn nhất của việc mở rộng hoạt động phúc lợi nhà nước đó là sự suy giảm tương ứng của các hoạt động từ thiện tư nhân.

Ai đó có thể lập luận rằng hoạt động từ thiện tư nhân không thể đáp ứng đủ bởi vì những người đóng góp từ thiện không được hưởng lợi ích gì từ hoạt động này, trong khi những người không đóng góp gì lại được hưởng lợi – một lần nữa, hiệu ứng lân cận lại xuất hiện. Tôi cảm thấy đau khổ khi chứng kiến cảnh nghèo đói; tôi được hưởng lợi từ chương trình xóa đói giảm nghèo; nhưng dù là tôi hay một ai khác chi trả để hỗ trợ cho việc xóa đói giảm nghèo thì tôi cũng được hưởng lợi như nhau; như vậy lợi ích từ hành động từ thiện của người khác phần nào lan tỏa về phía tôi. Nói cách khác, tất cả chúng ta đều sẵn lòng đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, với điều kiện những người khác cũng làm cùng. Có lẽ chúng ta không bao giờ sẵn sàng đóng góp số tiền tương tự nếu như không có điều kiện đảm bảo trên. Trong nhiều cộng đồng nhỏ, áp lực công luận có thể đủ lớn để hiện thực hóa điều kiện này, kể cả là đóng góp vào quỹ từ thiện tư nhân. Trong các cộng đồng lớn không mấy ai biết ai, thì rất khó làm điều như vậy, và các cộng đồng như vậy lại đang ngày càng chiếm phần đông trong xã hội của chúng ta.

Giả sử có người (ví dụ như tôi) chấp nhận lối suy luận này để biện minh cho hành động xóa đói giảm nghèo của chính phủ, để thiết lập một mức sàn cho chuẩn điều kiện sống của mọi người trong cộng đồng. Câu hỏi đặt ra là bằng cách nào và liều lượng ra sao. Tôi không biết cách nào để có thể xác định được "điều kiện sống chuẩn là bao nhiêu", ngoại trừ xét theo số tiền thuế mà đa số chúng ta sẵn sàng gánh chịu cho mục đích này. Câu hỏi “bằng cách nào” cho phép chúng ta có nhiều đất phỏng đoán hơn.

Có hai điều rõ ràng đó là: thứ nhất, nếu mục tiêu là xóa đói giảm nghèo thì chúng ta cần có một chương trình hướng vào giúp đỡ người nghèo. Chúng ta cần giúp đỡ những người nông dân nghèo, không phải vì anh ta là nông dân, mà vì anh ta nghèo. Điều đó có nghĩa là Chương trình cần được thiết kế để giúp đỡ mọi người, bất kể anh ta là thành viên của một nhóm nghề nghiệp đặc biệt, hay nhóm tuổi, hay nhóm có cùng mức lương, hay tổ chức người lao động, hay ngành công nghiệp nào. Đây là một khiếm khuyết của các chương trình: chương trình nông nghiệp, chương trình phúc lợi cho người cao tuổi nói chung, luật mức lương tối thiểu, luật hỗ trợ công đoàn, thuế quan, quy định cấp giấy phép thợ thủ công hoặc các ngành nghề khác, và còn vô số các chương trình khác. Thứ hai, trong chừng mực có thể, chương trình không nên, trong khi hoạt động thông qua thị trường, làm biến dạng thị trường hay cản trở chức năng của nó. Đây là một khiếm khuyết của các chương trình trợ giá, luật mức lương tối thiểu, thuế quan và các chương trình tương tự khác.

Một cơ chế đáng cân nhắc, thuần túy dựa trên cơ sở kỹ thuật chuyên môn, đó là thuế thu nhập âm. Hiện nay chúng ta được miễn trừ 600 USD/người theo luật thuế thu nhập liên bang (cộng với tỷ lệ khấu trừ tối thiểu đồng mức 10%). Nếu một cá nhân có 100 USD thu nhập chịu thuế, tức là mức thu nhập sau khi đã trừ các khoản giảm trừ (exemption) và khấu trừ (deduction) thì còn dôi ra 100 USD, là khoản anh ta phải chịu thuế. Theo cơ chế này, nếu thu nhập chịu thuế của anh ta là -100USD, tức là thu nhập của anh ta kém tổng các khoản giảm trừ và khấu trừ 100USD, thì anh ta sẽ phải đóng mức thuế âm, có nghĩa là anh ta được nhận trợ cấp. Nếu tỷ lệ trợ cấp giả sử là 50%, anh ta sẽ nhận được 50USD. Nếu anh ta không có khoản thu nhập nào cả, và để đơn giản hóa cũng không có khoản khấu trừ nào cả, với tỷ lệ trợ cấp không đổi, anh ta sẽ nhận được 300 USD. Anh ta có thể nhận được nhiều hơn vậy nếu có các khoản khấu trừ, chẳng hạn như các khoản chi phí y tế, và như vậy thu nhập của anh ta sau khi trừ đi các khoản khấu trừ đã là con số âm ngay cả khi chưa trừ đi khoản giảm trừ. Tất nhiên, các mức trợ cấp có thể được xây dựng theo kiểu lũy tiến tương tự như các mức thuế cho khoản thu thập ở trên mức miễn trừ. Bằng cách này, chúng ta có thể thiết lập mức sàn để mức thu nhập ròng (là mức thu nhập ròng giờ đây được định nghĩa bao gồm cả trợ cấp) của bất kì người dân đều không thấp hơn mức đó - trong ví dụ đơn giản đang xét là 300 USD/người. Việc đặt ra một mức sàn chính xác là bao nhiêu phụ thuộc vào năng lực chu cấp của cộng đồng.

Những lợi ích của cơ chế này là rất rõ ràng. Cụ thể, nó hướng tới giải quyết vấn đề đói nghèo. Nó giúp đỡ người ta bằng cách trao cho anh ta một phương tiện hữu hiệu nhất, đó là tiền mặt. Nó là phổ quát, có thể dùng để thay thế cho một loạt các biện pháp riêng lẻ đang được thực hiện hiện nay. Nó minh bạch hóa chi phí mà xã hội phải gánh chịu. Nó hoạt động mà không làm méo mó thị trường. Như bất kỳ biện pháp xóa đói giảm nghèo khác, nó cũng làm giảm động cơ của những ai được trợ giúp cần phải phấn đấu để tự giúp mình, song nó lại không loại bỏ động cơ đó hoàn toàn, bởi một cơ chế bổ sung thu nhập chỉ tới ngưỡng mức tối thiểu cố định vẫn còn tính khuyến khích. Kiếm thêm được một đôla có nghĩa là có thêm một đôla để sẵn sàng chi tiêu.

Rõ ràng chúng ta sẽ gặp phải các vấn đề về quản lý hành chính, song nếu như gọi chúng là điểm bất lợi, thì với tôi chúng chỉ là điểm bất lợi nhỏ. Hệ thống này ăn khớp hoàn toàn với hệ thống thuế thu nhập hiện tại của chúng ta, và có thể được quản lý song song cùng với nó. Hệ thống thuế hiện nay đã bao trùm phần lớn người có thu nhập và việc đòi hỏi nó phải bao trùm toàn bộ sẽ tạo ra hiệu ứng phụ, đó là cải thiện bộ máy hoạt động của hệ thống thuế thu nhập hiện tại. Quan trọng hơn, nếu cơ chế này được ban hành như là một sự thay thế cho mớ hỗn độn các biện pháp hiện hành, mà vẫn hướng tới cùng mục đích, thì tổng số gánh nặng về hành chính chắc chắn sẽ được giảm tải.

Qua tính toán sơ bộ, chúng ta có thể thấy rằng đề xuất này đỡ tốn kiếm tiền bạc hơn rất nhiều so với tập hợp các biện pháp phúc lợi hiện tại, đó chưa kể đến mức độ can thiệp của chính quyền. Ngoài ra, qua những tính toán này, có thể thấy các biện pháp hiện hành của chúng ta lãng phí ra sao, đấy là đánh giá trên khía cạnh giúp đỡ người nghèo.

Năm 1961, chính phủ chi tới khoảng 33 tỉ USD (cho các cấp liên bang, tiểu bang và địa phương) để chi trả phúc lợi trực tiếp, và rót vào đủ các loại chương trình: hỗ trợ người già, trợ cấp an sinh xã hội, trợ giúp trẻ em phụ thuộc, hỗ trợ chung, các chương trình trợ giá nông nghiệp, nhà ở công cộng, v.v.1 Đó là tôi đã loại trừ các phúc lợi cho cựu chiến binh trong tính toán này. Tôi cũng chưa kể đến ngân sách cho các khoản chi phí trực tiếp và gián tiếp của các biện pháp như luật tiền lương tối thiểu, thuế quan, quy định cấp phép, v.v., hay cho chi phí của các hoạt động y tế công cộng, chi tiêu nhà nước và chính quyền địa phương vào các bệnh viện, viện tâm thần, và những nơi tương tự.

Tại Hoa Kỳ, có xấp xỉ 57 triệu thực thể tiêu dùng (consumer unit) (bao gồm cả các cá nhân độc thân và hộ gia đình). Khoản chi 33 tỉ USD năm 1961 lẽ ra có thể trợ cấp tiền mặt ngay lập tức cho 10% tổng số thực thể tiêu dùng có thu nhập thấp nhất, với mức gần 6.000USD cho một thực thể tiêu dùng. Khoản trợ cấp này sẽ nâng thu nhập của họ lên trên mức trung bình của tất cả các thực thể tiêu dùng tại Hoa Kỳ. Khoản chi này có thể dùng theo một cách khác, đó là trợ cấp xấp xỉ 3.000USD/thực thể tiêu dùng cho 20% thực thể tiêu dùng có thu nhập thấp nhất. Ngay cả khi tính cho 1/3 dân số, là nhóm bị những người ủng hộ chính sách kinh tế mới (New Deal) coi là thiếu ăn, thiếu ở, thiếu mặc, thì khoản chi năm 1961 sẽ vẫn trợ cấp được gần 2.000USD cho mỗi thực thể tiêu dùng. Đây là con số xấp xỉ khoản tiền, mà sau khi đã điều chỉnh thay đổi mức giá, tương đương mức thu nhập để phân tách nhóm 1/3 dân số có thu nhập thấp so với nhóm 2/3 dân số có mức thu nhập cao hơn vào giữa những năm 1930. Ngày nay, chưa đầy 1/8 tổng số thực thể tiêu dùng có mức thu nhập, sau khi đã điều chỉnh thay đổi mức giá, thấp ngang bằng nhóm 1/3 dân số có thu nhập thấp nhất vào giữa năm 1930.

Rõ ràng, những chương trình này quá phung phí và khó có thể biện minh được chúng là các chính sách “xóa đói giảm nghèo”, ngay cả khi diễn giải cụm từ này theo cách rộng rãi. Giả như có chương trình bổ trợ thu nhập cho 20% thực thể tiêu dùng có mức thu nhập thấp nhất, với mục đích nâng thu nhập của họ lên mức thấp nhất của 80% thực thể tiêu dùng còn lại, thì chương trình này chỉ tiêu tốn chi phí ít hơn một nửa những gì chúng ta đang chi tiêu.

Điểm bất lợi lớn nhất của cơ chế thuế thu nhập âm như được đề xuất, đó là các ngụ ý về mặt chính trị của nó. Cơ chế này thiết lập một hệ thống áp đặt các khoản thuế lên một số người để trả các khoản trợ cấp cho những người khác. Giả dụ quyền biểu quyết lại thuộc về những người khác này. Một nguy cơ luôn thường trực khi đó sẽ là, thay vì là một cơ chế khiến cho nhóm đa số tự nguyện đóng thuế để giúp phần thiểu số kém may mắn, thì cơ chế này lại chuyển hóa thành một hệ thống theo đó nhóm đa số áp đặt thuế lên nhóm thiểu số không tự nguyện vì những lợi ích của chính nhóm đa số. Bởi đề xuất này khiến quy trình trở nên rất công khai, nên có lẽ nguy cơ sẽ lớn hơn nguy cơ từ các biện pháp khác. Về vấn đề này, tôi không nhìn ra giải pháp nào khác ngoài việc đặt niềm tin vào tính có thể tự kiềm chế và thiện chí của các cử tri.

Viết về một vấn đề tương tự - Quỹ hưu trí cho người cao tuổi ở Anh - năm 1914, Dicey từng nói: "Chắc chắn một người có suy nghĩ thấu đáo sẽ tự vấn bản thân mình: liệu toàn thể nước Anh được lợi gì không khi mà ban hành chính sách người nghèo nhận trợ cấp, dưới dạng lương hưu, song hành với việc người được nhận lương hưu vẫn được bảo toàn quyền tham gia bầu cử Quốc hội."2

Bằng chứng, dựa trên thực tiễn tại Anh Quốc, liên quan đến câu hỏi của Dicey vẫn được cho là không rõ ràng. Nước Anh đã chuyển sang cơ chế bỏ phiếu phổ thông, mà không tước quyền bầu cử của cả những người nghỉ hưu lẫn những người nhận trợ cấp nhà nước khác. Hệ thống thuế cũng được mở rộng đáng kể để đánh thuế một số đối tượng vì lợi ích của những người khác, điều này đã làm chậm tốc độ tăng trưởng của Liên hiệp Anh, và do đó chẳng mang lại lợi ích gì cho phần lớn người dân - những người tự xem mình là thuộc về nhóm đối tượng được thụ hưởng. Tuy nhiên các biện pháp này đã không, hay ít nhất là chưa, phá hủy quyền tự do của Liên hiệp Anh hay hệ thống tư bản vốn dĩ vẫn đóng vai trò chính yếu trong đời sống kinh tế xã hội của nó. Và quan trọng hơn là, đã có một số dấu hiệu cho thấy xuất hiện làn sóng cũng như sự rèn luyện ý thức tự kiềm chế ở một bộ phận cử tri.

CHỦ NGHĨA TỰ DO VÀ CHỦ NGHĨA QUÂN BÌNH

Trọng tâm của triết lý tự do là niềm tin vào nhân phẩm của các cá nhân, vào việc tự do tận dụng phần lớn năng lực và cơ hội theo ý riêng của mỗi người, chỉ cần tuân theo điều kiện duy nhất là không được can thiệp vào tự do của các cá nhân khác khi làm những điều tương tự. Điều này hàm ý niềm tin vào sự bình đẳng giữa con người theo một nghĩa nào đó, và sự bất bình đẳng theo một nghĩa khác. Mỗi người đều có quyền tự do như nhau. Đây là một quyền quan trọng và cơ bản chính xác bởi vì mỗi người mỗi khác, bởi người này muốn tự do làm những điều khác so với người kia, và trong quá trình làm điều mình muốn có thể sẽ đóng góp nhiều hơn người kia vào nền văn hóa chung của toàn xã hội nơi chúng ta sinh sống.

Do đó, một mặt, người theo chủ nghĩa tự do sẽ có sự phân biệt rạch ròi giữa một bên là bình đẳng về quyền và bình đẳng về cơ hội và bên kia là bình đẳng về vật chất hay bình đẳng về kết quả. Người theo chủ nghĩa tự do có thể chấp nhận sự thật rằng trên thực tế một xã hội tự do có xu hướng hướng tới bình đẳng vật chất hơn là bất kỳ mô hình xã hội đã thử nghiệm nào khác. Tuy nhiên, anh ta sẽ chỉ coi bình đẳng vật chất là một sản phẩm phụ đáng muốn được tạo ra từ một xã hội tự do, chứ không phải là thứ quan trọng để biện minh cho xã hội này. Anh ta sẽ hoan nghênh các biện pháp thúc đẩy cả sự tự do và sự bình đẳng – chẳng hạn như các biện pháp loại bỏ sự độc quyền và cải thiện cơ chế hoạt động của thị trường. Anh ta sẽ nhìn nhận từ thiện tư nhân hướng vào việc giúp người kém may mắn như một minh họa của việc sử dụng quyền tự do đúng đắn. Và anh ta có lẽ sẽ ủng hộ hành động của nhà nước hướng tới việc cải thiện tình trạng nghèo đói, xem đó như là một phương cách hiệu quả hơn, giúp cho đa số trong cộng đồng có thể đạt được một mục tiêu chung. Tuy nhiên, anh ta sẽ phải hối hận về điều này nếu như phải thay thế hành động tự nguyện bằng hành động bắt buộc.

Người theo chủ nghĩa quân bình cũng có lối suy nghĩ này. Song anh ta muốn đi xa hơn. Anh ta sẽ bảo vệ quan điểm lấy của cải của một số người để chia cho những người khác, nhưng không phải dựa trên lý lẽ coi đó như là một phương tiện hữu hiệu nhờ đó "một số người" có thể đạt được mục tiêu mà họ mong muốn, mà dựa trên lý lẽ coi đó như là "công lý" (justice). Về điểm này, sự bình đẳng sẽ đi đến mâu thuẫn mạnh mẽ với sự tự do;và buộc chúng ta phải lựa chọn một trong hai. Như vậy, theo nghĩa này, một người không thể vừa là người theo chủ nghĩa quân bình, vừa là một người theo chủ nghĩa tự do.

Chú thích:

(1) Con số này bằng khoản chi trả trợ cấp trực tiếp (transfer payments) của chính phủ (31,1 tỷ USD) trừ đi các khoản phúc lợi cựu chiến binh (4,8 tỷ USD) (cả hai lấy từ mục tài khoản thu nhận quốc dân của Bộ Thương mại) cộng với chi tiêu liên bang cho các chương trình nông nghiệp (5,5 tỷ USD) cộng với chi tiêu liên bang cho nhà ở công cộng cùng các trợ cấp khác cho lĩnh vực nhà ở (0,5 tỷ USD) (cả hai đều là số liệu cuối năm tài khóa vào ngày 30/6/1961 từ tài khoản Kho bạc) cộng với một khoản ngân sách dự phòng (allowance) sơ bộ 0.7 tỉ USD (thậm chí con số được nâng lên đến hàng tỉ USD) cho chi phí hành chính của các chương trình liên bang, bỏ qua các khoản mục của các chương trình cấp bang và địa phương, cùng nhiều khoản mục linh tinh khác. Tôi đồ rằng con số này còn ước tính thiếu đáng kể so với con số thực.

(2) AV Dicey, Law and Public Opinion in England, (2d ed, London: Macmillan, 1914), p. xxxv.

Nguồn: Milton Friedman, Capitalism and Freedom, The University of Chicago Press, 1962