Từ tập đoàn công sang chaebol tư
Một người đi xa chừng 10 năm, nay trở về ắt sẽ nhận xét: ngày trước đi đâu cũng thấy sự hiện diện của các tập đoàn kinh tế nhà nước dù đa phần chỉ là những dự án dang dở nhưng tỉnh thành nào cũng có, ai cũng đặt nhiều kỳ vọng vào sự cất cánh của kinh tế địa phương nhờ các dự án quy mô khổng lồ này. Nay thay chỗ cho các tập đoàn kinh tế nhà nước này là các doanh nghiệp tư nhân cũng mang danh tập đoàn, cũng được các địa phương ưu ái cấp đất giao dự án và cũng toàn là dự án ngàn tỉ đồng.
Sự thất bại của mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước thì đã rõ nhưng còn mô hình dựa vào một hai doanh nghiệp tư nhân lớn để làm động lực phát triển kinh tế địa phương liệu có những rủi ro nào tương tự?
Sự bắt tay giữa chính quyền địa phương và các doanh nghiệp ruột có lẽ xuất phát từ những chuyện ngẫu nhiên như giao đất đổi hạ tầng thành công, làm động lực cho các lần giao dự án khác. Đó cũng là lời kêu gọi “xã hội hóa” một số công trình hay kế hoạch tạo ra một mối quan hệ hai bên đều có lợi và ngày càng được “phát huy”.
Phải nói ngay là sự nhanh nhạy của lãnh đạo địa phương, thấy tiềm năng, cơ hội và mạnh dạn giao cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện biến tiềm năng, cơ hội thành công ăn việc làm là con đường phát triển ở đâu cũng có, nên được khuyến khích, chứ không có gì xấu cả.
Tuy nhiên, cũng như sự sụp đổ của một vài tập đoàn kinh tế nhà nước từng để lại những hậu quả to lớn cho cả nền kinh tế mà đến nay vẫn chưa khắc phục hết, việc bỏ tất cả trứng vào một giỏ là một vài doanh nghiệp tư nhân “thân hữu” đem lại những nguy cơ cần phân tích và cảnh báo.
Chaebol là một từ đặc trưng của Hàn Quốc dùng để chỉ các tập đoàn kinh tế tư nhân, thường do một gia đình nắm quyền điều hành, hoạt động trong nhiều lĩnh vực với nhiều công ty con có mối quan hệ chằng chịt với nhau. |
Nhiều người hiện đang có suy nghĩ, thận trọng là thận trọng với các tập đoàn kinh tế nhà nước vì nếu chúng thất bại, ngân sách phải gánh nợ. Thế nhưng với các doanh nghiệp tư nhân sự thận trọng vẫn cần thiết vì thông thường địa phương phải giao nguồn tài nguyên là tài sản chung như bãi biển, con đường, khúc sông, mỏ khoáng sản, nhất là đất đai cho doanh nghiệp khai thác. Một khi đã giao như thế, doanh nghiệp tư nhân phải chịu sự giám sát của cộng đồng, xem thử nguồn lực chung đó có được sử dụng đúng mục đích ban đầu, có bị lãng phí… Đó là chưa kể đi kèm với các dự án như thế có thể là hàng loạt ưu đãi khác từ nguồn vốn đến thuế, từ thủ tục đến giảm nhẹ các yêu cầu về môi trường - tất cả tạo ra một môi trường kinh doanh bất bình đẳng cho các doanh nghiệp khác.
Đó chính là rủi ro lớn nhất từ hiện tượng các địa phương hay ngành bắt tay với một hai doanh nghiệp, có thể thoạt tiên do ý đồ tốt là thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án.
Nền kinh tế thị trường chỉ có thể phát triển lành mạnh nếu yếu tố cạnh tranh bình đẳng được tôn trọng. Bắt tay như thế rõ ràng là đã vi phạm nhiều nguyên tắc của kinh tế thị trường như phải đấu thầu, gọi thầu công khai, không tạo ra rào cản gia nhập thị trường để loại bỏ doanh nghiệp khác. Sự thuận tiện ban đầu như yên tâm về năng lực tài Chính của doanh nghiệp được chọn, yên tâm về tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp giao phó… sẽ dần dần làm thui chột mọi cơ hội cho doanh nghiệp khác. Từ đó đến chỗ phục vụ cho lợi ích riêng thay vì lợi ích của cộng đồng, của cả địa phương là một bước rất ngắn.
Có thể thấy khó hiểu khi Chính phủ Mỹ chẳng hạn cứ khăng khăng làm khó Microsoft hay Google, không để các tập đoàn này chèn lấn các doanh nghiệp nhỏ khác nhưng thực tế một khi đã ưu ái cho một hai doanh nghiệp, sự lệ thuộc vào các doanh nghiệp này là không tránh khỏi. Và một khi nền kinh tế địa phương phụ thuộc vào một hai doanh nghiệp mà thôi, chắc chắn bộ máy hành chính địa phương sẽ trở thành con tin cho các doanh nghiệp này.
Với các dự án đã triển khai ở Việt Nam, một hệ quả đầu tiên, rõ nhất là thiếu vắng sự giám sát của công luận và báo chí. Báo chí hầu như không có thông tin gì về các dự án được giao trực tiếp trừ phi nổ ra vấn đề như vụ lấp sông Đồng Nai hay chiếm bãi biển thành của riêng…
Lẽ ra công luận phải được thông tin đầy đủ, từ khi hình thành dự án, cơ hội nào cho các doanh nghiệp muốn tham gia, vì sao giao cho doanh nghiệp này mà không giao cho doanh nghiệp khác, những ưu đãi dùng để kích thích sự tham gia đó là gì. Ngược lại, với doanh nghiệp bình thường chỉ cần một sai sót nhỏ đã được thông tin rộng rãi thì với các dự án loại này, một bức tường phong tỏa thông tin vô hình được dựng lên rất chắc chắn.
Một rủi ro khác, cho chính doanh nghiệp, là phản ứng bất ngờ, khó lượng định của xã hội một khi xảy ra sự cố. Nếu thông tin công khai ngay từ đầu, có thể doanh nghiệp sẽ không chịu thiệt hại. Nhưng giả thử xã hội phản ứng chuyện chiếm bãi biển làm tài sản riêng dẫn tới những quyết định bất lợi thì xem như mọi công sức bỏ ra rất có thể trôi ra biển.
Xã hội hiện nay đang thiếu thông tin nên giả thử có tin doanh nghiệp này lấy trường công biến thành trường tư hay lấy nông trường nọ biến thành dự án riêng, doanh nghiệp kia thay vì chỉnh trang đô thị lại lấp sông, rạch làm dự án địa ốc… tin như thế sẽ lan nhanh và phản ứng của dư luận cũng nhanh không kém.
Cuối cùng, bài học của các chaebol tư nhân ở Hàn Quốc vẫn đang nóng: sự liên kết giữa chính khách và nhà kinh doanh có thể rất chặt chẽ nhưng khó bền vững. Ở đó có lẽ câu “quan nhất thời thì chaebol khó lòng vạn đại” luôn đúng.
Không ưu ái cho ai cảVới suy nghĩ bình thường, ai cũng tưởng Hàn Quốc ắt sẽ ưu ái hết mức cho các doanh nghiệp hàng đầu của họ như Samsung, Hyundai, Posco... Thực tế ngày xưa từng có sự ưu ái như thế nhưng gần đây, nhất là sau các cuộc khủng hoảng kinh tế, việc chia nhỏ các chaebol, việc hạn chế ảnh hưởng của các chaebol lên nền kinh tế lại là đề tài được bàn tán sôi nổi ở Hàn Quốc. Thực tế Hàn Quốc từng không ngần ngại bỏ tù người đứng đầu các tập đoàn lớn, điều tra việc thao túng thị trường của doanh nghiệp này, phạt tiền doanh nghiệp khác vì những giao dịch không minh bạch. Các vụ ầm ĩ nhất vẫn là điều tra ông chủ các chaebol tội trốn thuế, hối lộ… Người ta lập luận, ảnh hưởng của các chaebols lên nền kinh tế sẽ khiến nó không còn sức sống, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không còn đường phát triển nên đánh mất tính sáng tạo, linh hoạt. Các tài năng trong xã hội không có điều kiện phát huy năng lực khi bất kỳ ai cũng muốn vào làm cho các tập đoàn như một con đường bảo đảm cuộc sống lâu dài. Doanh nhân không có động lực khởi nghiệp một khi các chaebol hiện diện trong mọi ngóc ngách của nền kinh tế, không còn chừa cho họ cơ hội thâm nhập thị trường nào nữa. Đó cũng là lý do tại sao ở các nước khác như Mỹ không ngần ngại phá vỡ thế độc quyền của Microsoft ngày trước hay hạn chế sự độc quyền của Google ngày nay. Nếu cứ ưu ái cho Microsoft như một tài sản của quốc gia vì nó đem lại sự thống trị của phần mềm Mỹ ở khắp thế giới thì ắt đã không có Google hay Facebook và hàng loạt công ty công nghệ nổi tiếng sau này. Hàn Quốc hạn chế tầm ảnh hưởng của các chaebol bằng luật và cái hay là sự hạn chế này không ngăn trở Samsung trở thành một tập đoàn toàn cầu chẳng hạn. Châu Âu hạn chế sự độc quyền của các công ty đa quốc gia bằng các vụ kiện. Tất cả đều nhắm tới mục tiêu tạo một sân chơi bình đẳng cho bất kỳ ai muốn tham gia thị trường để từ đó nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp, cạnh tranh và sáng tạo. Hiện nay ở nước ta, suy nghĩ ưu ái cho một số doanh nghiệp để dùng họ làm đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển kinh tế là khá phổ biến. Vì sự ưu ái đó nên một số nguyên tắc của kinh tế thị trường tạm thời bị gác sang một bên. Vậy là chúng ta đã đi từ một thái cực này (e dè với doanh nghiệp tư nhân) đến một thái cực khác (hình thành mối quan hệ thân hữu giữa chính quyền và doanh nghiệp). Thái cực nào cũng bất cập. Ở chúng ta dù chưa có các doanh nghiệp tầm cỡ để phải lo đến tầm ảnh hưởng lên môi trường cạnh tranh như kiểu Microsoft hay Apple nhưng hiện tượng ưu ái doanh nghiệp dẫn tới sự chèn lấn, sự thiếu công bằng, thiếu minh bạch là đã có. Đây là điều đáng ngại vì doanh nghiệp sẽ hướng tới cầu cạnh mối quan hệ chứ không hướng tới việc tự hoàn thiện để làm động lực phát triển bền vững, dài lâu. Đó cũng là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, hối lộ và lợi ích nhóm. Các bài viết trong chuyên mục Sự kiện & Vấn đề số này là nhằm cảnh báo nguy cơ đó. Nguyễn Vũ |