[Nền dân trị Mỹ] - Chương VI: Về quyền tư pháp ở hoa kì và tác động của nó đến đời sống chính trị của xã hội
Người Mĩ gốc Anh đã duy trì cho quyền lực tư pháp tất cả những đặc tính vốn được phân biệt nơi các dân tộc khác. − Tuy nhiên, họ đã khiến cho quyền lực tư pháp thành một đại quyền lực chính trị. − Làm cách nào. − Hệ thống tư pháp của người Mĩ gốc Anh khác với tất cả các hệ thống khác ở chỗ nào. − Vì sao các quan toà Mĩ lại có quyền tuyên bố các đạo luật bất hợp hiến. − Các quan toà Mĩ dùng cái quyền đó ra sao. − Những biện pháp thận trọng được nhà lập pháp sử dụng để ngăn ngừa lạm dụng quyền này.
Tôi nghĩ mình có nhiệm vụ dành hẳn một chương viết về quyền lực tư pháp ở Hoa Kì. Tầm quan trọng về chính trị của quyền này thật lớn đến nỗi tôi nghĩ rằng nếu chỉ nói sơ qua thôi thì sẽ làm giảm giá trị sự kiện đó trong con mắt bạn đọc.
Bên ngoài nước Mĩ cũng có những liên bang. Ta cũng thấy hình thức nước cộng hoà ở nơi khác chứ không chỉ ở những bến bờ Tân thế giới. Nhiều nhà nước ở châu Âu cũng đi theo hệ thống dân biểu. Nhưng cho tới nay tôi vẫn cho rằng không có một quốc gia nào trên thế giới lại xây dựng quyền lực tư pháp theo một cung cách giống như của người Mĩ.
Điều mà một người nước ngoài phải vất vả một chút mới hiểu được ở Hoa Kì đó là tổ chức tư pháp, có thể nói là không một sự kiện chính trị nào diễn ra ở đây mà lại không thấy người ta viện dẫn đến quyền uy của viên quan toà. Và từ đó, một cách tự nhiên, ta có thể kết luận rằng ở Hoa Kì người quan toà là một trong những thế lực chính trị hàng đầu. Khi tiếp đó người nước ngoài đi xem xét cách tổ chức toà án, thoạt đầu ông ta chỉ thấy những chức nọ chức kia cùng những thông lệ tư pháp. Dưới con mắt ông ta, viên quan toà hình như khi nào cũng chỉ can thiệp vào mọi việc công cộng như là ngẫu nhiên. Có điều là cái ngẫu nhiên đó được lặp đi lặp lại hàng ngày.
Khi nghị viện Paris trách cứ và khước từ đăng kí một pháp lệnh; khi nghị viện Paris tuỳ tiện đòi một chức quan không làm tròn trách nhiệm ra điều trần, mọi người phát hiện ngay đó là hành động chính trị của quyền tư pháp, ở Hoa Kì không có gì giống như thế cả.
[Tất nhiên] người Mĩ vẫn giữ cho quyền lực tư pháp mọi đặc tính mà ta thường quen thừa nhận cho nó. Chính xác là họ khép kín những đặc tính đó trong cái phạm vi chúng quen tự mình vận động.
Đặc tính thứ nhất của quyền lực tư pháp ở mọi dân tộc là đứng ra làm trọng tài. Để có thể có chỗ hoạt động tại toà án, thì phải có sự tranh tụng. Để có thể có quan toà thì phải có vụ án, chừng nào một đạo luật không phục vụ cho một cuộc tranh tụng, thì quyền lực tư pháp cũng chẳng có cơ hội thực thi quyền lực. Có quyền lực tư pháp, nhưng quyền lực tư pháp không nhìn thấy sự tranh tụng. Khi nhân một vụ xử án mà một quan toà lại đả kích một đạo luật liên quan đến phiên án ấy, thì ông ta đã mở rộng phạm và quyền hạn nhưng vẫn không thoát ra khỏi phạm và đó, vì ông ta trong chừng mức nào đó phải phán xét luật để đi đến chỗ có thể xét xử vụ án. Còn khi ông ta phát ngôn về một đạo luật mà không xuất phát từ một vụ án, thì ông ta hoàn toàn vượt ra khỏi phạm vi hoạt động của mình, và ông ta bước sang phạm vi quyền lực lập pháp.
Đặc tính thứ hai của quyền lực tư pháp là phán quyết về những trường hợp riêng rẽ chứ không phát ngôn về các nguyên tắc chung. Khi giải quyết một vấn đề riêng rẽ mà viên quan toà lại làm thủ tiêu một nguyên tắc chung, chỉ vì ông ta có niềm tin rằng, mỗi hệ quả của cùng nguyên tắc ấy khi được vận dụng theo cùng một cách thức như nhau sẽ khiến cho nguyên tắc ấy thành khô cứng, thì viên quan toà ấy vẫn còn ở lại trong vòng giới hạn hoạt động tự nhiên của mình. Nhưng một khi viên quan toà tiến công trực tiếp cái nguyên tắc chung và thủ tiêu nó mà không thấy trước mắt mình có một trường hợp riêng rẽ, thì ông ta đã thoát ra khỏi cái vòng giới hạn mà mọi người đồng tình hạn chế ông ta trong đó: ông ta trở thành cái gì đó có thể quan trọng hơn nhiều, hữu ích hơn nhiều so với tư cách một pháp quan, nhưng ông ta lại hết vai trò làm người đại diện cho quyền lực tư pháp.
Đặc tính thứ ba của quyền lực tư pháp là chỉ có thể hành động khi người ta yêu cầu nó, hoặc nói theo ngôn từ pháp lí, khi nó được giao xét xử. Ta cũng không thường xuyên bắt gặp đặc tính này như hai đặc tính kia. Nhưng tôi vẫn tin rằng, cho dù có những ngoại lệ, ta có thể coi đặc tính thứ ba này thật là căn bản. Trong bản chất của nó, quyền lực tư pháp là vô hành động; người ta phải khởi động nó thì nó mới nhúc nhích. Người ta báo cho nó một tội phạm, và nó trừng trị kẻ phạm tội. Người ta nhờ cậy nó sửa chữa một điều bất công, và nó sửa lại. Người ta đặt trước mặt nó một sự vụ, và nó giải thích sự vụ đó. Nhưng tự nó không bao giờ khởi tố những kẻ tội phạm, không đi tìm chỗ có chuyện bất công và xem xét các sự việc. Quyền lực tư pháp sẽ trở thành như là một thứ bạo lực chống đối bản chất thụ động của mình một khi tự tay nó có sáng kiến tự đặt để mình thành kẻ phán duyệt luật pháp.
Người Mĩ đã duy trì ba đặc tính rõ rệt này trong hệ thống quyền lực tư pháp của họ. Ông quan toà Mĩ chỉ có thể tuyên án một khi có tranh chấp. Ông ta bao giờ cũng chỉ phải lo cho một trường hợp riêng rẽ. Và để hành động thì ông ta bao giờ cũng phải đợi được giao xét xử.
Vậy là viên quan toà Mĩ giống hệt như các pháp quan của các quốc gia khác. Thế mà ông ta lại có quyền lực về chính trị vô cùng lớn.
Từ đâu ra chuyện đó? Ông ta vận động trong cùng một vòng giới hạn và cũng sử dụng các phương tiện như các quan toà khác, vậy tại sao ông ta lại có cái sức mạnh mà các ông quan toà khác không có?
Nguyên nhân nằm ở sự kiện duy nhất này: người Mĩ thừa nhận ở các quan toà cái quyền xây dựng các quyết án dựa trên hiến pháp hơn là dựa trên các đạo luật. Nói cách khác, người Mĩ cho phép các quan toà của họ không áp dụng các bộ luật tỏ ra là không hợp hiến trước mắt các quan toà.
Tôi biết rằng đôi khi đã có toà án các nước khác đòi hỏi có được cái quyền tương tự như vậy. Nhưng họ không bao giờ được trao quyền đó hết. Ở Mĩ, quyền đó được thừa nhận bởi tất cả các quyền lực khác. Không bắt gặp ở đây một đảng nào hoặc một cá nhân nào chống lại điều đó.
Để lí giải điều này, cần tìm về chính nguyên lí nằm trong các bản Hiến pháp Mĩ.
Ở Pháp, hiến pháp là một công trình bất biến hoặc giả định là bất biến. Không một quyền lực nào được coi là có thể thay đổi bất kì điều gì trong nó: đó là lí thuyết đã có. (Xem L)
Ở nước Anh, người ta thừa nhận nghị viện có quyền sửa đổi hiến pháp. Vậy là ở Anh hiến pháp có thể thay đổi không ngừng, mà cũng có thể coi như là chẳng có hiến pháp nữa. Nghị viện vừa là cơ quan lập pháp lại vừa là cơ quan lập hiến. (Xem M)
Ở nước Mĩ các lí thuyết chính trị giản dị hơn nhiều và duy lí hơn nhiều.
Một bản Hiến pháp Mĩ không hề bị coi là bất biến như ở Pháp; nó cũng không được phép sửa đổi bởi những bàn tay quyền lực bình thường của xã hội như ở nước Anh. Nó là một công trình đứng riêng, đại diện cho ý nguyện toàn thể nhân dân, bắt buộc các nhà lập pháp cũng như những công dân bình thường phải tuân thủ, song nó cũng có thể được thay đổi tuỳ theo nguyện vọng của nhân dân, [thực hiện] theo những hình thức được định sẵn và trong những trường hợp đã có dự kiến sẵn.
Vậy là ở nước Mĩ hiến pháp có thể thay đổi. Nhưng chừng nào nó còn tồn tại thì đó là nguồn của mọi quyền hành. Sức mạnh tối cao chỉ nằm trong một mình nó.
Thật dễ dàng nhìn xem những chỗ khác nhau đó có ảnh hưởng ra sao đối với các quyền của tổ chức tư pháp ba nước đã dẫn trên đây.
Nếu như ở Pháp, dựa trên những cơ sở bị coi là bất hợp hiến, các toà án có thể bất tuân luật pháp, khi ấy quyền hiến định sẽ thực sự nằm trong tay toà án, vì chỉ có toà án mới có quyền diễn giải một bản hiến pháp mà không ai có quyền thay đổi ngôn từ. Vậy là toà án được đặt vào vị trí của quốc gia và chế ngự toàn xã hội, nhất hạng là khi sự yếu kém cố hữu của quyền lực tư pháp cho phép họ làm điều đó.
Tôi biết rằng khi chúng ta từ chối cho các quan toà cái quyền tuyên bố luật pháp bất hợp hiến, thì chúng ta cũng gián tiếp trao cho tổ chức lập pháp cái quyền thay đổi hiến pháp, vì nó chẳng còn gặp thanh chắn nào ngăn bước nó lại nữa. Thế nhưng tốt hơn cả vẫn là trao quyền của nhân dân thay đổi hiến pháp vào tay những con người đại diện ý nguyện nhân dân một cách không hoàn hảo, còn hơn là trao cho những con người chỉ đại diện cho chính họ.
Hẳn sẽ còn vô lí hơn nữa việc trao vào tay các quan toà người Anh cái quyền cưỡng lại ý nguyện của cơ quan lập pháp, bởi vì nghị viện, là nơi làm luật, cũng là nơi làm ra hiến pháp, và do đó, trong bất kì trường hợp nào người ta cũng vẫn không thể tuyên bố một bộ luật nào đó là bất hợp hiến khi bộ luật đó là do ba cơ quan quyền lực cùng tạo ra.
Chẳng lập luận nào trong hai loại lập luận nói trên lại áp dụng được ở nước Mĩ.
Tại Hoa Kì, hiến pháp chế ngự cả các nhà lập pháp cũng như các công dân bình thường. Hiến pháp là bộ luật đầu tiên của mọi bộ luật, và không thể chỉ dùng một bộ luật mà sửa nó cho được. Nó chính là cái mà một khi các toà án phục tùng hiến pháp thì cũng coi như là phục tùng tất cả các bộ luật khác. Đây chính là bản chất thực sự của quyền lực tư pháp: có thể nói cái quyền tự nhiên của người pháp quan là chọn lựa trong những công cụ pháp lí những cái nào trói quyền lực tư pháp chặt nhất.
Ở Pháp, hiến pháp cũng là bộ luật hàng đầu của mọi bộ luật, và các vị quan toà đều có quyền như nhau lấy nó làm cơ sở cho mọi quyết định của mình. Nhưng khi thực thi quyền đó, họ không thể không dẫm chân lên một quyền khác thiêng liêng hơn quyền của họ: quyền của xã hội để nhân danh đó các quan toà hành động. Ở chỗ này, cái lí thông thường phải lui bước nhường chỗ cho cái lí của quốc gia.
Ở Mĩ, nơi đây bằng cách thay đổi hiến pháp, quốc gia luôn luôn có khả năng buộc các pháp quan phải phục tùng, thì chẳng có gì đáng ngại sẽ xảy ra một nguy cơ tương tự. Về điểm này, chính trị và logic đã đồng tình được với nhau, và nhân dân cùng với quan logic đều cùng duy trì được như nhau các đặc quyền của mình.
Khi đứng trước toà án của Hoa Kì mà người ta viện dẫn một đạo luật bị quan toà coi là trái với hiến pháp, ông ta có thể từ chối áp dụng bộ luật đó. Đó là cái quyền duy nhất chỉ có pháp quan ở Mĩ mới có, nhưng từ đó lại nảy sinh ra cả loạt ảnh hưởng về chính trị.
Thật vậy, hiếm có những bộ luật nào lại thoát được khỏi sự phân tích [phê phán] chúng ngay từ bản chất chúng, bởi vì hiếm có bộ luật nào lại không đụng chạm đến một lợi ích riêng và những người khiếu kiện không thể hoặc không được viện dẫn ra trước các phiên toà.
Thế mà, khi viên quan toà từ chối áp dụng một bộ luật trong một vụ án, thì ngay lập tức bộ luật ấy bị mất đi một phần sức mạnh tinh thần của nó. Khi ấy, những người bị bộ luật đó đưa ra toà đã được cảnh báo rằng họ còn có một phương tiện để tránh nghĩa vụ phải tuân theo bộ luật ấy: các vụ án gia tăng lên, và bộ luật đó rơi vào tình trạng bất lực. Khi đó sẽ diễn ra một trong hai điều sau: nhân dân thay đổi hiến pháp hoặc ngành lập pháp điều chỉnh luật.
Vậy là người Mĩ đã trao cho các toà án của họ một quyền lực chính trị vô biên. Nhưng bằng cách bắt buộc toà án chỉ được công kích các bộ luật bằng phương tiện pháp chế, quyền lực đó cũng giảm hiểm nguy đi rất nhiều.
Một khi viên quan toà có quyền công kích các bộ luật theo cách dùng lí lẽ và tổng quát; một khi viên quan toà có quyền đề xuất việc kiểm duyệt nhà lập pháp, khi đó ông ta cũng tưng bừng bước được vào sân khấu chính trị. Khi trở thành kẻ vô địch hoặc kẻ đối lập của một phe phái, ông ta cũng huy động được mọi đam mê đang chia rẽ đất nước cùng ông ta vào cuộc tranh đấu. Nhưng khi viên quan toà tiến công một bộ luật trong một cuộc tranh tụng không ai biết và liên quan đến một trường hợp riêng rẽ, thì ông ta đã đánh cắp đi mất một phần tầm quan trọng của cuộc đấu tranh trước con mắt mọi người. Quyết định của ông ta khi đó chỉ có mục đích là đánh vào một lợi ích riêng rẽ; luật pháp có bị sứt mẻ chỉ là chuyện tình cờ.
Vả chăng, luật pháp bị kiểm duyệt như vậy vẫn chẳng hề bị thủ tiêu: sức mạnh tinh thần của nó có giảm đi, nhưng tác động vật chất của nó chẳng hề bị treo. Nó chỉ gục hẳn sau khi dần dần chịu đựng những cú đánh liên tiếp của công việc điều chỉnh pháp luật.
Hơn nữa, ta dễ dàng nhận ra rằng khi để cho quyền lợi riêng khơi động việc kiểm duyệt luật pháp, bằng cách gắn bó chặt chẽ vụ án phù hợp theo luật với vụ án phù hợp theo con người, thì cũng bảo đảm được rằng đó không phải chỉ là chuyện tiến công nhẹ nhàng vào công việc lập pháp. Trong hệ thống làm việc này, nền lập pháp không còn chịu trận hàng ngày trước những cuộc tiến công của các phe phái. Bằng cách chỉ ra những sai sót của nhà lập pháp, con người tuân thủ một nhu cầu thực tế: xuất phát từ một sự kiện thực và có thể đánh giá được, vì đó chính là cái được dùng làm cơ sở cho một vụ án.
Tôi không dám chắc rằng cung cách hoạt động này của các toà án nước Mĩ, là cái có lợi hơn cả cho trật tự công cộng liệu có đồng thời cũng là cái có lợi hơn cả cho tự do.
Nếu viên quan toà chỉ có thể tiến công các nhà lập pháp một cách trực diện, thì có thể có lúc họ ngại làm điều đó. Lại còn có những người khác thì vì tinh thần phe phái mà ngày nào cũng dám chơi như thế. Vậy thì sẽ xảy ra tình hình là luật pháp chỉ bị tiến công một khi quyền lực tạo ra những luật lệ đó bị suy yếu, còn khi nó mạnh thì con người đi theo không dám làu bàu cãi lại. Tức là nhiều khi người ta tiến công vào luật pháp vào cái lúc việc tuân thủ nó hẳn là có ích lợi hơn, và người ta sẽ lại tuân thủ nó khi có thể nhân danh nó mà dùng vào công việc đàn áp [tự do].
Nhưng viên quan toà nước Mĩ bất đắc dĩ bị lôi vào địa hạt chính trị. Ông ta chỉ phán xét luật pháp vì ông ta phải ngồi xét xử một vụ án, và ông ta không thể ngừng công việc xử án. Vấn đề chính trị mà ông ta phải giải đáp gắn bó với lợi ích của những người khiếu kiện, và ông ta không thể từ chối giải quyết chuyện kiện cáo đó mà lại cự tuyệt không xét xử. Ông ta có hành vi công dân ngay khi thực hiện những nhiệm vụ hạn hẹp áp đặt cho nghề pháp quan. Thực ra thì, theo cách này, việc thông qua các toà án để thực hiện việc kiểm duyệt pháp luật không thể mở rộng vô hạn độ sang tất cả các bộ luật, điều này không thể xảy ra khi sự phản đối chỉ có nội dung rõ rệt trong một phát biểu gọi là một vụ án. Và khi có khả năng phản đối như thế, ta có thể thấy ngay rằng làm gì còn có ai muốn đứng ra xét xử các toà án.
Người Mĩ luôn luôn cảm nhận được điều bất tiện này, nhưng họ để mặc cho việc chữa chạy nửa chừng, vì họ sợ làm cho quyền lực tư pháp có được một sự hiệu quả nguy hiểm.
Dù đã bị thu lại trong phạm vi eo hẹp, song quyền lực dành cho các toà án nước Mĩ được tuyên các bộ luật bất hợp hiến vẫn tạo thành một trong những vật cản mạnh mẽ nhất chưa từng ở đâu dựng lên nổi để chống lại sự độc tài của các tập hợp chính trị [các nghị viện].
CÁC QUYỀN KHÁC TRAO CHO CÁC QUAN TOÀ NƯỚC MĨ
Ở Hoa Kì, tất cả các công dân đều có quyền tổ cáo công chức trước các toà án bình thường. − Các công dân sử dụng quyền đó như thế nào. − Điều 75 hiến pháp nước Pháp năm VIII. − Người Mĩ và người Anh không thể hiểu nổi ý nghĩa của điều này.
Tôi không biết có cần nói rằng, với những con người tự do như người Mĩ, tất cả các công dân đều có quyền kết tội các công chức trước các quan toà bình thường, và tất cả các quan toà đều có quyền kết án các công chức, và điều đó diễn ra thật giản dị tự nhiên.
Cho phép các toà án trừng phạt các nhân viên ngành hành pháp vi phạm luật pháp không phải là trao một đặc quyền riêng nào đó cho họ. Đó là lấy đi của họ một quyền lực tự nhiên hơn là bảo vệ quyền đó cho họ.
Tôi không thấy trong cái việc ở Hoa Kì người ta buộc tất cả các công chức phải chịu trách nhiệm trước các toà án là việc làm suy yếu những rường cột của chính quyền.
Ngược lại, tôi cảm thấy rằng người Mĩ khi hành động như vậy đã làm gia tăng sự kính trọng cần có đối với những người nắm quyền cai trị, và những người này càng phải chăm lo hơn nữa để thoát khỏi bị phê phán.
Tôi cũng chẳng hề nhận xét rằng ở Hoa Kì người ta đưa ra xử nhiều vụ án chính trị, và tôi có thể dễ dàng tự lí giải điều này cho mình. Bất kể bản chất ra sao, một vụ án bao giờ cũng là một công việc khó khăn và tốn kém. Kết án một con người của công chúng trên báo chí thì dễ, nhưng việc người ta quyết định đưa ai đó ra trước công lí thì không thể thiếu những lí do có đủ sức nặng. Muốn đem khởi tố một viên chức, cần phải nại được một cái cớ đúng đắn. Thế mà người viên chức thì chẳng khi nào cung cấp một cái cớ như vậy khi họ ngại bị khởi tố.
Điều này không phải là do cách thức người Mĩ chọn chế độ cộng hoà của mình, vì chuyện như thế cũng xảy ra hàng ngày ở nước Anh.
Hai dân tộc này không nghĩ rằng họ đã bảo đảm được tính độc lập bằng cách cho phép đem xét xử những tác nhân quyền lực chính của mình. Họ nghĩ rằng thông qua những vụ án nho nhỏ trao hàng ngày vào tay những công dân bé mọn nhất thì họ có thể bảo đảm được nền tự do, hơn là tổ chức những vụ tố tụng lớn không cần cho mọi người hoặc giả khi có tổ chức được thì mọi chuyện cũng muộn mất rồi.
Vào thời Trung Thế kỉ, khi người ta còn khó khăn mới tóm được bọn tội phạm, và khi các quan toà tóm được vài ba tên, thì họ liền trừng trị những kẻ khốn khổ này bằng những nhục hình khủng khiếp. Song việc đó vẫn chẳng làm giảm được số người phạm tội. Ngay từ đó người ta đã phát hiện ra rằng làm cách gì cho công lí vừa chắc chắn lại vừa nhẹ nhàng thì càng làm cho công lí có hiệu quả.
Người Mĩ và người Anh nghĩ rằng cần đối xử với sự độc đoán và nạn bạo hành như đối xử với nạn ăn cắp: làm cách gì đuổi bắt nó dễ dàng nhưng trừng phạt nó thì lại nhẹ đi.
Vào năm VIII của nền Cộng hoà Pháp, có bản hiến pháp với điều 75 được viết như sau: “Ngoài các bộ trưởng ra, phải có quyết định của Hội đồng Nhà nước thì những nhân viên chính phủ mới có thể bị khởi tố vì những việc liên quan đến thực thi chức trách; trong trường hợp này, việc khởi tố diễn ra tại các toà án thông thường”.
Hiến pháp năm thứ VIII được thông qua, nhưng điều khoản này thì không, song nó vẫn cứ tồn tại, và ngày lại ngày người ta vẫn đem nó ra để chống lại những kháng nghị đúng đắn của các công dân.
Tôi nhiều lần tìm cách làm cho người Mĩ hoặc người Anh hiểu ý nghĩa điều khoản 75 này, và lần nào thì cũng rất khó thực hiện ý đồ.
Điều mà người Mĩ và người Anh nhìn thấy ngay, ấy là cái Hội đồng Nhà nước ở Pháp là một toà án lớn đặt nằm giữa vương quốc; tất cả những điều khiếu kiện trước hết phải được gửi về đặt trước mặt cái thứ bạo chúa đó đã.
Nhưng khi tôi tìm cách giải thích cho họ rằng Hội đồng Nhà nước không phải là một tổ chức tư pháp theo nghĩa thông thường, mà đó là một tổ chức hành chính có các thành viên nằm dưới quyền nhà vua, đến độ là nhà vua, sau khi đã ra oai vua ban lệnh cho một bầy tôi, gọi là một viên quan đầu tỉnh, làm một điều bất chính nào đó, rồi cũng ông vua đó lại có quyền ra oai vua ban lệnh cho một bầy tôi khác, gọi là một uỷ viên Hội đồng Nhà nước, trao cho viên quan này cái quyền ngăn cản việc trừng trị viên quan kia. Khi tôi chỉ ra cho người Mĩ và người Anh thấy rằng người công dân, bị dẫn ra toà theo lệnh của một người hoàng tộc, lại bị buộc phải xin chính người hoàng tộc kia cho phép anh ta được hưởng công lí, thì họ
không chịu tin vào những điều quái đản ấy, và họ kết tội tôi là dối trá và chẳng biết quái quỷ gì.
Thường xảy ra trong nền quân chủ chuyên chế cũ việc nghị viện biểu quyết câu lưu người công chức phạm pháp. Đôi khi, nhà vua có quyền can thiệp và xoá bỏ việc tố tụng. Khi đó, kẻ chuyên quyền lộ diện, và nếu ta tỏ ra phục tùng thì đó là ta đã cúi đầu khuất phục sức mạnh.
Chúng ta đã lui bước xa hơn cái điểm cha ông ta đã đạt được. Vì dưới danh nghĩa công lí, chúng ta đã để mặc mọi chuyện xảy ra, và chúng ta cũng nhân danh luật pháp mà thừa nhận cái điều chỉ bạo lực mới áp đặt được mà thôi.
CHÚ THÍCH
(L)
Tính bất khả chuyển đổi này trong hiến pháp nước Pháp là một hệ quả bắt buộc từ các bộ luật của nước ta.
Và để nói luôn về cái luật quan trọng nhất trong tất cả các luật, cái luật quy định việc nối dõi ngai vàng, còn có thứ gì bất khả biến chuyển nguyên tắc hơn là cái trật tự chính trị xây dựng trên cơ sở tự nhiên cha truyền con nối? Vào năm 1814, vua Louis XVIII đã thừa nhận lại tính trường tồn này của bộ luật truyền dõi về chính trị nhằm làm lợi cho gia đình ông. Những người làm công việc xử lí những hệ quả của cuộc cách mạng năm 1830 đã bắt chước cách làm đó: có điều là họ đã tạo ra sự trường tồn của bộ luật nhằm làm lợi cho gia đình khác. Về việc này họ đã bắt chước ông tổng chưởng lí Meaupou, người khi dựng lại nghị viện mới trên những hoang tàn của nghị viện cũ, đã cẩn thận tuyên bố trong cùng một pháp lệnh rằng các pháp quan mới cũng không bị thay đổi thuyên chuyển như thể chế vẫn dành cho những người tiền nhiệm họ.
Các bộ luật năm 1830, và cả của năm 1814 thì cũng vậy, không chỉ ra bất kì biện pháp nào để thay đổi hiến pháp. Thế mà ai ai cũng thấy rằng các biện pháp thông thường trong pháp chế đều không đủ để làm việc này.
Nhà vua có quyền hành nhờ đâu? Nhờ hiến pháp. Còn các vị nguyên lão? Cũng nhờ hiến pháp. Thế các nghị viên? Cũng nhờ hiến pháp. Làm cách gì mà các ông vua, các vị nguyên lão, các nghị viên cùng nhập lại với nhau có thể thay đổi một bộ luật mà chỉ nhờ vào đó họ mới có quyền cai trị? Ngoài hiến pháp, họ chẳng là cái gì hết: vậy họ sẽ đứng trên mảnh đất nào để mà thay đổi hiến pháp? không thể khi thế này khi thế khác: hoặc giả họ bất lực trước hiến chương, họ muốn ra sao thì hiến chương vẫn tiếp tục tồn tại và họ cứ tiếp tục nhân danh nó mà ngự trị; hoặc là họ thay đổi được hiến chương, và khi đó sẽ không tồn tại nữa cái bộ luật nhờ có nó thì mới có họ, thả ra cho riêng họ thì họ chẳng còn là cái gì hết. Khi thủ tiêu hiến chương thì họ cũng bị tiêu diệt.
Điều này còn rõ nét hơn nữa trong các luật năm 1830 so với luật năm 1814. Năm 1814, quyền của nhà vua như thể nằm ngoài và nằm trên hiến pháp. Nhưng đến năm 1830, như nó tự nói ra, tự nó đã tạo ra chính cái hiến pháp đó, và nó tuyệt nhiên chẳng là gì hết nếu không có hiến pháp ấy.
Vậy là một bộ phận hiến pháp của ta là bất khả biến chuyển, bởi vì nó bị gán với vận mệnh một gia đình; còn toàn bộ hiến pháp thì cũng bất khả biến chuyển, bởi vì chẳng thấy đâu là biện pháp hợp pháp để thay đổi nó cả.
Tất cả những điều như thế không thể áp dụng được cho nước Anh. Nước Anh không có hiến pháp thành văn, vậy ai có thể nói đến việc thay đổi hiến pháp đây?
(M)
Những tác giả đáng trọng nhất viết về hiến pháp nước Anh như thể đua nhau viết lấy được về cái chất “toàn quyền” của nghị viện.
Delolme viết ở chương X trang 11: “It is a fundamental principle with the English lawyers, that the parliament can do every thing, except making a woman a man or a man a woman. (Luật gia Anh có nguyên tắc cơ bản là nghị viện có thể làm đủ mọi điều ngoại trừ việc biến đàn ông thành đàn bà và biến đàn bà thành đàn ông mà thôi).
Blackstone so với Delolme còn giải thích triệt để hơn nữa nếu không muốn nói là quyết liệt hơn nữa, sau đây là vài ba hàng:
“Quyền lực và pháp quyền của nghị viện, nói theo Sir Eduard Coke (4 Hist, 36 − Sách Lịch sử tập 4 trang 36), quá rộng và quá chuyên quyền cho cả con người lẫn công việc, đến độ là chẳng còn có giới hạn nào khống chế họ nữa… Ông nói thêm, người ta có thể nói chính xác về cái “triều đình” (nghị viện) này như sau: si antiquitatem spectes est verustissima; si dignitatem, est honoratissima; si juridictionem, est capacissima. Quyền hành của nghị viện, tối thượng và bất khả giám sát, có thể xác nhận, mở rộng, thu hẹp, ban bố, thu hồi, thay mới và giải thích các bộ luật liên quan đến mọi vấn đề, đặt tên giáo đoàn, thế tục, dân sự, quân sự, hàng hải, hình sự. Chính tại nghị viện là nơi bản hiến pháp của các vương quyền kia đã giao phó sự chuyên quyền ấy vào một chốn nào đó trong các chính phủ. Thông qua cái [nghị viện như một loại] toà án đặc biệt kia mà người ta bày tỏ những mối bất bình, kiếm tìm những phương thuốc chữa chạy, và ban ra những quyết định ngoài con đường bình thường của luật pháp. Nghị viện có quyền xử lí hoặc thay đổi việc nối dõi ngai vàng, như nó đã làm dưới triều vua Henry VIII và Guillaune III; nó có thể thay đổi tôn giáo quốc gia đã xác lập như từng làm nhiều dịp dưới thời vua Henry VIII và con cái vị vua này; nó có thể thay đổi và tạo ra hiến pháp mới cho vương quốc và tạo ra ngay cả những nghị viện nữa, như nó từng làm qua quyết định sáp nhập Anh và Scotland, và thông qua các định chế khác nhau nó có thể định ra các cuộc bầu cử ba năm hoặc bảy năm một lần. Nói tóm lại, nó có thể làm mọi thứ gì bình thường là bất khả thi: vì vậy mà người ta đã chẳng ngần ngại gì mà không gọi nó bằng một hình ảnh có thể là quá bạo, gọi là sự toàn quyền của nghị viện.”