Những tiêu chí của tính khoa học trong kinh tế (Phần cuối)

Những tiêu chí của tính khoa học trong kinh tế (Phần cuối)

Chúng ta đã tìm trong những qui định của phương pháp luận khoa học và trong những kiến giải mới nhất về lịch sử các khoa học, một tiêu chí đánh giá các lí thuyết. Những tiêu chí vững chắc nhất không có tính quyết định thế mà ta phải quyết định nếu muốn tri thức kinh tế tiến triển.

Nhằm mục đích đó, ta còn phải nhắc lại, một mặt những nét riêng của lĩnh vực kinh tế giải thích những đặc thù của lịch sử tư tưởng kinh tế và cách chúng được lí thuyết hoá, và mặt khác, những đòi hỏi của phương pháp luận khoa học và của tư duy duy lí.

Dù những nguyên lí kiến giải lịch sử các khoa học của Popper, Kuhn và Lakatos là những công cụ làm việc và tìm hiểu đáng chú ý, cần phải hiểu rằng kinh tế học không thể có, so với những tiêu chí khoa học, cùng một hành vi như trong những khoa học thực nghiệm được gọi là chín muồi như vật lí học và hoá học. Ví dụ, cần phải giải thích vì sao, nếu ta theo Hicks, kinh tế học có thể trải qua những “cuộc cách mạng” mà không có những bước phát triển trong nghĩa khoa học, vì sao sự phản bác không có cùng một vai trò như trong những khoa học tự nhiên hay vì sao những lí thuyết không tương hợp nhau vẫn tồn tại song song, v.v...

Những đặc điểm trong thực tiễn khoa học gắn liền với một số nét được tóm tắt qua bốn nhận xét sau:

1.   Đối tượng của khoa học kinh tế – lĩnh vực nhận thức của bộ môn này – là một đối tượng lịch sử. Những hiện tượng được khoa học này nghiên cứu là không thường trực cũng không lặp lại như những hiện tượng hợp thành cơ sở của các khoa học tự nhiên, và do đó những đều đặn các nhà kinh tế thử phát hiện luôn là mong manh và ngẫu nhiên. Như Hicks viết (1975: 307-327), “những hiện tượng kinh tế thay đổi không ngừng và thay đổi mà không lặp lại”. Trong những hiện tượng này, một số có tính duy nhất (một lạm phát hay một giai đoạn của tăng trưởng kinh tế trong một nước nào đó). Mỗi doanh nghiệp, mỗi người tiêu dùng cũng có một lịch sử riêng và không dễ quen với những đều đặn mà những lí thuyết gia quan tâm đến. Thế mà các nhà lí thuyết phải lựa trong những hiện tượng này, đơn giản hoá và loại bỏ để tìm ra những dạng với những chi tiết không lặp lại nữa.

Hơn nữa, do tính duy nhất của sự kiện lịch sử, thật là hoài công khi hi vọng tìm ra những qui luật hay những tất định chặt chẽ. Nhiều lắm là có thể phát hiện trong những sự kiện ấy những xu hướng mà không phải lúc nào cũng có thể dự báo những điểm đảo ngược (một điều quả là đáng quí). Do dó, tìm kiếm những qui luật hay khiêm tốn hơn những đều đặn kinh tế có ý nghĩa, là gần như tìm kiếm những quan hệ bất biến giữa những hiện tượng di chuyển trong cùng hướng nhưng theo những vận tốc và nhịp độ khác nhau trong thời gian. Ta hình dung là tham vọng này không ngừng đặt ra những vấn đề phương pháp luận không bao giờ giải quyết được một cách dứt điểm.   

Cuối cùng, cần nhắc lại rằng kinh tế học không phải là một khoa học thật sự thực nghiệm, vì ta không thể thật sự tái tạo lại những tình thế như trong phòng thí nghiệm; đúng hơn là một khoa học quan sát, như thiên văn học hay khí tượng học, và điều này không ngăn cản vận dụng những phương pháp khoa học, nhưng tất nhiên khiến việc áp dụng những kiểm định chặt chẽ đối với những phát biểu lí thuyết khó khăn hơn.

2.   Những hiện tượng kinh tế, do bản chất của chúng, không chỉ bị chuyển động lịch sử cuốn hút, nhưng sự quan tâm của các nhà kinh tế đến những hiện tượng này cũng thay đổi và do tính cấp bách tương đối của những “vấn đề” thời cuộc ấn định. Có thể nghĩ rằng những thay đổi chủ yếu trong các lí thuyết là những câu trả lời cho những vấn đề mới do những điều kiện mới về kinh tế, thể chế, v.v... đặt ra (Hutchison, 1978).

Wesley Mitchell, F. H. Knight, M. Friedman là những tác giả trong số những nhà kinh tế nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những biến cố hiện hành trong việc ấn định nội dung và dạng của những lí thuyết. Còn đối với J. R. Hicks, đây là yếu tố trung tâm trong sự kiến giải của ông về lịch sử tư tưởng kinh tế.

Theo ông, một số lí thuyết bị từ bỏ không phải vì chúng bị phản bác và thay thế bằng một lí thuyết tốt hơn nhưng vì với thời gian chúng đã không còn thích hợp nữa. Chính vì thế, trong kinh tế học, ta không có những cuộc “cách mạng khoa học” theo nghĩa kuhnian: phần lớn những cuộc cách mạng này là những “thay đổi mối quan tâm” hay thay đổi sự chú ý. Cuộc cách mạng keynesian là một thay đổi chủ yếu trong nghĩa trên. Không thể hình dung là Lí thuyết tổng quát được viết vào năm 1900. Keynes đã viết tác phẩm này dựa vào thời buổi ông sống và sự “thay đổi mối quan tâm” thể hiện trong những trước tác của ông là do những biến động và tai hoạ tiền tệ những năm 1920-1935 gây nên.   

Theo quan niệm này, những lí thuyết mới, có thể gặt hái những thành công lớn, không nhất thiết đem lại cho khoa học một “lợi thế thường xuyên”. Không có hiện tượng không thể đảo ngược hay hiện tượng tích lũy lí thuyết. Lí thuyết hoá phụ thuộc mật thiết vào những vấn đề lịch sử đặt ra cho bối cảnh trong đó việc lí thuyết hoá được tiến hành. Điều này giải thích sự lặp lại của những lí thuyết cũ, ví dụ, sau Keynes, có sự đổi mới mà ta đã biết của tư tưởng cổ điển.

Quan niệm này là một kiểu nhìn từ bên ngoài (externaliste) về lịch sử tư tưởng kinh tế. Không nghi ngờ gì đó là nội dung lớn của lối giải thích này; nhưng trong phiên bản của R. J. Hicks, không còn vị trí nào cho tiến hoá nội tại của những lí thuyết cũng như cho những đổi mới thường xuyên được đưa vào phân tích kinh tế, dù cho đó là trường hợp của ví dụ được ưu tiên là lí thuyết keynesian, hay cho những cải tiến phương pháp luận mà Hicks công nhận tính hữu ích: các kĩ thuật kinh trắc học, qui hoạch tuyến tính, v.v...    

3.   Lí do chủ yếu khiến kinh tế học không tuân thủ những qui tắc phương pháp luận như những khoa học thực nghiệm khác là do tính chất của một khoa học “đạo đức và chính trị”, nghĩa là bộ môn này không ngừng liên can đến cuộc bàn luận và ra quyết định về những vấn đề cần có sự can thiệp của Nhà nước hay/và những đánh giá đạo đức hay chính trị.

Do đó rất khó tách biệt lí thuyết ra khỏi ứng dụng của nó, mặt chuẩn tắc và mặt thực chứng của lí thuyết, mặt này tác động đến mặt kia trong một một mối tương quan qua lại không có ranh giới rõ ràng. Tình hình này kéo theo nhiều lệch lạc trong việc đánh giá có phê phán, mà trong các khoa học vật lí không có những lệch lạc tương tự.

Ví dụ, đó là trường hợp của cạnh tranh hoàn hảo được xem là một tình thế đưa đến một phân bổ tối ưu trong nghĩa Pareto. Như Samuelson đã viết: “cảm tưởng là trong một nghĩa nào đó cạnh tranh hoàn hảo tượng trưng cho một tình thế tối ưu chưa bao giờ vắng mặt trong những tác phẩm chính của kinh văn”. Các nhà kinh tế khi vấp phải một phản bác thực nghiệm của một mệnh đề kinh tế thực chứng trong đó bao gồm giả thiết cạnh tranh hoàn hảo, có xu hướng gạt bỏ phản bác này vì việc hơn thua vượt quá mệnh đề đặc biệt này và đụng ngay đến toàn bộ khái niệm hiệu quả kinh tế.

Một ví dụ khác về tác động ngược của những đánh giá chuẩn tắc trên nội dung thực chứng có thể thấy được trong cách mà lí thuyết những dự kiến duy lí[10] được phát triển. Cuộc tranh luận về học thuyết trọng tiền không chỉ cáo giác một lí thuyết mô tả, mà còn liên quan nhiều đến những biện pháp kinh tế và những đánh giá chính trị. Lí thuyết những dự kiến duy lí không dựa trên việc đâu là lí thuyết có khả năng đúng nhất về sự hình thành những dự kiến. Ngược lại, ý cho rằng các tác nhân kinh tế đồng tình xem một mô hình đặc biệt X là cách mô hình hoá đúng đắn sự vận hành của nền kinh tế là một ý ít có khả năng xảy ra do có quá nhiều mô hình kinh tế cạnh tranh nhau. Ý này cũng không dựa trên sự kiểm định về những dự báo của nó.

Do đó tiếng tăm của giả thiết những dự kiến duy lí không do khả năng có thật của giả thiết này hay của nội dụng được xác minh của nó nhưng là vì hình như giả thiết này có thể bảo vệ và làm trẻ lại quan niệm trọng tiền trong kinh tế học vĩ mô. Bởi thế chính những hệ quả chuẩn tắc của giả thiết, chứ không phải giá trị khoa học, thực chứng của nó, giải thích sự thành công của giả thiết này.

Trong nhiều trường hợp tương tự, những khía cạnh chính trị của một lí thuyết lấn át những khía cạnh phân tích và làm đảo ngược quá trình của phương pháp luận khoa học.

4.   Cuối cùng có thể nhắc lại những quan sát của T. W. Hutchison, trong tác phẩm Về những cuộc cách mạng và sự tiến bộ của tri thức kinh tế (1978: 319-320). Hutchison mạo hiểm đề xuất ý là có lẽ kinh tế học đã trở nên quá “đồ sộ”, về mặt đối tượng cũng như kích thước của nội dung khoa học của bộ môn này, khiến cho ngày nay không thể có một cuộc “cách mạng” nào, hiểu trong nghĩa của một lí thuyết tổng quát hay coi kinh tế học như một thể thống nhất. Ông cho rằng bộ môn đã trở nên đa dạng và chia thành nhiều nhánh (kinh tế học công cộng, kinh tế học giao thông vận tải, kinh tế học sức khỏe, kinh tế học giáo dục, kinh tế học văn hoá, kinh tế học quốc phòng, v.v...) và mỗi lĩnh vực có con đường đi riêng, khá độc lập với một “trung tâm” do những lí thuyết tổng quát hợp thành. 

Tuy nhiên, T. W. Hutchison thêm rằng có lẽ có thể dự đoán một cuộc cách mạng khác, một cuộc cách mạng phương pháp luận nhằm chấm dứt việc thiết kế những lí thuyết “tổng quát” theo một chương trình được đề xướng từ cuối thế kỉ XVII mà ngày nay, như J. S. Mill và Alfred Marshall đã linh cảm, chỉ có những năng suất vô cùng giảm dần. “Thay vì chờ đợi một Newton hay một Einstein mới, có thể là sẽ nhiều hứa hẹn hơn khi đi tìm lại những thành tố lịch sử, thể chế và tâm lí của đề tài chúng ta, đã được gói trọn thật khéo léo trong Của cải của các dân tộc”.                

Những điểm chúng tôi vừa nêu góp phần giải thích vì sao, ở cấp độ những sự kiện, kinh tế học không có tính chất thường gặp trong thực tiễn của những phòng thí nghiệm của các khoa học chính xác.

Sự thật là khoa học kinh tế gồm có những tri thức chuẩn tắc bên cạnh những tri thức thực chứng, và thường thì sự phân biệt này không phải bao giờ cũng rõ ràng. Tình hình này không chỉ là chấp nhận được, chính đáng; đó còn là một trong những lí do tồn tại của kinh tế học. Nhưng phải nhắc lại rằng khoảng cách gần nhau giữa sự chuẩn tắc và thực chứng không làm cho việc lẫn lộn chúng trở nên chính đáng, vì nằm ở giữa còn có yếu tố quyết định là sự đánh giá đạo đức hay chính trị. Nhà kinh tế nào muốn có một thái độ khoa học trước hết cần phải làm cho những ưa thích ý thức hệ chính đáng của mình che khuất làm lu mờ đi đánh giá của mình về những hiện tượng thuộc về tri thức thực chứng, để khỏi có lẫn lộn giữa điều mình mong muốn với cái tồn tại.

Nhằm mục tiêu này, việc hiểu biết và sử dụng một phương pháp luận khoa học nhất định có thể là một khuyến nghị cho các nhà kinh tế vì đây là một việc không tự nhiên đối với họ và họ cũng chưa được học lúc được đào tạo lí thuyết. Điều này có thể giúp tránh việc vận dụng đến những mưu mẹo miễn nhiễm (stratagèmes immunisateurs) thường được dùng để phục vụ cho những niềm tin chính đáng hay không (xem một chứng minh xuất sắc trong Le Pen, 1987: 119-129; xem thêm Walliser, 1987: 153-165 và Walliser và Prou, 1988, III, 3). Nếu nhà kinh tế muốn xứng đáng với danh hiệu một nhà khoa học thì phải từ chối một thái độ thuần túy phòng thủ, nghĩa là gạt bỏ mọi phản bác đối với những luận điểm của mình và những bác bỏ có thể có, nếu không sẽ có nguy cơ là tình hình tương tự như hiện nay, khi ta thấy là nhân danh khoa học nhiều lí thuyết trái ngược nhau được bảo vệ, sẽ còn duy trì mãi.

Có thể người ta cho rằng điều này là không thể được và rằng những tri thức khoa học chỉ là công cụ tu từ phục vụ cho những mục tiêu chính trị cơ bản mà những nhà kinh tế chỉ là những luật sư biện hộ? Tất nhiên việc đánh giá những lí thuyết là khó khăn và không chắc chắn, luôn có thể bị tiến trình lịch sử xét lại. Nhưng phải nhấn mạnh đến cái gì là khách quan trong hiểu biết kinh tế và nhắc lại rằng một đánh giá chuẩn tắc, dựa trên những hiểu biết đã được kiểm định, là vững chắc hơn một quan niệm có nguồn gốc ở sự phòng thủ ý thức hệ hay ở tình cảm độ lượng và hào hiệp. Tức là trong công việc nghiên cứu không thể có sự phân chia giữa điều gì thuộc về hệ tư tưởng và điều gì thuộc về khoa học nếu không có một cố gắng của nhà nghiên cứu để đảm nhận cả hai mặt này và chấp nhận một khoảng cách nhất định giữa hai mặt.

(Hết)

Chú thích

(1) Xem mục “Dự kiến duy lí” trong Từ điển phân tích kinh tế của Guerrien, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).↩

Nguồn dịch: Phantichkinhte123:Những tiêu chí của tính khoa học trong kinh tế

Dịch giả:
Nguyễn Đôn Phước