Hy Lạp: Câu chuyện cảnh báo sớm về nhà nước phúc lợi
Rất ít quốc gia dân chủ đương thời có thể trở thành câu chuyện về thất bại thể chế đáng chú ý như Hy Lạp. Dù có một lịch sử chính trị đầy biến động trong thế kỉ XX, nền kinh tế Hy Lạp đã xác lập vị thế qua những thập niên kiến tạo thịnh vượng thực sự, cho đến khi các đảng phái chủ chốt của đất nước này bắt đầu cạnh tranh trên nền tảng chủ nghĩa nhà nước phúc lợi, vốn dựa vào chủ nghĩa dân túy và ban phát ơn huệ. Nhà nghiên cứu về kinh tế và luật Aristides Hatzis đã chỉ ra việc theo đuổi lợi ích chính trị trong ngắn hạn thông qua các chính sách dựa trên chủ nghĩa nhà nước đã sản sinh ra tham nhũng, nợ nần và suy đổ chính trị như thế nào. Là giáo sư giảng dạy triết học luật pháp và học thuyết thể chế tại Đại học Athens và là tác giả của các bài viết về khủng hoảng Hy Lạp trên trang GreekCrisis.net.
Nước Hy Lạp hiện đại đã trở thành biểu trưng cho phá sản kinh tế và chính trị, một thử nghiệm tự nhiên về sự thất bại thể chế. Thật không dễ để một quốc gia được đưa vào các giáo trình như là ví dụ cho quá nhiều khuyết tật, cứng nhắc và méo mó thể chế. Nhưng chính phủ Hy Lạp đã làm được điều này. Và Hy Lạp là câu chuyện cảnh báo cho tất cả những quốc gia khác.
Hy Lạp từng được xem như một câu chuyện thành công. Và cũng có thể xem là câu chuyện thành công lớn cho nhiều thập kỉ. Tỉ lệ tăng trưởng trung bình của Hy Lạp trong nửa thế kỉ (1929 – 1980) là 5,2%, trong khi Nhật Bản cùng kì chỉ tăng trưởng với tốc độ 4,9%.
Các con số trên càng ấn tượng hơn nếu xét đến tình hình chính trị không hề bình thường của Hy Lạp trong giai đoạn này. Từ năm 1929 đến 1936, nền chính trị Hy Lạp biến động với các cuộc đảo chính, xung đột chính trị nóng bỏng, các thời kì độc tài ngắn ngủi và nỗ lực đồng hóa hơn 1,5 triệu người tị nạn từ Tiểu Á (chiếm khoảng 1/3 dân số Hy Lạp vào thời điểm đó). Từ năm 1936 đến 1940, Hy Lạp được nắm giữ bởi chế độ độc tài cánh hữu với rất nhiều điểm tương đồng so với chế độ độc tài tại Châu Âu cùng thời. Trong Thế chiến II (1940 và 1944), Hy Lạp là một trong những quốc gia chịu thiệt hại nhiều nhất xét về số người thiệt mạng. Ngay khi Thế chiến II vừa kết thúc, cuộc Nội chiến dữ dội và tàn khốc lại nổ ra (với hai giai đoạn: 1944 và 1946-1949) sau cuộc nổi loạn có tổ chức từ phía đảng Cộng sản. Nước Hy Lạp từ 1949 đến 1967 là ví dụ điển hình về nền dân chủ phi tự do mang tính áp đặt, thiếu quy định pháp luật. Đến 21 tháng Tư, 1967, một ủy ban quân sự đã cướp chính quyền và cai quản Hy Lạp cho tới tháng Bảy 1974, thời điểm đánh dấu Hy Lạp trở thành quốc gia theo chế độ dân chủ tự do hiến định. Nền kinh tế của Hy Lạp vẫn phát triển mặc cho chiến tranh, nổi loạn, chế độ độc tài và nền chính trị hỗn loạn.
Bảy năm sau khi đi theo chế độ dân chủ hiến định, chín thành viên khi ấy của Cộng đồng châu Âu đã chấp nhận Hy Lạp làm thành viên thứ mười (trước cả Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha). Vì sao lại như vậy? Đây là một quyết định đa phần mang tính chính trị nhưng nó cũng căn cứ vào sự tăng trưởng kinh tế kéo dài nhiều thập kỉ, bất chấp việc Hy lạp còn nhiều điểm yếu kém và khó khăn. Hy Lạp khi gia nhập EC có tỉ lệ nợ công là 28% GDP, nhưng tỉ lệ thâm hụt ngân sách ít hơn 3% GDP, và tỉ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 2 hoặc 3%.
Nhưng đây chưa phải là phần kết của câu chuyện.
Hy Lạp trở thành thành viên của EC vào ngày mùng 1 tháng Một năm 1981. Mười tháng sau (tháng Mười năm 1981) đảng Xã hội chủ nghĩa của Andreas Papandreou (Đảng PASOK) lên nắm quyền với nghị trình mang tính chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa nhà nước cực đoan, trong đó bao gồm cả việc ra khỏi EC. Tất nhiên không có ai ngu ngốc đến mức thực thi lời hứa như vậy. Hy Lạp, với đảng PASOK cầm quyền, vẫn ở lại EC nhưng đã thay đổi cục diện kinh tế và chính trị chỉ trong một vài năm.
Cuộc khủng hoảng ngày nay ở Hy Lạp chủ yếu là hậu quả từ các chính sách với tầm nhìn hạn hẹp của đảng PASOK, xét trên hai khía cạnh quan trọng:
- Chính sách kinh tế của đảng PASOK là một thảm họa; chúng tạo ra một hỗn hợp chết người trong đó nhà nước phúc lợi cồng kềnh phi hiệu quả kết hợp với sự can thiệp cứng nhắc và điều tiết quá đà đối với khu vực tư nhân.
- Hậu quả chính trị để lại của đảng PASOK còn nghiêm trọng hơn trong dài hạn, do những thành công về mặt chính trị của nó đã biến đảng Bảo thủ Hy Lạp (đảng “Dân chủ mới”) thành một bản sao tồi tệ của chế độ PASOK. Từ năm 1981 đến 2009 hai đảng chủ yếu cung cấp phúc lợi theo chủ nghĩa dân túy, thân hữu, nhà nước can thiệp, gia đình trị, bảo hộ mậu dịch và gia trưởng. Cứ như vậy chúng cùng tồn tại.
Cuộc cạnh tranh tai hại giữa các đảng trong việc cung cấp cho các nhóm cử tri ân huệ, phúc lợi kiểu chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa nhà nước đầy tính trục lợi đã mang lại kết cục như ngày nay.
Đâu là động cơ của sự tăng trưởng?
Sự thịnh vượng được tạo ra thông qua trao đổi và hợp tác tự nguyện. Một trao đổi tự nguyện không phải là trò chơi có tổng bằng không mà trong đó phần thu được bằng phần bị mất. Đây là trò chơi có tổng dương trong đó hình thành một giá trị gia tăng và giá trị này được chia sẻ cho các bên tham gia. Những trao đổi không tự nguyện thường là trò chơi có tổng âm, vì trong những trường hợp này phần mất mát của bên thua cuộc lớn hơn rất nhiều so với phần thưởng dành cho bên thắng cuộc. Một kẻ có thể đâm bạn trong hẻm và lấy đi 40 Euro từ ví bạn, nhưng chi phí điều trị y tế và những gì bạn phải chịu đựng chắc chắn vượt xa 40 Euro. Điều này cũng giống như những cuộc tranh đấu chính trị nhằm tái phân phối phúc lợi. Các bên liên quan đến gánh chịu phí tổn cho những nguồn lực khan hiếm – để tước đoạt và tránh bị tước đoạt lẫn nhau. Tổng những phí tổn này có lẽ lớn hơn nhiều so với giá trị phúc lợi được tái phân phối.
Sự thịnh vượng, dù dưới dạng của cải, phát triển kinh tế, hay tăng trưởng, cũng đều tương quan thuận chiều với số trao đổi tự nguyện được diễn ra. Vai trò của chính phủ trong cơ chế này là bảo vệ những quyền làm nền tảng cho trao đổi tự nguyện và cho phép người dân tạo ra của cải. Chính phủ có thể hỗ trợ cơ chế này bằng cách đảm bảo quyền sở hữu và duy trì hiệu lực cho các giao kèo (từ đó làm thị trường “ổn định”, vốn là ý nghĩa căn bản của “sự điều tiết”) và có thể cũng bằng cách can thiệp thận trọng vào những nơi có thất bại thị trường, nhưng không làm méo mó thị trường và gây ra những thất bại chính phủ còn to lớn và tai hại hơn.
Đa số các chính phủ đương thời đã tự chiếm cho mình một vai trò khác, tham vọng hơn và nguy hiểm hơn. Không “điều tiết” bằng cách tạo ra những quy định rõ ràng giúp thị trường vận hành ổn định, mà can thiệp một cách tùy tiện; không hỗ trợ các giao dịch trong thị trường mà còn cấm cản chúng; không bảo vệ các giao dịch có tổng dương để tạo ra phúc lợi mà lại thay thế chúng bằng những giao dịch có tổng âm thông qua trợ cấp và chi tiêu chính phủ. Đa số các chính trị gia ngày nay tin tưởng rằng nếu bạn chi tiêu đủ nhiều bạn sẽ tạo ra tăng trưởng, và nếu không có tăng trưởng là do họ chi không nhiều như mức cần thiết. Lối tăng cường chi tiêu chính phủ như vậy đã dẫn đến khủng hoảng Hy Lạp, nhưng nó không chỉ xảy ra ở riêng Hy Lạp, bởi một cơ chế tương tự đã dẫn đến sự kiện hạ bậc tín nhiệm tín dụng đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, và dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ chủ quyền (sovereign debt) của châu Âu ngày nay.
Chi tiêu là lựa chọn thường thấy của giới chính trị gia bởi nó giúp thu được nhiều phiếu bầu trong ngắn hạn; dù sao thì cuối cùng, trong dài hạn chúng ta đều chết cả thôi, hoặc ít nhất ta không cầm quyền. Chiêu thức này cũng phổ biến với các cử tri bởi họ có có xu hướng xem trợ cấp chính phủ như của trời cho. Họ không nghĩ rằng tiền bạc xuất phát từ túi họ, mà là từ “chính phủ”, hay ít nhất là túi của một ai đó.
Quay trở lại năm 1974, lúc các chính trị gia Hy Lạp lãng quên thực trạng kinh tế. Sau khi chế độ độc tài quân đội sụp đổ, ngay cả chính phủ của đảng bảo thủ cũng đã quốc hữu hóa các ngân hàng và tập đoàn, trợ cấp cho các hãng, và tăng cường quyền lực của nhà nước phúc lợi. Tuy vậy, những chính sách này vẫn còn nằm trong giới hạn nếu so sánh với những việc chính phủ xã hội chủ nghĩa PASOK cầm quyền lần đầu tiên đã làm trong những năm 1980. Sau năm 1981, sự can thiệp của nhà nước tăng lên, điều tiết của chính phủ và chủ nghĩa thân hữu đã trở thành thế lực thống trị. Đây cũng là chính sách của mọi chính phủ Hy Lạp cho tới năm 2009, trừ hai trường hợp: một là giai đoạn ngắn đầu thập niên 1990 khi các nhà cải cách thuộc đảng Bảo thủ đã thất bại thảm hại trong hầu hết các nỗ lực cải tổ, và hai là thời kì khác thành công hơn ngay trước khi Hy Lạp gia nhập Khu vực đồng Euro năm 2002 dưới bàn tay các nhà cải cách đảng Xã hội chủ nghĩa. Nhưng ngay cả trong những thời kì này những con số báo cáo cũng là giả dối và sự cải tổ cơ cấu chỉ ở mức tối thiểu.
Nguồn tiền ở đâu giúp chính phủ có thể chi tiêu nhiều đến vậy khi biết rằng Athens đúng là thủ phủ trốn thuế của thế giới? Khi tổng thu ngân sách của chính phủ bị giới hạn do khoản trốn thuế khổng lồ và hệ thống thu thuế cũ kỹ phi hiệu quả, thì nguồn tiền còn lại ắt đến từ các khoản kết chuyển của Liên minh châu Âu và, tất nhiên, từ vay mượn. Tác giả Thomas Friedman trên tờ New York Times đã khéo léo chỉ ra, “Hy Lạp, than ôi, sau khi tham gia EU vào năm 1981, thực sự đã trở thành một quốc gia dầu mỏ Trung Đông khác – chỉ có điều thay vì giếng dầu, Hy Lạp có Brussels để bơm các khoản trợ cấp, viện trợ và đồng Euro có lãi suất thấp cho Athens.”
Việc vay mượn đã trở nên dễ dàng và rẻ hơn sau khi Hy Lạp sử dụng đồng Euro vào năm 2002. Kể từ năm đó, Hy Lạp được hưởng một thời kỳ bùng nổ tăng trưởng kéo dài dựa trên nguồn tín dụng dồi dào với giá rẻ. Thị trường trái phiếu không phải lo lắng về lạm phát cao hay đồng tiền mất giá nữa, nên nó tài trợ cho các khoản thâm hụt tài khoản vãng lai khổng lồ. Việc này dẫn đến một khoản nợ công gây tê liệt trị giá 350 tỉ Euro (một nửa trong đó là nợ ngân hàng nước ngoài) nhưng quan trọng hơn nó dẫn tới một tác động tiêu cực ít khi được đem ra thảo luận:
Các khoản kết chuyển từ EU và tiền vay mượn chảy trực tiếp vào chi tiêu tài chính, thay vì vào tiết kiệm, đầu tư, cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa hoặc phát triển thể chế.
“Phút tiệc tùng” của Hy Lạp với đồng tiền của những nước khác kéo dài đến 30 năm và – tôi phải thừa nhận rằng – chúng tôi rất thích bữa tiệc này! Thu nhập bình quân đầu người chạm mốc $31.700 vào năm 2008, cao thứ 25 thế giới, hơn cả Italy và Tây Ban Nha, và cao hơn 95% thu nhập bình quân trung bình châu Âu. Hy Lạp đạt mức phát triển con người và chất lượng cuộc sống cao thứ 20 trên thế giới. Nếu bạn bị ấn tượng bởi những con số này, thì hãy nhớ rằng chúng không phản ánh không đầy đủ thực tế, bởi nền kinh tế ngầm của Hy Lạp còn có thể chiếm tới 25 – 30% GDP nữa!
Đa số các khoản thu nhập không được báo cáo đều liên quan đến trốn thuế. Kể cả năm 2010, 40% người dân Hy Lạp không trả bất kì một loại thuế nào và khoảng 95% các đơn kê khai thuế ở mức ít hơn 30.000 Euro một năm. Trốn thuế lan rộng khiến ngân sách nhà nước thất thu 20 – 30 tỉ Euro mỗi năm, tương đương ít nhất hai phần ba lượng thâm hụt ngân sách trong năm 2009.
Hy Lạp sa lầy trong suy thoái đạo đức và kinh tế. Hãy xem vở bi hài kịch tai tiếng về những bể bơi ở Athens. Bể bơi là chỉ báo cho sự giàu có ở Hy Lạp, do đó chúng được sử dụng để phát hiện trốn thuế. Vào năm 2009, chỉ 364 cá nhân thừa nhận họ có bể bơi tại nhà. Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy thực tế có hơn 16.974 bể bơi tư nhân tại Athens. Có nghĩa là chỉ 2,1% số người sở hữu bể bơi nộp bản kê khai thuế trung thực. Câu hỏi thú vị ở đây không phải là tại sao 97,9% lại nói dối, mà là tại sao số 2,1% không nói dối, bởi việc trốn thuế ở Hy Lạp đã quá phổ biến.
Nói dối trở thành một cách sống ở Hy Lạp. Đương nhiên, một người có thể lý luận rằng nói dối để bảo vệ những gì mình đã tạo dựng là hợp lý. Nhưng ở Hy Lạp của cải không được tạo ra, mà đơn giản chỉ được vay mượn. Năm 1980 nợ công chiếm 28% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhưng 1990 đã lên tới 89% và đầu năm 2010 là hơn 140%. Thâm hụt ngân sách từ dưới 3% năm 1980 lên 15% vào năm 2010. Chi tiêu chính phủ năm 1980 chỉ chiếm 29% GDP; 30 năm sau (2009) đã lên 53,1%. Những số liệu trên bị che giấu bởi chính phủ Hy Lạp tới tận 2010 khi mà họ phải thừa nhận rằng Hy Lap thực tế không đáp ứng đủ các yêu cầu gia nhập khu vực Đồng Euro. Chính phủ Hy Lạp thậm chí còn thuê các công ty ở Wall Street, đáng chú ý nhất là Goldman Sachs, để giúp họ biến hóa các con số và lừa những người cho vay.
Tình trạng đáng buồn của nền kinh tế Hy Lạp là hậu quả của 2 yếu tố:
- Tính phi hiệu quả và nạn tham nhũng của nhà nước phúc lợi Hy Lạp; và
- Một loạt những trở ngại cho những giao dịch kinh tế tự nguyện, được tạo ra bởi những can thiệp mang tính phúc lợi xã hội.
Theo bản điều tra Doing Business thường niên của Ngân Hàng Thế Giới năm 2012, Hy Lạp đứng thứ 100 trên 183 nước về mức độ thuận tiện trong kinh doanh. Đương nhiên, đây là nơi tệ nhất trong Liên Minh Châu Âu (EU) và Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OECD). Hy Lạp, một thành viên của EU trong 13 năm qua, và của Eurozone trong 10 năm, giàu 25 thế giới, đứng dưới Columbia, Rwada, Việt Nam, Zambia và Kazakhstan. Như Wall Street Journal nói mỉa: “một đất nước ắt đã phải rất cố gắng mới đạt được vị trí tệ thế này.” Chính sách của chính phủ Hy Lạp không thân thiện với hệ thống tự do kinh doanh và sở hữu tư nhân, kèm theo đó là nguồn lao động và sự lưu thông vốn bị cản trở nghiêm trọng, thường được bao biện bằng những thứ như “đoàn kết xã hội” và “công bằng”.
Để mở doanh nghiệp ở Hy Lạp năm 2010, bạn cần trung bình 15 ngày và 1101 Euro trong khi mức trung bình của EU là 8 ngày và 417 Euro. Khai thuế mất 224 giờ một năm tại Hy Lạp; tại đất nước giàu nhất của Liên Minh Châu Âu là Luxembourg, bạn chỉ mất 59 giờ. Chỉ số về bảo vệ nhà đầu tư còn đáng buồn hơn: 154 trên 183. Chỉ số tốt nhất của Hy Lạp là đóng cửa doanh nghiệp, đứng thứ 43.
Hầu như tất cả các ngành nghề ở Hy Lạp đều bị điều tiết và liên minh ngầm với nhau ở mức cao, gây tốn kém cho người tiêu dùng và cản trở quá trình tạo ra của cải. Bộ máy quan liêu kém hiệu quả tiêu tốn của Hy Lạp 7% GDP, gấp đôi mức trung bình của châu Âu.
Quan liêu thường là mầm mống của tham nhũng. Theo một báo cáo của Transparency International, những tham nhũng nhỏ tiêu tốn khoảng 800 triệu Euro vào năm 2009, tức tăng thêm 39 triệu Euro so với năm 2008.
Không ngạc nhiên khi Hy Lạp là nền kinh tế kém cạnh tranh nhất trong 27 thành viên của EU. Theo Chỉ Số Cạnh Tranh Toàn Cầu của Diễn đàn Kinh Tế Thế Giới năm 2010-2011, Hy Lạp xếp hạng 83, dưới cả Việt Nam, Jordan, Iran, Kazakhstan, Nambia, Botswana và Rwanda. Theo báo cáo World Investment tại Hội nghị của Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển năm 2011, Hy Lạp đứng thứ 119 trên 141 nước nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây là kết quả của một môi trường kinh doanh không khuyến khích nghiệp chủ phát triển , nơi có chi phí hành chính cao và quá nhiều tham nhũng.
Những người Hy Lạp ủng hộ nhà nước phúc lợi đã thuyết phục nhiều người rằng những phúc lợi của họ là “những quyền xã hội.” Sẽ là tự sát chính trị nếu một chính trị gia hoặc một đảng cắt một khoản đáng kể nào khi mà cả xã hội đã quá quen với những “quyền” được ban sẵn và cấu trúc dân số đang già đi được hứa hẹn những khoản phúc lợi khổng lồ về nghỉ hưu và y tế.
Hy Lạp là một ví dụ sách giáo khoa về thế hệ được hưởng “những quyền” không bền vững. Chính phủ chi 10.600 Euro phúc lợi xã hội cho một người nhưng thu về chỉ 8.300 Euro. Điều này gây ra thâm hụt 2.300 Euro trên mỗi người.
Cùng lúc, mức lương ở khu vực công đã tăng 44% (từ năm 1996 tới 2009). (Trong một số ngành mức lương còn tăng tới 86%.). Nhân viên nhận 14 tháng lương một năm, trong đó có 2 tháng thưởng (một cho Giáng Sinh, một nửa vào lễ Phục Sinh và một nửa vào kỳ nghỉ hè). Lương hưu cũng tăng đều.
Một người đàn ông Hy Lạp làm việc 35 năm trong khu vực công có quyền được nghỉ hưu với khoản lương hưu hào phóng ở tuổi 58. Phụ nữ thậm chí còn nghỉ hưu sớm hơn; nếu một phụ nữ có con chưa trưởng thành bà ta có thể nghỉ hưu ở tuổi 50. Tuổi nghỉ hưu trung bình ở Hy Lạp là 61; ở Đức là 67. Dân số trong độ tuổi trên 65 của Hy Lạp được dự đoán tăng từ 18% năm 2005 lên 25% năm 2030.
Ai đó có thể lập luận rằng với cái giá quá đắt cho nhà nước phúc lợi (19% GDP vào năm 1996, 29% năm 2009) thì ít nhất nó cũng tạo ra môi trường an ninh và giảm thiểu bất bình đẳng ở một mức độ nào đó. Chuyện này không xảy ra ở Hy Lạp! Cho dù y tế và giáo dục là “miễn phí”, các gia đình vẫn phải trả 45% chi phí (phần lớn là hối lộ bác sĩ, y tá, và các nhân viên nhà nước). Nhiều (2,5%) hộ gia đình Hy Lạp khánh kiệt hàng năm vì chi phí y tế. Điều tương tự xảy ra với giáo dục. Tuy giáo dục miễn phí ở mọi cấp độ, các gia đình Hy Lạp chi nhiều (bao gồm cả thuê gia sư) hơn bất cứ nước nào trong EU.
Bữa tiệc dài bằng tiền đi vay cũng đến lúc tàn. Và sau nó là cơn nôn nao hiển hiện. Giờ là lúc để tỉnh lại, hơn là tiếp tục với đến bình rượu nợ công. Chủ nghĩa thân hữu và tham nhũng phải bị loại trừ và các thị trường cần được tự do. Mọi người phải có quyền tự do làm giàu thông qua những giao dịch tự nguyện. Chế độ kẻ cắp (kleptocracy) của Hy Lạp phải được thay thế bởi chế độ pháp trị. Một mạng lưới an sinh cho những người nghèo thiếu may mắn không thể là lời bào chữa cho những gói phúc lợi xa xỉ hướng tới tầng lớp quyền lực và giàu có, bỏ lại những người nghèo và yếu thế trong tình cảnh còn tệ hơn.
Bài học rút ra là sự phát triển kinh tế và thịnh vượng không thể là kết quả của việc chính phủ vay mượn và chi tiêu. Thịnh vượng đến từ cơ chế thị trường, từ giao dịch tự nguyện, từ tiết kiệm, đầu tư, làm việc, sản xuất, sáng tạo và giao thương. Chính phủ đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra chế độ pháp trị, môi trường an ninh, và hệ thống luật pháp để những giao dịch tự nguyện có thể diễn ra; chính phủ đã bỏ ngơ những trách nhiệm trên khi nó tạo ra một bộ máy quan liêu cồng kềnh, những lợi ích không bền vững, và một hệ thống bòn rút, tham nhũng, đặc quyền và thiếu trung thực.
Tình cảnh khó khăn của Hy Lạp nằm ở mức nghiêm trọng. Nó không thể được giải quyết trong một đêm. Nhưng nó có thể được giải quyết, với bài thuốc thích hợp.
Nguồn: Tom G. Palmer, After the Welfare State, Jameson Books, Inc., 2016