![[Tinh thần dân chủ] Chương 11: Châu Phi, vượt qua quyền lực cá nhân (Phần 5)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k22071_13.5_(1).jpg)
[Tinh thần dân chủ] Chương 11: Châu Phi, vượt qua quyền lực cá nhân (Phần 5)
DÂN CHỦ CÓ THỂ HOẠT ĐỘNG Ở CHÂU PHI?
Về bản chất, những thách thức trước sự sống còn của dân chủ ở châu Phi không khác biệt nhiều so với những khu vực khác, nhưng thâm nhập sâu hơn và cực đoan hơn. Cũng như ở nhiều nước Mỹ Latin, ở các nước thuộc Liên Xô cũ, và ở châu Á, dân chủ đang được kiểm nghiệm để xem nó có khả năng quản lý hiệu quả hay không. Cũng như ở những khu vực khác, thách thức sâu sắc nhất là ngăn chặn tham nhũng, bởi vì khi các nguồn lực công cộng bị hút đi một cách vô tội vạ và các quan chức chỉ làm vì mục đích riêng của họ chứ không phải vì lợi ích công cộng thì quản trị và phát triển sẽ bị thiệt hại, mâu thuẫn càng gia tăng và người dân quay sang với những chế độ khác.
Ngoài ra, còn có thách thức của quá trình phát triển quản trị dân chủ, tức là tạo điều kiện cho phe đối lập cơ hội hợp lí trong việc thay thế những người đang nắm quyền. Không có khu vực nào có nhiều nước lưỡng lự giữa dân chủ và dân chủ giả hiệu hơn là châu Phi. Một số nước như Nam Phi và Ghana, đã tổ chức những cuộc bầu cử độc lập và hiệu quả đã được thiết chế hóa, còn một vài nước dân chủ khác như Mali thì khá tự do, nhưng trong phần lớn các nước khác ở châu Phi, các quyền tự do dân sự bị hạn chế, quyền của phe đối lập không nhiều, và những cuộc bầu cử thì đầy những vụ gian dối đến mức có thể hỏi những chế độ này có còn là dân chủ theo bất cứ nghĩa nào nữa hay không.
Ở một số quốc gia, dân chủ bị thu hẹp vì một đảng giữ thế thượng phong. Ở Botswana và Nam Phi, điều này xảy ra trong khung cảnh có khá nhiều tự do và quản trị tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây xu hướng ở Nam Phi đã trở thành tiêu cực, kết quả là Freedom House hạ điểm tự do của nước này. Bạo lực lan tràn, làm cho nước này trở thành một trong những nước có tỉ lệ giết người cao nhất thế giới, cản trở đầu tư và giảm niềm tin của của xã hội, và nhiều nhà quan sát nhận xét có dấu hiệu cho thấy “tham nhũng đang lan tràn”, đặc biệt là xung đột lợi ích giữa chính phủ và các quan chức của đảng cầm quyền. Năm 2005, một vụ bê bối hối lộ liên quan đến một hợp đồng mua tàu hải quân buộc tổng thống Thabo Mbeki phải sa thải phó tổng thống của ông, Jacob Zuma, nhưng người ta nói rằng lý do chính là cuộc tranh giành quyền lực giữa hai ông này. Không có những cuộc điều tra quyết liệt, “chế độ dân chủ non trẻ của Nam Phi đang bắt đầu trở thành món đồ trang sức vô giá trị”, một cựu đảng viên đảng cầm quyền và cũng là nghị sĩ quốc hội đã từ chức để phản đối, nói như thế.1
Không có đảng đối lập với đảng Đại hội Dân tộc châu Phi (ANC), mức độ tập quyền và kỉ luật trong ANC, và sự giám sát thiếu hiệu quả của quốc hội đối với ngành hành pháp đã làm mất hiệu lực của chế độ mặc dù nước này có một trong những bản hiến pháp tự do nhất và tòa án hiến pháp mạnh nhất. Và vì hệ thống đại diện theo tỉ lệ của nước này đã tách đại biểu quốc hội khỏi các khu vực cho nên hầu như không một người Nam Phi nào biết ai đại diện cho mình trong quốc hội (trong khi, trong một nước châu Phi trung bình, khoảng một nửa công dân biết ai là người đại diện cho mình). Kết quả là, sự thờ và sự bất mãn gia tăng.2 Người Nam Phi vẫn là những người ủng hộ mạnh mẽ dân chủ và những nguyên lí của tự do, và hài lòng với cách thức hoạt động của dân chủ ở đất nước họ hơn mức trung bình của châu Phi.3 Nhưng, trong cuộc điều
tra năm 2006, trong năm người chỉ có khoảng hai người nói rằng cuộc bầu cử tạo điều kiện cho cử tri loại bỏ những nhà lãnh đạo mà họ không muốn (so với 47% tất cả những người châu Phi được khảo sát.)4
Ở Mozambique, đảng cầm quyền hạn chế tự do hơn. Di sản của cuộc nội chiến, kết thúc năm 1992, vẫn còn làm căng thẳng thêm cuộc ganh đua giữa đảng cầm quyền, FRELIMO, và đối thủ chính của nó, RENAMO, và “những người theo dõi độc lập nói rằng có những sai sót nghiêm trọng trong cuộc bầu cử và kiểm phiếu” trong cuộc bầu cử năm 2004. Nhà nước kiểm soát hầu như “tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng” (cũng như rất nhiều phương tiện in ấn.)1 Tham nhũng lan tràn và các nhà báo điều tra tham nhũng có thể phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Cuộc đấu tranh chính trị ở châu Phi phần lớn vẫn là cuộc giao tranh giữa pháp trị và nhân trị. Tuy nhiên, hầu hết các chế độ dân chủ châu Phi, không nhiều thì ít, đều bị tổn thất vì sự tập trung quyền lực vào tay tổng thống. Khi lãnh đạo đối lập lâu năm của Senegal, Abdoulaye Wade, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, chấm dứt bốn thập kỉ cầm quyền của Đảng Xã hội, một số người hi vọng sẽ có một thời đại dân chủ mới, được xây dựng trên một số truyền thống về tự do tư tưởng và đa nguyên lâu đời nhất lục địa. Nhưng càng ngày, vị tổng thống già đang lão hóa, Wade, càng giành thêm quyền lực và nguồn lực vào tay mình và tay những người trong gia đình của mình. Năm 2004, ông cách chức thủ tướng Idrissa Seck, vì sợ rằng Seck cạnh tranh với ông ta trong việc kiểm soát đảng cầm quyền. Đầu tiên Seck bị buộc tội tham ô, sau đó là tội phản quốc, trước khi những cáo buộc này bị bãi bỏ và ông được thả sau mấy tháng tù đày. Cuối cùng, Seck tranh cử tổng thống, nhưng theo báo cáo
chính thức, ông này chỉ giành được 16% phiếu; tạo điều kiện cho Wade, theo báo cáo giành được 56%, tránh được vòng bầu cử thứ hai. Trong những năm trước khi Wade tái tranh cử vào năm 2007, những nhà báo, nhà hoạt động chính trị, ca sĩ, và marabouts (những nhà lãnh đạo tinh thần của người Hồi giáo), lên tiếng chỉ trích Wade hoặc ủng hộ phe đối lập đều bị đe dọa về thể xác và bị bạo hành.2 Những người chỉ trích cáo buộc rằng cuộc bầu cử bị lu mờ bởi việc mua bán phiếu bầu, một người bỏ nhiều phiếu và cản trở phe đối lập bỏ phiếu.
Mặc dù có thành tích kinh tế rất mờ nhạt, Wade vẫn có thể huy động được người ủng hộ. Theo một nhà hoạt động hàng đầu, công cụ chính của ông là tham nhũng – mua chuộc các chức sắc tôn giáo, các nhà lãnh đạo xã hội dân sự, các nhà quản lý ở địa phương, các sĩ quan quân đội và các thành viên phe đối lập trong quốc hội bằng tiền bạc, bằng các khoản vay, bằng hộ chiếu ngoại giao, và những khoản ưu tiên ưu đãi khác. Bây giờ, người ta cho rằng vị tổng thống đã tám mươi tuổi đang chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm mà ông ta chọn – chính là con trai của ông ta.1 “Ông ta đã phá hủy tất cả các tổ chức, trong đó có các đảng chính trị. Ông ta đã mua chuộc được phe đối lập và lèo lái quốc hội”, nhà hoạt động này nói với tôi. “Người dân rất nghèo và Wade kiểm soát tất cả mọi thứ. Nếu bạn cần một cái gì đó, bạn phải đồng hành với ông ta”. Châu Âu và Mỹ (không có viện trợ của những nước này, chính phủ của Wade khó mà hoạt động được) không có phản ứng gì. Nhà hoạt động này than thở: Đề cập tới việc bảo vệ những nguyên tắc chứ không phải cung cấp tiền, ông nói: “Chúng tôi chờ đợi nhiều hơn từ các nhà tài trợ.”2
Ở Trung và Đông Âu, đặc biệt là các nước thành viên mới của Liên minh châu Âu, người ta có ý thức rất cao về tính tất yếu của chế độ dân chủ: giá phải trả cho việc từ bỏ dân chủ là quá lớn, không cho phép trở lại với chế độ độc tài. Nhưng các nước châu Phi chưa đạt đến mức độ thực dụng như thế để có thể củng cố chế độ dân chủ. Sự kiện là chế độ quân sự hầu như đã biến mất khỏi lục địa này không có nghĩa là không bao giờ còn đảo chính nữa, hoặc sau khi giành được quyền lực, những nhà cai trị cứng rắn mới sẽ không – như viên sĩ quan trẻ tuổi, cấp thấp, Yahya Jammeh từng làm ở Gambia – “chính quy hóa” địa vị của họ bằng cách thay bộ quân phục bằng trang phục truyền thống và lập ra một đảng chính trị độc đoán. Mười ba năm sau khi viên trung úy Jammeh, lúc đó mới có hai mươi chín tuổi, giành được quyền lực trong một cuộc bạo loạn quân sự vào năm 1994, tái đắc cử trong cuộc bầu cử năm 2006 với những vụ gian lận lớn, trong khi viện trợ nước ngoài vẫn cung cấp tới một nửa ngân sách của chính phủ. Các nhà tài trợ quốc tế không thể tỏ ra cứng rắn với một nhà độc tài trẻ tuổi và vô dụng trong một đất nước nhỏ bé, chỉ có 2 triệu dân thì họ còn có thể tỏ ra cứng rắn ở đâu?
Tuy nhiên, nếu bức tranh của châu lục này trông có vẻ yếu ớt và làm người ta nản lòng, thì cũng có một số căn cứ chắc chắn để có thể hi vọng. Dân chủ tồn tại – và với mức độ tự do cao nhất trên lục địa này – ở Mali, đất nước không có biển và rất nghèo. Chắc chắn là, những thách thức là cực kì to lớn và có thể là những thách thức chết người: các đảng chính trị yếu ớt, nền tư pháp nhu nhược, nghèo đói tràn lan, bất bình đẳng sâu sắc, tham nhũng ngày một gia tăng và “sự phụ thuộc mang tính bệnh hoạn vào viện trợ của nước ngoài”. Nhưng đất nước đang xây dựng nền văn hóa dân chủ bền vững, dựa trên lòng tự hào về di sản của lòng bao dung; tính đa nguyên của các phương tiện truyền thông (với hơn 140 trạm phát thanh FM phủ kín diện tích cả nước); các tổ chức phi chính phủ gánh đỡ (có thể là quá nhiều) khả năng hạn chế của nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ; và việc phân cấp về chính trị đưa chính phủ đến gần hơn với người dân trong khi mở rộng khoản tiền đặt cược trong trò chơi dân chủ.1 Có thể thấy bức tranh hỗn tạp nhưng đáng lạc quan cho dân chủ ở Ghana. Mặc dù tham nhũng liên tục sinh sôi nảy nở, nội các của tổng thống phình ra, xung đột lợi ích, đỡ đầu tràn lan – Ghana nổi lên như là một trong những nền dân chủ tự do nhất và sôi động nhất ở châu Phi và (nếu không kể Nam Phi) hi vọng tốt nhất cho quá trình phát triển. Hệ thống tư pháp được độc lập nhiều hơn và có năng lực hơn trong hầu hết các nước ở châu lục này, trong khi giáo dục tốt hơn, cơ sở hạ tầng khá hơn và quản trị tốt hơn bắt đầu thu hút được các khoản đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, nền báo chí năng động và độc lập của Ghana đặt ra những câu hỏi và đòi hỏi trách nhiệm giải trình, còn các tổ chức dân sự như Trung tâm Phát triển Dân chủ tiến hành giám sát chính phủ và xây dựng các liên minh vì cải cách.
Nếu Ghana và các quốc gia châu Phi muốn phát triển bền vững, thì dân chủ phải tiến lên và tự do không cũng chưa đủ. Các thiết chế dân chủ sẽ phải làm việc tốt hơn nhằm ngăn chặn và hạn chế lạm dụng quyền lực, sao cho công việc chính của chính phủ là cung cấp lợi ích công cộng chứ không phải là lợi ích của tư nhân.
Chú thích:
(1) Andrew Feinstein, “South Africa’s Democracy in Trouble”, Spiegel Online, February 14, 2007, http://www.spiegel.de/international/0,1518, 4 65912,00. html.
(2) Robert Mattes, “South Africa: Democracy without the People”, Journal of Democracy 13 (January 2002): 22-36.
(3) Afrobarometer, “Where is Africa Going? Views from Below”, Working Paper no. 60, May 2006, pp. 16-23.
(4) Afrobarometer, “Citizens and the State in Africa: New Results from Afrobarometer Round 3”. Working Paper no. 61, May 2006, bảng l.2 và 2.1.
(5) Freedom House, Freedom in the World, 2006, pp. 491, 493
(6) Rose Skelton, “Senegal’s Rap Artists’ Despair Over 2007 Elections”, Voice of America, August 4, 2006, http://www.voanews.com/english/archive/2006-08/2006-08-04-voa32.cfm.
(7) Chính thức thì năm 2007, Wade tròn 81, nhưng ở Senegal có cách tính làm cho ông ta già thêm mấy tuổi.
(8) Vì sợ chính phủ trả thù, tôi không nói tên nhà hoạt động này, một nhà trí thức và hoạt động dân sự đáng kính. Tôi đã phỏng vấn ông sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 2 năm 2007.
(9) Robert Pringle, “Democratization in Mali: Putting History to Work”, Peaceworks no. 5B, U.S. Institute of Peace, October 2006, http://www.usip.org/pubs/peaceworks/pwks58.html.
Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)