Vốn con người

Vốn con người

Đối với hầu hết mọi người, vốn có nghĩa là một tài khoản ngân hàng, một trăm cổ phiếu của IBM, dây chuyền sản xuất, hay các nhà máy thép ở khu vực Chicago. Tất cả đều là các dạng thức của vốn theo nghĩa chúng là tài sản tạo ra thu nhập và những đầu ra có ích khác trong thời gian dài.

Tuy nhiên, những dạng thức hữu hình đó không là loại vốn duy nhất. Việc đi học ở trường, khóa đào tạo về máy tính,  chi tiêu cho chăm sóc y tế, và những bài giảng về giá trị của thói quen đúng giờ và đức tính trung thực cũng chính là vốn. Bởi vì chúng góp phần cải thiện thu nhập, tăng cường sức khỏe, hay trang bị thêm những thói quen tốt cho cá nhân trong phần lớn cuộc đời của anh ta. Do vậy, các nhà kinh tế xem chi tiêu cho giáo dục, đào tạo, chăm sóc y tế, và v.v… là đầu tư vào vốn con người. Chúng được gọi là vốn con người vì con người không thể tách rời khỏi kiến thức, kỹ năng, sức khỏe, hay những giá trị khác của bản thân tương tự như kiểu tách rời con người khỏi tài sản tài chính và tài sản vật chất của họ.

Giáo dục, đào tạo và sức khỏe là những khoản đầu tư quan trọng cho vốn con người. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng giáo dục trung học và đại học ở Mỹ là nhân tố góp phần cải thiện thu nhập cá nhân rất đáng kể, ngay cả khi đã khấu trừ chi phí trực tiếp và gián tiếp của việc đi học ở trường, và thậm chí là sau khi tính đến thực tế người có trình độ giáo dục cao thường có chỉ số IQ tốt hơn, có phụ huynh giàu có và học cao hơn. Bằng chứng tương tự tồn tại trong nhiều năm nay đã xuất hiện ở hơn 100 quốc gia khác biệt về văn hóa và hệ thống kinh tế. Thu nhập của những người có trình độ giáo dục cao hầu như luôn vượt xa mức trung bình, mặc dù nhìn chung thì lợi ích từ trình độ học vấn ở các nước kém phát triển là lớn hơn.

Xét về chênh lệch thu nhập giữa người tốt nghiệp đại học và người tốt nghiệp trung học ở Mỹ trong vòng 50 năm qua. Cho đến đầu những năm 1960, người tốt nghiệp đại học có thu nhập cao hơn 45% so với người tốt nghiệp trung học. Trong những năm 1960, mức chênh lệch về thu nhập của người tốt nghiệp đại học vọt lên gần 60%, nhưng giảm xuống còn dưới 50% vào những năm 1970. Sự sụt giảm vào những năm 1970 đã khiến cho các kinh tế gia và giới truyền thông lo ngại về tình trạng “người Mỹ có trình độ học vấn vượt mức”. Thực tế, năm 1976, kinh tế gia của trường Harvard, Richard Freeman, đã viết tác phẩm có tựa đề Người Mỹ có trình độ học vấn vượt mức (The Overeducated American). Sự sụt giảm nhanh chóng đáng kể trong lợi suất từ việc đầu tư cho giáo dục khiến cho người ta hoài nghi liệu giáo dục và đào tạo có thực sự giúp nâng cao năng suất hay chỉ đơn thuần cung cấp những chỉ báo (‘những bảo chứng’) về tài năng và năng lực.

Tuy nhiên, thu nhập về tiền bạc có được từ giáo dục đại học đã lại tăng rõ rệt trong suốt những năm 1980, đạt mức cao nhất kể từ những năm 1930. Các nhà kinh tế Kevin M. Murphy và Finis Welch đã chứng minh rằng mức chênh lệch tiền lương của người có bằng đại học đạt mức trên 65% trong những năm 1980. Mức chênh lệch này tiếp tục tăng trong những năm 1990, và vào năm 1997 đạt mức hơn 75%. Thu nhập của luật sư, kế toán viên, kỹ sư và các chuyên gia có kinh nghiệm khác đã có mức tăng đặc biệt nhanh. Những bàn cải xung quanh vấn đề người Mỹ có trình độ học vấn vượt mức đã biến mất, thay bằng mối quan tâm đến vấn đề liệu rằng nước Mỹ có cung cấp được nền giáo dục và đào tạo tương xứng cả về chất lẫn về lượng hay chưa.

Mối quan tâm này là chính đáng. Mức tiền lương thực tế của người trẻ tuổi bỏ dỡ trung học đã giảm đi hơn 25% kể từ những năm đầu thập niên 1970. Tuy nhiên, mức sụt giảm này bị thổi phồng lên do phương pháp tính lạm phát được dùng để tính tiền lương thực tế đã khuếch đại tỉ lệ lạm phát trong giai đoạn đó (xem thêm Chỉ số giá tiêu dùng). Tiền lương thực tế của người trẻ tuổi bỏ dỡ trung học duy trì ổn định từ năm 1995 đến 2004, nghĩa là, với chỉ số giá nhất định được dùng để điều chỉnh lạm phát trong mức tiền lương, các mức lương này có tăng đôi chút.

Tư tưởng xem giáo dục bậc cao như là hình thức đầu tư cho vốn con người giúp cho chúng ta hiểu lý do tại sao tỷ phần những người tốt nghiệp trung học tiếp tục học đại học tăng giảm theo thời gian. Ví dụ, khi lợi ích có được từ chiếc bằng đại học giảm trong những năm 1970, tỷ phần số người da trắng tốt nghiệp trung học tiếp tục học đại học đã giảm – từ mức 51% vào năm 1970 xuống còn 46% vào năm 1975. Nhiều nhà giáo dục dự đoán rằng số lượng đăng ký nhập học đại học sẽ tiếp tục giảm trong những năm 1980, một phần là do lực lượng thanh niên trong độ tuổi 18 đang giảm xuống, nhưng học phí cũng đang tăng nhanh chóng. Họ đã dự báo sai lầm về người da trắng. Tỷ phần người da trắng tốt nghiệp trung học tiếp tục học đại học tăng dần trong những năm 1980, đạt mức 60% trong năm 1988, tạo ra lượng tăng tuyệt đối về số người da trắng đăng ký nhập học đại học bất chấp lực lượng trong độ tuổi học đại học đang co hẹp lại. Tỷ phần này tiếp tục tăng đến mức cao kỷ lục đạt 67% vào năm 1997 rồi giảm nhẹ xuống mức 64% vào năm 2000.

Thực tế này thực sự có ý nghĩa. Ích lợi của giáo dục đại học, như đã được đề cập, đã tăng trong giai đoạn những năm 1980 và 1990. Học phí và chi phí thực đã được khử lạm phát có mức tăng khoảng 39% từ năm 1980 đến 1986, và đạt mức hơn 20% từ năm 1989 đến 2000 (một lần nữa, áp dụng các chỉ số giá khiếm khuyết sẵn có để khử lạm phát). Nhưng đối với hầu hết sinh viên đại học, học phí và các lệ phí không phải là chi phí lớn nhất của việc học đại học. Tính trung bình, ¾ chi phí cá nhân của việc học đại học – chi phí do bản thân sinh viên và gia đình của sinh viên gánh chịu – chính là thu nhập mà sinh viên đại học phải hy sinh do không tham gia lực lượng lao động. Một thước đo tốt cho “chi phí cơ hội” này là thu nhập mà một người vừa mới tốt nghiệp trung học có thể kiếm được từ việc làm toàn thời gian. Trong suốt những năm 1980 và 1990, thu nhập mất đi này tăng khoảng 4% tính theo giá trị thực. Vì vậy, ngay cả khi học phí thực tế tăng 67% trong vòng 20 năm cũng chỉ tương đương với mức tăng 20% trong tổng chi phí đi học đại học của một sinh viên trung bình.

Kinh tế học vốn con người cũng tính đến sự sụt giảm trong phần trăm người da đen tốt nghiệp trung học tiếp tục học đại học trong những năm đầu thập niên 1980. Kinh tế gia Thomas J. Kane của Đại học UCLA đã chỉ ra rằng đối với sinh viên da đen chi phí tăng nhiều hơn so với sinh viên da trắng. Lý do là phần lớn sinh viên da đen xuất thân từ gia đình có thu nhập thấp, và vì vậy họ nhận nhiều trợ cấp từ chính phủ liên bang. Các đợt cắt giảm viện trợ của chính phủ dành cho họ trong những năm đầu thập niên 1980 đã làm gia tăng đáng kể chi phí học đại học của họ. Tuy nhiên, trong những năm 1990, tỉ lệ phần trăm người da đen tốt nghiệp trung học tiếp tục học đại học đã hồi phục đáng kể.

Theo “Báo cáo của Ủy ban Giáo dục Đại học” năm 1982 tại trường đại học Chicago, dự báo số lượng đăng ký nhập học đại học căn cứ theo đặc điểm nhân khẩu đã cho kết quả sai lệch khá xa thực tế trong suốt 20 năm trước thời điểm đó. Không có gì là ngạc nhiên đối với “các nhà kinh tế vốn con người”. Các dự báo kể trên đã không tính đến những động cơ khuyến khích quyết định đăng ký học đại học đang thay đổi – trên phương diện chi phí lẫn phương diện lợi ích.

Kinh tế học vốn con người đã đưa vào một sự thay đổi đặc biệt sâu sắc trong các động cơ khuyến khích phụ nữ đầu tư cho giáo dục đại học trong những thập niên gần đây. Trước những năm 1960, phụ nữ Mỹ tốt nghiệp trung học nhiều hơn nam giới, nhưng lại ít học tiếp đại học hơn nam giới. Phụ nữ học đại học lảng xa hay bị loại khỏi ngành toán, khoa học, kinh tế và luật, bị thu hút bởi ngành sư phạm, kinh tế học hộ gia đình, ngoại ngữ và văn chương. Bởi vì có rất ít phụ nữ đã lập gia đình tiếp tục làm việc kiếm sống, họ lựa chọn một cách duy lý trình độ giáo dục phù hợp trợ giúp họ trong “quá trình sản xuất ở hộ gia đình” – và đương nhiên là phù hợp với cả thị trường hôn nhân – bằng cách nâng cao các kỹ năng xã hội và các mối quan tâm về văn hóa của bản thân.

Tất cả những điều này đã hoàn toàn thay đổi. Sự gia tăng đáng kể tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ đã lập gia đình là chuyển biến quan trọng nhất của lực lượng lao động trong suốt 20 năm qua. Ngày nay nhiều phụ nữ nghỉ phép rất ít, ngay cả để sinh con. Kết quả là, giá trị đối với phụ nữ sở hữu các kỹ năng thị trường đã và đang gia tăng đáng kể, và họ đang vượt ra khỏi những “lĩnh vực truyền thống của phụ nữ” để làm việc trong ngành kế toán, luật, y dược, kỹ thuật và những ngành lương cao khác. Hẳn nhiên, ngày nay phụ nữ chiếm khoảng 1/3 lượng đăng ký nhập học ở các trường dạy kinh doanh, hơn 45% ở các trường luật, và hơn 50% ở các trường y. Các khoa kinh tế học hộ gia đình hoặc là đóng cửa hoặc là nhấn mạnh vào “kinh tế học hộ gia đình mới” – là kinh tế học nghiên cứu quyết định lập gia đình hay không, sinh bao nhiêu con, và phân bổ các nguồn lực gia đình như thế nào, đặc biệt là thời gian. Quá trình cải thiện vị thế kinh tế của phụ nữ da đen diễn ra đặc biệt nhanh, và phụ nữ da đen hiện có thu nhập tương đương với phụ nữ da trắng.1

Dĩ nhiên, giáo dục chính quy không phải là con đường duy nhất để đầu tư cho vốn con người. Người lao động cũng được học hỏi và đào tạo bên ngoài trường lớp, đặc biệt là ngay trong công việc. Ngay cả người tốt nghiệp đại học cũng không được trang bị đầy đủ cho thị trường lao động khi họ ra trường và họ phải thích nghi với công việc của mình thông qua các chương trình đào tạo chính quy lẫn không chính quy. Thời gian vừa làm vừa học có thể dao động từ 1 giờ hay tương đương đối với những công việc đơn giản như rửa bát đĩa đến nhiều năm đối với những công việc phức tạp như nghề kỹ sư trong nhà máy ô tô. Dữ liệu hạn chế sẵn có chứng tỏ rằng vừa làm vừa học là một nhân tố quan trọng khiến cho thu nhập của người lao động gia tăng đáng kể bởi vì họ tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn trong công việc. Những tính toán ước lượng táo bạo của nhà kinh tế Jacob Mincer thuộc Đại học Columbia cho thấy tổng đầu tư cho hoạt động vừa làm vừa học có thể ở mức trên 200 tỷ USD mỗi năm, hay khoảng 2% GDP.

Không thể bỏ qua ảnh hưởng của gia đình lên kiến thức, kỹ năng, sức khỏe, các giá trị và các thói quen của con cái họ khi bàn luận về vốn con người. Phụ huynh tác động đến trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân, khuynh hướng hút thuốc cũng như khuynh hướng đi làm đúng giờ, và nhiều phương diện khác trong cuộc sống của con cái họ.

Ảnh hưởng lớn từ gia đình dường như hàm chứa mối quan hệ chặt chẽ giữa thu nhập, giáo dục và nghề nghiệp của phụ huynh và con cái họ. Do vậy, khá ngạc nhiên là mối quan hệ đồng biến giữa thu nhập của phụ huynh và con cái lại không chặt, mặc dù mối quan hệ giữa số năm đi học của phụ huynh và của con cái họ mạnh hơn. Ví dụ, nếu các ông bố có thu nhập cao hơn 20% so với mức trung bình của những người cùng thế hệ, con trai của họ ở cùng độ tuổi có xu hướng kiếm được 8-10% trên mức trung bình của thế hệ. Mối quan hệ tương tự đúng với các quốc gia Tây Âu, Nhật, Đài Loan, và nhiều nơi khác. Các chuyên gia thống kê và các nhà kinh tế gọi hiện tượng này là “hồi qui về giá trị trung bình”.

Câu ngạn ngữ cổ “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” (“from shirtsleeves to shirtsleeves in three generations”) (quan niệm cho rằng ai đó chăm chỉ làm việc và tạo ra cơ nghiệp cho đời sau thì cơ nghiệp đó sẽ tiêu tan ở đời thứ ba) không phải là chuyện huyền hoặc; thu nhập của đời cháu và đời ông bà khi họ ở cùng độ tuổi không có mối quan hệ chặt chẽ.2 Hẳn nhiên, các cơ hội mà nền kinh tế hiện đại mang lại, cùng với sự hỗ trợ đáng kể cho giáo dục từ phía chính phủ và từ phía mạnh thường quân, tạo điều kiện cho đa số những người xuất thân thu nhập thấp hoạt động khá tốt trong thị trường lao động. Chính những cơ hội tăng cường động lực vươn lên của người nghèo lại sinh ra lực phản tác lên những người đang ở bậc cao của thang đo thu nhập.

Hiện tượng thu nhập bình quân đầu người gia tăng liên tục ở nhiều quốc gia trong thế kỷ 19 và 20 một phần là do sự mở mang kiến thức khoa học kỹ thuật làm gia tăng năng suất lao động và năng suất của các đầu vào khác trong quá trình sản xuất. Và thực tế ngành sản xuất công nghiệp ngày càng lệ thuộc vào kiến thức tinh vi phức tạp đã khẳng định giá trị của giáo dục, của đào tạo kỹ thuật, của hoạt động vừa làm vừa học, và các hình thức vốn con người khác.

Các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới tuyệt nhiên không có mấy giá trị đối với các quốc gia khan hiếm lao động lành nghề, vốn là những người biết cách sử dụng những tiến bộ đó. Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc chặt chẽ vào sức mạnh tổng hợp giữa kiến thức mới và vốn con người, điều này giải thích lý do tại sao sự phát triển trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo diễn ra cùng với những tiến bộ lớn về kiến thức công nghệ ở tất cả các quốc gia có được mức tăng trưởng kinh tế đáng kể.

Thành tựu kinh tế xuất sắc của Nhật Bản, Đài Loan và các nền kinh tế châu Á khác trong các thập niên gần đây đã minh chứng rõ nét cho tầm quan trọng của vốn con người đối với tăng trưởng kinh tế. Khan hiếm tài nguyên thiên nhiên – cụ thể họ nhập khẩu hầu hết năng lượng họ dùng – và bị phương Tây phân biệt đối xử với hàng hóa họ xuất khẩu, các quốc gia được gọi là những con hổ châu Á này đã tăng trưởng nhanh dựa trên lực lượng lao động được giáo dục, đào tạo bài bản, cần mẫn, và tận tâm đã ứng dụng xuất sắc công nghệ. Đơn cử như Trung Quốc đang tiến bộ nhanh chóng chủ yếu dựa vào dân số đông, siêng năng và giàu tham vọng.

Chú thích

(1) National Center for Education Statistics, “Educational Achievement and Black-White Inequality”, NCES 2001-061, U.S. Department of Education, 2001.

(2) Gary Solon, “Intergenerational Income Mobility in the United States”, American Economic Review 82 (June 1992): 393-408.
Nguồn: “Human Capital”, The Concise Encyclopedia of Economics

Về tác giả: Gary S. Becker là giáo sư kinh tế học và xã hội học tại trường Đại học Chicago, giáo sư tại trường Đào tạo Sau đại học về Kinh doanh, là thành viên cao cấp giữ ghế của Rose-Marie & Jack R. Anderson tại Viện Hoover thuộc trường Stanford. Ông là người tiên phong trong nghiên cứu về vốn con người và đã được trao giải Nobel năm 1992 về Khoa học Kinh tế.

Đọc thêm

Becker, Gary S. Human Capital: A Theoretical and Empirical Analysis, with Special Reference to Education. 2d ed. New York: Columbia University Press for NBER, 1975.

Freeman, Richard. The Overeducated American. New York: Academic Press, 1976.

Kane, Thomas J. “College Attendance by Blacks Since 1970: The Role of College Cost, Family Background and the Returns to Education.” Journal of Political Economy 102 (1994): 878-911.

Mincer, Jacob. “Investment in U.S. Education and Training.” NBER Working Paper no. 4844. National Bureau of Economic Research, Cambridge, Mass., 1994.

Murphy, Kevin M., and Finis Welch. “Wage Premiums for College Graduates: Recent Growth and Possible Explanations.” Educational Researcher 18 (1989): 17-27.

National Center for Education Statistics. “Digest of Education Statistics 2001.” NCES 2002-130. U.S. Department of Education, March 2002.

National Center for Education Statistics. “Paying for College—Changes Between 1990 and 2000 for Full-Time Dependent Undergraduates.” NCES 2004-075. U.S. Department of Education, June 2004.

National Center for Education Statistics. “Projections of Education Statistics to 2012.” NCES 2002-030. U.S. Department of Education, October 2002.

“Report of the Commission on Graduate Education.” University of Chicago Record 16, no. 2 (1982): 67-180.

Topel, Robert. “Factor Proportions and Relative Wages: The Supply Side Determinants of Wage Inequality.” Journal of Economic Perspectives II (Spring 1997): 55-74.

Welch, Finis, ed. The Causes and Consequences of Increasing Inequality. Bush School Series in the Economics of Public Policy. Chicago: University of Chicago Press, 2001.

Nguồn: “Human Capital”, The Concise Encyclopedia of Economics

Nguồn bản dịch: Phân tích kinh tế: Phân tích kinh tế: Vốn con người

Dịch giả:
Trần Thị Minh Ngọc