Giới thiệu tác phẩm Human Capital của Gary Becker
Vốn con người là toàn bộ những năng lực lâu dài mà việc sở đắc và sở hữu khiến con người có năng suất hơn trong những hoạt động khác nhau của mình. Những năng lực này, một phần là bẩm sinh và một phần là sở đắc nhờ những đầu tư của con người để tự nguyện huy động những nỗ lực và phí tổn cá nhân. Bản chất những đầu tư con người này là vô cùng đa dạng và bao gồm kiến thức, kĩ năng, sức khỏe, sự dịch chuyển và động cơ của các tác nhân. Một thời gian dài bị xem nhẹ vì những lí do ý thức hệ, vốn con người đã được lí thuyết kinh tế công nhận, rồi dần dần đi vào ngôn ngữ thông thường, kể từ lần xuất bản đầu tiên tác phẩm của Becker: Human Capital [Vốn con người] (1964).
Gary Stanley Becker được 34 tuổi vào lúc tác phẩm này được xuất bản, từ đó quyển sách được tái bản hai lần, năm 1975 và 1993, và mỗi lần đều có bổ sung. Bảy năm trước đó, ông đã thể hiện mối quan tâm đối với những vấn đề “xã hội”, thoát ra khỏi một quan niệm hạn hẹp về phạm vi của phân tích kinh tế do truyền thống áp đặt khi cho xuất bản luận văn tiến sĩ của mình, The Economics of Discrimination [Kinh tế học về sự phân biệt đối xử] (1957). Trong suốt sự nghiệp của mình, phong cách rất dễ nhận diện của Gary Becker mang một dấu ấn kép: ông không ngừng mở rộng trường của phân tích kinh tế và tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên lí kinh tế của học thuyết chính thống về tính duy lí của các tác nhân và về sự cân bằng của các thị trường. Đặc biệt, ta gặp lại phong cách này trong tác phẩm chủ yếu thứ hai của ông là A Treatise on the Family [Chuyên luận về gia đình] (1981).
Khi Gary Becker bắt đầu sự nghiệp hàn lâm thì tổng hợp tân cổ điển đã hoàn tất. Các lí thuyết về tư bản, tăng trưởng kinh tế đã khá phát triển. Nhưng lí thuyết tân cổ điển vẫn còn nhiều bí ẩn trong nhiều lĩnh vực khác nhau như các lí thuyết về tăng trưởng kinh tế, phân phối thu nhập hay thương mại quốc tế mà khái niệm vốn con người dường như có khả năng giải quyết. Do đó vào cuối những năm 1950, vốn con người hiện ra như một khái niệm đầy hứa hẹn có khả năng trám một khoảng trống trong kiến trúc tân cổ điển. Tại đại học Chicago, Theodore W. Schultz (1961) khởi xướng một chương trình nghiên cứu rộng lớn về những đầu tư vào vốn con người bao phủ tất cả những khía cạnh của hiện tượng: giáo dục, đào tạo trên thực địa, y tế, di dân. Gary Becker tham gia chương trình này và sẽ là kiến trúc sư của sự tổng hợp (về vốn con người – ND).
Vốn con người, một vốn đặc biệt
Vốn xã hội là một khái niệm bao trùm mà nguyên mẫu được Becker chọn trong phần lớn trình bày của ông là sự đào tạo qua thực hành. Học sinh đang học tập, nhân viên tham dự một khóa đào tạo chịu những chi phí và hi sinh trong suốt thời kì đào tạo nhằm có được những lợi thế trong tương lai cho suốt cuộc đời còn lại. Một phần lớn những lợi thế này được cấu thành từ sự gia tăng thù lao mong đợi trong suốt cuộc đời lao động. Do đó đào tạo quả thật là một đầu tư kinh tế. Đối với rất nhiều cuộc đầu tư vào con người, thời gian bỏ ra cho điều này là một phần quan trọng của tổng chi phí. Đó là một chi phí cơ hội được đo bằng, ví dụ, thu nhập bị hy sinh để theo đuổi học tập thêm một năm nữa.
Nếu Yt là những thu hoạch của thời kì t và Ct là tổng chi phí của sự đào tạo nhận được trong thời kì này thì lợi tức của đầu tư con người nhận được vào thời điểm t+1 là:
(1) Yt+1 - Yt = rt Ct
Chắc chắn nhân tố quan trọng nhất của cầu đầu tư là tỉ suất lợi tức rt. Trong lúc người tiêu dùng bị của cải của mình ràng buộc và chịu ảnh hưởng của thị hiếu bản thân thì người đi học và đi thực tập, trên nguyên tắc, có thể tài trợ cho việc đào tạo bằng tín dụng và, nếu tín dụng dành cho sự tài trợ đào tạo không bị hạn mức, và họ chỉ còn nhạy cảm với tỉ suất sinh lời của sự đào tạo.
Tuy nhiên, vốn con người khác với vốn hữu hình hay vốn tài chính ở việc nó hiện thân vào một cá nhân. Ví dụ, kiến thức và bí quyết thu nhận được qua một sự đào tạo hay thực tập trên hiện trường được nhập thân vào nhân viên sở đắc sự đào tạo ấy. Người sử dụng lao động chỉ hưởng được đầu tư này trong chừng mực là người lao động được đào tạo tiếp tục làm việc cho mình. Trong hệ thống nô lệ, người sử dụng lao động sở hữu hoàn toàn những người nô lệ làm việc cho mình và quản lí vốn con người “của mình” theo như cách quản lí những trang thiết bị có ích khác. Nhưng, trong một xã hội tự do, mỗi cá nhân sở hữu vốn con người của bản thân, và chỉ của bản thân thôi. Người sử dụng lao động không có bất kì quyền sở hữu nào trên người làm công và phải tính đến sự cơ động có thể ít nhiều tốn kém cho bên này cũng như bên kia, tùy theo bản chất của sự đào tạo.
Becker đối lập hai kiểu đào tạo: đào tạo tổng quát, có thể chuyển nhượng cho tất cả các doanh nghiệp mà không mất mát, và đào tạo đặc thù làm tăng hơn nữa – tới giới hạn, chỉ làm tăng độc nhất – doanh nghiệp tổ chức việc đào tạo ấy. Một người sử dụng lao động cung cấp đào tạo tổng quát cho nhân viên biết rằng mình sẽ không hưởng được những lợi tức tương lai vì các doanh nghiệp cạnh tranh sẵn sàng trả cho nhân viên được mình đào tạo một mức lương bằng với năng suất mới của nhân viên này mà không phải tốn kém gì. Do đó, người sử dụng lao động đầu tiên sẽ không muốn gánh chịu chi phí của việc đào tạo tổng quát. Chi phí này sẽ do nhân viên, người nhận hết những lợi tức của việc đào tạo gánh chịu. Ngược lại, người sử dụng lao động khi cung cấp một đào tạo đặc thù cho nhân viên chấp nhận gánh chịu một hay toàn phần chi phí do tính cơ động bị hạn chế mà việc đào tạo này gây nên cho phép người sử dụng lao động hi vọng thu hồi một phần tương ứng trong những lợi tức tương lai. Tóm lại, lương trả cho nhân viên không tính đến chi phí của sự đào tạo thông thường do người này gánh chịu, tức là:
(2) Wt = Yt - aCt
với a = 1 nếu đào tạo có tính tổng quát và 0 <= a < 1 nếu đào tạo có tính đặc thù. Chi phí của những đầu tư con người nói chung không thể được khấu hao suốt thời gian tồn tại của chúng, như cách thực hành kế toán đối với những đầu tư hữu hình, vì công ti không thể thu hồi lại vốn con người. Toàn bộ đầu tư con người phải được tức thì khấu trừ khỏi thu nhập. Tương tự như thế đối với sự hao mòn tự nhiên của vốn con người.
Sử dụng các phương trình (1) và (2), Becker cho thấy bằng cách nào có thể ước lượng, chỉ từ việc quan sát các thu hoạch không thôi, tổng chi phí con người thuộc đủ loại (được xác định một cách thích hợp) lẫn tỉ suất lợi tức trung bình của chúng. Trong lần xuất bản thứ nhất của tác phẩm, chính ông tiến hành tính tỉ suất lợi tức nội tại của giáo dục ở các cấp trung học (high school) và đại học (college). Ví dụ, có thể tính đơn giản tỉ suất lợi tức nội tại của giáo dục trung học r bằng cách làm bằng nhau giá trị hiện tại của những thu hoạch, được đo từ tuổi giáo dục bắt buộc, của những người hoạt động có trình độ tiểu học với giá trị hiện tại của những thu hoạch của những người hoạt động có trình độ trung học:
Nhiều bài học được rút ra từ phép tính các tỉ suất lợi tức nội tại của giáo dục. Mức thường cao của những tỉ suất này (cao hơn 10% theo giá thực tế) minh chứng cho khả năng sinh lời của giáo dục so với những đầu tư hữu hình và phản ảnh đúng cầu rất mạnh của giáo dục trong thế kỉ XX. Những khác biệt về tỉ suất giữa người có bằng và không có bằng, nam giới và nữ giới, người da trắng và người (Mĩ) da đen, hay giữa các cấp học cung cấp nhiều chỉ dẫn quý báu về những khác biệt về cơ hội hay năng lực (Becker, 1967) và về những phân biệt đối xử có thể giữa các nhóm. Phương pháp tỉ suất lợi tức nội tại được Lévy-Garboua và Mingat (1979) vận dụng vào các dữ liệu của Pháp.
Nhưng Becker không dừng lại ở việc khai thác sự tương đồng có thể có giữa đầu tư con người và đầu tư phi con người. Thật vậy, ông nhận thấy rằng vốn con người có những đặc điểm thiết yếu do việc nó hóa thân vào con người và phải viết lại một phần lí thuyết tư bản để thích nghi nó với vốn đặc biệt này. Xin liệt kê bốn ví dụ.
- Nếu những lợi tức cận biên của đầu tư vào giáo dục giảm kể từ một độ tuổi nhất định thì sẽ là kinh tế khi dành toàn bộ thời gian cho học tập vào đầu cuộc đời. Chính vì thế mà trước tiên trẻ em đi học. Trong đời sống lao động, vẫn còn những đầu tư về đào tạo nhưng theo một nhịp độ giảm dần. Ben Porath (1967) đã trình bày một cách chặt chẽ vấn đề tích lũy vốn con người trong suốt vòng đời.
- Biến thiên của tỉ suất lương tùy theo tuổi phản ảnh ít nhiều chu kì tích lũy vốn con người. Tỉ suất lương tăng khi đầu tư thuần về vốn con người là dương và giảm trong trường hợp ngược lại. Thế mà đầu tư có xu hướng giảm với tuổi tác, một mặt vì chi phí thời gian của đầu tư tăng khi lương còn tăng, và mặt khác, một cách tự nhiên, số năm còn lại để có thể thụ hưởng lợi tức giảm với tuổi tác. Hơn nữa, vượt qua một tuổi nhất định, sự mất giá của vốn con người có xu hướng tăng tốc. Do đó, đầu tư thuần, vốn phụ thuộc vào diễn tiến của đầu tư gộp và sự mất giá, giảm khi tuổi càng cao. Hình dáng cặp “tuổi-thu hoạch” có dạng lõm rất đặc trưng và có thể giảm khi vượt một ngưỡng tuổi.
- Việc cá nhân hóa vốn con người là một sự bảo vệ tự nhiên phòng ngừa nguy cơ bị kẻ khác chiếm đoạt. Sự bảo vệ này, tất nhiên không phải là tuyệt đối (cf. chế độ nô lệ) củng cố đáng kể việc khuyến khích đầu tư vào vốn con người. Nhưng, mặt khác do mọi huy chương đều có mặt trái, tính không thích hợp của vốn con người là một chướng ngại vật cho tín dụng để tài trợ việc tích lũy này vì người cho vay không có gì bảo đảm cho khả năng chi trả của người đi vay. Hệ quả là thị trường tín dụng để tài trợ vốn con người tất nhiên không hoàn hảo bằng thị trường tín dụng dành cho việc tài trợ vốn phi con người. Hạn mức tín dụng cho giáo dục ảnh hưởng nhiều đến con em các tầng lớp dưới hơn là con em thuộc các tầng lớp khác trong chừng mực là các con em này không thể trông chờ vào sự hỗ trợ cao về mặt tài chính của cha mẹ. Như vậy tất cả diễn ra như thể là, với một số tiền nhất định, đối với người nghèo đầu tư vào giáo dục là tốn kém hơn là đối với người giàu. Tính không hoàn hảo của tín dụng dành cho việc tài trợ giáo dục là nguyên nhân chính của những bất bình đẳng về cơ hội.
- Việc vốn con người nhập thân vào nhà đầu tư giới hạn những khả năng tích lũy của người này do khả năng ấy phụ thuộc vào năng lực thể chất và của bộ não của anh/chị ta. Nói cách khác, ở cấp độ cá nhân, lợi tức cận biên của đầu tư phải giảm khi nỗ lực tăng dần. Đây là hiện tượng đặc thù của riêng vốn con người vì một nhà đầu tư thường có thể đầu tư bao nhiêu tiền mình muốn theo lãi suất thị trường (sau khi đã loại trừ rủi ro). Cho nên một cá nhân tích lũy vốn con người cho đến khi nào lợi tức cận biên của mình còn vượt mức lãi suất thị trường. Vượt qua ngưỡng này, cá nhân sẽ chỉ còn tích lũy vốn phi con người. Do đó nhà “tư bản” công nghiệp hay tài chính có thể gia tăng sản nghiệp của mình gần như không giới hạn trong lúc con người có văn hóa thì không làm được như thế.
Một lí thuyết mở rộng về những nguồn lực con người
Lí thuyết vốn con người tức thì có tiếng vang vì những lí do lí thuyết lẫn thực nghiệm.
Trên bình diện lí thuyết, lí thuyết vốn con người được cảm nhận như phần còn thiếu của lí thuyết tư bản mà việc bổ sung này cho phép mô tả một tập rộng lớn những hiện tượng chưa được giải thích. Xin nêu ba ví dụ:
- Khi tìm cách giải thích tăng trưởng kinh tế dài hạn chỉ bằng những lượng lao động và những lượng tư bản, Denison tìm ra một một phần dư thừa vừa quan trọng vừa bất ngờ. Một phần có ý nghĩa của sự dư thừa này được quy cho những tiến bộ to lớn của giáo dục, đào tạo, y tế, kiến thức khoa học và kĩ thuật dưới mọi hình thức.
- Sự phân bổ thu nhập và lương là khá “bất công” – dồn về bên phải, với một thu nhập trung bình vượt hẳn thu nhập trung vị và xấp xỉ có dạng log-chuẩn. Phải chăng các thiên hướng và năng lực tự nhiên được phân phối không đều và tập trung vào một thiểu số của tổng thể thống kê? Mincer (1958) bác bỏ kết luận này bằng cách chỉ ra là tính log-chuẩn của thu nhập rất có thể là do một phân bố chuẩn của những cấp độ học vấn.
- Ở Hoa Kì lao động được giả định là nhân tố khan hiếm, và tư bản là nhân tố dồi dào. Tuy nhiên, các khu vực sử dụng tương đối cao lao động của nước này lại xuất khẩu nhiều và các khu vực sử dụng tương đối cao tư bản lại nhập khẩu nhiều. Quan trắc này là một nghịch lí cho lí thuyết thương mại quốc tế của Hechkscher-Ohlin. Đặc biệt, Léontief (1956) đề xuất một giải thích nghịch lí này – từ nay mang tên ông – bằng cách đưa thêm vào một nhân tố thứ ba, vốn con người và khẳng định rằng Hoa Kì vẫn tương đối dồi dào về vốn con người hơn là về tư bản hữu hình.
Ngày nay chúng ta khó hình dung đâu là những đổi mới của phân tích kinh tế là kết quả của lí thuyết vốn con người ngay sau khi lí thuyết này xuất hiện. Nhờ lí thuyết này mà có một sự phát triển kì diệu của kinh tế học lao động, hơn nữa được hỗ trợ bởi việc tiếp cận những cơ sở lớn về dữ liệu cá nhân. Thật vậy, nguyên lí những khác biệt bù trừ nhau được Adam Smith phát biểu tìm thấy một ứng dụng hoàn hảo trong phương trình (1). Bằng cách giả định rằng thêm một thời kì đào tạo làm tăng vĩnh viễn mức thu hoạch, có thể sử dụng lí thuyết này để so sánh mức (bất biến) của lương trước và sau sự đào tạo ấy. Chênh lệch về lương mà vế bên trái của phương trình (1) cho thấy phải không thấp hơn lợi tức mà người lao động cận biên đòi hỏi để “bù đắp” cho nỗ lực đầu tư con người bỏ ra nhằm có được việc làm chuyên môn cao nhất có thể. Sự cạnh tranh trên thị trường lao động sẽ khiến cho chênh lệch lương này bằng đúng với sự khác biệt bù trừ. Cũng giống như trong lí thuyết cổ điển về lương, chính những điều kiện của cung lao động ấn định tỉ suất lương thông qua việc sản xuất vốn con người. Jacob Mincer (1974) có lẽ là người đã khai thác triệt để trực giác này khi đề xuất một dạng kinh trắc của hàm thu nhập cực kì đơn giản:
(4) log Yt = log Y0 + rSt + bXt + et
với et là số hạng sai số. Phương trình này thể hiện việc là loga tự nhiên của lương là một hàm afin của thời lượng học tập St và của những biến kinh nghiệm nghề nghiệp Xt. Hệ số tương quan của thời lượng học tập không gì khác hơn là tỉ suất lợi tức trung bình của những năm tháng học tập này. Phiên bản được ước lượng nhiều nhất của hàm thu hoạch này là một hàm cấp hai của kinh nghiệp nghề nghiệp. Kiểu hàm thu hoạch này đã được ước lượng vô số lần vì nó chỉ vận dụng những biến dễ thích hợp (mức học vấn và tuổi, từ đó có thể suy ra một giá trị xấp xỉ của kinh nghiệm) và một phương pháp sơ đẳng (bình phương bé nhất). Đặc biệt, nó đã cho phép tính những tỉ suất lợi tức của giáo dục (Psacharopoulos, 1994) trên một số lớn quốc gia. Các kết quả được đánh giá là tương đối vững bền mặc dù còn nhiều vấn đề kinh trắc được nêu lên đối với phép tính này (Griliches, 1977).
Khỏi cần phải nói rằng lí thuyết vốn con người đã cung cấp một cơ sở quan niệm cho tới lúc bấy giờ vẫn còn thiếu để nghiên cứu kinh tế giáo dục, y tế (trong một chừng mực ít hơn), các cuộc di chuyển hay tính cơ động nghề nghiệp. Lí thuyết này cũng ảnh hưởng đến lí thuyết thông tin, đặc biệt thông qua sự xuất hiện của lí thuyết tín hiệu (Spence, 1973). Thật vậy, lí thuyết tín hiệu cho rằng người ngoài khó cảm nhận được vốn con người, nên bằng cấp có thể là một thông tin đáng tin cậy về hiệu suất của người lao động lúc tuyển dụng. Thế mà tính mờ đục của vốn con người nói đến ở đây là hệ quả hiển nhiên của việc hiện thân hóa vốn này trong cá nhân người lao động. Quan hệ lao động cung cấp những ví dụ tốt về thông tin không đối xứng, vốn được lí thuyết tín hiệu khai thác nhiều vì đôi lúc có thể giả định là người làm công ăn lương nắm giữ một thông tin bị che giấu mà người sử dụng lao động không biết được.
Ngày nay, chương trình nghiên cứu do lí thuyết vốn con người mở ra vẫn chưa cạn kiệt và Gary Becker vẫn tiếp tục là một trong những tác giả tạo cảm hứng.
Trước tiên, chương trình này đã góp phần làm phong phú lí thuyết tiêu dùng. Cũng như đối với việc sản xuất vốn con người, có thể hình dung một cách có lợi tiêu dùng như một số những sản xuất trong gia đình sử dụng thời gian phi lao động với ít nhiều cường độ cao. Vòng đời của những hoạt động gia đình khác nhau như vậy trở thành đối tượng nghiên cứu được nối kết với sự biến thiên của tỉ suất lương tùy theo độ tuổi. Những quyết định liên quan đến số lượng và giáo dục con cái (theo nghĩa rộng) đặc biệt lồng rất khớp vào khuôn khổ này và gợi ý ngay cả việc thay thế khuôn khổ hữu hạn của vòng đời bằng một khuôn khổ của hai thế hệ đan chéo nhau, rồi bằng một khuôn khổ vô hạn của phả hệ gia đình (Becker và Barro, 1988). Từ đó nhiều mảnh cần thiết cho việc xây dựng một kinh tế học gia đình được sắp xếp và cuối cùng mối liên hệ giữa lựa chọn tiêu dùng, cung lao động, đầu tư con người, di sản gia truyền và sinh sản của cha mẹ được bảo đảm.
Nếu, ngay từ khởi đầu, lí thuyết vốn con người đã cho phép quan niệm vai trò của vốn con người trong tăng trưởng kinh tế, phải mất nhiều thời gian hơn để nội sinh hóa tích lũy vốn con người trong một mô hình tăng trưởng kinh tế. Vì lí thuyết, trong một thời gian dài, vấp phải giả thiết lợi tức cận biên giảm dần dẫn đến tình trạng dừng, trước khi hiểu được là chính việc phổ biến kiến thức nằm ở cội nguồn của những lợi tức tăng dần và của những ngoại ứng tích cực có khả năng sinh ra tăng trưởng kinh tế. Vấn đề những ngoại ứng bị bỏ rơi một phần do khó nắm bắt chúng được Lucas (1988) phục hồi bằng cách thừa nhận là mỗi người được hưởng kiến thức được toàn bộ xã hội tích lũy mặc dù bản thân mình đã không phải trả giá. Giả thiết này cho phép hiểu vì sao các nước có trình độ giáo dục cao cuối cùng có thể tăng trưởng nhanh hơn các nước có trình độ giáo dục thấp, làm dãn thêm khoảng cách giữa các nước giàu (về vốn con người) và các nước nghèo. Quả thật, chỉ có con người mới là nguồn lực.
Nguồn: Xavier Greffe, Jérôme Lallement, Michel de Vroey, Dictionnaire des grandes oeuvres économiques, Dalloz, Paris, 2002, trang 35-41.
Nguồn dịch: Phantichkinhte123: Giới thiệu tác phẩm Human Capital: A Theoretical and Empirical Anlaysis, with Special Reference to Education