[Tinh thần dân chủ] Chương 7: Những thành tố góp phần duy trì chế độ dân chủ (Phần 2)
VĂN HÓA CHÍNH TRỊ
Có thể lý do quan trọng nhất làm cho cái đất nước nghèo nàn đến tuyệt vọng, đa số sống ở nông thôn, mù chữ – lại bị chia rẽ một cách sâu sắc về ngôn ngữ, đẳng cấp, và tôn giáo – lại có khả năng duy trì được chế độ dân chủ là vì ngay từ đầu giới tinh hoa chính trị và xã hội, cũng như đa số dân chúng đã tin vào chế độ này. Như Amartya Sen đã chỉ ra, nền văn hóa Ấn Độ thể hiện thái độ sẵn sàng tiếp nhận chế độ dân chủ. Điều đó xuất phát từ truyền thống đánh giá cao lòng khoan dung về chính trị và tôn giáo, cũng như đánh giá cao luận cứ và những cuộc thảo luận rộng rãi.1 Một số đặc điểm này có thể còn nhờ “chủ nghĩa đa nguyên cố hữu của Ấn Độ giáo” nữa.2 Nhưng gần hai thế kỉ nằm dưới chính quyền thuộc địa của Anh lại cho thấy ảnh hưởng ngược đời lên nền văn hóa chính trị của đất nước này. Chính quyền thuộc địa đã chuyển giao một số tiêu chuẩn và truyền thống của chế độ pháp quyền, nhưng cũng đưa tới hệ thống bóc lộc và cai trị mang tính chất phân biệt chủng tộc, xấu xa, vốn là bản chất của chế độ thuộc địa. Chế độ thuộc địa đã dùng vũ lực áp đặt Vương triều Anh quốc lên đất nước này, nhưng trong bảy thập kỉ cai trị cuối cùng, người ta cũng đã dần dần đưa vào đây những cuộc bầu cử có tính cạnh tranh cho các cơ quan đại diện cấp tỉnh và toàn quốc, khuyến khích việc thành lập các đảng phái và phong trào chính trị, cấp quyền bầu cử cho hàng triệu người Ấn Độ. Nó đã mở rộng không gian cho các đảng phái và các hiệp hội của người Ấn Độ, nhưng đã làm điều đó một cách miễn cưỡng – và vì vậy mà thúc đẩy các tổ chức chính trị đòi hỏi thêm, nhằm giành lại quyền tự do mà cuối cùng họ đã đạt được trong quá trình xây dựng bản sắc dân tộc (đặc biệt là thông qua Đảng Quốc Đại).
Như chúng ta đã thấy trong Chương 1, không có tập hợp giá trị nào giữ được thế thượng phong trong xã hội, nhưng phần lớn các xã hội đều có một số kiểu giá trị, đức tin và tình cảm nhất định, chúng định hình cách thức tư duy và hành động về mặt chính trị của người dân. Nền văn hóa chính trị dân chủ coi chế độ dân chủ là hình thức chính phủ tốt nhất và do đó khẳng định một số quyền và trách nhiệm căn bản của tư cách công dân, trong đó có trách nhiệm tham gia bầu cử và tham gia vào chính trị. Nếu nhân dân ngần ngại, không thích tham gia thì họ cần có nền tảng thông tin và kiến thức, và niềm tin rằng sự tham gia của cá nhân họ có thể tạo ra sự khác biệt, rằng sự tham gia của họ là có “hiệu lực”. Liên quan đến vấn đề này, người ta cũng phải có thái độ nghi ngờ lành mạnh đối với nhà cầm quyền. Một trong những ngịch lý của dân chủ là chế độ tự quản bền vững phải vừa tôn trọng uy quyền của chính phủ vừa vừa nghi ngờ nó, “thận trọng” chứ không “nhắm mắt làm theo.”3 Nhà triết học chính trị Sidney Hook nói như sau: “Đòi hỏi có tính cách xây dựng của chế độ dân chủ là sự nghi ngờ mang tính trí tuệ đối với giới lãnh đạo của nó, sự hoài nghi ngoan cường nhưng không mù quáng trước tất cả những đòi hỏi nhằm mở rộng quyền lực và nhấn mạnh vào phương pháp phê phán trong tất cả các giai đoạn của đời sống xã hội.4
Văn hóa dân chủ còn bao gồm tiết chế, thỏa hiệp, hợp tác và thương lượng. Trong nền văn hóa dân chủ đầy sức sống, nhân dân có thể có những niềm tin và sở thích mạnh mẽ, nhưng họ cũng sẽ có những bất đồng mà họ phải giải quyết theo cách nào đó. Chế độ dân chủ là hệ thống của xung đột thường xuyên giữa các lợi ích và tham vọng đối địch nhau, nhưng chế độ chỉ có thể sống sót nếu nó giải quyết những xung đột đó một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp.
Điều này đòi hỏi tính thực dụng và linh hoạt, khả năng vượt qua hay thậm chí đôi khi phải tạm ngưng niềm tin mang tính ý hệ và tình đoàn kết sắc tộc. Cuối cùng, nếu nhân dân (đảng phái và các nhóm lợi ích) với những mục đích và niềm tin khác hẳn nhau có thể thương lượng và thỏa hiệp thì họ phải có thái độ tôn trọng lẫn nhau. Điều này đòi hỏi lòng khoan dung trước những khác biệt về chính trị, sắc tộc, chủng tộc và những khác biệt khác và cùng nhau cam kết gắn bó với dân chủ.
Chế độ dân chủ bắt đầu xuất hiện dưới chế độ thuộc địa, Ấn Độ có may mắn là được chứng kiến những tiêu chuẩn dân chủ này ăn sâu bén rễ, trước hết là trong giới tinh hoa, rồi sau đó lan ra công chúng. Có một sự tương đồng kì lạ với các thuộc địa của Anh ở châu Mỹ, giới tinh hoa Ấn Độ tiếp thu những giá trị tự do ngay cả khi họ thích những biện pháp cực đoan nhằm buộc người Anh trao quyền tự chủ và ra đi. Đảng Đại hội Quốc dân Ấn Độ được thành lập năm 1885 (sau này trở thành Đảng Quốc Đại cầm quyền trong thời gian dài) và sau đó là một loạt cuộc cải cách hiến pháp nhằm bảo đảm một số quyền tự do hạn chế của các cuộc bầu cử, “văn hóa đàm phán chính trị” xuất hiện, đấy là do các luật sư tham gia vào hàng ngũ những người đại diện dân cử và các ứng cử viên cần phải xây dựng các liên minh rộng rãi để tạo ra được khối cử tri tương đối lớn.5 Phong trào đòi độc lập đưa ra những nhà lãnh đạo có “khuynh hướng dân chủ mạnh mẽ.”6 Trong ba thập kỉ cuối cùng dưới chế độ thuộc địa, những cuộc cải cách hiến pháp đã gia tăng đáng kể quyền lực của các hội đồng dân cử hàng tỉnh và số người có quyền bỏ phiếu, lôi kéo dần những thành phần mới của xã hội lên vũ đài chính trị, như đã từng xảy ra ở Anh trong thế kỉ trước.
Ban lãnh đạo trong giai đoạn lập quốc thường có vai trò quan trọng trong việc định hình nền văn hóa chính trị của chế độ dân chủ mới. George Washington đã hợp pháp hóa chế độ dân chủ mới ở Mỹ bằng sức cuốn hút của chính ông, bằng cách khẳng định những giá trị như tiết chế, thu hút mọi người cùng tham gia và quyền lực hạn chế,7 tương tự như thế, trong thời gian giữ chức thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, kéo dài từ năm 1947 đến năm 1964, Nehru đã có đóng góp to lớn vào quá trình phát triển nền dân chủ Ấn Độ. “Như một nhà sư phạm, ông đã khuyến khích các cuộc tranh luận trong quốc hội, ông giữ tinh thần dân chủ nội bộ trong Đảng Quốc Đại và tiếp tục truyền thống của Anh về tính chất phi chính trị trong các cơ quan công quyền, thúc đẩy sự độc lập của ngành tòa án, khuyến khích tự do báo chí, đẩy mạnh chủ nghĩa thế tục và tăng cường sự kiểm soát của các quan chức dân sự đối với lĩnh vực quân sự.”8
Nhưng sự lãnh đạo mang tính dân chủ của chính phủ và đường lối chính trị dân chủ được Nehru và những người lãnh đạo Đảng Quốc Đại thể hiện chỉ là một nửa câu chuyện. Trong giai đoạn thoái trào của chế độ thuộc địa Anh, chiến dịch mang tinh thần chiến đấu hơn nữa cho tự do cũng thực hiện, quảng bá và mở rộng các tiêu chuẩn dân chủ. Đại diện tiêu biểu nhất cho những tiêu chuẩn này là Mahatma Gandhi, một luật sư được đào tạo ở Anh, người đã lãnh đạo phong trào đòi độc lập bằng chiến lược satyagraha (bất tuân dân sự của quần chúng nhằm chống lại chế độ độc tài). Là người suốt đời ủng hộ thái độ khoan dung tôn giáo và xã hội, “trong quan niệm có tính hữu cơ của mình về trật tự xã hội của Ấn Độ, Gandhi luôn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp đồng thuận để giải quyết các cuộc xung đột trong lòng xã hội Ấn Độ.”9 Cuộc đấu tranh của ông vì chế độ tự quản ở Ấn Độ dựa trên cơ sở triết học là trung thành với sự thật (nghĩa đen là satyagraha), khoan dung trước những khác biệt, hoàn toàn và tuyệt đối phi bạo lực, thách thức bất công một cách thường xuyên nhưng bằng biện pháp hòa bình, lòng dũng cảm, khiêm nhường, trách nhiệm cá nhân và sự hi sinh mà ông đã bắt đầu tạo dựng trong thời kì đấu tranh chống đàn áp chủng tộc ở Nam Phi, trong giai đoạn từ năm 1893 đến năm 1914. Bằng cách khẳng định giá trị và phẩm giá ngang nhau của mỗi cá nhân và khả năng cải thiện nhân loại thông qua hành động phi bạo lực, Gandhi đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự phát triển của thực tiễn và văn hóa dân chủ (không chỉ ở Ấn Độ mà trên toàn thế giới, người Mỹ sau đó đã phát hiện ra khi Martin Luther King Jr. áp dụng nhiều chiến thuật của Gandhi).10 Ông còn chuyển hóa chủ nghĩa tự do thời kì đầu của giới tinh hoa Ấn Độ vào phong trào quần chúng vì chế độ tự quản, đưa nhận thức chính trị vào những giai cấp bị áp bức và bị tước quyền sở hữu và xây dựng được “nền tảng lịch sử quan trọng cho quá trình phát triển dân chủ trong tương lai.”11
Trước những chấn thương đẫm máu của việc chia cắt đất nước khi mới giành được độc lập và những cuộc bạo động diễn ra thường xuyên trong thời gian gần đây, có thể khẳng định rằng, triết lí phi bạo lực của Gandhi không tạo được ảnh hưởng lâu dài đối với quốc gia mới được thành lập của ông. Nhưng Ấn Độ là đất nước đại lục với quá nhiều khác biệt và những cải tiến về dân chủ đang diễn ra. Ảnh hưởng của Gandhi còn tiếp tục tồn tại trong bản chất hòa bình của nền chính trị và huy động dân chúng ở Ấn Độ, trong khả năng tạo ra những liên minh chính trị giữa rất nhiều nhóm xã hội khác nhau, trong việc kéo các nhóm bên lề vào chính trị và trong năng lực phi thường và chủ nghĩa đa nguyên của xã hội dân sự Ấn Độ.
Chú thích:
1. Amartya Sen, Development as Freedom (New York: Alfred A. Knopf, 1999).
2. Sumit Ganguly, “India’s Multiple Revolution”, Joumal of Democracy 13 (January 2002), 42.
3. Alex Inkeles, “National Character and Modern Political Systems”, in Francis L. K. Hsu, ed., Psychological Anthropology: Approaches to Culture and Personality (Homewood, Ill.: Doresey, 1961), pp. 195-98.
4. Sidney Hook, Reason, Social Myth, and Democracy (New York: Humanities, 1950), trích lại trong Inkeles, “National Character”, p. 196.
5. Richard Sisson, “Culture and Democratization in India”, in Larry Diamond, ed., Political Culture and Democracy in Developing Countries (Doulder, Colo.: Lynne Rlenner, 1993), p. 43.
6. Ashutosh Varshney, “India Defies the Odds: Why Democracy Survives”, Journal of Democracy 9 (July 1998): 46.
7. Seymour Martin Lipset, “George Washington and the Founding of Democracy”, Journal of Democracy 9 (October 1998): 24-38.
8. Ganguly, “India’s Multiple Revolutions”, p. 39.
9. Ibid., p. 46.
10. Có thể tìm hiểu quan điểm của Gandhi về phi bạo lực và tầm quan trọng của chiến lược này trên website: http://www.mkgandhi.org/nonviolence/index.htm.
11. Das Gupta, “India”, p. 273.