[Luật pháp] - Phần 6
Con người nổi tiếng và tư tưởng sai lầm
Xin nghe Montesquieu vĩ đại nói về vấn đề này:
Muốn giữ vững được tinh thần kinh doanh thì điều cần thiết là tất cả các điều luật đều phải ủng hộ nó. Các luật này, phân chia tỉ lệ với tài sản tích tụ được trong lĩnh vực thương mại, phải tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo để họ có thể làm việc như những người khác. Những đạo luật này cũng phải làm cho những người giàu lâm vào hoàn cảnh khó khăn hơn nhằm buộc họ phải làm việc để giữ lại hoặc kiếm được tài sản.
Nghĩa là luật phải xử lí tất cả những tài sản lớn!
Mặc dù bình đẳng thực sự là tinh thần của nhà nước dân chủ, nhưng thật khó nói rằng bao giờ cũng nên làm việc này một cách cực kì chính xác. Chỉ cần thiết lập một cái ngưỡng để làm giảm hay ấn định sự cách biệt về tài sản trong một giới hạn nhất định. Sau khi đã làm như thế, cần phải có bộ luật đặc biệt nhằm cào bằng sự bất bình đẳng bằng cách bắt người giàu gánh chịu chi phí và trợ cấp cho người nghèo.
Một lần nữa, chúng ta gặp ở đây ý tưởng dùng luật pháp, dùng sức mạnh để cào bằng tài sản.
Ở Hi Lạp, có hai nước cộng hòa. Một là Sparta, quân sự; một là Athens, thương mại. Ở Sparta, người ta muốn công dân ngồi chơi; còn ở Athens người ta khuyến khích người dân làm việc.
Xin ghi nhận phẩm chất đáng kinh ngạc của những người lập pháp: Hạ thấp tất cả những phong tục sẵn có - pha trộn tất cả các khái niệm về đức hạnh - họ biết trước rằng thế giới sẽ thán phục trí tuệ của họ.
Lycurgus đã giữ được ổn định cho thành phố Sparta bằng cách phối hợp trộm cắp với công lí; kết hợp sự lệ thuộc toàn diện nhất với tự do cực đoan nhất; kết hợp những niềm tin khát máu nhất với thái độ khiêm nhường vĩ đại nhất. Dường như ông đã tước tất cả các nguồn lực, nghệ thuật, thương mại, tiền bạc và phòng thủ của thành phố này. Ở Sparta, tham vọng trôi qua mà không có hi vọng được tưởng thưởng về vật chất. Tình cảm tự nhiên không có lối thoát vì người đàn ông không phải là con, cũng chẳng phải là chồng hay cha. Ngay cả sự trong trắng cũng không còn là ước mơ nữa. Bằng cách đó, Lycurgus đã đưa Sparta tới sự vĩ đại và vinh quang.
Lòng dũng cảm thể hiện trong các thiết chế của Hi Lạp đã được lặp đi lặp lại trong tình trạng suy đồi và tham nhũng của thời đại của chúng ta. Một nhà lập pháp trung thực vô tình đã rèn đúc một dân tộc, trong đó tính chính trực dường như cũng tự nhiên như lòng can đảm của người Sparta.
Ví dụ, ông William Penn, là một Lycurgus chân chính. Mặc dù Penn coi hòa bình là đối tượng của mình - trong khi Lycurgus coi chiến tranh là đối tượng, họ giống nhau ở chỗ uy tín đạo đức của họ cao hơn những người theo phái tự do, tạo điều kiện cho họ vượt qua những định kiến, để chinh phục những đam mê và dẫn dắt nhân dân nước mình vào những con đường mới.
Nước Paraguay cho chúng ta một ví dụ khác về một dân tộc được rèn đúc bởi các nhà lập pháp của họ vì lợi ích của chính họ1
Bây giờ nếu một người coi chỉ huy là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời, thì hắn ta đang suy ngẫm về tội ác chống lại xã hội; nhưng quản lí người dân để làm cho họ hạnh phúc hơn bao giờ cũng là lí tưởng cao quý.
Những người muốn tạo ra các thiết chế như thế phải làm như sau: Thiết lập quyền sở hữu công cộng các tài sản như trong nước cộng hòa của Plato; tôn kính các vị thần như Plato chỉ dẫn; ngăn chặn người nước ngoài, không để họ lẫn lộn với người trong nước, để bảo vệ phong tục tập quán; nhà nước, chứ không phải các công dân, thực hiện việc buôn bán. Các nhà lập pháp nên ủng hộ nghệ thuật chứ không nên ủng hộ hàng hóa xa xỉ; thoả mãn các nhu cầu chứ đừng thoả mãn ham muốn.
Một ý tưởng khủng khiếp
Những người mê đắm thiếu suy nghĩ có thể sẽ kêu lên: “Montesquieu đã nói rồi! Thật tuyệt vời! Thật siêu phàm!”. Còn tôi, tôi can đảm giữ nguyên ý kiến của mình. Tôi nói: “Cái gì! Có bị điên mới nói thế là tốt? Đấy là ý tưởng khủng khiếp! Kinh tởm! Mấy đoạn trích dẫn ngẫu nhiên từ những tác phẩm của Montesquieu cho thấy ông coi con người, quyền tự do, tài sản - chính nhân loại - chỉ là nguyên liệu cho các nhà lập pháp để họ thể hiện trí khôn ngoan của mình mà thôi”.
Lãnh tụ của những người dân chủ
Xin xem xét Rousseau nói về chủ đề đang bàn. Ông là người rất được những nhà dân chủ kính trọng. Và mặc dù ông xây dựng cơ cấu xã hội theo ý chí của nhân dân, nhưng ông là người, hơn bất kì người nào khác, hoàn toàn chấp nhận lí thuyết cho rằng trước mặt các nhà lập pháp, nhân dân chỉ là đám người hoàn toàn thụ động:
Nếu đúng ông hoàng tuyệt vời là của hiếm, thì không phải đúng là một nhà lập pháp tuyệt vời thậm chí còn hiếm hơn hay sao? Ông hoàng chỉ làm theo mô hình mà các nhà lập pháp lập ra. Nhà lập pháp là thợ cơ khí, người phát minh ra máy móc; ông hoàng chỉ đơn thuần là thợ máy, khởi động máy móc mà thôi.
Dân chúng có vai trò gì trong tất cả những chuyện này? Họ chỉ là những cỗ máy được đưa vào hoạt động mà thôi. Trên thực tế, họ không chỉ được coi đơn giản là nguyên vật liệu làm ra cỗ máy hay sao?
Như vậy, mối quan hệ giữa các nhà lập pháp và ông hoàng được coi là tương tự mối quan hệ giữa các chuyên gia nông nghiệp và nông dân; và mối quan hệ giữa ông hoàng và thần dân được coi là tương tự quan hệ giữa người nông dân và mảnh ruộng của mình. Thế thì người viết về những vấn đề công cộng này đứng cao hơn nhân loại đến mức nào? Rousseau cai quản nhà lập pháp và dạy họ nghề nghiệp của chính họ bằng giọng kẻ cả như sau:
Các vị muốn làm cho quốc gia ổn định? Thế thì hãy làm cho những quan điểm cực đoan tiến càng gần nhau càng tốt. Không chấp nhận cả những người giàu có cũng như người ăn xin. Nếu đất bạc màu hoặc cằn cỗi, hoặc diện tích quá chật chội, không đủ chỗ cho cư dân, thì chuyển sang lĩnh vực công nghiệp và nghệ thuật, và bán những sản phẩm này để mua những loại thực phẩm mà các vị cần... Còn nếu đất màu mỡ - mà bạn không có đủ người - thì hãy dành tất cả sự quan tâm cho nông nghiệp, bởi nông nghiệp sẽ làm gia tăng nhân khẩu; loại bỏ nghệ thuật, bởi vì nghệ thuật chỉ làm giảm dân số...
Nếu các vị có đường bờ biển dài và dễ tiếp cận, thì tung ra biển những con tàu buôn; các vị sẽ có một đời sống rực rỡ nhưng ngắn ngủi. Nếu bờ biển của các vị chỉ có những vách đá không thể tiếp cận được, thì cứ để cho người dân là những kẻ dã man và ăn cá; họ sẽ sống lặng lẽ hơn - có lẽ tốt hơn - và tuyệt đối chắc chắn là họ sẽ sống hạnh phúc hơn.
Tóm lại và thêm vào những châm ngôn mà tất cả đều biết, mỗi dân tộc đều có những hoàn cảnh đặc biệt của mình. Và tự thân sự kiện này sẽ làm cho pháp luật phù hợp với hoàn cảnh.
Đây là lí do vì sao ở người Do Thái cổ - và gần đây hơn, ở người Ảrập - tôn giáo lại là vấn đề có tính nguyên tắc. Vấn đề thảo luận của người Athens là văn học; của người Carthage và Tyre là thương mại; của đảo Rhodes là hải quân; của Sparta là chiến tranh; và của Rome là đức hạnh. Tác giả của cuốn The Spirit of Laws (Linh hồn của luật pháp) đã chỉ ra những ngón nghề mà các nhà lập pháp dùng để chỉ đạo những thiết chế của mình nhằm đạt được những mục tiêu đó... Nhưng giả sử rằng nhà lập pháp lầm lẫn mục tiêu và hành động theo nguyên tắc khác với nguyên tắc mà bản chất của sự vật đã chỉ ra? Giả sử rằng những nguyên tắc được lựa chọn đôi khi tạo ra chế độ nô lệ, và đôi khi tạo ra tự do; đôi khi là của cải, đôi khi là người; đôi khi là hòa bình, và đôi khi là chinh phục? Sự nhầm lẫn mục tiêu sẽ dần dần làm cho luật pháp mất dần sức mạnh và làm cho hiến pháp yếu đi. Nhà nước sẽ thường xuyên rơi vào cảnh lúng túng, cho đến khi sụp đổ hoặc thay đổi, và tự nhiên bất khả chiến bại lại giành được đế chế của mình.
Nhưng nếu tự nhiên chắc chắn sẽ giành lại được đế chế của mình thì tại sao Rousseau không thừa nhận rằng tự nhiên không cần các nhà lập pháp để giành được nó ngay từ đầu? Tại sao ông không thấy rằng, do bản năng của mình mà người ta sẽ canh tác trên những vùng đất đai màu mỡ, và buôn bán trên những bờ biển rộng và dễ tiếp cận, mà không cần sự can thiệp của Lycurgus hay Solon hoặc Rousseau, là những người có thể dễ dàng bị nhầm lẫn.
Những người xã hội chủ nghĩa muốn sự tuân thủ bắt buộc
Dù sao mặc lòng, Rousseau giao cho những người sáng tạo, những tổ chức, các giám đốc, các nhà lập pháp, và những người kiểm soát xã hội một trách nhiệm cực kì nặng nề. Vì vậy, ông tỏ ra cực kì nghiêm khắc đối với họ:
Những người trong đám nhân quần cả gan đảm nhận việc sáng tạo trong lĩnh vực chính trị cần phải tin rằng ông ta có thể biến đổi bản chất con người; biến từng cá nhân - người mà tự thân là một tổng thể đơn độc và hoàn hảo - thành một phần của một tổng thể vĩ đại hơn - đấy là cơ sở để cá nhân nhận được cuộc sống và sự tồn tại của mình. Như vậy, những người trong đám nhân quần cả gan đảm nhận việc sáng tạo trong lĩnh vực chính trị cần phải tin vào khả năng của mình trong việc thay đổi tâm tính của con người; củng cố nó; thay thế sự tồn tại về thể chất và độc lập do thiên nhiên ban cho bằng sự tồn tại mang tính đạo đức và như một phần của cái lớn hơn2.Nói tóm lại, người sáng tạo trong lĩnh vực lịch sử của nhân loại phải tước đoạt sức mạnh của chính con người và phú cho anh ta những sức mạnh khác, trái ngược với bản chất của anh ta.
Tội nghiệp cho bản chất của con người! Phẩm giá của con người sẽ ra sao nếu nó được giao phó cho các môn đồ của Rousseau?
Các nhà lập pháp muốn nhào nặn nhân loại
Bây giờ xin xem Raynal bàn về nhân loại được các nhà lập pháp nhào nặn:
Trước hết các nhà lập pháp phải xem xét khí hậu, không khí và đất đai. Những nguồn lực nằm trong tay ông ta quyết định nhiệm vụ của ông ta. Trước hết ông ta phải xem xét khu vực của mình. Những người sống trên bờ biển phải có luật quản lí ngành hàng hải.... Nếu đấy là khu dân cư trong nội địa thì nhà lập pháp phải lập kế hoạch phù hợp với loại đất và độ phì nhiêu của đất…
Thiên tài của các nhà lập pháp sẽ thể hiện một cách đặc biệt trong việc phân phối tài sản. Quy tắc chung là khi một khu định cư mới được thành lập ở bất cứ nước nào, mỗi người đàn ông đều phải được chia một khoảnh đất đủ để anh ta nuôi sống gia đình của mình...
Trên một hòn đảo hoang mà bạn đem trẻ em đến ở, bạn không cần phải làm gì, chỉ cần để cho những hạt giống của sự thật nảy mầm cùng với sự phát triển của lí trí... Nhưng khi bạn đưa một dân tộc có truyền thống sang định cư ở một vùng đất mới, kĩ năng của nhà lập pháp nằm trong chính sách không để người dân giữ lại những ý kiến và phong tục có hại, tức là những ý kiến và phong tục có thể được điều trị và sửa chữa. Nếu bạn muốn ngăn chặn những ý kiến và phong tục này, không để chúng trở thành vĩnh viễn, thì bạn sẽ giữ gìn thế hệ thứ hai bằng hệ thống chung của nền giáo dục công cộng dành cho trẻ em. Một ông hoàng hay một nhà lập pháp không bao giờ thiết lập được một khu định cư nếu không làm việc đầu tiên là đưa những người khôn ngoan đi cùng để hướng dẫn thanh niên…
Trong khu định cư mới, nhà lập pháp chu đáo, mong muốn làm trong sạch tập quán và cách ứng xử của người dân sẽ có nhiều cơ hội. Nếu ông ta là người đức hạnh và tài năng, thì vùng đất và người dân nằm trong tay ông ta sẽ truyền cảm hứng cho tâm hồn của ông ta với kế hoạch có ích cho xã hội. Người cầm bút chỉ có thể lập ra một kế hoạch mơ hồ vì chắc chắn nó có liên quan với tính không kiên định của tất cả các giả thuyết; vấn đề này có nhiều hình thức, nhiều phức tạp và tình huống rất khó dự đoán và giải quyết một cách chi tiết.
Chú thích:
(1) Như mọi người đều biết, lúc đó Paraguay có diện tích lớn hơn hiện nay. Những tu sĩ Dòng Tên đã lập ra các khu định cư và đưa người da đỏ vào các ngôi làng, và nói chung đã cứu họ khỏi các hành động tàn bạo của những kẻ chinh phục (chú thích của bản tiếng Anh).
(2) Theo Rousseau, sự tồn tại của con người xã hội là không hoàn chỉnh, theo nghĩa anh ta chỉ là một phần của xã hội. Tự biết mình như vậy - và suy nghĩ và cảm nhận từ quan điểm của cái toàn thể - con người trở thành con người đạo đức (chú thích của bản tiếng Anh).
Nguồn bản gốc: Dịch theo bản tiếng Anh The Law do Dean Russell dịch, Foundation for Economic Education, Irvington-on-Hudson, New York; tham khảo bản dịch tiếng Nga của S. A. Nikolaev.
Nguồn bản dịch: https://phamnguyentruong.blogspot.com/2017/08/luat-phap-frederic-bastiat-8.html