[Chế độ dân chủ -  Một dẫn nhập] Chương 11: Tương lai của sự tham gia

[Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập] Chương 11: Tương lai của sự tham gia

Những hình thức tham gia

Một số người nghĩ rằng những khó khăn của chế độ dân chủ có thể được giải quyết bằng cách giúp công chúng tham gia theo những hình thức mới. Lý tưởng của họ là chế độ dân chủ “tham gia”, tương tự như dân chủ theo nghĩa của thời xưa cũ: công dân trực tiếp tham gia vào việc ban hành quyết định. Họ đối chiếu cách làm này với những phương pháp “tổng hợp” ngày nay, tức là chỉ đếm phiếu bầu và cân bằng số lượng phiếu.

Có người gợi ý: bỏ phiếu là nghĩa vụ. Đi bỏ phiếu chỉ có tính “tham gia” rất yếu, ở chỗ không phải làm gì ngoài việc bỏ phiếu vào hòm, nhưng người ta hy vọng rằng nó cũng làm cho nhiều người quan tâm hơn đến cuộc tranh luận công khai. Một số nước đã áp dụng nghĩa vụ bầu cử, nổi tiếng là Australia, những chế độ dân chủ khác như Uruguay, Bỉ và Luxembourg cũng áp dụng cách làm này. Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy cách làm này tạo ra được kỳ ảnh hưởng lên kết quả bầu cử hay chất lượng của cuộc tranh luận công khai.

Đề xuất khác là dân chủ trực tiếp như trưng cầu dân ý và bỏ phiếu, tạo điều kiện cho người dân bỏ phiếu trực tiếp về luật pháp. Một lần nữa, cách làm này đã được nhiều nước áp dụng. Một số bang của Mỹ còn có những cuộc trưng cầu dân ý “phủ quyết”, tạo điều kiện cho cử tri ngăn chặn, không cho ban hành những đạo luật không được lòng dân. California cho phép các công dân đề xuất luật, thậm chí sửa đổi cả Hiến pháp Bang.

Các làm thứ ba là thăm dò sau khi đã thảo luận kỹ lưỡng. Người ta tổ chức thăm dò ý kiến một nhóm người đại diện. Sau đó, trong những ngày cuối tuần họ được mời tới để để thảo luận những vấn đề vừa được phát hiện. Họ được cung cấp những thông tin tóm tắt về các luận cứ. Họ thảo luận các vấn đề với nhau và với các chuyên gia và chính trị gia. Sau đó, họ được thăm dò lại để xem cuộc thảo luận sau khi đã có thông tin có những khác biệt gì so với kết quả thăm dò ban đầu. Người ta nói rằng cách làm như thế giúp các nhà lập pháp hiểu được các giá trị thực sự của công chúng một cách chính xác hơn.

Một biến thể của cách làm này là hội thẩm công dân, trong đó một nhóm nhỏ nhưng có tính đại diện, thường từ 12–24 người, gặp nhau, thẩm vấn các nhân chứng có chuyên môn và cân nhắc về các vấn đề. Ý tưởng là những phát hiện của họ sau đó sẽ ảnh hưởng đến sự lựa chọn của công chúng và của các nhà lập pháp.

Nhiều người ủng hộ chế độ dân chủ kỹ thuật số. Khoảng 2/3 số người không bỏ phiếu ở hòm phiếu nói rằng họ sẽ bỏ phiếu trực tuyến, nếu được. Những người ủng hộ ý tưởng này chỉ ra rằng, hệ thống trực tuyến cung cấp cho cử tri thông tin chi tiết hơn về các vấn đề và luận cứ trước khi họ đưa ra quyết định. Công nghệ thông tin đã và đang định hình tiến trình dân chủ. Australia đi tiên phong bằng nền tảng “MiVote”, mang đến cho cử tri nhiều quan điểm khác nhau về tất cả các vấn đề đang được tranh luận tại Quốc hội. Năm 2008, Iceland đã sử dụng nguồn lực từ cộng đồng để cải cách hiến pháp. Estonia tự gọi mình là “quốc gia điện tử”. Và hiện nay hệ thống dịch thuật và học máy có thể tổ chức các cuộc tranh luận quy mô lớn với sự tham gia của người dân trên toàn thế giới.

Nhưng công nghệ có thực sự thúc đẩy cuộc tranh luận công khai có hiểu biết? Bằng chứng cho thấy là không: trong khi công nghệ mang tới cho mọi người quyền truy cập một lượng thông tin khổng lồ và tạo điều kiện cho họ bỏ phiếu về nhiều vấn đề (chứ không chỉ lựa chọn ứng cử viên giữ chức vụ nào đó), thì họ vẫn thiếu kiến thức theo lối duy lý, vì họ không có nhiều thời gian và phiếu bầu của mỗi người vẫn có rất ít giá trị.

Những luận cứ ủng hộ việc tham gia

Một trong những câu trả lời có thể là thu hút nhiều người thêm nữa tham gia vào quá trình ban hành quyết định. Và cũng có những luận cứ khác. Nhiều người cho rằng lôi kéo công dân tham gia vào quá trình ban hành quyết định xã hội là tốt. Nó làm cho mọi người suy nghĩ về các vấn đề khác nhau. Nó giúp nâng cao nhận thức xã hội của họ. Có nhiều kiến thức hơn sẽ dẫn đến những lựa chọn chính xác hơn. Và có thể được thực hiện ở tất cả các tầng – chính phủ có thể khai thác trí tuệ của cả nước khi giải quyết những vấn đề quan trọng mang tầm quốc gia, trong khi những người thuê nhà trong một khu nhà ở có thể sử dụng ý tưởng này nhằm quyết định cách vận hành tòa nhà của họ.

Có cả những luận cứ thực tế nữa. Những phương pháp bỏ phiếu xưa cũ làm cho chế độ dân chủ trở thành tập quyền quá mức, cồng kềnh, chậm chạp và bị giới hạn. Các chính trị gia không thể tính đến quan điểm của tất cả mọi người, kết quả là chính sách có tác dụng tốt với một số người nhưng lại không tốt đối với những người khác. Việc ban hành quyết định phi tập trung hơn sẽ nhanh hơn và tạo ra các chính sách phù hợp hơn với người dân địa phương và do đó, ổn định hơn. Trong khi nền chính trị kiểu cũ chỉ có thể tấn công cử tri bằng các khẩu hiệu và ngôn từ, thì các hệ thống trực tuyến tạo điều kiện cho họ truy cập vào toàn bộ trang web với các thông tin liên quan. Và kiểu dân chủ tham gia này có thể phá vỡ sự kiểm soát của các đảng có uy tín, tạo điều kiện cho các ý tưởng mới phát triển và quá trình thay đổi các điều kiện xã hội sẽ diễn nhanh chóng hơn.

Những luận cứ thực tế chống lại sự tham gia

Chưa thuyết phục được những người phê phán. Họ khẳng định rằng các kỹ thuật dân chủ trực tiếp như trưng cầu dân ý hoặc các sáng kiến bỏ phiếu vẫn đòi hỏi cử tri phải đầu tư thời gian và công sức quý báu để tìm hiểu và cân nhắc các vấn đề, mặc dù lá phiếu cá nhân của họ vẫn có ảnh hưởng rất nhỏ. Và nếu chúng ta không thể dựa vào cử tri để đưa ra những quyết định sáng suốt, thì có lẽ tốt hơn là giao quyền điều hành cho những đại diện có hiểu biết tốt hơn. Nhà lãnh đạo cách mạng Pháp Maximilien Robe spierre (1794) viết: “Dân chủ không phải là nhà nước, trong đó, nhân dân liên tục họp nhau lại và tự mình chỉ đạo các công việc chung. Dân chủ là nhà nước, trong đó, người dân, với tư cách là người có chủ quyền… làm cho mình những việc họ có thể làm tốt và thông qua các đại biểu của mình để làm những việc họ không thể …”.

Hơn nữa, kinh nghiệm của Hoa Kỳ chứng tỏ rằng các sáng kiến bỏ phiếu phần lớn đều do các đảng chính trị có uy tín thúc đẩy, vì họ có nguồn tài trợ và năng lực vận động lớn nhất. Ngoài ra, các sáng kiến ​​bỏ phiếu thường được tổ chức kém hoặc được thúc đẩy bởi các nhóm lợi ích tìm cách lợi dụng người nộp thuế hoặc dìm lợi ích của đối thủ - nghĩa là tất cả các cuộc bầu cử đều chứng kiến các doanh nghiệp lãng phí hàng triệu đô la để chống lại các đề xuất có hại hoặc kém cỏi. Và các hệ thống này tạo ra những quyết định trái ngược nhau về tài chính và pháp lý.

Các cuộc trưng cầu dân ý dường như mâu thuẫn với chế độ dân chủ đại diện - mục đích chung của nó là giúp cử tri, để họ không phải quyết định tất cả các vấn đề bằng cách giao nhiệm vụ cho những người đại diện của mình. Vậy trưng cầu dân ý để làm gì? Trưng cầu dân ý có thể ban hành luật hay không (dùng trưng cầu dân ý thì một số bộ luật đầy mâu thuẫn và phi tự do có thể sẽ được thông qua)? Trưng cầu dân ý có hướng dẫn các nghị sĩ cách bỏ phiếu không (và điều chuyện gì sẽ xảy ra nếu các nghị sĩ bỏ phiếu theo cách khác)? Hay chúng chỉ đơn giản là có tính tư vấn (nếu thế, tại sao không đơn giản là dựa vào các cuộc thăm dò ý kiến)? Thường thì không có câu trả lời rõ ràng cho những câu hỏi này. Nhưng mặc dù vai trò chính xác của trưng cầu dân ý trong chế độ dân chủ đại diện có thể là không rõ ràng, nhưng chúng có thể có chức năng tích cực. Bằng chứng được học giả người Mỹ, John G. Matsusaka (2004), thu thập cho thấy rõ ràng rằng, các cuộc trưng cầu dân ý ở địa phương có thể và thực sự giúp giải quyết các tranh chấp chính trị và tiết kiệm được tiền của người đóng thuế.

Những người phê phán nói rằng chế độ dân chủ kỹ thuật số vẫn do các đảng phái có uy tín và các nhóm vận động hành lang có nhiều khoản tài trợ thúc đẩy. Và một số công dân, đặc biệt là người già, có thể ít tiếp cận được quá trình tham gia trực tuyến, kết quả là khái niệm bình đẳng chính trị bị suy yếu.

Những người phê phán, ví dụ như Jason Brennan (2016), khẳng định rằng hệ thống thảo luận còn đưa ra quyết định tồi tệ hơn là các phương pháp tổng hợp thông thường. Các nhóm thảo luận có xu hướng khuếch đại sự hiểu biết mà họ nhận được chứ không phải là khám phá những ý tưởng mới. Những người tham gia dễ bị những cá nhân đầy sức mạnh có quan điểm mạnh mẽ dắt mũi. Về lý thuyết, những điều phối viên độc lập có thể khắc phục vấn đề này; nhưng chắc chắn là các điều phối viên có thể đưa những thành kiến của mình vào cuộc thảo luận. Mặt khác, một số người có quan điểm không hợp thời có thể cảm thấy lúng túng khi nêu quan điểm của mình trước mặt người lạ - mặc dù họ hoàn toàn sẵn sàng thể hiện theo lối ẩn danh trong phòng bỏ phiếu. Vì vậy, một lần nữa, các nhóm thảo luận sẽ có xu hướng đưa ra những kết luận thông thường và trung dung, không đại diện cho toàn bộ phổ dư luận.

Chống lại sự tham gia về nguyên tắc

Những người phê phán còn khẳng định rằng tham gia thông qua các kênh chính thức không mang tính “dân chủ” hơn những hình thức hiện có. Công dân đã giao tiếp trực tiếp - với số lượng lớn - thông qua mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác, một hình thức tham gia ngay lập tức và sâu rộng hơn hẳn bất kỳ hội thẩm công dân nào có thể được thành lập. Và không rõ liệu những phương pháp tham gia chính thức hơn có thực sự giúp giáo dục và khai sáng cử tri hay không. Ví dụ, bầu cử bắt buộc dường như không nâng cao kiến thức của người dân về các vấn đề chính trị hoặc làm cho thay đổi kết quả bầu cử.

Trong bất kỳ trường hợp nào, những người phê phán nói tiếp, vấn đề không phải là giáo dục mà là động lực. Các cử tri bị thông tin tấn công mỗi ngày; họ chỉ lờ đi, vì có nhiều việc riêng cấp bách, cần quan tâm hơn. Mong muốn được tham gia của mọi người là rất khác nhau. Chỉ có một số ít người tham gia các đảng phái, đi phát tờ rơi, tham gia các cuộc họp chính trị hoặc quyên góp tiền cho sự nghiệp. Vậy thì, vì sao chúng ta lại cho rằng mọi người đều muốn suy nghĩ về những vấn đề công cộng nếu họ có cơ hội? Hầu hết mọi người đều có thể tưởng tượng rằng đấy là những việc chán ngắt.

Những người chỉ trích kết luận rằng, đối với hầu hết mọi người, tham gia thông qua các dàn xếp chính thức đơn giản là chẳng mang lại lợi ích gì. Người ta không đánh giá cao, không tôn trọng nó hoặc sử dụng cơ hội này một cách khôn ngoan. Về bản chất, nó không tốt hơn hay “dân chủ” hơn những hình thức mà chúng ta đã có.

Chúng ta có muốn “nhiều dân chủ hơn”?

Brennan (2016) nói rằng có những lý do mạnh mẽ khác chứng tỏ vì sao chế độ dân chủ “tham gia” nhiều hơn thực sự có thể tạo ra kết quả tồi tệ hơn. Chúng ta biết rằng cử tri thiếu hiểu biết về các vấn đề công cộng đến mức có thể làm người ta ngạc nhiên; ý tưởng cho rằng việc tham gia có thể biến họ thành các chuyên gia về chính sách là lố bịch. Có lẽ họ thậm chí không thể trở thành những người nghiệp dư sành sỏi - và sẽ bực bội khi cố gắng làm như vậy. Những lo lắng khác như công việc, nhà ở, gia đình và sở thích đều cấp bách hơn hoặc quan trọng hơn đối với họ. Do đó, buộc họ tham gia vào chính trị chắc chắn là có hại đối với họ: trong khi không có thời gian để làm những việc mà họ đánh giá cao và muốn làm thì họ lại phải dành thời gian để làm những việc mà họ không thích làm,

Chính trị có nên chiếm phần lớn đến như thế trong đời sống của chúng ta? Chính trị dường như không làm cho con người có ý thức xã hội hơn hay có đạo đức hơn; nó có thể có nhiều khả năng làm cho người ta trở thành xấu xa. Sức cám dỗ của quyền lực chính trị cũng như viễn cảnh áp đặt quan điểm của bạn lên cuộc đời của những người khác rất có sức hấp dẫn. Mục đích của chế độ dân chủ tự do là hạn chế quyền lực như thế và do đó, ngăn chặn, không để cho những người có thẩm quyền bắt nạt và bóc lột người khác. Nhưng việc ban hành quyết định tập thể càng được coi là hợp pháp khi gọi nó là “dân chủ tham gia”; càng dễ dàng hơn thì các nhóm thiểu số càng khó chống lại hơn.

Thế thì thì tại sao lại có rất nhiều người hoạt động chính trị quan tâm đến dân chủ “nhiều hơn” hoặc “sâu sắc hơn”? Có lẽ họ thực sự tin rằng dân chủ nhiều hơn sẽ thúc đẩy những giá trị quan trọng như bình đẳng chính trị, hoặc minh bạch hơn, làm cho đạo đức gia tăng hoặc lấy bớt quyền lực của những người hoạt động trong lĩnh vực chính trị. Nhưng có thể có những lời giải thích không từ bi đến như thế. Có lẽ họ chỉ đơn giản muốn hợp pháp hóa và mở rộng quá trình ban hành quyết định tập thể, với ý nghĩ cho rằng đó là cách điều hành xã hội tốt hơn là giao quyền quyết định cho các cá nhân. Có lẽ họ nhận ra rằng cử tri có xu hướng can thiệp nhiều hơn là các nghị sĩ dân cử. Hoặc có lẽ họ nghĩ rằng chính phủ can thiệp nhiều hơn sẽ cung cấp nhiều công ăn việc làm và địa vị cho những người trí thức như họ.

Ý tưởng về chế độ dân chủ hạn chế

Nếu các cử tri thực sự là những người không có lý trí, thiếu hiểu biết, mang tính bộ lạc và tư lợi, thì câu hỏi thực sự không phải là làm thế nào để thay đổi họ (đây dường như là hy vọng hão huyển), mà là vì sao họ lại có quyền lực đối với người khác. Đó là luận cứ, không phải để ủng hộ dân chủ nhiều hơn, mà là ủng hộ chế độ dân chủ hạn chế hơn - vì chính phủ được kiềm chế không thể giành quyền ban hành những quyết định mà chúng ta có thể tự soạn thảo, mà tập trung vào vai trò chính của chính phủ là bảo vệ các quyền, quyền tự do và an ninh của chúng ta.

Quan điểm của phái tự do về dân chủ là chúng ta tạo ra chế độ để bảo vệ chúng ta chứ không phải để kiểm soát chúng ta. Nó không phải là cơ chế tạo điều kiện cho đa số quản lý phần lớn đời sống của mọi người. Nó chỉ đơn giản là biện pháp lựa chọn những người đại diện có thể có kiến thức tốt hơn, quan tâm hơn và có khả năng hơn trong việc ban hành một số quyết định cần phải được ban hành theo lối tập thể. Thay vì tìm cách biến các cử tri thành cái mà họ không muốn trở thành, tốt hơn là nên xây dựng các thiết chế nhằm tạo ra chính phủ tốt nhất có thể, trên cơ sở là những cử tri mà họ thực sự đang là.

Nguồn: Eamonn Butler, Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập, Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên gốc: Eamonn Butler (2020), Introduction to Democracy, London Publishing Partnership.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường