[Từ nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo phát triển] - Chương 3: Xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng (Phần 3.1)
DẪN NHẬP
Cạnh tranh công bằng (fair competition) luôn được xem như là động lực phát triển kinh tế trong điều kiện nguồn lực khan hiếm của nền kinh tế thị trường. Nhờ cạnh tranh lẫn nhau, các nhà sản xuất chịu sức ép phải tạo ra nhiều loại sản phẩm hàng hoá và dịch vụ mới hơn, với chất lượng tốt hơn, và giá cả thấp hơn để cung cấp cho người tiêu dùng. Vì lẽ đó, thiết lập và duy trì một môi trường cạnh tranh công bằng cho các chủ thể kinh doanh thông qua hệ thống các chính sách và pháp luật cạnh tranh của nhà nước là điều kiện tiên quyết để nền kinh tế thị trường hoạt động hiệu quả, phân bổ nguồn lực khan hiếm vào những nơi đem lại nhiều giá trị nhất cho xã hội (Stigler, 2008; Heyne, Boettke, và Prychitko, 2014, tr. 102-6).
Ở đây, tính từ “công bằng” gắn với môi trường cạnh tranh mà nhà nước mang lại chính là điểm để phân biệt một nhà nước kiến tạo với một nhà nước nhà nước điều hành (theo kiểu chỉ huy) trong việc thiết lập môi trường cạnh tranh. Cụ thể, một nhà nước điều hành sẽ có xu hướng sử dụng các công cụ hành chính để can thiệp trên diện rộng và sâu vào các hoạt động kinh doanh, dẫn tới các tầng nấc, vị thế cạnh tranh khác nhau giữa các chủ thể kinh doanh, và do đó tạo ra môi trường cạnh tranh không công bằng; trong khi một nhà nước kiến tạo sẽ tập trung vào việc tạo dựng và bảo vệ một khung khổ pháp lý chung, không phân biệt đối xử giữa các chủ thể kinh doanh đang hoặc có ý định tham gia vào bất kỳ hoạt động kinh doanh nào, nhờ đó tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng để các chủ thể kinh doanh có thể yên tâm tự do kinh doanh và chủ động sáng tạo trong khung khổ này. Bên cạnh đó, nhà nước kiến tạo cũng sẽ thiết lập các quy tắc cạnh tranh chung và ổn định lâu dài để thưởng cho những doanh nghiệp thành công trong hoạt động kinh doanh của mình. Điều này khác với nhà nước điều hành, thường trợ cấp cho một số doanh nghiệp nhất định, bất kể kết quả kinh doanh của chúng có tốt hay không.1
Lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn của các nước đang phát triển trước đây cho thấy, một nhà nước theo đuổi mô hình kiến tạo, nếu tạo dựng và bảo vệ được môi trường cạnh tranh công bằng, thì sẽ thành công trong phát triển kinh tế và xã hội (như trường hợp của Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore), và ngược lại, nếu không giữ được môi trường cạnh tranh công bằng, thì sẽ bị thoái hoá trở thành các nhà nước cấu kết như độc tài, dân tuý hoặc tư bản thân hữu (như trường hợp của các nước châu Mỹ Latinh và các nước vùng hạ Sahara của châu Phi), và kìm hãm sự phát triển của đất nước (Onis, 1991; Aoki, 2001, tr. 173).
Việt Nam là một quốc gia nằm trong khu vực Đông Á, nơi mô hình nhà nước kiến tạo đã tỏ ra thành công. Sau một thời gian chuyển đổi từ mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang mô hình kinh tế thị trường, Đảng và Nhà nước đã nhận ra sự cần thiết phải thiết lập khung khổ chính sách cạnh tranh. Vào năm 2005, Luật Cạnh tranh đã chính thức ra đời, thiết lập nền tảng pháp lý đầu tiên cho môi trường cạnh tranh ở Việt Nam, với các chế định nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng cũng như ngăn chặn, hạn chế, xử lý các hành vi gây thiệt hại/cản trở cạnh tranh. Ở phạm vi rộng hơn, từ đầu những năm 2000, một loạt các văn bản pháp luật về môi trường đầu tư kinh doanh nói chung và về từng lĩnh vực kinh doanh cụ thể nói riêng (như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật Xây dựng, Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Sở hữu trí tuệ...) cũng đã được ban hành và/hoặc hoàn thiện, tạo khung khổ cho các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Các văn bản này tuy không trực tiếp quy định về hành vi cạnh tranh, nhưng bằng các quy định về các điều kiện gia nhập thị trường, tiếp cận các nguồn lực, vận hành trên thị trường và rút khỏi thị trường, chúng đã trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng, tác động tới vị thế cạnh tranh của các doanh nghiệp và các chủ thể kinh doanh khác trong những lĩnh vực kinh doanh cụ thể.
Trong gần một thập kỷ qua, Luật Cạnh tranh 2005 và các văn bản luật liên quan đến môi trường kinh doanh khác đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập một khung khổ cho các hoạt động cạnh tranh trên thị trường nội địa Việt Nam. Tuy vậy, hệ thống các văn bản pháp luật này dường như đang tỏ ra ít nhiều lạc hậu, đặc biệt là Luật Cạnh tranh, chưa có bất cứ sửa đổi gì từ khi ban hành. Việc thực thi pháp luật cạnh tranh cũng gặp phải nhiều trở ngại, mang tính hành chính, dẫn đến số lượng những vụ việc vi phạm pháp luật cạnh tranh được điều tra và xử lý là rất ít. Một vấn đề khác là việc ban hành cũng như quá trình thực thi các văn bản pháp luật liên quan đến môi trường kinh doanh hầu như không có sự gắn kết cụ thể nào với Luật Cạnh tranh, cũng không có định hướng hay rà soát nào rõ ràng từ góc độ cạnh tranh. Trong khi đó, với tính chất là pháp luật chuyên ngành, các văn bản pháp luật này đều ảnh hưởng đến cạnh tranh, nhưng lại được ưu tiên áp dụng so với pháp luật cạnh tranh khi không hoặc chưa thống nhất với các nguyên tắc cơ bản về cạnh tranh. Những bất cập như vậy liên quan đến môi trường cạnh tranh đang thực sự là một cản trở cho việc xây dựng một nhà nước kiến tạo tại Việt Nam.
Trong chương này, trong Phần 3.2, chúng tôi sẽ xây dựng một khung khổ lý thuyết liên quan đến việc thiết lập và duy trì môi trường cạnh tranh công bằng trong mô hình nhà nước kiến tạo. Dựa trên khung lý thuyết này, chúng tôi sẽ rà soát lại pháp luật và việc thực thi pháp luật về cạnh tranh của Việt Nam trên cơ sở so sánh với thông lệ quốc tế và bối cảnh cụ thể của Việt Nam. Tiếp đến, trong Phần 3.3, chúng tôi sẽ đánh giá hiện trạng hệ thống các chính sách, pháp luật có ảnh hưởng tới môi trường cạnh tranh của các doanh nghiệp để xác định những tác động bất hợp lý tới cạnh tranh cũng như những bất cập từ cơ chế trong kiểm soát các quy định có liên quan tới cạnh tranh. Dựa trên các rà soát và đánh giá hiện trạng đó, trong Phần 3.4, chúng tôi sẽ đưa ra một bức tranh toàn cảnh về môi trường cạnh tranh Việt Nam, từ đó nhận diện được những bất cập đang cản trở sự vận hành của hoạt động cạnh tranh ở Việt Nam. Trên cơ sở những phát hiện này, trong Phần 3.5, chúng tôi sẽ đưa ra các kiến nghị, đề xuất nhằm tạo dựng một môi trường cạnh tranh công bằng, có tính ổn định lâu dài cho các chủ thể kinh doanh tại Việt Nam.
Chú thích:
(1) Trong khung khổ lý thuyết kinh tế học thể chế mới, việc đối sánh khái niệm nhà nước điều hành và nhà nước kiến tạo được đề cập ở đây thực chất là việc đối sánh giữa hai khái niệm nhà nước cấu kết (collusive state) với nhà nước phát triển (developmental state), theo đó loại nhà nước sau tuy vẫn mang bản chất cấu kết nhưng quyết định cấu kết với ai được dựa trên các tiêu chí cạnh tranh về kết quả thực hiện giữa các chủ thể (Aoki, 2001, tr. 172-3). Chi tiết về sự phân biệt này, xem thêm trong Chương 1.
Nguồn: Đinh Tuấn Minh và Phạm Thế Anh (chủ biên) (2017). Từ nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo phát triển . NXB Tri Thức. (Báo cáo được thực hiện bởi các nhóm nghiên cứu: CIEM, VIE, VEPR, VCCI).